Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

Tin hay không tin ?





VỀ MỘT PHƯƠNG THẾ TRUYỀN GIÁO HỮU HIỆU

Ngày nay rao giảng về mầu nhiệm Chúa Phục Sinh cho người khác có thể chấp nhận không phải dễ. Ngòai việc cần ơn trợ giúp của Chúa, còn cần phải có chứng tích yêu thương cụ thể của người rao giảng. Câu chuyện sau đây là một bằng chứng:

Một vị linh mục ở nước Bra-sin đã thuật lại kinh nghiệm truyền giáo của mình như sau: “Mỗi ngày, khi đi ngang qua một con đường ở Rio de Janeiro, tôi đều thấy một thanh niên ngồi dựa lưng vào tường và chìa chiếc nón ra xin tiền khách qua đường. Anh ta không đi lại được vì đôi chân bị què. Sau đó vì qua lại nhiều lần trên con đường này, nên tôi không còn để ý đến chàng thanh niên hành khất bị què kia.

Rồi một hôm, khi tôi đang đứng nói chuyện với một người quen ở một bên đường, thì thấy có nhiều người đi bộ ngang qua chỗ anh què ăn xin mà như không nhìn thấy anh và không chia sẻ tiền bạc gì để giúp đỡ anh. Tôi liền nghĩ đến thái độ làm lơ của thầy Tư tế và thầy Lê-vi trong dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu. Hai ông này đã tránh sang một bên đường mà đi và chỉ có người Sa-ma-ri ngoại giáo đã tỏ lòng thương xót nạn nhân bằng hành động cụ thể (x. Lc 10,30-35). Tôi quyết định noi gương người Sa-ma-ri nên đã vui vẻ tiến lại gần bắt chuyện: “Này anh bạn, anh có thể đứng dậy được không? Anh có muốn đi đứng giống như mọi người không? ...”Anh ta đưa cặp mắt mệt mỏi nhìn tôi dò xét, và khi đọc được sự thành thật trên gương mặt của tôi, anh đã trả lời: “Tôi luôn hy vọng sẽ có ngày cuộc đời của tôi tốt hơn và tôi được thoát khỏi cái nghề ăn xin nhục nhã hiện nay. Dĩ nhiên là tôi mơ ước một ngày nào đó tôi có thể tự mình đi đứng được như bao người khác. Nhưng làm sao kiếm ra tiền để lắp một đôi chân giả và mua được một cặp nạng đây?” Sau khi nghe anh tâm sự, tôi đã síết chặt tay anh và nói: “Tôi xin hứa là trong một ngày gần đây, giấc mơ của anh sẽ trở thành hiện thực”.

Trong bài giảng Thánh lễ Chúa Nhật mùa Chay hôm ấy, tôi đã kể về số phận đáng thương của người ăn xin này cùng với ước mơ nhỏ bé của anh. Rồi tôi đề nghị cộng đoàn cùng nhau làm một cuộc lạc quyên tại chỗ để giúp đỡ anh ta như một cách ăn chay tinh thần. Số tiền lạc quyên thu được hôm ấy đã gần đủ chi phí làm đôi chân giả và cặp nạng gỗ mà người ăn xin cần sử dụng. Tuần sau, khi tôi và hai đại diện cộng đoàn đến gặp và cho biết kết quả thì chàng thanh niên kia rất vui mừng. Ngay lúc đó, anh được chở đến bệnh viện chấn thương chỉnh hình để được ráp một đôi chân giả, và tập đi với đôi nạng mới.

Trong lễ Phục Sinh năm ấy, tôi mời anh đến nhà thờ dự lễ và dành cho anh chỗ ngồi đặc biệt cạnh bàn thờ chính. Trong bài giảng, tôi đã đề cập đến trường hợp của anh như sau: “Hôm nay chúng ta mừng ngày Chúa Giê-su trỗi dậy từ trong cõi chết, bước vào một cuộc sống mới. Người kêu gọi chúng ta mở rộng lòng giúp đỡ những anh chị em đang lâm cảnh nghèo khổ để họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hôm nay, nhờ sự quảng đại của cộng đòan mà anh bạn của chúng ta đây đã nhận được một cuộc sống mới”. Nói đến đây tôi mời anh què đứng dậy để giới thiệu anh với cộng đoàn. Sau đó mọi người trong nhà thờ đều phấn khởi khi nghe những lời phát biểu chân thành của anh, và vỗ tay tán thưởng khi nghe anh ngỏ ý xin gia nhập cộng đoàn. Cuối cùng anh què đã được xếp vào đội hình những người lên dâng lễ hôm đó.
Niềm tin được biểu lộ bằng hành động. Câu chuyện trên đây đã nói lên điều đó
Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau đây :


Chúa nhật 23/4/2017 - Tuần 2 PS
Kính lòng thương xót Chúa
Tin Mừng: Ga 20,19-31


19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.
24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. 28 Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” 29 Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”.
30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

Tại sao môn đệ Tôma đòi được tận tay chạm vào các thương tích của thập giá? đòi hỏi của Tôma có thật sự cần thiết không? Gặp được Thầy Giêsu sống động đi lại, nói năng và ăn uống như người thường, chẳng lẽ lại không đủ tin Đức Giêsu đã sống lại sao?

Theo Tin Mừng Gioan, việc Thầy Giêsu bị đóng đinh vào thập giá và con tim bị đâm thủng không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa về cái chết thể lý của một thân xác treo trên thập giá, nhưng đối với các môn đệ, đó là nội dung giáo lý trường kỳ của Đức Giêsu: dấu đinh trên tay chân và vết thương nơi cạnh sườn nói lên sự tự hiến yêu thương và diễn tả tình yêu bao la của Thiên Chúa cứu độ. Khi hiện ra, Đức Giêsu cho các ông xem tay và cạnh sườn, hẳn Đức Giêsu muốn nói với các môn đệ của Người, một điều gì đó xa hơn là điều khẳng định Người đã sống lại về mặt thể lý. Điều Ngài muốn biểu lộ là gì? Đó là tình yêu thương xót và cứu độ của Thiên Chúa đã trở thành bất diệt và toàn thắng, thể hiện rõ nét nơi các vết thương còn lưu lại trên thân mình phục sinh.
Các môn đệ và cả chúng ta cần cảm nhận cụ thể để tin vào điều này cách bền vững. Niềm tin vào Đấng Phục Sinh sẽ chẳng bao giờ trọn vẹn nếu không đi đến cùng của lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.

Chúa Nhật II Phục Sinh, Giáo Hội dành để mừng kính Lòng Thương Xót của Chúa, chúng ta được mời gọi để chạm vào các vết thương của Chúa. Chúng ta không lạ với những vết thương trong đời, những vết thương là dấu chỉ của tình yêu, có những vết sẹo là kết quả của tha thứ. Kinh nghiệm của Tôma không chỉ là kinh nghiệm việc Thầy đã sống lại, nhưng còn là kinh nghiệm thiêng liêng khác: Những vết sẹo ấy không chỉ là bằng chứng sống động Chúa đã phục sinh, nhưng còn là dấu chỉ của tình yêu đến cùng, của tình bạn đến hy sinh mạng sống, và của lòng thương xót tha thứ vô hạn của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, được chạm vào các vết thương của Đấng Phục Sinh là vinh dự được chạm đến lòng thương xót. Chúa Nhật thứ II Phục Sinh, Hội Thánh hướng chúng con về lòng nhân lành hay thương xót của Thiên Chúa. Cuộc khổ nạn thập giá của Chúa là biểu hiện cao nhất, mạnh mẽ nhất của Lòng Thương Xót Chúa dành cho nhân loại. Trước Thánh Thể, chúng con chúc tụng, tôn vinh và cảm tạ lòng Chúa xót thương, xin cho chúng con được ơn cảm nh ận tình yêu thương xót để chúng con luôn trung thành với sứ mạng loan báo phẩm giá sự sống, tình thương và ơn cứu độ mà Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết cách yêu thương như Chúa: Yêu thương không chỉ là trao cho nhau những nụ cười xã giao, cũng không phải nắm lấy tay nhau để chào hỏi những câu dư thừa, hay chúc bình an cho nhau mà trong lòng vẫn còn tức tối. Nhưng yêu thương là phải thật lòng tha thứ cho nhau. Xin Chúa thương ban bình an cho chúng con như xưa Chúa đã ban cho các môn đệ. Amen

Không có nhận xét nào: