Thánh Giacôbê thuộc giới thợ thuyền, làm nghề chài lưới ít học, tính tình lại nóng nảy, thêm vào đó lại còn có một tham vọng không phù hợp với vai trò và tinh thần của người tông đồ, vậy mà Chúa Giêsu vẫn gọi và chọn ông đi theo Chúa và làm Tông Đồ cho Chúa. Điều này chứng tỏ ơn thánh của Chúa quả có sức mạnh như thế nào mới có thể biến được đổi tâm hồn và cuộc sống của Giacôbê đến độ ông đã trở thành một tông đồ gương mẫu cho anh em mình.
Trong quá trình chinh phục một con người như thế, chắc hẳn chúng ta phải thấy Chúa đã phải kiên nhẫn, chịu đựng và nhất là đã giành cho con người này tình thương lớn lao như thế nào.
Ngay từ khi được Chúa kêu gọi, Giacôbê luôn được ở gần Chúa. Chúa đã cho ông được tham dự vào nhiều biến cố đặc biệt của Chúa. Những biến cố mà các tông dồ khác không được tham dự. Việc được Chúa đối xử như thế chắc chắn đã đem lại nhiều biến đổi trong tâm hồn của Ông. Cuộc biến đổi này không có ngay lập tức khi Giacôbê bắt đầu theo Chúa, nhưng dần dần với thời gian nhất là sau khi với tác động của Chúa Thánh Thần, sau khi Chúa về trời. Vai trò của Giacôbê trong việc quản trị Giáo Đoàn Giêrusalem cho chúng ta thấy điều đó. Quả thực Chúa đã không uổng phí công sức để chọn và giáo dục một con người như Giacôbê trở thành một tông đồ “ruột” của Người. Cái chết của Giacôbê, một cái chết đầu tiên trong số những người theo Chúa đã đủ nói lên điều đó.
+ Hôm nay mừng ngày sinh nhật trên trời của vị tông đồ đáng kính này, chúng ta không thể không nhớ đến quá trình chinh phục và làm biến đổi một con người như Giacôbê trở thành một tông đồ của Chúa. Chắc là Chúa đã phải kiên trì, chịu dựng và đầy lòng yêu thương mới có thể làm cho cuộc chinh phục đạt được kết quả kỳ diệu này.
Thứ hai 25/7/2022
Lễ Thánh Giacobê, tông đồ
Lời Chúa : Mt 20,20-28
Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: “Bà muốn gì?” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” Đức Giê-su bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.”Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã đưa ra quan điểm hoàn toàn trái ngược với cách nghĩ của con người về sức mạnh, quyền lực và địa vị. Với Ngài, quyền lực đi đôi với tình yêu, địa vị với hy sinh, phục vụ với khiêm nhường. Quả thế, quyền lực mà không có yêu thương sẽ dẫn đến sự tàn nhẫn và huỷ hoại; chức tước, địa vị mà không có tôn trọng cùng quan tâm người dưới dễ hạ thấp phẩm giá và chà đạp lên nhân phẩm người khác; Phục vụ mà không có hy sinh quảng đại sẽ thiếu tử tế và không đáng giá.
Đức Giêsu đã dùng những từ ngữ rất trực tiếp và rõ ràng để nói về chén đắng của mình: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” Các môn đệ cũng phải uống chén đắng giống như thầy Giêsu nếu họ mong muốn được cùng Thầy hưởng vinh quang trong Nước Trời. Trong thời đại chúng ta hôm nay, chén đắng ấy có thể là những đau khổ về thể xác hay những khốn cùng của bách hại vì đạo; Chén ấy cũng có thể là những đòi hỏi khắt khe của đời sống công chính, mặc lấy tinh thần Chúa Ki-tô để tôi luyện mình mỗi ngày với những hy sinh, thất vọng, gục ngã và chiến đấu chống lại vô vàn cám dỗ của thế gian, ma quỷ và xác thịt. Bạn có từng hỏi Chúa và có nhận ra chén đắng mà Ngài dành riêng cho bạn không?
Những ai muốn phục vụ cùng Chúa Giêsu và muốn được “thống trị” trong Nước Trời thì phải luôn sẵn sàng để hy sinh: Không chỉ thời gian, tiền bạc, sức lực và tài năng mà còn cả đời sống và hết thảy mọi sự!
Những ai đang phục vụ thì hãy trọn vẹn theo gương của Chúa Giê-su chứ đừng lấy việc phục vụ để tô bóng cho bản thân, đừng lấy việc phục vụ để được phục vụ hay bất cứ điều gì vì tư lợi và mục đích cá nhân. Trọn vẹn theo gương Giê-su là quên mình, từ bỏ cái tôi to lớn để trở nên bé nhỏ để phục vụ anh em mình như Giê-su đã từ bỏ ngôi vị Thiên Chúa để trở nên một con người nơi thế gian để phục vụ! Ước gì hôm nay, chúng ta trở nên ý thức và lưu tâm hơn những cơ hội được hy sinh cho Chúa, cùng can đảm hy sinh chính mình trong cuộc sống thường ngày. Ước gì hôm nay, chúng ta biết mạnh dạn nói tiếng “Xin Vâng” như Mẹ Maria đã xin vâng với Thiên Chúa khi Ngài trao cho chúng ta cơ hội để phục vụ. Và để thúc đẩy hy sinh, chúng ta hãy đặt ra cho mình một mục tiêu khi làm những hi sinh ấy, như: để cứu một linh hồn, dâng lời cầu nguyện cho một bệnh nhân, cầu nguyện cho Hội Thánh ở một địa phương đang bị bách hại, hay cho một ai đó đang trong hoàn cảnh bị những nỗi đau thương nghiền nát…
Lạy Chúa, giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận, xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ, xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận, xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ, xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét