Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2022

Bổn phận thảo kính Mẹ Cha - Thứ tư 02/02/2022






Hôm nay ngày mồng 2 tết, chúng ta kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã qua đời. Báo hiếu là đạo của dân tộc. Người Việt Nam có thể tuyên xưng nhiều tín ngưỡng khác nhau, nhưng nền tảng chung của mọi người vẫn là thờ kính ông bà tổ tiên.
    Ðạo thờ ông bà, như chúng ta vẫn thường nói, không phải là tín ngưỡng riêng của một nhóm người không theo một tôn giáo nào, mà là đạo lý chung của mọi người Việt Nam, mà từ ngàn xưa, tổ tiên ông bà chúng ta đã trau dồi và truyền lại cho con cháu. Ðón nhận đạo lý ngàn đời ấy của dân tộc, cho nên năm 1974, Hội đồng Giám Mục Việt Nam đã cho phổ biến một Thông cáo xác định và đề cao các lễ nghi tôn kính ông bà tổ tiên. Thông cáo có đoạn viết như sau: “Những cử chỉ, thái độ, lễ nghi, có tính cách thế tục, lịch sự, xã giao, để tỏ lòng hiếu thảo, tôn kính, và tưởng niệm các tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ, nên được thi hành và tham dự cách chủ động”.
    Một cách cụ thể, các Ðức Giám Mục Việt Nam cổ võ việc thiết lập Bàn thờ gia tiên để kính nhớ Ông bà tổ tiên, đốt nhang hương, đèn nến trên bàn thờ gia tiên, tổ chức những ngày cúng giỗ cũng như tham dự nghi lễ tôn kính vị Thành Hoàng, quen gọi là Phúc Thần tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc, hoặc là ân nhân của dân làng. Tựu trung, báo hiếu là đạo làm người, không những đã được ghi khắc trong trái tim con người, mà còn được Thiên Chúa mạc khải thành lề luật: “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ”. Ðạo làm người này quan trọng đến nỗi, nó chỉ đứng sau việc thờ phượng Thiên Chúa. Xét cho cùng, đạo làm người này gắn liền với đạo thờ phượng Thiên Chúa. Có nhận ra cha mẹ, ông bà, tổ tiên, con người mới có thể nhận biết căn nguyên và chủ tể của mình là Thiên Chúa.
    Theo truyền thống tốt lành của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, ngày mồng Hai tết là ngày con cháu kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Đặt ngày truyền thống này vào mồng Hai tết là có ý nghĩa đặc biệt đối với những con cháu như chúng ta, bởi vì ngày hôm qua –ngày đầu năm mới- mọi người cùng nhau vui vẻ chúc tết nhau, thì cũng có những gia đình mà năm ngoái cha mẹ cùng với con cái cháu chắt vui tết, nhưng năm nay đã không còn nữa, niềm vui tết được bộc lộ bên ngoài cùng với nổi niềm thổn thức trong lòng vì cha mẹ, người thân đã không còn vui tết với con cháu, với anh chị em của mình…
    Trong truyền thống đạo đức của người Phương Đông, chữ Hiếu là nhân đức hàng đầu.
Từ thuở mới cắp sách tới trường, bài học đầu tiên của ta là: Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra / Một lòng thờ mẹ kính cha / Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Sự hiện diện của mỗi người trên cõi đời này không phải là một sự xuất hiện ngẫu nhiên, nhưng là mắt xích của một chuỗi dài những mối liên hệ yêu thương từ bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và giờ đây là chúng ta, con cháu chúng ta… Người ta thường nói: chim có tổ, nước có nguồn, con người có tổ tiên là vậy.
    Trong đời sống người Kitô hữu, chữ Hiếu càng được quý trọng hơn vì đó là một trong Mười Điều Răn mà Thiên Chúa trao ban cho con người: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi (Xh 20,12).

Thứ tư 02/02/2022 - Mồng hai Tết nguyên đán
Kính nhớ Tổ tiên
Lời Chúa : Mt 15, 1-6

Bấy giờ có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa.’ Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã mạnh dạn vạch ra thói giả hình của người Pharisiêu, khi họ nại vào truyền thống của tiền nhân mà xem nhẹ luật Chúa là thảo kính cha mẹ, ông bà tổ tiên. Chúa Giêsu nói về họ như sau: “Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa.’ Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa”. Đúng là thói giả hình và lập luận nguỵ biện của người Pharisiêu!

Hôm nay là ngày Mùng Hai Tết Đinh Dậu 2017, Giáo hội dành ngày này để kính nhớ Tổ tiên và Ông Bà Cha Mẹ, là những người sinh ra ta, nuôi nấng và giáo dục ta nên người. Kính nhớ Tổ tiên và Ông Bà Cha Mẹ là Đạo Hiếu của con người nói chung và của người Việt Nam nói riêng. Cho dù có theo tôn giáo nào, thì Đạo Hiếu vẫn là nền tảng cho con người, và trước khi ta trở thành ông này bà kia, trước khi ta trở thành Giáo hoàng, Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân thì ta phải là người và ta vẫn là người mãi mãi, cho dù ta đã thành công trong xã hội và Giáo hội. Như vậy Đạo Hiếu sẽ theo ta suốt cuộc đời này. Kính nhớ Tổ tiên và Ông Bà Cha Mẹ, nó phải là bổn phận và nghĩa vụ của ta. Ai không chu toàn Đạo Hiếu, thì những chức tước, địa vị, bằng cấp kia sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Nhưng có một cám dỗ còn nguy hiểm hơn BẤT HIẾU, đó là giữ Đạo Hiếu một cách hình thức, giữ vì muốn được tiếng khen, giữ để đánh bóng tên tuổi của mình trên con đường sư nghiệp. Những ai giữ Đạo Hiếu như vậy còn khốn nạn hơn đứa con bất hiếu kia. Vì chẳng thà cứ bất hiếu như vậy, họ còn trung thực với mình và với Chúa, còn giữ Đạo Hiếu một cách hình thức, máy móc, họ đang tự đánh lừa mình, đánh lừa người khác và đánh lừa Thiên Chúa.


Lạy Chúa Giêsu, khi còn sống ở trần gian nơi gia đình Thánh Gia Nazareth, Chúa đã nêu gương về lòng đạo đức và vâng phục cha thánh Giuse và mẹ Maria. Xin cho chúng con cũng luôn biết tôn kính vâng lời và phụng dưỡng các bậc cha mẹ, xứng với công ơn sinh thành và dưỡng dục của các ngài đã dành cho chúng con. Amen

Không có nhận xét nào: