Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2021

Đừng ham lợi danh, nhưng sống siêu thoát - Chúa nhật 17/10/2021





Bác sĩ Tom Dolly, người đã từng hy sinh cả cuộc đời của mình giữa chốn rừng thiêng nước độc ở bên Lào, để giúp đỡ cho những người thiếu may mắn vào khoảng đầu thế kỷ này, đã nói như sau: Không ai quá nghèo đến độ không có một cái gì đó để trao tặng cho người khác.

Gần đây, một Kitô hữu Nhật Bản nổi tiếng, tên là Kagawa, cũng đã từ bỏ căn nhà tiện nghi, đến sống trong những khu tồi tàn vùng Tokyo, để chia sẻ chính bản thân và của cải mình cho những ai đang cần đến một sự giúp đỡ. Một tác giả đã viết về ông như sau: Ông đã cho đi tất cả quần áo của mình và chỉ mặc trên người chiếc áo thụng đã cũ. Lần kia, mặc dù đang ốm, ông vẫn tiếp tục đi dạy giáo lý dưới cơn mưa, ông lặp đi lặp lại không ngừng: Thiên Chúa là tình yêu. Ở đâu có tình yêu thì ở đó có Thiên Chúa. Trong một bức thư, chính ông đã viết như sau: Chúa ở trong tâm hồn những người hèn mọn nhất. Ngài hiện diện giữa những kẻ ăn xin, Ngài nằm chung với những bệnh tật. Ngài đứng về phe những người thất nghiệp. Vì thế, ai muốn gặp Chúa thì hãy đến thăm nhà tù trước khi đến nhà thờ, đến thăm bệnh viện trước khi tham dự thánh lễ. Hãy giúp đỡ người nghèo khổ trước khi đọc Kinh Thánh.

Chúa nhật 17/10/2021 - Tuần 29 TN
Lời Chúa : Mc 10, 35-45

Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy". Người hỏi: "Các con muốn Thầy làm gì cho các con?" Các ông thưa: "Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy". Chúa Giêsu bảo: "Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?" Các ông đáp: "Thưa được". Chúa Giêsu bảo: "Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định". Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: "Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người".

Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta đào sâu ý nghĩa sự đau khổ trong chương trình cứu chuộc. Bốn câu thi văn của Isaia về người Tôi tớ đau khổ là chóp đỉnh của Cựu ước, là mạc khải ý nghĩa của sự đau khổ. Trước đây, người ta quan niệm sự đau khổ là hình phạt do tội lỗi. Ðành rằng người phạm đến Thiên Chúa thì đáng lãnh nhận một hình phạt, nhưng rồi cả những người trong trắng, các trẻ em vô tội và người công chính, các vị tử đạo cũng phải đau khổ. Người ta đi đến quan niệm rằng người công chính đau khổ có thể chuộc thay tội lỗi của người khác. Người Tôi tớ của Thiên Chúa chính là Chúa Giêsu đến, dùng sự đau khổ để cứu chuộc nhân loại.
    Lời Chúa kể lại việc can thiệp của hai con của ông Giêbêđê, muốn được ngồi bên hữu và bên tả Thầy trong vinh quang. Việc đó đã gây bất bình cho các Tông đồ khác. Chúa Giêsu dùng dịp này để giải thích điều kiện làm lớn trong Nước Trời. Không có vấn đề nào lớn lao cho bằng vấn đề đau khổ. Vì sao đau khổ? Ðây là câu trả lời của Chúa: Ðau khổ là để phục vụ, một việc phục vụ công hiệu hơn cả. Cha Maximilien Kolbe đã hy sinh để cứu một người bạn tù khỏi chết phần xác thì Chúa Giêsu đã chết cho mọi người để họ được sống đời đời. Ngài nói: "Con người đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người". Phục vụ là cứu thoát, là dấn thân. Vì thế, trước ngày đi chịu nạn, Chúa đã quì dưới dân các Môn đệ, rửa chân cho họ và phán: "Chúng con hãy thương yêu nhau như Thầy đã thương yêu chúng con. Thầy ở giữa chúng con như một người tôi tớ". Như vậy, chúng ta mới hiểu vai trò của quyền bính trong Giáo Hội. Quyền bính được trao cho ai là để người đó giúp đỡ anh em có phương tiện phát triển, là để phục vụ kẻ khác chứ không phải để cho mình tiến thân. Người nắm quyền bính tối thượng trong Giáo hội là người "đầy tớ trên mọi đầy tớ", servus servorum. 

Lạy Chúa Giê su, xin giúp chúng con biết noi gương Chúa, không màng tới địa vị cho mình, nhưng luôn dấn thân phục vụ anh em, như Chúa đã đến phục vụ và hy sinh cả mạng sống làm giá cứu chuộc chúng con.

Không có nhận xét nào: