Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2021

Chịu cắt tỉa để phát triển - Chúa nhật 02/5/2021

 



Con chó đi bộ 200 km tìm về với chủ

Con chó một tuổi đã đi bộ xuyên rừng Siberi, Nga để quay về với chủ, sau khi bị chủ đưa lên tàu, chuyển về nơi nó sinh ra.
    Maru là một con chó thuộc giống Bullmastiff, được một cặp vợ chồng sống tại thành phố Krasnoyarsk, Nga đón về nuôi cách đây hơn 6 tháng, khi nó mới hơn 5 tháng tuổi. Mới đây, người chủ không thích Maru nữa, cho rằng bị dị ứng với Maru nên đã gọi cho trại chó ở Novosibirsk, là nơi Maru sinh ra, nói họ muốn trả lại cô.
    Họ đã thống nhất sẽ gửi Maru qua đường tàu hỏa. Tuy nhiên, cuộc hành trình xuyên Siberi của Maru đã sớm kết thúc khi tàu mới đi được khoảng 200 km. Khi tàu đến gần nhà ga Achinsk, Maru đã dùng chân mở cánh cửa khoang tàu và lao như một viên đạn xuống đất. Nhân viên tàu hỏa hét lên gọi nhưng vô hiệu, đành gọi điện báo cho chủ trại chó.
    Ra khỏi tàu, Maru cứ men theo đường tàu đi ngược về. Trong khi đó, người ta đã tổ chức tìm kiếm Maru và lên mạng truyền thông xã hội kêu gọi mọi người giúp đỡ. Thật kinh ngạc, hai ngày rưỡi sau, người ta tìm thấy Maru đang nằm kiệt sức tại khu công nghiệp gần nhà chủ cô ở Krasnoyarsk, bàn chân bị gãy, miếng đệm ở lòng bàn chân bị rách và mõm bị vỡ. May mắn, Maru đã không bị gấu hay sói trong rừng Siberi ăn thịt.
    Nhân viên tàu hỏa nói rằng Maru đã bị hoảng loạn tinh thần rất lớn do phải xa chủ và nghe tiếng ồn của tàu. Đại diện trại nuôi chó rất tức giận với người chủ của Maru khi đã từ chối tìm kiếm Maru cùng mình. Hiện giờ, Maru được điều trị vết thương tại trại chó ở Novosibirsk.
    
Câu chuyện trên đây thật cảm động, chúng ta đã sống chết trở về với Chúa, kết hợp gắn bó với Chúa cho dù phải mang thương tích chưa ?

Chúa nhật 02/5/2021 - Tuần 5 PS
Lời Chúa : Ga 15, 1 – 8

(1) "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. (2) Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. (3) Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em.(4) Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. (5) Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. (6) Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. (7) Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin. anh em sẽ được như ý. (8) Ðiều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.

 Chúa Giê su muốn dùng hình ảnh này để nói lên tương quan giữa Ngài với môn đệ.“Thầy là cây nho, anh em là cành” (c. 5). Cành sống được, sinh trái được, là nhờ còn gắn liền với cây. Dòng nhựa nguyên từ cây sẽ nuôi sống cành. Như cành không tự mình sinh trái được, người môn đệ cũng chẳng làm gì được nếu không gắn bó với Thầy (c. 5).
    Có một lối nói đặc biệt để diễn tả sự gắn bó này: ở lại trong. Cụm từ này được nhắc lại sáu lần như một điệp khúc  “Anh em hãy ở lại trong Thầy”: một lời kêu mời tha thiết của trái tim. Thầy Giêsu như xin các môn đệ đừng quay lưng trước tình yêu, vì tình yêu cần được đáp trả mới nên trọn vẹn. “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” Cành nho không có tự do để chọn ở lại hay không ở lại. Chỉ con người mới có thể tự nguyện ở lại hay cố tình từ chối. Nhưng ở lại trong Thầy cũng có nhiều cấp độ. Chắc chúng ta đã ở lại trong Chúa Giêsu phục sinh đến một mức nào đó.Và cây đời của chúng ta đã sinh hoa trái ít nhiều. Nhưng chúng ta vẫn cần ở lại hơn để có trái nhiều hơn. Càng ở lại sâu, càng có trái nhiều, trái ngon, trái tồn tại mãi. Trái tỷ lệ thuận với việc chúng ta ở lại trong Chúa. Nét đặc sắc làm nên đời người Kitô hữu chính là chuyện của cây và cành. Cây và cành cùng sẻ chia một dòng nhựa sống. Kitô hữu không chỉ sống với Giêsu, sống như Giêsu, sống cho Giêsu, mà còn sống trong Giêsu, sống sự sống của Chúa Giêsu phục sinh. Chưa sống trong Giêsu, chưa thực sự là Kitô hữu. 
    Chúng ta cũng không quên vai trò của Thiên Chúa Cha người trồng nho. Cây nho Giêsu được Cha vun trồng chăm bón. Các cành nho không sinh trái thì bị Cha chặt đi. Các cành đã sinh trái thì được Cha cắt tỉa để sinh trái hơn (c. 2).Cha cắt tỉa không vì độc ác, nhưng vì yêu, vì muốn điều tốt hơn cho cành nho. Chữ hơn giúp chúng ta hiểu được những cắt tỉa đau đớn trong đời mình. Có thể nói chính Đức Giêsu cũng đã được Cha cắt tỉa qua khổ đau, nhục nhã và cái chết kinh hoàng. Không phải vì Ngài chưa thanh sạch, nhưng để Ngài giống và gần ta hơn. “Điều làm Cha được tôn vinh là anh em sinh trái nhiều” (c. 8). Vinh quang của Cha không nghịch với sự triển nở thật sự của con người. Sự èo uột, cằn cỗi của chúng ta mới là nỗi nhục cho Thiên Chúa.
    Hãy sinh trái nhiều nhờ chấp nhận những cắt tỉa của Cha qua lời của Giêsu.

Lạy Chúa Giê su, xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần có Chúa hiện diện để con khỏi quên Chúa. Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con yếu đuối, con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.
Không có Chúa, con đâu còn nồng nhiệt hăng say.
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn, cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.
Con cần được thêm sức mạnh để khỏi ngừng lại dọc đường.
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.
Con không dám xin những ơn siêu phàm, chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.
Xin ở lại với con vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa và không đòi phần thưởng nào khác ngoài việc được yêu Chúa hơn.

(Cha Piô)

Người lao động chân chính - Thứ bảy 01/5/2021

 



Thánh Giuse Cotignac :

Ở tại Cotignac, miền Nam nước Pháp, có những ngôi thánh đường cổ xưa và kỳ lạ dâng kính Đức Mẹ và Thánh Giuse, lôi kéo rất nhiều du khách hành hương. 
 Thật ly kỳ. Ngày 7-6-1660, trên sườn đồi Bessillon, cách nhà thờ Đức Mẹ Ban Ơn ba cây số về hướng Tây, một người chăn chiên tên là Gaspard Ricard đang chăn giữ đoàn vật và ngồi nghỉ dưới gốc cây. Trời nắng chang chang. Anh lại khát nước. Bỗng dưng có một người đàn ông xuất hiện trước mặt anh. Ông lấy tay chỉ vào một tảng đá lớn trên thảm cỏ và nói : "Ta là Giuse. Hãy cất tảng đá này đi và có nước uống". Anh Gaspard là con người thực tế, anh lượng định sức mình không làm sao xê dịch được tảng đá quá lớn và quá nặng. Người tự xưng là Giuse lại truyền : "Cất hòn đá đi và anh sẽ được nước uống". Người chăn chiên vâng lời. Anh nâng tảng đá lên một cách dễ dàng như nâng một chiếc lông hồng và đặt một bên. Một dòng suối trong veo, mát mẻ lộ hiện. Anh cúi xuống sát đất và uống một mạch cho đỡ khát. Uống xong, anh ngửa mặt lên để cám ơn người lạ dễ thương. Nhưng không thấy đâu cả. Ông đã biến đâu mất, nhìn trước ngó sau, anh không thấy ai.

Anh vội chạy về làng kể lại việc lạ xảy ra. Nhưng người ta không tin. Anh năn nỉ mời họ ra xem. Giòng nước chảy từ ba giờ và còn chảy mạnh. Mọi người đều kinh ngạc. Tảng đá còn nằm lồ lộ ở đó, tám người thử nâng lên không nổi, như đã được chốt xuống lòng đất. Một tia sáng xuyên qua tâm hồn, Gaspard người chăn chiên chất phác đã hiểu. Giuse kỳ diệu ấy không ai khác là Thánh Giuse. Ngài đã ban cho anh một sức mạnh phi thường để di chuyển tảng đá. Dân làng bắt đầu cầu nguyện. Và từ năm 1660, dân chúng đổ về cầu xin Thánh Giuse và uống nước. Giòng nước tuôn chảy chữa bệnh tật phần xác và phần hồn.

Nhà cầm quyền Cotignac, được dân chúng ủng hộ, đã xây cất ở đó một thánh đường trùm lên suối nước, được Đức Giám mục Frejus long trọng làm phép ngày 9-8-1660. Một tu viện cũng được thiết lập bên cạnh. Tại Cotignac, Thánh Giuse dạy chúng ta "hãy cất hòn đá đi", để cho "ngọn suối ơn thánh" tuôn chảy. "Ai khát hãy đến với Tôi, ai tin vào Tôi, hãy đến mà uống. Như Kinh Thánh đã nói : Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống" (Ga 7,38) (Hồng Phúc, Sđd, tr. 103-108).

Thứ bảy 01/5/2021 - Tuần 4 PS
Lời Chúa : Mt 13, 54-58

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê quán Người, và giảng dạy người ta trong hội đường, khiến người ta ngạc nhiên và nói rằng: "Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao? Nào mẹ ông chẳng phải là bà Maria, và Giacôbê, Giuse, Simon, Giuđa chẳng phải là anh em ông sao? Và chị em ông, nào chẳng phải những người ở nơi chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?" Và họ vấp phạm đến Người. Nhưng Chúa Giêsu phán cùng họ rằng: "Không tiên tri nào mà không được vinh dự, trừ nơi quê quán và nhà mình". Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin.

Lời Chúa hôm nay là bài học quý giá cho chúng ta, đừng vội đánh giá hay chỉ trích ai chỉ vì ta dường như biết rõ về họ. Càng quen thuộc với ai, chúng ta càng biết nhiều về những điểm xấu và lỗi lầm của họ. Và nếu không cẩn trọng, chúng ta sẽ dễ dàng chỉ chăm chăm nhìn vào tính xấu của họ thay vì những đức tính tốt mà Thiên Chúa muốn ta thấy.
    Hôm nay, mời bạn phản tỉnh về cách bạn nhìn nhận, nghĩ suy về những người xung quanh, đặc biệt là những người thân thiết và gần gũi nhất với bạn. Bạn có thể kể ra những điều tốt lành của họ nhiều hơn, hay điểm xấu nhiều hơn? Có khi nào bạn vội vàng quy kết, “dán nhãn” cho một hành động nào đó của họ vì hiểu biết của bạn đối với họ không?
    Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy cẩn trọng trước những điều ta cho là quá quen thuộc, đừng để chúng trở thành cớ vấp phạm cho ta và người khác. Chúng ta hãy đến với anh chị em và tha nhân bằng lòng khiêm nhu và chân thật. Vì chỉ có bằng tình yêu đơn sơ và chân thành đó, ta mới có thể thấy được sự tốt lành chân thực mà Thiên Chúa đã đặt để nơi họ. Ngài hằng có và hiện diện trong tâm hồn mỗi người xung quanh ta. Nhiệm vụ của chúng ta là nhận biết điều thiện mỹ ấy và trân trọng, thương yêu.

Lạy Chúa Giê su, xin giúp con nhận ra và yêu thương Ngài trong hình hài người khác. Xin giúp con tránh xa những cám dỗ của chỉ trích, phê phán và khiêm nhường để mình bị cuốn hút bởi sự thiện mỹ nơi những đứa con của Ngài. Lạy Chúa, con yêu mến Chúa, và con cũng yêu mến Ngài trong hình hài anh em con. Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!







Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

Con đường duy nhất dẫn lên Trời - Thứ sáu 30/4/2021

 







Thứ sáu 30/4/2021 - Tuần 4 PS
Lời Chúa : Ga 14, 1-6

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi”. Ông Tôma thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.

Lời Chúa hôm nay, chúng ta nghe Đức Giêsu nói : “Chính Tôi là Đường” (c. 6). Phải chăng vì thế kitô giáo được sách Công vụ gọi là Đường của Chúa, và các kitô hữu đầu tiên được gọi là những người thuộc về Đường ? Đối với kitô hữu, theo đạo chính là theo một Con Đường. Con Đường ấy không phải chỉ là một số lễ nghi hay giáo lý phải giữ, cũng không phải là những minh triết khôn ngoan phải theo. Con Đường ấy hiện thân nơi một con người. Theo đạo chính là theo Con Đường mang tên Giêsu, là gắn bó sống chết với Giêsu, chia sẻ sứ mạng của Giêsu, Con Thiên Chúa làm người bằng xương bằng thịt. Đức Giêsu không chỉ là người dẫn đường. Chính Ngài là Đường, là Đạo. Hơn thế nữa, Ngài là Con Đường duy nhất dẫn ta đến với Chúa Cha. “Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (c. 6).
Phải qua Con Đường Giêsu chúng ta mới vào được thế giới của Thiên Chúa, bởi lẽ chỉ Đấng từ trời xuống mới có thể đưa chúng ta lên trời.
    Ngày nay người ta nói đến nhiều con đường khác để được cứu độ. Nhưng con đường nào cũng phải đi qua Con Đường Giêsu. Nơi Con Đường này chúng ta gặp được Sự Thật trọn vẹn về Thiên Chúa. Nơi đây chúng ta gặp được Sự Sống viên mãn của chính Thiên Chúa. Khi các môn đệ xao xuyến vì đến giờ chia tay, Thầy Giêsu cho biết Ngài đi về với Cha để dọn chỗ cho họ (c. 2). Chỗ ở vĩnh viễn của họ là nơi Thầy trò được ở với nhau mãi mãi. “Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 3; x. 12, 26; 17, 24).
Thiên đàng là nơi Thầy trò được ở bên nhau, không gì ngăn cách nổi. Tình Thầy trò đã bắt đầu ở đời này và sẽ kéo dài đến vĩnh cửu. Là người theo Đạo Giêsu, chúng ta biết mình từ đâu đến và sẽ đi đâu. Chúng ta không đi loanh quanh cho đời mỏi mệt. Chúng ta biết hạnh phúc đang chờ mình ở cuối đường.Nhưng nếu chúng ta không có tình bạn thiết thân với Giêsu ở đời này thì vào thiên đàng để làm gì ?

Lạy Chúa Giê su,con đã yêu Chúa quá muộn màng! Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa luôn mới mẻ, con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Bấy giờ Chúa ở trong con mà con thì ở ngoài, con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài.
Con thật hư hỏng, khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.
Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con mà con lại không ở với Chúa.
Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa, trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa.
Chúa đã gọi con, đã gọi to và phá tan sự điếc lác của con.
Chúa đã soi sáng và xua đi sự mù lòa của con.
Chúa đã tỏa hương thơm ngát để con được thưởng thức, và giờ đây hối hả quay về với Chúa.
Con đã nếm thử Chúa và giờ đây con đói khát Người.
Chúa đã chạm đến con, nên giờ đây con nóng lòng chạy đi tìm anh bình nơi Chúa.


Thánh Âu Tinh

Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

Ý nghĩa đích thực của việc đón tiếp - Thứ năm 29/4/2021






Ở phía Bắc của tiểu bang Virginia, vào một đêm lạnh cóng, sương tuyết phủ đầy, có một cụ già đứng bên đường chờ người cho quá giang xe. Không biết cụ đã đợi từ bao giờ và sẽ phải đợi thêm bao lâu nữa, nhưng cụ vẫn đứng đó run rẩy, kiên nhẫn chờ đợi.
    Có rất nhiều người cưỡi ngựa đi qua nhưng ông cụ lặng im không vẫy họ. Thậm chí cụ cũng không làm gì để gây chú ý. Từng người, từng người đi qua chỗ cụ đứng nhưng ông cụ vẫn đứng như một bức tượng đá. Đêm về khuya, trời càng lạnh và người qua lại thưa thớt dần. Bỗng ông cụ đứng bật dậy khi có tiếng vó ngựa sắp chạy ngang qua, ông vẫy tay gọi: - Con trai, liệu con có thể cho ta đi nhờ một đoạn đường không? Đoạn này nhiều tuyết quá, ta không đi nổi nữa…Người cưỡi ngựa ghìm cương, nhảy xuống đỡ ông cụ lên ngựa. Anh ta không chỉ cho ông cụ đi nhờ một đoạn đường mà còn đưa ông về đến tận nhà.
    Trước khi ông cụ vào nhà, người cưỡi ngựa tò mò hỏi: - Ông ạ, có phải ông đã đứng ở đó từ lâu rồi. Tại sao ông không đi nhờ sớm hơn? Đường này nhiều người qua lại, sao ông cứ đứng chờ trong khi trời tối và lạnh như vậy? Ông cụ nhìn vào mắt người cưỡi ngựa và trả lời: - Con trai, ta ở vùng này đã lâu lắm rồi. Ta có thể nhìn vào mắt một con người và đoán được về người đó. Khi những người cưỡi ngựa trước đi qua, họ liếc nhìn thấy ta rồi quay đi ngay. Trong ánh mắt đó không hề có sự quan tâm hay chút tình cảm. Nên ta nghĩ dù có vẫy thì họ cũng chẳng chịu dừng lại đâu. Nhưng khi con đi tới, từ đằng xa, con đã nhìn ta và không rời mắt khỏi ta. Trong ánh mắt đó, ta nhìn thấy sự cảm thương và lo lắng. Và ngay lúc ấy, ta biết con muốn giúp đỡ ta.
    Những lời đó thật sự làm cho người cưỡi ngựa cảm động, ông thành thật nói: - Con rất cảm ơn ông đã nói những lời đó. Hy vọng rằng con sẽ không bao giờ quá bận rộn đến mức không nhìn thấy những người khác khi họ cần giúp đỡ…
    Người cưỡi ngựa đó không ai xa lạ mà chính là Thomas Jefferson, vị Tổng thống thứ ba của nước Mỹ, người đã viết bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776. Thái độ của Thomas Jefferson khiến ông già chú ý và ông đã nhận ra người cưỡi ngựa này mới là người thật sự biết quan tâm đến người khác. Ông già đã chờ đợi một không phải một con người mà chờ đợi một tấm lòng. Ông quả là người có con mắt tinh đời và ông đã không hề nhầm lẫn giữa một người có lòng độ lượng với một người thờ ơ, lãnh đạm.

