Thứ Ba, 21 tháng 9, 2021

Yêu thương trẻ nhỏ, vì chúng là hình ảnh của Chúa - Thứ hai 27/9/2021

 



Gần hai tháng trôi qua nhưng Phạm Yến Nhi (22 tuổi, ngụ phường Tân Thới Nhất, Quận 12, TP Hồ Chí Minh) vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi buồn trước sự mất mát quá lớn, khi cả bố và mẹ đều đột ngột qua đời vì Covid-19. Là chị cả trong gia đình có 4 người con, Yến Nhi cố gắng giữ vững tinh thần để làm chỗ dựa cho các em. Yến Nhi tâm sự rằng, bố làm bảo vệ dân phố, tham gia phòng, chống dịch ở phường rồi không may nhiễm Covid-19 và không qua khỏi. Mẹ của Nhi cũng qua đời sau đó hơn một tuần cũng vì Covid-19.

Yến Nhi tâm sự: “Hiện em có hai em gái là Phạm Lâm Yến Hoàng học lớp 5 tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai và Phạm Lâm Yến Phụng học lớp 6 tại Trường THCS Nguyễn Vĩnh Nghiệp, quận 12. Do học trực tuyến nên phải mượn điện thoại của ông bà ngoại, cậu gần nhà để có thiết bị học. Em cố gắng động viên các em an tâm học tập và cùng động viên nhau vượt qua khó khăn trước mắt. Sau dịch, em sẽ đi tìm công việc để có thu nhập lo cho các em ăn học đến nơi đến chốn”.

Người mẹ qua đời vì Covid-19 khi vừa sinh em bé được hơn hai tháng là nỗi đau lớn của em Nguyễn Phương Quỳnh Như (học sinh lớp 9, ngụ phường 10, quận Tân Bình). Quỳnh Như là con thứ hai trong gia đình có ba anh em. Quỳnh Như xúc động chia sẻ: “Mẹ và bà nội của em đã qua đời vì Covid-19. Bố của em làm nghề phụ hồ nhưng do dịch bệnh nên thất nghiệp nhiều tháng qua. Hằng ngày, em phụ bố chăm sóc cho đứa em nhỏ, khi đến giờ học trực tuyến thì bố trông hoặc gửi em nhỏ sang nhà người cô ở gần trông hộ”.Cùng hoàn cảnh mất mẹ vì Covid-19, em Huỳnh Tấn Phát (sinh năm 2013, ngụ TP Thủ Đức) đang được bà nội chăm sóc. Bố của Phát cũng mắc Covid-19, điều trị tại Bệnh viện dã chiến thu dung số 3 một thời gian thì được cho về cách ly, theo dõi tại nhà. Bà Nguyễn Thị Mai (bà nội em Phát) cho biết: “Cháu Phát còn người em gái nhỏ gần hai tháng tuổi. Hoàn cảnh cả gia đình đang rất khó khăn vì dịch bệnh. Vừa qua, tổ chức Đoàn Thanh niên của địa phương đã đến trao bảo trợ học tập cho cháu Phát đến hết lớp 12, gia đình bớt lo lắng hơn về con đường học tập của cháu”.
    Đại dịch Covid-19 đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của học sinh, giáo viên tại TP Hồ Chí Minh. Theo thống kê đến giữa tháng 9-2021, thành phố có 10.073 học sinh, gần 3.390 giáo viên đang thuộc diện F0, 1.517 học sinh rơi vào hoàn cảnh mồ côi do dịch Covid-19. Học sinh mồ côi tập trung nhiều nhất ở các quận: 8, Bình Thạnh, Bình Tân, huyện Hóc Môn...
    Trẻ em, học sinh là đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Những suất học bổng, phần quà hỗ trợ tuy không thể giải quyết hết những khó khăn, mất mát do dịch Covid-19 gây ra đối với học sinh tại TP Hồ Chí Minh, nhưng sẽ góp phần động viên, chia sẻ, tiếp thêm nghị lực, niềm tin để các em vững bước đến trường. Về kế hoạch hỗ trợ những trẻ thuộc diện trên được đi học lâu dài, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố, UBND Thành phố đã đồng ý chủ trương miễn học phí học kỳ I năm học 2021-2022.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố thông tin thêm: “Trường hợp trẻ em có cha mẹ qua đời vì Covid-19, căn cứ khoản 1, điều 5, chương II, Nghị định 20/2021/NĐ-CP, được xét trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng. Mức trợ cấp hệ số 2,5 đối với trẻ mồ côi dưới 4 và hệ số 1,5 đối với trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên. Các em được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, miễn giảm học phí và các khoản khác ở trường. Thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi và được duy trì hưởng chính sách trợ giúp xã hội nếu các em đang học văn hóa, trung cấp chuyên nghiệp, học nghề, cao đẳng, đại học nhưng tối đa không quá 22 tuổi”.

Thứ hai 27/9/2021 - Tuần 26 TN
Lời Chúa : Lc 9, 46-50.

Một câu hỏi chợt đến với các môn đệ Đức Giê-su: trong các ông, ai là người lớn nhất? Đức Giê-su biết điều các ông đang tự hỏi trong lòng, liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình và nói với các ông: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.”Ông Gio-an lên tiếng nói: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy.” Đức Giê-su bảo ông: “Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta! “

Sống ở đời, cái danh cái lợi hình như cứ bám chặt lấy mỗi người chúng ta. Có người tìm cách thoát ra chẳng được, nhưng có kẻ lại mải mê đi tìm những thứ đó bằng mọi giá. Và vì thế, ca dao có câu: “Cái vòng danh lợi cong cong. Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào.”
    Mang thân con người xác thịt như bao người, các môn đệ của Chúa ngày xưa cũng khó tránh khỏi cái cám dỗ muôn thuở của quyền hành, lợi danh. Các ông tranh nhau được làm người cao trọng nhất trong nhóm. Chúa thấy thế liền đặt để một trẻ nhỏ bên cạnh Ngài mà bảo rằng: “Ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy”.
    Trẻ nhỏ trong xã hội Do thái xưa kia chẳng đóng góp được gì cho xã hội, nên các em bị coi là thành phần thấp nhất, chẳng đáng kể gì. Khi nhắc đến trẻ nhỏ thì người ta thường liên tưởng ngay đến thành phần khốn khổ, nghèo hèn nhất của xã hội. Vì vậy, Chúa đặt để trẻ nhỏ bên cạnh Ngài để nhắc nhớ cho các môn đệ biết rằng người cao trọng nhất trong các ông phải là người khiêm nhu, hiến mình phục vụ những người khốn khổ, nghèo hèn trong xã hội.
    Tranh dành chức tước cao trọng với nhau không xong, các ông quay sang chạnh chọe với người ngoài. Thấy người không phải nhóm của mình đã nhân danh Chúa mà trừ quỷ, thì các ông ấm ức, bức bội thưa với Chúa: “Có người nhân danh thầy mà trừ quỷ”. Các ông cứ nghĩ rằng Chúa cũng sẽ ấm ức, bực bội như ông và sẽ cấm đoán người ta, ai ngờ Chúa lại bảo rằng cứ kệ họ!
    Có lẽ ngẫm đến chuyện của các môn đệ ngày xưa, bạn và tôi không khỏi giật mình nghĩ đến bản thân. Biết bao lần cũng vì thấy người khác có vẻ nổi bật hơn ta, may mắn hơn ta, mà lòng chúng ta không vui, và rồi chúng ta tìm cách chạnh chọe với họ, tìm cách hạ uy tín của họ cho bằng được. Giả như không hạ giá người ta được, thì lòng ta hậm hức, bức bối, bất an bất ổn, tối ngày đứng ngồi không yên.
    Các môn đệ ngày xưa theo Chúa, được Chúa chỉnh sửa ngày này qua ngày khác và dần dần các ngài được biến đổi để rồi từ những con người ban đầu ham hố lợi danh, sau các ngài trở thành những con người sống vị tha và vô vị lợi, suốt đời hy sinh phục vụ tin mừng ơn cứu độ cho mọi người. Còn bạn và tôi cũng được lời Chúa uốn nắn mỗi ngày, không biết chúng ta đã được biến đổi đến đâu?

Lạy Chúa Giêsu, như các môn đệ ngày xưa, con cũng thích địa vị và đi tìm chỗ nhất cho mình. Con muốn hơn người khác và trở nên cao trọng bằng cách tự tôn mình lên hơn là sống theo đường lối của Chúa. Sở dĩ con không áp dụng phương thế của Chúa là vì con chưa hiểu được hình ảnh trẻ thơ bé nhỏ đối với Chúa lại cao đẹp và vĩ đại biết bao. Chính thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giêsu, hơn ai hết, đã chọn cho mình con đường thơ ấu thiêng liêng, một con đường ngắn nhất để nên trọn lành.
    Lạy Chúa, suốt cả cuộc đời, Chúa đã phục vụ con người như một tôi tớ. Cuộc đời Chúa cho con hiểu rằng để trở nên cao trọng, con phải sống khiêm nhường phục vụ như Chúa. Xin cho con luôn trở nên nhỏ bé trước tình yêu Chúa, để con luôn đơn sơ phó thác vào Chúa.
    Xin cho con biết noi gương Chúa, như khi Chúa hạ mình cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, để con cũng biết yêu thương phục vụ anh em, nhất là những anh em hèn mọn, nhỏ bé. Xin cho con xác tín rằng: khi con ích kỷ yêu chính mạng sống mình, con sẽ mất nó, nhưng khi con quên đi bản thân mình trong cuộc đời phục vụ tha nhân, con lại gặp chính mình.

Không có nhận xét nào: