Thứ Tư, 21 tháng 12, 2022

Hồng ân được Chúa ban tặng - Thứ năm 22/12/2022




  
Thứ năm 22/12/2022 - Tuần 4 MV
Lời Chúa : Lc 1, 46-56

46 Bấy giờ bà Maria nói:“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
47 thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
48 Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.
49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
50 Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54 Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người,55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời.”
56 Bà Maria ở lại với bà Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

Nghe lời ca ngợi của bà Elizabeth, Đức Maria vô cùng xúc động vì ơn cao trọng Chúa ban, nên dâng lên Chúa lời cảm tạ ngợi khen như sau:
Chúa là đấng toàn năng cao cả đã thương Mẹ là phận hèn tớ nữ, vì muôn đời Chúa hằng thương xót kẻ khiêm nhường, nghèo khó; còn hạng kiêu căng, giàu có ỷ thế thì Chúa lật đổ xuống. Chúa luôn luôn giữ đúng lời hứa. Người đã cứu dân Người như đã phán hứa cùng các tổ phụ xưa.
    Mẹ Maria muốn nói với chúng ta: Thiên Chúa làm được mọi việc trọng đại lạ lùng cho chúng ta, với điều kiện chúng ta biết nhận mình hèn mọn, kém cỏi, thiếu sót tất cả; hoàn toàn trông cậy, tin tưởng, phó thác cho Chúa.
    Mỗi Kitô hữu cũng được mời gọi để không ngừng hát lên và sống bài ca Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, thần trí tôi hớn hở trong Đấng cứu độ tôi”. Đó phải là bài ca trong từng giây phút cuộc đời chúng ta. Không vui sao được khi biết rằng: mình được Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc bằng chính máu của Con Một Ngài; không vui sao được khi biết rằng: trong Người Con Một ấy chúng ta tìm được ánh sáng, chân lý, bình an và hy vọng; không vui sao được khi biết rằng: trong hành trình về nhà Cha, có biết bao người tiến bước với ta (Mỗi ngày một tin vui).

Lạy Chúa, con chỉ là tạo vật hèn mọn, đôi tay bất xứng lại luôn xòe rộng để hứng đón hồng ân. Con chẳng là gì cả, nhưng Chúa vẫn đoái nhìn đến con. Chúa vẫn cho con là quan trọng và ban tặng hồng ân. Con xin Chúa cho con mang lấy tâm tình của Mẹ Maria: càng được Chúa đoái nhìn và cho là quan trọng, thì Mẹ lại càng thấy mình chẳng là gì cả.
Phần con, con chẳng là gì, nhưng đôi khi con lại cho mình là quan trọng, con đưa mình lên cao quá, con tự mãn về mình. Con biết Chúa yêu kẻ khiêm nhường và chống lại kẻ kiêu ngạo. Xin Chúa cho con biết sống khiêm nhường để được Chúa nâng cao trong trái tim Chúa. Xin cho con sống tâm tình biết ơn để xứng đáng tiếp tục nhận lãnh tình thương của Chúa. Amen.

Chia sẻ niềm vui - Thứ tư 21/12/2022

 



Bác sĩ Longet là một người Pháp, đã từng phục vụ ở Việt Nam cách đây mấy mươi năm và cũng nổi tiếng như bác sĩ Tom Dooley, người Mỹ đã phục vụ ở Đông Nam Á. Ông tận tụy săn sóc các bệnh nhân bất kể giai cấp, tôn giáo, chủng tộc, ngày lẫn đêm.
Được hỏi tại sao ông quí mến bệnh nhân như thế ?
Bác sĩ Longet đáp:
- Vì tôi thấy Chúa Giêsu trong mỗi bệnh nhân.
Chính vì thế, mỗi sáng khi đi dự thánh lễ; bệnh nhân lương hay giáo, ai muốn đi ông đều chở trên xe; mỗi chiều Chúa nhật, ông lại chở các bệnh nhân đi chơi, tham quan nơi này nơi nọ. Và mỗi tối ông lần hạt chung với người Công giáo. Ít lâu sau, ông Longet trở về nước Pháp, vào chủng viện dâng mình làm linh mục và tình nguyện sang phục vụ những người nghèo ở giáo phận Cần Thơ. Nhưng tiếc thay, sau khi chịu chức xong, ông lâm trọng bệnh và qua đời trước khi tới nơi hằng mong ước.

Thứ tư 21/12/2022 - Tuần 4 MV
Lời Chúa : Lc 1, 39-45

39 Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. 40 Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. 41 Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, 42liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? 44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. 45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

Niềm vui nào cũng đòi được chia sẻ. Đức Maria đã không cất giữ trong lòng niềm vui vừa cưu mang, nhưng Người đã vội vàng đem niềm vui đến cho người khác. Đích điểm cuộc hành trình của Đức Maria là một miền núi. Núi cao là nơi trắc trở, nhưng cũng thường là nơi hẹn hò giữa Thiên Chúa và con người. Và cũng từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, con người mới có thể đến với người khác. Cuộc hạnh ngộ giữa Đức Maria và người chị họ Isave là kết thúc của cuộc ra đi. Không ai đi để tiến về cô đơn, để giam mình trong cõi chết, nhưng ra đi là để gặp gỡ, chia sẻ.
    Đời người Kitô hữu là một hành trình trong đức tin. Hành trình nào cũng có khởi điểm và đích điểm. Cũng như Đức Maria đã tiến lên đường sau khi cưu mang Chúa Giêsu, người Kitô hữu cũng khởi đầu cuộc hành trình bằng sự sống Thiên Chúa đã được thông ban qua Bí tích Rửa tội.
    Cưu mang sự sống mới, người Kitô cũng vội vã ra đi đem niềm vui cho người khác, đó là tất cả sứ mệnh và ý nghĩa của đời sống đức tin. Người cưu mang Đức Kitô phải ý thức rằng đạo của họ là đạo Tin mừng, đường của họ là đường của rộn rã, vui tươi.
    Điểm đến của cuộc hành trình dĩ nhiên là cuộc sống vĩnh cửu, nhưng cuộc sống này cũng chỉ là một cuộc gặp gỡ nối dài những gặp gỡ mà con người đã thực hiện trong cuộc sống tại thế. Điểm đến ấy sẽ không đến với những ai đã chối bỏ gặp gỡ người anh em trong cuộc hành trình tại thế.
    Mùa vọng là mùa của cưu mang, của cất bước ra đi. Chúng ta hãy để Đức Kitô lớn lên trong tâm tư, suy nghĩ, hành động của chúng ta. Cùng với Đức Kitô, chúng ta hãy ra đi đến với người khác. Cùng với Đức Kitô, chúng ta hãy biến mọi gặp gỡ hằng ngày thành những trao đổi của yêu thương, phục vụ, quên mình, tha thứ và vui tươi.

Lạy Chúa Giê su, Cuộc sống khó khăn, kinh tế eo hẹp nhiều lúc làm cho con ra ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, chỉ nghĩ đến gia đình, ai sống chết mặc ai. Nhiều lúc con dửng dưng, thờ ơ trước những nỗi thống khổ của anh em, nỗi khổ vật chất cũng như nỗi đau tinh thần. Xin Chúa cho con được mặc lấy tâm tình bác ái của Mẹ Maria, cho con biết mở lòng ra với mọi người, biết chia sẻ cho người bất hạnh, biết cắt nghĩa lành cho người khác, biết tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình.
    Lạy Chúa, xin cho con biết lên đường cùng với Mẹ Maria, biết đi bước trước đến với mọi người, không nghĩ đến lợi ích riêng mình, nhưng quan tâm đến hoàn cảnh sống của anh em. Xin cho con biết ra đi với trái tim đầy yêu thương, với đôi tay luôn giang rộng và với đôi chân luôn tiến bước.
    Xin Chúa cho con biết bắt chước Mẹ Maria, cưu mang Chúa nhưng không chỉ giữ cho riêng mình, trái lại, biết trao ban, chia sẻ và giới thiệu Chúa cho mọi người. Xin cho con biết sống sạch tội và kết hợp với Chúa, để nhờ có Chúa trong lòng, mọi việc con làm sẽ đem lại hoa trái cứu độ cho người khác.

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2022

Niềm tin của người bại liệt - Thứ hai 05/12/2022

 




Một buổi sáng tháng 7/1971, tại một thành phố bên Hoa Kỳ, một người đàn ông đến nộp mình tại một trạm cảnh sát gần nhà. Ông thú nhận đã giết một người đàn bà cách đó 21 năm. Ông cho biết trong 21 năm qua, ông không bao giờ chợp mắt được mỗi khi màn đêm phủ xuống. Ông nói: “Chỉ vì một phút say sưa, tôi đã biến 21 năm qua thành một cơn ác mộng. Giờ đây sau khi thú nhận tội lỗi, tôi cảm thấy thanh thản trong lương tâm. Tôi cảm thấy như được tái sinh”.

Những câu chuyện nộp mình và thú nhận tội lỗi như trên đây không phải là chuyện hiếm có trong lịch sử nhân loại. Riêng với người Kitô hữu, đó là một phần của cuộc sống đức tin. Trong những cao điểm của năm phụng vụ, lời nhắc nhở của Giáo Hội về ý nghĩa này lại càng tha thiết hơn. Đặc biệt mỗi khi Mùa Vọng về, Giáo Hội khẩn kêu mời chúng ta chuẩn bị tâm hồn đón Chúa giáng sinh, Chúa của hoà bình. Làm sao chúng ta cảm nhận được bình an tâm hồn, nếu tội lỗi vẫn còn đè nặng lương tâm của chúng ta ? ("Mỗi ngày một tin vui")

Thứ hai 05/12/2022 - Tuần 2 MV
Lời Chúa : Lc 5, 17-26

17 Một hôm, khi Đức Giê-su giảng dạy, có mấy người Pha-ri-sêu và luật sĩ ngồi đó; họ từ khắp các làng mạc miền Ga-li-lê, Giu-đê và từ Giê-ru-sa-lem mà đến. Quyền năng Chúa ở với Người, khiến Người chữa lành các bệnh tật. 18 Bỗng có mấy người khiêng đến một bệnh nhân bị bại liệt nằm trên giường, họ tìm cách đem vào đặt trước mặt Người. 19 Nhưng vì có đám đông, họ không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giê-su. 20 Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: “Này anh, anh đã được tha tội rồi.” 21 Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu bắt đầu suy nghĩ: “Ông này là ai mà nói phạm thượng như thế ? Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa ?” 22 Nhưng Đức Giê-su thấu biết họ đang suy nghĩ như thế, nên Người lên tiếng bảo họ rằng: “Các ông đang nghĩ gì trong bụng vậy ? 23 Trong hai điều: một là bảo: ‘Anh đã được tha tội rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy mà đi’, điều nào dễ hơn ? 24 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội - Đức Giê-su bảo người bại liệt: - tôi truyền cho anh: Hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà!” 25 Ngay lúc ấy, người bại liệt trỗi dậy trước mặt họ, vác cái anh đã dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa.26 Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ kinh hãi bảo nhau: “Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ!”

Ai cũng biết bại liệt là bất lực, vừa là nỗi khổ cho chính mình vừa là gánh nặng cho thân nhân. Chắc chắn Đức Giêsu thấy nơi người bại liệt nỗi đau khổ về thể xác. Nhưng tại sao câu đầu tiên Ngài nói với anh ta là lời tha tội ? Anh ta có tội gì chăng nên mới bị bại liệt như vậy ? Người Do thái vẫn có quan niệm như thế: bệnh tật là hậu quả của tội lỗi. Ai mắc bệnh là người có tội, trường hợp của ông Gióp đã nói lên điều đó. Bệnh càng nặng tức là lỗi càng nhiều, và càng nặng thì bệnh càng phát ra bên ngoài tương xứng.
    Chắc chắn là Đức Giêsu không đồng ý với quan niệm này. Nhưng chỉ sau này người ta mới tìm ra mầu nhiệm của đau khổ và bệnh tật. Tội lỗi và bệnh tật là hai vấn đề riêng biệt, không liên can gì với nhau; bởi vì có người vừa có bệnh vừa có tội, có người bệnh mà không có tội, có người có tội mà không bệnh. Cho nên khi Chúa nói: “Tội con được tha rồi” là Chúa muốn minh chứng Ngài là Thiên Chúa, Ngài có quyền tha tội.Hành động của những người thân của người bại liệt đáng để mỗi Kitô hữu suy nghĩ trong Mùa Vọng này. Họ yêu thương người thân của mình, dù con người ấy không có khả năng hoạt động. Họ tìm cách cứu chữa, không thất vọng, mà công việc ấy chẳng phải dễ dàng. Đám đông không còn là trở ngại không thể vượt qua, bởi tình yêu giúp họ thêm sáng kiến, mở lối đưa người thân của mình đến cùng Đấng chữa lành. Dĩ nhiên, Chúa vẫn luôn đòi hỏi người được chữa lành phải có đức tin. Nhưng ở đây, đức tin của những người thân và sự phục vụ đầy yêu thương của họ nâng đỡ đức tin yếu ớt và làm sống lại niềm hy vọng nơi con người bị bệnh tật chôn vùi trong nhiều năm tháng. Những người thân của anh đã giúp anh gặp lại được Đức Giêsu (5 phút Lời Chúa).

Lạy Chúa Giêsu, con đến với Chúa đem theo những người thân trong gia đình. Con đến với Chúa đem theo mọi người trên thế giới: những con người mỏng dòn và đầy khuyết điểm. Con đang rẽ qua các lo toan, qua các công việc, qua mọi cảnh huống, qua cả những mệt nhọc sau một ngày lao động, và qua cả những khuynh hướng muốn an nhàn nghỉ ngơi thoải mái, con rẽ qua và cố gắng vượt mọi khó khăn để đến với Chúa. Con biết Chúa đến không phải vì mục đích trần tục, vật chất, nhưng vì yêu chúng con và muốn giải thoát chúng con khỏi chứng bại liệt thiêng liêng, khỏi những tính hư tật xấu. Như Chúa đã tha tội cho người bại liệt, thì xin Chúa cũng thương tha thứ những yếu đuối của con và những người con yêu mến.
    Chính vì Chúa nhìn thấy tình thương và lòng tin của những người khiêng, mà Chúa đã làm cho người bại liệt được khỏi. Con cũng muốn thực sự yêu thương và hy sinh giúp đỡ, để đưa người khác đến với Chúa. Xin Chúa giúp con.
    Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến để tỏ cho con biết bộ mặt thật của Thiên Chúa: bộ mặt “Yêu thương tha thứ” chứ không phải bộ mặt hình sự hay bộ mặt kết án. Ngày ngày biết bao người thuộc mọi lứa tuổi và bậc sống hằng được Chúa cho “chỗi dậy” nhờ quyền năng vô hình của ân sủng cứu độ. Xin cho con luôn biết tin tưởng và đầy lòng thống hối mà đến cùng Chúa. Amen.

Lời kêu gọi dọn đường tâm hồn - Chúa nhật 04/12/2022

 




Chúa nhật 04/12/2022 - Tuần 2 MV
Lời Chúa : Mt 3, 1-12

1 Ngày ấy, Gioan Tẩy Giả đến giảng trong hoang địa xứ Giuđêa rằng: 2 “Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến”.3 Chính ông là người mà Tiên tri Isaia đã tiên báo: “Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.4 Bởi vì chính Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng.5 Bấy giờ dân thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa và các miền lân cận sông Giođan tuôn đến với ông, 6 thú tội và chịu phép rửa do tay ông trong sông Giođan.7 Thấy có một số đông người biệt phái và văn nhân cũng đến xin chịu phép rửa, thì Gioan bảo rằng: “Hỡi nòi rắn độc, ai bảo các ngươi trốn lánh cơn thịnh nộ hòng đổ xuống trên đầu các ngươi.8 Hãy làm việc lành cho xứng với sự thống hối. 9 Chớ tự phụ nghĩ rằng: tổ tiên chúng ta là Abraham. Vì ta bảo cho các ngươi hay: Thiên Chúa quyền năng có thể khiến những hòn đá trở nên con cái Abraham. 10 Ðây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa. 11 Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, để các ngươi được lòng sám hối; còn Ðấng sẽ đến sau tôi có quyền năng hơn tôi và tôi không đáng xách giày Người. Chính Ðấng ấy sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. 12 Ngài cầm nia trong tay mà sảy lúa của Ngài, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt”.

Lời rao giảng của Gioan mà Tin Mừng ghi lại là những lời đe dọa, châm biếm hơn là một lời loan báo đầy tính an ủi và nội dung thì mang tính khải huyền. Thay vì nói đến ơn cứu độ gần kề, hay là giảng về phép rửa, Gioan cho thấy “ngày của Đức Chúa” (ngày phán xét) đã gần bên, ngày chất chứa cơn thịnh nộ đổ xuống dân Chúa.
    Tuy nhiên, lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả còn giúp chúng ta hiểu rằng, đây không chỉ là một hồi niệm, nhưng còn là một lời khuyến cáo nghiêm khắc cho mọi người mọi thời. Lời mời gọi: "Hãy làm việc lành cho xứng với sự thống hối" (Mt 3,8) thúc đẩy các Kitô hữu có thể nhìn vào người Biệt phái như nhìn vào một tấm gương để điều chỉnh đời sống mình.
    Lời đe dọa bị kết án cũng liên hệ đến các Kitô hữu nào, nếu chỉ bằng lòng với việc nhận bí tích Thánh Tẩy mà không quan tâm lối sống sao cho phù hợp với những tuyên xưng của mình.
Chúng ta được mời gọi tin vào sự trung tín của Thiên Chúa: Ngài đã lên kế hoạch cứu độ, thì khi đến thời Ngài đã định, Ngài sẽ gửi các vị loan báo Tin Mừng đến. Sứ điệp Gioan Tẩy Giả loan báo mang lại cả nỗi sợ hãi lẫn niềm vui, bởi vì ông nói cho dân Do Thái biết rằng, họ bị thất sủng với Thiên Chúa; đồng thời, ông khẳng định Thiên Chúa đầy lòng thương xót đối với họ. Giống như các ngôn sứ trước đó, Gioan tố giác một nếp sống đạo giả hình, chỉ hoàn toàn ở bên ngoài (x. Am 5,21-27; Is 1,10-20; Gr 7,1-8,3…), dần dần đưa tới tình trạng tâm hồn cứng cỏi. Đức tin không phải là một di sản của loài người, nhưng là một dấn thân trọn vẹn của con người.
    Người Kitô hữu ngày hôm nay cũng có một vai trò "tiền hô" đối với anh chị em mình. Muốn thế, cần xác định rõ ràng quan hệ của mình với “Đấng đang đến”, để khiêm tốn và trung thực giới thiệu về Người như là Đấng đã đang có mặt trong lịch sử loài người.

Lạy Cha, xin giúp chúng con nhìn ra con người yếu hèn của mình. Xin cho chúng con khám phá ra những ngăn trở làm chúng con không đến được với Cha, không đến được với anh chị em chúng con. Chúng con đánh mất chính mình.
    Xin cho chúng con biết tìm về tận căn của những lỗi phạm ấy và làm một cuộc hoán cải đúng nghĩa. Nhờ hoa trái của lòng sám hối, chúng con đáng được Cha thương trong ngày đó. Amen.