Thứ năm 29/4/2021 - Tuần 4 PS
Lời Chúa : Ga 13, 16-20

16 Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giêsu nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. 17 Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em! 18 Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con. 19 Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu. 20 Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp Người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.

Lời Chúa hôm nay là những lời trăn trối sau cùng của Thầy Giêsu đối với các môn đệ trước khi Người bước vào cuộc thương khó. Sau khi cúi xuống rửa chân cho từng môn đệ, Đức Giêsu căn dặn các ông chú ý phục vụ lẫn nhau như Người đã phục vụ. Hơn nữa khi phục vụ người khác là chúng ta đang phục vụ chính Thiên Chúa, như để nhắc nhở trong số các môn đệ, có người sẽ phản bội bán Chúa, nhưng không vì thế mà các ông lãng quên bổn phận phải phục vụ. Chính Thiên Chúa biết trước tất cả những bội phản sẽ xảy ra, nhưng Người vẫn yêu thương và yêu đến cùng. Ở đây có một sự kết nối rất chặt chẽ, khi thực thi bác ái, đón tiếp tha nhân là chúng ta đón tiếp chính Thiên Chúa. Tương quan của chúng ta với Thiên Chúa chỉ triển nở và bền lâu nếu chúng ta duy trì tương quan với tha nhân. Ngược lại, khi từ chối tha nhân là chúng ta từ chối chính Thiên Chúa. Không phải chúng ta đến với Chúa, nhưng chính Thiên Chúa đã đến với chúng ta trước. Người đã đến và tự nguyện ở lại, mang vác mọi gánh nặng khổ đau và tội lỗi của kiếp người. Đức Giêsu đã trao hiến để lấp đầy mọi khiếm khuyết nơi chúng ta, đã chết để chúng ta được sống và sống dồi dào.
    Trong cuộc sống, giữa dòng đời ngược xuôi, biết bao lần chúng ta đã bước qua nhau mà không quan tâm để ý đến những nhu cầu cần thiết của người khác, không biết có một người đang cần chúng ta giúp đỡ. Trong đời sống thiêng liêng, biết bao lần chúng ta cũng bỏ qua lời mời gọi của Thiên Chúa, khi từ chối thực thi tình bác ái đối với tha nhân, khi từ chối trở nên chứng nhân của tình yêu thương. Biết bao lần Chúa mời gọi chúng ta tham dự vào mầu nhiệm Cứu Chuộc của Thiên Chúa nhưng chúng ta lại từ chối mải mê chạy theo những cám dỗ mời mọc ngọt ngào của thế gian vật chất, của đam mê xác thịt.
    Giữa dòng đời ngược xuôi Chúa vẫn đứng đó đợi chờ ta mặc dù phải chịu đựng sự băng giá, sự thờ ơ của lòng người. Chúa phải chịu đựng những cơn mưa dối trá, những ngông cuồng kiêu căng. Chúa ở lại với ta, trong ta để thuộc về ta mọi đàng nhưng ta lại tìm mọi cách để tránh né Chúa, vượt ra khỏi vòng tay yêu thương của Chúa. Chúa thân thiện và gần gũi, ta lạnh nhạt thờ ơ. Chúa đong đầy những đấu đã dằn đã lắc, ta gạt lọc cắt xén chê bai. Chúa thân hành đến với ta, còn ta thì ngại ngùng xa cách.

Lạy Chúa, xin dạy con biết tình yêu Chúa sâu thẳm đến dường nào, để con biết sống cho trọn tình yêu ấy. Xin ở lại bên con, và con cũng ước mong ở lại bên Chúa. Xin Chúa đừng bước qua đời con, hãy níu kéo con ở lại bên Chúa mãi mãi vì chỉ có Chúa là niềm vui đích thực của đời con. Amen.

Ai tin thì ở trong ánh sáng - Thứ tư 28/4/2021

 



Thứ tư 28/4/2021 - Tuần 4 PS
Lời Chúa : Ga 12, 44-50

Khi ấy, Chúa Giêsu lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào Ta thì không phải là tin vào Ta, nhưng là tin vào Đấng đã sai Ta. Và ai thấy Ta là thấy Đấng đã sai Ta. Ta là sự sáng đã đến thế gian, để bất cứ ai tin Ta, người ấy sẽ không ở trong sự tối tăm. Nếu ai nghe lời Ta mà không tuân giữ, thì không phải chính Ta xét xử người ấy, vì Ta đã đến không phải để xét xử thế gian, nhưng là để cứu độ thế gian. Ai khinh dể Ta, và không chấp nhận lời Ta, thì đã có người xét xử: lời Ta đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. Bởi vì Ta đã không tự mình nói ra, nhưng Cha là Đấng sai Ta, chính Người đã ra lệnh cho Ta phải nói gì và phải công bố gì. Và Ta biết rằng lệnh của Người là sự sống đời đời. Những điều Ta nói, thì Ta nói theo như Cha đã dạy”.

Lần nọ, một nhóm giáo sĩ Công giáo Trung Hoa đã nhờ giáo sư Kinh Thánh từ Mỹ đến giúp họ khóa học về Thánh Kinh. Mở đầu cho khóa học, vị giáo sư đề nghị nhóm giáo sĩ tìm ra bất kỳ một đoạn Tin Mừng nào mà họ cảm thấy đánh động mình nhất. Trước sự ngạc nhiên của vị giáo sư, nhóm người ấy họ không chọn bài giảng trên núi, hay cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu hoặc biến cố Phục Sinh của Ngài. Nhưng họ lại chọn câu chuyện rửa chân cho các môn đệ. Và cũng chẳng phải là ngẫu nhiên mà sự chọn lựa của nhóm giáo sĩ người Trung Hoa này đã mang một ý nghĩa thật trùng hợp với lời dạy của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay.

Có thể tóm lược cách tổng quát về những lời rao giảng công khai của Chúa. Chúa Giêsu đã nhắc đến hai điểm chính yếu là: "Tin Ngài là tin Chúa Cha và thấy Ngài là thấy Chúa Cha".

Tin Chúa thì sẽ mang lại ánh sáng cho cuộc đời, vì đức tin là ánh sáng, không tin thì sống trong tối tăm. Từ chối không tin Con Người thì tự kết án mình, mặc dù Chúa Giêsu không đến để kết án mà để cứu rỗi. Không ai có thể thoát ra khỏi sự xét xử cuối cùng này, và sự xét xử ấy là bởi thái độ do con người tin nhận hay từ chối từ Thiên Chúa: "Ai nghe lời Ta mà không tin giữ thì không phải Ta kết án kẻ đó, nhưng chính Lời Ta sẽ xét xử nó" (Ga 12,47-48), không ai có thể thoát khỏi sự xét xử này, nhưng sự xét xử đó sẽ đến trong ngày sau hết.

Trong cuộc sống, Thiên Chúa luôn kêu mời con người trở về với Ngài sau những lần sa ngã hay lúc họ chối từ Ngài, thời giờ chúng ta đang sống là thời giờ của lòng nhân từ thương xót Chúa. Ước gì mỗi người chúng ta đừng lạm dụng lòng nhân từ Chúa, đừng khinh dể bỏ qua ơn soi sáng của Ngài. Qua đoạn Phúc Âm trên, thánh sử cho thấy rõ ý Chúa muốn nói với mỗi người, đó là Ngài muốn chúng ta lắng nghe lời Ngài và sống kết hợp với Ngài "biết giới răn Cha Ta là sống đời đời" (Ga 12,50).


Lạy Cha là Ðấng Toàn Năng Hằng Hữu, Cha đã đặt vào tâm hồn con người một niềm khao khát sâu xa về Cha, đến độ con người sẽ được an bình chỉ khi nào họ đến gặp Cha. Xin Cha hãy thương làm sao để cho con người vượt qua những thử thách, những trở ngại mà nhìn nhận những dấu chỉ về lòng nhân từ của Cha, và có được niềm vui khi chân nhận Cha là Thiên Chúa duy nhất, Cha là Ðấng chân thật của mọi người. Amen.

Có Đấng bảo vệ trong cuộc đời - Thứ ba 27/4/2021

 





Bộ phim Le Bébe Est Une Personne đã tường thuật lại câu chuyện nội dung của một cuộc thí nghiệm về tương quan giữa mẹ và con như sau: cậu bé Nicola 5 tháng tuổi được đặt một nơi, và người ta đã chọn 3 người phụ nữ có giọng nói giống như mẹ của cháu bé để cho cháu nhận ra tiết âm của mẹ bé. Cả 3 người phụ nữ này đều ngồi cách xa cậu bé một khoảng cách bằng nhau, và họ lần lượt gọi tên bé nhiều lần: Nicola! Nicola!Nicola…nhưng bé không phản ứng gì! Đến lượt mẹ của cậu bé gọi: Nicola! Nicola!Nicola…Cậu bé cựa quậy, nheo mắt, khóc, đòi mẹ... Cuộc thí nghiệm được lập đi lập lại nhiều lần nhưng đều có chung một kết quả. Chắc không phải tình cờ hay ngẫu nhiên mà đứa bé nhận ra tiếng đích thực của mẹ nó, nhưng có lẽ hơi thở, khí mùi, tâm tình…trong tiếng nói của người mẹ đối với bé Nicola thật đặc thù và không thể tìm được nơi người khác được.

Hiểu biết về người khác dường như là cả một tiến trình tiếp xúc gần gũi được lặp đi lặp lại nhiều lần cả bề sâu lẫn bề rộng, và như thế mới đạt tới một sự hiểu biết thâm sâu. Cũng như câu chuyện của cậu bé Nicola và mẹ, cậu bé đã thường lắng nghe và biết được đây là tiếng của mẹ mình, mẹ bé vẫn thường gọi tên Nicola ngay khi bé còn là một bào thai trong bụng mẹ. Nghe ở đây không phải là cái nghe thể lý, nghe bằng tai như nghe một tiếng động. Nghe là cả một sự lắng động và nghe của con tim. Biết ở đây cũng thế, không phải biết theo kiến thức bằng cái đầu. Cái biết thâm sâu được thể hiện bằng tình yêu và những mối tương quan gắn bó. Biết là một quá trình học hỏi với những kinh nghiệm, diễn tả sự hiệp thông sâu xa, trong tương quan tình yêu.

Thứ ba 27/4/2021 - Tuần 4 PS
Lời Chúa : Ga 10, 22-30)

22 Khi ấy, ở Giê-ru-sa-lem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông. 23 Đức Giê-su đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Sa-lô-môn. 24 Người Do-thái vây quanh Đức Giê-su và nói : "Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết." 25 Đức Giê-su đáp : "Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. 26 Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi. 27 Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng và chúng theo tôi. 28 Tôi ban cho chúng sự sống đời đời ; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. 29 Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. 30 Tôi và Chúa Cha là một."

Có những kitô hữu theo đạo để mong tránh sóng gió của cuộc đời.
Nhưng đã có lần con thuyền chở Đức Giêsu và môn đệ gặp bão lớn, nước tràn vào khiến thuyền gần chìm, làm môn đệ hốt hoảng. Theo Chúa đâu phải để tránh bão, nhưng để vượt qua cơn bão. Theo Chúa đâu phải để khỏi bị cám dỗ, nhưng để thắng cơn cám dỗ. Cuộc sống của người kitô hữu không tránh khỏi những khó khăn mà những người không kitô hữu phải đối mặt mỗi ngày. Hơn nữa, người kitô hữu còn gặp nhiều khó khăn hơn. Có những cơn bão ập đến bất ngờ chỉ vì họ là kitô hữu.

Làm chiên trong đàn chiên của Đức Giêsu không có nghĩa là được hưởng một sự êm ả dễ chịu.
Được ở trong ràn chiên của Chúa, không có nghĩa là được yên ổn, chẳng bị ai quấy phá.
Đức Giêsu đã nói đến chuyện kẻ trộm, kẻ cướp, leo tường mà vào (c.10).
Chúng đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy đàn chiên (c. 10).
Khi được dẫn đi ăn nơi đồng cỏ, chiên còn phải đối đầu với sói dữ.
“Sói cướp lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (c. 12).
Đức Giêsu khẳng định mình không phải là người làm thuê, nên khi sói đến, Ngài không bỏ chiên mà chạy. Chiên là điều quý giá đối với Ngài đến độ Ngài dám nói nhiều lần: “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”  Và thực sự Ngài đã làm điều đó trên thập giá.

Rõ ràng bảo vệ đoàn chiên là chuyện mấy chẳng dễ dàng. Nếu Đức Giêsu, người mục tử nhân hậu mà bất khuất, đã phải hy sinh mạng sống cho đoàn chiên, thì hẳn cuộc chiến giằng co phải rất là ác liệt.
Kẻ thù của chiên chẳng phải là kẻ kém cỏi tầm thường.
Trong cuộc chiến để bảo vệ chiên, còn có sự hiện diện của Cha.
Chiên là của Cha và Cha đã giao chiên cho Đức Giêsu (c. 29).
Cha và Con cùng hợp tác để bảo vệ đoàn chiên, để ai cướp chiên ra khỏi vòng tay che chở của mình (cc. 28-29). Cha và Con một lòng một ý trong nhiệm vụ này (c. 30).
Việc bảo vệ chiên còn kéo dài mãi đến tận thế.

Chúng ta làm gì để cộng tác với Chúa trong việc bảo vệ mình khỏi sói dữ ?
Hãy tin vào Giêsu và nhận ra giọng nói của Giêsu để khỏi bị lừa.
Hãy theo sát sự dẫn đường của Giêsu, vị Mục tử đã chiến thắng cái chết.
Và hãy tin vào Chúa Cha, Đấng mạnh mẽ hơn tất cả (c. 29).


Tâm tình :
Lạy Chúa Giê Su, vị tử đạo tuyệt vời, Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.
Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi trần gian lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó
Thế gian này vàng thau lẫn lộn, có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài
    Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình, giữ được vị mặn của muối, và sức tác động của men,
để đem đến cho thế gian một linh hồn, một sức sống. Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo, chỉ sợ mình bỏ sống đạo vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.
    Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo, những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.
    Lạy Chúa Giê Su, nếu thế gian ghét chúng con, thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen

Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

Đi theo tiếng gọi để được sống - Thứ hai 26/4/2021

 




Thứ hai 26/4/2021 - Tuần 4 PS
Lời Chúa : Ga 10,1-10

(1) "Thật, tôi bảo thật các ông : Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. (2) Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. (3)Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh ; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. (4) Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. (5) Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ". (6) Chúa Giêsu kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều người nói với họ.(7) Vậy, Chúa Giêsu lại nói : "Thật, tôi bảo thật các ông : Tôi là cửa cho chiên ra vào. (8) Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp ; nhưng chiên đã không theo họ. (9) Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. (10) Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”.

Trong Tin Mừng Gioan, Ðức Giêsu thường ví mình với điều cụ thể: 
“Tôi là bánh, là Ánh Sáng, là Ðường…
Lời Chúa hôm nay, Ngài ví mình như Mục tử. Người mục tử chân chính đi qua cửa mà vào chuồng chiên. Anh gọi chiên của anh bằng một tiếng gọi riêng, chiên nhận ra tiếng của anh và đi theo.
Còn mục tử giả hiệu thì trèo tường mà vào chuồng. Chiên không theo anh ta, nhưng sợ hãi chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ. Ðức Giêsu gọi những mục tử giả hiệu là trộm cướp. Họ chỉ đến để giết hại và phá hủy đàn chiên. Còn Ngài đến để chiên được sống, và sống dồi dào. Giữa chiên và Ngài có một mối dây thân thiết: “Tôi biết chiên tôi và chiên tôi biết tôi.” Chiên đã trở thành điều vô cùng quý giá đối với Ngài, đến nỗi Ngài dám hy sinh mạng sống mình cho chúng.


Lạy Chúa, Chúa là Mục Tử Tốt Lành, xin dẫn dắt chúng con đi trên nẻo đường của Chúa, để chúng con được no thỏa ân tình của Ngài. Xin ban cho chúng con những chủ chiên nhân lành, chỉ biết say mê Chúa, yêu thương, phục vụ, và chăm lo cho đàn chiên Chúa, để chia sẻ với Chúa nỗi bận tâm về một đàn chiên "được sống và sống dồi dào”.


Người biết rõ tôi - Chúa nhật 25/4/2021- Chúa chiên lành

 





Vào năm 1995, một trận động đất với cường độ mạnh đã xảy ra tại Thành phố Kô-bê Nhật Bản. khiến cho nhiều nhà cửa trong thành phố sụp đổ trở thành những đống gạch khổng lồ, gây thiệt hại rất lớn cho thành phố về người và của. Các đội cứu hộ ngày đêm làm việc khẩn trương để lôi ra từ những đống gạch đổ nát nhiều xác chết và người bị thương. Nhưng cũng chính từ tai họa này, người ta đã khám phá ra một câu chuyện rất cảm động về một tình yêu hy sinh quên mình như sau:

Đến ngày thứ hai của cuộc đào bới, thì từ dưới một ngôi nhà đổ nát, người ta đã đào lên được hai mẹ con vẫn còn sống thoi thóp. Đứa con nhỏ mới được vài tháng tuổi đang nằm ngủ yên trong lòng mẹ, đang khi mẹ của em lại bị hôn mê bất tỉnh. Sau khi tỉnh dậy, một nhà báo đã phỏng vấn bà mẹ trẻ ấy như sau: “Làm thế nào mà hai mẹ con chị có thể sống được đến hai ngày dưới đống gạch đổ nát kia ?”. Chị đáp: “Tuy bị vùi dưới tòa nhà, nhưng rất may chúng tôi đã không bị đè chết. Mấy tiếng đồng hồ sau thì con tôi khóc đòi ăn đang khi tôi chẳng còn giọt sữa nào. Tôi quờ quạng tìm xem có cái gì ăn cho đỡ đói không. Bất ngờ bàn tay tôi chạm vào một con dao sắc trong cái giỏ bên mình. Tôi cầm dao rạch một đường ở ngón cái cho chảy máu, rồi ấn chỗ bị cắt cho con bú máu thay vì sữa mẹ. Sau khi bú ngón tay tôi được mươi phút thì cháu nằm im ngủ. Nhưng rồi lại tiếp tục khóc vì đói. Tôi liền rạch thêm một đường nữa nơi cổ tay và cho cháu bú. Sau đó tôi ngất đi lúc nào không biết cho tới khi cả hai mẹ con được cứu sống”. Nhà báo tiếp tục hỏi: “Thế chị không nghĩ rằng khi làm như thế thì chị sẽ bị mất máu và sẽ bị chết hay sao?” Chị ta trả lời: “Lúc ấy, tôi không nghĩ đến mình, mà chỉ lo cho con tôi có cái gì bú để cho nó được sống!”.

Chúa nhật 25/4/2021 - Tuần 4 PS
Lễ Chúa chiên lành 
Lời Chúa : Ga 10,11-18

“Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.”

Mục tử và đàn chiên trên đồng cỏ là một hình ảnh quen thuộc đối với người Pa-lét-tin. Giữa người và chiên có một mối tương quan mật thiết. Ở đây Ðức Giêsu tự ví mình như người mục tử.
Mục tử nhân lành khác với người chăn thuê, vì dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, chứ không bỏ chiên mà chạy khi gặp sói dữ. Hội Thánh là đoàn chiên của Ðức Giêsu Kitô. Giữa Ngài và từng con chiên, có mối dây gắn bó. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như Cha biết tôi và tôi biết Cha. Ðây là cái biết sâu thẳm, cái biết hai chiều. Chiên không phải là một con vật ngờ nghệch, thụ động. Chiên là hình ảnh của một ngôi vị tự do.
Vị Mục Tử gọi tên từng con bằng giọng quen thuộc. Chiên nghe tiếng của Ngài và đi theo. Như thế giữa Mục Tử và đoàn chiên có sự hiểu biết nhau sâu xa, nhận ra nhau dễ dàng, và một sự trân trọng quý mến nhau đặc biệt.
Sau Phục Sinh, Ðức Giêsu đã giao cho Phêrô sứ mạng chăn dắt và chăm sóc đoàn chiên của Ngài. Sứ mạng này bắt nguồn từ một tình yêu. Yêu mến Ngài dẫn đến yêu mến đoàn chiên Ngài. Ðức Giêsu là Mục Tử tối cao và gương mẫu. Mọi mục tử khác chỉ là phụ tá chăn dắt đoàn chiên của Ngài. Mọi mục tử phải noi gương Ngài, dám chết để cho chiên được sống.

Lạy Chúa Giê su, Xin ban cho chúng con những linh mục và những tu sĩ biết quảng đại, hy sinh phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Xin ban cho các Ngài có trái tim biết yêu thương bằng tình yêu của Chúa, một trái tim mở rộng để sẵn sàng đón nhận hết mọi người, nhất là những người đau khổ và bị bỏ rơi. Xin ban cho chúng con những linh mục và những tu sĩ có đức tin vững mạnh, luôn sống kết hiệp mật thiết với Chúa, để giúp chúng con gặp được chính Chúa hầu có thể chia sẻ Chúa cho tha nhân. Xin ban cho chúng con những linh mục biết nhiệt tình rao giảng Lời Chúa, có sức làm bùng cháy ngọn lửa tin yêu trong lòng chúng con, giúp chúng con thêm đức tin để nhìn thấy Chúa trong mọi người và khiêm tốn phục vụ họ như phục vụ chính Chúa. Cuối cùng xin ban cho chúng con những linh mục là những vị chủ chiên tốt lành noi gương Chúa xưa, đến để cho chiên "được sống và sống dồi dào".

Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

Tin thì được sống mãi - Thứ bảy 25/4/2021

 




Phép lạ Thánh Thể tại Chirattakonam, Ấn Độ

Vào ngày 28/04/2001, tại giáo xứ Thánh Maria Chirattakonam, cha chính xứ nhận thấy một hình ảnh lạ xuất hiện trên một Bánh Thánh. Ngài viết lại chính xác:

Vào lúc 8 giờ 49 phút sáng, tôi đặt Bí Tích Cực Thánh lên mặt nhật để cho chầu chung. Một lát sau, tôi nhận thấy có cái gì đó xuất hiện thành ba dấu chấm trên Thánh Thể. Sau đó tôi dừng cầu nguyện và bắt đầu quan sát mặt nhật, tôi cũng gọi vài tín hữu lên để nhìn xem ba dấu chấm. Rồi tôi đề nghị các tín hữu tiếp tục cầu nguyện, trong khi tôi cất hộp đựng Bánh Thánh vào nhà tạm lại. Sáng thứ bảy, 05/05/2001, tôi mở cửa nhà thờ để cử hành Thánh lễ như thường lệ. Tôi mặc áo lễ và đến mở cửa nhà tạm để nhìn xem chuyện gì đã xảy ra cho Thánh Thể trong hộp đựng. Tôi lập tức nhận ra trên Bánh một hình ảnh như thể mặt người. Tôi xúc động sâu sắc và liền yêu cầu các tín hữu quỳ xuống cầu nguyện. Tôi không biết có phải chỉ mình tôi thấy hình khuôn mặt không, nên tôi hỏi cậu giúp lễ xem cậu thấy gì, cậu trả lời: "Con thấy hình một người đàn ông."
    Hình ảnh trên Bánh Thánh ngày càng trở nên rõ ràng là một người đàn ông đang đội vòng gai, giống khuôn mặt Chúa Kitô. Sau đó Đức Tổng Giám Mục Cyril Mar Baselice của TGP Trivandrum điều tra và xác nhận phép lạ. Bánh Thánh vẫn được giữ nguyên vẹn trong đền thánh trên đến tận ngày nay, tức đã 17 năm.

Thứ bảy 25/4/2021, Tuần 4 PS 
Lời Chúa : Ga 6,51.60-691.60-69

51 Tại hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đã nói : “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” 60 Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói : “Lời này chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi ?” 61 Nhưng Đức Giê-su tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông : “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư ? 62 Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao ? 63 Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.64 “Nhưng trong anh em có những kẻ không tin.” Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. 65 Người nói tiếp : “Vì thế, Thầy đã bảo anh em : không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.” 66 Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.67 Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai : “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao ?” 68 Ông Si-môn Phê-rô liền đáp : “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. 69 Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”

Đức Giêsu coi mình là bánh thật từ trời xuống  Ai tin vào Ngài sẽ được sống muôn đời
Những lời giảng của Đức Giêsu đã gây vấp phạm, khó nghe, gai chướng, khiến nhiều môn đệ xầm xì, không tin, rút lui và không đi theo Ngài nữa. Chỉ có nhóm Mười Hai ở lại, nhưng cũng không trọn vẹn.
    Giáo huấn của Đức Giêsu vẫn luôn gây sốc cho con người mọi thời.
Lời Chúa vẫn luôn là điều khó hiểu, khó chịu và khó sống.
Những kitô hữu đã tin theo Đức Giêsu trong nhiều năm vẫn bị đặt mình trước lời Chúa và được mời gọi chọn lại. 
    Tin vào Đức Giêsu là một chọn lựa lớn và căn bản.
Chọn lựa này cần được làm mới lại mỗi ngày xuyên qua những chọn lựa nhỏ.
Có những kitô hữu mất đức tin vì đã không dám sống niềm tin của mình.
Có những người rút lui và bỏ đi, dù tên vẫn còn trong sổ Rửa tội.
Có những người xầm xì vì những đòi hỏi gai góc của Lời Chúa.
“Chẳng lẽ anh em cũng muốn bỏ đi sao ?” Đức Giêsu buồn rầu hỏi nhóm Mười Hai như thế.
Simon đại diện anh em đã xin được tiếp tục ở với Thầy, đi với Thầy.“Bỏ Thầy chúng con biết đi với ai ?”
Lời của Thầy tuy khó nghe, nhưng con tin đó là lời ban sự sống đời đời (c. 68).
Lời của Thầy tuy chướng tai, nhưng lại là thần khí và là sự sống (c. 63).
Simon tin Thầy Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa (c. 69). Đấng Thánh là Đấng từ trời xuống và cũng là Đấng sẽ lên trời nơi đã ở trước kia (c. 62).

Có thể điều làm con người hôm nay bỏ đạo, bỏ Chúa Giêsu, lại không phải là những lời khó nghe của Ngài, mà là đời sống của các kitô hữu, những người không dám sống các lời ấy. Nhiều người thấy chướng khi nhìn vào cuộc sống của họ. Xin Chúa Cha ban cho chúng ta ơn đến với Giêsu, và kiên trì ở lại với Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con sẽ đi với ai nếu chúng con không theo Ngài? Chỉ có Chúa là Đấng mà chúng con quyết định để tin và đi theo. Xin giúp chúng con hiểu được tất cả những gì Chúa đã dạy và giúp chúng con tự do chọn Chúa mỗi ngày trong cuộc sống của chúng con. Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài.

Người hóa nên bánh nuôi ta - Thứ sáu 23/4/2021

 




Phép lạ Thánh Thể Legnica, Ba Lan

Thiên Chúa vẫn tiếp tục ban những phép lạ nhãn tiền để chứng minh uy lực và vinh quang của Người, ngay cả trong thế kỷ 21. Bên cạnh con số vô cùng các phép lạ Thánh Thể cả thể đã xảy ra trong thời Trung Cổ, nhiều phép lạ khác cũng đã diễn ra trong các thế kỷ gần đây, cũng như trong gần 20 năm qua.
    Các phép lạ này là bằng chứng sống động cho tín lý của Giáo Hội Công Giáo, dạy rằng dù bề ngoài Bánh và Rượu Thánh vẫn giữ nguyên, thực chất bản thể đã được biến đổi thành Thịt và Máu Chúa Giêsu Kitô. Tín lý này có nền tảng vững chắc trên Kinh Thánh và thánh truyền, chưa bao giờ thay đổi kể từ thời các Tông đồ.
    Theo dòng thời gian, Giáo Hội nhìn nhận rằng nhiều lần Thiên Chúa đã thực sự can thiệp cách hữu hình, để biến đổi cả bề ngoài Bánh Rượu thành Thịt và Máu Người, chứ không chỉ là biến đổi bản thể bên trong như thông thường. Trong nhiều trường hợp khác, Chúa làm cho Bánh Rượu thánh hiến tồn tại nguyên vẹn cách kỳ diệu qua thời gian dài, có khi lên đến hàng trăm hay hàng ngàn năm, vượt trên định luật thông thường của tự nhiên.

 Phép lạ Thánh Thể Legnica, Ba Lan

Vào năm 2013, Đức cha Zbigniew Kiernikowski của Giáo phận Legnica xác nhận như sau:
Vào ngày 25 tháng Mười Hai năm 2013, đang khi cho rước lễ, một Bánh Thánh bị rơi trên sàn nhà, sau đó được nhặt lên và đặt vào một chiếc hộp đầy nước. Không lâu sau đó, những vết loang màu đỏ xuất hiện. Đức Giám Mục danh dự Stefan Cichy đã cho thành lập một uỷ ban để nghiên cứu hiện tượng này. Vào tháng Hai năm 2014, một mảnh màu đỏ của Bánh Thánh được tách ra và đặt vào một khăn thánh. Uỷ ban yêu cầu tách vài mẩu nhỏ để thực hiện các cuộc kiểm tra toàn diện nơi các viện nghiên cứu có khả năng.
Sau khi kiểm tra kỹ càng, Cơ quan Pháp y đưa ra kết luận:
Trong ảnh mô bệnh học, các mảnh của mô (sinh học) được nhận thấy là chứa các phần nhỏ của cơ vân chéo. Toàn bộ ... giống nhất với cơ của một trái tim đang bị biến đổi vì đau đớn hay khi hấp hối. Các nghiên cứu di truyền học cho thấy các mảnh này có nguồn gốc từ con người.

Thứ sáu 23/4/2021 - Tuần 3 PS
Lời Chúa : Ga 6,52-59

Người Do-thái tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được? " Đức Giê-su nói với họ: "Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và Đó là những điều Đức Giê-su đã nói khi giảng dạy trong hội đường, ở Ca-phác-na-um.họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời."

Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống, bánh tác động nơi con người. Khi con người ăn bánh thông thường, thân xác con người tiêu hóa và đồng hóa bánh. Còn khi ăn bánh trường sinh – là Mình Chúa Giêsu Kitô thì chính bánh này đồng hóa và biến đổi mỗi người. Chúa Kitô biến đổi tín hữu, ban cho họ sự sống của Người và kết hợp họ vào đời sống của Người. Vì sự sống của Chúa Giêsu là sự sống đời đời, thì khi thông truyền cho tín hữu sự sống ấy nhờ họ ăn Mình Người, họ cũng được thông phần cuộc sống đời đời.

Qua những cử chỉ hữu hình, người tín hữu tham dự vào thực tại vô hình và sống kết hợp với Chúa Kitô Phục Sinh. Giáo Hội định nghĩa bí tích là một thứ hữu hình tượng trưng và sản sinh một thực tại thiêng liêng. Khi tín hữu lấy đức tin mà tham dự vào các bí tích, họ gặp gỡ Chúa Kitô hằng sống đang đổi mới cuộc đời họ. Trong tiệc Thánh (thánh lễ) các tín hữu thật sự nhận lãnh Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô trong cái chỉ còn là hình thức của bánh và rượu. Chúa Kitô Phục Sinh tự biến mình thành thức ăn nuôi dưỡng cho các tín hữu được sống đời đời). 


Lạy Chúa Giêsu, chỉ trong Ngài chúng con mới được sống và được hiện hữu. Xin cho chúng con luôn biết khao khát của ăn đích thực là Mình và Máu Chúa, để chúng con được nâng đỡ và bổ sức trên đường lữ hành trần thế và mai sau đạt tới sự sống muôn đời. Amen

Thứ Hai, 19 tháng 4, 2021

Ăn Bánh này sẽ không phải chết - Thứ năm 22/4/2021

 
Sự sống là nhu cầu căn bản nhất của con người, đặc biệt trong thời đại hôm nay, người ta thường đưa ra đủ mọi phương cách để giữ gìn và kéo dài sự sống. Mỗi khi có một căn bệnh nan y xuất hiện thì cũng kèm theo ngay những phương thuốc có khả năng chữa lành. Nhưng rồi mỗi ngày con người càng nhận ra rõ hơn những bất lực của chính mình, mà ngay cả những phát minh khoa học tối tân nhất cũng phải đầu hàng trước nhiều cái chết được xem như bí nhiệm, đã gây nên cho con người biết bao sửng sốt, ngỡ ngàng, hoang mang và dao động liên tục. Bởi lẽ cuộc sống trần gian này chỉ là sự sống của thân xác mong manh, mau qua chóng tàn như hơi thở thoáng bay. Vậy đâu là sự sống đích thực viên mãn mà con người hằng khát khao mong đợi? Đâu là bài thuốc bất tử có thể đáp ứng nhu cầu sự sống vĩnh cửu cho con người?

Thứ năm 22/4/2021 - Tuần 3 PS
Lời Chúa : Ga 6,44-51

Đức Giê-su nói với người Do-thái: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống."

Hôm nay, tiếp tục diễn từ về bánh hằng sống, Chúa Giêsu bày tỏ cho nhân loại biết tình yêu của Chúa Cha và mời gọi con người thông dự vào tình yêu đó. Và để có thể đón nhận hồng ân to lớn như thế, con người cần phải kết hiệp với Chúa Giêsu. Vì chính Người đã hiến thịt mình cho chúng ta ăn: “Bánh tôi ban tặng, chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống”.
    Quả vậy, Chúa Giêsu đã hiến mình trên thánh giá, Người chết cho tội của mỗi người chúng ta. Và Người đã phục sinh để chúng ta không còn phải sống trong tội lỗi và sự lôi kéo của các đam mê xác thịt nữa. Lời của thánh Phaolô tông đồ củng cố thêm niềm của chúng ta: “Người đã chết là chết đối với tội lỗi và một lần là đủ. Nay Người sống là sống cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Chúa Giêsu Kitô” (Rm 6,10-11). Nơi Chúa Giêsu, Người quả là tấm bánh hằng sống được trao ban cho nhân loại.
    Ngày nay, Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn đang hiện diện và mời gọi chúng ta đón nhận chính Người nơi bàn tiệc Thánh Thể mà Giáo Hội cử hành mỗi ngày. Hãy mở lòng ra cho sự lôi kéo của chính Chúa Cha đến trong đời của mỗi người chúng ta. Đừng cưỡng lại tiếng nói của Thiên Chúa vẫn đang âm thầm vọng lên trong tâm hồn của mỗi người. Lắng nghe tiếng nói ấy và để cho tiếng nói ấy dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu Kitô qua bàn tiệc Thánh Thể, chắc chắc chúng ta sẽ đón nhận được sự sống thần linh tròn đầy, bất diệt và viên mãn như chính Người đã hứa ban.

Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Chúa đã muốn trở nên con của loài người, con của trái đất, con của một dân tộc. Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa dù họ từ khước Tin Mừng và đóng đinh Chúa vào thập giá.
    Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương, một quê hương còn nghèo nàn lạc hậu sau những năm dài chiến tranh, một quê hương đang mở ra trước thế giới nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc và bảo vệ nền đạo lý của cha ông.
    Xin cho chúng con đừng nhắm mắt ngủ yên trong sự an toàn và tiện nghi vật chất, nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau, và làm một điều gì đó thật cụ thể cho những đồng bào quanh chúng con.
Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước bằng khối óc, quả tim và đôi tay. Và ước gì chúng con biết khiêm tốn cộng tác với muôn người thiện chí.

Bánh sự sống - Thứ tư 21/4/2021

 




Thứ tư 21/4/2021 - Tuần 3 PS
Lời Chúa : Ga 6, 35 – 40

(35) Ðức Giêsu bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!(36) Nhưng tôi đã bảo các ông: các ông đã thấy tôi mà không tin. (37) Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, (38) vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Ðấng đã sai tôi. (39) Mà ý của Ðấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. (40) Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết".

Chúa Giê su thấy lòng chai dạ đá nơi những người Dothái và họ đi tìm Ngài vì của ăn hư nát chứ không phải là của ăn tinh thần, tức là sự sống đời đời.
    Lối sống và lựa chọn của người Dothái khi xưa cũng chính là lối sống và lựa chọn của nhiều người trong chúng ta! Nhiều khi chúng ta sẵn sàng bỏ lễ, bỏ nhà thờ chỉ vì mớ rau, củ hành, củ tỏi, con cá, con tôm, hay cũng có khi chỉ vì một nhu cầu nào đó rất tầm thường mà chúng ta sẵn sàng đánh đổi…! 
    Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống đức tin cách trưởng thành. Tức là sống cho Đức Kitô và vì Đức Kitô. Quả thật: “Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh, mà còn nhờ Lời miệng Thiên Chúa phán ra” Muốn được như thế, chúng ta phải bỏ qua lối sống thực dụng, phải sống vượt lên trên những gì là vật chất, hẹp hòi, ích kỷ của mình. Có thế, con mắt đức tin của chúng ta mới nhận ra những dấu chỉ thiêng liêng và lý trí của chúng ta mới trong sáng để nhận biết điều gì quan trọng, điều gì thứ yếu.

    Chúa đời người nơi trần gian thật vắn vỏi biết bao! Xin ban cho chúng con sự khôn ngoan, biết lưu tâm đến cuộc sống vĩnh cửu và biết tận dụng thời gian vắn vỏi chóng qua này mà xây dựng tương lai bất diệt.
    Lạy Chúa Giê-su là bánh trường sinh cho đời, xin cho con biết tìm đến với Bánh Lời Chúa và Bánh Thánh Thể để thỏa mãn cơn đói khát tâm linh, để con kín múc nguồn sinh lực cho cuộc sống, và nhất là để con được tham dự sự sống bất diệt của Chúa. Chúa đã nên Bánh Thánh nuôi dưỡng đời con, chớ gì cuộc đời con cũng trở nên bánh sẵn sàng hy hiến cho đời, sẵn sàng bẻ ra vì người khác.
    Lạy Chúa Giê-su, Ngài đã hiến thân cho con, xin cho con cũng biết hiến thân vì anh em mình. Con xin cảm tạ tình yêu và quà tặng tuyệt vời là chính Thánh Thể Ngài trao ban cho nhân loại. Xin cho chúng con luôn biết trân trọng, yêu mến, khát khao và thành tâm đón nhận quà tặng ‘Bánh trường sinh’ Chúa trao ban để được sống muôn đời. Amen

   

 

 

Bánh trường sinh - Thứ ba 20/4/2021

 




Trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, mức tiêu thụ đã gia tăng nhanh chóng và xâm nhập vào hầu hết mọi chiều kích của cuộc sống con người, đến độ chúng ta gọi nền văn minh hiện nay là văn minh tiêu thụ. Từ năm 1975 đến nay, mức tiêu thụ của thế giới đã gia tăng gấp đôi. Tổng cộng mức tiêu thụ của thế giới trong hai mươi lăm năm qua đã lên đến hai mươi bốn ngàn tỉ Mỹ kim. Ðây là một hiện tượng tích cực hay tiêu cực.

Sự gia tăng của mức tiêu thụ có gia tăng với sự phát triển đích thực của con người không? Ðây là những câu hỏi cơ bản mà bản báo cáo cuối cùng của chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc đã nêu lên, để rồi cuối cùng đưa ra khẳng định như sau: "Sự tiêu thụ của cải và các dịch vụ là một sinh hoạt thường hằng trong đời sống mỗi ngày. Tuy nhiên, đó không phải là cứu cánh tối hậu của mỗi cá nhân. Hơn nữa, cho dẫu của cải và và các dịch vụ có thừa mứa và mức tiêu thụ có gia tăng theo một mức độ làm chóng mặt, trật tự xã hội vẫn không tốt đẹp hơn."

Theo bản báo cáo của chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc, hiện nay một gia đình trung lưu tại Phi Châu tiêu thụ hai mươi phần trăm ít hơn cách đây hai mươi lăm năm. Hai mươi phần trăm dân số thế giới vẫn còn đứng bên lề sự gia tăng mức tiêu thụ của thế giới. Trong bốn tỉ bốn những người đang sống trong các quốc gia đang phát triển, gần ba phần năm vẫn chưa có được những hạ tầng cơ sở về vệ sinh. Một phần ba thiếu nước uống. Một phần tư không có được cái bếp ăn chốn ở cho đàng hoàng. Một phần năm không biết thế nào là các phương tiện chăm sóc sức khỏe hiện đại. Một phần năm trẻ em không được cắp sách đến trường cho hết bậc tiểu học và một phần năm khác không có đủ chất đạm và một chế độ ăn uống đầy đủ. Trong số hai tỉ người thiếu máu trên khắp thế giới chỉ có năm mươi lăm triệu sống tại các nước tiên tiến. Chênh lệch giữa các nước giàu và các nước nghèo, chênh lệch ngay trong cùng một nước. Ðây là hiện tượng không thể chối cãi được trong nền văn minh tiêu thụ ngày nay. Khoảng cách giữa các nước giàu và những nước nghèo càng xa; khoảng cách giữa người giàu và người nghèo trong cùng một nước lại càng xa hơn. Nguyên nhân của sự chênh lệch ấy chắc chắn chỉ có thể là sự ích kỷ của con người mà thôi, càng có con người càng muốn có thêm và chỉ muốn chiếm giữ cho riêng mình. Sự giàu có về của cải vật chất do đó cũng đương nhiên làm cho con người được phong phú hơn. Ðây là chân lý mà Giáo Hội không ngừng nhắc nhở cho con cái mình.


Thứ ba 20/4/2021 - Tuần 3 PS
Lời Chúa: Ga 6, 30-35


30 Họ lại hỏi: "Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?31 Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời." 32 Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực,33 vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian."34 Họ liền nói: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy."35 Đức Giê-su bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!

Qua đoạn Lời Chúa hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng về cùng đích của cuộc sống chúng ta là chính Chúa. Chỉ có Chúa mới có thể thỏa mãn được khát vọng thâm sâu của con người. Ðám đông những người Do Thái được Chúa Giêsu cho ăn no nê ngày hôm trước, ngày hôm sau đã tìm đến Ngài. Chúa Giêsu biết rõ họ đi tìm Ngài không phải vì đã thấy được ý nghĩa của phép lạ hoặc lắng nghe lời giáo huấn của Ngài, mà chỉ vì của ăn nuôi thân xác. Ngài kêu gọi họ hãy tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu mà Ngài đã muốn thể hiện qua phép lạ nhân bánh và cá ra nhiều. Quả thật, qua phép lạ ấy, Chúa Giêsu báo trước bánh trường sinh là Ngài. Ngài chính là tấm bánh được bẻ ra để trao ban cho mọi người, ai tin nhận Ngài, đón nhận sự sống của Ngài, người đó sẽ được trường sinh, người đó sẽ tham dự vào chính sự sống của Ngài, nghĩa là cũng sẽ trở thành tấm bánh được bẻ ra để san sẻ và trao ban cho người khác. Chỉ có một cuộc sống như thế mới thực sự đáng sống, vì nó mang lại ý nghĩa đích thực cho cuộc sống con người. Với năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu đã có thể nuôi nấng một đám đông trên năm ngàn người. Quả thật, Ngài chỉ cần nói một lời, múa cây đũa thần cũng đủ để nuôi sống cả nhân loại, nhưng Chúa Giêsu đã không đến như một phù thủy, Ngài cũng chẳng đến để mang lại bất cứ một giải pháp kinh tế nào, Ngài đến là để trở thành tấm bánh được bẻ ra và trao ban. Ai thực sự ăn tấm bánh ấy cũng có thể trở thành một tấm bánh được bẻ ra để trao ban cho người khác. Nhân loại thiếu ăn không phải vì thiếu cơm bánh mà chỉ vì thiếu lòng quảng đại khi những bàn tay được mở ra để trao ban và san sẻ với người khác mà thôi. Cái đói khủng khiếp của nhân loại hẳn không là đói cơm bánh mà chính là đói tình thương và lòng quảng đại của con người.

Lạy Chúa, giữa cuộc đời đầy cám dỗ. Có biết bao cám dỗ mời mọc chúng con xa Chúa. Có biết bao cám dỗ lôi kéo chúng con đi sai đường lối và những huấn lệnh của Chúa. Có biết bao cám dỗ ngọt ngào, khiến nhiều phen chúng con đã để lòng mình chiều theo những tư tưởng xấu xa, những tham lam ích kỷ, những đam mê thấp hèn. Xin tha thứ những yếu đuối của lòng trí chúng con. Xin giúp chúng con vượt thắng những cám dỗ bằng việc luôn hướng về trời cao. Nơi đó có hạnh phúc tròn đầy bên Chúa. Xin giúp chúng con đừng để lòng mình chìm đắm trong những đói khát vật chất thế gian, nhưng biết khát khao say mê Thánh Thể Chúa là thần lương ban tặng cho chúng con sự sống vĩnh hằng. Xin giữ gìn sự thanh sạch tâm hồn con, ngõ hầu con luôn xứng đáng là đền thề cho Chúa ngự trị. Amen.

Thứ Năm, 15 tháng 4, 2021

Đừng tìm của mau hư nát - Thứ hai 19/4/2021

 




Chuyện kể rằng: Tại một khu rừng nọ, Chúa Tể Sơn lâm có thói quen tế lễ Mặt trời cứ mỗi đầu tháng một lần do phượng hoàng làm chủ sự. Cuộc lễ này rất náo nhiệt vì có mặt tất cả mọi thần dân trong xứ sở rừng hoang này, từ chim bay trên trời cho đến tôm càng khe đá, từ báo đốm, khỉ đen, cho đến chuột nhũi, ếch ộp… đều hội đủ; và điều này khiến Chúa Tể sơn lâm rất hài lòng; vì vậy, lúc nào cũng thế, cứ sau khi cúng tế là Ngài thiết đãi thần dân một bữa tiệc thật hậu hĩ. Tuy nhiên, vào một ngày đầu tháng nọ, như thường lệ, Chúa Tể sơn lâm đến địa điểm tế lễ và Ngài rất ngạc nhiên vì chỉ thấy bóng một vài thần dân như rùa già, ong thợ, kiến đen đến dự. Để trả lời cho thắc mắc này, phượng hoàng giải thích: Tâu Chúa Tể, bởi vì thần đã tung tin là do sức khỏe không ổn, buổi tế lễ hôm nay Chúa Tể sơn lâm không tới dự được. Bây giờ Chúa Tể sơn lâm mới vỡ lẽ, thần dân chẳng thành tâm tế lễ Thần Mặt trời mà họ đến chỉ là vì Ngài, và vì được ăn uống.

Thứ hai 19/4/2021 - Tuần 3 PS
Lời Chúa : Ga 6,22-29

22 Hôm sau, đám người còn ở lại bên kia bờ biển, nghiệm ra là không có đò nào khác, trừ một chiếc, và Ðức Yêsu lại không lên đò để cùng đi với môn đồ của Ngài, song chỉ có môn đồ ra đi mà thôi. 23 Có những đò khác từ Tibêria lại gần nơi dân chúng đã được ăn bánh [khi Chúa tạ ơn]. 24 Vậy khi đám người ấy thấy không có Ðức Yêsu ở đó và cả môn đồ Ngài cũng không, thì họ lên các đò kia mà đi Capharnaum tìm Ðức Yêsu. 25 Gặp Ngài bên kia biển, họ nói với Ngài: "Rabbi, Ngài đã đến đây bao giờ?" 26 Ðức Yêsu đáp lại:"Quả thật, quả thật, ta bảo các ngươi: các ngươi tìm Ta không phải vì các ngươi đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã ăn bánh no. 27 Hãy lao công đừng vì lương thực hư nát, nhưng vì lương thực sẽ lưu lại mãi đến sự sống đời đời, Con Người sẽ ban cho các ngươi, vì chính Ngài là Ðấng mà Cha và là Thiên Chúa đã niêm ấn".28 Họ mới nói cùng Ngài: "Chúng tôi phải lao công vào việc nào của Thiên Chúa?" 29 Ðức Yêsu đáp lại: "Việc của Thiên Chúa, tức là các ngươi tin vào Ðấng Người đã sai đến".

Suy niệm :

Ở thời đại nào, đám đông cũng có thể là một sức mạnh mù quáng, hành động thiếu suy nghĩ và bị lôi cuốn bởi những dòng chảy của sự dữ. Trước khi bị các thượng tế và tổng trấn Philatô kết án, Chúa Giêsu đã bị chính đám đông kết án. Cái đám đông đã từng tung hô Ngài trong ngày Ngài khải hoàn tiến vào Giêrusalem, cũng cái đám đông ấy gào thét, đòi đóng đinh Ngài vào thập giá. Bi kịch ấy dường như được thánh Gioan báo trước qua đoạn Tin Mừng được Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe và suy niệm hôm nay. Ðám đông được Chúa Giêsu cho ăn no nê ngày hôm trước, ngày hôm sau vẫn còn đứng bên kia bờ Biển hồ. Chúa Giêsu đã đọc được động lực thúc đẩy họ tìm kiếm Ngài, họ đã đi tìm kiếm Ngài không phải vì Ngài là đối tượng của khát vọng tìm kiếm của họ, mà chỉ vì đã được Ngài cho ăn no nê; họ đi tìm kiếm không phải vì đã nhận ra ý nghĩa của phép lạ nhân bánh và cá ra nhiều; họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì chính Ngài đã mang lại ý nghĩa và giá trị cho cuộc sống của họ; họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì giáo huấn của Ngài; họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì những giá trị cao quí của cuộc sống mà Ngài đến để bày tỏ. Cái đám đông ấy bị lôi kéo bởi những cái hời hợt, nhất thời và chóng qua là cơm bánh. Ðây chính là bi kịch đã xảy ra cho Chúa Giêsu. Ðám đông đã khước từ Ngài và treo Ngài lên thập giá chỉ vì họ đã không hành động theo những xác tín thâm sâu thể hiện trên đạo lý, trên tiếng gọi của lương tâm, mà chỉ sống theo cảm tính và những xu thế mù quáng. Ðây cũng chính là nguy cơ mà người tín hữu Kitô có thể rơi vào.

Dĩ nhiên, nói đến đạo là nói đến đám đông. Chúng ta lãnh nhận đức tin trong một cộng đồng. Chúng ta sống và thể hiện đức tin trong một cộng đồng. Chúng ta cần có một đám đông nào đó để nâng đỡ niềm tin của chúng ta. Tuy nhiên, cái đám đông ấy cũng dễ lôi kéo và biến việc thể hiện đức tin của chúng ta thành một lối giữ đạo hình thức và máy móc. Ðạo dễ trở thành một chuỗi biểu dương bên ngoài hơn là một cuộc gặp gỡ thâm sâu giữa tha nhân và Chúa. Ðạo sẽ chỉ còn là những bó buộc và nghĩa vụ mà đám đông thôi thúc để tuân giữ hơn là được thực thi vì xác tín và lòng mến.


Lạy Chúa Giêsu, có một ngọn đèn dầu gần Nhà Tạm, ngọn đèn đỏ mời con dừng bước chân, và nhắc con về sự hiện diện của Chúa. Con mong sự hiện diện ấy lan tỏa khắp nơi, để đâu đâu cũng thấy những ngọn đèn đỏ.
    Nơi xóm nghèo mùa mưa nhớp nháp, nơi lớp học tình thương lúc chiều tà, nơi những trung tâm phục hồi nhân phẩm, nơi bảo sanh viện nâng niu sự sống của trẻ thơ, nơi khách sạn năm sao, nơi quán bia đầu ngõ, nơi các tiệm cho mướn băng video, tình yêu trong ngần của đôi bạn trẻ…
Nhưng lạy Chúa, trước hết, xin cho đời con là một ngọn đèn, xin cho chúng con là những ngọn đèn màu đỏ,mời người ta dừng lại, trầm tư, và gặp được Chúa.


Thứ Tư, 14 tháng 4, 2021

Bình an đích thực có từ nơi Chúa Phục sinh - Chúa nhật 18/4/2021


 

Chúa nhật 18/4/2021 - Tuần 3 PS
Lời Chúa : Lc 24, 35-48

Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào. Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: "Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ". Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: "Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây". Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: "Ở đây các con có gì ăn không?" Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: "Ðúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh". Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh. Người lại nói: "Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy".

Ða số người tín hữu cũng có những lần mang những tâm trạng hoang mang, bối rối, lo lắng và sợ hãi khác nhau. Người thì lo sợ mất công ăn, việc làm, sợ phải mang bệnh tật, sợ mất sức khoẻ. Người thì lo sợ phải sống cảnh chia ly xa cách vì gia đình đổ vỡ. Người khác lo sợ những ngày giờ khủng hoảng, đen tối đè nặng trên tâm hồn. Nếu vậy thì Chúa muốn ta trút tất cả những nỗi lo âu, sợ hãi vào lòng từ ái của Chúa. Chúa muốn ta đặt trọn niềm tin cậy, phó thác vào chương trình quan phòng của Chúa. Việc tín thác vào Chúa là điều mà ta có thể học được bằng kinh nghiệm. Sau khi người ta đã thử đặt tin tưởng vào tiền của, thế lực, địa vị, và rồi cuối cùng người ta thấy không đi đến đâu, có khi còn khổ hơn nữa. Từ đó họ mới tìm đến Chúa.

Qua các môn đệ, Chúa cũng gửi đến ta lời chào bình an. Ngày nay người ta nghe nhiều về những khao khát, ước vọng hoà bình. .Tuy nhiên hoà bình có nghĩa gì đối với cá nhân mỗi người? Cũng theo từ điển Webster, hoà bình có nghĩa là trạng thái tĩnh, không bị tư tưởng xung khắc đè nén, nhưng là một sự hoà hợp trong mối tương quan và liên hệ của mỗi người. Hoà bình theo nghĩa Thánh kinh là một ân huệ Chúa ban. Do đó hoà bình phải phát xuất từ tâm hồn mỗi người, phải được ăn rễ và phát triển trong tâm hồn. Hoà bình sẽ ngự trị trong tâm hồn ta, và xung quanh ta, nếu ta có được bình an trong tâm hồn. Ðể có được sự bình an nội tâm, người ta cần làm hoà với Chúa qua Bí tích Cáo giải. Ðể có được sự bình an trong tâm hồn người ta cần sống theo đường lối của Chúa và tuân giữ giới răn Chúa.

 

Lay Ðức Kitô phục sinh!
Sao có những điều trong đạo, con còn hoài nghi?
Con đã được chịu Phép Thánh tẩy: cũng học đạo, đọc kinh và dự thánh lễ, nhưng lòng thì không mấy xác tín. Xin Chúa đánh động tâm tồn con, uốn mềm lòng trí con, ban cho con một dấu chỉ nào đó, như xưa Chúa đã ban cho các tông đồ, để tâm hồn con được nghỉ an trong Chúa. Amen.