Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Để đạt được nước Trời



Cậu bé tân tòng và sứ giả truyền tin

Thứ hai - 25/07/2016 19:21
Cậu bé tân tòng và sứ giả truyền tin
Cậu bé tân tòng và sứ giả truyền tin
Nhìn dáng vẻ bên ngoài, Lương Vĩ Quang có những nét thường gặp nơi nhiều sinh viên: đeo kính cận, ôm đồm sách vở, hòa đồng. Điểm khác biệt ấn tượng so với bao bạn bè là chặng đường cậu đã theo đạo và nay đang thầm dưỡng nuôi ơn gọi.
Sinh ra và lớn lên tại thị trấn An Phú, tỉnh An Giang. Ngày còn nhỏ, những câu kinh kệ của ông ngoại (đạo Hòa Hảo) và bà ngoại (đạo Cao Đài) thoáng qua tâm trí cậu bé Quang. Khi vào tiểu học, cậu là “trò cưng” của thầy hiệu phó Nguyễn Quang Minh, một ông giáo thích trẻ con nên thường cho kẹo các học sinh ngoan. Là người Công giáo nên thầy hay rủ vài trò cùng đi lễ Chúa nhật ở nhà thờ Châu Đốc (cách An Phú 15km), song do không “có đạo” nên phần đông đều lắc đầu từ chối, ngoại trừ Quang. Trong thời gian theo thầy dự lễ, điều khó quên với cậu tới tận hôm nay là chuyện phải quỳ mỗi khi kiệu Đức Mẹ. “Sợ đau gối nên có hôm em trốn rước kiệu, thầy Minh biết, nói không được làm vậy. Nhờ đó, em dần biết Mẹ Maria là ai. Trước đây, em từng mua mặt dây chuyền khắc hình một bà nước ngoài bồng em bé mà thoạt nhìn em rất thích. Giờ thì em đã rõ tiểu sử về Người đó”, Quang kể.

Mấy năm sau, thầy giáo Minh chuyển trường, về gần nhà trên TP Long Xuyên. Còn lại một mình, tưởng chừng sẽ “bỏ” nhà Chúa, ngờ đâu cậu trò nhỏ vẫn đi xe buýt hoặc xe đạp để tới nhà thờ. Lòng cảm mến, “phải lòng” đạo ngày một gia tăng nên mùa hè năm lớp 8, Quang quyết định được trở thành con Chúa. Sau khi trình bày mong muốn với người thầy cũ, thầy hỏi cậu có thật sự ước ao và suy nghĩ kỹ càng chưa, trò Quang gật đầu. Thế rồi, cậu khăn gói lên nhà vị thầy đáng kính, vừa học hè vừa học giáo lý. Hai tháng sau, ngày 29.8.2010, cậu được rửa tội tại nhà thờ Chánh tòa Long Xuyên, chọn thánh bổn mạng là Bênêđictô vì người đứng đầu Giáo triều bấy giờ là ĐGH Biển Đức XVI.
           Ngày Quang theo đạo, nhiều người trong gia đình phản đối. Ngoài hai chị gái, cậu là con trai duy nhất nên việc đứa cháu cải đạo đã không nhận được sự ủng hộ của họ hàng hai bên, vốn dĩ đang theo những tôn giáo khác. Hơn thế, Quang mồ côi cha khi 9 tuổi, ông bà nội, các chú bác sợ đứa cháu “sau này không biết thờ ông bà”. Buổi ấy, dù không cấm cản nhưng chị Phương Hồng - mẹ của Quang - cũng ngạc nhiên trước ý nghĩ của con. Dầu vậy, người phụ nữ trẻ ngập ngừng thổ lộ: “Tôi biết rằng tín ngưỡng nào cũng muốn giúp người ta hướng thiện, sống tốt hơn trong cuộc đời. Nếu con mình đã muốn vậy, tất có lý do chính đáng. Vả lại, nếu điều đó làm cháu vui và hạnh phúc, người làm mẹ sao nỡ từ chối”.
Về phía Quang, từ ngày thành Kitô hữu, cậu sốt sắng và nhiệt thành hơn trong việc giữ đạo. Rảo chân quanh khu vực sinh sống, cậu thấy một số gia đình cũng có bàn thờ Chúa nhưng ít khi bắt gặp họ đi lễ, và không hiểu vì sao chỗ mình không có nhà thờ, muốn dự lễ phải đi thật xa. Đem thắc mắc ấy về hỏi ông ngoại, cậu mới biết vùng An Phú từng có nhà nguyện, song sau này, cơ sở thờ tự của bổn đạo không còn nữa. Là con chiên vừa mới theo đạo ít lâu, cậu buồn và chạnh lòng trước hoàn cảnh ở quê mình.
        Tháng ngày kế tiếp, cộng tác vào hành trình chuẩn bị phục sinh xứ đạo, cậu học trò vui vẻ nhận nhiệm vụ giúp cha xứ Châu Đốc đi lập danh sách các gia đình Công giáo quanh vùng. Một buổi tới trường, buổi còn lại cậu và một giáo dân khác đạp xe khắp các xã để ghi nhận những ai là giáo hữu. Thời gian thấm thoắt trôi, dần dần các thánh lễ tại tư gia được phép cử hành. Mọi người bớt vất vả khi phải về nhà thờ Châu Đốc xa xôi dự lễ như trước. Và nhà Quang cũng từng là điểm để linh mục tới dâng lễ nhân dịp giỗ ba cậu. Với chàng trai miền Tây, đó mãi là kỷ niệm và niềm tự hào khó phai...
       ... Bây giờ thì ước mơ về một ngôi thánh đường của bà con An Phú đang dần đi vào hiện thực. Cha Khoa đã mua một mảnh đất nơi đây, ngược xuôi tìm nguồn để hoàn tất các thủ tục và cất nhà thờ. Lương Vĩ Quang thì đang là sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh trường Đại học Cần Thơ và sinh hoạt tại lưu xá gần đó. Song song việc học, cậu đang tìm hiểu và tiếp tục suy nghĩ về ơn gọi đời tu. Xa nhà, xa quê giữa lúc nhà nguyện An Phú đang khởi công, cậu trầm tư: “Phải chi em được về thường xuyên sẽ phụ giúp chút gì đó. Giáo dân ai cũng bận bịu mưu sinh hoặc tuổi cao sức yếu nên không thể khuân vác nặng. Đây là công trình chờ đợi suốt 5 năm nên có ý nghĩa nhiều lắm!”.
        Cuộc trò chuyện sắp kết thúc, cậu nhìn đồng hồ rồi nói vẫn còn rảnh rỗi vì đến tối mới đi làm thêm công việc giữ xe. Học giỏi, lễ phép và chững chạc, chuyện về chàng sinh viên tân tòng góp phần phục hồi xóm đạo nhỏ bé thật thú vị, đặc biệt.
Phú Khang


Thứ Năm 25/8/2016.Tuần 21 TN
Phúc Âm: Mt 24:42-51.

45 "Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc?
46 Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy.
47 Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình.
48 Nhưng nếu tên đầy tớ xấu xa ấy nghĩ bụng: "Còn lâu chủ ta mới về",
49 thế rồi hắn bắt đầu đánh đập các đồng bạn, và chè chén với những bọn say sưa,

50 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không chờ, vào giờ hắn không biết,
51 và ông sẽ loại hắn ra, bắt chung số phận với những tên giả hình: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng."



Suy niệm :
Có lần, tôi đọc được câu này nơi một nghĩa trang: “những gì các bạn đang là chúng tôi đã từng là và những gì chúng tôi đang là các bạn sẽ là!” Câu ấy là một lời nhắc nhở cho chúng ta về cái chết sẽ đến cho mỗi người.
Lời Chúa hôm nay cũng nói với chúng ta: “Anh em hãy canh thức vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh sẽ đến.” Và để làm nổi bật hơn về tính bất ngờ của ngày đó, Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh của một tên trộm độp nhập vào nhà và lấy đi những gì người ta có vào lúc chủ nhà không ngờ.
Do đó chúng ta cần chọn lựa thái độ sống như thế nào đây? Chúng ta ai cũng biết mình sẽ có ngày phải chết như dường như đa phần là ta sống như thể không có ngày phải chết. Như những đầy tớ suy nghĩ nông cạn trong Tin Mừng, ta nghĩ còn lâu chủ mới về nên mặc sức quậy phá, chè chén say sưa. Cái kết dành cho những đầy tớ nông nổi ấy là bị loại trừ ra khỏi nhà của Chủ và phải chịu hình phạt đau khổ đời đời.

Còn người đầy tớ khôn ngoan là người luôn trong tư thế chuẩn bị. Việc chuẩn bị sẽ không bao giờ thừa cho một chuyến hành hương vĩnh cửu. Và phần thưởng dành cho những người như thế là được tham dự vào bàn tiệc hạnh phúc muôn đời cùng với Chủ.
Lời Chúa hôm nay một lần nữa nhắc nhở cho chúng ta về điểm tới của đời mình để ta có một thái độ chọn lựa khôn ngoan. Xin Chúa ban Thánh Thần của Ngài cho chúng ta để chúng ta được khôn ngoan trong chọn lựa, và ơn sức mạnh cần thiết để đi theo con đường tình thương, công lý và sự thánh thiện của Thiên Chúa.
Lời cảnh báo về ngày chung kết của Chúa cũng là một niềm hy vọng cho những ai đang chuẩn bị bước đi trên con đường công chính của Chúa. Phần thưởng dành cho họ chính là Thiên Chúa, nguồn của mọi sự thật, vẻ đẹp, lòng tốt, tình yêu và sự sống đời đời.

Tâm tình :
Lạy Chúa Giêsu, xin cho Lời Ngài xâm chiếm tâm hồn con. Xin cho đời sống của con luôn là những ngày sẵn sàng chờ Chúa đến và Ngài chính là kho báu và niềm vui vĩnh cửu của con. Xin cho con mạnh mẽ trong đức tin, vững vàng trong hy vọng, và quảng đại trong lòng mến để con chỉ còn biết tìm kiếm Ngài và vinh quang của Ngài mà thôi.

GNsP

Không có nhận xét nào: