Thứ Tư, 26 tháng 1, 2022

Cái giá phải trả cho sự thật - Thứ sáu 04/02/2022

 




Đã bao lần các vị hữu trách trong ngành giáo dục nước nhà quyết tâm “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong học tập,” thế nhưng bệnh tình xem chừng không thuyên giảm mà còn có phần nặng nề hơn. Việc “nói thật, sống thật, quý nhất sự trung thực…” lắm khi chỉ còn là câu chuyện đầu môi chót lưỡi, là câu nói ngoại giao… Còn thực tế lại là nói một đàng làm một nẻo, sợ sự thật, bưng bít sự thật,… Tấm gương Tin Mừng soi rọi cung cách của hai mẫu người đứng trước sự thật: Gioan Tẩy Giả làm chứng cho sự thật bằng lời nói và hy sinh cả mạng sống của mình; đối lại, Hêrôđê dẫu biết sự thật tội lỗi của mình nhưng không dám chấp nhận sự thật để hối cải lại còn sát hại cả Gioan Tẩy Giả là người đã nói sự thật cho mình.

Thứ sáu 04/02/2022 - Mồng 4 Tết Nguyên Đán
Lời Chúa: Mc 6, 14-29

Khi ấy, vua Hêrôđê nghe biết về Ðức Giêsu, vì Người đã nổi danh. Có kẻ nói: “Ðó là ông Gioan Tẩy Giả từ cõi chết trỗi dậy, nên quyền làm phép lạ mới tác động nơi ông.” Ðó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ”. Kẻ khác nói: “Ðó là ông Êlia”. Kẻ khác nữa lại nói: “Ðó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ”. Vua Hêrôđê nghe thế, liền nói: “Ông Gioan, ta đã cho chém đầu, chính ông đã trỗi dậy!” Số là vua Hêrôđã sai đi bắt ông Gioan và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hêrôđia, vợ của người anh là Philípphê, mà ông Gioan lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” Bà Hêrôđia căm thù ông Gioan và muốn giết ông, nhưng không được. Thật vậy, vua Hêrôđê nể sợ ông Gioan vì biết ông là người công chính thánh thiện; vua che chở ông. Khi nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe. Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hêrôđê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê. Con gái bà Hêrôđia vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con”. Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây?” Mẹ cô nói: “Ðầu Gioan Tẩy Giả”. Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt trên mâm”. Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, và khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gioan tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.

Những bậc vĩ nhân thường được nhân gian biến thành bất tử. Người Do thái tin rằng vị tiên tri vĩ đại nhất của họ là Êlia đã không chết, nhưng được cất nhắc về Trời; khi Gioan Tẩy Giả xuất hiện, người ta lại tin rằng ngài chính là hiện thân của Êlia: rồi đến lượt Gioan Tẩy Giả bị giết chết, người ta lại cho rằng ngài đang sống lại trong con người Chúa Giêsu. Có lẽ để xóa tan những lời đồn đoán như thế, thánh sử Marcô đã kể lại từng chi tiết cuộc xử trảm Gioan Tẩy Giả, cũng như ghi lại việc chôn cất thánh nhân. Gioan Tẩy Giả đã thực sự chết và ngài đã không bao giờ sống lại, cũng chẳng được cất nhắc lên trời như Êlia.
    Gioan Tẩy Giả là nạn nhân của bất công. Có bất công khi người ta đặt chính trị lên trên những giá trị khác của cuộc sống, như tinh thần và niềm tin; có bất công khi người ta hành động theo bản năng hơn là theo tinh thần. Vua Hêrôđê lẫn nàng Hêrôđia đều đã hành động theo lối ấy. Hêrôđia sống bất chấp luân thường đạo lý, còn Hêrôđê thì cho dù vẫn sáng suốt để phân biệt được điều ngay với lẽ trái, nhưng lại chọn sống theo bản năng hơn là lý trí. Gioan Tẩy Giả đã lên tiếng tố cáo bất công và sẵn sàng chết cho công lý. Trong ý nghĩa ấy, ngài là vị tiền hô của Chúa Giêsu, ngài qua đi nhưng tinh thần ngài vẫn sống mãi trong các môn đệ của ngài, và một cách nào đó, ngài cũng sống trong chính con người Chúa Giêsu và nơi mỗi người Kitô hữu. Từ 2000 năm qua, Giáo Hội vẫn sống trong niềm xác tín đó. Chính tinh thần của Gioan Tẩy Giả, của các Tông Ðồ, của các Thánh Tử Ðạo, đã sống mãi trong Giáo Hội và trở thành giây liên kết mọi Kitô hữu. Ðiều này luôn được Giáo Hội thể hiện qua cử chỉ hôn kính hài cốt các thánh được đặt trên bàn thờ. Tập san Giáo Hội Á Châu do Hội Thừa Sai Paris xuất bản tháng 12/1995, có ghi lại chứng từ của một vị Giám mục: "Chúng tôi đã cất giữ hài cốt của vị Giám mục tiên khởi của Giáo Hội chúng tôi. Chúng tôi tin rằng hài cốt này là thánh thiêng đối với chúng tôi, là dấu chỉ mà chúng tôi không bao giờ được phép quên lãng. Hài cốt này là sợi giây liên kết với Giáo Hội mọi thời, mọi nơi. Chúng tôi đã luôn nghĩ rằng chúng tôi không thể cất khỏi sợi giây liên kết hữu hình ấy. Ðây là một dấu chỉ nối kết chúng tôi trực tiếp với Chúa Kitô. Làm sao người ta có thể đánh mất Chúa Kitô? Chúng tôi cất giữ hài cốt này, chúng tôi vẫn tiếp tục yêu mến Chúa Kitô và kết hiệp với Người mãi mãi".
    Chúng ta cũng hãy hiên ngang nói lên niềm tin và lòng trung thành với Chúa Kitô. Cùng với thánh Phaolô, chúng ta cũng hãy thốt lên: "Không gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô".

Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện:
Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi mọi biển lận tầm thường.
Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên để gánh chịu mọi buồn vui.
Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang để đem tình yêu gánh vác việc đời.
Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó, hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.
Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày. Và cho tôi sức mạnh tràn trề để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn.

(R. Tagore – Ðỗ Khánh Hoan dịch)

Không có nhận xét nào: