Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Tình yêu vượt trên mọi sợ hãi


Kết quả hình ảnh cho tin mừng Mt 8,1-4

Chữa người phong cùi

Cho đến thế kỷ 20, bệnh phong cùi vẫn còn là một huyền thoại đối với con người. Một bác sĩ làm việc tại một trại Y khoa bên Ấn Ðộ đã tình cờ khám phá ra rằng người mắc bệnh phong cùi không cảm thấy đau đớn trong những tế bào đã bị vi trùng xâm nhập. Ngày nọ, ông không thể mở được cửa phòng, ông mới trao chìa khóa cho cô bé 12 tuổi. Ông không ngờ nó đã vặn chìa khóa một cách dễ dàng. Xem xét những ngón tay của nó, ông nhận thấy chìa khóa đã làm mất đi một mảng thịt trong lòng bàn tay và chạm đến xương, thế mà nó không cảm thấy đau đớn.
         Nhờ khám phá này, viên bác sĩ đã giúp cho những người phong cùi biết cách đề phòng để tránh gây thương tích cho thân thể của họ. Ông đã giải phẫu những giây thần kinh của bàn tay và dạy họ cách điều khiển các cơ bắp của bàn tay. Ông cũng giải phẫu mũi của bệnh nhân để mang lại cho họ một gương mặt dễ coi hơn. Ngoài ra, ông cũng khám phá ra rằng những người mắc bệnh phong cùi dễ bị mù mắt, lý do vì họ không còn cảm nhận được đau đớn khi những chất dơ bẩn xâm nhập vào mắt, nhờ đó ông cũng giúp họ lo vệ sinh mắt một cách chu đáo hơn. Với những khám phá này, ông đã đánh đổ được huyền thoại cho rằng phong cùi là căn bệnh bất trị.
         Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đánh đổ được huyền thoại của người đương thời với Ngài về bệnh phong cùi. Thật thế, trong quan niệm của người Do Thái lúc đó, bệnh tật là một hình phạt trực tiếp của Thiên Chúa đối với tội lỗi của con người. Người mắc bệnh phong cùi là người đã từng mắc tội ác khủng khiếp đến độ đã bị Thiên Chúa trừng phạt nặng nề. Thế nên, khi bị đẩy ra bên lề xã hội, người phong cùi không những chịu đớn đau trong thân xác, mà còn phải gánh chịu sự tủi nhục do người đồng loại gây ra. Khi chữa lành người phong cùi, Chúa Giêsu muốn nói rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người và chính tình yêu là sức mạnh chữa trị bệnh tật cho con người.
        Sứ điệp ấy của Chúa Giêsu, trải qua các thế hệ, đã có biết bao nhiêu người chuyển đạt và thực thi cho những người phong cùi trên khắp thế giới. Những bàn tay săn sóc, những lời nói an ủi, và nhất là sự hiện diện chia sẻ bên cạnh các người phong cùi. Tất cả những cử chỉ ấy là để khẳng định với những người phong cùi rằng Thiên Chúa yêu thương họ.

Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm được rằng những đau đớn thân xác không xâu xé và đè bẹp con người cho bằng nỗi cô đơn và bị bỏ rơi. Bệnh phong cùi là tột điểm của nỗi cô đơn mà con người có thể rơi vào. Tựu trung, cô đơn cũng đồng nghĩa với vắng bóng tình yêu.
Không có cơ hội hoặc không đủ can đảm để phục vụ những người phong cùi, thì ít ra chúng ta xin Chúa cho chúng ta có thể mang lại sứ điệp yêu thương của Chúa đến mọi người, nhất là những ai đang sống trong cô đơn thử thách. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây :

Thứ sáu 30/6/2017 - Tuần 12 TN
Tin Mừng : Mt 8, 1-4

Khi Chúa Giêsu ở trên núi xuống, đám đông dân chúng theo Người. Có một người cùi đến lạy Người mà thưa rằng: "Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch". Chúa Giêsu giơ tay ra chạm đến anh ta và phán: "Ta muốn. Anh hãy lành bệnh". Tức thì anh ta liền lành khỏi bệnh phong cùi. Chúa Giêsu phán bảo anh ta: "Hãy ý tứ, đừng nói với ai. Hãy đi trình diện với tư tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng cho họ biết".

Thật ngạc nhiên, người phong hủi lại chạy đến với Chúa! Theo luật Do Thái thời Chúa Giê-su, người bị phung hủi phải ở riêng một nơi và không được có lều trại, đồng thời không được tiếp xúc với ai, thậm chí có người nào đến thì phải thét lớn tiếng để báo cho họ tránh xa. Vậy mà người phung hủi trong Tin Mừng hôm nay thật lạ lùng, anh chạy đến với Chúa Giê-su, chứ không lánh mặt Ngài. Tại sao vậy? – vì anh hết sức mong mỏi được chữa lành. Bị phung hủi, anh mất hạnh phúc, cuộc đời anh tàn lụi và bị cách ly khỏi thế giới con người. Sống giữa thế giới, nhưng thực ra, anh đang sống cô độc, mà cơn bệnh phung hủi đã cách ly anh với thế giới. Do đó, anh khát khao được chữa lành và đối với anh, chỉ có Chúa Giê-su mới là niềm hy vọng của anh. – Anh chạy đến vì anh tin tưởng vào lời Chúa hứa ban Đấng Mê-si-a cho thế giới. Đấng Mê-si-a sẽ rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khốn, trả tự do cho kẻ bị giam cầm, chữa lành những tâm hồn thương tích. Anh nghe biết Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a, nên anh chạy đến với Ngài. – Anh chạy đến với Chúa Giê-su vì tin tưởng Chúa yêu thương và chữa lành cho anh, dù rằng Chúa sẽ đòi buộc anh phải trở về và đừng phạm tội nữa hay yêu cầu anh hãy đi trình diện với các thầy tư tế. Anh chấp nhận thay đổi, miễn sao được Chúa chữa lành, tha thứ.

Lạy Chúa, qua việc chữa lành người phong hủi, con hiểu rằng Chúa muốn con sống hạnh phúc, sống khoẻ mạnh. Ngày nay, tuy Chúa không hiện ra để làm phép lạ chữa bệnh, nhưng Chúa vẫn âm thầm hiện diện và giúp cho ngành y khoa tiến bộ, để qua đó Chúa chữa lành bệnh tật cho chúng con. Con xin tạ ơn Chúa vô cùng.

Chúa ơi, trên thế giới này có bao người mắc phải những thứ bệnh ngặt nghèo, tiền mất mà bệnh vẫn mang. Cũng có nhiều người qua nghèo, không đủ tiền chữa bệnh. Cuộc sống của họ lây lất khổ đau. Con nguyện xin Chúa cho họ gặp được những người có lòng tốt giúp đỡ. Con cũng nguyện xin cho các bác sĩ , y tá, là những người trực tiếp phục vụ bệnh nhân, xin cho họ có tinh thần phục vụ vô vị lợi để xoa dịu nỗi đau của nhân loại. Và con nguyện xin Chúa chữa lành những người ốm đau trong gia đình con. Xin cho chúng con được sống mạnh khoẻ an vui.
Lạy Chúa Giêsu là Chúa của con, con xin phó thác trọn vẹn đời con trong tay Chúa. Amen.

Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

Chúa không thất vọng về con người



Kết quả hình ảnh cho tin mừng Mt 16,13-19


Thiên Chúa không thất vọng về con người


Văn hào Nga Dostoievski, với những tác phẩm nổi tiếng như Tội ác và Hình phạt, anh em nhà Karamazov, là người đã trải qua một cuộc đời đầy sóng gió. Sau một thời gian dài bị giam cầm vì lý do chính trị, ông bị kết án tử hình. Nhưng, như một phép lạ, vào giữa lúc sắp sửa bị hành quyết, ông bỗng nhận được lệnh tha. Người viết tiểu sử của ông kể lại như sau: Thời gian trong tù đã in đậm nét trên quãng đời còn lại của ông. Từ trên chiếc máy chém nhìn xuống đám người đang đứng dưới chân mình, ông chỉ còn thấy họ là những người bị áp bức, những người nô lệ đáng thương. Dù họ có phạm tội ác tày trời đi nữa, tâm hồn họ vẫn là tâm hồn của những con người vô tội, do đó đáng được sự tha thứ.
Khi bước xuống khỏi máy chém, Karamazov thấy mọi sự như vô nghĩa. Ðiều duy nhất còn có ý nghĩa đối với ông chính là tình yêu, và cho dù trong suốt 30 năm sau, cuộc đời của ông đắm chìm trong bùn nhơ của tội lỗi, của khốn khổ, của ô nhục, ông luôn nhìn mọi sự qua lăng kính của yêu thương. Một lần bị đưa lên máy chém ấy cho ông hiểu rằng con người đau khổ, tất cả mọi người đều đáng cảm thông, thương mến. Ðó là sứ điệp mà Karamazov công bố suốt cuộc đời của ông.
Cả cuộc đời của ông là một cố gắng không ngừng để diễn đạt câu nói: "Hỡi người anh em, không có gì có thể ngăn cản tôi yêu thương bạn". Nếu có những lúc chúng ta cảm thấy thất vọng về con người đốn mạt của chúng ta, nếu có những lúc chúng ta không còn tin tưởng ở tình người nữa, chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu. Chúng ta thấy ngay ánh mắt nhân từ, cảm thông của Ngài. Như hai Thánh Phê rô và Phao lô Tông đồ xưa

Xin mời Bạn cùng đoc đoạn Tin Mừng sau đây :
                                                                                 


Thứ năm 29/6/2017 - Lễ Thánh Phê rô và Phao lô Tông đồ
Tin Mừng : Mt 16,13-19

13 Một hôm, khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng : “Người ta nói Con Người là ai ?” 14 Các ông thưa : “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” 15 Đức Giê-su lại hỏi : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” 16 Ông Si-môn Phê-rô thưa : “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” 17 Đức Giê-su nói với ông : “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời : dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy ; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”

Suy niệm :
Phêrô-Phaolô, trước khi là thánh, hai vị cũng là người tội lỗi, yếu đuối, chập choạng trên con đường đức tin. Cả hai đều hăng say năng nổ, muốn dùng sức lực của mình và phương tiện thế gian để bảo vệ Chúa mình tôn thờ, và muốn tiêu diệt những kẻ không theo đạo giống mình. Chúa Giêsu đã cứu cả hai, mỗi người được cứu một cách. Chúa Giêsu không dùng một chút vốn liếng tài ba nào của Phaolô để xây dựng Giáo Hội, cũng như không thấy sự dốt nát hèn kém nào của Phêrô gây trở ngại cho việc thiết lập Giáo Hội.

Đọc lại cuộc đời của hai Thánh Tông đồ để nhận thấy sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Ơn Gọi Tông Đồ quả là một mầu nhiệm lạ lùng.Giáo hội mừng kính hai thánh Tông đồ cùng chung một ngày. Hai con ngưòi khác nhau từ cá tính đến thân thế nhưng cùng chung một ơn gọi từ Chúa Kitô, cùng chung một niềm tin vào Chúa Kitô, chung một sứ mạng Chúa Kitô trao phó và cuối đời cùng chịu tử đạo vì Chúa Kitô tại Rôma. Cùng chia sẻ một niềm tin, cùng thi hành một sứ mạng, Chúa Kitô đã đưa hai ngài đến một cùng đích, một vinh quang đội triều thiên khải hoàn. Hai con người khác biệt ấy lại có những điểm tương đồng lạ lùng. Chúa Kitô đã nối những điểm tương đồng ấy để tất cả được nên một ở trong Người. Thánh Phêrô, trước đây hèn nhát, sợ hãi, chối Chúa, về sau yêu Chúa nồng nàn thiết tha. Thánh Phaolô, trước kia ghét Chúa thậm tệ, sau này yêu Chúa trên hết mọi sự. Trước kia hai vị rất khác biệt, bây giờ cả hai nên một trong tình yêu Chúa.

Lạy Chúa Giê su, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con hai tấm gương biết sám hối và canh tân. Các Ngài không chết trong tội như Giuđa nhưng đã đứng lên để làm lại cuộc đời. Các Ngài đã ý thức sự yếu đuối bất toàn của mình để cần đến ân sủng của Chúa. Các ngài đã biết nương tựa vào ơn Chúa để thắng vượt những giới hạn của bản thân. Và trên hết chính là tấm gương rao giảng tin mừng không mệt mỏi, không chùn bước trước nghi nan. Cho dẫu dòng đời có những sóng gió nguy nan. Cho dẫu đường trần có lắm gian truân, các ngài vẫn kiên trung cho đến cùng lòng trung thành với Chúa. Các ngài luôn ý thức rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta”, thế nên: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Nước trời”.Xin cho chúng con luôn ý thức thân phận yếu đuối của mình để nhận ra tình thương tha thứ của Chúa vẫn dành cho chúng con. Xin cho chúng con biết nương tựa vào ân sủng của Chúa để kiện toàn mình mỗi ngày một tốt hơn. Và xin cho chúng con biết chuyên tâm lắng nghe lời Chúa và nói về Chúa cho tha nhân. Amen.

Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

Tưởng...





Ngày xưa, có một anh học trò tên là Hồ Sinh, trí tuệ cũng chỉ ở mức trung bình nên chẳng thể thi cử đỗ đạt làm quan được. Gia đình Hồ Sinh cũng có của ăn của để, nhưng ngày đêm, anh chỉ mong ước chút công danh cho mở mày mở mặt với xóm giềng. Một hôm, Sinh nghe tin ở huyện có khuyết một chân thơ lại, bèn vội vã bán hết ruộng cố đi lo lót cho bằng được. Sau mấy phen chạy vạy chưa xong, anh ta chợt nhớ đến một người bạn học cũ có quen thân với nhà quan. Sinh tất tưởi tìm đến nhờ vả.
Người bạn của Hồ Sinh nghe xong liền nói: “Người ta có câu “Con trong lừ rưng rưng nước mắt, con ngoài lừ ngút ngoắt muốn vô”. Sao bác không giữ ruộng lại để cày cấy làm ăn, có hơn là phải quỵ lụy để mua mấy cái lo vào người cho khổ?”
        Nhưng sau mấy lần khuyên dỗ, vẫn thấy nét mặt bạn quả quyết quá, đành nói: “Tôi có quen một đạo sĩ trên núi Ba Vì, ông ấy quen biết rất nhiều vị quyền cao chức trọng. Ông ấy có cách làm cho bác nên công danh. Để tôi viết mấy chữ, ông ấy sẽ vì tôi mà giúp bác hết sức.”
        Hồ Sinh cầm thư của bạn tìm đường lên núi Ba Vì. Anh ta hỏi thăm mãi, quả đến một cái hang có một phiến đá lớn lấp kín. Theo lời dặn, Sinh kêu to: “Có phải đây là hang đạo sĩ không? Nếu phải xin mở cửa cho vào”.
        Tự nhiên hòn đá xoay ra, mở một lối đi vào. Phía trong tĩnh mịch, nhưng sáng sủa. Sinh bước quá chừng chục bước đã thấy vị đạo sĩ đang nằm trên một cái chõng, miệng nhai trầu, mắt lim dim nghỉ ngơi. Bên cạnh đó có một cái chõng khác, trên có một cơi trầu chỉ còn hai miếng. Tuy có khách mà đạo sĩ cũng không ngồi dậy, chỉ với tay cầm lấy thư đọc, miệng vẫn nhai trầu bỏm bẻm. Một lát, nhìn trừng trừng vào mặt khách, nói: “Ta sẽ cho anh được làm quan. Nào, anh muốn làm quan to hay nhỏ?”
        Sinh đáp: “Tôi học hành cũng ít, chỉ muốn làm một chân thơ lại cũng mãn nguyện rồi.”
Vị đạo sĩ tiếp lời: “Được! Anh hãy ngồi nghỉ, ăn một miếng trầu, ta sẽ liệu.”
Hồ Sinh rón rén lại ngồi ở giường lấy một miếng trầu trong cơi ra ăn. Miếng trầu rất ngon. Vừa nhai giập miếng trầu, Sinh đã thiu thiu ngủ.

Sau khi trở về nhà mấy ngày, bỗng một hôm có lính lệ mang trát đến đòi. Hồ Sinh sợ quá, tưởng có việc gì xảy ra. Nhưng khi vào đến dinh quan, anh ta được đón tiếp rất niềm nở. Hóa ra, Sinh được bổ nhiệm không phải là chân thơ lại ở huyện mà là một chân thông biện ở dinh quan Bố tại tỉnh nhà. Công việc chẳng có gì là khó khăn và tốn kém vì có “tay trong” của nhà đạo sĩ, khiến anh ta vô cùng sung sướng. Thế là từ đó, Hồ Sinh hàng ngày ra vào công đường, dạ dạ, bẩm bẩm khúm núm trước mặt các quan. Ban đầu Sinh thấy nhục, nhưng mỗi lần đứng trước mặt bọn tổng lý và những người dân có việc đến cửa quan thì anh ta lại mặc sức ra oai, cho mình vinh hiển. Ban đầu Sinh ngần ngại chối từ quà cáp của những người có việc đưa lên lo lót, nhưng dần dần anh ta bạo dạn và khôn ngoan hơn. Chẳng những thành thạo trong nghề bóp nặn, Sinh còn học được nhiều mánh khóe làm tiền tinh vi. Vì thế, trong vài ba năm, Sinh trở nên giàu nứt đố đổ vách, làm nhà tậu ruộng, sống cuộc đời xa xỉ. Anh ta còn được một phú trưởng giả trong hạt gả con gái cho. Mười năm sau, vợ Sinh sinh được hai trai hai gái, Sinh cũng được cất nhắc lên một vị trí cao hơn. Cuộc đời lên như diều gặp gió, chẳng ai theo kịp.
        Bỗng một ngày kia, giữa lúc Hồ Sinh đang ngồi cho vợ chải đầu thì có lính lệ cầm trát đến đòi. Sinh yên dạ chắc mẩm cũng như ngày xưa, mình sắp được bổ nhiệm gì đây. Ngờ đâu, quan khâm sai đại thần cải trang đi điều tra đã phát hiện vô số vụ tham ô hối lộ đều có liên quan đến Sinh. Sinh bị tống vào ngục, trong lúc còn chưa hoàn hồn, những người dân bị vu oan giá họa ngày trước đều đổ xô tới quan khâm sai kiện hắn. Đơn kiện xếp cao như núi. Ngày xử án hắn còn đông hơn hội. Sinh bị khép án tử hình. Trước khi đầu lìa khỏi cổ, Sinh hồi tưởng lại chuyện cũ, đấm ngực than rằng phải chi ngày xưa đừng có lên hang đạo sĩ nhờ lão ấy chạy chọt thì đâu đến nông nỗi này.
Vút…! Tiếng đao xoạc qua không khí.

Hồ Sinh bỗng choàng dậy. Hắn mở mắt thì té ra mình vẫn còn nằm trên chiếc giường thứ hai của nhà đạo sĩ, chân đạp phải cơi trầu lăn xuống đá đánh choảng một tiếng, miếng trầu còn lại lăn lóc giữa đường. Đạo sĩ miệng vẫn bỏm bẻm nhai trầu, mắt lim dim, chợt ngồi dậy hỏi hắn: “Bây giờ chúng ta sẽ bàn một chút. Anh sẽ cầm thư của tôi đến nhà quan…”
Hồ Sinh môi răng lập cập, trán vã mồ hôi, chưa đợi nghe hết câu đã nhả miếng trầu còn đang ngậm trong miệng cáo từ ra về. Từ đó, anh ta làm ăn chí thú trên ruộng đất của mình, tuyệt không nhắc lại ước mơ làm quan nữa.

Đời người nhọc nhằn tranh đấu vì danh lợi, vinh nhục đa đoan, đến khi giật mình tỉnh dậy mới biết giấc mộng đã qua rồi. Trong mê lầm mà tạo bao ác nghiệp, tự bịt lối ra. Thời gian thấm thoắt, chưa nhai xong một miếng trầu, chưa đủ nấu một nồi kê:
Hoàng lương do vị tục Nhất mộng đáo hoa tư
Ý nghĩa : Nồi kê còn chưa chín Giấc mộng đã mơ xong

Ngày nay chẳng phải cũng có nhiều Hồ Sinh lắm sao? Tích cóp vay mượn chạy cho được một chân hải quan, thuế vụ…, lương ít lậu nhiều, rốt cuộc để làm gì? Liệu có tránh khỏi kết cục như Hồ Sinh chăng?


Thứ tư 28/6/2017 - Tuần 12 TN
Tốt xấu
Lời Chúa :: Mt 7,15-20

15 “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ là sói dữ tham mồi. 16 Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? 17 Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu.18 Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. 19 Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa.
20 Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.

Qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta đừng bao giờ lợi dụng lòng đạo đức của chúng ta để lừa dối người khác, để trục lợi cho mình. Chúng ta không nên làm viêc đạo đức giả hình, vụ hình thức, những việc lành chúng ta làm bên ngoài phải trung thực với ý hướng ngay lành siêu nhiên tự nội tâm. Chúng ta biết cây độc không thể trở nên cây lành được, nhưng với con người thì không phải như thế, nếu chúng ta là một kitô hữu đã bị biến chất, không còn là một kitô hữu chính danh, thì chúng ta có thể trở nên một kitô hữu đích thực được, nếu chúng ta nhanh chóng hoán cải chính mình, hòa giải với Thiên Chúa và với mọi người, thì mọi việc lành chúng ta làm mới có giá trị cho sự sống đời đời của chúng ta. Vì cây tốt mới sinh được trái tốt, một kitô hữu tốt mới có những việc bác ái, yêu thương, hiệp nhất với mọi người, làm ích cho mọi người và đem lại sự sống đời đời cho chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống theo lời Chúa dạy hôm nay, để chúng con là những kitô hữu chính danh, những môn đệ đích thực, những ngôn sứ chính hiệu. Từ đó mọi việc lành chúng con làm sinh ích lợi cho mọi người, và đem lại sự sống đời đời cho chúng con nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô.

Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

Đừng sống buông thả



phong_canh_0



CON ĐƯỜNG RỘNG RÃI SẼ DẪN ĐẾN BẤT HẠNH :

Một đôi vợ chồng trẻ kia đều là công nhân trong xí nghiệp may. Họ mới lấy nhau và sống hòa hợp hạnh phúc trong một căn phòng chật hẹp. Họ bàn nhau phải kiếm nhiều tiền để mua một căn nhà khang trang đầy đủ tiện nghi hơn. Nhưng với đồng lương công nhân như hiện nay thì đủ sống được cũng còn là may. Rồi một hôm cô vợ được một người quen giới thiệu chỗ làm mới là làm chiêu đãi viên trong một quán bia ôm. Công việc này lại được tiền “bo” của khách cao gấp chục lần so với đồng lương công nhân trước đó. Anh chồng vì muốn sớm đổi đời nên đã đồng ý cho vợ đi làm. Anh hy vọng sau một thời gian vài ba năm ăn nhịn để dành, hai vợ chồng sẽ mua được ngôi nhà ưng ý và sẽ cho vợ nghỉ làm. Nhưng sự việc xảy ra lại không đơn giản như họ nghĩ. Từ khi đi bán bia ôm, cô vợ làm ra nhiều tiền và được nhiều người vừa giàu có lại vừa có địa vị theo đuổi tán tỉnh, dần dần cô đã thay đổi tính nết trở thành một con người khác hẳn. Cô không còn mặn nồng với người chồng mà cô đánh giá là bất tài, lười biếng và chỉ biết ăn bám vào vợ. Từ suy nghĩ trên, cô thường tỏ ra khinh thường chồng và ăn nói chua ngoa. Cô cũng hay gắt gỏng và la lối chồng bằng những lời nói thô tục, khiến anh cảm thấy buồn bực. Anh ta chỉ còn biết bầu bạn với rượu bia để giải sầu. Cuộc sống chung của hai người không còn nồng ấm và vui vẻ như trước kia. Cuối cùng họ đã nộp đơn ra tòa xin ly hôn. 
Thật đúng như lời Chúa phán: “Con đường rộng rãi là đường dẫn tới hư mất” (Mt 7,13), và người đời cũng có câu “sự thành công không đến ngẫu nhiên, nhưng chính là kết quả của những cố gắng liên tục kèm theo sự kiên trì lâu dài” hoặc “Có công mài sắt có ngày nên kim”.
Xin mời Bạn cùng đoạn Lời Chúa sau đây : 

Thứ ba 27/6/2017 - Tuần 12 TN
 Tin Mừng: Mt 7,6.12-14

"Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.
Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó.
"Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy”.

Thiên Chúa chuẩn bị cho ta ơn cứu độ, dọn sẵn cho ta Nước Trời, nhưng Thiên Chúa muốn con người cộng tác để đạt tới cùng đích ấy, như thánh Augustino nói: “Thiên Chúa dựng nên ta Người không cần ta, nhưng để cứu chuộc ta Người cần ta cộng tác”.
Dĩ nhiên, để đạt tới ơn cứu độ và hưởng Nước Trời không phải chỉ do sức riêng chúng ta tự nỗ lực, nhưng cần đến sự trợ giúp của Ơn Chúa (khác với tự thân nỗ lực giải thoát trong Phật Giáo). Việc đi qua cửa hẹp chính là sự hy sinh mỗi ngày, vừa dành thời gian cho Chúa để được trợ lực, vừa thực hành sống đạo đức và bác ái giữa đời.
Cụ thể, đã là “cửa hẹp” thì muốn vào phải có ít nhất những điều kiện sau đây:
-Phải khom người lại chui mới lọt, nghĩa là hạ mình xuống sống khiêm tốn chứ không phải tự cao tự đại. hãy học lấy Chúa Giêsu là Đấng hiền lành và khiêm nhường đã tự hạ mình từ Thiên Chúa xuống làm một con người hữu hạn nghèo khó.
-Phải “giảm cân” cho mình nhỏ lại mới chui qua được, nghĩa là biết trở nên con người nhỏ bé đơn sơ, tránh vơ vét để làm cho mình kềnh to ra vì giàu sang ích kỷ, tránh tham lam quyền lực và tiền của…
-Phải bỏ bớt hành lý thì mới dễ chui vào, nghĩa là bỏ bớt những gì làm ta vướng bận và lấn át chúng ta, như đam mê công việc mà bỏ bê việc lành, đam mê tình cảm mà sinh ra tội lỗi, tham thích vui chơi mà quên cả trách nhiệm kitô hữu…

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết sống tiết độ và tỉnh thức, đừng mải mê tìm của cải danh vọng, thú vui phù du mà quên đi hạnh phúc vĩnh hằng, hầu mai ngày chúng con được bước vào cửa thiên quốc hưởng vinh quang với Chúa. Amen.

Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

Rất sai lầm nếu vội kết án người khác


Kết quả hình ảnh cho đừng vội lên án người khác


Đừng vội lên án người khác

Một câu chuyện giản dị về cách hành xử trong cuộc sống. Những gì bạn trông thấy trước mắt chỉ là những đợt sóng vỗ lăn tăn trên mặt biển. Hãy dùng trái tim để cảm nhận những “đợt sóng ngầm” ở dưới và ngừng lên án người khác. Hãy hiểu cho hoàn cảnh của họ.
           Vừa nhận được điện thoại, vị bác sĩ vội vã tới bệnh viện. Ông khoác vội trang phục phẫu thuật và tiến ngay tới phòng mổ. Lúc đó, người cha của cậu bé sắp sửa phẫu thuật đang ngồi đợi tại cửa phòng.
           Vừa nhìn thấy bóng bác sĩ, người cha nói ngay: “Tại sao giờ này ông mới đến? Ông không hay biết con trai tôi rất nguy kịch sao? Thực lòng ông có trách nhiệm nghề nghiệp không vậy?”
Bác sĩ điềm tĩnh trả lời: “Thật xin lỗi, lúc này không phải ca tôi trực nên tôi không có mặt tại bệnh viện. Thế nhưng vừa nhận được điện báo tôi đến ngay đây… Và lúc này tôi muốn tịnh tâm một chút để chuẩn bị phẫu thuật 
          Người cha giận dữ: “Tịnh tâm à?! Giả như con của ông đang nằm trong phòng cấp cứu thì ông có tịnh tâm được không? Nếu như con trai ông sắp chết, ông sẽ làm gì?”
          Vị bác sĩ lại mỉm cười trả lời:
“Tôi sẽ nói điều mà ông Gióp đã nói trong Kinh Thánh: ‘Thân trần truồng sinh từ bụi đất, tôi sẽ trở về bụi đất thân trần truồng. Chúa đã sinh ra, Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng Chúa’. Những bác sĩ không có khả năng giữ lại mạng sống. Ông hãy đi và cầu nguyện cho con trai ông. Chúng ta sẽ nỗ lực hết mình và cậy trông vào ân sủng Thiên Chúa”.
“Khuyên lơn người khác khi mà bản thân mình chẳng dính dáng gì xem ra quá dễ dàng”. Người cha phàn nàn.
          Cửa buồng phẫu thuật đóng lại. Vị bác sĩ miệt mài vài giờ liền trong buồng mổ. Và ông rời khỏi buồng phẫu thuật trong niềm hạnh phúc: “Cảm tạ Chúa. Con trai ông đã được cứu. Nếu muốn biết thêm chi tiết, hãy hỏi cô ý tá vừa giúp tôi”. Không chờ câu trả lời của người cha, vị bác sĩ tiến thẳng ra cổng và rời khỏi bệnh viện.
           Ngay khi nhìn thấy dáng dấp cô y tá xuất hiện, người cha nói ngay:
“Loại người gì mà lại cao ngạo đến như thế kia chứ! Thậm chí ông ta không thèm dành vài giây trả lời cho tôi biết hiện trạng con trai tôi”.
        Cô y tá cúi xuống, tuôn trào nước mắt. Trong xúc động, cô chậm rãi trả lời: “Con trai duy nhất của bác ấy mới qua đời hôm qua do một tai nạn. Hôm nay bác ấy đang lo tang sự cho cậu. Thế nhưng vừa nhận được điện báo bác ấy tới ngay để cứu con trai ông. Bây giờ thì bác ấy trở về tiếp tục lo hậu sự cho đứa con yêu quý của mình”.

Đừng vội kết án ai. Vì bạn không biết cuộc sống của họ thế nào cũng như điều gì đang diễn ra trong tâm hồn họ và những gì họ đang phải nỗ lực vượt qua. Đó cũng là bài học mà Chúa muốn dạy chúng ta qua đoạn Tin Mừng sau đây. Xin mời Bạn cùng đọc :


Thứ hai 26/6/2017 - Tuần 12 TN
Lời Chúa :Mt 7,1-5

Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới ? Sao anh lại nói với người anh em : “ Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn”, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh ?. Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhớ cho ta về một cố tật của con người: tính thích phê phán, quy tội và lên án người khác.Theo khoa tâm lý học, điều xấu mà ta dễ nhận ra và lên án nơi người khác chính là điều xấu căn cốt mà ta mang trong mình. Đức Giêsu không dạy ta phải bịt mắt mình lại trước cái xấu, nhưng việc ta cần làm trước tiên là liệu xem “tầm nhìn” của mình có “thông thoáng” không trước khi nhận định một điều gì về người khác. Đức Giêsu đã không nói: “Trong mắt bạn ngươi không hề có cái rác như ngươi nói!”. Nhưng Người nói: “Hãy lấy cái đà trong mắt ngươi ra trước đã!”. “Người bạn kia của con có tội của họ, phải, điều đó không sai, nhưng con hãy xem lại mình đi, tội của con còn ngàn lần lớn hơn, nặng hơn tội của họ”. Bạn và tôi, chúng ta là ai mà dám cho mình cái quyền làm “thầy đời”?

“Chúng ta là những tội nhân” (Đức Thánh Cha Phanxicô), ý thức như thế không những giúp ta tránh thái độ thỏa hiệp với tội lỗi, mà còn ngăn ta khỏi cơn cám dỗ phê phán người khác: tôi có là gì, có đáng gì mà dám lên án người anh em của tôi? Thực tế cho ta kinh nghiệm về những người thực sự đạo đức: họ cẩn trọng khi nói về một người khác. Điều này không đồng nghĩa với việc họ ngây ngô không biết đúng sai, phải trái, nhưng ngược lại, cho thấy sự thận trọng trong suy nghĩ theo gương Đức Giêsu Kitô. Là con người, chúng ta không tránh khỏi lỗi lầm, nhưng hãy dùng tình người mà nâng đỡ nhau và tin tưởng vào tình thương, ơn biển đổi nơi Thiên Chúa. Hãy dành thời gian bên Giêsu để nhìn lại nội tâm con người mình hầu nhận ra và gỡ bỏ “cây đà” đang án ngữ trong mắt ta, đang che khuất ánh nhìn yêu thương mà Thiên Chúa đặt nơi ta. Hãy khiêm nhường và trao dâng cho Thiên Chúa quyền xét xử người khác.

Tâm tình
Lạy Chúa, chúng con biết mình tội lỗi và cũng biết lòng Chúa nhân từ biết bao. Xin cho mỗi người chúng con biết hoán cải tâm lòng mình hầu trở nên người Kitô hữu tốt để có thể làm chứng cho Tin Mừng mà Chúa đã truyền cho chúng con. Amen.

Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

Đừng sợ người đời...


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Mt 10,26-33


TRONG ĐỨC TIN KHÔNG CÓ CHỖ CHO SỰ SỢ HÃI

Một viên sĩ quan người Anh có một đức tin mạnh mẽ. Ông đang cùng vợ con đáp chuyến tàu đi sang thuộc địa Ấn Độ nhận nhiệm vụ mới. Khi tàu rời bến được hai ngày thì trời bắt đầu nổi cơn giông bão. Mọi người trên tàu đều lo sợ cuống cuồng mà vợ viên sĩ quan lại là người sợ hãi nhất. Đang khi đó, viên sĩ quan chồng bà vẫn tỏ vẻ bình thản như không có điều gì xảy ra. Thấy chồng có thái độ như thế, bà vợ khóc lóc và trách móc ông đã thờ ơ trước sự an nguy của vợ con. Bấy giờ viên sĩ quan chẳng nói chẳng rằng, đi vào phòng riêng lấy ra một thanh kiếm. Ông dí mũi kiếm vào ngực vợ như để đe dọa. Đầu tiên bà tái mặt đi vì sợ hãi nhưng ngay sau đó bà lại cười lên khanh khách, không tỏ vẻ gì là sợ hãi cả. Viên sĩ quan liền hỏi vợ: “Làm sao em lại có thể cười khi bị anh dí mũi kiếm vào ngực như thế ?” Bà vợ trả lời: “Tại sao em phải sợ khi lưỡi kiếm ấy đang ở trong tay của người chồng rất thương yêu em ?” Bấy giờ viên sĩ quan mới giải thích: “Vậy tại sao em lại muốn anh phải lo sợ khi anh xác tín rằng cơn bão này được đặt dưới quyền của Thiên Chúa, là Cha hằng thương yêu và muốn sự an lành cho con cái ? Do đó, chúng ta không cần phải sợ. Ta chỉ cần làm hết sức mình, rồi phó thác vận mệnh cuộc đời ta trong tay Chúa quan phòng là đủ. Dù ta có phải chết hay được sống thì mọi sự cũng đều có ích cho phần rỗi đời đời của ta.

Vậy, mỗi lần gặp một tai nạn, hay một con bệnh hiểm nghèo, ta hãy cầu xin Thiên Chúa, noi gương Đức Giê-su trước cuộc tử nạn đã cầu xin Chúa Cha: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Đau khổ có giá trị giúp chúng ta lập công đền tội, làm cho đức tin chúng ta thêm vững mạnh, và làm cho ta trở nên con Thiên Chúa. Chính vì ý thức được giá trị của đau khổ như thế, nên thánh nữ Béc-na-đét Sô-bi-rớt (Bernadette Soubirous) đã cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, con không xin Chúa cho con khỏi chịu đau khổ, mà chỉ xin Chúa đừng bỏ con một mình trong lúc con chịu khổ đau”. 
Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau đây :

Chúa nhật 25/6/2017 - Tuần 12 TN
TIN MỪNG: Mt 10,26-33

(26) Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. (27) Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày, và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng. (28) Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục. (29) Hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không ? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. (30) Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. (31) Vậy anh em đừng sợ. Anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ. (32) Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. (33) Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.


Suy niệm :
Tin Mừng CN hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, vững tâm, trung thành và tín thác nơi Chúa, đừng sợ hãi trước những gian nan thử thách gặp phải. Trái lại, cần có một đức tin vững mạnh và sống động, để sẵn sàng đương đầu với mọi hiểm nguy và cả sự chết nữa trên bước đường loan báo Tin Vui Nước Trời.– Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su ba lần nhắc nhở các môn đệ đừng sợ:
Đừng sợ người đời, nhưng hãy mạnh dạn nói lời Chúa cách công khai (26-27);
Đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác mà thôi (28);
Đừng sợ vì ta có Thiên Chúa là Cha đầy quyền năng, hằng thương yêu và quan phòng gìn giữ ta. Người luôn quan tâm đến từng con chim sẻ không mấy giá trị và nắm rõ có bao nhiêu sợi tóc trên đầu chúng ta (29-31).
Cần tín thác cậy trông tín thác vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa: Bình thường, ai cũng sợ bị bắt bớ đánh đòn và sợ bị giết chết. Nhưng chúng ta cần tín thác vào Chúa như lời Chúa Giê-su hôm nay: “Không con chim sẻ nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi” (Mt 10, 30). Dù chúng ta đang gặp nhiều gian nguy đau khổ, nhưng chúng ta tin vững vào quyền năng và tình thương quan phòng của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giê su, Nhiều lần chúng con đã tỏ ra khiếp nhược sợ hãi khi giao tiếp với người khác, hoặc khi gặp phải những gian nan thử thách liên tiếp xảy đến. Trong những giờ phút đen tối đó, nhiều lần chúng con đã không dám biểu lộ đức tin, đã gián tiếp chối Chúa khi không dám khai tôn giáo của mình trong bản lý lịch; Nhiều khi chúng con không dám làm dấu thánh giá ở chỗ đông người, không dám đeo dây chuyền có hình Thánh giá Chúa, không dám trưng bày bàn thờ Chúa ở nơi trang trọng nhất trong nhà, không dám mở miệng bênh vực Chúa và Hội Thánh khi nghe những kẻ vô tín phỉ báng bất công. Xin giúp con chăm chỉ học hỏi Lời Chúa để ngày một hiểu biết và yêu mến Chúa hơn. Xin cho con thêm can đảm để dám bênh vực công lý và làm chứng cho Chúa. Xin ban thêm đức tin cho con để nhìn thấy Chúa đang ở trong con, để cậy trông phó thác đời con cho Chúa. Xin cho con sự khôn ngoan, biết khi nào nên nói và nói về Chúa cách nào cho hiệu quả. Nhờ đó, con sẽ chu toàn được sứ mệnh làm tông đồ mở mang Nước Chúa, loan báo Tin Mừng giữa lòng xã hội hôm nay.

Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2017

"Tôi phải nhỏ lại"




Kết quả hình ảnh cho hoa dại



Noi Gương Chúa Giêsu Sống Khiêm Nhường Và Quảng Đại

Thánh Louis IX, vua nước Pháp, mà chúng ta mới kính nhớ thứ tư vừa qua, đã thực thi điều được viết trong sách Huấn Ca: ”Càng làm lớn, con càng phải khiêm nhường, và con sẽ tìm được ân nghĩa trước mặt Chúa” (Hc 3,18). Vì vậy, thánh nhân mới biết trong ”Di chúc cho con” mình như sau: ”Nếu Chúa sẽ ban cho con sự thịnh vượng nào đó, con không chỉ phải cám tạ Người, nhưng hãy chú ý để đừng trở thành tồi tệ hơn vì khoe khoang hay vì bất cứ điều gì khác, nghĩa là hãy chú ý đừng phản nghịch cùng Thiên Chúa hay xúc phảm tới Người với chính các ơn Người ban cho con” (Acta Sanctorum Augusti 5 [1868], 546).
Đức Thánh Cha nêu bật gương khiêm nhường và nhưng không của Chúa Giêsu như sau: Như thế, một lần nữa chúng ta hướng nhìn lên Chúa Kitô như mẫu gương của sự khiêm nhường và nhưng không: từ Người chúng ta học được sự kiên nhẫn trong các thử thách, sự hiền dịu trong các xúc phạm, sự vâng phục Thiên Chúa trong khổ đau, trong khi chờ đợi Đấng đã mời gọi chúng ta nói với chúng ta: ”Này bạn, hãy lên chỗ trên” (x Lc 14,10).

Rồi Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ như sau: Các bạn thân mến, hôm nay chúng ta cũng kính nhớ cuộc tử đạo của thánh Gioan Tẩy Giả, là ngôn sứ lớn nhất trong các ngôn sứ của Chúa Kitô, là người đã biết khước từ chính mình để nhường chỗ cho Đấng Cứu Thế, và đã khổ đau và chết vì chân lý. Chúng ta hãy xin thánh nhân và Trinh Nữ Maria hướng dẫn chúng ta trên con đường của sự khiêm nhường, để xứng đáng với phần thương của Chúa.Sau đó, Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây :

Thứ bảy 24/6/2017 - Lễ sinh nhật Thánh Gioan Baotixita
Lc 1: 57-66.80

Khi đến ngày sinh, bà Êlisabeth sinh hạ một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Giacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: "Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan". Họ bảo bà rằng: "Không ai trong họ hàng bà có tên đó". Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: "Tên nó là Goan". Và mọi người đều bỡ ngỡ. Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa. Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết, đều để bụng nghỉ rằng: "Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực bàn tay Chúa đã ở với nó". Con trẻ lớn lên, mạnh mẽ trong lòng: nó ở trong hoang địa cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Israel.

Thánh Gioan Tẩy Giả mà chúng ta mừng lễ hôm nay có cách sống rất đơn sơ và giản dị. Nhưng trong cách sống ấy, Thánh Gioan Tẩy Giả đã để lại cho chúng ta những bài học rất hay, rất đẹp, rất cần thiết để phát triển đời sống đạo. Bài học Thánh Gioan Tẩy Giả để lại cho chúng ta được thể hiện qua lời rao giảng và cách sống của ngài.Ý thức mình là người dọn đường cho Chúa đến, vì thế, Thánh Gioan Tẩy Giả tự nguyện đi vào một lối sống ẩn mình nơi hoang địa, với một lối sống rất đơn sơ: mặc áo lông da cừu, ăn châu chấu và uống mật ông rừng. Lối sống đó cũng là sứ điệp mà Thánh Gioan Tẩy Giả muốn nói với chúng ta. Vì ham muốn của cải vật chất sẽ làm cho chúng ta không phân biệt đâu là việc làm tốt, đâu là việc làm xấu; ham muốn của cải vật chất sẽ làm chúng ta đánh mất đi lý tưởng cuộc sống; ham muốn của cải vật chất còn là nguy cơ sẽ làm cho chúng ta chết vì của cải vật chất, một cái chết xấu hổ nhục nhã, một cái chết gây ra nhiều tai tiếng cho gia đình và xã hội.Hôm nay khi chúng ta khám phá ra thánh ý Chúa qua lời rao giảng và cách sống của Thánh Gioan Tẩy Giả. Chúng ta cùng quyết tâm sửa lại hay làm mới hoàn toàn con đường sống đạo của mình. Đường sống đạo mới này đòi hỏi chúng ta can đảm phá huỷ những con đường không phù hợp với Tin Mừng; đồng thời, mỗi ngày biết vươn tới một cách sống luôn thanh thoát với của cải vật chất. Khi hy sinh chấp nhận sống theo đòi hỏi của Tin Mừng, con đường sống đạo của chúng ta sẽ phát triển. Đó là một con đường đẹp, một con đường bằng phẳng, một con đường Chúa luôn vui thích khi đến với chúng ta và Chúa sẽ thánh hoá chúng ta, như xưa Chúa đã thánh hóa Thánh Gioan Tẩy Giả từ trong lòng mẹ. Khi có Chúa trong ta, cuộc sống sẽ hạnh phúc, sẽ nở hoa phục sinh. Vì Chúa chính là thiên đàng, là nguồn vui, cho nên chúng ta phải kiếm tìm không ngừng trong từng phút giây hiện tại của cuộc sống.

Lạy Chúa Giê su,xin Chúa ban cho chúng con ý thức được vai trò quan trọng của mỗi người khi được Chúa cho xuất hiện trên trần gian này. Xin cũng ban cho mỗi người chúng con biết chu toàn bổn phận trong lòng mến và khiêm nhường như Gioan khi xưa. Amen.

Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

Người có trái tim tuyệt vời


Kết quả hình ảnh cho Trái tim Chúa Giê su


KINH NGHIỆM CỦA MỘT NGƯỜI GẶP CHÚA:

Một cô sinh viên Công giáo kia vừa bắt gặp quả tang người yêu đã lừa dối phản bội mình thì cảm thấy rất buồn chán. Rồi khi về đến nhà, cô lại bị mẹ rầy la vị sự ngây thơ khờ dại của mình. Cô chạy xe đến tìm mấy người bạn thân, để tâm sự mong được an ủi. Nhưng thật không may: Người thì đang đi học, người khác thì mắc phải đi làm, đứa khác lại đang bận đi chơi với bạn trai… Trời đã về chiều và đường phố đang giờ tan tầm, cô chạy lòng vòng ngoài đường và bị mắc kẹt tại giao lộ, phải chịu đựng những tiếng ồn ào và hít mùi khói xăng khó chịu. Gần đó có một thánh đường, cô liền đem xe vào chỗ gửi và vào trong nhà thờ. Bầu khí nơi đây thật trang nghiêm yên tĩnh. Cô đến quỳ ở hàng ghế đầu sát gian cung thánh nhìn lên Chúa Giê-su và bắt đầu thầm thì tâm sự với Người. Nói đến đâu nước mắt tuôn trào đến đó. Sau một hồi lâu, cô cảm thấy tâm hồn đã nên nhẹ nhàng thanh thản. Hình như tâm tư của cô đã được Chúa nghe và cảm thông rồi. Cô đã tìm thấy bình an trong tâm hồn và sẵn sàng quên đi tất cả những gì đã gây đau khổ trước đó. Cô hy vọng một tương lai tốt đẹp đang chờ đón. Rồi cô ra lấy xe về nhà như không có gì xảy ra.

Thật đúng như lời Đức Giê-su kêu gọi trong Tin Mừng hôm nay: “Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi. Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Lạy Chúa, xin cho con cảm nghiệm được rằng: Chỉ nơi Chúa con mới được niềm vui và sự bình an.
Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây :

Thứ sáu 23/6/2017 - Lễ Kính Thánh Tâm Chúa
Tin Mừng: Mt 11,25-30

(25) Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất. Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. (26) Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. (27) Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha. Cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho. (28) Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. (29) Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. (30) Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.


Trong đời sống, trong cuộc đời của mỗi người đều có những niềm vui, hạnh phúc, nhưng đồng thời cũng có những vất vả, thử thách, đau khổ… Đó là định luật ở đời: có vui, có khổ, có sống, có chết. “Hữu sinh hữu khổ”. Vâng, đời của mỗi người có dài, có sống lâu cũng chỉ hơn trăm tuổi nhưng ai cũng phải trải qua nhiều đau khổ, nhiều chông gai, nhiều vất vả trong cuộc đời.

Chúa Giêsu hiểu rõ tất cả mọi người, thấu hiểu hết những vất vả, gánh nặng mà con người phải chịu, phải chấp nhận và phải long đong mang vác. Gánh nặng ấy là gánh nặng của bản thân, gia đình, xã hội, gánh nặng ấy cũng là gánh nặng của bệnh hoạn tật nguyền luôn đe dọa con người, là những mất mát; cha mẹ, người thân qua đời, những hiểu lầm, những vu oan, cáo vạ vô cớ mà người ta chồng chất lên nhau. Những vất vả ấy con người phải kê vai gánh vác ; vất vả với cuộc sống hằng ngày, với kinh tế thiếu hụt, vất vả với con cái lúc nhỏ,và lúc chúng trưởng thành, khôn lớn v.v… Ai cũng có những vất vả, ai cũng có những đau khổ thể xác cũng như tinh thần. Do đó, Chúa nói: “Hãy đến với Chúa”. Lời mời gọi của Chúa Giêsu mang lại cho mọi người, cho chúng ta tia hy vọng, đem lại cho chúng ta sự an ủi, đỡ nâng nhất là khi chúng ta gặp đau khổ, gặp thử thách chông gai v.v… Chúa Giêsu nhắn nhủ chúng ta rằng: “Ngài đang có mặt, Ngài đang hiện diện” trong mọi biến cố, trong mọi trạng huống của cuộc đời. Ngài mang lấy những đau khổ, những thử thách của chúng ta. Ngài trực tiếp có mặt trong từng phút giây của cuộc đời chúng ta. Ngài mang, gánh lấy tất cả những sầu đau, tủi hờn, buồn tủi của chúng ta. Ngài luôn là Đấng cứu chuộc chúng ta. Chúa luôn hiện diện để cứu vớt, giúp đỡ, nâng đỡ, bổ sức và cứu vớt chúng ta như Ngài đã đến với những người cùi, người phong, người hủi, ngài đã đến với những con người tội lỗi, những con người nghèo túng, tật nguyền, những người thu thuế v.v… Chúa Giêsu đón nhận lấy tất cả những khó nhọc, buồn phiền, đau khổ của chúng ta. Ngài đã vất vả mà gánh vác tất cả những đau khổ, bệnh hoạn, khó khăn, thử thách của con người, nên, Ngài cũng đồng hóa với những người nghèo, những người bệnh hoạn, tội lỗi, bất hạnh.Chính vì thế, Ngài đã nói: “Mỗi khi các con cho một người đói ăn, người khát uống là các con cho chính Ta ăn, cho Ta uống”. Rõ ràng, Chúa Giêsu đã chúng ta thấy rõ khuôn mặt của Ngài.

Đến với Chúa, Ngài mang lấy những nỗi nhục nhằn, đau khổ, bất hạnh của chúng ta. Ngài bổ sức, nâng đỡ chúng ta. Chúng ta là con của Ngài, chúng ta cũng hãy bắt chước Ngài, nâng đỡ, an ủi những người sống xung quanh chúng ta. Hợp quần gây sức mạnh. Đau khổ sẽ giúp con người liên kết với nhau để chống lại nó. Chúng ta kết hợp với sự đau khổ của Chúa trên Thập giá, chúng ta sẽ cảm thấy đau khổ trở nên nhẹ nhàng.

Chúa đã đến và ban cho chúng con muôn ngàn hồng ân cả về thể xác cũng như tâm hồn. Chúa lại muốn cho chúng con quảng đại chia sẻ cho tha nhân những hồng ân ấy. Này thân xác chúng con với đôi mắt, tay chân, tài năng, sắc đẹp… Này tâm hồn chúng con với trí khôn hiểu biết, tình cảm yêu thương, ý muốn tự do… Chúng con xin dâng tất cả cho Chúa. Xin cho chúng con biết làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa.
Lạy Chúa, đời chúng con được bao phủ bằng biết bao hồng ân của Chúa. Cuộc đời của chúng con luôn có bàn tay Chúa dìu dắt dẫn đưa. “Có Chúa đi với con, con nào sợ chi ai ?” Xin giúp chúng con biết khám phá nơi bản thân những tài năng Chúa ban, biết trân trọng những của cải vật chất chúng con đang quản lý, và biết tận dụng những cơ hội, để làm sáng danh Chúa và mưu ích cho phần rỗi các linh hồn theo thánh ý Chúa.

Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

Khi cầu nguyện là hơi thở


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Mt 6, 7-15


Chứng từ của Đức Hồng Y Fx Nguyễn Văn Thuận:

Đức Thánh Cha là một người cầu nguyện, cầu nguyện không ngừng và tha thiết. Một ngày ngài vào Nhà Nguyện cầu nguyện đến 7 lần và nhất là cầu nguyện ban đêm. Ở Roma có Đức Hồng Y Deskur người Ba Lan, cùng lớp với Đức Thánh Cha, bị bại bán thân, đi đâu thì phải có người đẩy xe lăn đi. Vì Đức Giáo Hoàng là bạn của tôi. Nên hồi còn làm Linh Mục, Giám Mục, rồi Hồng Y, mỗi khi đến Roma thì ngài đến trọ ở nhà tôi. Nhưng có nhiều lần tôi gặp ngài ban đêm và thấy ngài cứ nằm sấp, hai tay giang ra như hình Thánh Giá như vậy, nằm trên sàn đá ở nhà nguyện. Tôi sợ ngài đau, hoặc bị cảm, sưng phổi, nên tôi phải làm cái nền Nhà Nguyện bằng gỗ cho ngài nằm !”
           Đức Hồng Y Thuận nhận xét: Đức Giáo Hoàng cầu nguyện luôn như vậy, cầu nguyện nhiều lắm, hoàn toàn tín thác, tin tưởng nơi Đức Mẹ. Vì thế, ngài không tiếc gì và không sợ gì, dám làm những chuyện mà người khác không dám làm”.
          Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Thuận kể thêm: “Có lần tôi đi qua bên Mêhicô năm 1999. Đức Thánh Cha tới trước. Ngài đến để công bố Tông Huấn “Giáo Hội tại Mỹ Châu” ( Ecclesia in America ) và ngày cuối cùng, 26.1.1999, Đức Thánh Cha có cuộc gặp gỡ giới trẻ ở sân vận động. Gặp xong, khi về nhà, Đức Thánh Cha nói với Đức Sứ Thần Tòa Thánh: “Mệt quá hè ! Thôi đi ngủ!”
        Chính Đức Sứ Thần Tòa Thánh về sau thuật lại với tôi: “Lúc ấy tôi mệt quá sức, nên khi nghe Đức Thánh Cha nói “thôi đi ngủ !”, tôi mừng quá, vì tôi mệt rã người ra rồi... Tôi thì sợ không biết Đức Thánh Cha có thức dậy nổi không, nhưng ngài lại dặn dò tôi: “Sáng mai, nếu Đức Cha muốn đồng tế với tôi thì vào Nhà Nguyện, chúng ta đồng tế với nhau.”
          Đức Sứ Thần kể tiếp với tôi: “Tôi về phòng, ngủ một giấc, ngủ say, sáng hôm sau, thức rồi mà chưa muốn dậy nữa ! Nhưng tôi phải lo, trước 8 giờ, tôi chạy tới phòng Đức Thánh Cha, thấy anh sĩ quan vệ binh Thụy Sĩ gác ở đó, tôi hỏi: “Anh có thấy Đức Thánh Cha chưa ?” – “Dạ có !” – “Anh thấy lúc nào ?” – “Thưa con thấy Đức Giáo Hoàng lúc 12 giờ đêm...” Tôi ngạc nhiên quá hỏi tiếp: “Vậy ngài đi đâu ?” – “Thưa đi Nhà Thờ ?” Tôi kinh ngạc hỏi lại: “Ngài đi Nhà Thờ lúc 12 giờ đêm ?” – “Dạ đúng, ngài đi lúc 12 giờ đêm” – “Vậy ngài có về phòng không?” – “Dạ không ! Ngài có dặn con rằng “Sáng mai, nếu Đức Sứ Thần Tòa Thánh đến tìm tôi, thì nói ngài vô Nhà Thờ, cha đợi ngài đồng tế !”
         Đức Sứ Thần Tòa Thánh nói với tôi ( Đức Hồng Y Thuận ): “Mình mệt như vậy, mà Đức Giáo Hoàng thì thức cả đêm ! Lại vào Nhà Thờ ở với Chúa cả đêm.”Và Đức Hồng Y Thuận kết luận: “Đối với Đức Thánh Cha, cầu nguyện như thế là chuyện bình thường. Anh chị em có gặp Đức Ông Trần Ngọc Thụ, hỏi ngài thì biết. Đức Thánh Cha thường vào Nhà Nguyện của ngài như thế nào” !
        Chứng từ của Đức Hồng y Dziwis: Tôi đã tự hỏi mỗi ngày Đức Gioan Phaolô 2 cầu nguyện bao nhiêu giờ và lần bao nhiêu chuỗi hạt?- Tôi nghiệm ra rằng Ngài đã cầu nguyện suốt cả ngày sống. Ngài luôn có cỗ tràng hạt bên mình, nhưng nhất là Ngài luôn kết hiệp với Chúa và chìm ngập trong Chúa.
        Dù người ta không biết, Ngài luôn cầu nguyện cho những người đã đến gặp Ngài. Sau cuộc nói chuyện, Ngài thường cầu nguyện cho những người đã tiếp xúc và đã xin Ngài cầu nguyện (trên bàn làm việc của Ngài luôn có sẵn một danh sách những người cần cầu nguyện đã được cha thư ký ghi sẵn). Ngày sống của Ngài luôn bắt đầu với việc cầu nguyện, suy niệm và kết thúc với việc chúc lành cho thành Roma. Khi còn đi lại được, Ngài luôn đứng ở cửa sổ để chúc lành, và khi đã yếu nhọc Ngài luôn yêu cầu dìu đứng lên để nhìn và chúc lành cho Thành. Chúc lành cho dân chúng thành phố Roma và giáo phận của mình luôn là cử chỉ cuối cùng của một ngày sống.

Trên đây là chứng từ của ĐHY FX Nguyễn Văn Thuận, nói về tầm gương cầu nguyện của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II. Ngài cầu nguyện không biết mệt mỏi. Bài Tin Mừng dưới đây, Chúa muốn dạy chúng ta về sự cầu nguyện trong tư thế của những người con Chúa. Và Thánh Giáo Hoàng cũng đã cầu nguyện như thế. Xin mời Bạn cùng đọc


Thứ năm 22/6/2017 - Tuần 11 TN
Kinh Lạy Cha
Lời Chúa: Mt 6, 7-15

(7) "Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhậm lời. (8) Ðừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.
(9) "Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: "Lạy Cha chúng con là Ðấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, (10) triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. (11) Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; (12) xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; (13)xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. (14) "Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. (15) Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.

Chúng ta không thể lèo lái hay ép buộc Thiên Chúa bằng những lải nhải dài dòng hay bằng những câu thần chú. Cầu nguyện không phải là thông báo cho Chúa biết nhu cầu của ta (c. 8).
Cha Teilhard de Chardin đã viết:
“Chúng ta phải cầu xin Chúa không phải vì lề luật buộc như thế, cũng không phải vì Chúa không biết ta cần gì. Không, kinh nguyện là tình yêu, là cách diễn tả tình yêu.”
Thiên Chúa thích nghe miệng chúng ta nói lên nhu cầu của mình.
Đức Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, Abba, như Ngài đã gọi.
Abba là tiếng gọi âu yếm thân thương của đứa con đối với người cha.
Khi gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta thấy mình hết sợ hãi và xa cách.
Cha siêu việt và quyền uy, nhưng Cha không áp bức và bắt con làm nô lệ,
Cha cao sang ở trên trời nhưng Cha lại gần gũi với nhu cầu của con cái.
Ba lời cầu xin đầu tiên đều hướng về Cha: Danh Cha, Nước Cha, và Ý Cha.
Danh Cha được vinh hiển khi Nước Cha được thành tựu, Ý Cha được thể hiện.
Nước Cha đã đến rồi với sự hiện diện và hoạt động của Đức Giêsu, nhưng chúng ta vẫn phải cầu xin cho Nước ấy mau đến cách viên mãn.
Ý Cha và quyền tối cao của Cha đã được thể hiện trọn vẹn trên trời rồi, nhưng còn phải được thể hiện dưới đất nữa, nơi mọi người và nơi từng người.
Ba lời cầu đầu tiên, là những lời trực tiếp nài xin Cha.
Làm cho Danh Cha được biết đến, Nước Cha được nhìn nhận,
Ý Cha được tuân hành : đó là công việc của Cha cho đến tận thế.
Nhưng việc đó cũng cần sự cộng tác hằng ngày của mỗi Kitô hữu qua việc họ sống tận căn những đòi hỏi gai góc của Nước Trời, để cho thấy Nước Trời đã đến trên mặt đất.
Bốn lời cầu xin sau nhắm đến nhu cầu cụ thể của các môn đệ.
Xin lương thực hàng ngày là điều cần thiết cho họ, những người nay đây mai đó, sống nhờ lòng tốt của người nghe. Xin ơn tha thứ là điều ta cần mỗi ngày từ Chúa, sau bao sai lỗi, mà cũng là điều ta phải trao lại cho anh em. Xin Chúa đừng đưa chúng ta vào cơn thử thách quá sức chịu đựng đến mức mất đức tin và qụy ngã. Nhưng xin Chúa gìn giữ và giải thoát chúng ta khỏi Ác Thần.
Kinh Lạy Cha giúp chúng ta trò chuyện với chính Thiên Chúa là Cha.
Chúng ta được mở ra trước thế giới trên trời nơi Cha ngự trị,những cũng được mở ra trước thế giới dưới đất của con người.
Một thế giới có bao người thiếu bánh ăn, cần được chia sẻ.
Một thế giới có nhiều xung đột và hận thù, cần sự bao dung thứ tha.
Một thế giới hỗn loạn với bao điều phải chấn chỉnh cho hợp Ý Chúa.
Một thế giới không biết mình là anh em, con cùng một Cha.
Kinh Lạy Cha bao giờ cũng nhắc chúng ta về những điều dang dở…

Tâm tình :
Lạy Chúa, xin cho mỗi lần đọc lên lời kinh Lạy Cha nhắc nhở cho chúng con về lòng nhân từ của Thiên Chúa, đồng thời nhắc nhở cho chúng con đều kiện để hưởng sự tha thứ: càng tha thứ cho người khác, chúng con càng được Chúa thứ tha.
Lm GioanB Lại Anh Tuấn 

Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

Sống khiêm tốn theo lời Chúa


Hình ảnh có liên quan

Một học giả sau khi đi chu du nhiều năm cho rằng mình đã học đc tất cả kiến thức trên đời, ông lên đường trở về quê hương.
Về đến đầu làng, trông thấy 1 ng` nông dân đang nhặt củi dưới chân núi, lão ta nghĩ ngay tới việc khoe khoang vốn kiến thức của mình. Lão ta đi đến gần, vỗ vai người nông dân và nói: "chào bác nông dân khốn khổ, ta làng` đã nhiều năm đi chu du thiên hạ và đã học được tất cả các kiến thức trên đời. Hôm nay ta về thăm lại quê hương xem nơi này có j` đổi mới". "Ra vậy"- Người nông dân chỉ đáp 1 câu rồi lại tiếp tục công việc. "Hay thế này đi, nếu bác hỏi tôi 1 câu nếu tôi không trả lời được tôi mất bác 10 đồng, tôi cũng hỏi bác 1 câu, nếu ko trả lời đc bác mất tôi 1 đồng"- Lão ta nói. Khi đó người nông dân mới ngẩng đầu lên, suy nghĩ 1 lát rồi bác ta trả lời: "vậy cũng được". "Bác hãy ra câu hỏi trước đi "- Lão học giả nói. Bác nông dân chỉ tay lên dãy núi và ra câu hỏi: "Con gì khi lên núi thì bằng 4 chân nhưng khi xuống núi chỉ bằng 2 chân"? Lão học giả suy nghĩ hồi lâu mà không trả lời được đành phải móc ra 10 đồng trong túi đưa cho bác nông dân. "Vậy đó là con gì`vậy"?- Lão hỏi. Bác nông dân cầm lấy 9 đồng tiền, trả lại cho lão học giả 1 đồng tiền và nói: "Rất tiếc, tôi cũng không biết".
Lão học giả lúc này đã hiểu ra mọi điều, lão xấu hổ cầm lấy đồng tiền, chào tạm biệt người nông dân, rồi quay đầu lại đi một mạch ra khỏi làng.
Sau này nhờ biết khiêm tốn và chịu khó học hỏi, vị học giả đó đã trở thành 1 giáo sư nổi tiếng. Nhưng trong lòng ông vẫn nhớ mãi bài học của ng` nông dân nơi quê hương mình.

Chúa Giê su đã dạy con người khi làm điều gì, học được bao nhiêu cũng cần sống khiêm tốn. Người sống khiêm tốn  sẽ được mọi người quý mến yêu thương. Trái lại người lên mặt, kiêu căng, ưa thói khoe khoang dạy đời sẽ bị người ta xa lánh, không ưa. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau đây 

Thứ tư 21/6/2017 - Tuần 11 TN
Tin Mừng: Mt 6,1-6.16-18

(1) Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời ban thưởng. (2) Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh chống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (3) Còn anh khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, (4) để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh. (5) Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: Chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: Chúng đã được phần thưởng rồi. (6) Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.
(16) Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: Chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (17) Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, (18) để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.

Chúa không nhắm dạy bố thí, cầu nguyện, và ăn chay. Vì các môn đệ dường như vẫn thường làm các việc ấy. Điều Chúa nhấn mạnh là cách làm: chớ có phô trương! Tin Mừng hôm nay xoáy duy nhất vào điểm này. Phô trương là cám dỗ muôn thuở; nó chọc thẳng vào yếu huyệt thứ nhất của con người là lòng kiêu ngạo. Nó tinh vi vì nó không cố kéo người ta ra khỏi “việc lành phúc đức;” nó chỉ đánh vào cách họ làm mà thôi. Khi người ta phô trương, thì những “việc lành phúc đức” của họ trở thành số không, vì “đã được trả công rồi!”

Nhiều khi ta không phô trương cách thô thiển, huỵch toẹt, ta chỉ phô trương cách khéo léo thôi. Song, đằng nào thì cũng là phô trương – và trước mặt Chúa, những “việc lành phúc đức” ta làm sẽ hoàn toàn mất chất. Để tránh bẫy phô trương, ta phải chặn cái ý nghĩ “mình có công phúc” hay “mình tốt lành” ngay từ trong lòng mình. Một vị thánh là thánh cho tới khi vị ấy biết mình là một vị thánh. 

Đức Giêsu đòi môn đệ phải làm các việc đạo đức phù hợp với tinh thần mới của Người:
– Đối với tha thân: Phải quảng đại chia sẻ cơm bánh vật chất.-
– Đối với Thiên Chúa: Phải chuyên cần cầu nguyện.
– Đối với bản thân: Phải năng ăn chay hãm mình đền tội.
Điều cốt yếu khi làm các việc ấy là phải làm trong tinh thần khiêm tốn: Tránh khua chiêng đánh trống khi bố thí để tìm tiếng khen; Tránh cầu nguyện ở chỗ đông người để được ca tụng; Tránh làm bộ mặt rầu rĩ khi ăn chay để cho người ta biết mình đang ăn chay.

Xin giúp chúng con luôn thể hiện tình thương của Chúa trong đời sống thường ngày. Chúng con thường ích kỷ, khép kín cửa lòng mình trước nỗi bất hạnh của tha nhân. Đôi lúc chúng con có làm được một vài việc tốt, nhưng lại muốn được nhiều người biết đến và khen ngợi. Xin Chúa cho chúng con thực hành như Lời Chúa dạy hôm nay: “Đừng cho tay trái biết việc tay phải làm”, để công việc của chúng con được Chúa ban thưởng trong giờ phán xét sau này.