Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã



Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Ga 8,21-30

Đừng ngủ mê trong tội

Là người đều có những lầm lỗi hay có những lần vấp ngã, điều quan yếu là biết nhận lỗi và đứng lên làm lại cuộc đời.

Con người thường ít muốn thay đổi. Cho dù cuộc sống của họ đang chìm ngập trong tội lỗi. Họ vẫn ngại đến với tòa giải tội. Họ sợ phải đối diện với sự thật. Vì sự thật sẽ phơi bầy toàn bộ hành vi bất chính, tội lỗi của họ. Họ sống chai lỳ trong điều gian ác mà vẫn không áy náy lương tâm. Chính vì lối sống mất ý thức về tội, lại không dám đối diện với sự thật, khiến họ lao mình vào cuộc sống với những đam mê hưởng thụ bất chấp luân thường đạo lý, hay lao vào tìm kiếm danh lợi thú, bất chấp thủ đoạn tàn bạo. Điều này đã làm cho xã hội tội lỗi tràn lan đến mức độ chưa bao giờ tội phạm nhiều như ngày nay.

Ngày 03.01.2014 một phiên tòa lưu động có số bị cáo đông nhất Việt Nam từ trước đến nay đã diễn ra tại sân trại giam của công an tỉnh Quảng Ninh tổng cộng đến 89 bị cáo dính đến 4 đường dây mua-bán, vận chuyển trên 4,400 bánh heroin, phiên tòa dự tính kéo dài ba tuần lễ.

Theo báo Tiền Phong, phiên tòa nói trên cũng quy tụ số luật sư biện hộ đông nhất từ trước đến nay: 41 người. An ninh phiên tòa lưu động được xiết chặt, vì người ta dự đoán có thể tới 66 bản án tử hình sẽ được tuyên án.

Án tử hình rất nhiều nhưng xem ra con người không ý thức về tội, không có lòng sám hối nên tội phạm vẫn gia tăng. Ngay cả các tội nhân tại tòa cũng thường ít nói lời xin lỗi vì mình đã gây nên những đau khổ cho xã hội bởi hành vi bất chính của mình. Thậm chí cả người nhà tội nhân còn bênh vực cho hành vi tội lỗi của con cái mình.

Mới đây trong một phiên tòa khi tòa tuyên án kẻ cầm đầu bọn cướp chuyên nghề chặt tay cướp xe thì tiếng la hét đanh đảnh của một người mẹ đã hét lên không chấp nhận sự thật ấy. Bà quát to rằng: “Con tôi không giết người sao lại tử hình con tôi?” Bà còn quay lại chỗ những người bị hại mà con bà chặt tay để cướp của nói rằng: “Biết con tao tử hình thì tao đã cho người giết chết chúng mày!” Xen lẫn tiếng bà là tiếng người chị gái bảo rằng: “Ai bảo chúng này đi xe đẹp đeo nhẫn vàng làm gì?”

Hóa ra đi xe đẹp, đeo nhẫn vàng cũng có tội? Có phải tình yêu thì chẳng cần quan tâm đến đạo đức. Người ta nhân danh tình yêu để hại người, để vào hùa và bênh đỡ nhau như gia đình bị can “chặt tay cướp xe SH” chăng?

Là người đều có những lầm lỗi hay có những lần vấp ngã, điều quan yếu là biết nhận lỗi và đứng lênlàm lại cuộc đời. Không nhận ra sai lỗi. Không cảm nhận sự vấp ngã. Con người cũng mất ý thức về tội. Con người càng mất lòng sám hối ăn năn. Thực ra, nhân vô thập toàn. Con người cần biết giới hạn của mình để sám hối từng ngày, để canh tân từng phút. Có sám hối, có canh tân con người mới thăng tiến từ tinh thần đến vật chất.

Lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu không kêu gọi chống bất công hay đòi quyền lợi mà là kêu gọi sám hối canh tân. Chúa kêu gọi con người phải sám hối vì cội rễ của bất công, của sa đọa, tội lỗi là con người mất ý thức về giá trị cuộc sống. Con người không tuân theo luân thường đạo lý thì làm sao có một xã hội văn minh tình thương. Con người cần phải sám hối để nhận ra những lỗi lầm của mình đã gây nên thiệt hại tinh thần lẫn vật chất cho tha nhân. Chính hành vi tội lỗi mình đã làm cho sự dữ lan tran, xã hội loạn lạc lầm than.

Nhưng đáng tiếc nhân loại ngày hôm nay không ý thức việc mình làm đã gây nên đau khổ cho tha nhân. Con người vẫn nhân danh tự do cá nhân để hành xử thiếu văn hóa, thiếu trách nhiệm với tha nhân. Con người vẫn nhân danh hạnh phúc cá nhân để loại trừ hạnh phúc của tập thể, của xã hội. Nếu ai cũng biết sống mình vì mọi người thì sẽ không có những vụ tham nhũng lớn như Dương Chí Dũng, Bầu Kiên hay Huyền Như… Tất cả vì lợi ích cá nhân mà gây nên biết bao hậu quả tai hại cho xã hội và đất nước.
Ngày nay có bao nhiêu người đối xử với nhau như câu chuyện trên, họ không có ý thức vì tội đã phạm, không hiểu thế nào là công bằng, là lẽ phải. Họ cố cãi cho bằng được, biện minh với nhiều lý lẽ mà không ai chấp nhận được ! Đối với những người lì lợm trong tội như thế, người đời chẳng ai ủng hộ, cũng chẳng ai thán phục. Dẫu biết rằng làm người ai chẳng có lúc yếu đuối. Nhưng hơn nhau ở sự khiêm tốn nhận ra sự thật. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau đây :
Thứ ba 04/4/2017 - Tuần 5 MC
Phúc Âm Ga 8,21-30


Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người biệt phái rằng: "Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của các ông. Nơi Ta đi các ông không thể tới được".
Người Do-thái nói với nhau rằng: "Ông ta sắp tự vẫn hay sao mà lại nói "Nơi Ta đi các ông không thể tới được"?"
Chúa Giêsu nói tiếp: "Các ông thuộc về hạ giới; còn Ta, Ta bởi trời cao. Các ông thuộc về thế gian này; còn Ta, Ta không thuộc về thế gian này. Ta đã nói: Các ông sẽ chết trong tội các ông. Vì, nếu các ông không tin Ta, các ông sẽ chết trong tội của các ông".
Vậy họ liền hỏi: "Ông là ai?" Chúa Giêsu trả lời: "Là Nguyên thuỷ đang nói với các ông đây! Ta có nhiều điều phải nói và đoán xét về các ông, nhưng Ðấng đã sai Ta là Ðấng chân thật, và điều Ta nói ra trong thế gian đây, chính là điều Ta đã nghe biết ở Ngài".
Nhưng họ không hiểu là Người nói về Chúa Cha, vì thế Chúa Giêsu nói: "Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai. Ta không tự mình làm điều gì. Ðiều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. Ðấng đã sai Ta đang ở với Ta; Ngài không để Ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Ngài". Khi Người nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Người.

Suy niệm
Trong dịp lễ Lều của người Do thái, Chúa Giêsu đã giảng rất nhiều bao gồm nhiều đề tài khác nhau. Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong loạt bài giảng đó và nói về những lời Đức Giêsu đe phạt Dân Do Thái, vì họ không tin lời Ngài. Chúa Giêsu đã khuyến cáo người Do Thái nếu không tin vào Người, Đấng Cứu Độ, sẽ bị chết trong tội.
Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất, hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Bài Tin Mừng hôm nay đã gợi lại niềm tin vào Ngài cho ta. Tuy rằng khi đó người Do Thái đã không tin nhận Ngài. Còn hôm nay đối với chúng ta, mỗi người tự xét mình lại: niềm tin vào Đấng cứu Độ trong tôi như thế nào? Tôi đã làm gì để biểu lộ Đức tin đó. Chính khi Đức Giêsu “bị” giết trên thập giá, là lúc Ngài “được” tôn vinh và là nguồn ơn cứu độ cho mọi người. Khi chúng ta “bị” đau khổ chúng ta có biết “nhìn” lên thập giá Chúa là nguồn ơn cứu độ của chúng ta? Vậy hàng ngày chúng ta có biết nhìn lên thập giá Chúa những khi gặp đau khổ buồn chán không? Nhìn lên thập giá, ta thấy được rất nhiều điều:
- Thấy tội lỗi mình.
- Thấy tình thương của Chúa.
- Thấy giá trị của đau khổ.
- Thấy ơn cứu độ.

Tâm tình :
Lạy Chúa Giê su, xin cho chúng con biết xét mình hằng ngày,  ăn năn từng giờ để đừng ngủ mê trong tội lỗi, nhưng biết thay đổi đời sống cho phù hợp với tin mừng. Xin đừng vì quyền lợi cá nhân mà gây thiệt hại cho xã hội. Xin đừng đề cao tự do cá nhân để làm mất trật tự cho xã hội và cộng đồng. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết khiêm tốn nhìn nhận sự yếu đuối của bản thân để nhờ ơn Chúa mà canh tân đời sống mỗi ngày một tốt hơn. Amen!

Không có nhận xét nào: