Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

Từ bỏ mọi sự để theo Người

 

               

Một linh sư Ấn đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông, có một người đàn ông nọ muốn xin làm đệ tử. Ông rón rén đến bên vị linh sư và đặt dưới chân vị tu hành hai viên ngọc quí nhất như của lễ ra mắt. Vị linh sư mở mắt ra, nhưng ông không để lộ một chút thích thú nào; không cần nhìn kỹ vào món quà quí giá ấy, vị linh sư cầm lấy một viên và ném xuống dòng sông.

Tiếc của, người đàn ông giầu có liền nhảy xuống sông để cố tìm lại viên ngọc, nhưng mất một ngày mà ông không tài nào tìm lại được. Chiều đến, mệt mỏi, chán nản, người đàn ông đến vị linh sư xin chỉ rõ nơi đã ném viên ngọc quí. Vị linh sư cầm viên ngọc còn lại ném xuống dòng sông và nói: "Ta đã ném vào chỗ đó, ngươi hãy lặn xuống mà tìm lại".

Thứ tư 30/9/2020 - Tuần 26 TN
Lời Chúa : Lc 9, 57-62

Khi ấy, đang lúc Chúa Giêsu và các môn đệ đi đường, thì có kẻ thưa người rằng: "Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy". Chúa Giêsu bảo người ấy rằng: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu". Người bảo một kẻ khác rằng: "Hãy theo Ta". Người ấy thưa: "Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã". Nhưng Người đáp: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa". Một người khác thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã". Nhưng Chúa Giêsu đáp: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa".

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca ghi tiếp những điều kiện Chúa Giêsu đòi hỏi nơi các môn đệ. Một trong những điều kiện đó là chia sẻ cuộc sống nay đây mai đó với Ngài. Không nhà không cửa, sống nhờ vào sự bố thí của người khác, sống không có lấy một tiện nghi tối thiểu, Chúa Giêsu muốn những kẻ theo Ngài chuẩn bị đương đầu với số phận bi thảm mà Chính Ngài phải trải qua. Cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài trên thập giá là một sự lột bỏ trọn vẹn đối với tất cả mọi an toàn trong cuộc sống.

Một điều kiện nữa Chúa Giêsu đòi nơi những kẻ theo Ngài, đó là dấn thân rao giảng Tin Mừng Nước Chúa. Một cuộc sống từ bỏ sẽ không có giá trị, nếu đó không là dấu chỉ của một cuộc đầu tư trọn vẹn vì Nước Trời. Cuối cùng, Chúa Giêsu đòi hỏi môn đệ phải cắt đứt ngay cả những liên hệ ruột thịt họ hàng. Ngài là tất cả đối với người môn đệ đến độ họ phải sẵn sàng hy sinh tất cả vì Ngài, Ngài phải được đặt vào trọng tâm cuộc sống của người môn đệ.

Môn đệ không phải là tước hiệu dành riêng cho một số người ưu tuyển. Mỗi Kitô hữu là một môn đệ của Chúa Kitô, và là môn đệ Chúa Kitô thiết yếu đi theo Ngài. Chúa Kitô cách đây 2,000 năm cũng là Chúa Kitô ngày nay mà mỗi Kitô hữu đang đi theo. Ngài đồng hành với họ và cũng đòi hỏi những điều kiện mà Ngài đề ra cho các môn đệ tiên khởi của Ngài. Cuộc sống có cách biệt, hoàn cảnh có xoay chuyển, sinh hoạt có thay đổi, nhưng những điều kiện ấy không hề đổi thay. Tựu trung, người môn đệ ngày nay phải đồng hành với Chúa Kitô để tiếp tục là dấu chỉ, là tín hiệu của Nước Trời cho mọi người.


Lạy Chúa Giêsu, trong thế giới tục hóa và cổ võ hưởng thụ tiện nghi vật chất, chúng con dễ bị “níu chân” với những quyến luyến trần thế. Qua lời Chúa hôm nay, xin cho chúng con đừng chần chừ tính toán hơn thiệt trước lời mời gọi của Chúa. Xin cho chúng con biết thoát khỏi sự ràng buộc của những tiện nghi vật chất, của những tình cảm níu kéo, để chúng con có thể thong dong, sẵn sàng, mau mắn cất bước theo Chúa trên mọi nẻo đường đời phục vụ và loan báo Tin Mừng. Amen.

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

Những vị Thần quyền lực

 



Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi hôm ấy đó chính là một đôi vợ chồng trẻ đang ngồi ăn chung một miếng bánh tráng không có thịt, không có tôm, không có một gia vị gì kèm theo. Họ chỉ ăn một miếng bánh “ba không” như thế để hy vọng có sức bán hết một đôi gánh bánh tráng cuốn khi cơn mưa vừa tạnh. Tôi cảm nhận nơi Anh Chị xa lạ này một sự chắt chiu, tiết kiệm, để có tiền nuôi sống gia đình. Khi cơn mưa vừa tạnh thì nhịp sống Sài Gòn trở nên sôi động, nhộn nhịp, dập dìu xe cộ, và dòng người tấp nập lưu thông. Thế nhưng, hình ảnh của đôi vợ chồng trẻ nghèo khổ này thử hỏi có mấy ai để ý tới?

Chưa hết, hình ảnh thứ hai mà tôi bắt gặp hôm ấy đó chính là một anh thanh niên đẩy xe đi bán bắp xào khu vực công viên 30-4. Cơn mưa vừa dứt hạt, anh đẩy xe ra khu vực công viên. Anh tranh thủ lót dạ với một tí bắp xào, để có sức bán tới khuya. Tôi thấy người thanh niên này to con, mập mạp và chân chất thật thà. Công việc kiếm kế sinh nhai của anh bình thường như thế đó. Anh đi bán bắp xào giữa biết bao dòng người qua lại. Chẳng mấy ai quan tâm đến nhau và chẳng mấy ai quan tâm đến anh thanh niên này. Chuyện gì xảy ra sau đó? Khi anh vừa bán được hai hộp bắp xào cho hai cô sinh viên thì mấy người công an trật tự đường phố bất ngờ xuất hiện. Anh đang vi phạm trật tự đường phố. Thế là, họ bắt anh phải dẫn xe nạp cho đội trật tự. Vậy đó, hôm nay anh chỉ bán được có hai hộp bắp xào. Tôi chạy xe ngang qua anh và lòng thầm nghĩ: Thật tội nghiệp cho anh… Rồi tôi cũng nghĩ tới cảnh đôi vợ chồng kia phải chạy vô tận sâu trong công viên để núp, vì sợ số phận cũng giống như người thanh niên đáng thương này.

Chúng ta rút ra được những bài học gì từ những hình ảnh và biến cố của đời thường?

Bạn thân mến, khi trở về nhà lòng tôi cứ luôn khắc khoải về những hình ảnh của những con người đáng thương ấy. Tôi cầu nguyện cho họ. Lúc này, động lực làm linh mục để giúp người nghèo khổ bỗng trở nên rất mạnh mẽ trong tôi. Không biết hôm ấy có mấy người để ý và cảm thông cho những số phận nghèo khổ vất vả như thế? Bởi vậy, một tác giả đã viết như sau: “Người ta thường để ý tới những ngày lễ hội, những ngày kỉ niệm, những biến cố quan trọng. Ít ai quan tâm đến đời thường. Thế nhưng đời thường mới làm nên cuộc sống. Đời thường mới quan trọng cho cuộc sống con người. Chẳng hạn như chúng ta ít quan tâm tới không khí. Nhưng không khí thật là quan trọng cho đời sống chúng ta… Chúng ta coi thường cơm tẻ. Nhưng thiếu cơm tẻ vài ngày, chúng ta không chịu nổi. Chúng ta ít chú ý tới các cha giáo dạy dỗ chúng ta. Nhưng thiếu các cha giáo, chủng viện này không tồn tại được. Chúng ta ít chú ý đến các chị bếp. Nhưng không có các chị, sinh hoạt chủng viện không trôi chảy được. Chúng ta ít ý thức sự quan phòng của Chúa. Nhưng một giây thôi nếu bàn tay Chúa không nâng đỡ, chúng ta sẽ trở thành tro bụi ngay”. Thật vậy, cuộc sống Sài Gòn đô thị hôm nay làm cho phần đông người ta ít để ý và quan tâm đến nhau. Họ sống sát vách nhau nhưng hoàn toàn như người xa lạ. Vậy thì, đó có phải là cung cách sống phù hợp với Tin Mừng Chúa dạy chúng ta?

Thứ ba 29 /09/ 2020
Các Tổng Lãnh Thiên Thần :
Michaen, Grabrien, Raphael
Lời Chúa : Ga 1,47-51

Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi? ” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en! ” Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

Các tên gọi dành cho các vị Tổng Lãnh Thiên Thần chỉ là phẩm tính và sứ vụ được danh hoá mà thôi: Michael theo tiếng Hípri nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa”, Raphael có nghĩa là “Linh dược của Thiên Chúa” và Gabriel dịch là “Quyền năng của Thiên Chúa”; tương đương với ba sứ vụ của ba vị đại thần trong triều đình nhà vua là: Tổng thần, Y thần và Sứ thần.
*Nơi vị tổng thần Michael, chúng ta ghi nhận được sự khiêm tốn suy phục Thiên Chúa qua lời tuyên xưng “Ai bằng Thiên Chúa”, cùng với sự can đảm chống lại thế lực của Satan và sự dữ;
*Nơi Y thần Raphael, chúng ta tìm thấy sự săn sóc, phục vụ và an ủi tha nhân;
*Nơi Sứ thần Gabriel, chúng ta cùng mang trên mình sứ điệp đem Chúa đến cho mọi người.

Trước khi gặp Chúa, Nathanael vẫn mang trong mình cái biết và cái thành kiến của một xã hội đã nắn đúc lên trong tư tưởng ngài và không thể thoát ra được. Ngồi dưới gốc cây vả, ông vẫn tìm kiếm trong vô vọng về những gì dân Do-thái dựng nên trong đầu ông về một Đức Giêsu quyền lực và phải xuất thân ở một nơi danh giá, chứ không phải nơi một bác thợ mộc và quê nghèo Nazareth. Chính vì thế mà vừa nghe giới thiệu, ông phản kháng ngay: “Ở Nazareth nào có cái chi hay?” Tuy nhiên, ông vẫn dám bước ra khỏi cái thành kiến kia để đến gặp Chúa, và khi đã gặp Chúa rồi, ông đã tuyên xưng và được biến đổi trở nên người môn đệ. Chúng ta cũng thế, khi chưa gặp Chúa, chúng ta vẫn mang trong mình những thành kiến, những tư tưởng không tốt. Chúng ta chắc chắn sẽ hành động sai khi chúng ta thiếu đi sự cầu nguyện gặp gỡ xin Chúa soi sáng…



Tâm tình :
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết đến với Ngài để được gặp Ngài, nhờ đó chúng con được biến đổi nên trong sạch, xứng đáng được luôn ở bên Chúa và phụng sự Ngài như các thiên thần ngày đêm ca tụng Chúa trên trời. Amen

Khiêm tốn phục vụ

 




Sau đệ nhị thế chiến, những người dân ly tán khắp nơi còn sống sót đều trở về làng quê cũ, họ gạt nước mắt và sẵn sàng đổ mồ hôi để nỗ lực hàn gắn lại những vết thương chiến tranh và xây dựng lại cuộc sống trong hoà bình.

Tại một thị trấn nọ, tất cả nhà cửa, phố xá, ruộng vườn đều đã tan hoang đổ nát. Một nhóm bạn trẻ bước vào ngôi nhà thờ thân yêu ngày xưa, nay chỉ còn lại bốn vách tường và mái ngói tương đối là đứng vững, còn bên trong là những gạch vữa, gỗ đá vỡ vụn. Họ tìm thấy pho tượng Chúa Giêsu nằm sõng sượt dưới đất, chỉ còn có thân mình là nguyên vẹn.

Tuy thế, họ vẫn dọn dẹp sạch sẽ gian cung thánh, rồi họ đặt bức tượng trên một chiếc bàn con, ở ngay trung tâm của những buổi cử hành phụng vụ và cầu nguyện của giáo xứ. Và người ta đã ghi lại được một lời cầu nguyện bộc phát rất cảm động của một chị thiếu nữ như sau:

“Lạy Chúa, xin cho chúng con trở thành đôi mắt của Chúa, để chúng con diễn tả được tình yêu thương của Chúa. Xin biến chúng con trở thành đôi tay của Chúa, để chúng con nâng đỡ phục vụ anh chị em. Xin cho chúng con trở thành đôi chân của Chúa, để chúng con sẵn sàng đến với tha nhân. Xin biến chúng con trở thành con tim của Chúa, để chúng con biết thực sự yêu thương hết thảy mọi người”.

Thứ hai 28/9/2020 - Tuần 26 TN
Lời Chúa : Lc 9,46-50

46 Khi ấy, các môn đệ nghĩ ngợi trong lòng rằng ai trong các ông sẽ là người cao trọng nhất. 47 Chúa Giêsu thấu biết tư tưởng trong lòng các ông, Người liền dẫn một trẻ nhỏ tới, để đứng bên cạnh Người, 48 và bảo các ông rằng: “Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Đấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất”.49 Gioan lên tiếng thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy một người kia lấy danh Thầy mà trừ quỷ, và chúng con đã ngăn cản nó, vì nó không theo Thầy cùng với chúng con”. 50 Chúa Giêsu bảo ông rằng: “Các con chớ ngăn cản, vì ai không chống nghịch các con, tức là thuận với các con”.

Cái ý muốn “làm lớn” đã là nguồn gốc sinh ra biết bao đố kỵ, tranh dành và gây ra biết bao xào xáo khổ sở trong cuộc sống chung. Bởi thế Chúa dạy ta đừng ham làm lớn nhưng hãy ham làm nhỏ. Kiêu căng là đầu của 7 mối tội đầu, khiêm tốn là đứng số một trong 7 nhân đức hàng đầu.
     Vấn đề quan trọng không phải là tôi được địa vị cao hay thấp mà là tôi được đặt vào đúng chỗ hợp với khả năng của mình. Kẻ ít khả năng mà ở địa vị cao thì không chu toàn được những nhiệm vụ được giao, và như thế càng cho người khác thấy rõ những yếu kém của mình.
      Nếu con đang “làm nhỏ”, xin cho con biết cám ơn Chúa vì con được giống như những đứa bé trong gia đình. Nếu nhiệm vụ đang đặt con làm lớn, xin cho con biết “làm lớn” một cách khiêm tốn, làm lớn để phục vụ chứ không phải để bắt người ta phục vụ.

Lạy Chúa Giêsu, như các môn đệ ngày xưa, con cũng thích địa vị và đi tìm chỗ nhất cho mình. Con muốn hơn người khác và trở nên cao trọng bằng cách tự tôn mình lên hơn là sống theo đường lối của Chúa. Xin cho con biết noi gương Chúa, như khi Chúa hạ mình cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, để con cũng biết yêu thương phục vụ anh em, nhất là những anh em hèn mọn, nhỏ bé. Xin cho con xác tín rằng: khi con ích kỷ yêu chính mạng sống mình, con sẽ mất nó, nhưng khi con quên đi bản thân mình trong cuộc đời phục vụ tha nhân, con lại gặp chính mình. Amen

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

Hối hận và thay đổi lối sống

 




Platon hồi ấy là người yêu nghệ thuật. Nhà ở của ông được trang trí bằng nhiều bức thảm quí đẹp. Một hôm, Diogène - người chủ trương sống màn trời chiếu đất, đầu đường xó chợ - tới thăm Platon. Tới nơi, mặt đỏ gay, con mắt trợn trừng, ông ta vừa đạp thình thịch lên tấm thảm quí của Platon, vừa nghiến răng nói:
- Ta chà đạp dưới chân tính phô trương của nhà ngươi.
Ông Platon bình tĩnh trả lời:
- Phải, và với một sự phô trương kiêu hãnh sâu rộng hơn nhiều.
Thì ra đời sống bên ngoài đầy quảng cáo của Diogène không đi đôi với đời sống bên trong. Nhà quân tử cũng mắc phải chứng bệnh phô trương như ai (Lm. Vũ Minh Nghiễm, Dừng, 1962, tr 207).

Chúa nhật 28/0/2020 - Tuần 26 TN
Lời Chúa : Mt 21, 28-32

28 Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.” 29 Nó đáp: “Con không muốn đâu !” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. 30 Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây!” nhưng rồi lại không đi.31 Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha ?” Họ trả lời: “Người thứ nhất.” Đức Giê-su nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. 32 Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”

Đức Giêsu đã kể dụ ngôn này cho các nhà lãnh đạo Do-thái giáo.Họ đã dễ dàng trả lời câu hỏi của Ngài về người con nào ngoan, nhưng họ không ngờ Ngài kể dụ ngôn này nhắm vào họ. Chính họ là người con thứ hai, kẻ đã không đi làm vườn nho cho cha. Các nhà lãnh đạo ở đây là các thượng tế và kỳ mục trong dân. Họ là những người thông thạo về Luật, dạy dân chúng về Luật, và được coi là những người giữ Luật nghiêm túc chi li. Đúng họ là người con đã nói “xin vâng” để đi làm vườn nho cho cha. Nhưng họ đã không tin ông Gioan là ngôn sứ Thiên Chúa sai đến, không chấp nhận phép rửa của ông là phép rửa từ trời 
Gioan làm chứng về Đức Giêsu, nên họ sợ lời chứng của Gioan. Chính vì thế họ cũng không chịu hoán cải như Gioan mời gọi.  Khép lại trong sự tự mãn cứng cỏi của mình, họ lạc xa đường công chính mà chẳng biết đến hối hận. Ngược lại, những người thu thuế và gái điếm có đời sống tội lỗi, những kẻ đã nói như người con thứ nhất: “Con không muốn!” nhưng sau đó lại là những người đi làm vườn nho. Họ đã tin vào Gioan và lời mời gọi của ông, hối hận và muốn hoán cải để đón lấy Nước Thiên Chúa.
Đức Giêsu đã nói một câu không ngờ với giới lãnh đạo:“Các người thu thuế và gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.” Quá khứ tội lỗi có thể bị xóa sạch bởi thái độ hối hận. Hối hận hay hoán cải làm người ta đổi quyết định trước đó. Ngày nào còn sống trên đời, ai cũng có thể quay đi với quá khứ và quay lại với chính lộ, để tìm ra cửa vào Nước Trời. Thiên Chúa vẫn chấp nhận câu từ chối: “Con không muốn!” của tôi, và nhiều câu từ chối khác trải dài suốt đời. Chỉ mong câu cuối cùng ở cuối đời tôi là: “Con muốn, Chúa ạ!”

Lạy Chúa Giêsu, khốn cho chúng con, nếu chúng con cứ cho rằng mình là những người đạo đức và khinh chê những anh em tội lỗi, như thường bị xã hội lên án. Khốn cho chúng con, nếu hằng ngày chúng con vẫn xưng danh là Kitô hữu mà không biết góp phần xây dựng Nước Trời; khốn cho chúng con, nếu chúng con mau mắn thưa: Lạy Cha! mà chúng con không mang tình thương và bình an cho những anh em chung quanh. Xin giúp chúng con sống xứng đáng là những người Kitô hữu, là con cái Chúa. Amen.

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

Qua đau khổ - tới vinh quang

 






Bà GÔN-ĐA MÊ (Golda Meir), nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Ít-ra-en, khi còn là thiếu nữ đã thất vọng về nhan sắc của mình. Bà thuật lại giai đoạn thiếu thời ấy như sau : “Mỗi lần nhìn khuôn mặt của mình trong gương, tôi lại thầm trách sao Ông Trời quá bất công, khi ban cho tôi một khuôn mặt không mấy đẹp đẽ duyên dáng như các bạn đồng trang lứa khác. Mãi về sau tôi mới nhận ra rằng : Chính khuôn mặt không mấy đẹp đẽ của tôi lại là điều may mắn và mang lại sự tốt lành cho tôi. Bởi vì điều ấy buộc tôi luôn phải cố gắng khám phá ra những tài năng sâu kín nơi bản thân và phát triển chúng ngày một tốt hơn. Cuối cùng tôi rút ra được bài học này là : Một phụ nữ đáng quí trọng không phải ở chỗ có một sắc đẹp trời cho, vì nó không mấy bền vững và sẽ phai tàn theo năm tháng. Nhưng giá trị đích thực của một phụ nữ ở chỗ cố gắng phấn đấu làm việc, để khám phá ra khả năng Chúa ban cho mình, rồi phát huy những mặt tích cực, biến những tài năng đó trở thành phương tiện giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội…”. 
     GÔN-ĐA MÊ đã chấp nhận thập giá của mình, không than khóc phản kháng, không tức giận chán nản, nhưng sẵn sàng vác nó lên vai với lòng can đảm vượt qua trở ngại, để cuối cùng đã trở thành vị nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Israel (Giảng lễ CN B - M. Link).

Thứ bảy 26/9/2020 - Tuần 25 TN
Lời Chúa : Lc 9, 43-45

Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các mộn đệ rằng: "Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời". Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy.

Suy niệm :
Lời Chúa hôm nay cho thấy Đức Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài sẽ phải chịu ngay khi dân chúng và chính các môn đệ đang trầm trồ khen ngợi vẻ huy hoàng, vinh quang qua quyền năng của Đức Giêsu nơi các việc Ngài đã làm cho dân. Khi tiên báo lúc này, Đức Giêsu muốn các môn đệ hãy đi theo con đường hy sinh, từ bỏ và đón nhận đau khổ vì tình yêu thì sẽ đạt được hạnh phúc đích thực.Chúa Giêsu nhấn mạnh tính quan trọng của điều Ngài sắp nói bằng cách lưu ý các môn đệ phải “nghe cho kỹ” lời Ngài. Ngài tiên báo cuộc Thương khó sắp đến: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời". Luca tường thuật rõ: các môn đệ không nhận ra ý nghĩa lời tiên báo vừa rồi của Chúa Giêsu, bởi vì đối với các ông, “lời đó còn bí ẩn”. Họ từng xây dựng một hình ảnh và đặt niềm tin về một Thiên Chúa quyền lực vinh quang, nên đã trở nên xa lạ hay khó chấp nhận một Thiên Chúa chịu đau khổ và chịu chết.
Khổ đau không bao giờ buông tha chúng ta. Chỉ có điều chúng ta đối đầu với chúng trong sự tiêu cực thì chính khổ đau sẽ vùi dập cuộc đời và nó sẽ làm cho chúng ta thất vọng. Còn nếu chúng ta đón nhận nó trong lòng mến Chúa và sứ vụ thì sẽ bình an và đôi khi hạnh phúc hiện lên từ những gian nan khốn khổ. Bởi lẽ, theo niềm tin của người Công Giáo thì: “Qua đau khổ mới được vào vinh quang”.
Hôm nay, nhiều Kitô hữu giữ đạo chỉ mong để được Chúa che chở khỏi mọi sự dữ, sự xấu.
Hôm nay, nhiều Kitô hữu đòi Chúa phải trả công vì họ nghĩ mình đã thực hiện những gì Chúa muốn.
Mong sao, chiêm ngắm những đau khổ và cái chết cứu độ của Chúa Giêsu, tôi được nhắc nhớ để có thể đón nhận mầu nhiệm những đau khổ của đời mình. Mong sao, tôi miệt mài bước theo chân Chúa Giêsu, chỉ vì lý do duy nhất: tình yêu.

Lạy Chúa Giêsu là vua tình yêu rất cao cả! Con thấy cuộc đời sao lắm truân chuyên, gian nan, thử thách và đau khổ. Có những đau khổ do hoàn cảnh, môi trường tạo nên, Có những đau khổ do con người sống bên cạnh…Nhưng cũng có những đau khổ do chính sự giới hạn thể xác, tinh thần của chính bản thân con. Xin cho con thấy được sự dữ cũng như rút ra được những điều tốt đẹp từ đau khổ. Xin cho con hiểu được con đường thập giá Chúa đã đi chỉ có ý nghĩa và giá trị bởi tình yêu hy hiến của Người. Xin cho con dám sống yêu thương cho dù mình sẽ phải hy sinh và thậm chí sẽ ‘bị nộp’ vào tay người đời. Xin cho con nhận ra sự phù phiếm của danh, lợi, thú để con biết đi tìm vinh danh Chúa; con biết chấp nhận cùng chết với Chúa để được cùng sống lại với Người. Amen

Lời chất vấn hằng ngày

 



Thứ sáu 25/9/2020 - Tuần 25 TN
Lời Chúa : Lc 9, 18-22

Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: "Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?" Các ông thưa rằng: "Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại". Người lại hỏi các ông rằng: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa". Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: "Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại".

Hôm xưa Chúa chất vấn các tông đồ : Người ta bảo Thầy là ai ?...Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai /
Hôm nay Chúa chất vấn từng người chúng ta: “Này anh, này em, này bạn, các anh chị gọi Tôi là ai”?
Chúng ta ai cũng phải có câu trả lời thật cho chính mình. Chúng ta có còn tuyên xưng Chúa là Chúa trong cuộc đời chúng ta nữa không? hay là chỉ tuyên xưng ông thần tài…? Sự tuyên xưng đó được cụ thể bằng việc bước theo con đường thánh giá mà Chúa Giê-su đã đi, như Người đã báo trước cho các môn đệ.
     Nếu coi Chúa là bạn, thì hãy mời Chúa vào chơi nhà tâm hồn mình, hàn huyên tâm sự qua lời cầu nguyện.
     Nếu coi Chúa là “Anh Hai” thì đừng làm “Anh Hai” buồn và biết lắng nghe “Lời Anh Hai” dặn.
     Nếu coi Chúa là “người yêu”, thì hãy năng đến bên Thánh Thể mà tâm sự với “người yêu Giê-su”, hãy cùng san sẻ vui buồn với Người.
    Nếu coi Chúa là Cha, là Mẹ, là Chị, là… thì cũng hãy sống với Người như tâm tình con thảo, như người em ngoan ngoãn…
Đặc biệt, hãy cố gắng nên giống Chúa, là Giê-su thứ hai, giống Giê-su hi sinh, bác ái và yêu thương.

Tâm tình :
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết tuyên xưng Ngài là Chúa của cuộc đời mỗi người chúng con, được cụ thể bằng sự phó thác và chấp nhận hy sinh, sẵn sàng và vui lòng đón nhận thử thách vì Chúa, hầu cộng tác với Chúa cứu độ các linh hồn. Amen

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

Tìm Chúa với lòng đầy mưu mô...

 


Cuộc đối thoại giữa một người mới trở lại công giáo và một người vô thần.

Anh đã trở lại Công Giáo.

Vâng

Thế thì anh biết rất nhiều về Đức Kitô, vậy anh hãy nói cho tôi hay Ngài sinh ra trong quốc gia nào?

Tôi không bết!

Khi chết, Ngài được bao nhiêu tuổi?

Tôi không biết!

Bao nhiêu bài giảng Ngài đã nói?

Tôi không biết!

Quả thật anh  biết quá ít, để có thể quả quyết là anh đã trở về với Đức Kitô.

Anh nói đúng. Tôi hổ thẹn vì biết quá ít về Ngài. Nhưng điều mà tôi biết là thế này: ba năm trước, tôi là một thằng nghiện rượu, sáng say chiều xỉn, nợ lút đầu. Gia đình tôi xuống dốc một cách kinh khủng. Mỗi tối khi tôi trở về nhà, vợ và các con tôi tức giận và buồn tủi. Bây giờ tôi đã bỏ rượu, không còn nợ nần ai, gia đình tôi là một gia đình hạnh phúc, các con tôi thao thức chờ tôi mỗi buổi tối. Tất cả những điều này chính Đức Kitô đã làm cho tôi. Và đó là tất cả những gì tôi biết về Ngài.


Thứ năm 24/9/2020 - Tuần 25 TN
Lời Chúa : Lc 9, 7-9

Khi ấy, quận vương Hêrôđê nghe biết tất cả các việc Chúa Giêsu đã làm thì phân vân, vì có kẻ nói rằng: "Ông Gioan đã từ cõi chết sống lại"; còn kẻ khác lại nói: "Ông Êlia đã hiện ra"; kẻ khác nữa nói rằng: "Một tiên tri thời xưa đã sống lại". Nhưng Hêrôđê thì nói: "Ông Gioan trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế?" và vua tìm cách gặp Người.


Lời Chúa hôm nay thuật lại rằng vua Hêrôđê muốn gặp Đức Giêsu vì ông muốn thỏa mãn trí tò mò, chứ không phải tìm kiếm chân lý. Ông muốn tận mắt chứng kiến một vài phép lạ Ngài làm như người ta đồn thổi về Ngài. Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không bao giờ chiều ý một con người vừa có lòng hiếu kỳ vừa gian manh, quỷ quyệt như Hêrôđê. Kể cả sau này ông ta có dịp gặp Chúa trong cuộc thương khó, thì mãi mãi cuộc gặp của ông ta với Chúa có mà như không có, vì với một hồn chất chứa sự lưu manh, tính toán như ông dù có gặp Chúa thì đời ông ta chẳng bao giờ được biến đổi.
Cũng có tính tò mò như Hêrôđê, và có thể nói bàn tay cũng dính dáng đến sự tội, nhưng ông Giakêu, một người thu thuế, đã có dịp gặp được Chúa và được đổi đời bởi nơi cõi thẳm sâu tâm hồn Giakêu có một niềm khát khao mãnh liệt hướng về sự thiện.
Qua việc suy niệm bài Tin mừng hôm nay, bạn và tôi tự hỏi chính mình xem chúng ta đang tìm kiếm Chúa với một tâm hồn hướng thiện hay với một tâm hồn chất chứa đủ thứ mưu mô, tính toán? Biết đâu đấy, bạn và tôi đang tìm gặp Chúa để cầu mong Chúa làm một vài phép lạ cho đời ta no thỏa tiền tài, vật chất thế gian? Nếu ta tìm kiếm Chúa với một tâm hồn mưu mô tính toán như thế, thì chẳng bao giờ ta gặp được Ngài. Ngược lại, ta muốn gặp Chúa mỗi ngày để cho lòng ta được thanh thoát hướng về trời cao trước những khốn khó tư bề của cuộc sống trần gian, thì chắc chắn Chúa sẽ cho ta gặp Ngài và đời ta sẽ được biến đổi.

Tâm tình :
Lạy Chúa Giê-su, Tin Mừng hôm nay lại một lần nữa Chúa chất vấn từng người chúng con về niềm tin vào Ngài là ai? Xin cho chúng con dám đối diện với chính mình xem chúng con có còn tuyên xưng Chúa là Chúa trong cuộc đời chúng con nữa không? Hay là chỉ tìm đến với Chúa vì những lời đồn đoán và vì phân vân lo lắng những hành động tội lỗi chúng con bị phơi bày… Amen

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

Người tông đồ không hành trang

 



Trong các môn phái, trước khi cho đệ tử “hạ sơn = xuống núi” để hành hiệp chuộng nghĩa, thì Sư phụ đã trang bị cho học trò của mình những kỹ năng cần thiết, kỹ năng về võ công, về cách hành xử. Càng chuẩn bị kỹ lưỡng bao nhiêu thì sự thành công càng chắc chắn bấy nhiêu. Nhưng trước khi hạ sơn, người đệ tử phải vượt qua bài kiểm tra.
       Ông thầy sẽ kiểm tra các đệ tử của mình bằng những thế trận, gọi là các cửa ải, mà đệ tử phải vượt qua các cửa ải đó, phải chiến thắng tất cả đối thủ trong vòng thời gian một nén nhang.
       Nếu cháy hết cây nhang mà đệ tử chưa vượt qua cửa ải, thì đệ tử phải ở lại núi một thời gian để tu luyện tiếp, có khi phải mất thêm 5, 10 năm nữa.
       Đó là cách thức kiểm tra của con người.

Thứ tư 23/9/2020 - Tuần 25 TN
Lời Chúa : Lc 9,1- 6


(1) Ðức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. (2) Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. (3) Người nói: "Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. (4) Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và từ đó mà ra đi. (5) Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ". (6) Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.


Suy niệm :
Đi truyền giáo thì các Tông đồ đã có một thứ vũ khí rất lợi hại rồi, đó là quyền năng trên ma quỷ và bệnh tât. Còn những trang bị khác chỉ làm thêm vướng bận. “ Không mang gì cả” để các ông được đi nhanh hơn, mau hơn, nhẹ nhàng, và thanh thoát hơn.
Chúng ta không thấy Chúa Giêsu dặn các môn đệ phải chuẩn bị hành trang gì. Ngược lại, Ngài còn cấm không được mang theo gì cả. “Đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, hai áo”.
       Ngay cả những người giảng rong theo phái Khắc Kỷ, tuy rất khắc khổ, nhưng cũng được mang theo gậy và bị để ăn xin. Chúa Giêsu muốn môn đệ của mình hoàn toàn cậy trông vào Thiên Chúa, và hoàn toàn cậy trông vào lòng tốt của con người. Họ phải tập chấp nhận sống bấp bênh và thiếu thốn trong bình an. Không mang đồ dự trữ, không gậy để bảo vệ khi đi đường,
       a/ “Đừng mang gậy”: gậy nhằm tự vệ khi bị kẻ ác và thú dữ tấn công dọc đường. Người tông đồ khỏi lo việc này vì chính Chúa Quan Phòng sẽ bảo vệ họ;
      b/ “Đừng Bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo”: đó là những món có tính cách dự trữ, phòng xa cho những nhu cầu vật chất. Việc phòng xa này cũng không cần thiết vì Chúa Quan Phòng đã lo sẵn, sẽ có những người dọc đường cung cấp các thứ cần thiết ấy cho người tông đồ.  Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh:
        Với sứ mệnh loan báo Tin Mừng, đừng để cho vật chất, danh vọng, tình cảm làm chủ mình. Vì nếu bị những thứ đó chi phối, người tông đồ không đủ nghị lực và bất an. Hơn nữa, người môn đệ phải biết cậy dựa vào ơn Chúa nhiều hơn. Không có ơn Chúa thì không có sự bình an thanh thoát trong tâm hồn, và không thể loan báo niềm vui.
      Chỉ trong sự từ bỏ và quên mình hoàn toàn mới chu toàn được sứ vụ cao cả này. Như thế, tinh thần khó nghèo là điều đầu tiên mà Đức Giêsu dạy cho người loan Tin Mừng, trước tất cả những điều khác. 

Tâm tình :

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chọn gọi con và con đã một lần theo Chúa làm môn đệ Chúa. Xin Chúa cho con sẵn sàng đáp ứng những đòi hỏi của Chúa, những điều kiện cần có để làm môn đệ Chúa, luôn trung thành với Chúa và sứ mạng của Chúa trao phó cho con.



Thứ Ba, 22 tháng 9, 2020

Nghe và thực hành

 Thứ ba 22/9/2020 - Tuần 25 TN

Lời Chúa : Lc 8, 19-21

Khi ấy, mẹ và anh em Chúa Giêsu đến tìm Người, nhưng vì đám đông, nên không thể đến gần Người được. Người ta báo tin cho Người rằng: "Có mẹ và anh em Thầy đứng ở ngoài muốn gặp Thầy". Người trả lời với họ rằng: "Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành".


Suy niệm :

Cần ghi nhận là trong đời sống thực tế, nhiều khi người ta cảm thấy gần gũi thân thiết với những người cùng chung chí hướng, nguyện vọng, hơn là những người ruột thịt, nhất là khi những người ruột thịt ấy không cùng chí hướng, nguyện vọng. Như thế, mối liên hệ sâu xa giữa con người với nhau không phải là liên hệ huyết thống, mà còn là liên hệ của cả tư tưởng, ý chí, tình cảm.

Chúa Giêsu đến trần gian để xây dựng một gia đình duy nhất của Thiên Chúa, gia đình của những người cùng một mục đích là nguyện cho Danh Cha được cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Ðể cho thấy sự duy nhất về cùng một gia đình đó, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: "Lạy Cha, xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha". Ðó là hình ảnh Chúa Giêsu muốn diễn tả khi Ngài nói: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành".

Với ý nghĩa đó, Ðức Maria hai lần xứng đáng làm Mẹ Chúa Giêsu: Mẹ theo huyết thống và Mẹ của Thân mình mầu nhiệm của Ngài là Giáo Hội. Chẳng những là Mẹ thật vì đã sinh ra Chúa Giêsu, mà còn là Mẹ vì đã thực thi ý Cha trên trời. Trong biến cố truyền tin, Ðức Maria đã thưa với Sứ thần: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng theo lời thiên thần truyền". Ðiều đó nói lên suốt đời Ðức Maria, người luôn làm theo ý Chúa.

Câu định nghĩa của Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta con đường đi vào gia đình của Thiên Chúa, đó là làm theo thánh ý Chúa Cha. Xin cho chúng ta luôn biết thực thi thánh ý Chúa trong suốt cuộc sống chúng ta, để xứng đáng được thuộc về gia đình của Chúa.


Tâm tình :

Lạy Chúa Giê-su,

Giữa muôn vàn xao động của trần gian,

Giữa vô vàn hấp tấp, vội vã đua chen của con người,

Giữa bao cơn sóng dữ của cuộc đời, những vòng xoáy của cải, danh vọng, quyền lực và đam mê lạc thú,

Xin cho con biết dành thời gian cho những điểm dừng, lắng đọng tâm hồn để nghe được tiếng Chúa.

Xin cho con không bao giờ mất phương hướng vì có Lời Chúa là kim chỉ nam, là chiếc la bàn hướng dẫn cuộc đời. Lạy Chúa, xin cho con luôn trung thành lắng nghe tiếng Chúa, Và xin ban thêm nghị lực, lòng can đảm và tình yêu để con dám lội ngược dòng, dám thực thi lời Chúa dạy con. Chớ gì con luôn xây dựng đời mình trên nền tảng là Lời của Chúa. Amen.

 

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

Bỏ mọi sự đi theo Chúa







Ngày 21 tháng 9 năm 2007 vừa qua, một trong những người “con” đỡ đầu của tôi khấn lần đầu trong dòng “Sister of Mercy” ở North Carolina. Đây là một người con rất đặc biệt của tôi. Đặc biệt ở những điểm sau:
Lớn hơn “bố” 20 tuổi
Là người Mỹ da trắng trong khi “bố” da màu
Là người “con” duy nhất không phải là người Việt
Học cao hơn “bố” (vừa có bằng Tiến Sĩ, vừa là Bác Sĩ – has both Phd. and MD)
      Con đường của P.B. đến với đời tận hiến không phải dễ như tôi và các bạn. Cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công Giáo ở Canada. Sau khi lấy được một hai mảnh bằng Tiến Sĩ và Bác Sĩ (MD and Phd) cô làm việc ở Canađa một thời gian và sau đó xin về dạy học và làm việc tại Medical College of Georgia (đại Học Y Khoa ở Georgia). Và thế là “bố – con” chúng tôi đã gặp nhau. Tuy sinh ra trong gia đình công giáo nhưng lần cuối cùng cô đến với nhà thờ (theo lời cô kể) là khi cô chịu phép Thêm Sức. Cứ thế thời gian trôi qua, tôn giáo cũng đi vào dĩ vãng. Bên cạnh đó, người cha công giáo của cô bắt đầu lên án giáo hội và các Linh Mục khi giáo hội Canada bắt đầu bị “tục hóa” vào những thập niên 70. Hôm đó cô đi tham dự Thánh Lễ an táng của một giáo sư về ung thư rất nổi tiếng của Đại Học Y Khoa Georgia (Vị giáp sư này chết vì ung thư) tại giáo xứ của tôi, mà tôi vinh dự là người chủ tế. Sau đó, không biết vì nghe tôi nói gì trong thánh lễ hay vì thấy tôi là người không phải da trắng duy nhất trong ngôi thánh đường hơn 1000 người mà cô đã gọi điện thoại cho tôi. Dù sao chúng ta vẫn tin là Chúa Thánh Thần hoạt động trong mọi hoàn cảnh Sau lần nói chuyện đó, chúng tôi tiếp tục liên lạc với nhau và chỉ vài tháng sau cô bắt đầu đi lễ mỗi ngày, và chỉ ít lâu sau cô nói cho tôi biết cô muốn đi… tu! Thế là chúng tôi bắt đầu tìm hiểu về nhiều Dòng Tu nữ, và cô bắt đầu đi “tu thử” với nhiều Dòng, mỗi dòng một tuần.
       Đọc tới đây bạn sẽ nói, thế mà co gì … “gai góc” đâu. Cái làm cho cô và tôi nhức đầu là gia đình và bố mẹ cô cực lực phản đối việc cô đi tu. Bên cạnh đó họ còn “lên án” Giáo Hội rất nhiều. Đi tu thì cần tâm hồn phải bình an. Nhiều lần cô ngẹn lời trong nước mắt “Chẳng lẽ con chọn Chúa là phải mất gia đình?”
     Nhưng rồi tiếng gọi của tình dâng hiến càng ngày càng rõ hơn và cô quyết định… vào dòng tu! Mặc cho gia đình và bố mẹ phản đối. Thời gian rồi cũng làm cho những phản đối nhẹ đi, nhưng nó chỉ nằm yên đó, chờ ngày dậy song. Và ngày đó đã tới – Ngày cô khấn lần đầu.
5 ngày trước ngày trọng đại tôi nhận được email của cô:

Cha mến,
Cầu mong rằng cha vẫn bình an và khoẻ mặnh, vì con cần cha trong lúc này. Con cần phải nói ra để giải toả những nặng nề trong thể xác và tâm hồn. Và xin cha hãy cho con vài lời an ủi!
      Ba mẹ con đã đến Dòng hôm nay. Đó là điều hạnh phúc to lớn với con là họ đã đến. Con cứ tưởng là họ sẽ không đến, nhưng Chúa vẫn làm việc! Tuy vậy con đang có cảm nhận những ngày kế tiếp sẽ… dài vô tận. Ba của con đã bắt đầu nói lên những “nhận xét” không tốt của mình về 4 nữ tu mà ba con chỉ mới gặp có… 30 giây. Bên cạnh đó con và ba con cũng đã có những tranh luận về thần học và đặc biệt là những Linh Mục mà khi còn nhỏ ba con đã không ưa thích. Tuy nhiên ba con cũng đồn ý là có nhiều Linh Mục và Nữ Tu thánh thiện. Còn nhiều điều lắm cha ơi, nhiều điều mà ba con không thích về Giáo Hội. Cha ơi, đây không phải là lúc con muốn nghe những điều này. Con đang hạnh phúc trong tình yêu của Chúa kia mà!!! Tất cả những điều này diễn ra trong vòng… 3 tiếng đồng hồ. Đầu con thì quay cuồng, thân xác thì mỏi mệt. Con đã cố gắng để không nóng giận hay nói những điều không hay với ba con. Cha ơi, một điều chắc chắc con biết con cần là con cần một Linh Mục để con xưng tội trước khi con khấn cuối tuần này. Bên cạnh đó con cũng bắt đầu “lo lắng” về nghi lễ khấn thứ 6 này. Con đã cố gắng tránh khỏi mọi người (ba mẹ con và các sơ nữa), một mình yên lặng trong nhà chầu, khoảng hơn một tiếng để người yêu của con – Giêsu Thánh Thể dịu ngọt – yên ủi và vỗ về con.Con đang vận dụng hết khả năng và lời cầu nguyện của con, nhưng con biết sức mình có hạn. Cầu nguyện cho con cha nhé! Trong tình yêu Giêsu,

Con P.B.

PS: Còn một điều nữa con muốn nói cho cha biết là con RẤT hạnh phúc. Đây chắc chắn là chỗ Chúa muốn con ở lại!

Thứ hai 21/9/2020 
Lễ Thánh Matthêô,Tông đồ
Lời Chúa : Mt 9, 9-13

Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: "Hãy theo Ta". Ông ấy đứng dậy đi theo Người. Và xảy ra là khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như thế?" Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: "Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải là hy lễ". Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi"

Lời Chúa hôm nay cho thấy được ý nghĩa nổi bật của bữa ăn trong cuộc đời Chúa Giêsu. Phúc Âm thường ghi lại những lần Chúa Giêsu ngồi đồng bàn với những người thu thuế tội lỗi, những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Ngồi đồng bàn với người nào là muốn chia sẻ, muốn nói lên tình thân thiện của người đó. Qua những lần ngồi đồng bàn với tất cả mọi hạng người, Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta bộ mặt của một Thiên Chúa nhân hậu luôn hiện diện trong mọi sinh hoạt của con người, một Thiên Chúa chia sẻ cuộc sống của con người và muốn đi vào kết hiệp thâm sâu với con người.
       Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu thường mượn hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời: "Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới". Nước Trời giống như một tiệc vui. Tôn giáo mà Chúa Giêsu loan báo không phải là những nghi lễ hay những luật lệ cứng nhắc, mà là tôn giáo của tình yêu. Trích dẫn lời Tiên Tri Ôsê: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải lễ tế", Chúa Giêsu đả phá những tôn giáo chỉ xây dựng trên những nghi lễ trống rỗng, mà quên đi cái lõi của tôn giáo là tình thương.
      Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu để lại cho chúng ta là bữa tiệc dấu chứng tình yêu của Ngài. Tham dự vào bữa tiệc ấy là tham dự vào tinh thần yêu thương chia sẻ với Ngài. Nếu không có tinh thần yêu thương, thì tất cả những kinh kệ, những hành động phụng vụ chỉ là trống rỗng vô ích. Của lễ đẹp lòng Chúa nhất phải chăng không là những hành động yêu thương, chia sẻ, tha thứ đó sao? Lúc đó bàn thờ của chúng ta không chỉ nằm trong bốn bức tường nhà thờ, mà còn phải là gia đình, công sở, phố chợ. Nơi nào có hành động yêu thương, tha thứ, chia sẻ, thì nơi đó có Chúa hiện diện, có bình an, có Nước Trời.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một quả tim rộng lớn, một tấm lòng quảng đại, để chúng con luôn biết noi gương Chúa, luôn biết tha thứ và cảm thông với những người chung quanh chúng con và nỗ lực trở về với Chúa mỗi ngày. Amen.

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2020

Đối xử nhân ái

 


Trong một vở kịch, nhà đạo diễn Jean Anouilb đã dàn dựng cảnh ngày phán xét chung theo như ông tưởng tượng: Những kẻ lành đang đứng trước cửa vào thiên đàng, chật ních, chen lấn để vào, chắc chắn thế nào cũng có chỗ sẵn. Hồi hộp, sốt ruột…Nhưng, bỗng nhiên, người ta bắt đầu xì xầm với nhau: “Hình như Thiên Chúa cũng tha thứ cho mấy người đứng bên kia nữa”. Thế là họ lại phải một mẻ ngẩn người ra. Họ nhìn nhau, không thể hiểu được. Họ la ó, phản đối. Họ bất mãn… “Vậy thì cần gì phải hy sinh khó nhọc cả đời…”. “Tôi mà biết vậy thì tôi đã ăn chơi cho đã đời…”. Gan mật họ sôi lên. Họ bắt đầu kêu la trách móc Thiên Chúa, và cũng chính lúc đó, họ bị đày xuống hỏa ngục.Cha Louis Evely giải thích: ‘Giờ phán xét đã điểm: họ đã tự xét xử lấy họ, đã tự tách mình ra khỏi hạnh phúc của Chúa. Tình yêu đã biểu hiện cho họ, nhưng họ đã từ chối không nhận tình yêu: “Tôi từ chối không chấp nhận cái thứ thiên đàng mà người ta vào như chợ. Tôi phản đối Thiên Chúa đã tha cho hết mọi người. Tôi không thích Thiên Chúa yêu thương cách mù quáng như thế”. Vì họ không thích Tình Yêu, nên họ không nhận ra được Tình Yêu. Chỉ có Tình Yêu mới làm những chuyện như thế. Với Chúa, chúng ta phải luôn sẵn sàng để đón nhận những chuyện bất ngờ như vậy”.

Chúa nhật 20/9/2020 - Tuần 25 TN

Lời Chúa : Mt 20, 1-16a

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: "Nước trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông. Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng". Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy Ðến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: "Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?" Họ thưa rằng: "Vì không có ai thuê chúng tôi". Ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta". Ðến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: "Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết." Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng. Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Ðang khi lãnh liền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: "Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao"? Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: "Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?" Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng? Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết".


Suy niệm :

Ta phỏng đoán, ông tuyển thợ không phải vì ông, hay nhắm tới quyền lợi riêng. Đây là một ông chủ quá lo lắng đến tình trạng những người thất nghiệp: "Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?"Những người vào làm sau chót lãnh "một quan"… cũng như những người vào làm trước nhất…
Thông thường mà nói, đó là điều không thể tin được.Nhưng đúng ra, ta không còn nằm trong một câu chuyện thuộc lãnh vực con người nữa. Ông chủ lạ kỳ trên đây, đầy lòng nhân ái, luôn "ưu đãi những kẻ nghèo nhất" và đặt những "kẻ cuối hết lên hàng đầu" … đó là Thiên Chúa. Đối với Thiên Chúa, không có vấn đề đặc ân. Các "dân tộc ngoại giáo", những khách mời cuối cùng bước vào Giao ước, lại được đối xử ngang bằng với Ít-ra-en, đã được hưởng vườn nho Thiên Chúa sớm hơn. Trong Tin Mừng, có tới hai mươi lần, Đức Giêsu cũng đề cao những người nghèo, những kẻ bị loại bỏ, những kẻ "cuối rốt" như thế.Đó là bài đọc chủ chốt của dụ ngôn trên. Nếu ta biết đoán ra được ý người viết và không khó chịu trước những chi tiết phụ thuộc, thì đây là bức chân dung tuyệt vời mà Đức Giêsu phác tả cho ta về Cha Người. Đó là: 
Một Thiên Chúa yêu thương con người nhất và muốn dẫn con người đến hưởng hạnh phúc của Người. Một Thiên Chúa đổ tràn ân phúc của Người trên tất cả mọi người, và không ngừng kêu gọi. Một Thiên Chúa mà lòng quảng đại và nhân hậu không bị "giới hạn" do công nghiệp của ta, nhưng ban tặng rộng rãi, không tính toán… Một Thiên Chúa gạt bỏ bất kỳ ai dám tự phụ có những đặc ân hay quyền lợi, mà cấm cản kẻ khác tới hưởng dùng…


Tâm tình :

Lạy Chúa Giê su, xin cho chúng con lòng quảng đại, lòng tốt như Chúa đã tốt lành với hết mọi người, kể cả những người tội lỗi. Xin cho chúng con biết đối xử nhân ái với mọi người, tỏ lòng thương yêu từng người và để ý hoàn cảnh của từng người để mưu ích cho từng người. Amen

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2020

Hạt giống nảy mầm nơi đất tốt

 




Ông Jim và công việc

Hàng xóm của tôi, ông Jim, rất yêu công việc của ông trong lĩnh vực xây dựng, vì thế ông có lẽ sẽ cảm thấy khó khăn nếu phải quyết định nghỉ hưu. Một hôm, ông gặp một người đàn ông trẻ tuổi đã từng làm việc cùng ông trước đó. Chàng trai trẻ này đã có vợ và ba đứa con, anh đang gặp khó khăn vì không tìm được việc làm trong một khoảng thời gian. Sáng hôm sau, Jim đến văn phòng và nộp đơn xin về hưu, ngoài ra ông đề nghị để chàng trai trẻ thế chỗ làm của mình. Đó là câu chuyện của 6 năm trước, và người chồng, người cha đó của gia đình chúng tôi đã có thể nuôi sống gia đình, kể từ khi nhận được món quà “vô giá” đầy ý nghĩa từ một người gần như xa lạ. – Miranda MacLean, Brutus, bang Michigan, Mỹ.

Thứ bảy 19/9/2020 - Tuần 24 TN
Lời Chúa: Lc 8, 4-15


Khi ấy, người ta tụ họp đông đảo. Từ khắp các thành thị, người ta kéo đến cùng Ðức Giêsu. Bấy giờ Người dùng dụ ngôn mà nói rằng: “Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt. Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm.” Nói xong, Người hô lên rằng: “Ai có tai nghe thì nghe.”Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì. Người đáp: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu. Ðây là ý nghĩa dụ ngôn: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và trong thời thử thách, họ bỏ cuộc. Hạt giống rơi vào bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. Hạt giống rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.”

Đức Kitô hào phóng gieo vãi lời của Thiên Chúa khắp nơi. Ngài như người gieo hạt giống, tung gieo trong gió, có vẻ như chẳng để ý đến chuyện có hạt rơi vào đất cằn khô, và một số hạt không bao giờ sinh huê lợi.
Các Kitô hữu sơ khai đã đọc dụ ngôn này và thấy nơi đó một lời nhắn nhủ. Họ thấy mình chính là người đã nhận được hạt giống lời Chúa. Nhưng không phải hạt giống nào cũng thành cây lúa trĩu hạt.
Có những hạt giống bị thui chột bởi những lý do bên ngoài và bên trong.
     Làm sao để mọi hạt giống được gieo trong tim ta, đều sinh hoa trái?
     Câu hỏi của Giáo hội sơ khai cũng là câu hỏi của Giáo hội bây giờ.
Thửa đất là trái tim con người xưa nay vẫn thế.
Hạt giống Lời Chúa hôm xưa và hôm nay cũng vẫn là một.
Cả bốn hạng người trong dụ ngôn đều đã nghe (cc. 12. 13. 14. 15),
nghĩa là đều đã đón nhận Lời Chúa vào trái tim, vào trung tâm đời mình.
Nhưng có Lời bị chết ngộp. Ngộp vì những thứ trói buộc của cuộc đời phù vân này, những lo âu trăn trở, những thèm muốn khoái lạc, giàu sang. Cây lúa có mọc lên cũng bị chết ngộp bởi bụi gai ở ngay nơi tim tôi. Cuối cùng có Lời được nắm giữ. Dù thửa đất tốt là trái tim cao thượng và quảng đại, Nhưng nắm giữ Lời Chúa cũng đòi một nỗ lực không ngừng. Bất chấp những tấn công từ bên ngoài, hay thèm muốn bên trong, cần có thái độ kiên trì để vượt qua những khủng hoảng không tránh khỏi. Xin được trân trọng nghe Lời Chúa trong thánh đường và trong cuộc sống. Xin được khiêm tốn nghe Lời Chúa qua các bậc thầy và qua trẻ thơ. Ước gì Lời Chúa giúp ta làm cho đất của tim mình xốp hơn và mềm lại,
bớt đá sỏi, thêm đất màu, bớt bụi gai, thêm ẩm ướt.

 
Lạy Chúa, xin chiếu tỏa trên con ánh sáng của Chúa và dạy con bước đi ngay trong đêm tối cũng như giữa ban ngày. Xin truyền cho con sức mạnh của Người. Ước gì những cánh tay rã rời vì thất bại của con tìm lại được sức trẻ để gieo trồng hàng ngàn cây xanh cho một thế giới mới
      Ước gì mồ hôi con pha lẫn mồ hôi của Chúa trong Vườn Cây Dầu.
Ước gì máu con hòa lẫn với Máu Chúa trên Núi Sọ để tưới gội cho mảnh đất đã bị khô cằn vì bất công và ích kỷ. Chúc tụng Chúa là Cha, đã dẫn con đi đến cùng,đến tận Emmaus, nơi Chúa hiển dung
với tràn trề bình an và niềm vui. Amen

 

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2020

Cuộc cải cách vĩ đại



Mấy người phụ nữ cùng đi (22.9.2017 – Thứ sáu Tuần 24 Thường niên)



Thứ sáu 18/2/2020 - Tuần 24 TN
Lời Chúa: Lc 8, 1-3

(1) Sau đó, Ðức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai (2) và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Ðó là bà Maria gọi là Maria Mácđala, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, (3) bà Gioanna, vợ ông Khuda quản lý của vua Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Ðức Giêsu và các môn đệ.


Trong bài Tin mừng thứ Sáu tuần XXIV thường niên hôm nay, ta thấy xuất hiện khuôn mặt những người phụ nữ đi theo Chúa với tình thần hăng say phục vụ. Có lẽ thời bấy giờ chỉ có Chúa mới dám làm một chuyện táo bạo là cho các bà các cô đi theo mình như vậy. Với các bậc thầy Do thái thời bấy giờ – thời mà phẩm giá của phụ nữ và trẻ em không được nhìn nhận – thì chẳng ai dại gì mà cho những người như thế đi theo mình, vì làm như thế thì chắc chắn sẽ bị chê cười và bị coi là chẳng đáng bậc thầy dạy dỗ dân chúng nữa.
         Hơn nữa, trong số những người phụ nữ đi theo Chúa còn có một khuôn mặt khá đặc biệt, đó là cô Maria Mađalêna. Truyền thống Giáo hội từ thời Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả (540 – 604) đã xác nhận người phụ nữ có tên là Maria Mađalêna được Chúa chữa cho khỏi bảy quỷ như bài tin mừng hôm nay nhắc đến và người phụ nữ tội lỗi được nhắc đến trong bài tin mừng hôm qua (Lc 7, 36 – 40) cũng chính là một nhân vật. Ngay chữ Mađalêna cũng đã bắt nguồn từ một hạn từ mà có thể được tạm dịch là “phụ nữ ngoại tình”! Quả thật, chỉ mình Chúa mới can đảm như vậy, chỉ mình Chúa dám chấp nhận cho người phụ nữ mà xã hội ruồng bỏ, xa tránh (untouchable) đi theo mình làm môn đệ!
Thực ra, vì muốn cứu vớt những mảnh đời bị vùi sâu xuống bùn đen như cô Maria Mađalêna mà Chúa không cẩn phải giữ thể diện như các bậc thầy Do thái; Ngài không cần phải sĩ diện hão; Ngài sẵn sàng chấp nhận bị mang tiếng là “la cả với quân thu thuế và phường tội lỗi”. Đối với Chúa, dù quá khứ của người ta có bầm dập, nhầy nhụa, nhơ nhớp đến đâu chăng nữa, nhưng trong giây phút hiện tại họ vẫn còn khao khát muốn thoát khỏi chốn tăm tối, tội lỗi, thì Chúa vẫn sẵn sàng mở rộng vòng tay đón nhận họ và thanh tảy họ nên tốt lành, tinh tuyền và thánh thiện.

Lạy Chúa Giêsu, ngày ấy Chúa rảo qua khắp các thành thị và làng mạc nước Pa-lét-tin. Chúa giảng dạy không ngơi nghỉ, Chúa làm phép lạ cứu chữa tật bệnh cho dân, Chúa loan báo Tin Mừng cứu độ cho toàn thể nhân loại. Ngày ấy, cánh đồng truyền giáo rộng mở: đoàn đoàn lớp lớp người đến nghe Chúa giảng, xin Chúa chữa lành. Cả nam, cả nữ, cả thiếu nhi vây quanh Chúa. Tất cả chăm chú lắng nghe ghi lòng tạc dạ điều Chúa truyền dạy… Ngay đến những người phụ nữ thường bị xã hội Do Thái coi thường cũng đem hết nhiệt tình phục vụ Chúa. Hết thảy đều cộng tác vào việc rao giảng Tin Mừng Nước Chúa.
       Lạy Chúa, hôm nay Hiền Thê yêu quý của Chúa là Giáo Hội, cũng đang đẩy mạnh các hoạt động truyền giáo. Toàn thể Dân Thánh Chúa đã họp lại để cùng quyết tâm thi hành lệnh truyền của Chúa: “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian…”. Hôm nay, Chúa vẫn sai mọi thành phần trong Giáo Hội tích cực giới thiệu Chúa cho mọi người trong mọi hoàn cảnh: “Tin Mừng không giới hạn ở một nền văn hóa nào, một màu da hay một miền đất nào. Tin Mừng của Chúa phải được lan rộng trên toàn thế giới”. Hôm nay, Giáo Hội tha thiết mời gọi từng người giáo dân, từng tu sĩ và hàng giáo sĩ cộng tác đắc lực vào công cuộc rao giảng Tin Mừng, sống chứng nhân ngay trong hoàn cảnh sống của mình.

Lạy Chúa, ngày ấy và hôm nay vẫn chỉ là một lời mời gọi đem Chúa đến cho mọi người, mọi nơi. Xin Chúa giúp con ý thức sứ mệnh của con và hăng say thực thi lệnh Chúa truyền. Amen.

Lm. Phaolô NGUYỄN NGUYÊN