Thứ Tư, 27 tháng 1, 2021

Bị ma quỷ ám - Thứ hai 01/02/2021

 





Là tân binh của mùa Halloween năm nay, Possession - bộ phim kinh dị dựa trên câu chuyện có thật do nhà nhà làm phim nổi tiếng Sam Raimi cũng đã kịp thu về gần 50 triệu USD sau 3 tuần ra rạp.

Mọi chuyện bắt đầu kể từ khi gia đình Brenek tham gia một hội chợ cuối tuần và mua về một chiếc hộp gỗ. Tưởng chừng đó chỉ là một món đồ lưu niệm bình thường nhưng ngay sau khi cô bé Em mở ra, chiếc hộp đã mang đến hàng chuỗi các sự việc kỳ lạ.
     Dù mới ly hôn nhưng Clyde (Jeffrey Dean Morgan) và Stephanie (Kyra Sedgwick) đã phải tạm tái hợp khi thấy hành động của con gái ngày càng trở nên khác thường.Cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể tách con gái ra khỏi chiếc hộp, Clyde bắt đầu nghi ngờ chiếc hộp gỗ kỳ bí này là nguyên nhân khiến em trở nên mất trí.
     Sau hàng loạt những việc bí ẩn, khó giải thích, gia đình nhỏ cuối cùng cũng phải đối diện với mối nguy hiểm thực sự kinh hoàng: một linh hồn quỷ dữ thách thức tất cả mọi sức mạnh trên đời, kể cả quyền năng của Chúa Trời.
     Truyền thuyết về chiếc hộp Dibbuk là một sự việc có thật và được coi là một trong những nỗi ám ảnh ma quỷ lớn nhất của loài người. Được lưu truyền từ câu chuyện dân gian của người Do Thái xưa, sự tích của chiếc hộp Dibbuk lại càng gây ầm ĩ hơn nữa từ một bài báo đăng trên tờ Los Angeles Times vào năm 2004 về những sự việc có thật liên quan đến các chủ nhân của chiếc hộp.Chiếc hộp sẽ quấy rầy chủ nhân của nó bằng những cơn ác mộng đáng sợ, những bệnh tật bất ngờ, những hình ảnh kỳ dị và những âm thanh không thể lý giải.

Ngay sau khi chiếc hộp huyền thoại “sừng sững” xuất hiện ở thời hiện đại, nó đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu trên toàn thế giới và nhanh chóng được bán về tay một người phụ trách bảo tàng đại học tên Jason Haxton.

Sau khi nghiên cứu, ông đã tìm ra chủ nhân thực sự của chiếc hộp bí ẩn. Đó là một phụ nữ 103 tuổi – người hiếm hoi còn sống sót sau trận tàn sát người Do Thái vào thời Hitler. Khi tới Mỹ, bà đã mang theo chiếc hộp và cảnh cáo cả gia đình không bao giờ được mở nó.Từ câu chuyện đáng kinh hãi từ thực tế, đạo diễn nổi tiếng Sam Raimi đã quyết định đưa nó lên phim. Bởi bản thân chiếc hộp Dubbik đã là một vật thể có thực gây sợ hãi cho mọi người ngay từ trong ý nghĩ nên Raimi tin rằng bộ phim của ông sẽ khiến cho khán giả trải nghiệm hết sự hoảng sợ, khi ngồi trước màn ảnh và thậm chí còn gây ám ảnh đến tận lúc phim đã kết thúc.

Thứ hai 01/02/2021 - Tuần 4 TN
Lời Chúa : Mc 5, 1-20

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ sang bờ biển bên kia, đến địa hạt Giêrasa. Chúa Giêsu vừa ở thuyền lên, thì một người bị quỷ ô uế ám từ các mồ mả ra gặp Người. Người đó vẫn ở trong các mồ mả mà không ai có thể trói nổi, dù dùng cả đến dây xích, vì nhiều lần người ta đã trói anh ta, gông cùm xiềng xích lại, nhưng anh ta đã bẻ gãy xiềng xích, phá gông cùm, và không ai có thể trị nổi anh ta. Suốt ngày đêm anh ta ở trong mồ mả và trong núi, kêu la và lấy đá rạch mình mẩy. Thấy Chúa Giêsu ở đàng xa, anh ta chạy đến sụp lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: "Hỡi ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, ông với tôi có liên hệ gì đâu? Vì danh Thiên Chúa, tôi van ông, xin chớ hành hạ tôi". Nhưng Chúa Giêsu bảo nó rằng: "Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này". Và Người hỏi nó: "Tên ngươi là gì?" Nó thưa: "Tên tôi là cơ binh, vì chúng tôi đông lắm". Và nó nài xin Người đừng trục xuất nó ra khỏi miền ấy.
 Gần đó, có một đàn heo đông đảo đang ăn trên núi, những thần ô uế liền xin Chúa Giêsu rằng: "Hãy cho chúng tôi đến nhập vào đàn heo". Và Chúa Giêsu liền cho phép. Các thần ô uế liền xuất ra và nhập vào đàn heo, rồi cả đàn chừng hai ngàn con lao mình xuống biển và chết đuối. Những kẻ chăn heo chạy trốn và loan tin đó trong thành phố và các trại. Người ta liền đến xem việc gì vừa xảy ra. Họ tới bên Chúa Giêsu, nhìn thấy kẻ trước kia bị quỷ ám ngồi đó, mặc quần áo và trí khôn tỉnh táo, và họ kinh hoảng. Những người đã được chứng kiến thuật lại cho họ nghe mọi sự đã xảy ra như thế nào đối với người bị quỷ ám và đàn heo. Họ liền xin Chúa Giêsu rời khỏi ranh giới họ. Khi Người xuống thuyền, kẻ trước kia bị quỷ ám xin theo Người. Nhưng người không cho mà rằng: "Con hãy về nhà với thân quyến, và loan truyền cho họ biết những gì Thiên Chúa đã làm cho con và đã thương con". Người đó liền đi và bắt đầu tuyên xưng trong miền thập tỉnh, tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm cho anh ta, và mọi người đều thán phục.

Người Do thái thời Chúa Giêsu có một cái nhìn rất miệt thị đối với dân ngoại, họ xem dân ngoại là những kẻ sống dưới ách nô lệ của ma quỷ, do đó cũng cư trú trong những vùng nhơ bẩn chẳng kém gì bãi tha ma. Nhưng đối với Chúa Giêsu, ranh giới giữa Do thái và dân ngoại không còn nữa. Ngài không chỉ đến với dân Do thái, mà cả với dân ngoại nữa. Chính cho dân ngoại mà Chúa Giêsu cũng mang ơn cứu độ đến, và ơn cứu độ ấy được thánh Marcô mô tả bằng những hình ảnh rất sống động: Chúa Giêsu trục xuất cả một đạo binh ma quỉ ra khỏi người bị quỉ ám, nguyên một bầy heo lao mình xuống biển. Tin Mừng được loan báo cho dân ngoại qua miệng người vừa được chữa lành.
      Thế nhưng, sự thành công của Chúa Giêsu dưới cái nhìn của Marcô thật là yếu ớt. Dường như tất cả những người mà Ngài tìm đến đều có thái độ dè dặt đối với Ngài. Chỉ có ma quỉ là kẻ duy nhất biết rõ Ngài là ai nhưng chẳng bao giờ có thể hoán cải được nữa. Các luật sĩ và biệt phái thì càng lúc càng tỏ ra chai lỳ, bà con thân thuộc thì chỉ nhìn về Ngài với những tính toán vụ lợi, đám đông dân chúng thì không nhận ra được ý nghĩa đích thực của sứ mệnh thiên sai của Ngài, còn dân ngoại thì nài nỉ Ngài quay trở lại quê hương Ngài để họ khỏi phải mang họa vào thân, và khi Chúa Giêsu chiến thắng được ma quỉ, thì đó cũng là lúc loài người tẩy chay Ngài. Trong một tình thế bi đát như vậy, cái chết trên Thập giá là chuyện tất yếu đối với Chúa Giêsu. Trong cái nhìn của Marcô, mỗi cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người đương thời của Ngài là một tiên báo vê� cuộc tử nạn của Ngài, Ngài là một con người triền miên bị khước từ.
      Suy nghĩ về số phận của Chúa Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi nhìn lại thân phận của người Kitô hữu chúng ta trong trần thế. Là môn đệ Chúa Giêsu, là chấp nhận lội ngược dòng, là làm chứng cho Ðấng đã từng bị khước từ, người Kitô hữu bị khước từ đã đành, mà ngay cả khi phục vụ một cách vô vụ lợi, họ cũng không hẳn được người đời thương mến. Nói như thánh Phaolô: bổ khuyết những gì còn thiếu trong cuộc Tử nạn của Chúa Giêsu, đó là số phận của người Kitô hữu trong trần thế này.

Tâm tình :
Lạy Chúa Giê su, trên con đường nhân đức tiến về quê hương Nước Trời, đôi khi chúng con cũng mang tâm tưởng của đám đông. Chúng con bám víu, níu kéo những thực tại trần gian như quyền lực, lợi lộc, danh vọng... mà không dám mạnh dạn nói không với “ba thù” để rồi đời sống đức tin của chúng con bị chao đảo, khủng hoảng khi phải đối diện với những nghịch cảnh, bệnh tật, đâu khổ, khó khăn và tội lỗi... Xin Chúa thêm đức tin cho chúng con để chúng con vững vàng trước những cám dỗ của trần tục hôm nay. Amen

Không có nhận xét nào: