Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

Mất niềm tin ...


PHÚT CẦU NGUYỆN - Thứ Sáu Tuần XVII Thường niên năm chẵn - Mt 13 ...

“Chúng ta không sao tránh được những quan hệ ít nhiều gây rắc rối cho ta… Trong các mối tương giao từ-con-tim-đến- con-tim, chúng ta mở lòng mình ra với người khác. Nhưng, việc cởi mở cõi lòng này cũng đồng nghĩa là ta chấp nhận rủi ro: Chấp nhận người khác vào trong thế giới riêng của bản thân sẽ khiến ta dễ bị họ gây ra những tổn thương; cũng có nghĩa là ta trao cho người khác sức mạnh có thể gây thương tích nơi ta.
      “Khi họ gây tổn thương, ta thường xuyên phủ nhận nỗi đau. Nhưng nỗi đau vẫn còn đó, và những vết thương chưa lành của ta lại trở thành nguyên nhân khiến ta lại gây thương tích cho người khác” tạo ra “sự chuyển di đổ vỡ từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo”.
     Từ những nhận định này, tác giả bài ‘Niềm Hy Vọng Chữa lành’ đặt câu hỏi: “Chúng ta có thể làm gì để không tiếp tục gây thương tích cho những người mà chúng ta quan tâm chăm sóc? Có cách nào để chữa lành vết thương mà ta đã thừa hưởng từ gia đình không?”

Thứ sáu 31/7/2020 - Tuần 17 TN
Thánh Inhaxio Loyola, linh mục
Lời Chúa : Mt 13, 54-58

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê quán Người, và giảng dạy người ta trong hội đường khiến người ta ngạc nhiên và nói rằng: “Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao?Nào mẹ ông chẳng phải là bà Maria, và Giacôbê, Giuse, Simon, Giuđa chẳng phải là anh em ông sao?Và chị em ông, nào chẳng phải những người ở nơi chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?” Và họ vấp phạm đến Người. Nhưng Chúa Giêsu phán cùng họ rằng: “Không tiên tri nào mà không được vinh dự, trừ nơi quê quán và nhà mình”. Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin.

Khi giảng dạy ở vùng dân ngoại, Chúa Giêsu được nhiều người ngưỡng mộ vì những lời lẽ khôn ngoan và các phép lạ kèm theo. Thế nhưng tại quê nhà, Chúa Giêsu gần như “bó tay” không thể nào làm phép lạ tại đó. Người đã bị thất bại ngay trên “sân nhà”. Số phận của Chúa Giêsu cũng không khác gì những ngôn sứ khi xưa. Người sẽ phải gánh chịu những phản ứng của người đời, bị từ chối, ganh ghét và bị sát hại. Số phận của Chúa Giêsu là số phận của một người Tôi Tớ đau khổ, sẵn sàng gánh chịu mọi sự khinh miệt của con người, nhất là người gần gũi hàng xóm láng giềng và cả những môn đệ thân tín nhất.
           Giáo hội, hiện thân của Chúa ở trần gian cũng phải chịu số phận như Chúa. Giáo hội đã nỗ lực rất nhiều với công tác truyền giáo để trở thành dấu của tình thương Thiên Chúa cho nhiều người. Thế nhưng thực tế cho thấy ở những nơi được xem là xứ đạo “gốc”, hạt giống Tin Mừng lại thiếu điều kiện để nảy mầm và đơm bông kết trái.
       “Gần chùa gọi bụt bằng anh”, đôi lúc chúng ta cũng có thái độ giống người đồng hương của Chúa Giêsu khi tỏ ra coi thường quyền năng, những ơn lành và tình thương của Thiên Chúa. Không có gì đau đớn bằng sự phản bội của những người thân. Chúng ta có thể trách móc những người đồng hương của Chúa, nhưng chính chúng ta cũng phải đấm ngực ăn năn vì thái độ thờ ơ của chính mình. Hằng ngày Chúa vẫn thi ân giáng phúc, Chúa vẫn bao bọc chở che, vỗ về an ủi nhưng chúng ta không nhận ra những ơn ấy mà chỉ lo chạy theo tiếng gọi của thế gian, của đam mê xác thịt. Chúng ta sống bên cạnh nhau như những người “quen biết xa lạ” để rồi đánh mất ý nghĩa cao quý của mối tương giao huynh đệ với tha nhân, đánh mất niềm tin tưởng vào Thiên Chúa.
       Là môn đệ của Chúa, chúng ta cũng không thể tránh khỏi những phản ứng tiêu cực của người đời,sẽ gặp thất bại, bị bách hại, bắt bớ... Óc địa phương, óc kỳ thị, dửng dưng ích kỷ đã ăn sâu vào tâm thức khiến chúng ta không bỏ được những thói xấu ấy. Thêm nữa nhìn xã hội hôm nay, người ta chuộng “hàng ngoại”, chạy theo những gì là “đẳng cấp”, “kỹ thuật số” làm sao để được hưởng thụ vật chất cho thật nhiều mà quên rằng giá trị đích thực của cuộc sống là tin vào Thiên Chúa. Người ta dễ dàng chạy theo những phong trào, những lối sống “không ngày mai” mà quên rằng nơi Chúa Giêsu mới đem lại niềm hạnh phúc đích thực.
       Có thể ở bên ngoài chúng ta không từ chối Chúa nhưng tận sâu trong đáy lòng và ước muốn, chúng ta không còn tin nhận quyền năng và tình thương của Chúa nữa. Nhân loại đang phải đối đầu với một cơn cám dỗ khốc liệt về niềm tin. Ngay trong gia đình cha mẹ và con cái không còn tin tưởng lẫn nhau. Ngoài xã hội đâu đâu cũng nhan nhản những chuyện bất công và những thói xấu cũng đang len lỏi vào cả trong Giáo hội. Đọc lời Chúa hôm nay, chúng ta không khỏi giật mình. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, hãy tự trách mình trước để có thái độ sống xứng hợp Tin Mừng.

Lạy Chúa Giê su, chúng con ngày nay nhiều khi lại nghĩ Chúa quá cao vời con chẳng sao vươn tới nên vẫn không gặp được Chúa. Xin cho chúng con nhận ra Chúa đang ở giữa, ở với, ở cùng chúng con trong mỗi phút giây hiện tại. Xin cho chúng con biết sống gắn bó với Chúa, trong Chúa để thấy và tin yêu Chúa. Với một đời sống đức tin sống động, Chúa sẽ thực hiện cho chúng con những phép lạ hiển nhiên ngay giữa đời thường hôm nay.

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Cái giá phải trả


LỜI CHÚA THỨ NĂM TUẦN XVII MÙA THƯỜNG NIÊN (Mt 13, 47-53). - YouTube


Có lẽ chưa bao giờ người Việt mất niềm tin vào nhau nhiều như thời nay. Sống trong một quốc gia mà chúng ta phải đề phòng, nghi ngờ từng nhánh rau, hột gạo mua ngoài chợ, cho đến tấm bằng tốt nghiệp của cả một thế hệ trẻ vốn là sức mạnh của tương lai dân tộc, thì liệu chúng ta có thể rộng lòng mà tin yêu những người xung quanh mình, thực lòng tin tưởng vào cộng đồng mà mình gọi là dân tộc?
      Sự giả dối có mặt ở mọi nơi, ngay từ mảnh đất đáng nhẽ phải là trong sạch và thuần hậu nhất – Giáo dục. Đáng nhẽ đó phải là nơi ươm trồng nên những con người tốt trước khi trở thành người tài giỏi, nhưng các em lại được dạy phải chạy đua thành tích, phải đạt điểm tốt, danh hiệu, kết quả tốt bất chấp phương cách. Học là để sau này có điều kiện tốt mà kiếm nhiều tiền, để làm rạng danh gia tộc, làm bố mẹ nở mày nở mặt… chứ không phải là để làm người.
       Giáo viên cũng không đặt cái nghề của mình ở vị trí thiêng liêng cao cả là dạy làm người, mà là nghề để kiếm miếng cơm manh áo. Doanh nghiệp, tổ chức tuyển người cũng không nhìn gì khác ngoài bằng cấp. Và cả xã hội chạy theo bằng cấp, hình thức trong khi ai cũng nhận ra sự phi lý mà chẳng thể thay đổi, bởi chúng ta đều chỉ cần được việc của mình là ổn rồi.
      Một khảo sát xã hội vào năm 2008 của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm – Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng (ĐH Quốc gia Tp.HCM) đã chỉ ra, tỷ lệ nói dối ở học sinh cấp 1 là 22%, cấp 2 là 50%, cấp 3 là 64% và đến cấp đại học là 80%. Đó là những con số rất đáng báo động và đau lòng.
  Báo Tuổi trẻ ngày 22/03/2016 đăng một bản tin với cái tít gây sốc “Trên 6 triệu con heo xơi chất cấm vô bụng dân Việt”. Năm 2014, Tổ chức Y tế thế giới cho biết, mỗi năm ở Việt Nam có thêm 200.000 người mắc ung thư và 70.000 chết vì căn bệnh này. Với tỷ lệ đó, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về tỷ lệ mắc và chết vì ung thư. Nguyên nhân chính đến từ thực phẩm nhiễm bẩn. Nhưng dường như những thông tin như thế này không còn làm người Việt thấy choáng váng nữa, họ chỉ đơn giản là tự tìm cách bảo vệ mình hoặc tặc lưỡi cho qua và sống chung với lũ. Cái ác không chỉ thể hiện ở việc bất chấp mọi cách để làm giàu, chà đạp lên lợi ích của người khác với tầm nhìn ngắn ngủn vì chỉ thấy cái lợi của bản thân. Cái ác của người Việt ngày nay còn thể hiện ở mọi ngôn từ, lời nói, dù ở trên mạng xã hội nơi người ta không phân biệt nổi ảo và thật cho đến ngoài đời thường.

Thứ năm 30/7/2020 - Tuần 17 TN
Lời Chúa : Mt 13: 47-53

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước Trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Đến ngày tận thế cũng như vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”“.Các ngươi có hiểu những điều đó không?". Họ thưa: "Có". Người liền bảo họ: "Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về nước Trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái mới cũ trong kho mình”. Khi Chúa Giêsu phán các dụ ngôn đó xong, thì Người rời khỏi nơi ấy.

Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nói: chiếc lưới như là Nước Trời. Chụp xuống biển là hành động Lời Chúa được trao ban. Bắt được đủ mọi thứ cá chính là mọi người đều được Lời Chúa dạy dỗ. Cá tốt, là những người nghe và thực hành Lời Chúa. Cá xấu là những người không nghe, hay có nghe nhưng Lời Chúa không biến đổi được họ vì sự ích kỷ và kiêu ngạo. Tuy nhiên, cá tốt và cá xấu đều tồn tại! Chỉ khi chiếc lưới chụp xuống và được kéo lên, lúc ấy chúng mới bị phân biệt. Cá tốt thì cho vào giỏ. Cá xấu thì quăng ra ngoài.
      Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy là cá tốt trong chiếc lưới của Ngài. Đồng thời cũng dạy ta bài học về sự kiên nhẫn và sẵn sàng yêu thương hết mọi người. Biết mở lòng để đón nhận sự bất toàn của anh chị em mình, hầu chờ cơ hội để Chúa và cả chúng ta cải hóa anh chị em.
     Cuối cùng chúng ta cần xác định quyền xét xử là của Chúa và do Chúa. Bổn phận của chúng ta là tin tưởng, cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con tin tưởng, phó thác nơi Chúa, cậy dựa vào ơn Chúa để can đảm biến đổi. Xin cho chúng con được trở thành cá tốt trong ngày sau hết để được Chúa cho vào giỏ của Chúa là Nước Trời. Amen.

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

Dù đau khổ vẫn tin


Mến Yêu Hàng Ngày, 29-07 - Dòng Tên Việt Nam-Dòng Chúa Giêsu

Thứ tư 29/7/2020 
Lễ Thánh Matta
Lời Chúa : Ga 11, 19-27

Khi ấy, nhiều người Do-thái đến nhà Martha và Maria để an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Em con sẽ sống lại”. Martha thưa: “Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con sẽ sống lại”. Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?” Bà thưa: “Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.

Chính Matta đã phục vụ Chúa Giêsu qua các bữa ăn ngon, khi Người đến thăm gia đình Matta. Chúng ta có thể nhận thấy Matta đã phải bận rộn sửa soạn bữa ăn cho Chúa Giêsu và các môn đệ của Người như thế nào. Đến nỗi Matta phải xin Chúa Giêsu nhắc cho cô em Maria phụ giúp mình một tay, vì Maria đang ngồi bên chân Chúa Giêsu mà nghe lời Người: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo em con giúp con với!” Chúa Giêsu rất hài lòng với công việc phục vụ dễ thương của Matta. Tuy vậy, Người muốn cho Matta hiểu rằng việc nghe lời Chúa và cầu nguyện thì có tầm quan trọng hơn. Vì thế, Chúa Giêsu đã dịu dàng nói: “Matta, Matta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện! Chỉ có một chuyện cần mà thôi! Maria em con đã chọn phần tốt nhất!” (Lc 10, 42).
        Khi người em là Lazarô chết, Matta và Maria buồn sầu báo tin cho Chúa Giêsu. Giữa những đau khổ thử thách đó, Matta vẫn giữ được bình tĩnh. Matta đã thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Dù rằng em cô là Lazarô đã chết, Matta vẫn tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu cách tuyệt đối: “Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”. (Ga 11, 27).Với niềm tin của Matta, Chúa Giêsu đã làm phép lạ cho Lagiarô sống lại sau khi chôn cất trong mồ đã bốn ngày.

Lạy Chúa Giê su, Chúa qua lời cầu bầu của thánh Matta, ban cho chúng ta sống theo mẫu gương của thánh nữ, luôn ân cần đón tiếp Chúa và sẵn sàng hy sinh phục vụ Chúa, phục vụ Giáo Hội và tha nhân. Đón tiếp Chúa bằng việc lắng nghe lời Chúa, suy gẫm và cầu nguyện. Đón tiếp Chúa Giêsu Thánh Thể để có sự sống của Ngài hun đúc tinh thần tông đồ, nuôi dưỡng đời sống đạo. Đón tiếp Chúa với lòng yêu mến chân thành, sẽ giúp chúng ta được gần bên Chúa, gần gũi tha nhân. Đồng thời, theo gương thánh nữ Matta, chúng ta sống đức tin mạnh mẽ giữa những cơn thử thách của cuộc sống. Nhờ đó, chúng ta cố gắng vượt qua những thử thách hiện tại và hướng đến sự phục sinh vinh quang với Chúa Kitô.

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

Lựa chọn dựa theo thành quả cuộc sống




Trước đây, tôi có một nữ bệnh nhân trạc tuổi ngũ tuần. Chị luôn bị ràng buộc bởi những việc “phải làm”. Khi còn khỏe mạnh, chị làm việc tại một công ty và từng được giao phụ trách một số dự án lớn, đồng thời chị cũng phải một thân một mình chăm sóc người mẹ già mắc bệnh đãng trí. Đột nhiên, chị bị chẩn đoán mắc ung thư, cơ thể cứ thế mà yếu dần đi.
        Chị đã nói thế này: “Từ trước tới nay, tôi sống vì mẹ. Bị bệnh thế này, điều tôi đau đớn nhất chính là không thể chăm sóc mẹ được nữa.”, “Tôi phải chăm sóc mẹ cơ mà”, “Tôi là một kẻ vô dụng”.
       Thấy chị luôn đau đáu trong lòng những trăn trở ấy, tôi đã hỏi: “Chị có nghĩ rằng từ giờ, dù xảy ra bất cứ chuyện gì, mẹ chị cũng sẽ bình thản đón nhận không?”
       Trước câu hỏi của tôi, chị đã mất mấy ngày, cuối cùng cũng tìm ra câu trả lời. Đó là, giao việc chăm sóc mẹ cho các chuyên gia. Chị đã trút bỏ được gánh nặng “tự chăm sóc mẹ” đeo đẳng mình bấy lâu.
          Nhưng có một việc “phải làm” mà chị không bỏ. Đó là, chụp chung với mẹ một tấm hình. Chị đem việc ấy bàn với tôi khi bệnh tình ngày càng xấu đi nhanh chóng, không biết còn cầm cự được mấy ngày nữa. Tôi đã phải gấp rút chuẩn bị, và may mắn thay, buổi chụp ảnh đã diễn ra tốt đẹp.
        Năm ngày sau, chị qua đời.
        Khuôn mặt rạng rỡ của chị ở trung tâm bức ảnh đẹp và nhẹ nhõm. Phải chăng là do đã hoàn thành “việc quan trọng phải làm” kia?

Câu hỏi: Hãy thử viết ra tất cả những việc bạn “phải” làm. Trong số đó, đâu là việc bạn “muốn thực hiện bằng mọi giá” khi chỉ còn lại chút ít thời gian? Đâu là việc bạn “không cần làm cũng được

Thứ ba 28/7/2020 - Tuần 17 TN
Lời Chúa : Mt :13,36-43

36 Bấy giờ, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe." 37 Người đáp: "Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. 38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. 39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. 40 Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. 41 Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, 42 rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. 43 Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe

Cỏ lùng là một loại cỏ dại thường mọc chung với lúa. Lúc còn nhỏ, chúng giống và rất khó phát hiện. Đến ngày đơm bông thì chúng mới lộ rõ ra, bởi vì thân chúng thường cao và nhỏ hơn lúa, hạt chúng cũng nhỏ và râu dài hơn. Tuy nhiên, đã nhận ra, nhưng để nhổ cũng khó, vì rễ nó và lúa đã ăn quyện lại với nhau, khi nhổ cỏ lùng, không chừng lúa cũng lên theo. Người ta chỉ có thể tách biệt giữa cỏ lùng và lúa khi thu hoạch. Nhưng lý do tại sao lại phải tách biệt như vậy? Thưa vì hạt cỏ lùng là một loại rất độc, ăn nhiều sẽ gây chóng mặt, đau ốm, nếu nặng sẽ hôn mê.
       Khi giải thích dụ ngôn, Đức Giêsu cho thấy khởi đầu là thuần chủng, tốt lành, nhưng sau có sự pha tạp. Lý do là vì kẻ thù phá hoại nên đã gieo trộm cỏ lùng vào ruộng lúa. Điều này cho thấy: Giáo Hội và mỗi người chúng ta luôn gặp phải những chống đối, thù nghịch, thế lực tội lỗi luôn tìm cách để làm hại linh hồn ta.
      Mặt khác, dạy cho ta bài học về sự kiên trì, đừng nóng vội. Nếu nóng vội, nhiều khi chúng ta nông nổi và vô tình làm hỏng kế hoạch của Thiên Chúa trên cuộc đời ta và tha nhân.
      Sự thật đã nhiều lần chứng minh cho chúng ta thấy: có nhiều người tội lỗi tầy trời, nhưng vào một thời điểm nhất định, họ nhận ta tình thương của Thiên Chúa và tội lỗi của họ quá nhiều. Vì thế, họ đã sẵn sàng thay đổi cuộc đời, nên lối sống của họ đẹp lòng Thiên Chúa. Ngược lại. cũng không thiếu gì nhiều người một thời được mệnh danh là “thánh sống”, nhưng kết cục lại chìm đắm trong tội do bị sa đà và nằm lỳ trong kiêu ngạo.
       Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết quay trở về với Thiên Chúa vì Ngài rất nhân từ và khoan dung, trừ khi chúng ta không đón nhận sự tha thứ của Ngài mà thôi. Mặt khác, Lời Chúa khuyên răn chúng ta hãy bình tĩnh trong việc xét đoán anh chị em mình. Hãy để cho anh chị em ta có cơ hội hoán cải, hầu trở nên con người tốt lành. Cần nhớ rằng: sự phán quyết cuối cùng thuộc về Thiên Chúa.

Tâm tình :
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ơn sám hối với chính mình và sự khoan nhân, kiên nhẫn đối với anh chị em chúng con. Amen.

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

Nước Trời là kho báu vô tận


Ca Nguyện: Kho Báu Nước Trời - The Kingdom of Heaven - 7PM PST ...

Mùa hè năm đó, tôi đại diện bệnh viện đến một viện dưỡng lão để bàn điều kiện hợp tác kinh doanh, giúp những người già ở đây kiểm tra sức khỏe. Những người quản lý ở đó đưa ra rất nhiều điều kiện gây khó dễ, còn yêu cầu phí trà nước mới đồng ý.
   Tôi vốn định nói thôi bỏ đi, nhưng hôm đó khi đi qua hành lang của viện dưỡng lão, tôi lại lấy lại động lực một lần nữa, nếu lần này vẫn không được thì tôi không làm nữa. Vào đến viện dưỡng lão, quản lý không có đó, chỉ có một ông lão đang quét dọn trong sân. Tôi bước đến nói chuyện với ông lão. Ông lão bị ho rất nặng, tôi lấy cho ông một ly trà rồi vỗ lưng cho ông, để ông có thể được thoải mái một chút. Khi đó tôi mặc một chiếc váy sáng màu, lúc lấy trà không cẩn thận đã làm đổ lên váy tạo thành một vệt bẩn, ông lão thấy vậy liền nói xin lỗi, tôi cười đáp lại: “Không sao đâu ạ”. Sau đó ông lão hỏi tôi: “Cháu đến viện dưỡng lão có chuyện gì thế?”.Tôi cười: “Nói chuyện làm ăn ạ, chỉ sợ việc không thành”.
     Ông lão uống một ngụm trà, nhìn ông đột nhiên tôi nhớ đến ông ngoại đã mất vì ung thư thực quản. Khi còn sống, ông ngoại cũng rất thích uống trà nóng bằng bình giữ nhiệt, tôi nhắc nhở ông lão đừng uống trà nóng quá vì như thế không tốt cho thực quản. Tôi cũng dùng kiến thức y khoa và thân phận bác sỹ để giải thích lý do cho ông, để ông giữ gìn sức khỏe.Nói một lúc thì người quản lý của viện cũng quay lại, nhìn thấy tôi đang nói chuyện với ông lão liền chạy đến chào hỏi ông: “Tổng giám đốc Trần”.Lúc đó tôi vô cùng kinh ngạc, không ngờ cảnh tượng trong phim lại xuất hiện ngoài đời thực. Chuyện sau này như thế nào thì chắc không cần nói mọi người cũng hiểu, chuyện làm ăn của tôi thành công một cách dễ dàng, không những thế những viện dưỡng lão mà ông Trần đầu tư đều đồng ý nhận lời ký kết hợp đồng với chúng tôi.
   Đem tình yêu trao tặng cho người khác thì sẽ nhận lại tình yêu, ở hiền thì sẽ gặp lành, người lương thiện chắc chắn sẽ có quý nhân giúp đỡ.

Thứ hai 27/7/2020 - Tuần 17 TN
Lời Chúa : Mt 13, 31-35

Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt ấy bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó”.Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng: “Nước trời giống như nắm men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men”.Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: “Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn: Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian”.

Hôm nay, Đức Giêsu muốn dùng dụ ngôn“men trong bột” để ám chỉ Nước Trời. Thật vậy, được khởi đi từ những gì là nhỏ bé, đơn sơ, âm thầm trong sự khiêm tốn. Nhưng một khi đã hội đủ những cơ hội thuận tiện, Nước ấy sẽ lớn mạnh và lan rộng khắp nơi, khiến cho quyền lực của thế gian và ma quỷ có mạnh đến đâu cũng không thể thắng nổi.
      Qua hình ảnh này, Đức Giêsu muốn dạy chúng ta rằng: hãy bắt đầu hành trình đi tìm và sống những giá trị Tin Mừng trong sự khiêm tốn và âm thầm, chúng ta sẽ gặp được chân lý. Nước Trời chỉ đến với những người thực sự đơn sơ, chân thành. Mỗi người Kitô hữu, ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta đều được mời gọi trở nên chứng tá của Tin Mừng thông qua đời sống gương sáng của mình. Mong sao mỗi chúng ta ý thức điều đó và thi hành cách xuất sắc như “men” được trộn vào trong bột và làm cho bột dậy men.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết mau mắn đón nhận thánh ý Chúa và sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng, nhờ đó, chính chúng con được biến đổi và những ai gặp chúng con cũng được biến đổi theo. Amen.

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

Kho báu đích thực


Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật 26/07/2020 - YouTube
Qua bao đời, người Ả-rập Xê-út sống ngay trên những túi dầu khổng lồ với một trữ lượng lớn lao vượt xa các nơi khác trên thế giới mà không hay biết. Hiện nay, Ả-rập Saudi sở hữu 266,75 tỷ thùng dự trữ dầu, chiếm khoảng 20% trữ lượng dầu mỏ thế giới. Thế mà, suốt cả mấy ngàn năm trước đây, tổ tiên ngàn đời của họ phải sống trong cảnh nghèo khổ cùng cực vì đất nước của họ gồm phần lớn là sa mạc nóng cháy với một khí hậu khắc nghiệt khác thường.
Mãi cho đến năm 1938, nhờ kỹ thuật tân tiến của phương Tây, họ mới khám phá và khai thác những túi dầu lửa khổng lồ nằm ngay dưới bước chân mình. Nhờ đó, từ thân phận nghèo khổ bần cùng nhất thế giới, họ trở nên một dân tộc giàu có, phồn vinh.
Tiếc thay, biết bao nhiêu thế hệ cha ông họ đã phải sống túng thiếu cùng cực ngay trên trữ lượng “vàng đen” khổng lồ vì không phát hiện được kho tàng ẩn giấu!

Chúa nhật 26/7/2020 - Tuần 17 TN
Lời Chúa : Mt 13, 44-52

(44) “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. (45) Nước Trời lại giống như một thương gia đi tìm ngọc đẹp. (46) tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy. (47) Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. (48) Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. (49) Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính. (50) Rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. (51) Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không ? “Họ đáp: Thưa hiểu”. (52) Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ”.

Vì lòng yêu thương vô bờ dành cho con cái mình, Thiên Chúa đã ban cho nhân loại một kho tàng quý báu hàng tỷ lần hơn kho dầu bên Ả-rập; đó là Tin Mừng sự sống được rao truyền cho nhân loại suốt hai ngàn năm qua. Lời Chúa Giê-su là sự khôn ngoan của Thiên Chúa được Chúa Giê-su mang từ trời xuống tặng ban cho thế giới. Chúa Giê-su là phương dược cứu chữa nhân loại khỏi chia rẽ, hận thù và tự hủy diệt.
      Tin Mừng Chúa Giê-su đề ra giải pháp tối ưu để xây dựng một thế giới yêu thương huynh đệ, công bằng, hạnh phúc. Nhưng tiếc thay, cũng như người Ả-rập trước đây phải sống lây lất trong nghèo đói, bần cùng và lạc hậu vì không biết khám phá và khai thác những túi dầu khổng lồ dưới chân mình, thì nhiều người hiện nay vẫn chưa phát hiện được những giá trị vô cùng cao quý do Tin Mừng mang lại nên phải sống trong tình trạng nghèo tình thương, đói công lý, nhân phẩm bị chà đạp, công bằng xã hội bị tiêu hủy, hố cách biệt giàu nghèo gia tăng, nếp sống đạo đức sa sút nghiêm trọng…Sở dĩ như thế là vì Tin Mừng là kho báu, nhưng là kho báu ẩn giấu dưới những dòng chữ, là ngọc quý ẩn mình trong những trang sách, nên mặc dù sách Tin Mừng đang ở trong tầm tay mọi người, nhưng nhiều người không phát hiện được giá trị tiềm ẩn bên trong nên không tìm cách khai thác để mang lại lợi ích cho mình.

Lạy Chúa Giê su, giàu sang, danh vọng, khoái lạc là những điều hấp dẫn chúng con. Chúng trói buộc chúng con và không cho chúng con tự do ngước lên cao để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất, nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời. Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi bán tất cả những gì chúng con có, để mua được viên ngọc quý là Nước Trời. Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng trước những lời mời gọi của Chúa, không bao giờ ngoảnh mặt để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

Ham quyền


25.7.2019 – Lễ thánh Giacôbê, tông đồ | Giáo Phận Bà Rịa


Antonello - một doanh nhân giàu có tại Ý. Một hôm ông viết thư ngỏ ý với thị trưởng Milan, ông sẵn sàng dâng tặng 50 triệu Mỹ kim để thành phố thực hiện bất cứ dự án nào, nhưng với điều kiện là phải khắc tên của ông lên dự án đó, nhưng vị thị trưởng đã từ chối.

Cho đi để mong được nhận lại là phương cách mà ai trong chúng ta cũng thường suy nghĩ. Người ta thường làm ơn, làm phúc thì mong nhận lại được điều gì đó. Làm bác ái thì mong được ghi tên tuổi. Nhưng với linh đạo của Chúa Giêsu lại khác với cách suy nghĩ của con người. Chính Người đã nói: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng”. Ngay trong đoạn Tin Mừng trên đã trình thuật cho chúng ta thấy khi bà mẹ của hai người con ông Dêbêđê đến gặp Đức Giêsu để xin cho hai người con, một người ngồi bên hữu, một người bên tả. Thế nhưng mà rất tiếc bà đã đi lệch hướng. Đức Giêsu liền kéo bà và mọi người quay trở về đường lối của Thiên Chúa: “Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không ?” chẳng biết có hiểu “chén của Chúa” là cuộc tế hiến trên đồi Canvê của Ngài hay không, họ cũng đáp liều : Thưa uống nổi. Nhưng Chúa Giêsu khẳng định rõ với họ: Môn đệ theo Thầy là phải giống như Thầy là uống chén đắng, nhưng còn việc ngồi ở đâu là do quyền Chúa Cha định đoạt. Ý nói : chúng ta được cứu độ không phải là do công trạng mình lập ra, nhưng là do lòng thương xót của Chúa.

Thứ bảy 25/7/2020
Lễ kính Thánh Gia cô bê tông đồ
Lời Chúa : Mt 20,17-28

(17) Lúc sắp lên Giêrusalem, Ðức Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông: (18) "Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án tử hình Người, (19) sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào Thập giá, và ngày thứ ba, Người sẽ chỗi dậy". (20) Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Ðức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. (21) Người hỏi bà: "Bà muốn gì?" Bà thưa: "Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy". (22) Ðức Giêsu bảo: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?" Họ đáp: "Thưa uống nổi". (23) Ðức Giêsu bảo: "Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho; Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được". (24) Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. (25) Nhưng Ðức Giêsu gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân. (26) Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. (27) Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. (28) Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người".

Thời đại này, con người chuộng sống, sợ chết, ham quyền lực địa vị, của cải. Họ đi tìm hạnh phúc ở đời này dù chỉ là những cuộc ham vui chóng qua, rồi sau đó lại rơi vào thất bại ê chề. Bài Tin Mừng mà Thánh Matthêu thuật lại hôm nay như đi ngược chiều dòng lịch sử ấy, Nói đúng hơn Thánh sử đang trình thuật về một vương quốc khác hẳn thế giới này: Một vương quốc mà Đức Vua phải chịu tử hình bởi con dân Ngài. Một vương quốc mà mọi thần dân phải bước trên con đường đau khổ, vác thập giá cuộc đời thì mới đến ngai tòa vinh hiển. Một vương quốc lấy dân làm gốc, lấy tình yêu làm luật, lấy sự phục vụ chăm sóc người khác làm dây thắt lưng... Thoạt nghe, chúng ta chắc hẳn sẽ nghi ngờ và cho rằng điều đó chỉ có thể xảy ra trong mộng tưởng. Nhưng có một con người đã sống chết cho vương quốc ấy và đang mời gọi chúng ta tiếp bước là Đức Giêsu- Chúa chúng ta.

Tâm tình :

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

Hạt giống rơi vào đâu mới phát triển ?


Dụ ngôn gieo hạt giống – Giáo xứ Tân Định



Sau khi tiếp nhận và điều trị khỏi cho một nam bệnh nhân lớn tuổi bị nhiễm COVID-19, vị bác sĩ này mới bất ngờ khi nhận ra danh tính của ông.

Bác sĩ Shakil Rahman là một chuyên gia về bệnh đường hô hấp, đang làm việc tại Bệnh viện Đại học Epsom and St Helier, nước Anh. Từ sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, công việc của bác sĩ Shakil lại càng bận rộn hơn. Ông cùng các đồng nghiệp của mình không có giờ phút nào được nghỉ ngơi mà luôn phải túc trực tại khu cách ly để cứu chữa cho người bệnh. Và mới đây, vị bác sĩ này đã nhận được một điều vô cùng bất ngờ.

Ngày 5/5 vừa qua, bác sĩ Shakil đã tiếp nhận một ca bệnh. Đó là một bệnh nhân nam lớn tuổi, bị nhiễm COVID-19 và có bệnh lý nền viêm phổi. Bác sĩ Shakil được giao nhiệm vụ điều trị cho nam bệnh nhân này và sau 10 ngày, bệnh tình của ông đã thuyên giảm. Sau những cuộc kiểm tra và xét nghiệm để xác nhận không còn virus trong người, nam bệnh nhân này đã được xuất viện. Tuy nhiên trong quá trình điều trị, bác sĩ Shakil đã nhận ra một điều vô cùng bất ngờ, có thể nói là định mệnh đối với ông. Hóa ra, nam bệnh nhân mà bác sĩ Shakil chữa trị cũng từng là một bác sĩ. Ông tên là Venkatachalam Chandrasekaran, thường được gọi với cái tên Chandra, là một cựu bác sĩ phẫu thuật tim từng làm việc tại Bệnh viện St George ở thành phố London, nước Anh.

Năm 1999, ông Shakil được đưa vào bệnh viện trong tình trạng tắc nghẽn động mạch đột ngột, suýt nữa là mất mạng nếu không gặp được vị bác sĩ tài giỏi Chandra. Ông Chandra đã tiến hành cuộc phẫu thuật bắc cầu động mạch xâm lấn tối thiểu để cứu sống ông Shakil. Chẳng ai có thể ngờ 21 năm sau, ông Shakil lại trở thành một bác sĩ và cứu sống ngược lại vị ân nhân đã từng chữa trị cho mình.Tuy nhiên trong quá trình điều trị, bác sĩ Shakil đã nhận ra một điều vô cùng bất ngờ, có thể nói là định mệnh đối với ông. Hóa ra, nam bệnh nhân mà bác sĩ Shakil chữa trị cũng từng là một bác sĩ. Ông tên là Venkatachalam Chandrasekaran, thường được gọi với cái tên Chandra, là một cựu bác sĩ phẫu thuật tim từng làm việc tại Bệnh viện St George ở thành phố London, nước Anh.

Hai vị bác sĩ đã vô cùng bất ngờ khi nhận ra nhau. Nhờ sự giúp đỡ kịp thời của bác sĩ Shakil, ông Chandra mới nhanh khỏe mạnh. Vào ngày ông Chandra được xuất viện, bác sĩ Shakil đã vô cùng vui mừng và hạnh phúc vì được trả ơn cho vị ân nhân của mình.

Chia sẻ trên tờ The Standard Standard, bác sĩ Shakil nói: "Thật là một cảm giác tuyệt vời khi nhìn thấy ông Chandra rời khỏi bệnh viện sau khi được chữa khỏi COVID-19. Tôi đã từng được ông ấy cứu sống. Ông ấy là một bác sĩ cực kỳ tốt bụng, một người đàn ông nổi tiếng, một bác sĩ phẫu thuật tim với đôi bàn tay vô cùng tài năng. Thật vui mừng khi tôi và các đồng nghiệp được điều trị cho ông ấy trong giờ khắc quan trọng, giúp ông ấy khỏe lại. Ông ấy đã rời bệnh viện trong tiếng vỗ tay chúc mừng không ngớt của gia đình và các nhân viên bệnh viện".

Thứ sáu 24/7/2020 - Tuần 16 TN
Lời Chúa : Mt 13,18-23

“Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.”

Lời Chúa hôm nay là lời giải thích cho các môn đệ hiểu cặn kẽ về dụ ngôn “Người đi gieo giống”, trước là để các môn đệ hiểu ý nghĩa của dụ ngôn, sau là để chuẩn bị cho các ngài sau này sẽ phải đối diện với một thực tế trong công cuộc truyền giáo, mà trong đó cần đến sự hào phóng của người gieo giống và kiên nhẫn với nhiều thái độ đón nhận.
       Việc giải thích dụ ngôn nhấn mạnh đến tính chất khác biệt của các thửa đất và phẩm chất đón nhận hạt giống. Tin vào hiệu quả của Lời Chúa không được làm quên đi trách nhiệm của những kẻ nghe lời: Kết quả cụ thể của việc gieo hạt tuỳ thuộc vào thái độ đón nhận:
       Thiên Chúa mời gọi ta hãy lắng nghe Chúa Giê-su chỉ dạy qua lời Thánh Kinh hằng ngày. Hãy tin tưởng và đón nhận Chúa như mảnh đất tốt đón nhận hạt giống tốt. Chúa Giê-su cũng mời gọi ta tự vấn chính mình: Có bao nhiêu hạt giống “Lời Chúa” đã được gieo vào lòng tôi? Số phận của những hạt giống ấy giờ này ra sao? Hạt giống ấy đang nằm ở đâu trong cuộc đời của tôi? Tôi đã đón nhận những hạt giống ấy như thế nào? Tôi đã làm gì để hạt giống ấy được phát triển và lớn lên.

Lạy Chúa Giê-su, xin làm cho tâm hồn mọi người chúng con nên thửa đất tốt, biết mở rộng lòng mình để đón nhận Lời Chúa và làm cho Lời Chúa được lớn lên trong chúng con, đồng thời làm cho Lời Chúa được lan tỏa đến mọi người nhờ đời sống đạo và những gì chúng con có thể làm được vì vinh quang Chúa. Amen

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

Nghe mà không hiểu ?


Chú Giải Tin Mừng - Thứ Năm Tuần XVI Thường Niên B



SUY NIỆM CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN A ~ CỘNG ĐOÀN SƠN LỘC


Theo Chúa Giêsu là luôn nhìn lên Chúa và đi theo Người, cho dù có phải trả giá mắc mỏ. Sức mạnh đích thực của Kitô hữu là sức mạnh của sự thật và tình yêu thương, bao gồm việc từ chối mọi bạo lực. Đức tin và bạo lực không tương hợp với nhau.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương 5 châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 18-8-2013.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói: Trong Phụng vụ hôm nay, chúng ta nghe các lời này của thư gửi tín hữu Dothái: "Chúng ta hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin." (Dt 12,1-2). Đây là một kiểu diễn tả mà chúng ta phải đặc biệt nhấn mạnh trong Năm Đức Tin này.

Thứ năm 23/7/2020 -Tuần 16 TN
Lời Chúa : Mt 13, 10-17

Khi ấy, các môn đệ đến gần thưa Chúa Giêsu rằng: "Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?" Người đáp lại: "Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết. Vì ai đã có, thì ban thêm cho họ được dư dật; còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi. Bởi thế, Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ: vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết. Thế mới ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về họ rằng: "Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai, và nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành"."Phần các con, phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe".

Trong lời rao giảng của Ngài, Chúa Giêsu thường dùng dụ ngôn để nói về Nước Trời, một thực tại không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ loài người, và nếu có diễn tả được, thì con người cũng không thể hiểu nổi vì nó vượt khỏi thế giới khả giác này, hay nói như thánh Phaolô, đó là thực tại mà mắt con người chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, lòng người chưa từng cảm nghiệm được. Thực tại ấy không thể thu hẹp trong một vài câu định nghĩa, mà phải diễn tả bằng dụ ngôn, vì cách diễn tả này không giới hạn, nhưng tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu sâu xa hơn.
       Dụ ngôn là một thứ ngôn ngữ nói với những người trong cuộc, những người sống trong tình thân với nhau. Ðể hiểu được dụ ngôn, cần phải có hai đức tính quan trọng, đó là tâm hồn rộng mở và ước muốn tìm hiểu. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: "Về phần các con đã được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không". Nói khác đi, các môn đệ đã được chấp nhận vào cộng đoàn của những kẻ tin vào Chúa Giêsu, vì thế, các ông có thể hiểu rõ những mầu nhiệm. Còn những kẻ ở bên ngoài, nhất là những kẻ ở bên ngoài vì kiêu hãnh, vì khép kín, vì định kiến, như các Luật sĩ và Biệt phái, thì khi nhìn vào các mầu nhiệm họ chỉ thấy bí ẩn và khó hiểu. Chính cách trả lời của Chúa là tiêu chuẩn để biết được ai là người thuộc về Chúa và ai là người ngoài cuộc: "Nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe. Còn các con, mắt các con thật có phúc vì được thấy, tai các con có phúc vì được nghe".

Lạy Chúa Giê su, đã nhiều lần con tự hào là người công giáo, có đức tin, biết giáo lý Chúa dạy. Thực ra con đã hiểu Chúa được rất ít, đức tin và lòng yêu mến của con có là gì! Rất nhiều lúc con đã khép lòng lại không để Chúa đi vào đời con, con đã bịt tai nhắm mắt không muốn nhìn nhận Chúa và anh chị em. Bởi vậy con lắng tai nghe mà không hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy. Thật vậy, đã bao lần con đã nhắm mắt làm ngơ trước những đòi hỏi của Tin Mừng. Đã bao lần con bịt tai giả điếc khi phải nghe những điều luật của Chúa. Đã bao lần con khép chặt lòng mình lại để khỏi thực hiện những việc làm yêu thương. Lạy Chúa, xin đừng để con vì cứng lòng mà càng ngày càng lìa xa Chúa. Xin giúp con biết dùng ơn Chúa cách hữu hiệu để ngày càng tiến xa hơn trong đời sống Kitô hữu. Amen.

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2020

Một tình yêu lớn



Chân dung Thánh Maria Mađalêna Thánh... - Thiên Chúa Là Tình Yêu ...


Thứ tư 22/7/2020 - Tuần 16 TN
Lễ Thánh Maria Madalena
Lời Chúa : Ga 20,1-2.11-18

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối, và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ. Bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc, nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: "Tại sao bà khóc?" Bà trả lời: "Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi, và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?" Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó. Nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: "Bà kia, sao mà khóc? Bà tìm ai?" Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: "Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người". Chúa Giêsu gọi: "Maria". Quay mặt lại, bà thưa Người: "Rabboni", nghĩa là "Lạy Thầy". Chúa Giêsu bảo bà: "Ðừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: "Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con".Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: "Tôi đã trông thấy Chúa, và Chúa đã phán với tôi những điều ấy".

Thánh nữ Maria Mađalêna mà Giáo Hội kính nhớ hôm nay: là một phụ nữ thánh thiện. Bà đã đi theo Chúa Giêsu suốt cuộc hành trình, đứng dưới chân thập giá và được Chúa phục sinh hiện ra đầu tiên.
      Bà là gương mẫu cho các môn đệ, là người duy nhất được Giáo Hội Công Giáo kính nhớ và là người được Chúa trừ bảy quỷ. Bà không phải là "người phụ nữ ngoại tình", cũng không phải là "người đàn bà tội lỗi" và cũng không phải là Maria "chị của Lazarô". Do đó, chúng ta không nên nhầm lẫn với những "bà Maria khác" trong các sách Tin Mừng mà một số họa sĩ đã lạm dụng vẽ lên những hình ảnh, những tác phẩm khiêu gợi, không đúng với nhân phẩm của một vị thánh nữ gương mẫu như Bà.
      Hôm nay chúng ta suy niệm về tình yêu bùng cháy trong trái tim người phụ nữ đã không hề rời mộ Chúa, mặc dù các Tông Đồ khác đã bỏ trốn tất cả.
      Thánh nữ không ngừng tìm kiếm Đấng mà trước kia Bà không tìm được, tìm kiếm trong nước mắt và bùng cháy ngọn lửa tình yêu. Bà khao khát tìm thấy Đấng mà Bà đang tưởng nhớ và với hy vọng gặp được Chúa. Nhờ đó, Bà là người đầu tiên đã gặp được Đấng phục sinh. Thánh nữ Maria Mađalêna là người thứ nhất được Chúa Giêsu phục sinh giao cho sứ mạng loan báo Tin Mừng Phục Sinh.

Lạy Chúa Giê su, nhờ lời thánh nữ chuyển cầu, xin Chúa cho chúng con biết noi gương ngài rao giảng mầu nhiệm Chúa Kitô phục sinh, để mai sau được vào Nước Trời chiêm ngưỡng Chúa Kitô là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời.




Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

Ai mới là người Mẹ thật sự ?


Mến Yêu Hằng Ngày]: Thứ 5, 21-11-2019 (Mt 12,46-50) - Dòng Tên ...

Có những người Mẹ như thế

Nếu có những người mẹ sẵn sàng giết con để được sống, còn có người mẹ cố sống để đòi mạng sống cho con;
     Nếu có những người mẹ bất công với sự sống đã tạo nên con, còn có người mẹ, vì đã cho con sự sống, kiên trì đòi công lý và công bằng cho con;
    Nếu có những người mẹ quay mặt, giẻ lạnh với con, còn có người mẹ luôn hướng về con trong cảnh tù tội oan sai, trong tình trạng khốn cùng;
     Nếu có những người mẹ coi sự có mặt của con trên trần gian là thừa thãi như “đồ cặn bã”, còn có người mẹ trân quý sự sống con từng ngày, binh vực sự sống con từng tháng, đòi quyền sống cho con từng năm;
     Nếu có những người mẹ âu sầu vì “lỡ” có con, còn có người mẹ gào thét như điên dại, vì không cứu được con;

Người mẹ ấy khắc họa hình ảnh Người Mẹ Việt Nam bao năm vẫn gào khóc cho những đứa con mang tên công lý và công bằng, sự thật và liêm sỉ, lương tâm và lương tri, hoặc đã bị án chết, hoặc đang kéo dài cơn hấp hối, hoặc bị giam cầm trong ngục thất tối tăm.

Nếu cộng đồng làm ngơ trước thực trạng bất công xảy ra cho mạng sống người khác, chấp nhận việc oan sai như số mệnh không thể đảo ngược, thì cái xấu vẫn còn tồn tại, cái ác vẫn được dung dưỡng, thì đừng ngửa mặt lên trời hỏi, sao trời không có mắt.

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT

Thứ ba 21/7/2020 - Tuần 16 TN
Lời Chúa : Mt 12, 46-50


Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: "Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia". Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?" Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: "Ðây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy".

Lời Chúa hôm nay là phần kết luận của trình thuật về cuộc chiến đấu giữa thần khí Chúa và thần khí ma quỉ. Ma quỉ vốn làm cho con người ra câm điếc đối với Lời Chúa; do đó, như người câm được Chúa Giêsu chữa lành, con người cũng cần phải được tháo cởi khỏi xiềng xích của ma quỉ mới có thể lắng nghe được Lời Chúa và thần khí của Ngài. Ðức Maria chính là mẫu mực của con người không hề bị giam hãm trong xiềng xích của ma quỉ. Mẹ luôn luôn lắng nghe và đáp trả Lời Chúa. Chính vì lắng nghe Lời Chúa mà Mẹ đã cưu mang Con Chúa; nơi Mẹ, quan hệ máu mủ ruột thịt với Chúa Giêsu được xây dựng trên chính thái độ lắng nghe Lời Chúa; Mẹ chỉ là Mẹ Chúa Giêsu, bởi vị Mẹ đã lắng nghe Lời Chúa.
        Chúa Giêsu đã đề cao thái độ của Mẹ Maria, để từ đó nói lên mối giây liên kết đích thực trong gia đình Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Hầu hết các tôn giáo đều dựa trên gia đình như là cộng đoàn nền tảng nhất. Truyền thống khôn ngoan và luật Do Thái luôn đề cao tầm quan trọng của gia đình. Chúa Giêsu xem ra đã làm một cuộc cách mạng táo bạo khi xây dựng tôn giáo của Ngài, không dựa trên mạng lưới những quan hệ gia đình, mà trên nền tảng của sự tự do. Trong gia đình Giáo Hội, con người trở nên thân thiết với nhau, không nhất thiết nhờ máu mủ ruột thịt, mà do chính niềm tin.
     Dĩ nhiên, gia đình tự nhiên vốn là nơi con người đón nhận và nuôi dưỡng đời sống đức tin; gia đình là trường học đầu tiên về cung cách làm người cũng như sự trưởng thành trong đức tin. Chúa Giêsu không bao giờ chối bỏ vai trò ấy của gia đình. Cộng đoàn xã hội, nhất là xã hội gia đình là môi trường cần thiết giúp con người đón nhận và phát huy đức tin.
       Khi đề cao thái độ lắng nghe và thực thi Lời Chúa của Ðức Maria, Chúa Giêsu muốn chúng ta thấy rằng đức tin là sự gặp gỡ cá biệt giữa con người với Thiên Chúa, đó là cuộc gặp gỡ của mỗi người mà không ai có thể thay thế được. Càng sống Lời Chúa, càng đi sâu vào sự thân tình với Chúa, con người càng nhận ra tương quan của mình với tha nhân. Hai giới răn mến Chúa và yêu người gắn liền mật thiết với nhau là thế đó: người yêu mến Chúa một cách nồng nàn không thể không yêu thương người anh em của mình, trái lại, lòng bác ái đối với tha nhân cũng không thể không làm cho con người thêm gần gũi với Chúa hơn.

Lạy Chúa Giê su, với lời cầu xin của Mẹ Maria, xin giúp chúng con có thể luôn luônbiết học nơi Mẹ đức khiêm nhượng để tuân theo Thánh ý của Chúa ChaA Men.


Thứ Hai, 20 tháng 7, 2020

Đòi dấu lạ ?


Mến Yêu Hằng Ngày – Tiếng Thở Dài của Tình Yêu - Dòng Tên Việt Nam ...

Sinh trong một gia đình người Pháp giàu có, quý phái và đạo đức, Anh Charles de Foucauld mất đức tin từ năm 16 tuổi. Hai năm sau Anh học ở trường sĩ quan Saint-Cyr nổi tiếng của Pháp, đã đi thám hiểm nước Ma rốc ở châu Phi và được huy chương vàng. Sau thời gian đó anh đã muốn suy nghĩ về đời mình. Đời sống đạo đức của người chị em họ đánh động Anh nhiều. Anh đi nhà thờ dù chẳng tin gì, chỉ thích lặp đi lặp lại lời nguyện này: “Lạy Chúa, nếu Chúa hiện hữu, thì xin làm cho con nhận biết Chúa.”
       Chúa đã làm cho Anh nhận biết Ngài vào một ngày cuối tháng 10-1886. Khi được chị họ giới thiệu với cha sở Huvelin ở Paris, anh đã xin học đạo. Nhưng cha lại bảo anh vào tòa giải tội và xưng tội. Anh ngần ngại, nhưng đã chấp nhận quỳ xuống, và bất ngờ nếm được niềm vui khôn tả của người con lưu lạc trở về.
Đời Anh đã bắt đầu sang trang từ giây phút ấy. Chúa đưa Anh trở lại không bằng những dấu lạ lùng, nhưng qua bà chị họ đạo đức, qua cha sở Huvelin nhiều kinh nghiệm. Ơn hoán cải của Anh không dựa trên những dấu lạ làm Anh ngất ngây, nhưng đến từ khiêm nhường tìm kiếm và quỳ xuống đón nhận. Chỉ ai biết quỳ xuống mới nhận ra dấu bình thường là dấu lạ.

Thứ hai 20/7/2020 - Tuần 16 TN
Lời Chúa : Mt 12: 38-42

Khi ấy, có mấy luật sĩ và biệt phái thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng tôi muốn Thầy làm một dấu lạ". Người trả lời: "Thế hệ hung ác gian dâm đòi một dấu lạ; nhưng sẽ không cho dấu lạ nào, trừ dấu lạ tiên tri Giona. Cũng như xưa tiên tri Giona ở trong bụng cá ba đêm ngày thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba đêm ngày như vậy. Tới ngày phán xét, dân thành Ninivê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và lên án nó, vì họ đã nghe lời tiên tri Giona mà sám hối tội lỗi, nhưng đây có Đấng cao trọng hơn Giona. Đến ngày phán xét, Nữ Hoàng Phương Nam sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này, và lên án nó: vì bà từ biên thùy trái đất đã đến nghe lời khôn ngoan của vua Salomon, nhưng đây có Đấng cao trọng hơn Salomon".

Lời Chúa hôm nay, Chúa Giê-su đưa ra một sự so sánh song đối giữa luật Cựu Ước và luật Tân Ước, luật bó buộc và luật Tin Mừng, luật nguyên nghĩa và luật kiện toàn, luật Do-thái giáo và luật Ki-tô giáo, luật công bằng giao hoán và luật tha thứ, luật đền ơn trả oán và luật yêu thương…
Và Chúa Giê-su muốn xác định rõ ràng, chọn công chính theo luật hay chọn hoàn thiện theo Tin Mừng? Chọn theo luật dạy hay chọn theo Thầy dạy?
Đối với Chúa Giêsu điều quan trọng không phải là được nhìn thấy dấu lạ, nhưng trên hết đó là tâm tình tin tưởng vào Chúa là Đấng Messia được Chúa Cha sai đến. Lời rao giảng sám hối của Chúa Giêsu là dấu lạ; đón nhận Lời Chúa, ăn năn sám hối, thay đổi đời sống là dấu lạ; mầu nhiệm tử nạn và phục sinh vinh hiển của Chúa là dấu lạ. Vì nhờ việc Chúa sống lại mà ma quỷ, tội lỗi và sự chết bị Chúa thống trị. Như vậy, Chúa Giêsu chính là dấu lạ vĩ đại của Chúa Cha ban cho nhân loại.

Ngày hôm nay, Chúa Giêsu đang tiếp tục thực hiện dấu lạ cho con người nơi bí tích Thánh Thể. Qua bí tích mầu nhiệm cao cả này, chúng ta nhận ra sự hiện diện tự hạ của Chúa nơi hình bánh hình rượu. Cũng từ bí tích Thánh Thể, chúng ta được nghe tiếng Chúa kêu gọi từng người hãy đến với Chúa, hãy ở lại với Chúa, hãy đón nhận Chúa. Chúng ta hãy mau mắn thực hiện sự đáp trả, bằng đời sống hiệp thông trong Đức Giêsu Kitô là Đấng cứu độ muôn người.

Lạy Chúa Giê-su, giới luật yêu thương của Chúa muốn chúng con phải vượt lên cả những quy tắc công bằng vay trả của nhân loại, bởi vì nếu chúng con theo Chúa mà cũng xử sự “mạng đền mạng” thì chúng con cũng chẳng hơn gì người đời. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa mà tha thứ cho những người đã hại đến chúng con, như Chúa đã cầu xin Chúa Cha tha cho những kẻ đã đóng đinh Chúa. Amen.

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2020

Chiến đấu với sự dữ



Suy Niem Loi Chua Chua Nhat , Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật - DÒNG ...


SỐNG LÀ CHIẾN ĐẤU KHÔNG NGỪNG:

Vào một buổi tối, cha bề trên đã hỏi một tu sĩ trong dòng như sau:
- Hôm nay từ sáng đến giờ thầy làm gì?
Tu sĩ trả lời rằng:
– Hôm nay cũng như mọi ngày, con bận bịu với công việc mà nguyên sức con sẽ không thể làm nổi, nếu không được Chúa trợ giúp. Mỗi ngày con đều phải trông chừng hai con chim ưng, kềm giữ hai con nai, kiểm soát hai con diều hâu, điều khiển một con cá sấu, trừng trị một con gấu và chăm sóc một bệnh nhân.
Cha bề trên cười hỏi lại :
– Con nói gì lạ thế? Những con vật mà con vừa nói trong tu viện của chúng ta làm gì có?
– Thưa cha bề trên, thật đúng như vậy: Hai con chim ưng chính là hai con mắt của con, con phải giữ chúng luôn trong sáng, không để chúng tự do thu nhận những hình ảnh xấu vào đầu. Hai con nai tức là đôi chân của con, con phải luôn trông chừng chúng trong từng bước đi, để chúng luôn đi trong nẻo chính đường ngay. Hai con diều hâu là hai bàn tay con, con phải luôn bắt chúng làm việc hữu ích. Còn cá sấu là cái lưỡi trong miệng con, con phải kiềm chế để nó khỏi thốt ra những lời lẽ thâm độc hại người. Con gấu chính là trái tim con, con phải coi chừng để nó khỏi mắc thói ích kỷ và thích phô trương công đức để tìm tiếng khen. Còn bệnh nhân chính là thân xác con, con phải canh phòng để cho xác thịt khỏi trỗi dậy và luôn khỏe mạnh. Cuộc sống của chúng ta luôn phải chiến đấu với ba kẻ thù nguy hiểm là ma quỷ, thế gian và xác thịt. Trong ba kẻ thù đó thì nguy hiểm nhất lại chính là xác thịt mình, vì nó ở ngay trong lòng mình. Mùa chay là thời kỳ chúng ta hãm mình đền tội và tập sống tinh thần nghèo khó của Chúa Giê-su.  


Chúa nhật 19/7/2020 - Tuần 16 TN
Lời Chúa : Mt 13, 24-30 hoặc 24-43


Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa lớn lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng lộ ra. Đầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: ‘Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?’ Ông đáp: ‘Người thù của ta đã làm như thế’. Đầy tớ nói với chủ: ‘Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ’. Chủ nhà đáp: ‘Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: “Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta”.Người lại nói với họ dụ ngôn khác mà rằng: “Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt đó bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó”. Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng: “Nước trời giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men”.Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: “Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn, Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian”. Sau khi giải tán dân chúng, Người trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. Người đáp rằng: “Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.

“Kẻ thù của ông”, tức Satan, lợi dụng lúc sơ hở (như mệt mỏi, ngủ quên) đến gieo cỏ lùng, tức con cái sự tối tăm, gieo rắc cái ác. Cỏ lùng được gieo “Vào ngay giữa lúa”, chứ không phải gieo ở một nơi riêng biệt, hay bờ ruộng. Như vậy, cỏ lùng sẽ chèn và bóp nghẹt lúa, hút hết dưỡng chất từ đất không cho lúa phát triển.
      Ta có thể thắc mắc: tại sao ông chủ lại sơ hở như vậy, ông không cho người canh chừng ruộng lúa của mình sao, lại để cho kẻ thù có cơ hội ra tay như vậy? Thưa Thiên Chúa vẫn hành xử như thế, Ngài vẫn ngủ quên trong thế giới hôm nay để cho kẻ xấu, điều xấu, các lạc giáo, các lý thuyết sai lầm chết người, các nền văn hoá sự chết có cơ hội tung hoành. Thiên Chúa ngủ quên đến nỗi có triết gia đưa ra thuyết hoài nghi: Thiên Chúa đã chết rồi, hay không có Thiên Chúa. Cũng như Chúa Giêsu ngủ quên trong con thuyền của các môn đệ khi phong ba bão táp nổi lên.
      Thiên Chúa vẫn ngủ quên để cho mọi sự dữ xảy ra như nó đã xảy ra để thử thách niềm tin của con cái sự sáng, để cho họ có cơ hội trưởng thành trong Đức Tin, Cậy, Mến.
     Thánh giá bị đập gẫy, nhà thờ bị phá sập, đất đai của Giáo hội thì bị cướp, Linh mục bị giết, giáo dân bị bách hại khắp nơi.
     Hình ảnh cỏ lùng được gieo ngay giữa lúa, đó cũng là thực trạng của Giáo hội hôm nay. Chúng ta vẫn tuyên xưng: Giáo hội thánh thiện. Vâng đúng vậy, Giáo hội thánh thiện vì có Chúa Giêsu là Đầu, Giáo hội thánh thiện trong giáo lý và tín điều của mình. Nhưng Giáo hội lại bao gồm những con người bất toàn, yếu đuối và tội lỗi, đó là dấu vết cỏ lùng đang tồn tại trong Giáo hội. Chúng ta phải chấp nhận thực tại đó.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cho chúng con đừng chiều theo những cám dỗ, nhưng biết làm chủ lấy mình. Mỗi ngày con sẽ chú ý tập luyện một tính tốt và loại trừ tật xấu để trở nên con chiên gương mẫu, nên lúa tốt và có thể giúp cỏ lùng biến đổi thành lúa trong thửa ruộng của Ngài.

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2020

Giê su, mẫu gương hiền lành


ĐTC Phanxicô: Người hiền lành không phải là người yếu đuối, hèn ...

Những người bán ớt sẽ luôn gặp phải câu hỏi như thế này, “ớt của anh (chị) có cay không?”, gặp câu hỏi như thế thì phải trả lời sao đây nhỉ?

Nếu nói cay, những người sợ cay, họ sẽ bỏ đi ngay; còn nếu bảo không cay, cũng có thể khách hàng lại là người thích ăn cay, như vậy việc làm ăn lại gặp rủi ro.
Một ngày kia, không có việc gì làm, tôi đến đứng bên cạnh chiếc xe ba gác của một chị bán ớt, thử xem chị ấy giải quyết hai vấn đề hoàn toàn tương phản này như thế nào. Nhân lúc không có người đến mua, tôi cố làm ra vẻ thông minh mà nói với chị ấy rằng:
    “Chị hãy chia số ớt này thành hai đống đi, nếu có người muốn mua cay thì cho họ đống này, còn nếu không, thì cho họ đống kia”.
     Chị bán ớt cười với tôi, dịu dàng nói: “Không cần đâu!”
Đang nói thì một người đến mua, và điều thần kỳ đã xảy ra, rốt cuộc bà chủ đã nói thế nào nhỉ? Hãy mau xem tiếp…Quả nhiên chính là hỏi câu đó: “Ớt của chị có cay không?”
    Chị bán ớt rất chắc chắn mà bảo khách hàng rằng: “Màu đậm thì cay, còn nhạt thì không cay! Người mua ngỡ là thật, chọn xong liền trả tiền, vui lòng mà đi.Chẳng mấy chốc, những quả ớt có màu nhạt chẳng còn lại bao nhiêu. Lại có khách hàng đến, vẫn là câu hỏi đó: “Ớt của chị có cay không?” Chị bán ớt nhìn vào số ớt của mình một cái, liền mở miệng nói Lần này bà chủ trả lời: “Ớt dài thì cay, ớt ngắn không cay!”Quả nhiên, người mua liền dựa theo tiêu chuẩn phân loại của chị mà bắt đầu chọn lựa.
    Kết quả lần này chính là, ớt dài rất nhanh đã hết sạch. Nhìn những quả ớt vừa ngắn vừa đậm màu còn sót lại, trong lòng tôi nghĩ :“Lần này xem chị còn nói thế nào đây?”Tuy thế, khi một khách hàng khác hỏi: “Ớt có cay không?”Chị bán ớt hoàn toàn tự tin mà trả lời rằng: “Vỏ cứng thì cay, vỏ mềm không cay!”.
Tôi thầm bội phục, không phải vậy sao, bị mặt trời phơi cả nửa ngày trời, quả thực có rất nhiều quả ớt vì mất nước mà trở nên mềm nhũn đi. Chị bán ớt bán xong số ớt của mình, trước khi đi, chị nói với tôi rằng: “Cách mà cậu nói đó, thật ra những người bán ớt chúng tôi đều biết cả, còn cách của tôi thì chỉ có mình tôi biết thôi”.

Thứ bảy 18/7/2020 - Tuần 15 TN
Lời Chúa : Mt 12, 14-21

Khi ấy, các người biệt phái đi ra ngoài, bàn mưu kế chống lại Chúa Giêsu để hãm hại Người. Biết thế, Chúa Giêsu rời bỏ nơi ấy. Có nhiều kẻ đi theo Người, và ai có bệnh, đều được Người chữa lành. Người cấm họ đừng cho ai biết Người, để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã chép rằng: “Này là tôi tớ Ta đã chọn, là người Ta rất yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng. Ta sẽ cho Thần trí ngự trên Người. Người sẽ rao giảng sự công chính cho dân ngoại. Người không cãi cọ hay dức lác, và không ai nghe tiếng Người ngoài đường phố. Người không bẻ gãy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói, cho đến lúc Người khiến sự công minh được toàn thắng. Dân ngoại sẽ hy vọng vào danh Người”.

Có thể nói trong các nhóm của Do Thái giáo thì nhóm Biệt Phái thù ghét Chúa Giêsu dai dẳng nhất, Chúa Giêsu sẽ phải đối mặt với nhóm này hầu hết trong 3 năm rao giảng Tin mừng và lần nào họ cũng bị thất bại. Tất cả chỉ vì lòng ganh tị, họ thấy Chúa Giêsu được dân chúng mến mộ và đi theo, đe doạ đến uy tín và địa vị của họ trong dân Do Thái nên Nhóm Pharisiêu phải triệt hạ Chúa Giêsu cho bằng được.
     Nhưng nếu xét về mặt nguy hiểm thì Nhóm Pharisiêu này chủ yếu chỉ là tranh luận về Lề luật, chứ chưa đưa Chúa Giêsu đến cái chết. Chỉ khi nào Chúa Giêsu phải đối mặt với nhóm Hêrôđê và các Thượng tế, Ngài mới gặp nguy hiểm thật sự.Chúa Giêsu đích thực là người Tôi Trung của Thiên Chúa như trong sách của ngôn sứ Isaia. Đồng thời Ngài cũng chính là Thiên Chúa yêu thương. Ngài thông cảm đối những kẻ bị gãy trên đường đời và đức tin, hay là đang hoài nghi. Điều này giúp cho chúng ta vững tin vào tình thương của Chúa, Ngài luôn chờ đợi mỗi người trong chúng ta như: người con hoang trở về. Ngài sẽ soi sáng, nâng đỡ chúng ta trong những lúc bị bóng đen nghi ngờ vây phủ đức tin. Để rồi Ngài sẽ cứu chúng ta thoát khỏi tay ma quỷ và tội lỗi; để chúng ta được trở thành con cái của Nước Trời.

Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con học với Ngài đức tính nhân bản là khiêm tốn và nhẫn nại yêu thương hết mọi người không loại trừ ai, để cùng với Ngài, chúng con cũng xứng đáng được Thiên Chúa Cha hài lòng và nhận làm “con yêu dấu” của Người. Amen


Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2020

Lòng nhân từ trên hết mọi thứ

Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế (19.07.2019 – Thứ Sáu Tuần XV ...

Có câu chuyện kể rằng, hôm ấy một Rabi Do-thái cưỡi ngựa đi từ Giêricô về Giêrusalem vừa đi vừa hát thánh ca, trên đường đi, chẳng may con ngựa trượt chân ngã xuống vực, nhanh tay vớ được cành cây nên Rabi không rơi xuống vực. Ông thấy con ngựa rơi xuống nước nên không hề hấn gì, nhưng bờ cao không lên được, ông định chặt cành cây lấp đất cho con ngựa lên, nhưng sực nhớ hôm đó là ngày sa-bát không được làm việc tay chân nên thôi, ông liền phục trong bụi cây rình thấy một người hành hương cưỡi ngựa đi qua, ông rút súng bắn người ấy rơi xuống vực và cướp ngựa phóng đi tiếp tục hát thánh ca.

Lời Chúa hôm nay cũng cho thấy việc Chúa Giê-su vạch trần sự giả hình của họ, ngày Sa-bát mọi người đến nghe Lời Chúa thì họ đến với ý đồ xấu nhằm để hại người. Giống như câu chuyện trên, Rabi kia không dám cứu con ngựa của mình lên vì sợ phạm luật nhưng lại dễ dàng giết người để cướp ngựa… Luật đối với họ sẵn sàng ném đá chết một người lượm củi nấu ăn, không dám đi đường cấm dù cấp bách liên quan đến sự sống cần cấp cứu. Họ coi việc giữ những điều lặt vặt hơn là mạng sống của một con người. Xin mời Bạn cùng đọc :

Thứ sáu 17/7/2020 - Tuần 15 TN
Lời Chúa : Mt 12, 1-8

Khi ấy, vào ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi ngang cánh đồng lúa. Các môn đệ của Người đói, liền bứt bông lúa mà ăn. Thấy vậy, các người biệt phái thưa với Người rằng: "Kìa, các môn đệ của Ngài làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat". Người nói với các ông rằng: "Các ông không đọc thấy Đavít và những người đi với ông đã làm gì khi đói lả sao? Các ông cũng không đọc thấy Đavít vào đền thờ Chúa ăn bánh trưng hiến, bánh mà ông và các kẻ theo ông không được phép ăn, chỉ trừ các tư tế được ăn mà thôi sao? Hay các ông không đọc thấy trong luật rằng: Ngày Sabbat, các tư tế trong đền thờ vi phạm ngày Sabbat mà không mắc tội đó sao? Tôi bảo cho các ông biết, đây có Đấng còn trọng hơn đền thờ nữa. Vì nếu các ông biết được điều này là, 'Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ', chắc các ông không bao giờ lên án những người vô tội, vì chưng Con Người cũng là chủ ngày Sabbat".


Xã hội luôn lên án tội phạm, nhưng cũng có những người phạm tội trong hoàn cảnh khốn cùng đáng thương, vì họ không còn gì để sống, đói quá đầu gối phải bò. Cũng có trường hợp vì sai lỗi mà họ rơi vào hố sâu và từ đó liên tiếp xảy ra nhiều sai trái, cần vào lòng thương xót của những người chung quanh. Xin đừng xa tránh những người mắc bệnh hay lây, những người bị xã hội lên án, những người không may và nhất là những người đáng bị nguyền rủa. Lạy Chúa, khi vào một khóa tĩnh huấn đặc biệt, con chợt nhận ra những người gần Chúa nhất là những người bị ma quỷ cám dỗ nhiều nhất. Ma quỷ lợi dụng lúc ta bối rối, đánh vào cái tôi của mỗi người, và làm mất lòng nhau. Chúa cũng cho con nhận thấy không có gì bền vững ở thế gian này, dễ thay đổi và chóng qua. Và thân phận yếu đuối của chúng con dễ gẫy vỡ làm sao. Người ta căn cứ vào lề luật để tố tụng nhau, nhưng Chúa cần lòng nhân chứ không cần những hy lễ, vì Thiên Chúa yêu thương con người, và nhất là chúng con- những môn đệ được Chúa sai đi: rao giảng, và làm chứng về Người.

Lạy Chúa Giê-su, mọi điều luật chỉ có giá trị cứu độ khi được tuân giữ với lòng yêu mến Chúa và tha nhân, xin cho chúng con luôn biết đến với Chúa với tâm tình cảm mến tri ân và đến với anh chị em với tấm lòng yêu thương. Đó mới là tinh thần của điều răn mới mà Chúa muốn nơi mọi người chúng con. Amen

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2020

Ai mới là mẹ, là anh chị em thật sự



Mến Yêu Hằng Ngày]: Thứ 5, 21-11-2019 (Mt 12,46-50) - Dòng Tên ...


Khổng Tử có một người cháu tên là Khổng Liệt và một người học trò tên là Bật Thứ Thiên, cả hai ra làm quan cùng một thời. Một hôm Khổng Tử hỏi người cháu: Từ khi ra làm quan đến giờ, người đã được điều gì và mất điều gì?
Khổng Liệt trả lời: Từ khi ra làm quan, tôi chưa được điều gì, mà đã mất ba điều: Không có giờ học vì thế trình độ thấp, lương bổng không đủ để giúp người thân, công việc bề bộn nên không có thời giờ thăm viếng bạn bè.
Nghe thế Khổng Tử rất buồn lòng.
Một ngày nọ, Khổng tử cũng hỏi Bật Thứ Thiên cùng một câu như đã hỏi Khổng Liệt, Bật Thứ Thiên đáp: Từ khi ra làm quan, tôi chưa mất điều gì, mà đã được ba điều: những điều đã học nay đem ra thực hành, vì thế việc học được rõ ràng thêm. Lương bổng tuy có ít nhưng cũng có thể giúp người thân phần nào, do đó mà thân thiện hơn; công việc tuy nhiều nhưng cũng bớt chút thời gian thăm bạn bè khiến tình bạn càng thân thiết.
Câu trả lời của Bật Thứ Thiên được Khổng Tử khen là chí lý và thực là câu trả lời của người quân tử. (Sưu tầm)

Thứ năm 16/7/2020 - Tuần 15 TN
Lời Chúa : Mt 12, 46-50

Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: "Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia". Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?" Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: "Ðây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy".

Đức Giê-su vì sứ mạng loan báo Tin Mừng, đã buộc mình phải rời xa tương quan ruột thịt tự nhiên và hạn hẹp, để gắn bó thiết thân hơn với sứ vụ, và gắn chặt mối tương quan nhân loại bao quát hơn. Có lẽ trong nhận thức của không ít người, khi dấn thân phục vụ cho đồng loại, dường như họ nghĩ là sẽ bị mất mác thua thiệt điều gì đó, nhưng Chúa Giê-su muốn cho mọi người, và nhất là những người môn đệ của Người thấy rằng: họ không mất mà được gấp trăm là “mẹ là anh em” của Chúa. Cũng như kinh nghiệm của Bật Thứ Thiên trong câu chuyện trên, khi tận tình cho công việc chung của triều đình, tương quan của Ông rộng và sâu hơn.
      Khi Mẹ Maria liều lĩnh chấp nhận vâng nghe Lời Sứ Thần truyền, và chấp nhận gắn bó với Chúa Giê-su, Mẹ đã từng bước nhận ra Mẹ không chỉ là Mẹ duy nhất của Chúa Giê-su theo huyết nhục, mà Mẹ còn có mối tương quan thân thiết gắn bó đặc biệt với nhóm 12, mà còn quan trọng hơn với gia đình nhân loại. Khi biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa, mỗi người chắc chắn sẽ tăng thêm nhận thức về bản thân là những phần tử trong mối dây liên kết và tương quan trong đức tin, đức cậy và đức mến đối với đồng loại và đối với Thiên Chúa. Không ai trong thế giới này từ cổ chí kim có liên hệ huyết nhục nhân loại với Đức Giêsu; nhưng đã có rất nhiều người và chắc chắn sẽ còn có nhiều người sẽ gắn bó còn hơn ruột thịt và dám sống chết với Người, vì họ biết lắng nghe và thi hành ý muốn của Cha trên trời

Lạy Mẹ Maria, Mẹ của những con người thờ phượng, yêu mến đời sống chiêm niệm cầu nguyện. Xin Mẹ dạy chúng con cũng biết năng chạy đến dưới chân Chúa Giêsu Thánh Thể, để học nghe, học hiểu và có thể sống được những điều mà Chúa Giêsu đã răn dạy chúng con qua Tin Mừng, qua những biến cố hằng ngày, qua những Lời dạy bảo của Giáo Hội và qua tiếng Chúa Thánh Thần thôi thúc trong tâm hồn chúng con. Amen.