Thứ Hai, 25 tháng 1, 2021

Cuộc đời đầy sóng gió... Thứ bảy 30/01/2021






Tâm hồn Kitô hữu chúng ta cũng rộng lớn như Biển hồ, Chúa đến với ta, lúc ở bên này, lúc ở bên kia cuộc đời, để đem ánh sáng Lời Chúa đến với ta, để Ngài chia sẻ tất cả những đau khổ và cực nhọc trong đời ta. Ngài không ở hẳn bên nào mà luôn đi qua đi lại. Để trong mỗi cơn cám dỗ, trong mỗi đau khổ và bất hạnh, trong mỗi thất bại ta đều có Chúa sẻ chia với ta. Biển hồ Galilê chính là CÁI BẪY CHẾT NGƯỜI, và đã vùi xác rất nhiều ngư phủ tại đây. Họ đã bị lừa như khi thấy biển yên sóng lặng, nhưng không ngờ nó luôn tiềm ẩn mối nguy hiểm chực chờ.

Theo quan niệm truyền thống Do Thái, “CUỒNG PHONG” chính là lúc Satan phô diễn sức mạnh. Như vậy Biển hồ này chính là nơi hoạt động của thần lực tối tăm và của ma quỷ. Con thuyền của các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay chính là hình ảnh cuộc đời chúng ta.

Thực vậy, cuộc đời chúng ta với bao nhiêu phong ba bão táp, đó là những thất bại của bản thân, những khó khăn của cuộc sống, của xã hội, những khổ đau của những người xung quanh, làm cho chúng ta nhiều lúc chán nản tuyệt vọng...

Thứ bảy 30/01/2021 - Tuần 3 TN
Lời Chúa : Mc 4,35-41

Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi! ” Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? ” Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi! ” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin? ” Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh? “

Sự kiện Chúa Giêsu và các môn đệ sang bên kia biển hồ, như được trình thuật trong Tin Mừng hôm nay, không phải chỉ có ý nghĩa địa lý: di chuyển từ nơi này sang nơi nọ, cũng như sóng gió nổi lên không chỉ mang ý nghĩa về khí tượng thuần tuý; nhưng các biến cố đó còn mang ý nghĩa thần học nữa. Chúa Giêsu và các môn đệ rời bỏ miền đất Israel để đi sang phía dân ngoại, điều đó mang ý nghĩa truyền giáo; sóng gió nổi lên tượng trưng cho sức mạnh của sự dữ, của ma quỷ nổi lên chống lại Chúa và các môn đệ.
      Tuy nhiên, như trình thuật Tin Mừng cho thấy, lúc đó Chúa Giêsu đang ở đàng lái, gối đầu mà ngủ. Giấc ngủ ấy khiến ta liên tưởng đến cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá. Trong cái chết đó, Chúa Giêsu dường như đã thất bại, trong khi đó các quyền lực sự dữ tưởng chừng như đã thành công, vì đã thủ tiêu được người mà họ coi như kẻ thù, như kẻ quấy rầy nền đạo đức tôn giáo của họ. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã thức dậy, nghĩa là Ngài đã phục sinh, và sự Phục Sinh của Ngài loan báo cuộc chiến thắng vĩ đại của Ngài trên mọi quyền lực của ma quỷ và sự dữ cũng như của bất cứ thế lực nào chống đối Giáo Hội.
      Ðời sống của Giáo Hội cũng như của mỗi Kitô hữu được ví như một cuộc ra khơi. Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện, ngay cả khi chúng ta tưởng như Ngài vắng mặt trong những thử thách, phong ba của cuộc đời. Ðiều quan trọng là chúng ta biết chạy đến cầu nguyện với Chúa để Ngài làm yên cơn sóng gió và dẫn đưa con thuyền cuộc đời chúng ta về tới bến bờ bình an.
     Ước gì chúng ta luôn có được xác tín của thánh Phaolô Tông đồ: Thiên Chúa không để chúng ta bị thử thách quá sức chịu đựng, Ngài sẽ ra tay cứu giúp mỗi khi chúng ta kêu cầu đến Ngài.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho mọi người chúng con luôn tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa trên con thuyền cuộc đời chúng con giữa biển đời sóng gió. Để chúng con không bao giờ nao núng vì Chúa đã chiến thắng nên chúng con cũng sẽ chung phần chiến thắng và cập bến Nước Trời. Amen

Không có nhận xét nào: