Viết về kinh nghiệm của mình ở Auschwitz, Elie Wiesel nói rằng người Đức đã nỗ lực làm cho các tù nhân quên hết người thân và bạn bè mà chỉ nghĩ đến mình và chỉ nhắm đến các nhu cầu của mình hoặc họ phải chết. Điều đó khiến họ nói đến các nhu cầu ấy cả ngày lẫn đêm. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra. Những người nào chỉ sống cho mình, ít có cơ may sống sót, trong khi người nào sống cho người thân, bạn hữu, anh em, một lý tưởng đã có cơ may tốt hơn để được sống còn. Người ta sống nhờ những gì mà người ta cho đi.
Tính ích kỷ làm cho chúng ta khép kín tâm hồn, nó hạn chế chúng ta. Nó dựng lên các rào cản, cả những bức tường giữa chúng ta và những người khác. Điều giải phóng chúng ta khỏi sự giam hãm ấy là mỗi tình cảm sâu sắc, quan trọng đối với những người khác. Trở nên bạn hữu, anh em và chị em, yêu là điều sẽ mở cửa nhà tù. Tình yêu thương giải phóng chúng ta khỏi tù ngục của tính ích kỷ.
Khi bước vào nhà tù, Oscar Wilde nói: “Bằng mọi giá, tôi phải giữ gìn tình yêu thương trong lòng tôi. Nếu tôi vào tù mà không có tình yêu thương thì linh hồn của tôi sẽ ra sao?”.
Nếu không có tình yêu thương, người ta sẽ là gì? Những người không muốn yêu thương đều có đời sống nghèo nàn. Nhưng những người sống yêu thương, có một đời sống phong phú và hiệu quả. “Chúng ta đã được đặt vào trần gian ngắn ngủi để học toả sáng tình yêu thương” (William Blake). Giải thoát khỏi tính ích kỷ và có khả năng yêu thương người khác.
Một bác sĩ, được chia sẻ những giây phút thâm sâu nhất của nhiều cuộc đời nói rằng, con người đối diện với cái chết không còn nghĩ gì về mức độ họ đã thu được, hoặc họ nắm giữ những địa vị nào, hoặc đã tích trữ được bao nhiêu của cải. Vào lúc cuối cùng, điều thật sự quan trọng là bạn đã yêu thương ai và ai đã yêu thương bạn.
Thứ năm tuần Thánh 13/4/2017
Ga 13, 1-15
Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. Ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt, ý định nộp Đức Giêsu. Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy, Người đến chỗ ông Simôn Phêrô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” Đức Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” Ông Phêrô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” Đức Giêsu đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Ông Simôn Phêrô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” Đức Giêsu bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch.” Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.”
Hôm nay là ngày lạ thường. Lạ thường nhưng không bất thường. Lạ thường nhưng rất ấm cúng, đầy tình nghĩa gia đình, tình thầy trò, tình anh em.
Thánh Gioan không tường thuật việc Chúa lập Phép Thánh Thể, nhưng chỉ tập trung vào việc rửa chân. Việc rửa chân được miêu tả rất cụ thể, tỉ mỉ, chi tiết, trang trọng:
“Đức Giêsu đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Người đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Người mặc áo vào, về chỗ, và nói: …Thầy là là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”.
Ngài làm một cách cẩn thận, trang trọng, như cử hành bí tích vậy. Quả thật, việc rửa chân bổ túc cho Bí tích Thánh Thể.
Bí tích và rửa chân
Bí tích Thánh Thể được cử hành trong nhà thờ, còn rửa chân được thực hiện trong đời thường.
Bí tích Thánh Thể giúp ta hướng tâm hồn lên Chúa, còn rửa chân giúp ta hướng về con người.
Bí tích Thánh Thể cử hành trên bàn thờ, còn rửa chân thực hành trên con người.
Bí tích Thánh Thể kết thúc ở nhà thờ, còn rửa chân được kéo dài trong cuộc sống.
Bí tích Thánh Thể giúp ta yêu mến Chúa, còn rửa chân giúp ta mến thương nhau.
Bí tích Thánh Thể kết hiệp con người với Chúa, còn rửa chân kết hiệp con người với nhau.
Bí tích Thánh Thể tạo mối liên hệ với Chúa, còn rửa chân tạo mối liên hệ với anh em.
Bí tích Thánh Thể do thừa tác viên thánh cử hành, còn rửa chân thì mọi người cử hành.
Bí tích Thánh Thể qui tụ con cái Chúa, còn rửa chân lôi kéo con người đến với nhau.
Bí tích Thánh Thể mời ta đồng bàn với Chúa, còn rửa chân giúp ta đồng bàn với nhau.
Bí tích Thánh Thể ban tràn ân phúc, còn rửa chân làm hả hê nghĩa tình.
Bí tích Thánh Thể cho ta sự sống thần linh, còn rửa chân làm ta trưởng thành nhân cách.
Bí tích Thánh Thể làm ta mạnh mẽ đức tin, còn rửa chân giúp ta can đảm phục vụ.
Bí tích Thánh Thể chính là tình yêu tự hạ, còn rửa chân giúp ta khiêm hạ trong phục vụ.
Bí tích Thánh Thể, hành vi yêu thương lớn lao, còn rửa chân, hành động cảm thương sâu sắc.
Bí tích Thánh Thể cho làm ta thành con trong nhà, còn rửa chân giúp người lạ thành anh em.
Bí tích Thánh Thể được bổ túc và nối dài bằng hành vi rửa chân cho nhau.
Việc làm của Chúa Giêsu thật nghiêm túc, chứng tỏ Ngài rất quý trọng con người.
Việc Ngài làm dạy ta thực hành đạo không chỉ trong nhà thờ, mà còn nơi gia đình, xã hội nữa.
Việc Ngài làm dạy ta yêu mến Chúa hết lòng, và yêu thương anh em như chính mình.
Việc Ngài làm dạy cho biết con người chính là đền thờ, là bàn thờ, nên phải hết sức tôn trọng, trân trọng và quý trọng.
Vì là đền thờ, nên Ngài đã phục vụ con người như là tôi tớ, như người phục vụ: cởi áo, đổ nước, đi đến, quỳ xuống, rửa chân, lau khô…
Việc Ngài làm không phải vì bắt buộc, cũng không phải để lấy tiếng, nhưng cho thấy Thiên Chúa đã yêu thương con người đến dường nào. Ngài coi con người là đền thờ, rồi phục vụ những đền thờ này, mặc dù, nơi bàn chân con người, đã nhiều lần đi hoang, đã nhiều lần bẩn bụi, đã nhiều lần thương tích, đã nhiều lần lạc lối, đã nhiều lần gây tai họa.
Ngài đã dùng sức mạnh của tình yêu tự huỷ để rửa cho hết những bụi bẩn của phản bội, kiêu căng, cố chấp, mặc cảm, tự ti, khô khan, lười biếng, điêu ngoa, gian dối, nóng giận, cục cằn, say sưa, chén, dâm ô, xác thịt, ghen tuông, ghen tị, phù phiếm, thờ quấy, bất kính, bất hiếu, bất trung để chân ta được sạch, mạnh dạn đi vào đường thánh đức.
Phục vụ trong yêu thương
Như người mẹ muốn ở bên con, thì Thiên Chúa cũng vui thích ở giữa dân người.
Như người mẹ muốn gần con mà sẵn sàng chấp nhận mọi phần gian nan thiệt thòi về mình, thì Thiên Chúa vì muốn ở với nhân loại, nên Ngài cũng sẵn sàng tự huỷ thân phận mình đi để được trở nên giống như con người, được phục vụ con người.
Để được phục vụ con người, Ngài chấp nhận huỷ mình, không nghĩ đến bản thân hay thể diện nữa.
Tình yêu thì không loại trừ, nên Ngài vẫn rửa chân cho hết mọi môn đệ, dù có ông không sạch. Việc rửa chân này cho thấy tinh thần tha thứ của Ngài thật lớn lao.
Tình yêu thì không phân biệt đối tượng, nên Ngài sẵn sàng phục vụ mọi người. Kẻ thánh thiện cũng như tội lỗi, khoẻ mạnh cũng như yếu đau, người lạ cũng như thân thiết, trung tín cũng như phản bội, mạnh mẽ cũng như hèn nhát, can đảm cũng như nhu nhược, Ngài làm như người giúp việc.
Tình yêu thì luôn quan tâm. Quan tâm chứ không phải dò xét. Chẳng ai rửa chân cho người dưng, nhưng với người mình yêu. Rửa chân là công việc đòi tỉ mỉ, nhẹ nhàng, cẩn thận, như người mẹ tắm rửa cho con, như người vợ chăm sóc cho chồng, như nô lệ phục vụ chủ mình.
Tình yêu thì không tìm tư lợi, nhưng là luôn tìm cách phục vụ người mình yêu bằng sáng kiến mới phát xuất từ tâm hồn. Đúng như lời Ngài nói: “Ta đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ”. Rửa chân là một sáng kiến của Chúa Giêsu để nối dài tính thần thiêng ra cuộc sống.
Rửa chân nói đến tình yêu thương khiêm hạ của Đức Giêsu. Ngài yêu thương đến cùng, đến hết mình, rồi đến chết mình.
Việc làm và lời dạy của Chúa Giêsu không hề phức tạp tinh vi, càng không cao siêu khó hiểu. Nhưng rất đơn giản, dễ làm. Ngài dạy như sau:
- Cứ dấu này để nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau.
- Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.
- Thầy là Chúa, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng hãy làm như vậy.
- Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.
Ta đón nhận Chúa trong bí tích Thánh Thể, thì cũng hãy đón nhận nhau qua việc rửa chân. Nghĩa là luôn quan tâm, lo lắng, phục vụ, hy sinh, chấp nhận và tha thứ cho nhau.
Lạy Chúa Giê su ,lời cuối của bài TM hôm nay khiến chúng con cảm thấy xấu hổ, đau buồn vì cuộc sống hàng ngày đầy gian tham và ích kỷ của chúng con. Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Lạy Chúa, đó không chỉ là làm thêm một việc hãm mình, đạo đức, nhưng là tất cả con người, với trọn vẹn ý thức mà chúng con sẽ phải quỳ xuống để phục vụ ơn cứu độ, phục vụ anh em cho đến cùng, cũng có nghĩa là cho đến chết. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét