Trong truyện ngắn Máu cá (tức máu lạnh), nhà văn Nguyễn Minh Châu kể chuyện một bà mẹ trẻ mất con ở ga Hàng Cỏ, kêu la thảm thiết, nhưng chẳng ai đoái hoài. Nhà văn xin một công an trực rao trên loa, người này cũng chẳng nói chẳng rằng. Cả ngàn người trên ga Hàng Cỏ như điếc, như câm trước nỗi khổ của người mẹ quẫn trí vì mất con! Bài Tin mừng cho thấy Chúa Giêsu không dửng dưng trước đau khổ của con người, Ngài đã chữa lành cho người câm điếc.
Thứ sáu 10/02/2023 - Tuần 5 TN
Lời Chúa : Mc 7,31-37
31 Khi ấy, Đức Giê-su bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. 32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. 33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. 34 Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói: Ép-pha-tha, nghĩa là: hãy mở ra! 35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. 36 Đức Giê-su cấm họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, họ càng đồn ra. 37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”
Trên thế giới ngày nay còn nhiều người bị câm điếc. Những người câm thường hay bị điếc. Người bị câm điếc thường phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, họ bị coi như sống bên lề xã hội nên họ cảm thấy lẻ loi cô đơn. Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Marcô thuật lại việc Đức Giêsu chữa lành cho người bị câm điếc để đem lại đức tin và niềm vui cho anh ta. Sự chữa lành đó thuộc thể lý, nhưng qua đó, Chúa Giêsu muốn nói đến bệnh câm điếc thiêng liêng mà mọi người kẻ ít người nhiều đều mắc phải.
Căn bệnh của anh này làm tôi nghĩ đến căn bệnh của rất nhiều người, nhất là những người sống trong xã hội ích kỷ ngày nay, đó là căn bệnh “đóng cửa”, đóng mắt, đóng tai, đóng tay, đóng lòng. Căn bệnh khiến người ta sống bên cạnh nhau mà không hề để ý tới nhau và quan tâm cho nhau.
Khi sắm một bộ đồ mới, tôi không biết rằng có nhiều người đang mong bộ đồ cũ của tôi. Khi ngồi uống nước ngoài quán, tôi chẳng ngờ rằng có những người đang chờ tôi đứng lên để họ vét những giọt cuối cùng. Khi đổ thức ăn thừa vào thùng rác, tôi không biết là ngay lúc đó có biết bao con người đang chết dần vì đói.Chúng ta phải phá bỏ bức tường câm điếc đã làm cho chúng ta xa cách tha nhân, không còn hiểu nhau, không còn thông cảm và thương yêu nhau, coi nhau như kẻ thù. Trái lại, phải xây lại nhịp cầu thông cảm và yêu thương mà chính Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta khi chịu phép Rửa tội. Trong ngày đó, chúng ta được cởi mở khỏi xiềng xích tội lỗi và được đàm đạo với Chúa như với người bạn chí thiết.
Lạy Chúa Giêsu, người bị bệnh câm điếc giao tiếp rất vất vả, khó khăn. Họ chỉ có thể nói và nghe bằng dấu hiệu bàn tay. Còn con, con cám ơn Chúa vì được diễm phúc vẫn là người lành lặn về thể xác. Nhưng lạy Chúa, rất nhiều lúc con lại câm điếc về cuộc sống thiêng liêng. Vâng, con câm điếc vì chẳng nghe Chúa nói và cũng chẳng biết nói Chúa nghe. Vì mải mê lạc thú trần gian và đi tìm vui chơi giải trí, con chẳng còn giờ đến với Chúa. Tiền bạc danh vọng chi phối con, nên con không còn thiết tha với việc cầu nguyện. Con hững hờ trước việc đọc kinh, các buổi phụng vụ, con dửng dưng với bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể.
Còn đối với những người chung quanh, nhiều lúc con cũng trở thành một kẻ câm điếc. Bên cạnh con, biết bao người đang cần đến con: cần một nụ cười, một lời thăm hỏi, hay một sự giúp đỡ nào đó. Thế mà vì ích kỷ khép kín, con đã bịt tai ngậm miệng. Con chỉ nghĩ đến con, chỉ lo cho gia đình con.
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay con đến với Chúa, xin cứu chữa con khỏi căn bệnh trầm trọng đó. Xin Chúa mở tai con, để con lắng nghe tiếng Chúa, để con nghe được những nhu cầu của tha nhân. Xin cho con biết thương xót, biết lo lắng cho những ai ở gần con. Xin cho con biết sống yêu thương.
Xin Chúa dạy con biết lặng thinh khi không nên nói, và xin dạy con biết nói khi không được im lặng. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét