Câu chuyện tình éo le và sự hình thành ngôi mộ đôi
Đây là một khu đồi thông thoai thoải với một ngôi mộ đôi nằm ở dưới chân đồi. Ngôi mộ này gắn với câu chuyện tình éo le cách đây gần 60 năm giữa chàng trai tên Vũ Minh Tâm và cô gái tên Lê Thị Thảo.
Tâm quê gốc ở Gò Công, Tiền Giang, là con trai của một gia đình đại điền chủ giàu có. Anh lên Đà Lạt để theo học Trường Võ bị Đà Lạt. Trong khi đó, Thảo chỉ là con gái của một gia đình công chức nghèo ở thành phố trên cao nguyên Lang Biang. Họ gặp nhau, yêu nhau tha thiết, hẹn hò nhau ở đồi thông bên hồ Sương Mai và thề non hẹn biển. Sau khi tốt nghiệp, Tâm về Tiền Giang xin cha mẹ cưới Thảo. Nhưng gia đình đã phản đối kịch liệt vì nhà gái không “môn đăng hộ đối” và bắt anh cưới người con gái xa lạ. Tâm đã xin đi lính để quên đi nỗi tuyệt vọng…Thế rồi Thảo nhận được tin Tâm đã tử trận. Đau đớn khôn cùng, cô tìm đến khu đồi thông bên hồ nơi hai người từng hò hẹn và tự vẫn vào ngày 15/3/1956. Thuận theo nguyện vọng của Thảo, gia đình đã chôn cô ngay dưới khu đồi thông. Nhưng sự thật là Tâm không chết vì người ta đã nhầm lẫn khi báo tử. Trở về Đà Lạt thăm Thảo và hay tin cô đã tự vẫn vì mình, Tâm tìm đến mộ Thảo vật vã khóc than, rồi sau đó cũng tự tử theo để giữ trọn lời thề. Trước khi chết, Tâm để lại bức thư tuyệt mệnh với mong ước được yên nghỉ bên cạnh mộ Thảo để hai người mãi mãi được gần nhau. Và chàng trai đã được toại nguyện. Cũng từ đó, hồ Sương Mai bên đồi thông đổi tên thành hồ Than Thở…
Sau năm 1975, cha mẹ Tâm đã cho bốc mộ anh đưa về quê, do hai người đã tuổi cao sức yếu, không thể thường xuyên lên thăm mộ con. Dù hài cốt Tâm đã được dời đi, nhưng cảm thương mối tình chung thủy, gia đình Thảo vẫn để ngôi mộ đôi.
Câu chuyện có thật trên đây đã kể lại một chuyện tình bi thương, nhưng cao quý. Quý ở chỗ tìm đến cái chết để chứng tỏ tình yêu chung thủy của mình. Trong cuộc đời cũng có biết bao mối tình đẹp cao quý. Câu chuyện Bà Maria Mac đa la dưới đây đã bất chấp hiểm nguy đi đến mộ Chúa , dù trời còn tối để được nhìn thấy Chúa, nghe tiếng Người nói... dù Chúa đã chết, được chôn trong mộ đá. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau đây :
Thứ ba 19/4/2017 - Tuần bát nhật phục sinh
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (Ga 20,11-18)
Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: "Này bà, sao bà khóc?" Bà thưa: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!" Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. Đức Giê-su nói với bà: "Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai ?" Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: "Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về." Đức Giê-su gọi bà: "Ma-ri-a !" Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: "Ráp-bu-ni!" (nghĩa là 'Lạy Thầy'). Đức Giê-su bảo: "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: 'Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em'." Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: "Tôi đã thấy Chúa", và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.
Tin mừng trên đây đưa chúng ta đến gặp một người đàn bà thật tội nghiệp, đó là Maria Mađalena, một người đã từng theo Đức Kitô tới chân thánh gía đầy tang thương. Trước hết, chúng ta thấy bà đầy sao xuyến, lo âu, sợ hãi bên nấm mồ, đến nỗi khi Chúa hỏi mà bà cũng không biết đó là ai, nên bà đã thốt lên : “tôi không biết người ta đã đặt Ngài ở đâu” dù trước đó bà đã có mặt lúc táng xác Ngài. Đối với bà, xem ra tất cả đều sụp đổ, chẳng còn gì hy vọng nữa cả; thế nhưng, chính trong sự tận cùng của cái tuyệt vọng ấy, chính trong thử thách mịt mù ấy mà bà đã được Chúa ban cho một món qùa: không phải trên đôi tay, mà là một cuộc gặp gỡ ‘diện đối diện’, một cuộc gặp gỡ bằng con tim mà bà đã giành cho Chúa kể từ lúc bà gặp được Ngài. Một cuộc gặp gỡ đầu tiên, nhất là bà được Chúa gọi bằng chính tên của bà “Maria!”.
Khi được gọi tên, thì đó là dấu cho thấy sự thân mật giữa Chúa Giêsu và người đó. Chẳng hạn như tương quan thân tình giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, giữa vị mục tử nhân lành và đòan chiên, người mục tử tốt lành thì nhận biết từng con chiên của mình và Ngài gọi tên từng con một. Như vậy, việc được gọi tên diễn tả sự thân thương, gần gũi, mà đối với những người bình thường không thể có được.
Việc Chúa gọi tên Maria Madalena năm xưa còn được giành cho tất cả mọi kitô hữu chúng ta. Chúng ta được Chúa mời gọi để lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, khi đó, chúng ta được gọi tên, được đổi mới từ con người cũ thành con người mới; được nâng lên thành con cái của Thiên Chúa và được thông phần vào sự sống Phục sinh trong nhiệm thể Đức Kitô. Sự sống mà Chúa Phục Sinh đem lại, sẽ làm cho con người sống đúng vị trí làm người và làm con của Thiên Chúa đến muôn ngàn đời.
Ý thức được giá trị cao qúy trên đây, nếu tội lỗi vẫn còn đang làm cho chúng ta vô cảm, u buồn, tuyệt vọng ... thì chúng ta luôn nhớ rằng: Chúa Phục Sinh đang ở bên chúng ta và Ngài gọi tên từng người một. Nếu chúng ta chưa nhận thấy và chưa nghe được tiếng Chúa gọi mình, thì có thể vì chúng ta chưa nhiệt tâm yêu mến Chúa, chưa ước vọng tìm kiếm Ngài như Maria Madalena. Nhưng nếu chúng ta biết tìm kiếm Chúa trong yêu mến thì chắc chắn không ai trong chúng ta phải thất vọng, vì Chúa đang chờ đợi ta. Xin cho tất cả chúng ta trong mùa Phục sinh này được gặp Chúa Phục sinh trong yêu mến và khát khao.
Lạy Chúa Giêsu, việc Chúa sống lại là ánh sáng chiếu soi cho nhân loại đang lần bước trong đêm tối. Chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con được làm con Chúa. Lạy Chúa! Chúa mời gọi chúng con ra đi loan báo Tin Mừng cho mọi dân nước nhưng chúng con đang sống trong thời đại mà Tin Mừng của Chúa bị một số người xem như là thù nghịch. Xin Chúa cho chúng con dám can đảm loan báo Tin Mừng cho mọi người dù là những người thù ghét và chống đối chúng con. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét