Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019

Dứt khoát với điều xấu


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Mc 9,41-50


Vào thời trước, có một đoàn thám hiểm từ Châu Âu lên đường đi tìm đất mới, vùng Ái Nhĩ Lan ngày nay. Vị trưởng đoàn tuyên bố: ai chạm đến vùng đất mới trước tiên, người đó sẽ làm chủ vùng đất ấy.

Một người trong nhóm là Ônê quyết tâm chiếm vùng đất mới bằng mọi giá. Anh cố gắng chèo thuyền tận lực, nhưng một chiếc thuyền bạn đã bắt kịp và đang tiến lên phía trước, khi ấy đã gần sát bờ.
      Phải tính sao đây? Là con người có ý chí sắt đá, gan dạ. Ônê đã can đảm lấy chiếc rìu chặt đứt lìa bàn tay trái rồi ném nhanh lên bờ. Thế là bàn tay của Ônê đã chạm đất đầu tiên, và vùng này thuộc về anh.

Qua câu truyện trên giúp chúng ta hiểu rõ Lời Chúa Giêsu dạy trong bài Tin Mừng hôm nay: “Nếu tay ngươi làm ngươi vấp phạm, hãy chặt đi, thà cụt một tay mà được vào cõi sống, còn hơn có đủ hai tay mà phải vào hỏa ngục đời đời”

Thứ năm 28/02/2019 - Tuần 7 TN
Lời Chúa : Mc 9,41-50

(41) "Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Ðấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.(42) "Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. (43) Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. [44] (45) Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục, [46] (47) Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, (48) nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt. (49) Quả thật, ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như thể ướp bằng muối. (50) Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau".

Những lời nói của Chúa Giêsu không thể được hiểu sống sượng theo nghĩa đen. Ý mà Chúa Giêsu muốn nói ở đây là chúng ta phải tránh xa tội nặng bằng bất cứ giá nào. Chúng ta phải sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể làm được để loại trừ điều ác ra khỏi đời sống chúng ta. Chúng ta phải làm mọi cách để tránh dịp tội, nếu không chúng ta sẽ phạm tội và sẽ phải chết.

Thế giới chúng ta đang sống có rất nhiều cạm bẫy, nhiều cám dỗ, nhiều dịp tội làm chúng ta sa ngã. Chính vì thế chúng ta càng phải quyết tâm mạnh mẽ để khử trừ các dịp tội, các cơn cám dỗ. Nếu thân xác cần phải cắt bỏ khối u ung thư để cứu lấy mạng sống thì tương tự như thế linh hồn cũng cần phải cắt bỏ những thói quen tội lỗi để cứu lấy sự sống linh hồn. Chúng ta có thể "cắt bỏ" một thói hư tật xấu, cắt bỏ một lời nói cay độc, cắt bỏ một ánh mắt căm hờn, cắt bỏ một cử chỉ khinh khi, cắt bỏ một lối sống buông thả, cắt bỏ một mối quan hệ bất chính v.v… Cắt bỏ như thế có thể đau đớn như "móc con mắt, chặt cánh tay". Thế nhưng nếu can đảm vượt thắng nỗi đau, chúng ta sẽ lớn lên trong tư cách làm người, và trưởng thành hơn trong địa vị làm con cái Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, chỉ có ở trong Chúa thật sự chúng con mới được hạnh phúc vĩnh hằng, tất cả chỉ là tạm bợ, chóng qua, đơn hèn. Xin Chúa giúp chúng con can đảm, hy sinh loại trừ tất cả những gì không thuộc về Chúa, để cuộc đời chúng con mãi mãi biết xây dựng cuộc đời mình bằng chính những hy sinh nho nhỏ hằng ngày, mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn.

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2019

Bao giờ mới gỡ được óc cục bộ



Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Mc 9,38-40


Ông Hai Kền sống ở góc một khu phố thuộc phường Thanh Đa. Ông không có gia đình và sinh sống bằng nghề sửa xe 2 bánh. Thấm thoát từ ngày ông bỏ đất Nghệ An (mảnh đất đã chôn nhau cắt rốn ông) đến nay đã hơn ba mươi năm. Ngày ấy, ông còn là chàng trai mới đôi mươi xuân xanh với biết bao hoài bão ôm ấp trong lòng, nhưng chỉ vì quê ông quá nghèo, ông phải bỏ vào Nam để tìm cách tiến thân. Tuy nhiên cuộc sống đấu tranh sinh tồn thật khắc nghiệt, đã có biết bao sóng gió, bão táp vùi dập đời ông – chàng thư sinh kiêu hãnh – khiến ông chỉ còn cách sinh kế qua ngày bằng nghề sửa xe. Do nặng óc địa phương, tự tôn về truyền thống quê hương đất văn vật nên ông chỉ kết bạn với những người cùng quê. Đối với ông, Nghệ An là đất sinh những hiền tài, những con người thông minh xuất chúng, còn những người khác ông chỉ nhìn bằng nửa con mắt. Vì vậy, mỗi khi sửa xe mà gặp người cùng quê, ông tỏ ra rất vui vẻ thân thiện, ông sẵn sàng giúp đỡ những sinh viên cùng quê khi họ khó khăn và nhiều khi sẵn sàng cho họ trọ ở nhà ông miễn phí không lấy tiền. Đối với ông tiếng nói Nghệ An sao mà dễ thương, còn những chất giọng khác nghe có vẻ kỳ kỳ thế nào ấy, nhất là giọng Bắc Bùi Chu thì sao ông thấy ghét quá. Vì thế mà ông có ít bạn bè. Rồi một hôm, ông bị tai nạn xe đụng khi băng qua bên kia đường mua tô bánh canh cho bữa trưa, món bánh canh cá lóc nóng hổi của chị Năm Thu mà ông rất thích. Ông không biết gì sau khi chiếc Honđa phân khối lớn do hai thanh niên điều khiển đụng vào ông. Tỉnh dậy trên giường bệnh, khuôn mặt đầu tiên ông nhìn thấy là một khuôn mặt lạ hoắc của một chàng trai trẻ nhìn ông với vẻ mừng rỡ hiện rõ trên mặt: “A, Ông chú mình tỉnh dậy rồi Khoa ơi!” “Thật sao!” chàng thanh niên tên Khoa từ hành lang bệnh viện chạy vào cùng một vẻ vui mừng như thế. “Chú ơi chú tỉnh rồi à.” “Đã bớt đau chưa chú?” “Chú thấy trong người thế nào rồi?” Ôi! Cái giọng Bắc Bùi Chu dễ ghét! Có lẽ đây là hai tên nghịch tặc tông mình, khi nào khỏi mình phải kiện cho chúng biết tay mới được… - ông thầm nghĩ trong đầu. Tuy nhiên, ông vẫn còn đau lắm và mọi việc cũng chưa rõ ràng, nên ông chỉ ậm ừ rồi nhắm nghiền mắt lại như muốn ‘tuyệt giao’ với thế giới. Hai chàng thanh niên thì thầm: “Chắc chú ấy còn mệt, thôi mình để chú nghỉ đi!” “Ừ!” “Khoa này, chiều nay cậu xin phép cho tớ nghỉ học. Tớ phải ở lại để theo dõi, chăm sóc ông chú xem sao. Chứ cái kiểu này thì hình như chẳng có ai là người thân của ông ở đây!” “Ừ!” “Chiều đến gọi thêm mấy bạn trong đội sinh viên thiện nguyện nữa để có gì thay phiên giúp đỡ cho chú!” “Ừ, yên tâm đi, sao cậu giống má tớ ở nhà thế! Thôi Vũ ở lại nhé, mình đi học đây, kẻo trễ giờ rồi!” “Ừ! Thôi by nhé.” Có lẽ đây là các cậu sinh viên thiện nguyện giúp đỡ ông. Ông cảm thấy hơi hối hận vì đã nghĩ xấu cho họ. Rồi tiếp theo hai tuần sau đó, các sinh viên thiện nguyện đã thay phiên nhau đến chăm sóc ông. Họ là những người có gốc gác thuộc các miền khác nhau nhưng lại có cùng chung chí hướng là phục vụ trong đội sinh viên thiện nguyện. Đặc biệt hai cậu sinh viên Vũ và Khoa dường như ngày nào cũng có mặt hỏi han chăm sóc ông. Khi biết ông cô đơn không người thân, họ còn quyên tiền để giúp đỡ ông. Tấm chân tình của họ khiến ông rất cảm động. Qua những mẩu chuyện trò, ông còn biết họ là những sinh viên rất xuất sắc ở trường. Dần dần ông thấy ‘nhớ’ cái ‘giọng Bắc Bùi chu’ của chàng thanh niên tên Vũ, nhưng sao bây giờ nó không còn dễ ghét nữa, thậm chí ông còn thấy nó hay hay và dễ thương nữa. Từ sau biến cố đó, ông gỡ bỏ được óc cục bộ địa phương, sống cởi mở hơn với mọi người, do đó ông có nhiều bạn hơn và được nhiều người yêu quí hơn.

Thứ tư 27/02/2019 - Tuần 7 TN
Lời Chúa : Mc 9, 38 – 40

38 Ông Gio-an nói với Đức Giê-su : "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta." 39 Đức Giê-su bảo : "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. 40 Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.

Trình thuật Tin mừng hôm nay cho thấy Đức Giê-su đã không muốn có những đầu óc phe nhóm, cục bộ nơi những con người phục vụ Thiên Chúa, hoặc nhân danh Ngài để đả kích lẫn nhau. Ngài đã dạy cho các môn đệ biết: Khi người ta nhân danh Ngài để trừ quỉ thì ngầm cho thấy họ đã tin tưởng nơi Ngài, phó thác và kêu cầu Ngài. Do đó không thể lại nói xấu Ngài. Vì như thế khác nào mâu thuẫn với chính mình. Các môn đệ không thể dành Ngài cho riêng họ; nhưng cần biết cởi mở tấm lòng để đón nhận những điều tốt lành nơi người khác. Và bao giờ cũng thế, óc phe nhóm, địa phương, cục bộ làm cho cuộc sống thêm phần khó chịu. Chỉ có tấm lòng bao dung độ lượng với tình yêu thương cởi mở chân thành mới làm cho cuộc sống trở nên phóng khoáng, không gian môi trường nên lành mạnh đem đến hạnh phúc cho con người.

Lạy Chúa Giê-su! Chúa đã đến để cứu độ, giải phóng chúng con khỏi tội lỗi là hậu quả của sự hẹp hòi, tham lam, đố kỵ, ganh ghét, hận thù, ích kỷ do ma quỉ gây ra. Xin cho mỗi người chúng con có được tấm lòng của Chúa, luôn biết sống bao dung, độ lượng, cởi mở, vị tha, yêu thương chân thành, đặc biệt và trước tiên trong gia đình chúng con; để nhờ đó mỗi thành viên trong gia đình chúng con trở thành những cộng sự viên luôn biết sẵn sàng cộng tác với nhau trong công cuộc xây dựng, phục vụ nước tình thương của Chúa. Chúng con cũng cầu xin Chúa ban ơn hiệp nhất cho các Giáo hội Ki-tô, và cho mọi thành phần của Giáo hội biết cộng tác với nhau để xây dựng nước Chúa mỗi ngày phát triển và lớn mạnh. Amen.

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2019

Sống với người nghèo



Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Mc 9,30-37




Câu chuyện cuộc đời, những đóng góp của Mẹ Theresa, người vinh dự nhận được giải Nobel Hoà bình thế giới năm 1979 và biết bao tôn vinh khác của thế giới, chắc nhiều người biết. Thông tin về Mẹ rất nhiều, nhưng được đến căn nhà Mẹ sống, tận mắt nhìn thấy sự giản dị đến khắc khổ của Mẹ mới thấy khâm phục bấy nhiêu. 

Bận tiếp chuyện một gia đình Ấn nghèo khổ vừa đến, sơ phụ trách chỉ cho khách hành hương chiếc cầu thang hẹp đi lên căn phòng nhỏ, nơi Mẹ đã sống, làm việc từ những năm 1950 đến lúc qua đời năm 1997. Căn phòng nhỏ đơn sơ, không có đến một cái quạt dù nằm ngay trên gian bếp. Ở một miền đất mà mỗi năm có biết bao người chết vì cái nắng nóng khủng khiếp mùa hè. Chiếc giường đơn nhỏ, dường như là cái giường đơn nhỏ nhất mà chúng ta từng thấy. Hai bộ bàn ghế mộc nơi Mẹ và sơ trợ lý làm việc cũng nhỏ, kê sát nhau trong căn phòng áng chừng 2 x 2,5m. Nhìn chiếc băng ghế gỗ đơn sơ, như băng ghế học trò, không có chỗ dựa lưng mà Mẹ ngồi cần mẫn làm việc trong bao nhiêu năm chúng tôi không khỏi nhói lòng. Cũng như đã từ chối khoản tiền thưởng giải Nobel Hoà bình Thế giới và yêu cầu chuyển chúng đến cho người nghèo Ấn Độ, Mẹ cũng khước từ những tiện nghi, dù căn bản nhất. Dù các sơ đã nói với Mẹ là chỉ một chiếc ghế tựa mộc thôi, một chiếc quạt nhỏ sẽ giúp Mẹ khoẻ hơn,… Mẹ vẫn từ chối, vì Mẹ còn chịu được. 

Chân thành cảm ơn các sơ, tôi lặng lẽ chia tay căn nhà số 54A. Về lại phố phường đông đúc, ồn ào và bẩn của Kolkata. Nhưng sao giờ chúng tôi thấy thân thương. Vướng víu nhiều sân si, chúng tôi khó lòng học được nhiều từ Mẹ. Nhưng có lẽ chúng tôi sẽ bắt đầu bằng câu dạy đơn sơ của Mẹ: “Chúng ta hãy luôn chào nhau bằng những nụ cười, khởi nguồn của yêu thương”*. Để từ đó, được nhận thêm nhiều nữa những nụ cười!

Thứ ba 26/02/2019 - Tuần 7 TN
Lời Chúa: Mc 9,30-37

...Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”.

Hình ảnh em bé là hình ảnh không chỉ khiêm tốn, đơn sơ, trung thực, trong sạch, mà còn là hình ảnh của bé nhỏ, yếu đuối, thiếu thốn, luôn cần được giúp đỡ. Đức Giêsu đặt em bé giữa Nhóm Mười Hai, như đặt các tông đồ ở giữa những người thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu tình thương, thiếu hy vọng, thiếu tương lai, thiếu tất cả. Ngài ôm hôn em bé, như nhắn nhủ các tông đồ phải biết yêu thương, và chạnh lòng trước những người đau khổ, bất hạnh. Và sau cùng Ngài bảo các ông hãy đón tiếp em bé này như đón tiếp chính Thiên Chúa.
Đức Giêsu đã cho các tông đồ một bài học về phục vụ. Theo Ngài, phục vụ trước hết và trên hết là đón tiếp : đón tiếp với thái độ thân thiện, kính trọng, cởi mở ; đón tiếp với tình yêu thương chân thành ; đón tiếp với tinh thần phục vụ, hy sinh. Người phục vụ không nghĩ cho mình, nghĩ về mình, nhưng nghĩ đến người khác, và để dễ nghĩ đến người khác, dễ làm vì người khác, chúng ta rất cần khiêm tốn để dám chọn chỗ rốt hết, chỗ thấp nhất để phục vụ hữu hiệu. Chẳng thế mà Đức Giêsu đã không làm gương rửa chân mình, nhưng dậy các tông đồ rửa chân cho nhau, tức khiêm tốn cúi mình xuống phục vụ nhau, bởi trong phục vụ, khiêm tốn luôn giữ vai trò quyết định.

Lay Chúa Giêsu, Chúa biết chúng con sợ thử thách, đau khổ, và không thích dưới quyền ai, cũng không muốn phục vụ ai, nhưng muốn nắm đầu, nắm cổ mọi người và được mọi người phục vụ. Như đã dậy Nhóm Mười Hai ngày xưa, xin Chúa dậy chúng con mỗi ngày và giúp chúng con trở nên người rốt hết, bé như em nhỏ, nhỏ như em bé và làm người phục vụ mọi người.

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

Cuộc chiến với ma quỷ



nha-tho-1


Linh mục đảm trách việc trừ quỷ của thành Rôma cho biết, con số các người trẻ bị satan quấy nhiễu đang gia tăng, nhưng ngài cũng cho biết, trong những năm gần đây chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô tỏ ra là người chuyển cầu mạnh thế trong cuộc chiến để giành lấy các linh hồn.

Một căn phòng ở mạn Tây-Nam thành Rôma trông giống như bất kỳ căn phòng nào khác, nhưng đó lại là nơi diễn ra những trận quyết đấu giữa thiện và ác. Chính tại đây, trong vòng 26 năm, cha Gabriele Amorth đã thực hiện hầu hết 70.000 ca trừ quỷ của ngài.
        “Người ta phải biết rằng, satan vẫn tồn tại”, ngài đã nói với phóng viên CNA như thế trong một dịp gần đây. “Quỷ dữ thì nhiều, chúng quấy phá ở hai dạng, dạng bình thường và dạng ngoại thường.”
         Vị linh mục 86 tuổi, người Ý, thuộc dòng thánh Phaolô và là người trừ quỷ chính thức của giáo phận Rôma, đã giải thích sự khác biệt thế này.
“Kiểu quấy phá bình thường là khi nó cám dỗ người ta xa rời Thiên Chúa và dẫn đưa người ấy xuống hoả ngục. Kiểu quấy phá này nhắm vào mọi người, cả nam cả nữ, ở mọi nơi chốn và không phân biệt tôn giáo.”

Cha Amorth cho biết, kiểu quấy phá ngoại thường được quỷ dữ áp dụng khi nó tập trung chú ý đặc biệt tới một ai đó. Cha phân chia sự chú ý này ra làm bốn loại: quỷ nhập; quỷ quấy như trường hợp cha Padre Pio bị quỷ đánh; quỷ ám có thể dẫn một người tới tình trạng tuyệt vọng, quậy phá; và quỷ có thể nhập, chiếm lĩnh một không gian, một con vật hoặc thậm chí một đồ vật.
        Cha Amorth cho biết, những trường hợp quấy phá ngoại thường vốn rất hiếm, nhưng giờ đang tăng lên. Ngài đặc biệt lo lắng vì con số các người trẻ bị quỷ chi phối vì tham gia vào các giáo phái, các buổi ngồi đồng, hay sử dụng ma tuý. Tuy nhiên, ngài không thất vọng.
         “Qua Đức Giêsu và Mẹ Maria, Thiên Chúa đã cam kết với chúng ta rằng, Ngài sẽ không bao giờ để cho các cám dỗ vượt quá sức chúng ta.”

Do đó, cha đưa ra một hướng dẫn rất thực tế để trợ giúp mọi người trong trận chiến với satan.
“Để thắng được các cám dỗ của ma quỷ, trước hết cần tránh các dịp tội, vì ma quỷ luôn tìm kiếm các điểm yếu nhất của chúng ta. Và rồi, bằng lời cầu nguyện. Vì là Kitô hữu nên chúng ta rất thuận lời, chúng ta có Lời của Đức Giêsu, chúng ta có các bí tích, các kinh nguyện.”
         Không lạ chi vì cha Amorth thường viện đến danh “Chúa Giêsu Kitô” nhiều nhất khi ngài trừ quỷ. Tuy nhiên, cha cũng cậy đến sự hỗ trợ thiêng liêng của các vị thánh nam nữ. Và đáng chú ý, theo cha, trong những năm qua, chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II tỏ ra là vị thánh chuyển cầu rất mạnh thế.
          “Đã hơn một lần, tôi hỏi quỷ thế này, ‘Sao ngươi lại sợ Đức Gioan Phaolô II đến vậy, và tôi có hai câu trả lời khác nhau, nhưng đều rất đáng chú ý.
Một là ‘bởi vì ngài phá hoại các dự định của tao.’ Và tôi nghĩ là quỷ đang muốn nói đến sự sụp đổ của cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu. Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản.
         Và câu trả lời còn lại là ‘bởi ngài kéo quá nhiều người trẻ xa khỏi tầm tay của tao.’ Rất nhiều bạn trẻ đã được ơn hoán cải, nhờ Đức Gioan Phaolô II. Có lẽ một số bạn dù là Kitô hữu nhưng không sống đạo, tuy nhiên nhờ Đức Gioan Phaolô II, họ sống đạo, họ thực hành đạo trở lại. ‘Ngài kéo quá nhiều người trẻ ra khỏi tay của tao.”
        Cha Amorth cho biết, lời cầu nguyện của những người đang sống cũng rất quan trọng. Cha nhắc nhớ rằng, lời trừ tà cũng chính là một lời cầu nguyện, và do vậy, các Kitô hữu cũng có thể cầu nguyện để một linh hồn hay một nơi chốn nào đó thoát khỏi tay ma quỷ. Nhưng, cần có ba điều này.
      “Chúa Giêsu đưa ra một giải đáp cho các tông đồ, và lời giải đáp này rất quan trọng với những người trừ quỷ như chúng tôi. Chúa bảo rằng, để thắng được loại quỷ này cần phải có đức tin vững mạnh, cầu nguyện và ăn chay nhiều. Đức tin, cầu nguyện và ăn chay.”
       “Đặc biệt là đức tin, bạn phải có một đức tin kiên vững. Trong Tin Mừng, khi chữa lành, nhiều lần Đức Giêsu không bảo rằng chính Người đã chữa lành. Nhưng Người nói, con được chữa lành nhờ đức tin của con. Người đòi hỏi nơi người ta đức tin, một đức tin mạnh mẽ và vững vàng. Không có đức tin, bạn chẳng thể làm được gì.”

Thứ Hai 25/02/2019 - Tuần 7 TN
Lời Chúa : Mc 9,14-29

Khi ấy, Chúa Giêsu (từ trên núi xuống) và đến cùng các môn đệ, Người thấy một đám đông vây quanh các ông và những luật sĩ đang tranh luận với các ông. Vừa thấy Người, tất cả đám đông kinh ngạc, họ sợ hãi và chạy đến chào Người. Và Người hỏi họ rằng: “Các ngươi tranh luận gì với nhau đó?” Một người trong đám đông trả lời rằng: “Lạy Thầy, tôi đem đến cùng Thầy đứa con trai tôi đang bị quỷ câm ám. Quỷ đột nhập vào nó bất kỳ ở đâu thì vật nó ngã xuống đất và nó xùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ ra. Tôi đã xin các môn đệ Thầy trừ quỷ, nhưng họ bất lực”. Người đáp lại: “Hỡi thế hệ cứng lòng tin, Ta còn ở giữa các ngươi đến bao giờ? Ta phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa? Ðem nó lại đây cho Ta”. Và người ta đem nó đến. Vừa thấy Chúa Giêsu, quỷ liền dằn vặt đứa bé dữ dội, đứa bé ngã ra, xùi bọt mép, lăn lộn trên đất. Chúa Giêsu hỏi cha nó rằng: “Nó bị như thế từ bao giờ?” Ông ta đáp: “Thưa từ lúc bé! Quỷ thường xô nó vào lửa, vào nước để giết nó. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì thì xin Thầy thương giúp chúng tôi”. Chúa Giêsu nói với ông: “Sao lại nói: Nếu Thầy có thể? Với kẻ nào tin, thì mọi sự đều có thể được”. Tức thì cha đứa bé khóc lóc kêu lên: “Thưa Thầy tôi tin, xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của tôi”. Chúa Giêsu thấy đám đông tuôn đến, Người nạt thần ô uế rằng: “Hỡi thần câm điếc, Ta truyền cho mi: hãy xuất ra khỏi nó và không được nhập vào nó nữa”. Sau khi kêu thét và dằn vật đứa trẻ dữ dội, quỷ xuất khỏi nó và đứa trẻ ra như chết, khiến đám đông nói: “Nó chết rồi”. Nhưng Chúa Giêsu cầm tay nó nâng dậy và nó đứng lên. Khi Chúa vào trong nhà, các môn đệ hỏi riêng Người: “Tại sao chúng con lại không thể trừ được nó?” Người đáp: “Loại đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay”.


Trong cuộc chiến thiêng liêng, các môn đệ hôm nay đang lâm vào tình huống nan giải: Chúa đã ban cho các ông quyền trừ quỷ thế mà sao các ông lại không trừ nổi tên quỷ hung tợn đang hành hạ dằn vặt cậu bé trai kia? Chính Chúa đã can thiệp trừ tên quỷ đó và Ngài giải thích lý do thất bại: không phải các ông không có vũ khí tối tân hùng hậu, nhưng vì thiếu cầu nguyện nên các ông đã không thể thực hiện quyền năng trừ quỷ mà Chúa ban cho.
       Ma quỷ đang hoành hành trong thế giới này qua biết bao nhiêu tội ác xảy ra hằng ngày. Chúng cũng đang tấn công bạn bằng biết bao nhiêu cơn cám dỗ. Chúa đã ban ơn thánh hoá cho bạn nhưng bạn sẽ không thể đứng vững được nếu không huấn luyện mình bằng đời sống cầu nguyện. Chúa đã tiết lộ cho bạn bí quyết để chiến thắng ma quỷ đó. Cầu nguyện là việc ưu tiên số một cho đời sống thiêng liêng của mình. Chúng ta phải cầu nguyện 

Tâm tình :
Lạy Chúa Giê su, thế giới chúng con đang sống không thiếu những cám dỗ của những quyền lực xấu xa, của tà thần, của ma quỷ. Xin cho con luôn bám chặt vào Chúa như là cứu cánh duy nhất của đời con, cho con hiểu chỉ có cầu nguyện với Chúa, mới tìm được sức mạnh nơi Chúa, chúng con mới có thể vượt thắng những cạm bẫy của ma quỷ, thế gian và xác thịt trong cuộc sống hằng ngày. Amen

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2019

Phải có trái tim rộng lớn...


Kết quả hình ảnh cho câu chuyện cảm động, yêu người mà ta không ưa

Câu chuyện cảm động về lòng tốt của Tổng thống Lincoln dành cho người lính bị thương sắp ra đi

Vị tổng thống vĩ đại đã bên cạnh anh lính trẻ trong suốt khoảng thời gian hấp hối, không quan tâm đến địa vị, chỉ còn lại tình cảm yêu thương và nhân ái giữa người với người, chính tay ông đã giúp anh viết những dòng thư dặn dò của anh gửi đến gia đình. Ông lắng nghe và san sẻ với nỗi niềm của người khác. Không ái khác chính là vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ Abraham Lincoln.

Tổng thống Lincoln đã nhiều lần đi một quãng đường xa để thăm những người lính bị thương trên chiến trường và bệnh viện trong thời gian Nội chiến. Ông thường cố gắng vực dậy những người lính bằng những lời quan tâm ân cần, chu đáo của mình.

Trong một lần đi thăm, các bác sĩ đã dẫn ông Lincoln đến chỗ một người lính trẻ đang cận kề cái chết. Tổng thống đến bên giường, hỏi anh: “Tôi có thể giúp được gì cho anh không?”
Người lính tiều tụy không hề biết người đàn ông đứng trước mặt mình chính là Tổng thống Lincoln. Anh thì thầm với Tổng thống: “Ông có thể viết thư cho mẹ tôi được không?”
Tổng thống Lincoln đã đồng ý và cẩn thận ghi lại trên giấy những gì người lính nói.
“Gửi mẹ thân yêu, con đã bị thương nặng trong khi làm nhiệm vụ. Con sợ mình sẽ không qua khỏi. Xin mẹ đừng quá đau buồn vì con. Hãy hôn Mary và John hộ con. Cầu Chúa phù hộ cho mẹ và cha”, người lính nói.
       Người lính dừng lại vì đã quá yếu, không thể tiếp tục được nữa. Sau đó, ông Lincoln đã ký tên lên thư và đề rằng: “Viết cho con trai bà, Abraham Lincoln”.
        Khi người lính nhìn thấy bức thư mà Tổng thống Lincoln viết thay mình, anh đã rất ngạc nhiên vì thấy chữ ký “Abraham Lincoln’s”. Chàng trai trẻ hỏi: “Ông là Tổng thống thật sao?” Ông Lincoln trả lời: “Đúng vậy, là tôi đây”, sau đó hỏi anh xem liệu mình có thể giúp được gì cho anh nữa không.
 Người lính đáp lại: “Ông có thể cầm lấy tay tôi không? Hãy ở bên tôi cho đến khi tôi nhắm mắt”.
Trong căn phòng yên tĩnh, vị Tổng thống cao lớn, dáng vẻ gầy gò nắm lấy tay chàng trai trẻ và dành cho anh những lời động viên cho đến khi anh trút hơi thở cuối cùng. 

Chúa nhật 24/02/2019 - Tuần 7 TN
Lời Chúa: Lc 6, 27-38

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả con má bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho, và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng. Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác. Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được thứ tha. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.


Thật tình, chúng ta đã quá “thuộc” và biết rõ cách lý thuyết những lời này! Tuy nhiên, lúc này đây Chúa đang trực tiếp dạy bạn và tôi không phải cách thuộc lòng và lý thuyết đâu! Những “kẻ thù” Ngài muốn nói ở đây, đã được chỉ định rõ ràng, đó là: kẻ ghét ta, nguyền rủa ta, vu khống ta, đánh đập ta, chiếm nhà đoạt ruộng của ta, giết hại ta… Tất cả những con người khó thương này đâu phải là những ý tưởng trên mây hay những hồn ma, mà là những con người bằng xương bằng thịt, bạn ạ!
      Thử tìm xung quanh bạn, ai là người “khó thương”? Ai đang làm bạn “đau khổ” cách này hay cách khác? Thật oái oăm, đó chính là những con người Chúa dạy bạn phải yêu mến, chúc phúc, cầu nguyện, trao ban mà không đòi lại nơi họ điều gì! Cách Chúa dạy bạn yêu mến cũng triệt để: không phải là ý tưởng, tình cảm, nhưng là hành động và thái độ sống cụ thể!

Tâm tình :
Lạy Chúa Giê su, khoa học đã và đang đưa con người xích lại gần nhau xét về mặt địa lý, thế nhưng khoảng cách gần đó dường như vẫn chưa đủ để nhân loại sống bên nhau như những người gần gũi và thân thiết. Bởi lẽ, vẫn còn đó bức tường của sự ghen ghét, hận thù, ích kỷ đang ngặn chặn con người đến với nhau. Xin Chúa khơi lên trong lòng nhân loại ngọn lửa tình yêu để thế giới này thực sự trở nên ngôi nhà của những người con của cùng một Cha trên trời. Amen.

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2019

Được biến đổi nhờ tin


Kết quả hình ảnh cho pixabay



Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó, sống trong chế độ bao cấp và bố mẹ đều thuộc thế hệ cũ không được học hành nhiều. May mắn là bố tôi còn tạm biết đọc và biết viết. Bao đời nay, họ hàng gia đình tôi đều gốc quê mùa ảnh hưởng đậm nét văn hóa của Nho giáo Khổng tử "tam tòng tứ đức,” trọng nam khinh nữ, thờ thần tượng, cúng ông bà tổ tiên..

Tôi và bao nhiêu bạn bè cùng trang lứa, từ nhỏ đã phải chứng kiến cảnh lo âu của bố mẹ tôi vì thiếu cơm áo gạo tiền. Bố mẹ tôi phải đi làm kinh tế kiếm sống. Khi tôi mới 8 tuổi, mấy chị em tôi đã phải sống tự lập, bữa ăn bữa nhịn, sống sót đến khi xóa bỏ bao cấp là đã khá giả hơn là đã có cơm no áo ấm. Tôi là con út trong gia đình nên đã may mắn hơn anh chị tôi là được học hết lớp 12. Sau đó, làm đủ mọi nghề kiếm sống nhưng cuộc sống vẫn long đong lận đận, rồi tôi lập gia đình, sinh được 1 cháu trai. Dù vậy, với những bạo lực gia đình mà tôi phải chịu đựng, chúng tôi chia tay nhau. Cái nghèo hèn và khổ cực vẫn cứ đeo bám tôi. Điều đáng buồn là tôi luôn bị ám ảnh bởi quá khứ chua cay và tổn thương trầm trọng… Trong tôi không còn tồn tại niềm tin cuôc sống nữa, mà chỉ là một cái xác không hồn. Sống trong nước mắt lo âu và sợ hãi. Có thể do thời thơ ấu của tôi không được hạnh phúc nên vết thương lòng càng nặng nề hơn. Luôn than thân trách phận, trách mình đã sinh nhầm thế kỷ, trách bố mẹ đã bỏ rơi không chăm sóc chị em mình. Chúng tôi không có được sụ ấm áp, luôn bị chửi mắng vô cớ. Anh tôi là con trai thì luôn được chiều chuộng. Trong lòng tôi đầy sự ghen tị và hận thù. Hận thù cả người đàn ông đã lừa dối tình cảm của tôi, giậu đổ bìm leo, vì gia đình tôi nghèo nên tôi phải chịu bao cay đắng. Càng lớn tôi càng mặc cảm với thân phận mình, thân cô thế cô. Một cuộc sống thật vô nghĩa! Rồi tôi bị trầm cảm, cười khóc vô cớ, hay cáu gắt với mọi người, ra đường tự ti tự hạ mình. Rồi một ngày tôi quyết định rứt ruột bỏ lại đứa con nhỏ ở lại Việt Nam để sang Đài Loan lao động. Mục đích là thay đổi môi trường sống, quên đi mọi hận thù và muốn đổi đời. Các bạn thử đoán xem chỉ thay đổi môi trường sống liệu có thay đổi được số phận không?

Môi trường sống mới của tôi là lao vào việc làm, và quen với bọn xã hội đen ở Đài Loan. Rồi thì cái gì cũng biết, cái gì cũng nếm mùi. Bởi vì tôi nghĩ đời mình còn gì nữa đâu mà mất. Sa đọa vui chơi cho quên nỗi buồn nhục nhã. Chợt nhớ ra thì lại khóc về cuộc sống buông trôi không mục đích, không ý nghĩa của mình. Sau 2 năm hết hạn hợp đồng, tôi trở về Việt Nam, và 20 ngày sau đó, tôi sang lại đi theo con đường du học.

Vào dịp Tết 2007, tôi buồn phiền và vô vọng đi lang thang quanh quẩn, trong lòng mang đầy ưu tư và nặng trĩu vì tội lỗi. Nhìn về tương lai trào nước mắt, nhìn về quá khứ toát mồ hôi. Cuộc sống hiện tại không tiền, không người thân, không nơi nương tựa... Rồi cuộc sống sẽ trôi về đâu? Lúc đó tôi chỉ muốn tìm đến cái chết. Sau này, khi tin Chúa tôi mới hiểu ra rằng, con người ta không biết trước được mình sẽ chết lúc nào, hay là chết ở đâu, chết bằng cách nào?... Thế nhưng một điều có thể chắc chắn là ai ai cũng phải chết. Chết không phải là điều đáng sợ nhưng biết mình chết rồi sẽ đi về đâu mới là điều phải quan tâm.

Vâng, mỗi người chỉ chết một lần, và điều gì sau cái chết sẽ mãi mãi không bao giờ đổi thay. Chúng ta sẽ sống thế nào để khi giờ Chúa đến chúng ta được thanh thản ra đi mà không phải hối tiếc. Chỉ vì sự yêu thương, Chúa đã đến bên tôi qua lời làm chứng của chị hàng xóm. Ngày mồng một Tết năm ấy, trong khi tôi lang thang một mình, đi và đi mãi, cũng chẳng biết mình đi đâu và về đâu nữa. Chị hàng xóm hỏi: “Thế tại sao em không về nhà ăn Tết?” Tôi trả lời: “Em có nhà nữa đâu mà về.” Thế là tôi tâm sự với chị về quá khứ của mình. Chị chia sẻ hoàn cảnh của chị: Chồng chị là bụi đời, rượu chè, cờ bạc, trai gái đủ thứ. Vì bọn xã hội đen tìm cách thanh toán lẫn nhau, chồng chị đã trốn khỏi nhà, bỏ lại 2 đứa con thơ, đứa mới 2 tuổi, đứa còn nằm ngữa. Cảm ơn Chúa đã cho chị đến với Chúa. Chúa đã cứu chị, và cho chị sức mạnh và trí tuệ để nuôi 2 đứa con trưởng thành, đều tốt nghiệp đại học, và có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Sau khi tâm sự xong, chị hỏi tôi: “Em có muốn tin nơi Chúa không? Chị mời em đến nhà thờ với chị nhé.” Tôi nhớ đã có lần nghe có người nhắc về Chúa Giê-su, nhưng tôi chưa một lần đến nhà thờ, chưa một lần cầm đến Kinh Thánh. Bên cạnh đó, họ hàng nhà tôi bao đời nay có ai tin Chúa đâu. Lúc nào cũng cúng bái. Giỗ, Tết cúng bái. Rằm, mồng một cũng cúng bái. Đi xa về gần cũng cúng bái. Chuyện vui chuyện buồn cũng cúng bái. Lấy vợ lấy chồng xem số, bói toán… đủ cả. Nhưng có bao giờ tìm thấy phước hạnh và bình an trong cuộc sống đâu? Thế là tôi quyết định sẽ đi ngược với “truyền thống gia đình” mình, và nhận lời đến nhà thờ với chị.

Ngay ngày hôm sau, tôi được chị ấy đưa đến nhà thờ. Tôi được tiếp đón niềm nở và đã nói chuyện giáo lý với tôi rất lâu. Sư mẫu cũng đã cho một người trong Hội Thánh ngồi cạnh tôi và hướng dẫn tôi đọc Kinh Thánh. Một cảm giác thật lạ lùng và kỳ diệu khi tôi lần đầu tiên nghe tiếng nhạc thánh ca và lời giảng Kinh Thánh của Mục sư. Bài thánh ca ấy giống như là được sắp xếp dành riêng để cho mình tôi nghe vậy. Nội dung thánh ca đúng như tâm trạng của tôi, và tôi đã òa khóc như một đứa trẻ. Một đứa trẻ bị lạc gia đình người thân bấy lâu nay mới đươc đoàn tụ. Đúng là Chúa đã cảm động tôi chứ làm sao tôi có thể khóc giữa đám đông người như vậy? Ngài đã đón nhận tôi làm con của Ngài. Trong trong thế gian, dưới con mắt của mọi người, tôi là một kẻ hư hỏng, vô phương cứu chữa. Tôi đã phạm tội, mà tội lớn là khác. Tội phá thai, tội làm tổn thương người khác, tội sống buông thả, tội hay than thân trách phận, tội bỏ con nhỏ đi theo cảm hứng của mình, tội hay nhìn thấy điểm xấu của người khác, tội hay nói dối, tội thù hận bố mẹ và người thân… thôi thì đủ thứ tội cả! Nhưng tạ ơn Chúa, Ngài đã không bỏ rơi tôi, đứa con hư hỏng, Ngài đã cứu tôi trong chương trình mà Ngài đã sắp đặt. Ngài đã mang tôi sang Đài Loan để tôi gặp Ngài. Ngài yêu tôi, Ngài nhận tôi là con của Ngài. Ngài chấp nhận những yếu đuối và tội lỗi của tôi nữa.

Tôi đã tìm thấy Chúa, Chúa bắt đầu biến đổi tôi. Tôi thấy lạc quan hơn. Trước đây, gặp người khác tôi chỉ lầm lì cúi mặt. Giờ đây, tôi có thể tự tin và ngẩng cao đầu và luôn mỉm cười với những người xung quanh mình. Nhờ sự nhiệt tình và giúp đỡ của các con cái Chúa, tôi đã học được cách nguyện cầu. Đọc và tìm hiểu Kinh Thánh, tôi thấy mình đang lớn dần lên, trưởng thành hơn, và đức tin mạnh mẽ hơn nơi Chúa kính yêu! Mỗi khi buồn phiền, thay vì khóc lóc oán hờn như trước đây, tôi đã biết cầu nguyện. Các anh chị em trong Chúa cũng nguyện cầu cho tôi. Tôi có cảm tưởng là Chúa xem tôi như một đứa trẻ hay vòi vĩnh, Chúa yêu thương mà không hề cáu giận. Có người nói có thể Chúa đã bù đắp cho tôi bởi tôi đã bị mất mát quá nhiều. Cảm ơn Chúa vô cùng!

Cảm ơn Chúa bởi Thiên Chúa có thể làm được tất cả mọi sự. Các bạn ơi, cho dù chúng ta bị hư hỏng, dẫu cho cuộc đời của chúng ta có tàn tệ, có bệ rạc, có thê thảm, hay bị rách rưới tả tơi mấy đi chăng nữa … thì cũng không nên tuyệt vọng. Bởi vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được (Lu-ca 1:37). Ngài sẽ đem cho đời sống mới cho chúng ta y như lời hứa của Ngài “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Ky Tô, thì nấy là người dựng nên mới. Những sự cũ đã qua đi, này mọi sự đều trở nên mới.” (2 Cô-rinh-tô 5:17) Dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa nhưng khi bạn đặt đức tin nơi Chúa thì bạn sẽ thấy có rất nhiều điều kỳ diệu, và biến đổi sẽ đến với bạn trong danh Đức Chúa Giê-xu.

Lạy Chúa! Xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa, biết quyết tâm từ bỏ tất cả để mạnh dạn lên đường, bước đi theo Chúa. Vì Chúa là gia nghiệp, là hạnh phúc, và là mục đích của cuộc đời con. Xin giúp con trung tín đi theo Chúa, dạy dỗ con sống đẹp lòng Chúa, và cho con hết lòng hầu việc Chúa cho đến hết cuộc đời của mình. Amen!

Đài Loan ngày 15/03/2011

Thứ bảy 23/02/2019 - Tuần 6 TN
Lời Chúa : Mc 9,2-13

Khi ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người." Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi. 

Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu "từ cõi chết sống lại" nghĩa là gì. Các ông hỏi Đức Giê-su: "Tại sao các kinh sư lại nói ông Ê-li-a phải đến trước? "Người đáp: "Đúng thế, ông Ê-li-a đến trước để chỉnh đốn mọi sự. Vậy sao có lời chép rằng Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê? Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến, và họ đã xử với ông theo ý họ muốn, như Sách Thánh đã chép về ông."

Lịch sử cứu độ được dệt bằng những cuộc ra đi. Dường như Thiên Chúa không muốn cho người dậm chân tại chỗ: Ngài kêu gọi Abraham từ bỏ quê hương xứ sở để đi đến một nơi mà ông không biết; Ngài thúc đẩy Môsê rời bỏ cung điện nguy nga để tìm đến nơi hoang vắng, Ngài ra lệnh cho ông phải đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập; Ngài kêu gọi Êlia hãy lên ngọn núi cao để nhận ra sứ điệp của Ngài. Chính Chúa Giêsu cũng đã làm một cuộc ra đi: Ngài rời bỏ ngôi nhà của Cha để đến cư ngụ giữa loài người.
Tin Mừng hôm nay hé mở cho chúng ta thấy vinh quang mà Con Thiên Chúa đã có trước khi đến trần gian. Vinh quang mà Chúa Giêsu hé mở cho các Tông đồ thân tín được thể hiện sáu ngày sau khi Ngài loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết mà Ngài sắp trải qua. Qua cuộc biến hình này, Ngài muốn củng cố niềm tin của các Tông đồ vào sứ mệnh của Ngài: Ngài phải chịu chết rồi mới sống lại vinh hiển, Ngài phải trẩy đi từ sự sống qua sự chết và đạt tới sự Phục sinh vinh hiển. Và đó cũng là con đường tất yếu của những ai muốn đi theo Ngài; con đường Chúa Giêsu sẽ đi qua cũng sẽ là con đường mà các môn đệ Ngài phải đi qua.
Cuộc biến hình nào cũng là một cuộc trẩy đi, một cuộc đổi đời. Cuộc sống của người Kitô hữu là một chuỗi những ra đi, những cái chết từng giây từng phút. Ðó là điều Chúa Giêsu đòi hỏi nơi chúng ta: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại đàng sau thì không xứng đáng là môn đệ Ta".

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nghiêm chỉnh tự đặt cho mình câu hỏi: Tôi có thực sự muốn được biến hình không? Tôi có thực sự muốn sống sự sống thần linh của Chúa không? Tôi có thực sự muốn làm môn đệ của Chúa không? Ðức tin của tôi có đủ mạnh để biến đổi cuộc sống của tôi không? Mỗi quyết định của tôi trong cuộc sống có là một bước tiến để đưa tôi đến gần cuộc sống vĩnh cửu không?

Ước gì Lời Chúa hôm nay soi sáng cuộc sống hiện tại của chúng ta. Những vất vả khổ đau mà chúng ta đang trải qua trong cuộc sống này phải được sống và được nhìn với niềm hy vọng vào cuộc biến hình vinh hiển đang chờ đón chúng ta. Từng bước một, xin Chúa Kitô Phục Sinh thêm sức để chúng ta vững tin tiến tới.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tỏ vinh quang cho các môn đệ nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa và cũng là người tôi trung của Thiên Chúa. Xin ban cho chúng con một đức tin vững mạnh để luôn xác tín: những đau khổ, những thử thách nơi cuộc sống trần thế chính là con đường dẫn chúng con đến vinh quang với Chúa. Amen.

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

Muốn được phải chịu mất

Hình ảnh có liên quan


Đau khổ hay Thập giá là một sự thật luôn theo đuổi con người dưới nhiều hình thức khác nhau. Đau khổ do bệnh tật; đau khổ do sự nghèo đói; đau khổ do những thất bại trong cuộc sống ; đau khổ do sự bách hại vì đạo; đau khổ do chiến tranh, mất mùa, lụt bão; đau khổ do sự chia ly; đau khổ do sự hiểu nhầm nhau ...Đau khổ đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau: do tội nguyên tổ; do con người gây nên cho mình; do con người gây nên cho nhau; do vũ trụ bất toàn; do Thiên Chúa gửi đến để thử thách và thanh luyện con người...
Nói thì dễ, nhưng để chấp nhận và vượt qua đau khổ không dễ chút nào, nhất là những đau khổ đó lại do chính người thân gây ra, những đau khổ kéo dài trong cuộc sống của chúng ta. Nên chấp nhận và vượt qua đau khổ, chúng ta cần phải cố gắng, cần phải cầu nguyện xin Chúa ban ơn giúp sức, cần phải noi gương các Thánh Tử Đạo, cần phải suy ngắm Thánh Giá Chúa mỗi ngày.
Lần kia, tôi đi xức dầu cho một bệnh nhân. Đó là một cụ bà 80 tuổi, bị bệnh bất toại đã gần 9 năm nay. Mặc dầu mang chứng bệnh nan y, nhưng tôi thấy gương mặt cụ rất bình thản. Sau khi lãnh nhận các Bí tích, cụ cầm lấy cây Thánh Giá ở đầu giường và nói với tôi: “Xin Cha cầu nguyện cho con để con tiếp tục có sức chịu đựng và vượt qua đau khổ để trung thành với Chúa cho đến chết. Trong suốt thời gian gần 9  năm qua, bệnh tật làm con đau đớn lắm, nhưng nhờ suy ngắm sự đau khổ của Đức Giêsu trên cây Thánh giá này mà con có sức để vượt qua những đau khổ đó .” 
Chúng ta hãy noi gương bà cụ trong câu chuyện trên đây, luôn suy ngắm Thánh Giá Chúa để có động lực giúp chúng ta chấp nhận và vượt qua những đau khổ trong cuộc sống hằng ngày.

Thứ sáu 22/02/2019 - Tuần 6 TN
Lời Chúa : Mc 8,34-9,1

Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình? Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người."Đức Giê-su còn nói với họ: "Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực."

Chúa bảo chúng ta vác thập giá mình chứ không buộc vác giùm ai. Vác thập giá của mình, chính là việc chu toàn bổn phận công dân, bổn phận đối với Chúa và Giáo Hội trong đấng bậc mình. Vui nhận những trái ý nghịch lòng làm của lễ dâng Chúa. Đường thập giá thực ra không có gì xa thực tế, nhưng đúng với cả nghĩa tôn giáo lẫn xã hội. Thật vậy, có ai đạt được vinh quang mà không khổ luyện, muốn thi đậu phải miệt mài đèn sách, muốn chiến thắng trong các cuộc thi phải đòi hỏi khổ luyện… và đặc biệt, muốn hưởng phúc Nước Trời phải biết hy sinh và chịu thử thách.

Ngày nay, có những cách bách hại rất tinh vi và thâm hiểm của chế độ, của chính thể, của những thứ văn hoá thời đại… Vì thế, đòi hỏi chúng ta phải chết đi mỗi ngày vì những thứ bách hại đó, nghĩa là hi sinh vâng phục theo sự hướng dẫn của Giáo Hội mà giữ lễ luật Chúa.

Con đường theo Chúa, đời sống đạo cần một sự dấn thân, phải vác lấy thập giá, Thập giá đó là những khó khăn, những trái ý nghịch lòng… Thập giá đó là việc tuân giữ lề luật Chúa… Khi chúng ta chỉ tìm cái sung sướng cho thân xác đời này, thì sự sống tâm linh của chúng ta èo ọt, nhưng khi chúng ta chịu khó hy sinh, tuy làm cho đời sống thể lý có chút thua thiệt, nhưng sự sống vĩnh cửu của chúng ta đang triển nở.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con dám từ bỏ những gì không thích hợp với tinh thần Kitô Giáo, can đảm sống niềm tin trước mọi trái ý nghịch lòng và tự hào là người con Chúa trước mặt mọi người không ngại khó ngại khổ vì danh Chúa. Amen.

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2019

Biết và theo một người



Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng  Mc 8,27-33


Có một phạm nhân trong thời gian cải tạo khi đang tu sửa lại đường đi, anh ta nhặt được 2 triệu đồng, anh ta không mảy may suy nghĩ liền mang số tiền này đến chỗ cảnh sát. Nhưng viên cảnh sát lại nói với anh bằng một giọng mỉa mai: “Anh đừng có tới đây để lôi kéo chúng tôi, anh tưởng rằng có thể dùng tiền để lừa bịp, hối lộ chúng tôi được sao,anh tưởng rằng có thể dùng tiền để mua được sự ân xá sao, các anh cũng thuộc loại người không chân thực rồi”.
Người phạm nhân này nghe xong cảm thấy vô cùng thất vọng và nghĩ rằng trên thế gian này không còn ai tin tưởng anh ta nữa. Buổi tối, anh ta quyết định vượt ngục. Anh ta đã lấy trộm tiền của mọi người để chuẩn bị cho cuộc trốn chạy. Khi anh ta lấy đủ số tiền rồi, liền lấm lét lên tàu hoả,trên tàu khách rất đông, đã chật cứng không còn chỗ ngồi, anh ta phải đứng ngay bên cạnh chiếc toilet trên tàu.
Lúc đó bỗng nhiên xuất hiện một cố gái xinh đẹp đi vào toilet, nhưng cô chợt phát hiện ra cái khuy cửa đã bị hỏng, cô gái liền nhẹ nhàng bước ra nói với anh ta: “Thưa anh, anh có thể giữ cửa giúp tôi được không?” Anh ta sững người một lúc, nhìn cô gái với ánh mắt dịu dàng và thuần khiết, anh ta khẽ gật đầu. Cô gái đỏ mặt bước vào bên trong toilet còn anh ta lúc này trông giống như một người vệ sĩ trung thành, nghiêm nghị giữ cái cánh cửa phòng toilet. Và trong cái thời khắc ngắn ngủi ấy, anh ta đột nhiên thay đổi ý định, khi tàu dừng lại anh ta rời khỏi đó và đến đồn cảnh sát tự thú…

Lòng tin cũng chính là bàn đạp thực tế, có người nói rằng: “Tin tưởng người khác thật là nguy hiểm, bạn có thể phải chịu sự lừa gạt của họ” chúng ta giả sử là thiên hạ luôn luôn tồn tại sự lừa dối, như vậy thì câu nói đó đúng là có lý, lòng tin không nên xuất phát từ trong ảo giác. Bạn biết rõ với người thích nói nhiều thì không nên đem bí mật của mình mà kể cho họ nghe. Thế giới không hẳn là một chiếc sân vận động an toàn mà người ở trên đó không phải ai ai cũng có thiện ý, chúng ta buộc phải đối mặt với sự thật này. Lòng tin chân chính, không phải là sự cả tin. 
Không tin tưởng người khác, thì không thể thành nghiệp lớn, cũng không thể trở thành vĩ nhân. Xin hãy ghi nhớ câu nói này: “Bạn tin tưởng người khác, thì họ mới tin tưởng bạn, trung thực với bạn. Hãy lấy phong độ của một vĩ nhân đối với người khác, họ mới có thể biểu hiện ra cái phong độ vĩ nhân mà họ có với bạn”.

Thứ năm 21/02/2019 - Tuần 6 TN
Lời Chúa : Mc 8,27-33

Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai? " Các ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó." Người lại hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Phê-rô trả lời: "Thầy là Đấng Ki-tô." Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người. Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: "Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."

Ngày nay có nhiều kẻ nhắc đến Chúa Giêsu, ca tụng con người và sự nghiệp giải phóng của người; nhưng cũng lắm kẻ không biết đúng Người là ai, nên hoặc sinh nghi ngờ đố ky, hoặc phớt lờ không muốn nghe nói đến. Còn đối với ta. Chúa Giêsu là ai? Một bóng ma ám ảnh hàng thế kỷ? Một quan toà phải đối chất vào phút chót? Một kỷ niệm đáng nhớ? Một bảo đảm cho thành công? Một chướng ngại trong sơ yếu lý lịch? Câu trả lời đúng, chính là xác tín Người là đường, là Sự thật, là Sự Sống của ta và làm cho cuộc sống cùng thái độ sống hằng ngày của ta phù hợp với Tin Mừng và Giáo Hội của Người. Vì tin không chỉ là nhìn nhận Chúa Giêsu là một vĩ nhân, một ngôn sứ của Thiên Chúa, cũng không chỉ là noi gương Người để sống bác ái huynh đệ . Tin là tuyên xưng sự cứu rỗi của nhân loại là hoàn toàn ở nơi Chúa Giêsu, rằng chỉ mình Người mới có thể mặc khải trọn vẹn và đã mang đến đầy đủ cho ta ơn cứu rỗi bằng cuộc sống và cái chết-phục sinh của Người.

 Để đi đến cùng đích đời mình và hoàn thành sứ mệnh, Chúa Kitô phải từ bỏ hết ý muốn riêng tư (8,33), thành quả công việc, sự ủng hộ và dư luận tốt của quần chúng (cc 28-29) cùng ngay cả mạng sống bản thân (c.31). Người phải từ bỏ tất cả để được Đấng là Tất Cả. Đấy là con đường tất yếu cho những ai muốn sự sống thật, hạnh phúc thật. Và Chúa Giêsu cũng dạy cho các kẻ muốn đi theo con đường này (cc 34-35). Bởi vì mọi cái ngoài Thiên Chúa chỉ mang lại những hạnh phúc thoáng qua. Thiên Chúa muốn chúng như là những phương tiện, những bậc thang để dẫn đến Ngài. Từ bỏ những phương tiện hấp dẫn này (nghĩa là coi chúng chỉ như phương tiện) luôn luôn gây đau đớn cho ta. Vác thập giá theo Chúa Kitô là như thế. Nhưng có vậy mới đạt đích như Người.

Lạy Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa hằng sống đã đến thế gian chịu chết và sống lại để cứu chuộc chúng con, chúng con xin theo Chúa, nhưng xin Chúa giúp chúng con biết từ bỏ chính mình và vác thánh giá đời chúng con mỗi ngày để theo Chúa. Xin gia tăng lòng tin yêu Chúa nơi chúng con, để những gì tốt đẹp nơi chúng con ngày càng phát triển và được Chúa chăm sóc giữ gìn. Amen.


Thứ Tư, 20 tháng 2, 2019

Có mắt nhưng chẳng thấy !



Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Mc 8,22-26



Xưa kia có một người hỏi vị thiền sư: “Thưa thầy, trên đời này cái gì đáng sợ nhất?”. Thiền sư trả lời: “Dục vọng”. Người kia vẻ mặt vẫn tràn đầy nghi hoặc, vị thiền sư nói tiếp: “Vậy con hãy nghe ta kể câu chuyện sau đây!”.

Có một vị tăng nhân hoảng hốt sợ hãi chạy từ trong rừng cây ra, vừa đúng lúc gặp hai người bạn tốt đang đi tản bộ bên bìa rừng. Họ hỏi vị tăng nhân:
“Ông hoảng hốt như thế là vì cái gì vậy?”.
Vị tăng nhân nói: “Thật là đáng sợ quá, tôi đã đào thấy một đống vàng ở trong rừng”.
Hai người trong tâm không nhịn được liền nói: “Ông thật là một tên đại ngốc! Đào thấy vàng, một việc tốt như thế mà ông lại nói thật đáng sợ, thật sự tôi không thể hiểu nổi ông nữa!”.
Thế là họ lại hỏi vị tăng nhân kia: “Ông đào thấy vàng ở chỗ nào? Hãy nói cho chúng tôi biết đi!”
Vị tăng nhân nói: “Thứ lợi hại như thế, các ông không sợ sao? Nó sẽ ăn thịt người đấy”.
Hai người kia tất nhiên không tin, liền đáp trả: “Chúng tôi không sợ. Ông hãy nói cho chúng tôi chỗ tìm ra nó đi”.
Vị tăng nhân nói: “Bên dưới gốc cây đầu tiên ở phía Tây của cánh rừng này”.
        Hai người bạn lập tức đi tìm địa điểm đó, quả nhiên phát hiện ra đống vàng kia, một người nói với người còn lại: “Vị tăng nhân này thật là quá ngu xuẩn! Vàng là thứ mọi người đều khao khát vậy mà trong mắt ông ta nó lại trở thành thứ ăn thịt người”.
      Người kia cũng gật đầu đồng ý. Thế là hai người họ thảo luận cách để đem số vàng này về, một người trong đó nói: “Ban ngày mà mang về thì rất không an toàn, hay là để ban đêm mang về sẽ đỡ nguy hiểm hơn một chút. Tôi sẽ ở đây trông chừng, anh đi lấy một chút đồ ăn đến đây, chúng ta sẽ ăn cơm tại đây, sau đó đợi đến lúc trời tối chúng ta sẽ mang vàng về”.Người đàn ông kia bèn làm theo cách đó, người ở lại trông vàng nghĩ: “Giá như tất cả số vàng này đều là của mình thì tốt biết bao! Đợi khi anh ta quay lại, mình sẽ dùng gậy gỗ đánh chết anh ta, thì tất cả số vàng này là của mình rồi!”.
     Người đàn ông về nhà lấy cơm cũng nghĩ: “Mình trở về sẽ ăn no trước, sau đó sẽ cho một ít độc dược vào phần cơm của anh ta, anh ta chết rồi thì tất cả số vàng đó sẽ là của mình!”.
       Kết quả đến lúc anh ta mang cơm trở lại rừng cây, người đàn ông kia từ phía sau tiến đến cầm cây gậy đánh chết anh ta và nói: “Bạn thân yêu của tôi, là vàng đã bức bách tôi làm thế”.
      Sau đó, anh ta lấy phần cơm và bắt đầu ăn. Cũng chỉ một lát sau, anh ta cảm thấy rất khó chịu, trong bụng giống như có lửa đốt vậy, lúc đó anh ta mới biết mình bị trúng độc, lúc sắp chết anh ta đã thốt lên: “Lời tăng nhân nói quả là rất đúng!”.
      Điều này thực sự ứng với câu ngạn ngữ: “Người chết vì tiền, chim chết vì mồi” đều là vì lòng tham gây họa. Chỉ vì một chữ tiền mà con người sẵn sàng làm hại người khác, làm thương tổn người khác, giết người hại mệnh… Điều đó chẳng phải làm việc xấu hay sao?
      Những việc làm xấu ấy, tất cả đều xuất phát từ “dục vọng” của con người. Ở đây không ngoài lòng tham lam và sự ích kỷ, tham vọng muốn chiếm hữu tất cả cho bản thân mình để đánh đổi cả nhân tâm con người. Kết quả cuối cùng là gì đây, oan oan tương báo, người làm việc xấu phải nhận đúng cái kết bi thảm.

Đến phút chót, khi con người sắp từ biệt thế giới hiện tại, mới nhận ra được hành động của mình là sai lầm thì đã quá muộn màng. Vậy thì chẳng phải hai chữ “dục vọng” là quá nguy hiểm là gì?

Thứ tư 20/01/2019    - Tuần 5 TN
Lời Chúa : Mc 8, 22 - 26 :

(22) Ðức Giêsu và các môn đệ đến Bếtxaiđa. Người ta dẫn một người mù đến và nài xin Ðức Giêsu sờ vào anh ta. (23) Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi: "Anh có thấy gì không?" (24) Anh ngước mắt lên và thưa: "Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối đi đi lại lại". (25) Rồi Người lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự. (26) Người cho anh về nhà và dặn "Anh đừng có vào làng".

Suy niệm :
Mù lòa là một tình trạng bất hạnh, người mù bị ngăn cách với vạn vật, khó liên đới với những người xung quanh. Những ai bị mù lòa cũng khao khát ánh sáng, ước mong được thấy. Bác sĩ, lương y nào có thể chữa lành bệnh mù lòa là họ tốc tả tìm đến. Ai chữa được bệnh mù lòa cho họ thì được xem như là vị cứu tinh, vị đại ân nhân của họ suốt đời. Họ chấp nhận mọi đòi hỏi của lương y hay bác sĩ. Họ nhẫn nại trong quá trình chữa bệnh, miễn sao họ được sáng mắt là đủ.
        Phép lạ Chúa Giêsu chữa cho người mù được thấy, mà Thánh sử Marcô thuật lại trong bài Phúc Âm hôm nay, nó có một điểm đặc biệt là Chúa Giêsu không chữa lành ngay, nhưng Ngài chữa bằng hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất giống cách Chúa đã chữa người câm điếc (Mc 7, 32 – 37 ): Ngài dắt anh ta ra khỏi đám đông, lấy nước bọt bôi vào mắt anh và đặt tay lên anh, Ngài hỏi: “Anh có thấy gì không?”. Anh đáp: “Tôi thấy người ta như cây cối, họ đi đi lại lại”. Rồi Ngài lại đặt tay lên anh một lần nữa, anh ta mới thấy mọi sự rõ ràng. Như vậy, lần thứ nhất đức tin anh còn yếu ớt, vì phép lạ và đức tin có một tương giao chặt chẽ với nhau. Chúa Giêsu tỏ hiện lòng từ bi thương xót đối với anh mù, nên Ngài đặt tay thêm một lần nữa trên mắt anh, để giúp anh có lòng tin trọn vẹn vào Chúa, thì phép lạ sẽ được thể hiện. Thật vậy, lần thứ hai anh mù thấy rõ ràng, chứng tỏ anh đã tin vào Chúa cách vững vàng mạnh mẽ, và anh được mãn nguyện. Chúa Giêsu đã ban cho anh mù ánh sáng vật lý và ánh sáng đức tin một cách tiệm tiến, ban cho anh quyền tiếp xúc với vạn vật và liên đới với mọi người. Ngài chính là Đấng cứu độ nhân loại.
           Cuộc hành trình tìm ánh sáng của anh mù, tương tự như cuộc hành trình tìm kiếm đức tin của các tông đồ. Họ phải ý thức họ đang mù về thiêng liêng, họ cần được Chúa Giêsu chỉ dạy và mạc khải. Các tông đồ cũng được Chúa tách riêng ra để thuận tiện cho việc chỉ dạy. Chúa Giêsu đem lại đức tin cho các tông đồ cách tiệm tiến, dần dần, và nhẫn nại như Chúa đã ban ánh sáng cho anh mù với lòng yêu thương nhân ái.

Lạy Chúa Giê su, xin Chúa ban cho chúng con thêm đức tin mỗi ngày một hơn. Biết nhìn các dấu chỉ trong các bí tích với lòng tin, biết tin vào lời Chúa để chăm chú lắng nghe và mau mắn thi hành. Biết nhìn Giáo Hội hữu hình là thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô, và ngoan ngoãn nghe lời giáo huấn của Giáo Hội với lòng tin của chúng con.






Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

Men giả, men thật


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Mc 8,14-21


Câu chuyện hay tựa đề có mắt mà không nhìn thấy thái sơn

Tung tẩy và nhí nhảnh, nó ngông nghênh đến lớp trong bộ dạng của một con cá vàng đã hóa trang: áo đỏ, váy hồng, guốc hoa lạch cạch cộng thêm cái túi xách chó bông (chính xác là một con chó bông gắn khóa kéo để làm túi), nói tóm lại là chóe không chịu được. Mặt vênh lên làm thành một đường gần song song với trần nhà, nó cố ý lắc cho bím tóc đuôi dế dao động điều hòa với li độ và tần suất tối đa, cóc cần biết có bao nhiêu ánh mắt đang dõi theo mình lặng như nín thở.

Sự vênh vang ấy không hẳn là hoàn toàn vô lí: Nó có quyền như thế cơ mà! Là học sinh của một trường chuyên nhất trong các thể loại chuyên, đây lại đúng là một thê mạnh, nó kiêu ngầm, cho rằng không ai có thể vượt mặt mình trong cái lớp học thêm nghìn nghịt những người là người này. Một điểm nữa, nếu những đứa học sinh chuyên khác mỗi khi tỏa vào ngóc ngách các lò luyện thi trong thành phố đều ngụy trang bản thân bằng một gương mặt khinh khỉnh + cái nhìn thờ ơ phớt đời, thì nó lại chọn phong cách xì-tin của nó, tức là lanh chanh và tự tin đến thành ngổ ngao. Và lĩ do cuối cùng, không thể không tính đến bản chất “ác chiến” của riêng nó: Vững vàng với đúng cá tính của mình, dù có thể bị dị nghị, chê trách.

Bê nguyên tâm trạng hào hứng pha chút tự phụ ấy đến bàn đăng kí, nó “văn” theo đúng lời đứa bạn dặn:

- Cháu để quên thẻ học ở nhà, bác cho cháu đóng tiền riêng buổi này ạ!
Chẳng là được quảng cáo rất rầm rộ về thầy giáo dạy ở đây, nó hiếu kì muốn đi học thử. Vừa đứng chờ vừa toe toét cười, nó chẳng để ý gì đến xung quanh cho đến khi bị một giọng nam trầm (cảm) đột ngột hừ đánh toét vào mặt:
- Không đúng. Em không phải là học sinh lớp này. về!
Há hốc miệng. Nó trợn mắt, đập mạnh vào một đôi mắt kính khác cũng đang tròn xoe nhìn lại như trêu ngươi. Cái gọng vàng chóe in nổi chữ Prada dính chặt vào khuôn mặt vuông vuông, bè bè (ấy là lúc đấy nó nghĩ thế) hểnh lên, phía dưới là cái miệng rộng ngoác đúng theo kiểu Julia Roberts:
- Tôi không có học sinh nào như em cả. Chào!
 Tím mặt. Sực nhớ ra câu nói: “Thầy trẻ lắm, đi du học Mĩ 7 năm, trông chẳng khác gì anh bọn mình cả”, nó nuốt nước bọt đánh ực cho trôi cục tức rồi lầm bầm nói khẽ:
- Thầy sẽ có!
      Cuối cùng cũng được nhận vào học. Nhìn chăm chăm cái bóng màu be vàng đậm chất Louis Vuitton khệ khạ trên bảng, nó nghiến răng căm tức. Thì rõ, khi đang phởn chí mà hứng nguyên cả một thùng nước đá vì trò nói dối vô hại của mình bị lật tẩy thì ai mà chẳng ức! Nhưng không mất thời gian ấm ức lâu, nó quyết tâm biến đau thương thành hành động. Vào học muộn nhất (vì bị giữ lại ở ngoài tra hỏi), làm xong bài nhanh nhất, nó đặt bút đánh cộp làm cả lớp phải ngoái lại nhìn rồi đường hoàng sải những bước dài lên bàn giáo viên nộp chấm điểm.
       - Bảy ba phần tư. về chỗ!
Nghẹn. Nó bầm mặt lại, cổ thuỗn ra, bàng hoàng nhìn nụ cười tỉnh rụi của Louis Robert (cứ tạm gọi ông thầy này thế đã) như thể không tin vào tai mình. Nó lẩm nhẩm, bảy ba phần tư? Hệ số thập phân có thay đổi gì rồi chăng?
- Tôi nói em đấy. Understand? (Hiểu chứ?)
- Perhaps. (Có lẽ) - Nó trả lời cộc lốc rồi quay lưng về, không quên nện guốc thật lực trên sàn rất to cho bõ tức.
Mà cũng chả phải tức lậu. Vừa cầm bài về, nó vừa săm soi lại những chữ mà Robert trừ điểm. “O” lên một tiếng thích thú, mắt sáng rực như đèn pha ô tô, nó lao ngược trở lại bàn của Robert..
- Đấy, bạn ấy đấy!
- Sao? Người đã tranh luận với thầy cả tiếng đồng hồ hôm trước đây á? Có cần phải chóe thế không?

Ớ đâu nó đi tới, ở đó dậy lên những tiếng xì xào. Căn phòng thênh thang của một giảng đường đại học, nơi mỗi đứa trong chúng nó đang cố sống cố chết để có thể chính thức đặt chân đến đây vào một ngày đẹp trời (chứ không phải chỉ là thuê địa điểm học thêm như bây giờ nữa) bỗng ồn ào lên thấy rõ. Nó mỉm cười toe toét, nhắm hai mắt nhâm nhi tận hưởng cảm giác khoái trá của supơ xìta đang được đón tiếp bởi cả hội đồng fan phấn khích (quá khích?). Ưng dung ngẫm lại buổi học hôm ấy, nó phục mình quá xá khi phát hiện ra hàng loạt lỗi sai để vặn vẹo ông thầy tài tử khiến Robert cũng đờ người kinh ngạc. Chẳng mấy chốc, lò luyện thi đại học hàng trăm con người đã biến thành sân khấu độc diễn một thầy - một trò, cả hai thi nhau “bắn tỉa” thứ tiếng Anh mà phát âm và vận tốc không khác gì bão cấp 12. Ban đầu, nó chỉ định kiện cáo những chỗ mà nó cho là Robert chấm sai cho nó thôi, ai ngờ tiết mục tranh luận ấy đã đẩy lên mức kịch tính khi Robert cũng hào hứng tham gia chẳng kém gì. Quên khuấy đi những rào cản vô hình của khoảng cách thầy-trò, hai người hùng hổ đưa ra hàng loạt giả thiết, bác bỏ, chứng minh và bảo vệ ý kiến của mình đến cùng.
Mãi tới khi gần hết giờ học mà chưa ngã ngũ, Robert nhìn nó, cười cười:
- Thôi, nhận lỗi đi, một lần vấp ngã là một lần trưởng thành đấy cô bé!
Nó tỉnh bơ nói lại không chút ăn năn:
- Giờ thì em đã hiểu tại sao thầy lại trưởng thành đến thế!
        Mới lơn tơn nhớ đến đó, nó lại bị giật mình y như hôm đầu tiên nghe chất giọng trầm (cảm) của Louis Robert đập vào tai - vào giờ học, Robert đã đến! Chẳng buồn chào hỏi, ống thầy hiếu chiến của mình (sự thật là nó cũng chẳng biết tên thầy là gì ngoài cái biệt danh lắp ghép tự đặt trong lúc phẫn uất), nó chu mỏ:
- Hôm nay có làm bài chấm điểm như buổi trước không ạ?
- Không đâu nhóc. Tôi sẽ dạy ngữ pháp quy chuẩn trước, đề phòng có người vận dụng ngôn ngữ nói vào bài viết rồi cứ khăng khăng nhận đó là đúng! - Robert ôn tồn một cách đầy khiêu khích.
- Chà, thế thì thầy phải dạy lại toàn bộ cộng đồng các nước nói tiếng Anh rồi! - Nó tặc lưỡi xuýt xoa, làm ra vẻ thán phục lắm - Khi ấy chắc viết tắt I am thành I’m cũng là phạm pháp chứ nhỉ?
    - Đương nhiên, nếu luật pháp nằm trong tay tôi. Mà tôi quên chưa dặn các em về chuyện viết tắt trong bài thi phải không...

Bỏ mặc nó ở đấy, Robert quay lại với bục giảng để hướng dẫn cả lớp các quy định về trình bày bài thi. Hơi bực mình nhưng nó cũng phải im lặng lắng nghe, vì xét cho cùng thì chính những điểm tưởng chừng nhỏ nhạt ấy sẽ quyet định kẻ đỗ người trượt. Càng nghe lại càng thấy có lí, nó hài lòng mỉm cười vui vẻ và không còn nhiều tị nạnh với bóng áo vàng Louis vuitton nữa.
    Cuối giờ, Robert ra hiệu cho nó ở lại. Cả lớp vắng hoe, chỉ còn nó, ông thầy kì cục và lác đác những học sinh chuẩn bị'cho ca học tiếp sau. Robert nhìn nó, tay đẩy gọng kính:
- Tôi thích em!
Trố mắt. Nín thở. Khi nó chưa kịp hiểu ra chuyện gì, Robert đã cười phá lên:
- Đồ ngốc, ý tôi không phải là cái mà em đang nghĩ đến trong đầu đâu nhóc. Tôi thích sự trao đổi thẳng thắn của em cá tính tự tin trong học tập ấy không phải là ai cũng có. You got it? (Em hiểu chứ?)
   Nó nheo mắt định thần, nhưng vẫn chưa rõ lắm. Robert tiếp tục:
- Nếu đem so sánh phong cách của học sinh Việt Nam với những bạn bè nước ngoài tôi đã tiếp xúc trong thời gian du học, chúng ta nhút nhát hơn họ nhiều. Nhút nhát từ cách ăn nói trở đi. Tôi thấy điều đó thật vô lí, vì tất cả đều' bị ràng buộc bởi quan niệm sợ hãi phải nói chuyện với thầy cô. Em thì khác, dù đã bị tôi đuổi về ngay từ lần đầu tiên (ấy, đừng có đôi mắt hình viên đạn thế chứ), em vẫn nhơn nhơn và nhiệt tình trong giờ học. Tôi biết, nếu bài học của tôi không thú vị, em đã không phản bác đến thế, đúng không?
      Nó gật đầu thừa nhận, vểnh tai lắng nghe nốt:
— Vì thế, tôi muốn em làm gương cho các bạn khác, hãy giúp các bạn ấy hiểu rằng tranh luận với thầy cô trong chừng mực tôn trọng là hoàn toàn có thể.

Im lặng. Bao nhiêu hào hứng vì sự nổi trội của mình biến đi đâu hết, chỉ còn lại một khoảng lặng để suy tư. Sực nhớ đến lần tranh cãi trước, nó bỗng cảm thấy hết sức sâu sắc dư vị của một buổi tranh luận công bằng với giáo viên mà mìrih chưa từng trải qua, thì ra đó mới là lí do khiến nó thấy hứng thú với lớp học này, với thầy giáo này. Nỗi hiếu thắng trẻ con dần dần nhòa đi, ừ nhỉ, vì sao nó lại không nhận ra?
Lúng túng một hồi, nó đỏ mặt, nói khẽ:
— Dạ vâng! Em hiểu.. Xin lỗi... và cảm ơn thầy. Em đúng là... có mắt không nhìn thấy núi Thái Sơn...
    Robert ngoác miệng cười hệt như siêu sao Hollywood trả lời phỏng vấn:
— Và quên chưa giới thiệu, tên tôi là Nguyễn Thái Sơn!


Thứ ba19/02/2019 - Tuần 6 TN
Lời Chúa: Mc 8,14-21

Khi ấy, các môn đệ quên mang bánh và chỉ còn một chiếc bánh trong thuyền. Và Chúa Giêsu dặn bảo các ông rằng: "Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái và men Hêrôđê". Các môn đệ nghĩ ngợi và nói với nhau rằng: "Tại mình không có bánh". Chúa Giêsu biết ý liền bảo rằng: "Sao các con lại nghĩ tại các con không có bánh? Các con chưa hiểu, chưa biết ư? Sao các con tối dạ như thế, có mắt mà không xem, có tai mà không nghe? Khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư, các con không nhớ sao?" Các ông thưa: "Mười hai thúng". – "Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư?" Họ thưa: "Bảy thúng". Bấy giờ Người bảo các ông: "Vậy mà các con vẫn chưa hiểu sao?"


"Men biệt phái" là thói giả hình, đạo đức giả, kiêu căng, phô trương,…; "men Hêrôđê" là thói háo danh, tham lam, yêu lợi lộc, quyền bính,… Tất cả những nết xấu này của những người Pharisêu và phái Hêrôđê đã bị Chúa Giêsu nhiều lần lên án. Thế nên, lời Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ năm xưa cũng là điều mà chúng ta - những Kitô hữu hôm nay phải cẩn thận đề phòng. Quả thật, sống trong xã hội xô bồ hiện tại, con người bị lôi cuốn bởi lối sống hưởng thụ, chạy theo danh-lợi-thú,… Không tỉnh táo, người môn đệ của Chúa Giêsu cũng dễ bị "lây nhiễm" những thứ "men" này. Để khỏi bị lây nhiễm những thứ "men xấu" trên, người môn đệ cần luyện tập một lối sống được tác động bởi những "men tốt". Đó là một đời sống luôn kết hiệp với Chúa Giêsu qua việc chuyên chăm đọc và suy gẫm Lời Chúa; qua việc năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và Hòa Giải; qua việc thanh luyện bản thân mỗi ngày. Nhờ vậy, chúng ta sẽ trở nên những Kitô hữu nhiệt thành và góp phần làm cho thế giới hôm nay nồng thắm "men Giêsu". 

Lạy Chúa Giêsu! Phận người vốn mỏng manh, yếu đuối; biết bao cám dỗ, tệ nạn xã hội dễ lôi cuốn chúng con phạm tội. Xin Chúa giúp chúng con biết "lội ngược dòng", dám nói không với sự xấu và tội lỗi, sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, và can đảm làm chứng cho Chúa giữa dòng đời hôm nay. Amen.

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

Dấu lạ ngay trước mắt...



Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Mc 8,11-13



Một ông vua thông minh tài giỏi, nhưng rất ngạo ngược. Ngày kia, ông bỗng nảy ra ý kiến hiểm độc. Ông cho triệu các nhà lãnh đạo tôn giáo đến và ra lệnh trong một tuần lễ phải cho ông thấy được Thiên Chúa, nếu không sẽ bị chém đầu.
        Thật là một đòi hỏi nan giải và hóc búa. Làm sao có thể thực hiện cho nhà vua ? Vì không thiếu phép lạ, nhưng phép lạ không phải để đáp lại cái ý muốn điên rồ và thách thức ấy.
        Biết được nỗi lo âu ấy, một kẻ chăn chiên đến xin các vị lãnh đạo cho phép để chỉ cho nhà vua thấy Thiên Chúa. Họ không tin tưởng lắm, nhưng cũng đành lòng chấp nhận.

Buổi sáng ngày ấn định, anh chăn chiên dẫn nhà vua đến cánh đồng cỏ nơi anh thường thả đàn vật. Họ cùng nhau đi bộ. Lúc đến nơi thì mặt trời đã gần lên tới đỉnh đầu. Người chăn chiên đưa tay chỉ mặt trời và nói: -Tâu bệ hạ, xỉn hãy nhìn.
       Nhà vua tức giận quát lớn: -Thằng điên! Ngươi muốn ta mù sao? Ai có thể nhìn vào mặt trời chói chang như vậy?
      Lúc ấy, người chăn chiên liền quỳ xuống trước mặt vua mà nói: -Muôn tâu bệ hạ, với một vật Chúa làm ra và ánh sáng của nó còn chói chang, đến nỗi bệ hạ chẳng dám nhìn, thì làm sao bệ hạ có thể nhìn thấy chính Thiên Chúa được ?

Ngay lúc ấy nhà vua đã nhìn thấy Thiên Chúa, không phải bằng đôi mắt thịt, nhưng bằng đôi mắt đức tin.

Thứ hai 18/2/2019 - Tuần 6 TN
Lời Chúa : Mc 8,11 - 13

11 Một hôm, những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người. 12Người thở dài não nuột và nói : “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ ? Tôi bảo thật cho các ộng biết : thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.” 13 Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia.

Trong cuộc sống thường ngày, nhiều lúc chúng ta cũng có thái độ giống như người Pharisêu, chúng ta đòi hỏi Thiên Chúa thực hiện những phép lạ, những ước muốn riêng của mình. Trong khi đó, Thiên Chúa vẫn âm thầm hiện diện trong cuộc sống của mỗi người qua những biến cố hằng ngày. Thiên Chúa vẫn thực hiện rất nhiều phép lạ qua vạn vật và ngay trong chính cuộc đời chúng ta. Đối với tha nhân cũng vậy, không ít lần chúng ta đòi hỏi anh chị em chung quanh làm theo ý của chúng ta. Hơn thế, chúng ta còn nhìn họ theo cái nhìn thành kiến nữa. Cách sống ấy đã làm chúng ta không đón nhận những điều tốt nơi tha nhân. Để nhận ra "dấu lạ" của Thiên Chúa, chúng ta phải bỏ đi lối nhìn "pharisêu" là sự thành kiến và đố kỵ, mà mặc lấy tâm tình đơn sơ khiêm tốn của Chúa Giêsu và mở rộng trái tim để lãnh nhận tình thương. Vì Chúa Giêsu là dấu lạ lớn nhất của tình yêu.


Lạy Chúa Giê su, mỗi ngày sống của chúng con là chuỗi hồng ân mà Chúa đổ tràn trên chúng con: hồng ân được sống làm người, được làm con cái Chúa. Xin cho chúng con biết mở rộng tâm hồn để nhận ra những dấu lạ yêu thương ấy, để biết cộng tác với ơn Chúa, biết quảng đại phục vụ và đón nhận anh chị em với lòng thương mến. Amen.