Thứ Năm, 25 tháng 8, 2022

Khiêm tốn - Chúa nhật 28/8/2022

 







Họa sỹ kiêm điêu khắc gia thiên tài LEONARDO DA VINCI đã vẽ bức tranh nổi tiếng Bữa Tiệc Ly trong vòng 7 năm. Đó là bức tranh Đức Giêsu và 12 Tông đồ đang dùng bữa ăn cuối cùng trước khi Người chịu tử nạn. Cuộc đi tìm khuôn mặt làm người mẫu rất khó khăn: Giữa hàng ngàn thanh niên, họa sĩ mới chọn được một chàng trai có gương mặt thánh thiện và thanh khiết tuyệt vời để vẽ Đức Giêsu.
    Sáu năm tiếp theo ông mới vẽ xong 11 Tông đồ, chỉ còn người môn đồ phản Thầy Giuđa là chưa vẽ. Họa sỹ đã bỏ ra nhiều công sức để tìm kiếm một người đàn ông có khuôn mặt cực kỳ gian ác làm mẫu vẽ Giuđa. Cuối cùng ông đã tìm được tên tử tội ở Rôma có khuôn mặt thích hợp để vẽ kẻ phản bội. Người tử tù này đã từng giết người và cướp của. Được phép của Hoàng đế, tên tử tội được đưa tới Milan nơi bức tranh đang vẽ dở dang. Khi nét vẽ cuối cùng được hoàn thành, Leonardo bảo người lính gác mang người tử tù đi, nhưng bỗng nhiên hắn ta vùng vẫy và quỳ xuống bên người họa sỹ khóc nức nở: “Ôi, ngài Da Vinci, ngài không nhận ra tôi sao? Tôi chính là người mà 7 năm trước ngài đã chọn làm mẫu vẽ Đức Giêsu!”.
    Quả thật, chỉ có 7 năm thôi mà cuộc sống trác táng tội lỗi đã làm biến dạng một người có khuôn mặt thánh thiện của Chúa Giêsu trở thành người mang gương mặt xấu xa của Giuđa! Đó là sự biến đổi lạ kỳ trong quá trình hình thành bức tranh “Bữa Tiệc Ly” nổi tiếng.
    Nhưng cũng trong bữa tiệc ly này còn có một sự đảo ngược kỳ lạ hơn nữa: Đức Giêsu, vốn là Thầy là Chúa nhưng đã tình nguyện làm việc của người tôi tớ phục vụ, khi quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Đó chính là bài học khiêm hạ mà Đức Giêsu muốn dạy cho mọi tín hữu chúng ta hôm nay.

Chúa nhật 28/8/2022 - Tuần 22 TN
Lời Chúa : Lc 14, 1.7-14

(1) Một ngày Sa-bát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: Họ cố dò xét Người. (7) Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: (8) “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, (9) và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này”. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. (10) Trái lại, khi anh được mời thì hãy ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho”. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. (11) Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. (12) Rồi Đức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. (13) Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. (14) Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: Vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”.

Cuộc đời là một bữa đại tiệc. Mỗi người chúng ta đóng vai trò vừa là khách tham dự vừa là người chủ thiết đãi. Tính vị lợi của con người thường thể hiện rất rõ trong những bữa tiệc cuộc đời. Bữa tiệc ấy là một môi trường để người ta bành trướng và khẳng định cái tôi của mình. Là khách dự tiệc, người ta luôn muốn đặt mình cao, muốn xem là mình quan trọng, muốn xuất hiện ở vị thế nổi nang hơn nhiều người khác. Trong bữa tiệc cuộc đời, ai cũng muốn dành cho mình phần hơn những cơ hội, vật chất, địa vị, danh vọng… Nếu là người đãi tiệc, người ta chỉ thích kết bạn và giao du với những người quan trọng và nổi nang, với những ai có thể có lợi cho đường tiến thân của mình, cho công việc làm ăn của mình. Kết quả, bữa tiệc cuộc đời không còn là một nơi thiết đãi vô tư, cũng không phải là nơi bày tỏ tình người, tình bạn hữu, tình huynh đệ. Cuộc đời trở thành một nơi tranh thủ để kiếm chác và tích góp, một bãi hỗn chiến của những cạnh tranh và giành giật.
    Đức Giêsu không muốn các môn đệ của mình dự phần vào với những tranh đua hơn thiệt theo kiểu thế gian để xác lập vị trí mình theo kiểu thế gian. Ngài hướng các môn đệ đến với một cung cách sống khiêm nhường và hiền hậu, đơn sơ và chính trực. Lời nhắc nhở “hãy ngồi chỗ cuối” mời gọi chúng ta nhìn lại con người chân thật của mình, nhìn lại thân phận con người của mình. Lời khuyên “hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù…” nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm với những người anh chị em đang còn chịu nhiều thiệt thòi quanh chúng ta. Con người sống với nhau không thể chỉ bằng những bóng bẩy hào hoa bên ngoài, nhưng còn bằng sự chân thật và tốt đẹp của tấm lòng. Niềm vui cuộc đời sẽ nên đúng nghĩa và trọn vẹn nếu có nhiều những con người dám dấn thân quảng đại và vô vị lợi để phục vụ và trao ban.
    Xin Chúa giúp sức và chúc lành để mỗi người Kitô hữu chúng ta, khi dấn thân vào giữa dòng đời, có thể kiến tạo cuộc đời quanh mình thành một bữa đại tiệc của tình thân hữu và huynh đệ, của sự trao ban và chia sẻ.

Lạy Chúa Giêsu , chúng con tạ ơn Chúa vì trong hành trình cuộc sống, Chúa đã luôn nuôi dưỡng chúng con bằng biết bao ơn lành hồn xác. Chúa đặt chúng con vào trong bữa tiệc cuộc đời mà chính Chúa đã ân cần dọn sẵn cho chúng con.
    Chúng con xin lỗi Chúa, vì không phải lúc nào, chúng con sử dụng đúng mục đích những ân huệ mà Chúa đã tặng ban. Rất nhiều khi, ân huệ của Chúa lại trở nên duyên cớ làm chúng con sa ngã, khi chúng con dùng những ân huệ ấy để khẳng định mình, để phục vụ cho riêng mình, khi chúng con hưởng thụ cách ích kỷ mà chung quanh chúng con vẫn còn nhiều những người nghèo khổ đói khát đang cần được chút cảm thông và chia sẻ, khi chúng con cứ để cho mình bị cuốn xoáy trong vòng xoay của vật chất phù du, trong cám dỗ của danh vọng hão huyền và làm vuột mất bao giá trị quý giá của tình anh em đồng loại, của tình bạn hữu thân thương.
    Lạy Chúa Giêsu, mọi sự trong cuộc đời chúng con đều đến từ tình yêu nhưng không của Chúa, xin dạy chúng con cũng biết trao ban nhưng không để góp phần nhỏ bé của chúng con vào việc xây dựng một thế giới công bằng và nhân ái, một thế giới thấm đượm tình Chúa và tình người. Amen.

Không có nhận xét nào: