Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

Đừng nói suông...



Mẹ Têrêsa

Ngày 7 tháng 10 năm 1950, Vatican chấp thuận cho Teresa khởi đầu một dòng tu sau này trở thành Dòng Thừa sai Bác ái. Sứ mạng của dòng là chăm sóc, theo lời Teresa, "người đói khát, trần truồng, kẻ không nhà, người tàn tật, người mù, bệnh nhân phong, bất cứ ai đang cảm thấy thừa thãi, bị căm ghét, ruồng bỏ trong xã hội, những người đang là gánh nặng của xã hội và bị mọi người xa lánh." Tiên khởi chỉ là một dòng tu nhỏ với 13 tập sinh ở Calcutta; ngày nay có hơn 4 000 nữ tu điều hành các cô nhi viện, trại điều dưỡng AIDS, và các trung tâm từ thiện trên khắp thế giới. Dòng tu cũng chăm sóc người tị nạn, người khuyết tật, già lão, nghiện rươu, người nghèo và người vô gia cư, nạn nhân lũ lụt, dịch bệnh, và nạn đói.

Năm 1952, Mẹ Teresa mở ngôi nhà đầu tiên chăm sóc người sắp chết. Với sự hỗ trợ từ các viên chức Ấn, bà cho sửa một ngôi đền Ấn giáohoang phế thành Nhà Kalighat cho người Hấp hối, một trại điều dưỡng miễn phí cho người nghèo. Sau này bà đổi tên thành Kalighat, Nhà Thanh Tâm (Nirmal Hriday). Những người được mang đến đây được chăm sóc y tế và được chết trong nhân phẩm, được chôn cất theo niềm tin tôn giáo của họ; người Hồi giáo được đọc kinh Quran, người Hindu được tẩy rửa bằng nước sông Hằng, và người Công giáo được làm lễ xức dầu thánh. "Một cái chết đẹp", bà nói, cho những người từng sống kiếp thấp hèn như những con vật, nhưng chết như những thiên thần – được yêu thương và được trọng vọng." Không lâu sau đó, bà mở một ngôi nhà cho những người mắc bệnh Hansen (phong cùi), đặt tên là Shanti Nagar (Thành phố Hòa bình).Dòng Thừa sai Bác ái cũng thành lập một số cơ sở y tế mở rộng trên khắp Calcutta, cung cấp thuốc men, thực phẩm...

Năm 1982, khi cuộc bao vây Beirut lên đến đỉnh điểm, Mẹ Teresa đã thành công trong nỗ lực giải cứu 37 trẻ em mắc kẹt trong một bệnh viện giữa mặt trận bằng cách đàm phán cho một cuộc ngừng bắn giữa quân đội Israel và du kích Palestine. Được các nhân viên Hồng Thập Tự hộ tống, bà băng qua trận địa để đến ngôi bệnh viện đổ nát và giải cứu các bệnh nhi

Khi Đông Âu bắt đầu mở cửa vào cuối thập niên 1980, Teresa cho tiến hành hàng chục đề án tại các quốc gia trong vùng. Không hề nao núng khi bị chỉ trích về lập trường cứng rắn của bà về việc chống phá thai và li dị, bà chỉ nói, "Người ta nói gì cũng mặc, bạn chỉ cần cười và tiếp tục công việc của mình."

Mẹ Teresa đã đến Ethiopia cứu giúp những người bị nạn đói, đến Chernobyl giúp người nạn nhân phóng xạ, và đến với nạn nhân động đất ở Armenia.Năm 1991, lần đầu tiên bà trở lại quê hương và mở ngôi nhà Dòng Thừa sai Bác ái tại Tirana, Albnia.

Năm 1966, bà điều hành 517 cơ sở từ thiện trên hơn 100 quốc gia.Trải qua nhiều năm, Dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Teresa từ thành phần nhân sự chỉ 12 người đã phát triển đến hàng ngàn người phục vụ "những người nghèo nhất của dân nghèo" tại 450 trung tâm trên khắp thế giới...

Câu chuyện trên đây kể về Mẹ Tê rê xa Calcuta, một nữ tu quên mình chăm sóc cho những người đau khổ dưới mọi hình thức. một công việc rất khó khăn nhưng nhờ tình yêu vào Chúa Giê su mãnh liệt Mẹ đã không quản ngại dơ bẩn, hôi thối đến ủi an, ôm lấy họ với lòng thương cảm theo gương Chúa Giê su dạy: "Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em."Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau đây :



Thứ Bảy 20/8/2016.Tuần 20 TN
Phúc Âm: Mt 23:1-12.
1 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng:
2 "Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy.
3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.
4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.
5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài.
6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường,
7 ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi".
8 "Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.
9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.
10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô.
11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.
12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.


Suy niệm :
Chúa luôn đòi con người chú trọng đến đời sống tinh thần bên trong hơn là những nghi thức hoành tráng bên ngòai; đến mối liên hệ sâu đậm với Thiên Chúa và giữ các điều răn của Ngài hơn là những danh xưng hào nhoáng và giữ các tập tục của con người.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên dân chúng chú trọng đến đạo lý các kinh sư và biệt phái dạy họ; nhưng đừng làm những gì họ làm, vì họ không thực hành những điều họ dạy.


Tâm tình :
Lạy Chúa Giê su, người đời thường thích phô trương, khoe khoang, thích được ca tụng, được nổi danh trước người khác chứ ít có ai chịu thua thiệt, chịu phô bày những cái xấu hoặc cái yếu của mình. Lạy Chúa, con thấy trong cuộc sống, những người có chức vụ thường được tôn vinh với những lời khen có cánh bay bổng, hào quang và quyền lợi lấp lánh ... Họ chỉ ra lệnh là người khác phải làm, không làm thì bị kỷ luật, bị phạt chứ có mấy ai đi theo lời dạy của Chúa :"Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên." Xin cho con biết phục vụ anh chị em cách vô vị lợi, biết mở rộng trái tim cùng với Chúa để ôm lấy những người có hoàn cảnh bất hạnh như Mẹ Tê rê sa Calcuta đã vì yêu Chúa mà xả thân lo cho người nghèo. Amen

Không có nhận xét nào: