"Đời tôi là để cháy sáng, cháy sáng đến tiêu tan đi cho mọi người, cho dù tôi chỉ có thể cháy sáng với một ánh lửa nhỏ nhoi, bởi vì tôi là một ngọn nến...". Cuộc đời chúng ta cũng như ngọn nến vậy. Nỗ lực học tập, lao động, cống hiến hy sinh vì người khác có thể khiến chúng ta già đi, xấu đi, sức khỏe yếu kém đi, nhưng đó mới là một cuộc sống thực sự, một cuộc sống có ý nghĩa.
Ðẩy lùi bóng tối
Số phận không cho họ có được một đôi mắt sáng như bao người khác, nhưng khi phải sống chung với bóng tối, thay vì chọn một cuộc sống sợ hãi và bế tắc, họ lại làm cho cuộc đời sáng lên từ bằng chính tinh thần mạnh mẽ, lạc quan và yêu thương. Họ chính là hai người phụ nữ - hai chị em ruột Phạm Thị Huyên và Phạm Thị Huế ở thôn Quan Kênh (Trung Kênh - Lương Tài).
Một nỗi đau chung…
Nếu chưa từng gặp, chắc hẳn chúng tôi cũng không dám tin hai cô gái trước mặt mình đều là người khiếm thị. Ðó là một cặp chị em gái xinh xắn, có nụ cười hiền hậu dễ thương và niềm tự tin, lạc quan đáng ngưỡng mộ. Ðón khách, chị Huyên đang pha trà, rót nước một cách thuần thục, mỗi động tác đều chính xác như thể một người sáng mắt, trong lúc đó cô em gái Phạm Thị Huế nhanh tay gửi mail bản thảo của bài thơ mới viết tới tòa soạn báo Áo trắng. Câu chuyện giữa chúng tôi với hai chị em Huyên, Huế chẳng đầu chẳng cuối mà tự nhiên, cởi mở, để rồi khi ghép nối lại là một tấm gương sáng về nghị lực sống.Huyên là chị cả còn Huế là con thứ ba trong một gia đình có bốn người con, bố mẹ của hai chị em sống bằng nghề vận tải thủy và nghề nuôi cá lồng trên sông. Cuộc sống tuy chẳng dư dả nhưng cũng đủ cho hai chị em có tuổi thơ đến trường như bao bạn bè khác. Trớ trêu thay, nguồn sáng tự nhiên không may bị mất đi, những thăng trầm, biến cố của cuộc đời hai cô gái trẻ và khát khao vượt qua thử thách nghiệt ngã của cuộc đời cũng từ ấy song hành.
Nhớ lại khoảng thời gian đối mặt với bóng tối, cô gái 24 tuổi Phạm Thị Huế chia sẻ: “Ngay từ khi sinh ra, thị lực của em chỉ có 30%. Năm em vào lớp 1, thấy mắt của em rất kém bố mẹ đã đưa em đi khám và bác sĩ kết luận bị bệnh “thoái hoá sắc tố võng mạc”. Em được bác sĩ khuyên là không nên tiếp tục đi học vì việc học sẽ làm đôi mắt của em bị mờ rất nhanh”. Khát khao con chữ nên Huế vẫn quyết tâm nhưng đến năm 13 tuổi thì đôi mắt của em đã hoàn toàn mất thị lực, trước mắt em là một màn đêm vô vọng.
Với Huế, được tham gia vào lớp học tiền hòa nhập của Hội người mù tỉnh khi mắt chưa mờ hẳn là một may mắn bởi từ đây, em có cơ hội tiếp tục học hết bậc THCS tại trường Nguyễn Ðình Chiểu - ngôi trường đặc biệt dành cho những người khiếm thị. Hoàn thành cấp ba tại trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội), em được tuyển thẳng vào khoa Tiếng Anh - Công nghệ thông tin của trường Ðại học Bách khoa Hà Nội. Nỗi đau số phận đã không thể cản được ý chí chinh phục tri thức của Huế.
Không phải đối diện với bóng tối từ nhỏ như em gái nhưng câu chuyện về chặng đời tăm tối của Phạm Thị Huyên cũng mang đến cho người đối diện nhiều cung bậc cảm xúc. Khi đang ở độ tuổi xuân sắc nhất và ấp ủ nhiều hoài bão, dự định cuộc đời thì cô gái xinh xắn và duyên dáng Phạm Thị Huyên phải đối mặt với căn bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc không thể chữa trị. Mặc dù phát hiện ra thị lực giảm từ năm học lớp 7, nhưng do suy nghĩ đơn giản rằng mắt bị loạn thị và đeo kính sẽ đỡ nên khi đỗ đại học và lúc này thị lực giảm mạnh, khiến đôi mắt mờ hẳn đi bố mẹ mới đưa Huyên đến các bệnh viện lớn để kiểm tra và nhận được kết luận cuối cùng về căn bệnh của mình. Bác sĩ cũng khuyên Huyên nên nghỉ học vì nếu tiếp tục học sẽ khiến mắt càng nhanh mờ. Song, để hiện thực hóa ước mơ hoàn thành đại học, cô sinh viên cố gắng chăm chỉ tới trường bằng xe đạp trong suốt 4 năm trời. Nhắc lại những lần té ngã trên đường đến trường, Huyên rưng rưng nước mắt bởi để hoàn thành được tấm bằng Cử nhân Kế toán của trường Ðại học kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cô đã phải vượt qua bệnh tật, vượt qua cả những chán chường, khắc khoải.
Cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp đại học cũng là lúc thị lực của Huyên chỉ đạt 1/10, ước mơ được làm kế toán giỏi tại một ngân hàng đã trở nên quá xa vời với cô. Cùng với việc chia tay bạn trai, đây chính là thời điểm ngập tràn những thất vọng, bi quan và đau đớn nhất của Huyên. Nhưng nhờ sự động viên của cả gia đình, đặc biệt là cô em gái Phạm Thị Huế mà Huyên đã dần lấy lại được động lực phấn đấu và ý nghĩa cuộc sống cho mình, cô quyết định cùng em gái tham gia Hội người mù tỉnh và học chữ nổi, làm quen và hòa nhập cùng bóng tối.
… hai niềm mơ ước
Dù mỗi người có một con đường đi riêng và những ước mơ khác nhau, thì cả Huyên và Huế đều đã và đang sống một cuộc đời đầy ý nghĩa.
Một thời gian sau khi trở thành hội viên hội người mù tỉnh, Phạm Thị Huyên đã nhanh chóng hòa nhập và vượt qua mọi mặc cảm, nỗi buồn trong cuộc sống. Ðược phân công làm Trưởng ban Nữ công của Hội Người mù tỉnh rồi được tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch Hội Người mù thành phố Bắc Ninh vào năm 2011, Phạm Thị Huyên đã không phụ sự yêu mến của mọi người, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Công việc ở Hội Người mù thành phố khá nhiều, trong khi số lượng cán bộ Hội hạn chế nên chị Huyên phải đảm nhiệm khá nhiều phần việc như: chăm lo đời sống hội viên, quản lý các cơ sở sản xuất của hội, gây quỹ để trợ cấp kinh phí với những đối tượng người khiếm thị khó khăn; vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ, tặng quà ủng hộ những người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn, các em nhỏ bị khiếm thị hoặc là con của người khiếm thị nhưng nỗ lực học giỏi… Bằng trách nhiệm của một cán bộ Hội và sự đồng cảm, chị Huyên luôn năng động, nhiệt tình và chân thành chia sẻ nỗi buồn, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.
Giờ đây, ngày ngày rời công việc tại Hội Người mù thành phố Bắc Ninh, chị Huyên bắt xe bus về với cậu con trai nhỏ hoàn toàn khỏe mạnh, năm nay đã vào lớp 1. Những câu chuyện hồn nhiên về trường lớp, về các bạn được cậu con trai líu lô kể cho mẹ nghe dường như xóa tan bao nhiêu mệt mỏi của cuộc sống. Làm mẹ đơn thân đối với người khỏe mạnh, bình thường vốn đã không dễ dàng, đối với một người mẹ khiếm thị như Phạm Thị Huyên càng trở nên khó khăn gấp bội bởi còn phải vượt qua bao rào cản, kỳ thị, đó là chưa kể những chuyện dở khóc dở cười trong việc chăm sóc con. Nhưng dù khó khăn bao nhiêu, kỳ thị thế nào, Phạm Thị Huyên vẫn luôn giữ cho mình sự tự tin và lạc quan bởi với chị, có được một “thiên thần” của riêng mình là một đặc ân và niềm hạnh phúc mà cuộc đời bù đắp. Ðó cũng là một động lực tiếp thêm sức mạnh để Huyên không ngừng khao khát được cống hiến nhiều hơn cho những người đồng cảnh ngộ.
Quá trình học tập của Phạm Thị Huế tại Ðại học Bách khoa Hà Nội kéo dài 4 năm. Ngày nối ngày, sáng lên lớp chép bài bằng chữ nổi, tối về dò dẫm đọc lại từng dòng, từng chữ. Ðó cũng là khoảng thời gian em cần nhiều nỗ lực nhất. “Có ba khó khăn lớn nhất mà em gặp phải đó là việc đi đến trường, không có giáo trình và không nhìn thấy bảng. Nhưng thật may mắn vì các thầy cô trong khoa đã hỗ trợ chuyển giáo trình từ bản cứng sang bản mềm để em có giáo trình học. Em luôn được sự giúp đỡ nhiệt tình của các thầy cô trong khoa và các bạn trong việc học tập và cả việc sinh hoạt hàng ngày”-Huế chia sẻ.
Khó khăn là thế nhưng vượt qua tất cả, cô sinh viên khiếm thị vẫn trở thành một trong số ít sinh viên của khoa giành được tấm bằng Cử nhân loại Giỏi. Bí quyết học Tiếng Anh của tân cử nhân này cũng rất đơn giản: tự học là chính, luyện nghe-nói thật nhiều và học đến đấu cố gắng nhớ đến đó. Giờ đây, các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết Tiếng Anh của Huế đã rất nhuần nhuyễn. Tôi dám chắc một điều, nếu được nghe Phạm Thị Huế giao tiếp bằng Tiếng Anh, mọi người sẽ đều khâm phục kiến thức ngoại ngữ của em.
Sau khi ra trường, Huế có cơ hội để vào làm tại các trung tâm dạy Tiếng Anh cho người khiếm thị hoặc người có nhu cầu học Tiếng Anh cơ bản. Tuy nhiên cô gái nhỏ ấy lại ấp ủ một dự định từ rất lâu và khao khát thực hiện đó là được về công tác tại Hội Người mù tỉnh để bổ sung thêm cho hệ thống nhân lực còn mỏng. Và còn một lý do rất đáng trân trọng nữa là Huế mong muốn có điều kiện phối hợp với Tỉnh Hội hoặc tự mở một lớp Tiếng Anh để giúp đỡ cho người khiếm thị và các bạn học sinh có nhu cầu học Tiếng Anh trong toàn tỉnh.
Không may mắn có được đôi mắt sáng nhưng bằng nghị lực phi thường, cặp chị em khiếm thị Phạm Thị Huyên và Phạm Thị Huế đã cùng nhau tìm cho mình một nguồn sáng riêng. Ánh sáng đó vẫn đang ngày ngày được họ chia sẻ, lan tỏa đến những người đồng cảnh ngộ, âm thầm khẳng định sức sống mãnh liệt của niềm yêu sống và cống hiến. Xin mượn hai câu thơ của Lưu Lan Phương thay cho lời kết: Mắt dù tăm tối nhưng lòng sáng/ Từ đó rộn ràng muôn tiếng tim.
Phóng sự của: Nguyễn Huệ - Nguyễn Hoa
Câu chuyện trên đây cho ta biết hoàn cảnh phó khăn tật nguyền đôi mắt của cả 2 chị em, nhưng họ không đầu hàng số phận mà biết vươn lên, biết vượt qua sự tăm tối của đôi mắt để đến bến bờ thành công. Bóng tối không thể ngăn cản họ, vì ánh sáng của nghị lực, của hy vọng, của niềm tin đã dẫn họ tới ánh sáng của cõi tâm linh. Hôm nay có biết bao bóng tối đang vây phủ con người : tệ nạn hút chích, đối xử bất công, bóng tối của hận thù, chia rẽ, cô đơn và tuyệt vọng, của nghèo nàn và lạc hậu. Bóng tối do khép lại cánh cửa của lòng mình. Bóng tối ở ngay trong lòng tôi, khi chứa đầy thù hận và tìm mọi cách để trả thù...
Chủ Nhật 14/8/2016 .Tuần 20 TN
Phúc Âm: Lk 12:49-53.
49 "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!
50 Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!
51 "Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.
52 Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba.
53 Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng."
Suy niệm :
Thế gian đầy dẫy sự gian trá. Để diệt trừ sự gian trá cần có những con người biết sự thật, nói sự thật, sống sự thật, và làm chứng cho sự thật. Những con người như thế sẽ bị thế gian truy tố, vì họ phơi bày sự gian trá của thế gian; nhưng cũng chính vì sự can đảm của họ, nhiều người lầm đường lạc lối đã quay trở về với chính lộ để được giải thoát.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật tầm quan trọng của sự thật và giá phải trả của những con người dám hiên ngang làm chứng cho sự thật. Trong bài đọc I, ngôn sứ Jeremiah bị những nhà lãnh đạo của Judah ném xuống giếng bùn cho chết, vì họ không thể nghe những lời tiên đoán của ông về sự sụp đổ của thành Jerusalem, của Đền Thờ, và toàn nước sẽ phải lưu đày; nhưng họ đã không giết chết được ông vì vẫn có người muốn nghe sự thật và giải thoát cho ông. Xấu hổ thay, người đó lại là một viên quan thái giám người Ethiopia, một người Dân Ngoại. Trong bài đọc II, tác giả Thư Do-thái khuyên các tín hữu hãy kiên trì chạy đua trong trận chiến đức tin để làm chứng cho sự thật. Ông khuyên họ hãy noi gương của các chứng nhân đi trước, và nhất là noi gương của Đức Kitô, tuy Người đã bị chết treo trên Thập Giá, nhưng giờ đây đang ngự bên hữu Thiên Chúa trong vinh quang để cầu bầu cho họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tâm sự với các môn đệ, Ngài đã ném lửa của sự thật vào thế gian, và Ngài ước mong cho lửa này bùng lên trong lòng mọi người. Để được như thế, Ngài phải chịu một phép rửa bằng máu; đó chính là cái chết của Người trên Thập Giá.
Thế gian đầy dẫy sự gian trá. Để diệt trừ sự gian trá cần có những con người biết sự thật, nói sự thật, sống sự thật, và làm chứng cho sự thật. Những con người như thế sẽ bị thế gian truy tố, vì họ phơi bày sự gian trá của thế gian; nhưng cũng chính vì sự can đảm của họ, nhiều người lầm đường lạc lối đã quay trở về với chính lộ để được giải thoát.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật tầm quan trọng của sự thật và giá phải trả của những con người dám hiên ngang làm chứng cho sự thật. Trong bài đọc I, ngôn sứ Jeremiah bị những nhà lãnh đạo của Judah ném xuống giếng bùn cho chết, vì họ không thể nghe những lời tiên đoán của ông về sự sụp đổ của thành Jerusalem, của Đền Thờ, và toàn nước sẽ phải lưu đày; nhưng họ đã không giết chết được ông vì vẫn có người muốn nghe sự thật và giải thoát cho ông. Xấu hổ thay, người đó lại là một viên quan thái giám người Ethiopia, một người Dân Ngoại. Trong bài đọc II, tác giả Thư Do-thái khuyên các tín hữu hãy kiên trì chạy đua trong trận chiến đức tin để làm chứng cho sự thật. Ông khuyên họ hãy noi gương của các chứng nhân đi trước, và nhất là noi gương của Đức Kitô, tuy Người đã bị chết treo trên Thập Giá, nhưng giờ đây đang ngự bên hữu Thiên Chúa trong vinh quang để cầu bầu cho họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tâm sự với các môn đệ, Ngài đã ném lửa của sự thật vào thế gian, và Ngài ước mong cho lửa này bùng lên trong lòng mọi người. Để được như thế, Ngài phải chịu một phép rửa bằng máu; đó chính là cái chết của Người trên Thập Giá.
Lạy Chúa Giê su,
Xin cho chúng con ngọn lửa trong Trái Tim Chúa, ngọn lửa của tình yêu Cha và nhân loại.
Xin làm tim con ấm lại mỗi ngày, nhờ được nghe Chúa nói như hai môn đệ về Emmau, và được Chúa nuôi bằng bánh ban sự sống.
Xin soi sáng chúng con bằng ngọn lửa rực rỡ mỗi khi chúng con cầu nguyện hay quyết định.
Xin thanh luyện chúng con bằng ngọn lửa hồng của những thất bại đắng cay trên đường đời.
Ước gì chúng con luôn có lửa nhiệt thành để hết lòng phụng sự Nước Chúa, lửa tình yêu để vượt qua những hận thù đố kỵ.
Lạy Chúa Giêsu, thế giới hôm nay vẫn bị tối tăm, lạnh lẽo đe dọa.
Xin ban cho chúng con những lưỡi lửa để chúng con đi khắp địa cầu loan báo về Tình Yêu và gieo rắc Tình Yêu khắp nơi. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét