Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

Tôi có chọn đi đúng đường không ? - Thứ tư 04/5/2022





Buổi sáng bà lão ra ngoài. Buổi chiều bà trở về, bà không tìm thấy chìa khóa.
Không biết làm thế nào ?! Bà chạy sang hàng xóm, mượn chìa khóa của họ mở thử, chẳng có cái nào hợp. Cuối cùng một người góp ý: cứ mở then cài ra xem sao! Bà mở then và cánh cửa mở toang. Thì ra khi đi ra bà không khóa cửa.

Câu chuyện trên mô tả phần nào thái độ của chúng ta trước Chúa. Ta đứng ngoài, lòng đầy băn khoăn lo sợ. Ta nghĩ phải làm việc này việc nọ mới đáng đến với Chúa. Trong khi đó, cánh cửa nhà Chúa luôn mở rộng và ưu ái đón ta vào. (Góp nhặt)

Thứ tư 04/5/2022 - Tuần 3 PS
Lời Chúa : Ga 6,35-40

35 Khi ấy, Chúa Giêsu phán với đám đông rằng: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ. 36 Nhưng Ta đã bảo các ngươi rằng: Các ngươi đã thấy Ta, nhưng các ngươi không chịu tin. 37 Những ai Cha đã ban cho Ta sẽ đến với Ta. Và ai đến với Ta, Ta sẽ không xua đuổi ra ngoài. 38 Bởi vì Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta. 39 Vậy ý của Cha, Đấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại. Quả vậy, ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời”.

Tin vào Đức Giêsu có nghĩa là đến với Ngài. Không chỉ dừng lại ở đó, mà chúng ta còn được mời gọi đi xa hơn nữa để đón nhận, tức là thông dự vào sự sống thần linh của Ngài bằng việc đón nhận chính Ngài.
Đây cũng chính là lời mời gọi của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 40).
Tại sao Đức Giêsu phải tuyên bố như vậy? Thưa, bởi vì Ngài thấy lòng chai dạ đá nơi những người Dothái và họ đi tìm Ngài vì của ăn hư nát chứ không phải là của ăn tinh thần, tức là sự sống đời đời.
Lối sống và lựa chọn của người Dothái khi xưa cũng chính là lối sống và lựa chọn của nhiều người trong chúng ta! Nhiều khi chúng ta sẵn sàng bỏ lễ, bỏ nhà thờ chỉ vì mớ rau, củ hành, củ tỏi, con cá, con tôm, hay cũng có khi chỉ vì một nhu cầu nào đó rất tầm thường mà chúng ta sẵn sàng đánh đổi…!
Đức tin vào Chúa Giêsu phải thể hiện vào việc đến với Ngài. Một ngày tôi dành bao nhiêu thời gian để “đến với” Chúa. Chúng ta “đến với” Chúa bằng nhiều cách: tưởng nhớ, cầu nguyện, suy gẫm, và nhất là tham dự Thánh Lễ. Hãy xét mình xem khi chúng ta làm những việc trên, lòng chúng ta có thực sự “đến với” Chúa không ? Khi tâm hồn tôi cảm thấy đói khát, tôi đã “đến với” ai, với cái gì ? Có “đến với” Chúa không ?

Lạy Chúa Giê su, cuộc sống con đầy giới hạn và thiếu thốn, nên con đói khát thật nhiều. Con đói khát cơm bánh hằng ngày. Con mong ước được nhiều của cải vật chất. Con thèm khát thú vui xác thịt. Con đói khát bồi dưỡng kiến thức và đời sống văn hoá. Con khao khát có được một địa vị. Con đói tình yêu và sự cảm thông. Con khát vọng có được hạnh phúc bền vững.
    Nhưng lạy Chúa, để thỏa mãn những cơn đói ấy, nhiều lúc con đã chẳng kể gì đến Chúa, thậm chí con đã gạt Chúa ra khỏi cuộc đời mình. Nhưng chính lúc con gạt bỏ Chúa, thì con lại càng đói khát hơn. Dù con có đáp ứng được một vài khát vọng nào đó, nhưng khát vọng hạnh phúc lại càng được khơi sâu thêm, vì con vẫn chưa có Chúa là niềm hạnh phúc duy nhất của đời con. Xin Chúa giúp con biết tin vào Chúa và đến với Chúa. Con sẽ có Chúa là Bánh Trường Sinh. Con tin Chúa sẽ ban tặng cho con niềm vui, sự bình an, sự no thoả sâu xa trong tâm hồn.
Lạy Chúa, khi con tìm kiếm của ăn cho thân xác, thì xin giúp con cũng biết quan tâm đến đời sống tâm linh nữa. Amen.

Cứu cánh đời tôi : biết và theo Chúa - Thứ ba 03/5/2022




Thứ ba 03/5/2022 - Tuần 3 PS
Lời Chúa :Ga .14,6-14

14,6 Đức Giê-su đáp : "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. 7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người."8 Ông Phi-líp-phê nói : "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện." 9 Đức Giê-su trả lời : "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói : ' Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha ' ? 10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao ? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. 11 Anh em hãy tin Thầy : Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy ; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. 12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. 13 Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. 14 Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.

Những người theo quan niệm Duy vật, họ chủ trương: CỨU CÁNH BIỆN MINH CHO PHƯƠNG TIỆN, có nghĩa chỉ cần mục đích tốt thôi, còn phương tiện để thực hiện nó, sao cũng được, họ có thể dùng bất cứ biện pháp nào, phương tiện nào miễn là đạt đến mục đích. Chẳng hạn: Với một người coi tiền bạc là cứu cánh, họ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn dù bất chính hay công chính để làm giàu, miễn càng nhiều tiền càng tốt. Muốn xây dựng một thế giới công bằng, cần phải dùng bạo lực, đôi khi cả sự gian trá, thủ đoạn, mưu mô xảo quyệt để san lấp các bất công, dùng sự bắt bớ, đánh đập, nhà tù, bạo lực… làm cho con người phải khiếp sợ, phải đi vào quỹ đạo mà họ muốn..
    Tại sao con người thời nay lại ác như chưa bao giờ ác như vậy? Họ sẵn sàng tiếp tay với kẻ xấu để làm hại chính đồng bào của mình. Thưa tất cả chỉ vì họ coi cứu cánh là tiền bạc, nên đã không từ bất kỳ thủ đoạn nào. Chỉ cần bố thí cho một ít lợi lộc, họ dám bán cả lương tâm và chính đồng bào của mình. Chủ trương “Cứu cánh biện minh cho phương tiện hoàn toàn sai lầm. Mục đích tốt thì đòi hỏi phương tiện cũng phải tốt.Cuối cùng chỉ là sự thất bại, làm cho xã hội càng bất công hơn, chênh lệch giàu nghèo càng sâu hơn. Đó là kết cục của chủ trương: “Mục đích biện minh cho phương tiện”
    Như vậy, khát vọng được đến với Chúa Cha là một khát vọng tốt đẹp, cao cả. Nhưng ta cũng phải tìm cho mình con đường tốt đẹp để đến với Chúa Cha, đó là ta phải qua Chúa Giêsu, chứ không còn con đường nào khác. Qua Chúa Giêsu ta mới đến được Chúa Cha. Biết Chúa Giêsu là biết Chúa Cha và thấy Chúa Giêsu là thấy Chúa Cha

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con trở nên những chứng nhân cho Chúa trước mặt mọi người, sẵn sàng làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người chúng con gặp gỡ bằng lời nói hay bằng việc làm trong đời sống hàng ngày: sống đồng tâm nhất trí với nhau trong gia đình, họ đạo vì Chúa Giêsu, biết chia sẻ với anh em vì lòng yêu mến Chúa, biết làm cho gia đình mình hạnh phúc, xã hội được ấm no.

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2022

Làm thế nào để lương thực không hư nát ? - Thứ hai 02/5/2022

 



Nhà đấu quyền anh J. Demsey chỉ có thể thiếp ngủ được vào lúc 2 giờ sáng, sau khi đoạt giải vô địch chiều trước đó. Nhưng ngủ được một tiếng đồng hồ, anh bỗng giật mình thức giấc vì nằm mơ thấy mình bị mất chức vô địch. Bởi vì không sao ngủ được, anh đi ra phố mua tờ báo vừa mới xuất bản để đọc lại bài tường thuật trận đấu hầu trấn an là mình còn giữ chức vô địch. Demsey đã ghi lại cảm tưởng thế này: “Sau khi đọc bài báo, tôi hiểu rằng sự thành công không có mùi vị thơm ngon như tôi hằng mơ ước trước đó. Sau biến cố, tôi vẫn còn cảm thấy trống rỗng”. Có bao giờ chúng ta cảm nghiệm được như anh Demsey không? Chúng ta dồn tất cả tài năng, sức lực cho một danh vọng, một địa vị nào đó. Nhưng cuối cùng chỉ thấy trống rỗng, vô nghĩa, bởi vì nó không giúp chúng ta đạt tới hạnh phúc thật.

Đó là kinh nghiệm của J. Demsey: cứ tưởng chức vô địch sẽ đem cho anh sự nghỉ ngơi, thư thái, nào ngờ anh vẫn cảm thấy trống rỗng, lo sợ bị mất chức vô địch trong những lần đấu kế tiếp (Mỗi ngày một tin vui).

Thứ hai 02/5/2022 - Tuần 3 PS
Lời Chúa : Ga 6, 22-29

22 Hôm sau, đám người còn ở lại bên kia biển thấy rằng không có thuyền nào khác, duy chỉ có một chiếc, mà Chúa Giêsu không lên thuyền đó với các môn đệ, chỉ có các môn đệ ra đi mà thôi. 23 Nhưng có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn. 24 Khi đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền kia và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu. 25 Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ ?” 26 Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê 27 Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”. 28 Họ liền thưa lại rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa ?” 29 Chúa Giêsu đáp: “Đây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến”.


Vì con người mang thân xác nên con người còn bám víu quá nhiều vào những thứ thoả mãn các nhu cầu của thân xác. Thế nhưng là tín hữu, chúng ta đã biết ngoài sự sống thân xác này còn sự sống linh hồn nữa. Lời Chúa nhắc nhở dân chúng ngày xưa cũng là nhắc nhở chúng ta ngày nay: hằng ngày chúng con thường tìm gì: tìm những thứ thoả mãn nhu cầu thân xác hay thoả mãn nhu cầu tâm linh?
    Trong mọi sự, ta phải luôn nhớ lời khuyên của thánh Phaolô: “Anh em hãy tưởng nghĩ đến những sự trên trời”. Một cách cụ thể, ta tìm kiếm và xây dựng Nước trời ngay giữa thực tại trần thế, bằng cách không bán rẻ lương tâm vì một chút lợi lộc chóng qua, không chối bỏ hình ảnh cao quý của Chúa nơi bản thân, không chà đạp nhân phẩm người anh em. Trong mọi sự ta luôn tìm kiếm Chúa như gia nghiệp duy nhất đời ta.
Một lời nhắc nhở khác của Chúa: chúng con thường ra công làm việc vì cái gì: vì thức ăn hay hư nát hay thức ăn tồn tại đến cuộc sống đời đời ?

Lạy Chúa Giê su, khi làm việc, con mong muốn công việc của con mang lại kết quả lâu bền. Không ai có thể kiên trì trong một công việc mà họ biết chắc sẽ thất bại hoặc sẽ hư đi ngay trong chốc lát. Thế nhưng, nhiều khi con lại đành chịu hao tốn tất cả tiền tài, sức lực, thậm chí cả cuộc sống, để thu góp cho mình lương thực nuôi xác và của cải đời này, mà quên đi tìm những của cải vững bền tồn tại muôn đời. Lạy Chúa, của cải vật chất và cơm bánh hằng ngày là những cái cụ thể xuất hiện trước mắt con, lôi kéo con, cám dỗ con, thúc bách con. Cái nghèo, cái đói, làm con khiếp sợ. Cái giàu, cái no, cái đẹp, lôi cuốn con. Vì thế, con đã thường bận tâm tới chuyện ăn mặc, chuyện tiền bạc, đến độ bỏ quên Chúa, chẳng còn thiết tha với việc cầu nguyện và dự lễ, chẳng còn tôn trọng giới răn Chúa. Xin Chúa tha thứ cho con.
    Xin Chúa dạy con biết khôn ngoan đi tìm của cải tồn tại muôn đời. Xin cho con biết tiên vàn tìm kiếm Nước Thiên Chúa, còn các sự khác con tin rằng Chúa sẽ thêm cho. Đặc biệt, con biết rằng Lời Chúa và Mình Thánh Chúa là lương thực thần linh mà Chúa đã thương ban tặng cho con. Xin Chúa giúp con biết đón nhận với tất cả lòng khao khát, mến tin và tri ân, để nhờ đó con được sống sự sống của Chúa và sống muôn đời.
    Lạy Chúa, khi ra công làm việc để có của ăn nuôi thân, xin cho con ý thức rằng đời sống tâm linh là điều đáng quan tâm gấp bội. Bởi vì, “người ta sống không chỉ bằng cơm bánh, mà còn sống bởi những lời do miệng Chúa phán ra”. Amen.

Có yêu mới nhận ra...Chúa nhật 01/5/2022





Câu chuyện truyền kỳ về những ngày chót của cuộc đời thánh Phêrô chắc chắn cũng chứa đựng ít nhiều sự thật. Ông đến Rôma trong thời kỳ bắt đạo. Lúc cơn bắt đạo dâng cao, ông đã sợ hãi và muốn lẩn trốn, nhưng vừa ra khỏi thành thì ông gặp một người vai mang Thập giá đang đi hướng về phía thành. Ông hỏi:
- Quo vadis?: Ngài đi đâu đó?
Người ấy trả lời:
- Ta đi vào Rôma để cho người ta đóng đinh một lần nữa.
Phêrô quay đầu trở lại. Ông vào Rôma và chịu tử đạo tại đó. Truyền thống kể rằng ông cảm thấy không xứng đáng được đóng đinh như Thầy, nên ông xin được chết trên thập giá trong tư thế đầu lộn ngược xuống đất.
Ông thực hiện đúng lời của Chúa: “Khi về già ngươi sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho và lôi ngươi đi đến nơi ngươi không muốn” (Ga 21, 18-19).

Chúa nhật 01/5/2022 - Tuần 3 PS
Lời Chúa: Ga 21,1-19

1 Khi ấy, Ðức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Tibêria. Người tỏ mình ra như thế này. 2 Ông Simon Phêrô, ông Tôma gọi là Ðiđymô, ông Nathanaen người Cana miền Galilê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. 3 Ông Simon nói với các ông: "Tôi đi đánh cá đây". Các ông đáp: "Chúng tôi cùng đi với anh". Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả. 4 Khi trời đã sáng, Ðức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Ðức Giêsu. 5 Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư?" Các ông trả lời: "Thưa không". 6 Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, anh em sẽ bắt được cá". Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. 7 Người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến nói với Phêrô: "Chúa đó!" Vừa nghe nói "Chúa đó!", ông Simon Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. 8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước. 9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10 Ðức Giêsu bảo các ông: "Ðem ít cá mới bắt được tới đây!" 11 Ông Simon Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. 12 Ðức Giêsu nói: "Anh em đến mà ăn!" Không ai trong các môn đệ dám hỏi "ông là ai?", vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13 Ðức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. 14 Ðó là lần thứ ba Ðức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi chỗi dậy từ cõi chết. 15 Khi các môn đệ ăn xong, Ðức Giêsu hỏi ông Simon Phêrô: "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Ðức Giêsu nói với ông: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy". 16 Người lại hỏi: "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người nói: "Hãy chăn dắt chiên của Thầy". 17 Người hỏi lần thứ ba: "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?" Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy". Ðức Giêsu bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy. 18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn". 19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: "Hãy theo Thầy".

Hình ảnh các Tông đồ làm việc mệt nhọc mà chẳng được kết quả gì có lẽ cũng rất gần với hình ảnh đời sống vất vả hằng ngày của chính chúng ta hoặc của anh chị em chung quanh chúng ta. Nhiều khi chúng ta tự hỏi tại sao cuộc sống này có quá nhiều khổ cực, có quá nhiều sự bất công thế? Tại sao con người cứ phải quần quật với kế sinh nhai mà vẫn chẳng đủ ăn đủ mặc? Tại sao chỉ vì mối lợi vật chất, mà xét cho cùng cũng chỉ vì miếng ăn và quyền lợi, mà con người có thể gây chiến tranh và đối xử tàn bạo với nhau thế? Xem ra con người càng vật lộn kiếm tiền và danh lợi bao nhiêu thì cuối cùng, ở phía cuối chặng đường đời, họ lại càng cảm thấy sự rỗng tuếch và chán nản của kiếp sống con người.
    Các Tông đồ, sau biến cố thập giá của Thầy, đã trở về với nếp sống thường ngày, giữa những xuôi ngược của kiếp sống phàm nhân. Có lẽ họ còn thiếu một điều gì đó quan trọng. Cũng vậy, chính chúng ta chắc vẫn còn thiếu một điều gì đó quan trọng. Trong lúc các Tông đồ đã làm việc vất vả mà chẳng được gì, Đức Giêsu hiện đến với họ. Câu hỏi của Đức Giêsu đánh trúng điểm yếu của các Tông đồ: “Này các con bé nhỏ, các anh không có gì ăn ư?” (Ga 21,5a). Điều đáng quý‎ ở nơi các Tông đồ là họ biết nhận thật tình trạng “rỗng không” của mình, họ trả lời Đức Giêsu: “Thưa, không!” (Ga 21,5b). Chỉ khi họ vâng lời Đức Giêsu: “Các anh cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá!” (Ga 21,6a), mặc dù vẫn chưa nhận ra Người (Ga 21,4), họ mới thoát được nỗi chán chường và tình trạng “rỗng tuếch”. Quả thật họ đã bắt được một mẻ lưới đầy cá, đến nỗi họ ra như không có khả năng để kéo lưới lên (Ga 21,6b).
    Trong khi họ vui mừng và ngỡ ngàng vì mẻ lưới đầy cá, thì chỉ có duy nhất người môn đệ Đức Giêsu yêu dấu mới có khả năng nhận ra người đang đứng ở bờ hồ Tiberiade kia chính là Thầy của mình, Đấng Phục sinh (Ga 21,7).
    Như vậy, điều còn thiếu ở nơi các Tông đồ để có thể nhận ra được sự hiện diện của Đấng Phục sinh, để có thể không còn bị chán chường và thất vọng, để có thể có được tất cả, đó chính là Tình Yêu! Quả vậy, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Thiên Chúa yêu thương chúng ta và Thiên Chúa đến ở giữa chúng ta. Các Tông đồ đã ở với Đức Giêsu trong suốt ba năm, nhưng họ vẫn không nhận ra được Đức Giêsu sau khi Người từ cõi chết sống lại, bởi vì họ vẫn còn thiếu Tình Yêu của Thiên Chúa. Người môn đệ nhận ra được Đức Giêsu (Ga 21,7) là bởi vì ông đã được Đức Giêsu yêu mến (x. Ga 13,23-25). Nếu không có Tình yêu của Đức Giêsu, các Tông đồ và cả chúng ta nữa sẽ chẳng làm được gì (x. Ga 15,1-17). Ngay cả giữa những dấu lạ điềm thiêng, nếu không có Tình yêu của Đức Giêsu (x. 1Cr 13), thì chúng ta cũng chẳng nhận ra được sự hiện diện của Người (Ga 21,4) và vẫn mãi còn chìm đắm trong cuộc đời vất vả và trống rỗng (Ga 21,3).

Lạy Chúa Giêsu, trước khi về trời, Chúa đã trao cho Thánh Phêrô sứ mệnh mục tử, thay mặt Chúa chăn dắt đoàn chiên, dù trước đó Ngài đã ba lần chối Chúa. Chúa đã cho biết rõ Ngài yếu đuối nhưng Chúa hoàn toàn tin tưởng vào Ngài. Chúa chỉ đòi hỏi Ngài lòng yêu mến Chúa, một lòng yêu mến đặc biệt, yêu mến Chúa hơn mọi người, yêu mến đến độ dám hy sinh cả mạng sống.
    Ngày nay, Chúa vẫn yêu thương và tin tưởng chúng con. Chúa trao cho mỗi người trách nhiệm chăn dắt đoàn chiên Chúa: là cha xứ đối với giáo xứ, là cha mẹ đối với con cái, là anh chị đối với đàn em, là người trên đối với người dưới, là người giàu đối với người nghèo, là người khoẻ mạnh đối với người yếu đau… Mỗi người chúng con đều có sứ mệnh của người mục tử. Chúa tin tưởng và trao phó sứ mệnh mục tử cho chúng con, dù Chúa biết rõ chúng con đã từng phạm tội, chỉ là kẻ tài hèn sức mọn.
    Lạy Chúa, chỉ có lòng yêu mến Chúa thật mới giúp con có đủ khả năng để thay mặt Chúa chăm sóc anh chị em. Xin Chúa đốt lên trong con ngọn lửa yêu mến Chúa nồng nàn để trong mọi hoàn cảnh, con luôn hết lòng chu toàn sứ mệnh ấy. Xin ban thêm lòng yêu mến Chúa cho con, để dù trong lúc khó khăn, con luôn biết hy sinh sức lực, khả năng, thời giờ và ngay cả mạng sống, để phục vụ những người mà Chúa đã tin tưởng trao phó cho con. Amen.

Có Chúa, con sẽ không sợ - Thứ bảy 30/4/2022

 




Một vị tướng nọ quyết định đánh địch quân, dù rằng lúc ấy quân số của ông chỉ bằng 1/10 quân số của quân địch. Nhưng ông vẫn xác quyết với toàn thể binh sĩ của ông rằng họ sẽ chiến thắng, thế nhưng ai nấy đều lắc đầu thất vọng.
    Vào ngày xuất quân, khi đi ngang qua một nhà nguyện, ông cho đoàn quân dừng lại và nói: “Tôi và một số sĩ quan vào đây cầu nguyện và gieo thử một quẻ: Nếu đồng tiền ngửa, chúng ta sẽ thắng, bằng không, chúng ta sẽ thua”. Một lúc sau từ nhà nguyện bước ra, ông và các sĩ quan vui mừng loan báo: “Số mệnh đã chỉ cho chúng ta biết chúng ta sẽ thắng trận này”. Nghe thế, mọi người hân hoan lên đường và quả nhiên họ đã chiến thắng một cách dễ dàng.
    Ngày hôm sau, một sĩ quan thân cận đã tâm sự với vị tướng: “Quả thật, trận chiến hôm qua đã chứng tỏ không ai có thể thay đổi được số mệnh”. Vị tướng mỉm cười đáp: “Có lẽ gần đúng như vậy”. Rồi ông lấy từ trong túi đồng tiền đã gieo quẻ hôm trước, cả hai mặt đồng tiền đều giống nhau.

Thứ bảy 30/4/2022 - Tuần 2 PS
Lời Chúa : Ga 6,16-21

16 Chiều đến, các môn đệ Chúa Giêsu xuống bờ biển. 17 Rồi lên thuyền, sang bên kia, trẩy về hướng Capharnaum. Trời đã tối, mà Chúa Giêsu vẫn chưa đến với họ. 18 Bỗng cuồng phong thổi lên, biển động mạnh. 19 Khi chèo đi được chừng hai mươi lăm hay ba mươi dặm, thì họ thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển, tiến lại gần thuyền, họ hoảng sợ. 20 Nhưng Người nói với họ: “Chính Thầy đây, đừng sợ”. 21 Họ định rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc ấy, thuyền đã đến nơi họ định tới.

Câu chuyện Đức Giêsu đi trên mặt biển có gió to sóng lớn và biển lặng như tờ, khi có sự hiện diện của Ngài gây ấn tượng không nhỏ đối với nhiều người và ghi dấu đậm nơi tâm hồn của những người có lòng tin. Thiên Chúa là Đấng tạo nên vũ trụ, trái đất và dựng nên con người. Ngài có toàn quyền trên vũ trụ, và ngay cả trên sinh mạng con người. Bài Tin mừng của thánh Gioan hôm nay là một trong những bằng chứng để quả quyết điều đó.Khi đã ra giữa biển, sóng to gió lớn nổi lên làm cho các môn đệ phải nỗ lực chống đỡ. Nhìn thấy cảnh các môn đệ chèo chống khó khăn, từ trên núi Đức Giêsu đi xuống và Ngài đi trên mặt biển mà đến với các ông. Trong ánh trăng mờ, các ông tưởng đấy là ma, nên hoảng sợ. Nhưng Đức Giêsu đã trấn an các ông: “Chính Thầy đây, đừng sợ”. Và ngay lúc đó gió im và biển lặng như tờ.
    Đôi khi Chúa để chúng ta gặp phải các tai ương, bệnh tật, đau khổ là Ngài muốn thử thách đức tin của chúng ta. Cũng như dù đang cầu nguyện trên núi, nhưng Đức Giêsu vẫn dõi mắt theo con thuyền của các môn đệ đang lênh đênh trên biển cả và Ngài đã đi trên mặt nước để đến cứu giúp các ông, thì ngày nay, Ngài vẫn quan tâm đến con thuyền Hội thánh trong cơn phong ba bão táp hầu kịp thời ứng cứu khi cần. Nếu thực sự tin vào quyền năng của Đức Giêsu, thì chúng ta cũng sẽ không hoảng sợ khi phải đương đầu với những nghịch cảnh, vì tin rằng Chúa vẫn luôn dõi theo chúng ta và sẽ kịp thời cứu giúp chúng ta khi cần. Hãy luôn ý thức: “Có Chúa cùng đi với chúng ta, chúng ta sẽ không còn sợ chi và chắc chắn sẽ đạt bến bình an”.

Lạy Chúa Giê su, con mường tượng cảnh các tông đồ giữa biển khơi cô đơn trên con thuyền tròng trành vì gió bão. Sức lực con người nhỏ bé quá so với sức mạnh thiên nhiên. Nếu lúc đó có Chúa trên thuyền, chắc chắn các tông đồ sẽ không hoảng sợ. Các tông đồ đã từng chứng kiến Chúa phán một lời khiến gió bão lặng yên. Có Chúa là có bình an. Không có Chúa, các tông đồ phải vất vả chèo chống. Sức người quá nhỏ bé so với cuồng phong biển cả. Giữa lúc khốn khó ấy, Chúa đã xuất hiện để uỷ lạo đoàn con nhỏ bé của Chúa: “Thầy đây, đừng sợ”. Có Chúa là có bình an.
    Lạy Chúa, đời con như chiếc thuyền nan nhỏ bé lắm so với cuộc đời, yếu đuối lắm trước những cám dỗ của trần gian. Nghĩ lại, có nhiều lần con đã mất bình an trong tâm hồn, cuồng phong đã nổi lên trong lòng con. Đó là lúc con không có Chúa trong tâm hồn. Mỗi khi con cố tình lỗi phạm một điều luật nặng là con đã đẩy Chúa ra khỏi tâm hồn con. Lúc đó, lương tâm áy náy đã đưa đẩy đôi chân con đi tìm quên lãng trong những đam mê trần thế: trong chén rượu, giữa canh bạc…, để rồi sau đó lại thêm chán chường thất vọng hơn.
    Xin Chúa thêm sức cho con để mỗi lần con lỗi phạm, đánh mất Chúa, con biết can đảm trở về với Chúa qua cánh cửa bí tích giao hoà để lấy lại bình an. Mỗi lần con trở về như thế, con rước Chúa ngự vào lòng con. Chẳng những con được an vui, mà Chúa còn tỏ cho con biết cả Chúa cũng mừng vui, cả triều thần thiên quốc cũng hân hoan. Và chính lúc đó, gia đình con cũng được hoà thuận yên vui.
    Xin Chúa ở lại với con và ở lại với gia đình con, để khi con vui, niềm vui của con được trọn vẹn, khi con buồn, nỗi buồn được vơi nhẹ nhờ sức Chúa đỡ nâng. Amen.

