Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2022

Mẹ dưới chân thập giá - Thứ bảy Tuần Thánh 16/4/2022

 




Trong mùa Phụng Vụ của Hội Thánh Công giáo, không có một ngày nào tĩnh lặng, ảm đạm, trống trải, nhuốm mầu hoang mang và ngao ngán bằng ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh, cho dù tiết trời độ này chỉ mới vừa vào xuân. Thế nhưng, vị đương kim Giáo Hoàng của chúng ta, Đức Bênêđictô XVI—từ khi còn là một nhà thần học—đã cống hiến cho chúng ta những suy nghĩ tuyệt vời phản ảnh não trạng của những con người thời đại, vốn ảnh hưởng và chi phối rất đậm đà ngay cả trái tim của những tín hữu trung kiên nhất, chính giữa lòng Hội Thánh.

Phải, nhà thần học lỗi lạc ấy, Joseph Ratzinger, đã viết ba bài suy niệm về ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh, suy tư về sự vắng mặt của Thiên Chúa trong thế giới hôm nay. Đã bốn mươi năm qua, những dòng suy tư này, theo thiển ý, vẫn còn rất đúng. Chẳng thế mà, trong một buổi hỏi đáp với giới trẻ, Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Bênêđictô XVI đã lập lại một trong những tư tưởng chính ngài đề cập đến trong ba bài suy niệm ấy: “Thách đố lớn của thời đại chúng ta là trào lưu tục hóa. Xã hội đang tạo ra cái ảo tưởng là Thiên Chúa không hiện hữu, hoặc giả nếu có, thì Ngài cũng chỉ luẩn quẩn trong cái vòng giới hạn riêng tư của mỗi người. Là Kitô hữu, chúng ta không thể nào chấp nhận thái độ này. Hơn bao giờ hết, Thiên Chúa cần phải hiện diện một cách mới mẻ trong cuộc đời chúng ta” (CWNews.com, ngày 7 tháng 4 năm 2006). Và mới đây nhất, Ngài tuyên bố rõ rằng: “Chỉ khi nào ta thưa ‘vâng’ với Chúa thì đời ta mới thật sự có ý nghĩa” (VIS, 5 tháng 4, 2009).

Suy niệm thứ Bảy Tuần Thánh - Tình mẫu tử

Suốt cả chặng đường Thập giá của Chúa Giêsu cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng luôn có một hình bóng bên cạnh, đó chính là Đức Maria – Mẹ Người.

Có thể Mẹ không nổi bật giữa đám đông ngày ấy, hoặc không được nhấn mạnh nhiều trong Cuộc Thương Khó của Con mình. Tuy nhiên, Mẹ đã bước trọn con đường lên Núi Sọ cùng với Con mình cho đến giây phút cuối cùng. Khi tưởng tượng khung cảnh Đức Maria chứng kiến từng giây, từng phút Con mình đi đến cái chết, có lẽ nhiều người trong chúng ta không ngừng đặt câu hỏi: Tại sao Mẹ đã làm được như thế? 
Làm sao Mẹ có thể cam lòng nhìn thấy Con mình bị đánh đập, chửi bới và bị đóng đinh cho đến chết đau đớn trên cây thập giá.
Làm sao Mẹ vẫn có thể bước theo để chứng kiến những tiếng kêu than đau đớn, những giọt máu của Con mình nhỏ xuống trên cả chặng đường dài bởi vác thập giá nặng cùng với những đòn roi thấu tận xương.
Làm sao Mẹ vẫn vững vàng dang rộng đôi tay yếu mền của người phụ nữ để đón nhận tấm thân tả tơi, đẫm máu của Con mình khi được hạ xuống từ cây thập giá.

Thật thế, chỉ có tình mẫu tử mới hiểu hết được điều đó. Đó là tình thương của mẹ dành cho con. Sức mạnh của tình mẫu tử đã giữ Mẹ đứng vững được như thế. Tình mẫu tử quả thật là thiêng liêng! Nhờ Máu Thánh của Chúa Giêsu đổ ra trên cây Thập giá, mỗi chúng ta cũng được diễm phúc gọi Đức Maria là Mẹ. Nơi chân Thập giá, ngang qua thánh Gioan, Chúa Giêsu đã trao phó chúng ta cho Mẹ và chính lúc đó, Chúa Giêsu đã gửi gắm Mẹ cho mỗi một người chúng ta. Chúa Giêsu đã muốn san sẻ tình mẫu tử thiêng liêng cho ta. Ngài biết chúng ta cần Mẹ trên con đường Thập giá trần gian này. Ngài biết chúng ta cần Mẹ trên hành trình Đức tin đầy sóng gió hôm nay. Ngài biết Mẹ là điểm tựa vững chắc là bến đỗ bình an giữa những nổi trôi của phận người. Nhưng, mỗi chúng ta đã và đang đáp trả tình mẫu tử thiêng liêng đó như thế nào? Hay bấy lâu nay chúng ta lãng quên Mẹ trong cuộc đời mình?

Hôm nay, mỗi chúng ta được mời gọi nhìn lại tình mẫu tử của ta với Mẹ Maria. Sống tình mẫu tử với Mẹ tức là năng chạy đến với Mẹ qua lời cầu nguyện, qua tràng chuỗi Mân côi và hơn hết đó là noi gương Mẹ trong đời sống Đức tin của mình. Hãy học nơi Mẹ lời thưa “Xin vâng”. Cuộc đời Mẹ đã gói trọn trong hai chữ “Xin vâng”. Đó là lời thư xin vâng của một lòng tin kiên vững vào lời mời gọi của Thiên Chúa. Đó là lời thưa xin vâng của một niềm phó thác tuyệt đối chương trình của Ngài trên cuộc đời Mẹ. Thật vậy, Mẹ đã đáp lời xin vâng để trao trọn vẹn cả cuộc đời Mẹ trong tay Chúa.

Thứ Bảy Tuần Thánh, chúng ta được mời gọi trở về với tình mẫu tử với Mẹ. Hãy đến bên Mẹ và hâm nóng tình con thảo trong khung cảnh ảm đạm này. Cùng Mẹ đợi chờ trong tin tưởng và phó thác, cùng Mẹ cầu nguyện trong kiên nhẫn và hy vọng, để rồi cùng với Mẹ ta đón chờ giây phút Chúa Giêsu – Con Mẹ sống lại trong niềm vui và hân hoan.

J.B Lê Đình Nam

Không có nhận xét nào: