Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Chấp nhận mất tất cả để được YÊU


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Mt 20,17-28


Công chúa Nhật Bản bỏ địa vị để tìm tình yêu đích thực với thường dân
Nàng công chúa này không chỉ sở hữu nhan sắc “vạn người mê” mà còn là nhân vật chính trong một câu chuyện tình lãng mạn khiến bất cứ cô gái nào cũng phải ghen tị.

Giữa tháng 5-2017, dư luận Nhật Bản và thế giới xôn xao trước thông tin một trong những vị công chúa được yêu mến nhất hiện nay của Hoàng gia Nhật Bản là công chúa Mako chuẩn bị lập gia đình với một thường dân vào năm tới.
Tại Nhật Bản, các công chúa không được thừa kế ngai vàng nhưng cũng không thể tiếp tục duy trì tước vị khi kết hôn với thường dân. Do vậy, sau khi kết hôn, công chúa Mako sẽ chính thức từ bỏ địa vị hoàng gia.
Không ít người tỏ ra tiếc nuối cho địa vị cao sang của một nàng công chúa. Tuy vậy, nếu ai biết được những tháng ngày mà công chúa Mako và vị phò mã tương lai trải qua bên nhau thì chắc chắn sẽ có suy nghĩ khác.

Sinh ngày 23/11/1991, công chúa Mako là con gái của Hoàng tử Akishino và Công nương Kiko. Cô là thần tượng trong mắt giới trẻ Nhật Bản bởi vẻ ngoài dịu dàng, tính cách nhân hậu và thành tích học tập ấn tượng.
Năm 2011, Mako đảm nhận tước vị Nội Thân vương, bắt đầu tham gia các sự kiện chính thức của hoàng gia ở cả trong và ngoài nước. Chính nhờ nét đẹp trong sáng, phong thái cao quý và đúng mực, công chúa Mako luôn trở thành tâm điểm của các sự kiện ngoại giao mà mình tham gia.
Đặc biệt cô còn am hiểu ngôn ngữ ký hiệu và làm việc với cộng đồng người khiếm thính cùng với mẹ là vương phi Kiko. Công chúa Mako đã tốt nghiệp thạc sĩ về ngành bảo tàng học của Đại học Leicester (Anh) và hiện là chuyên gia nghiên cứu tại Viện Bảo tàng của Đại học Tokyo, trong lúc theo đuổi học vị tiến sĩ.
Luật Hoàng gia Nhật Bản quy định, các hoàng nữ khi kết hôn với người ngoài hoàng tộc phải rời khỏi hoàng gia và trở thành thường dân. Nhiều người tò mò, vậy thì vị hôn phu Komuro là ai mà khiến cho Công chúa Mako sẵn sàng từ bỏ địa vị Hoàng gia để kết hôn với anh? Hơn thế, cả Hoàng tử Akishino và Công nương Kiko đều đồng ý tác thành cho tình yêu của con gái, chắc hẳn Komuro là một người đặc biệt.

Chuyện tình không khoảng cách
Công chúa Mako và Kei Komuro là bạn học cùng đại học Thiên chúa Quốc tế (ICU) tại Tokyo. Hai người quen nhau năm 2012 qua một người bạn trong tiệc giao lưu về du học nước ngoài tổ chức ở một nhà hàng tại quận Shibuya, Tokyo.
Ngay từ lần đầu tiên gặp mặt, cả hai đều cảm nhận rằng dường như đây chính là nửa kia của mình nhưng chẳng ai dám cất lời. Bạn bè thường nhìn thấy công chúa và Komuro vui vẻ ăn trưa cùng nhau trong quán cà phê ở khuôn viên trường. Tình yêu trong họ cứ thế lớn dần theo cách tự nhiên nhất.
Họ chia sẻ với nhau tất cả mọi chuyện “trên trời dưới bể”. Bên nhau, thời gian mỗi ngày dường như quá ngắn ngủi. Các bạn trong lớp đều biết và dõi theo chuyện tình ngọt ngào này.
“Komuro là người bình tĩnh và cẩn trọng. Cả Mako và Komuro đều quan tâm yêu thương nhau và đều tốt tính. Họ sẽ là một cặp đôi tuyệt vời”, một người bạn của Mako chia sẻ.

Một năm sau, Komuro ngỏ lời yêu Mako. Sau khi tốt nghiệp ICU năm 2014, công chúa Mako sang Anh học đại học Leicester, còn Komuro học tiếp luật doanh nghiệp ở khoa quản trị đại học Hitotsubashi, đồng thời đi làm ở ngân hàng và sau đó là văn phòng luật.
Khoảng cách chẳng thể nào làm phai nhạt tình cảm của họ dành cho nhau. Những cuộc điện thoại, dòng tin nhắn và cả những bức thư là cầu nối giúp họ giữ gìn trọn vẹn tình yêu của mình.
Quyết định kế hôn với một thường dân của công chúa Mako đã gây xôn xao Nhật Bản vào thời điểm đó. Chuyện tình của họ có những lúc vấp phải không ít lo ngại về tương lai của hoàng thất nhưng sau tất cả, Mako vẫn quyết đánh đổi địa vị hoàng gia của mình vì tình yêu với một lễ đính hôn diễn ra sắp tới đây.

Chuyện tình đẹp của Mako và thường dân Kei Komuro đã trở thành một ấn tượng đẹp trong lòng công chúng. Dẫu điều này có khiến cô trở thành thường dân thì Mako vẫn là một trong những nữ nhân hoàng tộc được giới trẻ yêu thích nhất.

Quyền lực, danh vọng, tài năng, giàu có...tất cả đều không tồn tại, đều là phù vân mau quá. Chỉ có tình yêu là bất tử. Công Chúa Nhật Bản đã chấp nhận bỏ lại tất cả những gì mình có, những danh vọng sắp được thừa hưởng để yêu trọn vẹn với người mình yêu... Lời Chúa dưới đây đã dạy ta bài học ấy : Yêu là chấp nhận từ bỏ để nên giống người mình yêu. Xin mời Bạn cùng đọc :


Thứ tư 28/02/2018 - Tuần 2 MC
Lời Chúa : Mt 20,17-28

(17) Lúc sắp lên Giêrusalem, Ðức Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông: (18)"Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án tử hình Người, (19) sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào Thập giá, và ngày thứ ba, Người sẽ chỗi dậy".
(20) Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Ðức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. (21) Người hỏi bà: "Bà muốn gì?" Bà thưa: "Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy". (22) Ðức Giêsu bảo: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?" Họ đáp: "Thưa uống nổi". (23) Ðức Giêsu bảo: "Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho; Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được".
(24) Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. (25) Nhưng Ðức Giêsu gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân. (26) Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. (27) Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. (28) Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người".

Thời đại này, con người chuộng sống, sợ chết, ham quyền lực địa vị, của cải. Họ đi tìm hạnh phúc ở đời này dù chỉ là những cuộc ham vui chóng qua, rồi sau đó lại rơi vào thất bại ê chề. Bài Tin Mừng mà Thánh Matthêu thuật lại hôm nay như đi ngược chiều dòng lịch sử ấy, Nói đúng hơn Thánh sử đang trình thuật về một vương quốc khác hẳn thế giới này: Một vương quốc mà Đức Vua phải chịu tử hình bởi con dân Ngài. Một vương quốc mà mọi thần dân phải bước trên con đường đau khổ, vác thập giá cuộc đời thì mới đến ngai tòa vinh hiển. Một vương quốc lấy dân làm gốc, lấy tình yêu làm luật, lấy sự phục vụ chăm sóc người khác làm dây thắt lưng... Thoạt nghe, chúng ta chắc hẳn sẽ nghi ngờ và cho rằng điều đó chỉ có thể xảy ra trong mộng tưởng. Nhưng có một con người đã sống chết cho vương quốc ấy và đang mời gọi chúng ta tiếp bước là Đức Giêsu- Chúa chúng ta.

Tâm tình :
Lạy Chúa Giê su, chức vụ và địa vị là gánh nặng, là thập giá nhưng là niềm vui và hạnh phúc khi chu toàn vì nên giống Chúa Giê-su phục vụ người khác. Nếu không chu toàn trách vụ thì làm sao gọi là uống chén đắng, làm sao gọi là phục vụ, làm sao để người khác nhờ ta mà tốt hơn, được cứu chuộc? Xin Chúa giúp chúng con biết noi theo gương Chúa sống với tinh thần phục vụ, phục vụ trong gia đình, ngoài xã hội, nhất là trong môi trường chúng con học tập và làm việc, để chúng con kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn, lành mạnh hơn. Amen

Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Coi chừng ...

Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Mt 23, 1-12

     Trong một quyển chuyện đề tựa “Quyền lực và vinh quang”, nhà văn Graham Greene kể lại câu chuyện sau đây xảy ra tại một nước ở nam Mỹ: Khi ấy một chính phủ ghét đạo lên nắm quyền và ra lệnh trục xuất tất cả các linh mục ra khỏi nước.
Linh mục nào còn lén lút ở lại hoạt động thì bị bắt đem xử tử. Đa số các linh mục đã phải tuân lệnh ra khỏi nước, một số nhỏ can đảm ở lại cũng bị xử.
         Nhưng không ai ngờ là vẫn còn sót lại một linh mục. Ông này ở lại được vì không ai thèm để ý tới ông, bởi vì ông là một linh mục tội lỗi bê bối đã hồi tục. Ông không coi sóc họ đạo nào cả, cũng không lưu ý tới sự thiếu thốn của các con chiên. Hằng ngày ông lang thang đây đó để kiếm tiền và nhậu nhẹt.
       Về phần giáo dân, trước đây họ vẫn khinh rẻ ông, nhưng trong lúc thiếu linh mục thì họ lại cần đến ông. Người ta xin ông rửa tội, giải tội, dâng thánh lễ và xức dầu. Ông cũng sẵn sàng nhận với một điều kiện là phải có tiền: rửa tội một em bé là mấy đồng, giải tội một người lớn là mấy đồng, xức dầu một người là mấy đồng, mỗi người dự lễ là mấy đồng… tất cả đều có giá hẳn hoi. Dĩ nhiên, như ai trong chúng ta cũng biết, ông càng làm các bí tích thì càng thêm tội bởi vì ông đang sống trong tình trạng tội lỗi. Nhưng ai ngờ con người tội lỗi ấy lại là phương tiện Chúa dùng để nuôi dưỡng đàn chiên Chúa trong lúc gian nan.
Nhờ còn có ông mà giáo dân còn tiếp tục lãnh nhận được các bí tích và duy trì được đức tin của mình.   
        Thế rồi dần dần nhà cầm quyền bắt đầu để ý đến tới những hoạt động của ông và ra lệnh truy nã ông. Ông cũng sợ bị xử tử nên lén vượt biên giới trốn sang xứ khác. Nhưng đang lúc ông sắp qua biên giới thì người ta chạy theo năn nỉ ông trở lại để giúp cho một người hấp hối. Không nỡ để một người chết không có bí tích nên ông linh mục này đã trở lại, và đã bị bắt, rồi bị đem ra pháp trường.
        Trước lúc bị bắt, ông đã ăn năn xin Chúa thứ tha hết mọi tội lỗi của ông và dâng linh hồn trong tay Chúa, rồi bình thản ngước đầu chờ đợi. Và ông đã trông thấy có một người lẫn trong đám đông đang đưa bàn tay ban phép giải tội cho ông, đó là một linh mục khác vừa trốn về để tiếp tục công việc của ông, công việc của một chủ chăn đối với đàn chiên đang đói khát.
Xin mời Bạn cùng nghe Lời Chúa sau đây :

Thứ ba 27/02/2018 - Tuần 2 MC
Lời Chúa : Mt 23, 1-12

1 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng : 2 “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy. 3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. 4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. 5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. 6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, 7 ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi”.
8 “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy ; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. 11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. 12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

Suy niệm :
Cuộc sống hôm nay, người người phải đương đầu với một thách đố và hoang mang rất lớn là “đồ giả”. Nhiều sự vật, với một cái võ bọc thật đẹp đẽ bắt mắt che đậy cái không thật chất bên trong của rất nhiều sự vật: bằng giả, thuốc giả, thức ăn giả, người giả...Đời sống nội tâm cũng thế, tâm hồn trống rỗng, không có chiều sâu, kinh nghiệm sống thiêng liêng hời hợt, người ta thường tìm cách khỏa lấp những yếu kém nội tâm của mình bằng những lối sống giả hình, bằng những lời nói khoác lác phô trương. Thường vì thiếu tự tin và không đủ khẳng định thực chất bên trong, người ta thường có khuynh hướng tạo một lớp võ đạo mạo bên ngoài:“ làm cốt để cho người ta thấy, nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo, thích ngồi chỗ nhất ưa bái chào...” 

Sống giả hình là tự đánh mất dần nhân cách là mình, và sống vong thân vì không tự tin thể hiện là chính mình, mà chỉ sống gượng và che đậy chính mình và như thế đánh mất niềm tin, sự quý trọng của mọi người dành cho mình. Sống giả hình không chỉ làm ảnh hưởng đến cá nhân, mà còn làm lẫn lộn những giá trị đạo đức, khiến cho thật giả bất phân, làm suy đồi văn hóa xã hội và gây nhiều hậu quả khôn lường khác.

Tâm tình :
Lạy Chúa Giê su, ngày hôm nay, Chúa mời gọi chúng con nhìn lại . Có thể, chúng con là những tư tế. Có thể, chúng con là những biệt phái. Chúng con có thể là những luật sĩ! Chỉ chăm chăm, chú chú bên ngoài, nới dài tua áo, may rộng thẻ kinh, cốt cho người khác nhìn.
Nhưng mà, chúng con tin Chúa là Đấng thấu suốt lòng trí của chúng con. Xin cho mỗi người trong chúng con chúng con: Có làm sao, sống như vậy, bên ngoài như thế nào, thì bên trong cũng như vậy! 
Xin cho chúng con đừng sống giả hình! Bởi vì Chúa nói: Có nói có, không nói không. Nạc ra nạc, mỡ ra mỡ, chứ dở dở ương ương, Ta mửa ra ngoài. Amen.

Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

Nên tránh điều này...

Kết quả hình ảnh cho Đừng xét đoán

Chúng ta thường hay xét đoán người khác khi chưa hoàn toàn hiểu hết về họ. Có một câu chuyện được đăng trong tạp chí Reader’s Digest như sau: 
“Một người bạn của tôi trên chuyến trở về Nam Phi sau một thời gian sống ở Âu châu, đã phải chờ khá lâu ở phi trường Heathrow của London. Sau khi mua một ly cà phê và một gói bánh bích quy, cô kéo lê hành lý lỉnh kỉnh tới một cái bàn trống để đọc báo và ăn bánh trong khi chờ đợi máy bay. 
Khi đang đọc tờ báo buổi sáng, cô nhận ra có người đang sột soạt gì đó ở bàn mình. Hé nhìn từ phía sau tờ báo, cô sửng sốt thấy một anh chàng ăn mặc lịch sự đang với tay lấy bánh của cô rồi bỏ vào miệng. Không muốn làm ầm ĩ, cô chỉ nghiêng mình để lấy một cái cho mình. Hai phút sau, cô lại nghe tiếng sột soạt. Anh chàng kia lại lấy thêm bánh để ăn. 
Cho đến lúc cả hai đã ăn đến cái bánh cuối cùng trong gói, cô đã tức giận hết sức nhưng vẫn không nói được câu nào. Rồi chàng trai bỗng bẻ cái bánh cuối cùng làm hai, đẩy một nửa về phía cô và ăn nửa còn lại, rồi bỏ đi. 
Lát sau, khi loa phóng thanh gọi tên cô, và yêu cầu cô xuất trình vé, cô vẫn còn bừng bừng cơn giận. 
Các bạn hãy thử tưởng tượng sự xấu hổ của cô khi cô mở túi xách ra và khám phá ra rằng gói bánh của mình vẫn còn nằm nguyên trong đó. 
Thì ra từ nãy tới giờ cô đã ăn bánh của người khác. Chàng trai kia đã chia sẻ với cô đến miếng bánh cuối cùng. Thật là một con người tốt bụng”. 
Câu chuyện cho thấy cái nhìn của chúng ta về người khác không luôn luôn chính xác, thậm chí nhiều khi còn nhầm lẫn nữa. 

Vì thế đừng vội xét đoán, kết án. Và cũng phải sẵn sàng thay đổi cái nhìn của mình khi chúng không còn đúng với sự thật nữa. Quan trọng hơn nữa, nếu chúng ta muốn có những thay đổi lớn trong cuộc đời mình thì trước hết phải thay đổi cách nhìn về người khác. Hãy đeo cặp kính khác rồi mọi sự sẽ thay đổi theo ta. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây :

Thứ hai 26/2/2018 - Tuần 2 MC
Lời Chúa : Lc 6,36-38

“ Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào ,thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”


Suy niệm :
Chúng ta đang sống trong một xã hội thực dụng; người ta ước muốn tất cả mọi sự đều phải được cân đong đo đếm một cách rạch ròi. Thế nên, dường như lòng thương xót và sự nhân từ đang dần trở nên quý hiếm; những nghĩa cử bác ái đang là một thứ gì đó xa lạ. Người ta lấy tiền của làm thước đo mọi sự và coi đó như chỗ dựa vững chắc cho cuộc đời. Và biết đâu, chúng ta cũng không nằm ngoài vòng xoay đó? Thế nhưng Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, trước tiên hãy nhìn nhận thân phận yêu đuối của mình để chỉ cậy dựa vào một mình Thiên Chúa. Tiếp đến, chúng ta cũng hãy trở nên những nhân chứng cho Chúa qua những nghĩa cử bác ái yêu thương trong cuộc sống thường ngày.
Có một điều xem ra có vẻ ngược đời là: Chúng ta có thể sống nhân từ, làm nhiều nghĩa cử bác ái cho những người xa lạ, nhưng chưa chắc đã làm được những việc tương tự cho những anh chị em đang hằng ngày sống bên cạnh chúng ta. Chúng ta có thể nói lời tha thứ cho những người ít có tương quan mật thiết với chúng ta, trong khi, lại khó nói lời thứ tha cho những người thân trong gia đình. Như người Việt Nam có câu: “Làm phúc nơi nao, cầu ao rách nát” là vậy.

Tâm tình :
Lạy Chúa Giê su, chúng con thường sống theo bản năng tự nhiên: hay xét đoán, thích lên án người anh em, khó khăn khi tha thứ và do dự khi cho đi. Chớ gì trong Mùa Chay này, chúng con khiêm tốn nài xin Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu ban cho chúng con ơn biết nhận ra con người thật của mình để có thể thay đổi đời sống. Những gì chưa phù hợp với thánh ý Chúa, xin Ngài hãy biến đổi, để chúng con có thể trở nên con người mới trong Chúa Kitô. Xin Chúa nhân từ tha thứ cho chúng con. Xin cũng giúp chúng con đáp trả bằng cách bày tỏ lòng nhân từ với nhau. Amen.

Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

Biến đổi cuộc đời


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Mc 9,2-10


Một nhà giáo dục nổi tiếng người Pháp đã tâm sự về cuộc đời của ông như sau: Khi còn trẻ, tôi có tinh thần cách mạng và mỗi khi cầu nguyện, tôi luôn cầu xin Chúa một điều là: "Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi thế giới này" 

Khi đã lớn tuổi và nhận thấy gần quá nửa đời người trôi qua mà tôi không thay đổi được một người nào hết, nên tôi đã thay đổi lời cầu nguyện của tôi như sau: "Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi những người trong gia đình của con.” 

Giờ đây tôi đã già nua và những ngày còn lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nên lời cầu nguyện của tôi lại được thay đổi một lần nữa như sau: "Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi chính mình con".
Và ông kết luận : Nếu tôi biết cầu nguyện như thế này từ ngày còn trẻ thì tôi đã không uổng phí cả cuộc đời.

Chúa Giêsu biến hình một khoảnh khắc thoáng qua. Cuộc biến hình trọn vẹn qua mầu nhiệm Phục sinh. Đây là cuộc biến hình ngàn thu. Cuộc biến hình này là căn tính niềm tin của những người theo Chúa. Chỉ qua Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu và ở trong Chúa Giêsu chúng ta sẽ được biến hình liên lỉ, mỗi ngày một đẹp hơn, thánh thiện hơn trong ân sủng dồi dào của Người.
Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây :

Chúa nhật 25/02/2018 - Tuần 2 MC
Lời Chúa : Mc 9,2-10

2 Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. 3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. 4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. 5 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." 6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. 7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người." 8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.

9 Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. 10 Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu "từ cõi chết sống lại" nghĩa là gì.

Chúa biến hình, tỏ cho các môn đệ nhận ra căn tính thật và vinh quang của Người và mạc khải Người là Con Thiên Chúa Cha. Vì thế, ai cũng phải vâng nghe lời Người để được chia sẻ vinh quang phục sinh của Người. 
Chúa Giêsu đã cho ba môn đệ trải qua kinh nghiệm về hình ảnh vinh quang của Người để giúp họ học hỏi và sống đời sống chứng nhân sau này. 
Chẳng ai gặp Thiên Chúa thực sự mà lại không biến hình. Ðời sống kết hiệp thực sự với Thiên Chúa làm cho người Kitô hữu tỏa sáng rực rỡ. Biến hình không phải là trở thành cái gì khác mình,như Tôn Ngộ Không với các trò biến hóa. Biến hình là trở lại với cái tôi sâu thẳm của mình:tôi là con yêu dấu của Thiên Chúa. Từ khi chịu phép Thánh Tẩy, chúng ta đã bước vào một cuộc biến hình, từ từ và liên tục.

Tâm tình :
Lạy Chúa Giê su, cuộc đời này có quá nhiều đau khổ, đau khổ ngoài thân xác lẫn trong tâm hồn mỗi người. Đau khổ hiện lên trên những đôi bàn tay sần sùi và chai sạn, hằn lên trên những vầng trán suy tư và thao thức, in dấu trên những khuôn mặt đăm chiêu và lo lắng của chúng con. Đau khổ không chỉ bởi vì kiếp nhân sinh, mà còn đau khổ vì sự bách hại dưới nhiều hình thức, bởi vì chúng con mang danh là Kitô hữu. Trước những “thánh giá” chất chồng như thế, chúng con khao khát được Chúa hiển dung cho chính mình để chúng con được an ủi, được củng cố niềm tin, được khích lệ mà vững tâm tiến bước giữa những khó khăn và thách đố trong đời sống hằng ngày.

Xin Chúa Giêsu giúp chúng con biết học theo gương mẫu của Chúa, để chúng con được hiển dung với Ngài ngay trong hiện tại, được trở nên ánh sáng đức tin cho mọi người chung quanh, nhất là được trở nên sáng láng trong hạnh phúc Thiên Đàng mai sau. Amen.

Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2018

Điều khó nhưng không thể không làm được


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Mt 5, 43-48

Truyện Liễu Thị Xuân Thu có kể lại một câu chuyện như sau: Đời nước Tề, có một người nằm mơ thấy có người đem gươm vào nhà ông mắng chửi rồi giận dữ bỏ đi. Ông ta giật mình tỉnh dậy nhưng không tài nào ngủ lại được nữa. Sáng hôm sau ông nói với một người bạn: từ thủa nhỏ tới giờ, tôi vốn là người trí dũng. Đến nay 80 tuổi tôi chưa hề bị ai làm nhục. Thế mà đên qua có người đến làm nhục tôi. Tôi cảm thấy bức rức và cố tìm gặp được người đó, bằng không tôi phải chết mất.

Thế là ngay sáng hôm ấy, ông cùng người bạn đi tìm kẻ thù đã khiêu khích mình. Năm ngày trôi qua, nhưng ông vẫn chưa tìn được kẻ thù. Tức tối vì bị kẻ thù làm nhục, hâm hực vì không tìm được kẻ thù, ông về nhà mất ăn mất ngủ mà chết.

Cicéron diễn giả La Mã nói: “con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình”. Đúng thế, con người tự tạo ra cho mình kẻ thù rồi tự tiêu diệt chính mình.
Mời Bạn nghe Lời Chúa sau đây :

Thứ bảy 24/02/2018 - Tuần 1 MC
Lời Chúa : Mt 5, 43-48 

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện.”


Sự thường ở đời, mến người dễ mến, yêu người đáng yêu, thương người thương mình thì rất dễ; nhưng yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho người làm hại mình lại quá khó. Thế mà, Chúa Giêsu lại yêu cầu những ai tin vào Ngài phải vượt qua lối hành xử thường tình đó để luôn sống yêu thương theo gương của Thiên Chúa là Cha. Hơn nữa, chính bản thân Chúa Giêsu cũng đã sống trọn vẹn lời kêu gọi này. Ngài chấp nhận chết vì nhân loại tội lỗi và tha thứ cho những kẻ đã làm khổ và giết chết Ngài. Thế...
Kẻ thù là người thế nào mà ta phải ghét, ta phải trả thù?
thưa: Đó là kẻ đã làm hại mình, hại gia đình mình, hoặc hại dòng họ, đất nước, hay tôn giáo mình. Quan niệm này dường như đã thắng thế từ xưa đến nay và đó là sự công bằng, phải trả lại cho họ những gì mà họ đã gây ra. Luật cũ đã cho phép báo thù có giới hạn bằng luật: “Mắt đền mắt, răng đền răng”, tức có quyền báo thù chỉ ở mức tương xứng điều mình bị thiệt hại.

Nhưng người đời cũng có câu “oan oan tương báo, dĩ hận miên miên” (nỗi oán thù không dứt, hận thù sẽ đời đời). Và cũng có câu “lấy oán báo oán, oán nghiệp trùng trùng. Lấy ơn báo oán, oán nghiệp tiêu tan”. Những câu này muốn khuyên con người hãy cố gắng xóa bỏ hận thù với nhau.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng nói yêu mến kẻ thù và cầu nguyện cho người mình không ưa không thích thì dễ dàng. Nhưng để thực hành trong đời sống đức ái thì quả không dễ dàng đơn giản. Vì chúng con vẫn là những con người đầy tự ái khó có thể hạ mình để nói lời xin lỗi, tha thứ. Xin cho chúng con biết nhìn lên Thánh giá Chúa để học được bài học yêu thương tha thứ của Chúa để chúng con thực hành sống “Đức Ái trong Đức Tin” trong cuộc sống hằng ngày.

Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

Yêu như thế nào ?

Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Mt 5, 20-26

Phúc đức đến từ thiện lương

Walter Salles là đạo diễn phim nổi tiếng người Brazil. Trong một lần chuẩn bị cho bộ phim mới của mình, Walter đã tới vùng ngoại ô ở phía Tây thành phố. Và tại đây, khi đứng trên quảng trường trước nhà ga thì ông gặp một cậu bé đánh giày khoảng hơn 10 tuổi
Cậu bé hỏi:“Thưa ông, ông có muốn đánh giày không ạ?”
Walter cúi đầu nhìn đôi giày da bóng loáng dưới chân mình rồi lắc đầu từ chối. Khi ông vừa quay người bước đi thì đột nhiên cậu bé gọi từ phía sau. Khuôn mặt cậu bé đỏ ửng, ánh mắt nhìn ông như đang van nài: “Ông ơi, cả ngày hôm nay cháu chưa được ăn gì cả, ông có thể cho cháu mượn chút tiền không ạ? Từ ngày mai cháu sẽ đánh giày chăm chỉ hơn, đảm bảo là sau một tuần cháu sẽ trả lại tiền cho ông!”
Walter động lòng trắc ẩn, ông bèn lấy ra vài đồng xu đặt vào tay cậu bé. Cậu bé rối rít nói lời cảm ơn rồi chạy vụt đi.
Walter lắc đầu, những đứa trẻ sành sỏi sự đời như thế ông đã gặp nhiều rồi. Và rồi ông lại cuốn vào vòng xoáy bận rộn với bộ phim mới nên cũng quên luôn chuyện cậu bé mượn tiền.
Bẵng đi một thời gian, ông lại có dịp đi qua nhà ga ở ngoại ô phía Tây thành phố. Bỗng nhiên một bóng dáng gầy guộc và nhỏ bé vẫy gọi ông từ xa: “Ông ơi, ông đợi một chút ạ!”
Tới khi cậu bé mồ hôi nhễ nhại chạy đến đưa cho ông vài đồng xu thì Walter mới nhận ra đó là cậu bé đánh giày ngày nào.
Cậu bé thở hổn hển: “Ông ơi, cháu đợi ông ở đây lâu lắm rồi, hôm nay cuối cùng cháu cũng trả lại tiền cho ông!”
Walter cầm đồng xu ướt nhẹp mồ hôi, đột nhiên trong lòng ông trào lên một luồng hơi ấm áp. Ông đặt các đồng xu vào tay cậu bé, cười và nói với cậu rằng: “Ngày mai cháu tới văn phòng công ty điện ảnh ở trung tâm thành phố tìm ông nhé, ông sẽ dành cho cháu một điều bất ngờ”.
Hôm sau, nhân viên công ty điện ảnh nói với Walter rằng trước cửa có một vài đứa trẻ mặc quần áo rách rưới đang đứng đợi. Cậu bé đánh giày nhìn thấy Walter bèn chạy đến và vui vẻ thưa rằng: “Thưa ông, các bạn ấy đều mồ côi lưu lạc giống như cháu, các bạn ấy cũng hy vọng có được niềm vui bất ngờ ạ!”
Walter không thể ngờ rằng một đứa bé vô gia cư nghèo khó lại lương thiện đến thế. Vì vậy ông đã quyết định chọn cậu bé đánh giày làm diễn viên chính trong bộ phim mới của mình. Ông đã giải thích lý do cậu được miễn thi tuyển như sau: “Vì sự lương thiện của mình, cháu không cần phải thi sát hạch!”
Thiện lương với người khác cũng là thiện đãi với chính mình
Một vị doanh nhân thường lặng lẽ gửi tiền ủng hộ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù vậy, ông không bao giờ xuất hiện mà luôn nhờ người khác liên hệ giúp mình, bởi ông không muốn các em biết mình là ai.
Có người không hiểu hỏi nguyên cớ vì sao, ông đáp: “Một là để giữ gìn sự tôn nghiêm cho các em, để các em được giúp đỡ với lòng tự tôn. Hai là để các em không mang gánh nặng tư tưởng khi nghĩ tới việc báo đáp tôi thế nào”.

Người ấy vẫn không hiểu, lại hỏi rằng: “Thế anh mong cầu điều gì?”

Ông nói:“Nếu chỉ để mong cầu thì có lẽ tôi đã không làm việc ấy. Những năm qua công ty tôi làm ăn khá thuận lợi, từ công ty nhỏ thành công ty lớn, từ công ty yếu thành công ty mạnh. Tôi luôn tự hỏi, phải chăng đó là ưu ái mà ông Trời dành cho mình? Bởi vậy, tôi làm chút việc tốt không phải vì muốn nổi danh, mà chỉ là để mình xứng đáng hơn”.

Điều này Chúa Giê su đã từng dạy những ai muốn làm môn đệ của Ngài. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây :

Thứ sáu 23/02/2018 - Tuần 1 MC
Lời Chúa : Mt 5, 20-26

20 Hôm ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
21 “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng : Chớ giết người ; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. 22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. 23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, 24 thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. 25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. 26 Thầy bảo thật cho anh biết : anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.”

Xã hội muốn trật tự tốt đẹp, cần có những luật lệ. Con người sống trong xã hội cần tuân giữ những luật lệ ấy. Người tử tế là người biết giữ luật cho mình và cho người khác. Luật lệ giúp con người lớn lên và trưởng thành hơn. Thông thường, khi chu toàn những luật lệ, con người hay có thái độ tự mãn. Đây cũng là thái độ của những Kinh sư và Pharisiêu mà Chúa Giêsu nhắc đến trong Tin mừng hôm nay. Họ tuân giữ luật cách chặt chẽ và tỉ mỉ, xem mình công chính hơn những người khác. Giữ luật như thế chưa phải là phong cách của công dân nước Trời. Chúa Giêsu dạy lề luật quan trọng nhất mà con người cần phải tuân giữ đó là luật tình yêu. Do đó, người môn đệ của Chúa không giữ luật vụ hình thức, nhưng trong tình yêu, quảng đại và hiến thân. Chúa đã đưa lề luật trở về với đúng chức năng của nó và mời gọi ta hãy sống một đời sống mới trong tình yêu.

Sống đạo là sống trong tình yêu. Chính tình yêu sẽ giúp ta chu toàn lề luật cách trọn hảo. Ước chi hằng ngày, hàng tuần ta đến nhà thờ tham dự thánh lễ với tất cả tình yêu và ý thức, nhờ đó, ta mang tình yêu Thiên Chúa vào cuộc sống hằng ngày qua từng ánh mắt, nụ cười và cách đối xử với người khác.

Lạy Chúa, Chúa muốn lòng nhân từ chứ không cần hy tế. Xin Chúa đốt lửa tình yêu trong lòng chúng con, giúp chúng con sống yêu thương từng giây phút đối với những người xung quanh chúng con. Xin Chúa biến đổi cả cuộc đời chúng con thành lễ dâng tình yêu đẹp lòng Chúa. Amen.


Thứ Năm, 22 tháng 2, 2018

Đáp lại lời mời cao quý


Tiến sĩ ngành hàng không vũ trụ trở thành nữ tu dòng kín
Thứ ba - 25/07/2017 16:39
Việc một nữ tu trẻ tuổi của dòng Thánh Nhan ở Ấn Độ mới đây đạt được học vị tiến sĩ chuyên ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ cho thấy đi theo ơn gọi vẫn có thể theo đuổi giấc mơ “vươn đến những vì sao”.

Ở phương Tây, việc nữ giới vắng mặt trong các lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) hiện vẫn là thách thức trong nỗ lực vươn đến vị thế bình đẳng cho phái yếu trong thế giới ngày nay. Đó là lý do các nước phát triển tiếp tục kêu gọi phụ nữ tham gia nhiều hơn vào những lĩnh vực này, và tạo ra nhiều cơ hội về mặt nghề nghiệp cũng như tài chính để nữ giới không còn là thiểu số trong STEM. Tuy nhiên, có một số ngoại lệ đầy thú vị, đặc biệt lại xảy ra ở những nơi không thể ngờ tới: dòng kín. Theo trang tin Crux, một phụ nữ Ấn Độ, 34 tuổi, đã nhận được sự tưởng thưởng đông đảo từ dư luận, không chỉ bởi vì cô có bằng tiến sĩ ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ của Viện Quốc phòng về Công nghệ Tối tân danh giá tại quốc gia Nam Á này, mà còn vì đây là một nữ tu Công giáo.

Viện nghiên cứu trên thật sự không phải là nơi thừa thãi phụ nữ, do chuyên đào tạo sĩ quan cho các lực lượng vũ trang, hiến binh, cung cấp nhân lực cho những tổ chức quân sự, các nhà máy sản xuất vũ khí và những cơ quan ban ngành trung ương lẫn cấp tỉnh của Ấn Độ. Thế nhưng, điều này không ngăn cản nữ tu Benedicta của dòng Thánh Nhan, tên khai sinh là Rochelle, chinh phục các lĩnh vực dường như chỉ dành cho phái mạnh. Chào đời tại Kuwait năm 1983, cô tốt nghiệp Đại học St. Xavier ở Mumbai, Ấn Độ và tiếp tục lấy bằng thạc sĩ về kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Đại học Pune, trước khi đăng ký chương trình tiến sĩ của viện quốc phòng.

Công trình nghiên cứu của nữ tu tập trung vào các động cơ phản lực tĩnh siêu âm, thường được dùng trong các máy bay bội siêu thanh (tức có vận tốc gấp nhiều lần tốc độ âm thanh), cũng như các tàu vũ trụ. Trên lý thuyết, những phương tiện như vậy có thể rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển trên không, cho phép đến bất kỳ nơi nào trên thế giới trong vòng 90 phút. Trong khi con đường này chắc chắn sẽ dẫn đến một tương lai đầy hứa hẹn với mức lương cao ngất ngưởng, một bất ngờ đã xảy ra: cô Rochelle cảm nhận được ơn gọi thiêng liêng trong khi tham gia một sự kiện ở Pune. Sơ kể lại: “Tôi đã nhận được lời mời gọi của Chúa trong quá trình nghiên cứu ở bậc tiến sĩ”. Chính nhờ tình yêu với Chúa Giêsu và quyết định muốn dành cho Người sự ưu tiên trước hết, trên cả nỗ lực học tập, đã giúp cô “chạm đến tình yêu đối với Thiên Chúa, Ngài dẫn dắt mọi thứ”.

Thế là cô Rochelle quyết định bước vào đời sống của tu viện, và đi xa hơn nữa khi quyết định chọn một dòng kín. Sơ chia sẻ: “Gia đình tôi dù đã mơ hồ cảm thấy rằng tôi có thể gia nhập một dòng tu, nhưng khi biết tôi theo dòng kín, ai nấy đều bị sốc”. Trên thực tế, kể từ khi vâng theo ơn gọi, buổi lễ nhận bằng tiến sĩ chính là lần đầu tiên cô bước ra cổng tu viện. Nữ tu cho hay: “Tôi nhận được sự khuyến khích từ bề trên của mình, Mẹ Teresa Margaret, người cấp phép đặc biệt để tôi tham gia lễ tốt nghiệp”. Sơ Benedicta vào dòng nữ tu Cát Minh - Thánh Nhan ở Pune, thuộc tỉnh Maharashtra của Ấn Độ ngày 2.2.2015, đúng dịp lễ Lễ Đức Maria dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh.

Chi nhánh dòng Cát Minh - Thánh Nhan ở Bangalore đã gởi thư chúc mừng nữ tu Benedicta: “Sơ đã vinh danh cả dòng. Hồng ân Chúa tràn đầy với sơ”.
BẠCH LINH

Thiên Chúa đã kêu gọi và chọn những người theo Chúa. Vậy Chúa là ai mà uy quyền thế ? Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây :

Thứ năm 22/02/2018 - Lập tông tòa Thánh Phê rô
Phúc Âm: Mt 16, 13-20

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: "Người ta bảo Con Người là ai?" Các ông thưa: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó". Chúa Giêsu nói với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Chúa Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở". Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Ðức Kitô.
Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: "Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu". Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người".

Người môn đệ của Chúa là người Chúa chọn và người ấy đã đáp lại tiếng Chúa bằng cách từ bỏ mọi sự mà đi theo Chúa. Hai yếu tố không thể thiếu nơi người môn đệ là ơn Chúa và khả năng đáp trả của con người. Xét theo phương diện việc Thiên Chúa chọn Phêrô làm môn đệ thôi đã là liều lĩnh chứ chưa nói tới việc đặt Phêrô làm nền tảng xây dựng Giáo hội. Nhưng ở Phêrô có cái mà những người khác không có đó là lòng nhiệt thành và lòng yêu mến Chúa. Nhờ đó ơn Chúa được tỏ lộ đầy đủ nơi Phêrô.Câu trả lời của Phêrô là câu trả lời đích thực về bản chất của Đấng Kitô, nhưng Phêrô làm sao biết được nếu Chúa Cha không ban ơn cho Phêrô và Phêrô không để cho ơn Chúa hoạt động nơi ông. Một con người mỏng giòn, yếu đuối lại trở nên tảng đá xây dựng ngôi nhà Thiên Chúa, ơn Chúa luôn thực hiện những việc lạ lùng.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa thiết lập Hội Thánh trên nền đá vững bền là lời tuyên xưng đức tin của Thánh Tông Đồ Phêrô. Xin gìn giữ Hội Thánh khỏi nao núng giữa cảnh đời thử thách gian nan.

Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

Sa đọa có thể dẫn tới diệt vong


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Lc 11,29-32


Dâm loạn và sự diệt vong của Babylon cổ đại 

Babylon cổ đại được xây dựng vào khoảng hơn 3000 năm trước. Thời ấy, Babylon cổ đại là quốc gia có nền văn minh phát triển cao độ. Nhưng xét về mặt đạo đức, thì các quy phạm xã hội của thời ấy vô cùng kỳ quái và dâm loạn.
          Theo ghi chép trong “Thánh Kinh”, Babylon được mô tả giống hệt như một khu vực dâm đãng. Babylon bị coi là điển hình tiêu biểu cho sự bại hoại về đạo đức nhân loại. Điều này một phần là do chế độ đặc thù trong nước tạo ra.
          Theo Herodotus – nhà sử học người Hy Lạp ghi chép lại thì trong cuộc đời, mỗi một người phụ nữ Babylon đều phải đến miếu thờ thần Aphrodite làm gái mại dâm đền thánh, giao hợp với một số người đàn ông xa lạ. Nhưng những cô gái ở trong miếu này không bị người đời coi là kỹ nữ mà ngược lại còn được coi là thế nhân của thần thánh. Họ được coi là những người thay mặt nữ thần Aphrodite hành dâm trong miếu thờ.
        Có ghi chép nói rằng, người Babylon có một phong tục, theo đó buộc mọi người phụ nữ phải ngồi trước đền thờ thần Aphrodite và quan hệ tình dục với những người xa lạ, bất kể người đó giàu nghèo ra sao. Sau đó, những người đàn ông sẽ đi qua để chọn bạn tình. Người phụ nữ không được phép về nhà khi chưa có người đàn ông nào chịu ném tiền vào trong vạt áo của cô ta và quan hệ với một người đàn ông nào đó bên ngoài đền thờ. Họ không được phép từ chối bất cứ người đàn ông nào bởi thế bị coi là tội ác.
         Babylon ngoài việc có thánh kỹ ra còn có kỹ nữ chính thức. Cho dù là một cô gái bình thường thì tư tưởng tình dục cũng rất phóng khoáng. Thời ấy, quan hệ tình dục trước hôn nhân cũng rất phổ biến, nhưng một khi đã kết hôn thì nhất định phải tuân thủ chế độ một vợ một chồng.
        Hơn nữa, sau khi kết hôn phụ nữ phải thể hiện mình là người tuyệt đối chung thủy với chồng. Nếu người phụ nữ có chồng mà có quan hệ ngoài hôn nhân thì sẽ bị xử phạt, nặng thì bị xử chết. Thậm chí có học giả cho rằng, người Babylon mỗi ngày đều sống trong dâm dục, đàn ông mỗi ngày đều đến miếu thần tìm kỹ nữ hành dâm.
       Bởi vì toàn xã hội đắm chìm trong bể dâm dục khiến cho người Babylon ở các giai tầng đều không còn quan tâm đến sự an nguy của đất nước, sự xâm chiếm của ngoại tộc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến họ dễ dàng bị người Ba Tư chiếm và dẫn tới bị diệt vong.

Ngày nay sự dâm loạn cũng xảy ra không kém thời Babylon xưa. Liệu con người mải sống trong những hành vi dâm dục ấy thì liệu có bị diệt vong hay không ? Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây :

Thứ Tư 21/02/2018 - Tuần 1 Mùa Chay
Lời Chúa: Lc 11,29-32

29 Khi dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giêsu bắt đầu nói: "Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna. 30 Quả thật, ông Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. 31 Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn; mà đây thì còn hơn vua Salômôn nữa. 32 Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ninivê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, những Luật sĩ và Biệt phái đến xin Chúa Giêsu cho họ thấy một dấu lạ không hẳn là những đối thủ của Ngài. Nhưng điều Ngài muốn họ phải tẩy sạch khỏi não trạng là những định kiến qua đó họ vẽ sẵn một khuôn mặt, một hình ảnh Đấng Cứu Thế và họ đòi buộc Chúa Giêsu phải mang lấy và phải hành động rập theo khuôn mặt ấy.
        Nhưng ngược lại quan niệm của họ về một Đấng Cứu Thế oai hùng, đánh đuổi ngoại xâm và tái lập một nước Do Thái hùng mạnh, Chúa Giêsu muốn minh chứng Ngài là Đấng Cứu Thế qua một dấu lạ nhỏ bé khiêm tốn, yếu đuối: như tiên tri Giona nằm trong bụng cá, Chúa Giêsu cũng sẽ nằm trong lòng đất ba ngày ba đêm. Nhìn từ bên ngoài, đây là một dấu lạ thua thiệt, dấu hiệu của sự thất bại, nhưng Thiên Chúa đã dùng dấu hiệu đó để áp dụng định luật: nhu thắng cương, nhược thắng cường.
         Tìm những dấu lạ, tìm những dấu chỉ thời đại để củng cố niềm tin và sự hiện diện cứu rỗi của Thiên Chúa trong cuộc sống không phải là một điều sai lầm, nhưng còn là điều mà các Kitô hữu trưởng thành cần phải làm. Tuy nhiên, chúng ta sẽ lạc lối nếu dõi theo vết xe cũ của Luật sĩ và Biệt phái giữ khư khư những định kiến và bắt buộc Thiên Chúa phải hiện diện theo những khuôn mặt, hình ảnh chúng ta đã vẽ sẵn.
        Vì thế, chúng ta phải chú tâm tìm những dấu chỉ hiện diện của Thiên Chúa theo ý muốn của Ngài, chứ không phải theo quan niệm của chúng ta, nghĩa là chúng ta phải tìm gặp sự hiện diện của Ngài trong thân xác một người bị chết treo trên Thập giá như một tên tử tội và được chôn táng trong mồ như một người bại trận.

Lạy Chúa Giêsu, Mùa Chay luôn mời gọi chúng con trở về với Chúa. Trở về vì chúng con đang lạc xa tình Chúa. Trở về vì chúng con không còn ở bên Chúa. Chúng con đã bỏ Chúa, bỏ anh em để sống trong tội lỗi. Xin Chúa giúp chúng con biết tìm về chính mình là hình ảnh của Chúa, để chúng con sống liên kết với Chúa và tha nhân.

Lạy Chúa, bởi tính tự cao tự đại, bởi thói đạo đức giả hình, những người Biệt phái năm xưa đã không thể trở về với Chúa. Lòng tự cao tự đại đã đưa họ ra xa nguồn ơn cứu độ. Thói đạo đức giả hình đã biến lòng họ chai đá trong việc làm của mình. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết sống đơn sơ, khiêm nhường để chúng con luôn hoà nhã với mọi người, luôn khiêm nhu vâng lời để được Chúa chúc lành cho tuổi thơ chúng con. Xin cho chúng con luôn thành tâm đến với Chúa để nhận lãnh nguồn thánh ân đổi mới cuộc đời. Xin giúp chúng con biết sống chân thật với Chúa và với nhau để được sống tươi vui trong tình thương của Chúa và mọi người.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, xin tha thứ cho những lỗi phạm của chúng con. Xin giúp chúng con biết trở về sau những lần vấp ngã, và canh tân đời sống trong tinh thần Phúc Âm của Chúa. Amen


Thứ Ba, 20 tháng 2, 2018

Đừng nói nhiều lời


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Mt 6,7-15



Một bà mẹ kia, có một đức con trai duy nhất. Bà rất thương và cưng chiều con, vì thế mà cậu ta đâm ra hư hỏng. Mặc cho mẹ khuyên răn, la mắng, dọa nạt, nhưng cậu vẫn tật nào chứng đó. Cậu ăn cắp của mẹ, của hàng xóm để chơi bời, rượu chè. Tệ hơn nữa, cậu đốt cả nhà, đánh cả mẹ.
Bà mẹ buồn quá, đến xin Cha giải tội giúp. Cha khuyên bà hãy siêng năng tham dự Thánh lễ, rước lễ cầu nguyện cho cậu. Bà vâng lời, mỗi sáng bà dậy sớm, đến nhà thờ cầu nguyện, tham dự Thánh lễ với một niềm tin tưởng, cầu xin Chúa hoán cải con mình. Một thời gian sau, cậu ta lâm bệnh nặng, vì chơi bời quá độ, cậu ta mò về nhà với mẹ. Mẹ cậu vẫn kiên nhẫn chịu đựng và chăm sóc cậu. Cậu ta cảm động, khóc lóc và thú tội với mẹ. Cậu hỏi : “Tại sao mẹ không bỏ con?”.
Bà mẹ đáp : “Chính vì mẹ đã cầu nguyện, tham dự Thánh lễ mỗi ngày, nên mẹ mới đủ nhẫn nhục để xin Chúa hoán cải con”.
Giờ đây, cậu ta lòng đầy hối hận và chua xót, cậu hứa với mẹ sẽ bỏ rượu chè, tật xấu và làm lại cuộc đời. Sau khi khỏi bệnh, cậu ta đã thay đổi hẳn đời sống, cậu chăm chỉ cầu nguyện, tham dự Thánh lễ và trở thành một giáo dân gương mẫu.

Các em thân mến, người con trong câu truyện trên đây là người đầy tội lỗi, sa đọa đã được ơn hoán cải nhờ người mẹ kiên trì cầu nguyện.

Như thế, cầu nguyện rất quan trọng và cần thiết cho đời sống. Chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện liên lỉ và Ngài là mẫu gương cầu nguyện cho ta như trong bài Tin Mừng chúng ta sắp nghe. Giờ đây, mời Bạn cùng tôi lắng nghe Lời Chúa sau đây :

Thứ Ba  20/02/2018 - Tuần I Mùa Chay
Lời Chúa: Mt 6, 7-15

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ đến chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen. “Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Ðấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con”.

Đọc Kinh Thánh chúng ta thấy Chúa Giêsu luôn nêu gương mẫu cầu nguyện. Ngài xa tránh đám đông dân chúng để cầu nguyện. Chúa cầu nguyện mỗi khi có chuyện gì quan trọng, chẳng hạn trước khi lựa chọn các môn đệ, trước khi lập Bí tích Thánh Thể. Chúa cầu nguyện ở vườn cây dầu. Chúa cầu nguyện với Thiên Chúa Cha. Chúa cầu nguyện cho các môn đệ của Chúa.

Chính Chúa nói cần phải cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ. Chúa đã đề ra những cách thức phải cầu nguyện làm sao: cầu nguyện nơi kín đáo, cầu nguyện khiêm nhường, cầu nguyện với lòng tin, cầu nguyện chung nhau hai ba người họp lại. Bài Tin Mừng hôm nay còn cho chúng ta một điểm nữa khi cầu nguyện là “chớ có lải nhải nhiều lời như dân ngoại.” Sở dĩ Chúa đưa ví dụ này ra là vì các thầy Biệt phái đã làm sai mục đích việc cầu nguyện, và họ gán cho việc cầu nguyện có một giá trị như cái máy, hễ đọc lên là được ơn, không kể gì đến nội tâm cõi lòng. Nhưng Chúa nhấn mạnh đến tâm hồn.

Cho nên, đọc kinh mà thôi chưa đủ, phải khẩu tụng tâm suy và sống nữa. Chúa Giêsu đã mấy lần cảnh cáo con người chỉ có bên ngoài môi miệng: miệng đọc “Lạy Chúa” mà lòng cách xa. Vì thế, Chúa nói khi cầu nguyện thì đừng có nhiều lời lải nhải như một con vẹt hay một chiếc máy ghi âm. Chúng ta nên nhớ một điều là đừng hiểu lầm “cầu nguyện lải nhải lắm lời” với kiểu cầu nguyện kiên nhẫn của Chúa đề ra. Xin nhớ rằng không bao giờ Chúa cấm hay lên án cầu nguyện dài hay lâu giờ. Trái lại, Chúa còn dạy cầu nguyện luôn luôn nữa là khác. Nhưng Chúa nói là cầu nguyện phải có miệng lưỡi và tấm lòng đi với nhau. Vì thế, Chúa không muốn chúng ta cầu nguyện mà lòng rỗng tuếch mà nhiều lời vô ích.

Lạy Chúa là Cha chúng con, xin Chúa nối kết trái tim con với Chúa và với mọi người. Xin Chúa mở rộng trái tim của bao người cơm no áo ấm để họ đón nhận anh chị em nghèo khó vào trái tim thịt mềm của họ. Và xin cho con trong Năm thánh này biết cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc… và lấy lời lành mà khuyên người, an ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể con, nhịn kẻ mất lòng con… Amen.

Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Sống là CHO...


Kết quả hình ảnh cho suy niệm lời chúa Mt 25, 31-46

Thế kỷ XIX, những người mắc bệnh phong bị chính quyền đày ải cách không thương xót ra Molakai, một hòn đảo ở ngoài khơi Thái Bình Dương. Họ phải sống trong một tình cảnh khốn khổ, và bị cô lập khỏi thế giới.
      Cảm thương trước tình cảnh bơ vơ của họ, vào năm 1872 cha Đa-miêng, dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria, là người đầu tiên tình nguyện đi đến hòn đảo Molakai để phục vụ họ. 
Dần dần cha Đa-miêng đã chiếm được tình cảm của những người phong cùi. Cha mời các nữ tu đến làm việc và lòng quảng đại của ngài đã khiến cả thế giới biết đến nơi này… 
      Cha Đa-miêng đã phục vụ tận tình các bệnh nhân tại đây suốt 17 năm, kể cả lúc đã bị lây bệnh, cho đến khi qua đời năm 1889 khi mới 49 tuổi.
Ngài được suy tôn chân phước ngày 04.06.1995, và được suy tôn hiển thánh ngày 11.10.2009.Báo Times viết về ngài : “Vị linh mục Công giáo nầy đã trở thành một người bạn thân của toàn thể nhân loại…Việc Ngài thực hiện Phúc Âm của Thầy mình một cách dũng cảm khiến cho người ta sùng kính và nhớ đến Ngài mãi mãi…”.

Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây :

Thứ hai 19/2/2018 - Tuần 1 Mùa chay
Lời Chúa : Mt 25, 31-46

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: ‘Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta’.
Khi ấy người lành đáp lại rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?’ Vua đáp lại: ‘Quả thật, Ta bảo các ngươi: Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta’.
“Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: ‘Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!’
Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?’ Khi ấy Người đáp lại: ‘Quả thật, Ta bảo cho các ngươi biết, những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta’. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu”.


Ngày phán xét, Đức Giêsu không hỏi ta đã thực hiện được những công trình vĩ đại nào, nhưng trước tiên Người hỏi mỗi người đã làm được việc gì cho Chúa, những công việc làm cho “một trong những anh em bé nhỏ nhất của Chúa” đang ở ngay bên cạnh, chia sẻ cuộc sống hằng ngày với chúng ta. Những công việc bé nhỏ, làm cho những con người bé nhỏ, lại được Chúa đền bù bằng phần thưởng vô cùng lớn: “Hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dành sẵn từ tạo thiên lập địa”.
Con người hồi hộp và lo sợ khi phải ra trước tòa án, vì không biết chánh án dựa vào đâu để xét xử. Người Công Giáo sẽ không ngạc nhiên khi ra trước Tòa Phán Xét vì họ đã biết rõ tiêu chuẩn Thiên Chúa dùng để phán xét con người: Những gì làm cho tha nhân là làm cho Thiên Chúa.

Hãy yêu thương nhau không bằng lời nói, mà bằng việc làm. Hãy yêu thương nhau bằng tay mặt mà tay trái không biết. Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng con. Có loại bác ái ồn ào, đó là bác ái kể công. Bác ái kể công là bác ái tìm cái vinh quang mau qua. Có loại bác ái yêu người, vì họ là hình ảnh của Chúa Kitô. Ðó là bác ái cao thượng và siêu nhiên. Có loại bác ái theo ý riêng, đó là bác ái độc tài, bác ái của nhãn hiệu, bác ái của giả hiệu.

Lạy Chúa Giê su, xin cho chúng con sống yêu Chúa và anh chị em một cách thiết thực hơn, cụ thể trong cuộc sống hằng ngày. Xin thương giúp con nhìn thấy dung mạo của Chúa nơi anh chị em, và yêu thương phục vụ họ hết lòng, phục vụ vì Chúa.

Chủ Nhật, 18 tháng 2, 2018

Hối tiếc


Bạn tiếc nuối điều gì nhất trong suốt quãng đời sinh viên của mình? - Ảnh 5.
Đừng để sau này rồi mới trải nghiệm

"Tôi vừa mới đọc được ở đâu đó bảo rằng cuộc đời là một cuốn sách, và ai không du lịch sẽ chỉ đọc được 1 trang. Vậy thì có lẽ cuộc đời của chị mới chỉ có 1 trang rồi… Tốt nghiệp với tấm bằng giỏi và vừa mới kiếm được 1 công việc ổn định, tôi sẽ chẳng có gì tiếc nuối quãng đời sinh viên ngoại trừ những chuyến du lịch hay cuộc vui chưa bao giờ thành hiện thực. Hồi sinh viên, có thời gian và bạn bè thì không đi vì sợ và ngại, để qua 4 năm nhìn lại, trải nghiệm thời sinh viên của mình ngoài ăn học, làm thêm thì chắc là một trang giấy trắng tinh tươm…
Tính tôi thì hay ngại, ngại nắng ngại nóng, ngại khói bụi ngại mệt mỏi, ngại tốn kém, nói chung là cũng ngại đủ thứ. Học xong ở trường là về nhà, hiếm khi đi chơi tối, mà tôi cũng ít khi đi chơi lắm. Mấy khu hot hot giới trẻ hay đi thì tôi chẳng bao giờ biết cả, hàng quán café hay chỗ ăn uống nào đó chị mù tịt. Tôi ở Hà Nội hơn 22 năm rồi mà còn chẳng thuộc đường bằng mấy đứa bạn trọ ở đây. Rượu bia chẳng dám thử, bar pub cũng chưa bao giờ dám mó chân vào, dù tôi biết là chúng chẳng hề xấu. Tôi ở với bố mẹ, nhà có 1 cô con gái nên bị quản lý rất kỹ, muốn đi đâu cũng phải xin phép từ trước mấy ngày, mà lần nào xin là cũng bị bố mẹ "ca" 1 bài rằng ngoài kia nguy hiểm lắm con ơi, bị bắt cóc bán sang TQ, tai nạn giao thông, đường lở, tàu chìm… lâu dần nghe nhiều chị cũng đâm ra nản và … sợ luôn, không dám đi đâu xa cả. Hồi đó tôi tự nhủ bao giờ ra trường, nhiều tiền hơn và không bị quản lý nữa thì mình đi cũng không muộn.
Bây giờ đi làm đã rủng rỉnh hơn, bố mẹ không quản lý kỹ như hồi xưa nữa thì tôi lại chẳng có thời gian. Bình thường 6,7h tối mới xong việc, mà hôm nhiều việc thì 8,9h mới về nhà là chuyện bình thường. Được 2 ngày nghỉ cuối tuần, tôi chỉ muốn nghỉ ở nhà chứ chẳng muốn đi đâu nữa cả. Thế nên bây giờ muốn đi đâu xa xa 4,5 ngày tôi cũng chịu. Với cả cũng không còn ai để đi cùng: bạn bè ĐH mỗi đứa một nơi, bọn thân cũng bận công việc riêng, bạn đồng nghiệp thì chỉ ở mức xã giao vừa phải. Nghĩ đến cảnh mấy năm nữa lấy chồng rồi vướng bận gia đình, con cái, sự nghiệp, tôi lại tiếc nuối quãng thời gian sinh viên, có cơ hội được thảnh thơi chơi bời, dù ít tiền dù khổ 1 tí nhưng được đi cùng bạn bè thì chắc cũng vui lắm. Nếu như hồi ấy dám gạt hết nỗi lo sợ, ngại ngần thì có phải mình đã có bao nhiêu trải nghiệm và kỷ niệm đáng nhớ rồi không!!!"

Qua câu chuyện trên đây, ta đã thấy có rất nhiều bạn trẻ nuối tiếc hối  hận vì đã chủ quan không nghĩ đến tương lai nên bỏ phí thời gian. Đó cũng là người mà Chúa gọi là vô dụng vì không biết sinh lợi những nén bạc. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây :

Chúa nhật 18/2/2018 - Tuần I Mùa chay
Phúc Âm: Mt 25, 14-30

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: "Có một người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông. Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tuỳ theo khả năng của mỗi người, đoạn ông ra đi.
"Người lãnh năm nén bạc, ra đi và dùng tiền ấy buôn bán làm lợi được năm nén khác. Người lãnh hai nén cũng đi làm lợi được hai nén khác. Còn người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn giấu tiền của chủ mình.
"Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ ấy trở về và đòi họ tính sổ. Vậy người lãnh năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng: "Thưa ông, ông trao cho tôi năm nén bạc, đây tôi làm lợi được năm nén khác". Ông chủ bảo người ấy rằng: "Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi". Người đã lãnh hai nén bạc cũng đến và nói: "Thưa ông, ông đã trao cho tôi hai nén bạc; đây tôi đã làm lợi được hai nén khác". Ông chủ bảo người ấy rằng: "Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi".
"Còn người lãnh một nén bạc đến và nói: "Thưa ông, tôi biết ông là người keo kiệt, gặt nơi không gieo và thu nơi ông không phát: nên tôi khiếp sợ (mà) đi chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Ðây của ông, xin trả lại cho ông". Ông chủ trả lời người ấy rằng: "Hỡi đầy tớ hư thân và biếng nhác, người đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát: vậy lẽ ra người phải giao bạc của ta cho người đổi tiền, và khi ta trở về, ta sẽ thu cả vốn lẫn lời. Bởi thế, các ngươi hãy lấy nén bạc lại mà trao cho người có mười nén. Vì người có sẽ cho thêm và sẽ được dư dật, còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng, các ngươi hãy ném nó ra ngoài vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng".

Suy niệm :
Người quản lý trung thành không chỉ biết cất giữ tài sản của chủ, mà còn biết sinh lợi nó theo ý chủ mình. Trung thành lúc này có nghĩa là khôn ngoan, tháo vát. Chúa đòi hỏi những phẩm tính ấy khi ban cho con người những ơn huệ khác nhau trong đời sống cá nhân và xã hội. Ơn huệ ấy Chúa lại không ban một lần thay tất cả, nhưng từ ơn huệ này, ta trung thành sinh lợi sẽ đưa ta đến những ơn huệ khác liên hệ. Vấn đề không phải là chuyện được giao nhiều hay ít “yến bạc,” mà là tấm lòng yêu mến và trung thành của mỗi người đối với Thiên Chúa, và với tấm lòng ấy, mỗi người sẽ sinh lợi cho Ngài như thế nào. Phần thưởng chủ dành cho tôi tớ trung tín ấy là được Chúa tín nhiệm và giao phó nhiều tài sản lớn hơn trong Nước Chúa. 
Chúng ta sẽ không so đo, phân bì mình ít hơn người, người nhiều hơn mình. Vấn đề là ở chỗ mi sinh lợi thế nào với số “yến bạc” được giao, để cho thấy tấm lòng trung tín bạn với Chúa, cũng như để về sau Ngài sẽ giao cho bạn nhiều hơn. Ở đây không có chỗ cho sự ghen tỵ, vì ghen tỵ sẽ không cho phép bạn phát huy năng lực, nhưng bóp nghẹt năng lực ấy của bạn, và làm cản bước tiến của tha nhân.

Tâm tình :
Lạy Chúa Giê su, xin cho con biết đón nhận những nén bạc mà Chúa tặng ban, để con không còn buồn rầu than van, trách móc, nhưng biết sinh lợi tùy theo số bạc mà mình đã lãnh nhận. Amen