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2022

Nhiều người đang cần đến chúng ta - Thứ sáu 29/4/2022

 




Việc tạ ơn Chúa trước khi ăn là một thói quen rất tốt, vì chúng ta bắt chước việc Đức Giêsu đã làm ngày xưa: “Ngài cầm lấy bánh dâng lời tạ ơn”.\Một gia đình nọ có thói quen tốt, khi mọi người đã ngồi vào bàn ăn, ai nấy đều cúi đầu và đứa bé út trong nhà có nhiệm vụ đọc lời cầu nguyện. Hôm ấy nó đọc: “Lạy Chúa, chúng con cảm tạ ơn Chúa vì ơn lành Chúa đã ban cho chúng con. Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con có bữa ăn ngon này”.
    Mỗi lần đứa con cất lên lời cầu nguyện như thế, người cha đều cảm thấy sung sướng trong lòng. Nhưng một hôm, lời cầu nguyện của đứa con lại khiến ông ray rứt.
Hôm đó, sau khi nghe con cầu nguyện, ông chợt nghĩ tới bài báo ông vừa đọc: Trên thế giới có 40 triệu người đói, và một phần ba trẻ em châu Phi bị suy dinh dưỡng.
    Ông liền suy nghĩ: Bởi đâu mà gia đình ông no đủ đang khi biết bao người khác phải đói rách, bần cùng? Phải chăng gia đình ông tốt hơn hay xứng đáng hơn những người ấy? Phải chăng gia đình ông có ăn, vì gia đình ông được Thiên Chúa thương hơn những con người khác?
    Và hôm đó, những câu hỏi như thế cứ ám ảnh tâm trí ông khiến ông ăn mà chẳng thấy ngon miệng tí nào.

Thứ sáu 29/4/2022 - Tuần 2 PS
Thánh Catarina Siena, trinh nữ, tiến sĩ HT
Lời Chúa : Ga 6,1-15

1 Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. 2 Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. 3 Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. 4 Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới. 5 Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn ?” 6 Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. 7 Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”.8 Một trong những môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: 9 “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”.10 Chúa Giêsu nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn. 11 Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. 12 Khi họ đã no nê, Người bảo các môn đệ: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi”. 13 Họ thu lại mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư. 14 Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: “Thật ông này là Đấng Tiên tri phải đến trong thế gian”. 15 Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.

Trong phép lạ bánh hoá nhiều, chúng ta không chỉ thấy tình thương và quyền năng của Đức Giêsu, mà chúng ta còn thấy giá trị của sự đóng góp của con người. Dĩ nhiên, nếu không có 5 chiếc bánh và 2 con cá của một cậu bé, Đức Giêsu vẫn có thể làm phép lạ ra nhiều bánh để nuôi dân chúng, như Thiên Chúa đã làm cho manna từ trời rơi xuống trong sa mạc nuôi dân Israel khi họ tiến về Đất Hứa. Nhưng ở đây có yếu tố 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé và chi tiết này đáng chúng ta suy nghĩ để rút ra bài học hữu ích.Dân chúng ngày xưa cũng như ngày nay luôn ở trong tình trạng đói khát lương thực, áo quần, thuốc men và sâu xa hơn nữa, đói khát sự sống đích thực mà chỉ có Thiên Chúa mới làm no thoả. Thiên Chúa biết hết mọi điều thầm kín, bí ẩn trong tâm can con người, cũng như biết rõ những nhu cầu thiết yếu của họ.
Tóm lại trong sứ điệp Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hợp tác với Ngài thực hiện những phép lạ y hệt những phép lạ Ngài đã làm trong Thánh kinh. Bất cứ chúng ta trao tặng cho Ngài điều gì – chẳng hạn thời gian, tài năng, lời cầu nguyện, hy sinh và nguồn lực của chúng ta – Ngài sẽ sử dụng nó để đem lại kết quả vượt mọi kỳ vọng vĩ đại nhất của chúng ta. Ngài sẽ bội nhân chúng lên vượt khỏi bất cứ niềm mơ ước nào của chúng ta, như Ngài đã biến đổi những chiếc bánh lúa mạch và hai con cá trong bài Tin mừng hôm nay. Đấy chính là lời mời gọi mà Đức Giêsu ngỏ với chúng ta trong những bài đọc hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu, với năm chiếc bánh và hai con cá đó, Chúa đã làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi sống trên năm ngàn người ăn no nê. Quyền năng của Chúa có thể làm được tất cả mọi sự, không cần ai góp sức. Thế nhưng Chúa vẫn mời gọi, vẫn chờ đợi sự đóng góp của con người, và sự đóng góp dù rất tầm thường nhỏ bé, Chúa vẫn nhận và làm phát sinh hậu quả dồi dào tốt đẹp.
    Lạy Chúa, ngày nay, xuyên qua những biến cố trong cuộc sống hằng ngày, trong một thế giới còn rất nhiều người đang đói khát vật chất và tinh thần, con biết Chúa vẫn đang chờ đợi con đóng góp phần của mình để xoa dịu những cơn đói khát khổ đau ấy: có thể là một ly nước lã cho người đang khát, một chén cơm cho người đang đói, hay một chiếc áo cho người đang lạnh, có thể là một lời ủi an cho người đang đau khổ, một nụ cuời thân ái cho người bất hạnh, và ngay cả một lời thứ tha cho kẻ thù. Xin cho con luôn thiết tha cộng tác với Chúa trong công cuộc cứu độ nhân loại. Và xin cho con luôn ghi nhớ mỗi ngày ít ra con phải làm một việc thiện nào đó để góp phần xây dựng thế giới hoà bình hôm nay. Xin Chúa giúp con. Amen.

Không tin sẽ bị trầm luân - Thứ năm 28/4/2022

 




Một cha xứ kia thấy một người mới tin vào Chúa Kitô nhưng lại mắc cái tật là nghiện thuốc lá. Ngài đã khuyên ông ta nên bỏ thuốc vì hút thuốc rất có hại cho sức khoẻ. Thế nhưng ông ta không chỉ nghe để mà nghe. Hơn nữa có lần ông ta còn cãi lại:
- Kinh Thánh không hề cấm hút thuốc.
Thấy vậy cha xứ chỉ biết cầu xin cho ông mà thôi.
Nhưng thật là lạ. Sau đó vài tháng thì cha thấy ông bỏ hẳn thuốc lá.Tò mò, ngài hỏi tại sao thì ông trả lời.
- Thưa cha có một đêm kia con chiêm bao thấy Chúa Giêsu đến thăm con. Khi Chúa bước vào nhà thì con đang phì phào thuốc lá. Con mời Chúa vô phòng khách. Trên bàn có gói thuốc lá con vừa mới mua.
Chúa Giêsu hoỉ con:
+ Con đang làm gì đó ?
- Dạ con ngồi nghỉ và hút thuốc cho đỡ buồn.
+ Sao con không mời ta hút thuốc ?
Con vội vã trả lời:
- Dạ đâu được! Con hút thì được chứ Chúa hút thì coi sao được!
Chúa ôn tồn bảo con:
- Ta là mẫu người để con noi gương bắt chước. Con là môn đệ Ta thì con phải có tâm tình và hành động giống Ta. Nếu con nghĩ Ta không nên hút thuốc, vậy tại sao con lại hút ?

Thưa Cha, con đã tỉnh dậy ngay và biết rằng Chúa đã dùng giấc chiêm bao để dạy dỗ con. Bởi đó con đả quyết định bỏ thuốc, không bao giờ con hút thuốc nữa.

 Thứ năm 28/4/2022 - Tuần 2 PS

Lời Chúa : Ga 3, 31-36

Khi ấy, ông Gioan nói để làm chứng về Chúa Giêsu rằng: “Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người; kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người; Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người. Ai nhận lời chứng của Người, thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật. Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy.”

Lời Chúa hôm nay vẫn tiếp tục câu chuyện giữa Đức Giêsu và ông Nicôđêmô. Chúa nói cho ông cũng như cho mọi người biết sứ mạng của Ngài đến trần gian là để cứu chuộc mọi người, và bổn phận của mỗi người là phải biết lựa chọn: tin hay không tin Ngài. Tin thì được sống, không tin thì sẽ bị trầm luân.Đức Giêsu đã xác nhận Ngài là Thiên Chúa xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại. Như vậy, vấn đề còn lại là bổn phận của mỗi người chúng ta. Thiên Chúa đã ban sự sống và hạnh phúc cho chúng ta, đón nhận hay từ chối là tùy mỗi người. Thiên Chúa là ánh sáng, ai từ chối ánh sáng là tự đoạ đầy mình vào tối tăm, ai từ chối là nhận lấy cái chết, Thiên Chúa không cần tuyên án nữa. Đón nhận ánh sáng hay từ chối là một lựa chọn tự do và tự nguyện của mỗi người. Cũng thế, ai chọn sự thiện thì ở trên đường đến với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là nguồn mọi sự thiện, ai chọn sự dữ thì ở trên đường lìa xa Thiên Chúa, vì nơi Thiên Chúa không có sự dữ.

Lạy Chúa Giêsu, con tin Chúa đã phục sinh. Ánh sáng Phục Sinh trở thành đuốc sáng hướng dẫn đời con. Chúa đã phục sinh để dẫn đưa con vào nẻo đường sống. Con sẽ trở thành kẻ bất tử nếu biết nuôi dưỡng và phát triển đời sống đức tin. Vậy lạy Chúa, cây đức tin cần được lớn lên mỗi ngày, bằng cách chấp nhận đổi mới, biết thay con người cũ, tâm tình cũ, bằng một con người mới với tâm tình mới. Xin giúp con biết thắp sáng và dưỡng nuôi đức tin bằng những giây phút cầu nguyện, gặp gỡ Chúa, tham dự các bí tích. Như một cục than chỉ có thể rực sáng khi nằm cạnh những cục than khác, con cũng muốn nuôi dưỡng đời sống đức tin con trong đời sống sinh hoạt của Giáo Hội, cùng với anh em con. Xin đừng để con tách riêng ra, kẻo con lâm vào tình trạng èo uột và có thể bị giết chết.
    Lạy Chúa, xin hướng dẫn con biết sử dụng tự do Chúa ban bằng cách chọn lựa con đường thực hành Lời Chúa. Xin giúp con biết sống điều Chúa dạy để cây đức tin lớn lên mỗi ngày. Xin dạy con biết hy sinh chính mình để cây đức tin đơm bông kết trái. Amen.

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2022

Vì yêu mà cứu thế gian - Thứ tư 27/4/2022

 




Chú bé cùng với bố đang đi trên một con đường mòn trong đêm dày đặc, trên tay chỉ có cây đèn nhỏ, bóng đên trước mặt gây cho chú cảm giác sợ hãi mơ hồ. Chú nói với bố: “Bố ơi! chiếc đèn này chỉ chiếu sáng chút xíu trên đường, con sợ quá”. Bố đáp: “Con ạ! Anh sáng này hơi yếu, nhưng nó cũng đủ soi cho con đi đến cuối đường”.

Đời sống Kitô hữu cũng là một con đường đầy tăm tối, nhưng Chúa luôn ban đủ ánh sáng cho mỗi bước đi, và ta cũng chỉ cấn bấy nhiêu. Nhưng ta chắc chắn một điều: ánh sáng đó không bao giờ tắt. Nếu ta lên đường, ánh sánh đó đủ soi cho ta đi đến cuối đường đời.(Góp nhặt).

Thứ tư 27/4/2022 = Tuần 2 PS
Lời Chúa : Ga 3, 16-21

Khi ấy, Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

Khi nghĩ về Thiên Chúa, người ta hình dung ra Ngài với nhiều khuôn mặt.
Có khi Thiên Chúa giống một ông cảnh sát, luôn để ý theo dõi để trừng phạt, hay như một quan tòa cứ theo pháp luật mà kết án nghiêm minh. Có khi Thiên Chúa giống một nhà buôn, tính toán sòng phẳng, chỉ ban ơn khi nhận được một lợi lộc nào đó, có qua có lại. Có khi Thiên Chúa giống một nhà độc tài, áp đặt quyền lực trên con người, không cho con người được tự do, bắt con người phải theo một định mệnh có sẵn. Có khi Thiên Chúa như một thứ ô dù để người ấu trĩ dựa dẫm trong lúc khó khăn, hay như một sản phẩm của người bị áp bức tự ru ngủ mình.

Có bao nhiêu hình ảnh méo mó về Thiên Chúa như vậy.
May mắn đó không phải là khuôn mặt Thiên Chúa của các Kitô hữu.
Ngài chẳng phải là cảnh sát hay quan tòa, là nhà buôn hay nhà độc tài.
Ngài cũng chẳng phải là người cha độc đoán không muốn cho con mình khôn lớn. 

Đơn giản Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4, 8). Và Tình Yêu vô lượng ấy được thể hiện bằng hành động: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (c. 16).Tình yêu của Thiên Chúa Cha ôm lấy thế gian, dù nó nghiêng chiều về sự dữ. Cha trao ban Con khi sai Con vào đời mang thân phận xác phàm (Ga 1, 14). Cha còn trao ban Con cho thế gian qua cái chết của Con trên thập giá. Nơi máng cỏ Bêlem hay nơi đồi Sọ, ta thấy Cha đưa hai tay ra để trao món quà tình yêu quý giá nhất cho loài người. Và Cha chờ con người đáp lại bằng cách đưa hai tay đón nhận. Con người vẫn có tự do để đón nhận hay từ chối món quà ấy qua việc tin hay không tin Đức Giêsu. Đứng trước Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa, là đứng trước một chọn lựa nghiêm chỉnh có liên quan đến vận mệnh con người. Ai tin vào Ngài thì có ánh sáng, ơn cứu độ và sự sống vĩnh cửu (cc. 16.17.19). Tiếc thay có kẻ ghét ánh sáng và thích bóng tối hơn ánh sáng. Hãy từ bỏ những việc làm tối tăm, dối trá, xấu xa, bạn sẽ dễ dàng đến cùng ánh sáng Giêsu.


Lạy Chúa Giêsu, ánh sáng và bóng tối thì dễ phân biệt, còn bóng mờ thì khó nhận ra hơn.
Con đã mạnh dạn khước từ bóng tối nhưng khi nhìn thật sâu vào lòng mình, con vẫn thấy có nhiều bóng mờ tác động. Con an tâm ở lại trong bóng mờ, vì thấy đó chưa phải là một tội. Nhưng con cũng áy náy vì biết rằng bóng mờ là nơi ánh sáng Chúa chưa thấm nhập trọn vẹn.
Con không muốn bóng mờ thành ánh sáng, vì con vẫn muốn giữ lại một điều gì đó rất quý đối với con.
Xin giải phóng con khỏi những tình cảm lệch lạc để con được tự do yêu mến và phụng sự Chúa hơn.
Xin chinh phục những bóng mờ trong lòng con để con được thuộc trọn về Chúa.
Xin kéo con ra khỏi thái độ lấp lửng, nước đôi, để dứt khoát đặt Chúa trên mọi sự.
Ước gì con có đủ can đảm để dám nhìn thẳng vào những bóng mờ trong đời con.
Và ước gì con được trở nên trong suốt nhờ để ánh sáng Chúa tràn ngập mọi vùng mờ tối nơi con. Amen.

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2022

Không tin vào Thiên Chúa ? Thứ ba 26/4/2022




Ngày xửa ngày xưa có một con búp bê bằng muối. Một hôm, búp bê muốn học hỏi, khám phá thêm về thế giớ bên ngoài, cô ta quyết định làm một chuyến du lịch. Cô đi khắp nơi và học hỏi được nhiều điều hữu ích. Ngày kia, búp bê muối lần mò đến một bờ biển, đứng trước đại dương nhưng không biết đại dương là gì. Tò mò cô ta liền lên tiếng hỏi:
- Ngài là ai vậy ?
Đại dương trả lời:
- Tôi không thể nói cho cô biết tôi là ai.Nhưng nếu muốn biết thì cô hãy bước vào trong tôi, lập tức cô sẽ biết.
Tuy hơi sợ nhưng vì tò mò nên búp bê muối từ từ bước vào lòng biển. Càng vào sâu, thân thể búp bê càng từ từ tan biến. Cho đến khi chỉ còn là một hạt muối bé tí, cô mới bắt đầu la lên:
- A! bây giờ tôi mới thực sự biết tôi là ai.

Thứ ba 26/4/2022 - Tuần 2 PS
 Lời Chúa : Ga 3,7b-15

7b Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. 8 Gió muốn thổi đâu thì thổi ; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.” 9 Ông Ni-cô-đê-mô hỏi Người: “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được ?” 10 Đức Giê-su đáp: “Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy! 11 Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi. 12 Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được ?” 13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. 14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

Theo Tin mừng của thánh Gioan, chúng ta có thể cắt nghĩa chữ “tái sinh” như sau: tái sinh có nghĩa là người gia nhập Giáo hội Chúa qua bí tích rửa tội mà vẫn giữ nguyên bản ngã của mình. Bản chất con người đó không hề bị tiêu tan, nhưng được chữa lành và bồi bổ trong ân lộc của Ba Ngôi Thiên Chúa, và cuối đời họ được sống viên mãn với chính Thiên Chúa Ba Ngôi.
     Tái sinh chẳng khác gì một quy luật đòi buộc con người phải thoát ra khỏi con người cũ của mình. Không chịu thoát ra, nghĩa là không đi vào con đường tự huỷ thì không thể có việc tái sinh. Hay nói khác đi, tái sinh là cởi bỏ con người cũ, là trở thành như trẻ thơ, là hoàn toàn chấp nhận lệ thuộc vào Thiên Chúa, là khước từ tự cứu lấy mình bằng những cố gắng, những lý lẽ và phương tiện riêng của mình. Cho nên chữ tái sinh “bởi trên cao”có nghĩa là sinh lại bởi Thiên Chúa, trở nên con cái Thiên Chúa, chấp nhận nguyên tắc sống siêu nhiên, một bản tính mới như nâng hẳn chúng ta lên, vượt khỏi điều kiện tầm thường nhân loại: Từ thân phận tội lỗi đáng trầm luân mà được nâng lên làm con Thiên Chúa cùng được thừa hưởng gia nghiệp Nước trời.
    Được sống muôn đời, đó là điều quan trọng nhất, đó là mục tiêu cuối cùng của con người, đó là một hồng ân cần được con người khiêm tốn đón nhận, chứ không phải là đối tượng để hiểu biết suông mà thôi. Trong cuộc đối thoại, chúng ta thấy Đức Giêsu không những mời gọi ông Nicôđêmô nâng tâm hồn mình lên, hãy để cho Thánh Thần thanh tẩy để có thể nhìn thấy và bước vào trong Nước Thiên Chúa.
   
Lạy Chúa Giêsu, không phải ai cũng thấy được cuộc sống trên cao, không phải ai cũng tin được những chuyện trên trời. Con thường chỉ tin những chuyện dưới đất và ham thích cuộc sống trần gian. Những chuyện dưới đất thì dễ hiểu hơn, dễ thấy hơn. Cuộc sống trần gian dù có lắm khổ đau, nhưng đối với con, vẫn lôi cuốn hơn, hấp dẫn hơn. Dù là những người trí thức và đạo đức như ông Ni-cô-đê-mô cũng chẳng thể hiểu hết những điều dưới đất, và càng không thể hiểu được những chuyện trên trời.
    Lạy Chúa, xin Chúa giúp con biết khiêm tốn và mở lòng mình ra để đón nhận những sự trên trời. Xin cho con được hết lòng tín nhiệm vào Chúa. Càng tự phụ mình trí thức và đạo đức, con lại càng khó đón nhận Chúa. Xin cho con được sinh lại bởi Chúa Thánh Thần, cho con mãi mãi là một trẻ thơ để dễ vào Nước Chúa hơn.
    Con khao khát xin Chúa cho con được mỗi ngày mỗi hiểu biết Chúa hơn, yêu mến những sự trên trời nhiều hơn. Con không thể xao lãng bổn phận dưới đất, nhưng nhờ hiểu biết và yêu mến những sự trên trời, con sẽ hiểu những sự dưới đất đúng đắn hơn và chu toàn bổn phận dưới đất tốt đẹp hơn. Xin Chúa dẫn con đến với Chúa. Amen.

Xin ơn biến đổi cuộc đời - Thứ hai 25/4/2022

 




Một nhà đại thần bí Ấn Độ nói về chính mình: “Tôi là một nhà cách mạng khi còn trẻ, và tất cả những gì tôi cầu nguyện với Chúa là: “Lạy Chúa, xin cho con quyền lực để cải tạo Thế Giới”.

Khi đến tuổi trung niên, tôi nhận ra rằng nửa cuộc đời qua đi mà không một tâm hồn nào được thay đổi. Tôi đổi lại lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con thiện chí để hoán cải tất cả những người tiếp xúc với con”.

Bây giờ tôi đã già và gần kết thúc cuộc đời, tôi cảm thấy mình ngu dại biết bao. Lời cầu nguyện của tôi bây giờ là: “Lạy Chúa, xin cho con thiện trí để hoán cải chính con”. Nếu tôi xin điều này ngay từ đầu tôi đã không lãng phí cuộc đời. (Góp nhặt).

Thứ hai 25/4/2022 - Tuần 2 PS
Lời Chúa : Ga 3,1-8

1 Bấy giờ, trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do-thái. 2 Ông đến gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông nói với Người: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy”. 3 Đức Giê-su trả lời: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên”.4 Ông Ni-cô-đê-mô thưa: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được ? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao ?”5 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. 6 Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt ; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. 7 Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. 8 Gió muốn thổi đâu thì thổi ; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy”. 

Nicôđêmô là “một đầu mục của người Do thái”, nghĩa là về mặt xã hội ông là bậc cao niên đáng kính, về mặt tôn giáo ông là người có học thức và đạo đức. Dù vậy, ông vẫn tìm đến Đức Giêsu để học hỏi thêm. Nhưng dầu sao ông vẫn còn vướng mắc thành kiến của người biệt phái và luật sĩ thời đó. Với sự hiểu biết Kinh thánh, Nicôđêmô tưởng đã có thể sử dụng mớ kiến thức ấy, để tìm hiểu về con người Đức Giêsu. Nhưng Đức Giêsu đã đặt ông trước một thách đố mà ông không bao giờ ngờ trước. Ngài bảo ông phải tái sinh thì mới thực sự thấy và hiểu biết về con người của Ngài, ông phải tái sinh thì mới thực sự hiểu được Kinh thánh, ông phải tái sinh thì mới có thể trở thành con người mới với cái nhìn mới và sự cảm nhận mới.
    Một người như Nicôđêmô vừa cao niên, vừa thông thái, vừa đạo đức, thế mà Chúa Giêsu bảo ông cần phải sinh lại. Huống chi là tôi, bởi vì trong tôi hiện giờ còn rất nhiều điều chưa đáng là người, đó là chưa xét đến có đáng là Kitô hữu hay không. Bí tích Rửa tội đã sinh lại tôi thành người con Chúa. Nhưng “làm con Chúa” chỉ mới là một hạt giống, tôi cần phải vun trồng cho phát triển thành cây. Huống chi người “con của Chúa” ấy với thời gian đã bị người “con của thế gian” chèn ép khiến trở nên èo uột, méo mó. Bởi vậy tôi cần phải sinh lại lần nữa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết can đảm và tự hào mình là người con Chúa, đã được sinh ra trong Giáo Hội, để mọi người nhận ra hiệu quả của Thần Khí trên cuộc đời của mỗi chúng con, mà ca tụng danh Chúa. Amen.

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2022

Tin hay không tin ? Chúa nhật 24/4/2022- Kính lòng thương xót Chúa






Ngày 23 thánh 9 năm 1968, cha Piô, linh mục nổi tiếng dòng Capucinô đã qua đời trong một tu viện tại Italia. Suốt 50 năm cha Piô mang năm dấu thánh, nghĩa là trên hai tay, hai chân và ngực ngài được in năm vết thương của Chúa Giêsu. Những vết thương mà Chúa Phục Sinh đã tỏ cho ông Tôma tông đồ trong Tin Mừng hôm nay. Nhiều người trên khắp thế giới đã đến xưng tội với vị linh mục thánh thiện này và tham dự thánh lễ cha cử hành. Khi cha Piô dâng lễ, cả ngài và dân chúng đều nhận thức rõ ràng ngài mang trên thân thể ngài những dấu thương tích mà Chúa đã chịu trên thập giá, những vết thương làm cha đau đớn khôn tả. Thỉnh thoảng những giọt máu rỉ ra trên tay của cha, hai tay chỉ để trần khi dâng lễ. Lúc khác, hai tay ngài được bao lại trong đôi gang tay màu nâu. Khi dâng lễ, ngài thường gồng như một người vác thập giá. Ngài thường khóc khi nhìn thánh Thể, mặt ngài như thiên thần, nhưng người có mặt cảm thấy bình an.
    Với một số người, câu chuyện của cha Piô coi như chuyện đạo đức giả tưởng ở thời Trung cổ. Nhưng thực ra đây là một con người của Chúa sống trong thế kỷ của chúng ta. Hằng trăm ngàn người thuộc đủ mọi tín ngưỡng hay không tín ngưỡng đã thấy tận mắt, đã đến thăm viếng ngài. Ngài cũng chịu đủ mọi khám nghiệm y khoa cũng như khoa học. Tất cả đều chứng minh rằng không có lối giải thích tự nhiên nào đối với các vết thương trên cơ thể ngài. Và cũng không có cách nào chữa trị được.

Chúa nhật 24/4/2022 - Tuần 2 PS
Lời Chúa : Gioan 20:19-31

19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Chúc anh em được bình an!"
20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.
21 Người lại nói với các ông: "Chúc anh em được bình an! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."
24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Đi-dy-mô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến 25 Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tôma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không sỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin. 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Chúc anh em được bình an! 27 Rồi Người bảo ông Tôma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin. 28 Ông Tôma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! 29 Đức Giêsu bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!" 30 Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này.
31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và đê/ anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

Anh em Tông đồ kể thuật lại cho Ông nghe về việc Chúa Giêsu sống lại hiện ra với họ. Nhưng Ông không tin vào những lời kể đó. Ông muốn chính mình phải được nhận ra Chúa Giêsu theo cung cách của Ông: Đụng chạm vào vết thương lòng thương xót của Thầy Giêsu. Ông muốn được đụng chạm vào những vết thương của Thầy Giêsu.Vì với Ông đó là dấu ấn đặc điểm của Chúa Giêsu đã hy sinh chịu chết trên thập gía. Ông không muốn đức tin vào Chúa Giêsu phục sinh chỉ ở tầng bên trên. Nhưng cần phải đi sâu vào tận vết thương tình yêu của Chúa. Với Ông, những vết thương đóng đinh nơi Chúa Giêsu là hình ảnh lòng thương xót của Ngài đối với con người, cùng quan trọng cho đức tin vào Chúa Giêsu.
    Chúa Giêsu hiện ra cho Ông được nhìn thấy những vết thương nơi thân thể Ngài, sự hoài nghi nơi Ông liền biến ngay. Và từ đó đã dẫn đưa Ông tới đức tin vào Chúa Giêsu phục sinh qua lời tuyên tín và cũng là lời cầu nguyện thâm sâu: Lạy Chúa, lạy Chúa của con. ( Ga 20,28.)
    Chính nhờ Tôma, chúng ta được có lời Chúa chúc phúc đầy khích lệ và đầy thuyết phục: Phúc cho những ai không thấy mà tin. Chính vì chúng ta, vì con người ở mọi nơi và trong mọi lúc, mà sự kiện Tôma được ghi lại trong Phúc Âm, để củng cố niềm xác tín của chúng ta vào việc Chúa phục sinh. Cùng với Tôma, chúng ta hãy tuyên xưng rằng: Chúa đã sống lại thật. Alleluia.

Lạy Chúa Phục Sinh, xin cho phép con được dùng đức tin để xỏ ngón tay con vào các lỗ đinh, đặt bàn tay con vào cạnh sườn Người, để con có được cảm nghiệm sâu sắc rằng: tình yêu cứu độ Chúa dành cho con quả là bất diệt. Xin cho việc cử hành Thánh Lễ hàng ngày mang lại cho chính con trước hết sự bình an của một người cảm nhận mình đượcThiên Chúa yêu thương, và tin chắc rằng: tình yêu đó sẽ bất diệt và bền vững cho đến muôn đời, bất chấp những yếu hèn, sa ngã của kiếp người ô trọc. Xin cho con được cử hành mầu nhiệm Phục Sinh ngay từ bây giờ, trong chính đời sống hàng ngày của con. A-men

Chúa Phục sinh sai tôi làm chứng - Thứ bảy 23/4/2022

 





Số giáo dân thêm nhiều, và hầu hết các họ đạo đứng vững được trong thử thách, dù lâu ngày vắng linh mục, một phần lớn còn là nhờ hoạt động tông đồ giáo dân của một số người nhiệt thành với công cuộc của Nước Chúa.

Ở Trại Mỹ (Chaimi) tỉnh Quảng Ngãi, cha Đắc Lộ gặp gia đình ông cụ Phaolô và bà Monica. Tuy bị loà cả hai mắt, nhưng ông cụ rất nhiệt thành truyền giáo. Cụ thật là linh hồn sống động của họ đạo đó. Các ngày Chúa nhật và lễ trọng, cụ họp giáo dân trong căn nhà, trong khu nhà cụ, cụ giảng dạy khuyên răn họ.

Cụ còn giúp cho họ tất cả phương tiện cần thiết để bảo vệ đức tin họ đã lãnh nhận. Lòng nhiệt thành của cụ lan rộng ra với tất cả những người ngoại đạo và giúp được nhiều người sẵn sàng chịu phép rửa. Thiên Chúa lại cho cụ quyền trên cả ma quỷ. Những người bị quỷ ám vùng đó đều được cụ trừ quỷ. (Lm. Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo tại Việt Nam).

Thứ bảy 23/4/2022 - Tuần bát nhật PS
Lời Chúa : Mc 16,9-15

9 Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. 10 Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. 11 Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin. 12 Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. 13 Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này. 14 Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. 15 Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.

Theo Tin mừng, sau khi khiển trách các môn đệ về thái độ cứng lòng tin của họ, Đức Giêsu đã củng cố lại niềm tin đó, rồi Ngài mới sai các ông đi rao giảng. Rao giảng là chia sẻ niềm tin của mình cho người chưa tin hay còn yếu đức tin. Vì thế, phải tin rồi mới đi rao giảng. Các môn đệ đã có đức tin rồi, nên Chúa tin tưởng trao trách nhiệm loan báo Tin mừng của Chúa để loan báo lại cho những người khác.
    Ở đây, chúng ta thấy cách Đức Giêsu hành động: Ngài sai người được Ngài hiện ra đem Tin mừng Phục sinh đến cho người khác. Những thế hệ Kitô đến sau chắc chắn không thể nhìn thấy trực tiếp Đức Giêsu, nhưng phải qua trung gian của các Tông đồ là những người đã được nhìn thấy Chúa. Đó là hoàn cảnh của mọi Kitô hữu hôm nay: tin Chúa nhờ lời chứng của những người đã được củng cố trong niềm tin. Chính Đức Giêsu đã nhìn thấy điều ấy, do đó trong lần hiện ra cho các Tông đồ như được kể lại nơi Tin mừng Gioan, Ngài đã nói: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
    Tin vào Chúa Phục sinh không phải tin rồi ngồi đó, mà phải đem Tin mừng ấy đến cho tha nhân, như bài Tin mừng hôm nay nói đến điều đó. Sau khi hiện ra với các môn đệ. Đức Giêsu bảo các ông: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15).
    Khi các Tông đồ nhận được niềm vui phục sinh của Thầy mình, họ thay đổi hẳn thái độ. Thay vì sợ hãi, yếu tin luôn trốn tránh ban đầu khi Thầy chết, họ đã mạnh mẽ dám công nhiên tuyên bố rằng: thời điểm Thiên Chúa thi ân nay đã đến như Đức Giêsu đã báo trước. Họ tin rằng Đức Giêsu đã “sống lại” và “Nước của Thiên Chúa” đã đến. Niềm vui Phục sinh cần được diễn tả bằng đời sống chứng nhân, ánh sáng Phục sinh phải được chiếu toả ra cho muôn dân. Ánh sáng tự nó phải phản chiếu – không có niềm vui Phục sinh thật nếu không ra đi loan báo Tin mừng.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh. Con cần Chúa biết bao. Đời con không dừng lại với cái chết như một dấu chấm tận. Con cần Chúa cứu chuộc con, để con được sống mãi với Chúa sau khi đã lìa cõi thế. Con muốn sống theo những gì Chúa mặc khải và những điều Hội Thánh Chúa truyền dạy. Con muốn dùng đời sống của con để nói với thế giới, với anh chị em con và với từng thành viên trong gia đình, trong giáo xứ con rằng: Đấng Cứu Chuộc tôi vẫn sống. Xin giúp con, lạy Chúa là Thiên Chúa của con. Amen.

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2022

Nhận ra Chúa trong đời mình - Thứ sáu 22/4/2022

 




Câu chuyện “Quo vadis” được kể như sau: Phêrô đến Rôma giữa lúc hoàng đế Nêrông đang bắt bớ đạo. Nhiều người đã chịu tử đạo. Tình thế nguy kịch, các tín hữu khuyên Phêrô chạy trốn ra khỏi thành, để còn người duy trì và giữ vững đạo thánh.

Khi ra khỏi cổng, Phêrô gặp Chúa vác thập giá đi vào thành Rôma. Ông lên tiếng hỏi: “Quo vadis”, nghĩa là Ngài đi đâu đó? Chúa trả lời: “Thầy đi vào Rôma để cho người ta đóng đinh một lần nữa”. Ông chợt hiểu và quay lại Rôma. Ông an ủi và giúp đỡ các tín hữu sắp chịu cực hình giữ vững niềm tin.

Sau khi chứng kiến các tín hữu bị làm mồi cho thú dữ ăn thịt, bị hoả thiêu trên một rừng thập giá, thì chính ông cũng bị đóng đinh ngược, đầu quay xuống đất, theo lời ông xin, vì ông nghĩ mình không xứng đáng được đóng đinh như Thầy.

Thứ sáu 22/4/2022 - Tuần Bát nhật PS
Lời Chúa : Ga 21,1-14

1 Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. 2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. 3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả. 4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. 5 Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư ?” Các ông trả lời: “Thưa không.” 6 Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. 7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. 8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước. 9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10 Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!” 11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. 12 Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai ?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. 14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.

Đức Giêsu đã chọn các Tông đồ để họ tiếp tục sứ mệnh của Ngài. Nhưng rồi trong cuộc sống theo Chúa, cũng có những lúc thăng trầm, nhất là các ông đã bị thử thách nặng nề với cái chết của Đức Giêsu trên Thập giá. Đó là mầu nhiệm mà lúc đầu các ông không hiểu, mặc dầu nhiều lần Đức Giêsu đã loan báo và giải thích về cái chết có giá trị cứu rỗi của Ngài.
    Trong lúc các ông trở về với nghề cũ tại biển hồ Tibêria và tâm hồn chờ đợi một dấu lạ gì đó từ Chúa Giêsu Phục sinh. Chính lúc đó, Đức Giêsu hiện ra, và một lần nữa, Ngài thực hiện phép lạ mẻ cá lạ lùng, để qua đó Ngài tái xác nhận rằng Thiên Chúa không thay đổi chương trình cứu rỗi của Ngài; Ngài vẫn trung thành với lời mời gọi và sứ mệnh đã trao cho các môn đệ. Con số 153 con cá ở đây tượng trưng cho mọi dân tộc trên thế giới, đã đến lúc các Tông đồ phải làm chứng cho Chúa nơi mọi dân tộc 
Qua phép lạ mẻ lưới lạ lùng, Đức Giêsu muốn bảo cho các Tông đồ biết trước Giáo hội của Ngài sẽ được phổ biến khắp nơi dưới quyền lãnh đạo của Phêrô và không quyền lực nào có thể làm cho tan rã, vì Giáo hội của Ngài được xây trên nền tảng vững chắc. Vì danh Chúa, các ông phải mạnh dạn tuyên xưng đức tin và bảo vệ Giáo hội
Trong những lần hiện ra với các môn đệ sau khi sống lại, Chúa Giêsu không bao giờ nói nửa lời trách móc tội các ông đã bỏ Ngài hay chối Ngài, cũng không nói nửa lời ám chỉ, mà toàn những lời dịu dàng, an ủi, khích lệ. Các ông cũng không một lời xin lỗi Chúa, thế mà Chúa vẫn tha. Tha thứ đâu cần phải nói ra bằng lời, ăn năn đâu cần phải thốt ra bằng tiếng. Chúa đến với ta, ta ở bên cạnh Chúa thế là đủ.
 Sự tha thứ của Chúa không diễn tả bằng lời, nhưng bằng thái độ: “Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ. Ngài cũng cho các như thế”.Người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến liền nói với Phêrô: “chính Chúa đó”: Gioan là người đầu tiên nhận ra Chúa. Ông nhận ra Chúa nhờ một kỉ niệm mà mẻ các lạ giúp ông nhớ lại. Khi đã yêu thì từng chi tiết, từng biến cố, đếu nhắc ta nhớ đến người mình yêu. 

Lạy Chúa Giêsu, bao lần trong cơn gian nan thử thách, con mong ước có Chúa hiện diện bên con để nâng đỡ chở che. Những lúc thất bại hoặc cô đơn giữa đám đông cuộc đời, con mong gặp được Chúa để Chúa hướng dẫn ủi an. Con mong chờ Chúa nhưng không gặp được Chúa. Thật ra Chúa vẫn đến và hiện diện bên con mà con chẳng nhận ra Chúa, nên con vẫn còn sợ hãi, có khi thất vọng chán chường. Chúa như vắng mặt trong cuộc đời con.
    Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Chúa Phục Sinh, xin cho con biết nhận ra Chúa vẫn có mặt sống động trong Giáo Hội và trong cuộc sống con mọi nơi mọi lúc, như xưa Chúa đã tỏ mình cho các tông đồ bên biển hồ Tibêria. Xin cho con hiểu rằng Chúa hiện diện để mong con đến gặp Chúa và lắng nghe Lời Chúa, để Chúa bày tỏ tình yêu quan tâm dẫn dắt và ban ơn giúp con đạt tới ơn cứu độ.
    Xin cho con luôn biết lắng nghe và can trường phó thác sống theo Lời Chúa, trong lúc gặp may mắn cũng như lúc gian nan trong đêm tối của cuộc đời. Chúa vẫn lên tiếng mời gọi con, hướng dẫn dạy bảo con. Xin đừng để những nỗi đau, những day dứt, những hoang mang, những thất bại làm át đi tiếng nói yêu thương của Chúa. Xin đừng để con vì chạy theo những đam mê hoặc những lôi cuốn của cuộc đời, mà lòng trí trở nên tối tăm không còn nhận ra sự hiện diện của Chúa.. Amen.

Chúa Phục sinh đang hiện diện trong đời ta - Thứ năm 21/4/2022





Chúa Giêsu Phục Sinh đang sống và hiện diện ngay trong cuộc sống của những người tin Chúa. Đây không phải chỉ là một kiểu nói, không phải chỉ là niềm tin, mà là sự thật. Chúa Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi là một. Chúng ta phải xác tín thật mạnh về sự thật đó để rồi từ đó chúng ta xây dựng nên một xã hội huynh đệ hơn.

Ngày kia, có một đan viện phụ Công giáo tìm đến một vị tu sĩ Ấn giáo tại chân núi Himalaya. Với tất cả ưu tư phiền muộn, vị đan viện phụ trình bày về tình trạng bi đát của tu viện do ông điều khiển. Trước kia tu viện này là một trong những trung tâm Công giáo thu hút không biết bao nhiêu là khách hành hương hằng năm. Nhà nguyện lúc nào cũng vang lên tiếng ca hát của các tu sĩ và giáo dân đến từ khắp nơi. Các căn phòng lúc nào cũng có người ở.
    Nay tu viện gần như trở thành một ngôi chùa trống vắng. Làn sóng những người trẻ tìm đến tu viện hầu như không còn. Nhà nguyện vắng tanh không ai lui tới. Một số nhỏ tu sĩ còn lại thì sống trong uể oải, buông thả…Vị viện phụ muốn hỏi vị tu sĩ Ấn giáo xem đâu là nguyên nhân đưa đến tình trạng này ? Phải chăng vì một tội lỗi tày đình nào đó mà bàn tay Chúa đã đè nặng trên cộng đoàn ?
Sau khi nghe viện phụ kể lể, vị tu sĩ Ấn giáo mới ôn tồn nói:
- Cái tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn: đó là tội vô tình.
Vị tu sĩ Ấn giáo mới giải thích như sau:
- Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người giữa chư vị, nhưng chư vị đã vô tình không nhận ra Ngài.
Nhận được lời giải thích của vị tu sĩ Ấn giáo, đức viện phụ hối hả quay trở về tu viện, trong lòng ông không khỏi miên man đặt câu hỏi: “Ai là người được Đấng Cứu Thế đang mượn hình dáng để ở lại với loài người ?”. Cả tu viện bây giờ không có đến 10 người. Đấng Cứu Thế ở với ai đây ? Chắc không thể là mình, vị tu viện trưởng nghĩ như thế vì ông biết mình là một con người tội lỗi yếu hèn. Nhưng ông cũng biết rõ các tu sĩ khác trong tu viện. Cũng chẳng có người nào toàn vẹn, xứng đáng để Đấng Cứu Thế mượn lấy hình dáng của họ. Thế nhưng, ông vẫn tin lời của vị tu sĩ Ấn giáo là Đấng Cứu Thế đang cải trang thành một người nào đó trong cộng đoàn.
    Với niềm xác tín ấy, ông qui tụ tất cả các tu sĩ lại và loan báo cho mọi người biết rằng, Đấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Nghe tin ấy, đôi mắt mỗi người đã mở to và ai nấy bắt đầu dò xét từng người trong nhà. Chỉ có điều chắc chắn là: bởi vì Đấng Cứu Thế đã cải trang cho nên không ai có thể nhận ra Ngài được. Thành ra mỗi người trong nhà đều có thể là Đấng Cứu Thế. Và từ đó mọi người sống với nhau như chính mình đang sống với Đấng Cứu Thế. Rồi chẳng mấy chốc bầu khí yêu thương huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện. Cuộc sống thánh thiện như thế không mấy chốc được đồn thổi đi khắp nơi. Và các tín hữu lại từ khắp nơi trở lại tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều người trẻ cũng đến gõ cửa nhà dòng.
    Vâng! Nếu người người ai cũng nhìn nhau và đối xử với nhau như đối xử với chính Chúa Giêsu, thì có lẽ hận thù, chiến tranh sẽ không còn có lý do để tồn tại trên mặt đất này. Sự vắng bóng Thiên Chúa trong xã hội, hay đúng hơn sự vô tình của con người làm cho họ không nhận ra Thiên Chúa trong cuộc sống: đó là đầu mối của mọi thứ bất hoà, chiến tranh xáo trộn trong xã hội.

Thứ Năm  21/4/2022 - Tuần Bát Nhật PS
Lời Chúa: Lc 24,35-48

35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. 36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo : "Bình an cho anh em !" 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói : "Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?" 40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi : "Ở đây anh em có gì ăn không ?" 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
44 Rồi Người bảo : "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm." 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói : "Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại ; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.

Sau khi Chúa Giêsu đã chết và xác Ngài được chôn cất trong mồ, các môn đệ rơi vào tình cảnh đau buồn, tuyệt vọng. Họ ngồi lại với nhau vì sợ người Do Thái; họ ngồi lại với nhau để than khóc u sầu hơn là đợi chờ hy vọng. Có hai môn đệ không chịu nổi cảnh này đã bỏ về quê. Chúa Kitô Phục Sinh đã hiện ra với hai ông và hai ông vội vã trở về Giêrusalem báo Tin Mừng. Nhóm còn lại vẫn chưa tin việc Chúa Kitô Phục Sinh. Rồi Chúa Giêsu lại hiện ra giữa họ, nhưng họ vẫn nghi ngờ là ma, không nghĩ là Thầy mình. Vì thế, Chúa Giêsu tỏ cho họ thấy thân xác thật sự của Ngài. Họ vẫn chưa tin, Ngài lại phải xin một miếng cá nướng và ăn uống bình thường với họ và họ được trấn an.
    Tuy nhiên, chỉ khi được Kinh Thánh soi sáng về ý nghĩa biến cố Tử Nạn và Phục Sinh, chỉ khi được Chúa Giêsu soi lòng mở trí cho thì các môn đệ mới vững tâm và vui mừng thật sự. Và chính lúc này Ngài trao cho họ sứ mệnh rao giảng Tin Mừng.
    Kitô giáo là tôn giáo của niềm vui: vui vì được Chúa từ trời cao xuống viếng thăm, vui vì được ban tặng ơn cứu rỗi, vui vì từ thân phận nô lệ tội lỗi được nâng lên hàng con cái và vui vì cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu đang đón chờ. Một tôn giáo của niềm vui nhưng đã bị coi là tôn giáo của khổ chế, hy sinh, và thập giá vì cuộc sống của các thành viên chưa phản ánh đủ căn bản của niềm tin, như các môn đồ được nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay.
    Thực tế, cuộc sống trước mắt đã khiến cho các Kitô hữu u buồn và bi quan mà quên đi sự cao quí của hy sinh Thập Giá. Ðau khổ dẫn đến vinh quang. Cái chết trên Thập Giá sẽ mang lại sự phục sinh khải hoàn. Ðành rằng, con người bị hạn hẹp trong không gian và thời gian, không thể biến viễn ảnh thành hiện tại. Tuy nhiên, không phải vì thế mà viễn ảnh trở thành ảo ảnh phản ánh Phục Sinh vinh quang của Kitô hữu là nối dài của điểm khởi đầu biến cố Phục Sinh của Ðức Kitô. Ðây là một biến cố đã được Ðức Kitô báo trước và đã xảy ra và mãi mãi là chất men làm sống dậy những cuộc sống khác.


Lạy Chúa, trên hành trình đức tin, nhiều lúc con đã ngại ngùng sợ hãi không dám dấn thân vào con đường Chúa mời gọi con bước tới. Con đường ấy có quá nhiều chông gai, thử thách. Xin Chúa cho con hiểu rằng, bên trên các gai nhọn là đóa hồng rực rỡ. Bên trên lớp mây mù ảm đạm là vầng thái dương huy hoàng. Có được một xác tín như vậy, chắc chắn cuộc sống của con sẽ là chuỗi ngày vui mừng, hy vọng và tràn trề cậy trông vào Chúa Kitô Phục Sinh. Amen.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)