Ngày thứ Sáu Tuần Thánh trong thinh lặng.
Thinh lặng để thấy, hiểu, để cảm nghiệm và để thay đổi lối sống cho phù hợp với những gì tốt lành mà mình đã thấy, hiểu và cảm nghiệm. Thinh lặng còn làm cho chúng ta đi vào tâm tư của người khác để cùng họ sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn...
Cùng với tất cả những người tín hữu trên thế giới, hôm nay chúng ta có lý dành một chút thời giờ để hướng nhìn về con người Nagiaret chết trên cây thập giá, mà Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh trình bày cho chúng ta.
Con người này chính là Con Thiên Chúa. Ngài vô tội. Ngài làm điều lành; trong suốt cuộc đời, ngài chỉ làm điều lành. Ngài không ruồng bỏ ai. Ngài rao giảng sự công bình, sự hòa giải, tha thứ và tình yêu. Nhân danh Thiên Chúa, ngài đã tha thứ rất nhiều, ngài an ủi rất nhiều, và chữa trị rất nhiều bệnh nhân.
Tuy nhiên người ta đã giết chết ngài. Bởi vì ngài quấy rầy. Ngài quấy rầy những người có quyền thế. Ngài quấy rầy những người bắt người khác phải mang những gánh nặng mà chính họ không động ngón tay đến. Ngài quấy rầy những người chỉ biết sống cho chính mình, những người tự kiêu về những đặc quyền đặc lợi. Ngài đặt vấn đề nghi ngờ tất cả những người đó. Ngài đã dám làm điều đó. Chính vì thế mà ngài đã bị kết án và phải chết.
Tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giê su
Lời Chúa Ga 18,1-19,42
Lời Chúa Ga 18,1-19,42
...Philatô lại ra ngoài và nói: S. “Đây ta cho dẫn người ấy ra ngoài cho các ngươi để các ngươi biết rằng ta không thấy nơi người ấy một lý do để kết án”. C. Bấy giờ Chúa Giêsu đi ra, đội mão gai và khoác áo đỏ. Philatô bảo họ: S. “Này là Người”. C. Vừa thấy Người, các thượng tế và vệ binh liền la to: S. “Đóng đinh nó vào thập giá! Đóng đinh nó vào thập giá!” C. Philatô bảo họ: S. “Đấy các ngươi cứ bắt và đóng đinh ông vào thập giá, phần ta, ta không thấy lý do nào kết tội ông”. C. Người Do-thái đáp lại: S. “Chúng tôi đã có luật, và theo luật đó nó phải chết, vì nó tự xưng là Con Thiên Chúa”. C. Nghe lời đó Philatô càng hoảng sợ hơn. Ông trở vào pháp đình và nói với Chúa Giêsu: S. “Ông ở đâu đến?” C. Nhưng Chúa Giêsu không đáp lại câu nào. Bấy giờ Philatô bảo Người: S. “Ông không nói với ta ư? Ông không biết rằng ta có quyền đóng đinh ông vào thập giá và cũng có quyền tha ông sao?” C. Chúa Giêsu đáp: “Quan chẳng có quyền gì trên tôi, nếu từ trên không ban xuống cho, vì thế nên kẻ nộp tôi cho quan, mắc tội nặng hơn”. C. Từ lúc đó Philatô tìm cách tha Người. Nhưng người Do-thái la lên: S. “Nếu quan tha cho nó, quan không phải là trung thần của Xêsa, vì ai xưng mình là vua, kẻ đó chống lại Xêsa”. C. Philatô vừa nghe lời đó, liền cho điệu Chúa Giêsu ra ngoài rồi ông lên ngồi toà xử, nơi gọi là Nền đá, tiếng Do-thái gọi là Gabbatha. Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu ngày chuẩn bị Lễ Vượt Qua. Philatô bảo dân: S. “Đây là vua các ngươi”. C. Nhưng họ càng la to: S. “Giết đi! Giết đi! Đóng đinh nó đi!” C. Philatô nói: S. “Ta đóng đinh vua các ngươi ư?” C. Các thượng tế đáp: S. “Chúng tôi không có vua nào khác ngoài Xêsa”. C. Bấy giờ quan giao Người cho họ đem đóng đinh.
Vậy họ điệu Chúa Giêsu đi. Và chính Người vác thập giá đến nơi kia gọi là Núi Sọ, tiếng Do-thái gọi là Golgotha. Ở đó họ đóng đinh Người trên thập giá cùng với hai người khác nữa: mỗi người một bên, còn Chúa Giêsu thì ở giữa. Philatô cũng viết một tấm bảng và sai đóng trên thập giá. Bảng mang những hàng chữ này: “Giêsu, Nadarét, vua dân Do-thái”. Nhiều người Do-thái đọc được bảng đó, vì nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh thì gần thành phố, mà bảng viết thì bằng tiếng Do-thái, Hy-lạp và La-tinh. Vì thế các thượng tế đến thưa với Philatô: S. Xin đừng viết “Vua dân Do Thái”, nhưng nên viết: “Người này đã nói: ‘Ta là vua dân Do-thái'”. C. Philatô đáp: S. “Điều ta đã viết là đã viết”. C. Khi quân lính đã đóng đinh Chúa Giêsu trên thập giá rồi thì họ lấy áo Người chia làm bốn phần cho mỗi người một phần, còn cái áo dài là áo không có đường khâu, đan liền từ trên xuống dưới. Họ bảo nhau: S. “Chúng ta đừng xé áo này, nhưng hãy rút thăm xem ai được thì lấy”. C. Hầu ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Chúng đã chia nhau các áo Ta và đã rút thăm áo dài của Ta”. Chính quân lính đã làm điều đó.
Đứng gần thập giá Chúa Giêsu, lúc đó có Mẹ Người, cùng với chị Mẹ Người là Maria, vợ ông Clopas và Maria Mađalêna. Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng: “Hỡi Bà, này là con Bà”. C. Rồi Người lại nói với môn đệ: “Này là Mẹ con”. C. Và từ giờ đó môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình. Sau đó, vì biết rằng mọi sự đã hoàn tất, để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, Chúa Giêsu nói: “Ta khát!” C. Ở đó có một bình đầy dấm. Họ liền lấy miếng bông biển thấm đầy dấm cắm vào đầu ngành cây hương thảo đưa lên miệng Người. Khi đã nếm dấm rồi, Chúa Giêsu nói: “Mọi sự đã hoàn tất”. C. Và Người gục đầu xuống trút hơi thở cuối cùng....
Hôm nay chúng ta chiêm ngưỡng Đức Kitô trên thập giá. Chúng ta hãy cầu xin ơn để thực hiện đâu là chiều sâu của tình yêu đối với chúng ta. Và chúng ta hãy tạ ơn vì được yêu mến bằng một tình yêu cao vời mà chúng ta đã không bao giờ xứng đáng.. mà chúng sẽ không bao giờ xứng đáng.
Hướng nhìn về thập giá, chúng ta đừng dừng lại chỉ nơi con người của Chúa Giêsu mà thôi. Hãy nhìn xa hơn nữa. Qua Đức Kitô, bên kia con người của ngài, chúng ta hãy nhìn thấy tất cả những người, đàn ông, đàn bà và con trẻ đang bị đối xử một cách bất công, bị đem đi giết một cách bất công, như Chúa Giêsu ngày xưa.
Người ta nói rất đúng, cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu được nối dài trong sự đau khổ của những con người trong tất cả mọi thời đại. Đức Kitô hiện diện ở nơi nào mà con người chịu đau khổ. Ngài có mặt ở nơi nào mà con người bị nhạo báng và bị tước đi những quyền lợi sơ đẳng nhất. Ngài có mặt ở đó khi sự tự do của một con người bị chối bỏ, trói buộc, và khi đời sống của một con người bị xem không ra gì cả. Chúng ta hãy nghĩ đến vô số những người, đàn ông, đàn bà và con trẻ, hiện đang thiếu thốn niềm vui, tự do, cơm bánh. Qua họ, đằng sau gương mặt đau khổ của họ, chúng ta hãy nhìn ra gương mặt đau khổ của Đức Kitô trên thập giá.
Chúng ta hãy dám nhìn vào gương mặt đau khổ của anh chị em chung quanh, bởi vì nếu chúng ta không dám nhìn vào gương mặt của họ, chúng ta cũng không có thể chiêm ngắm gương mặt của Đức Kitô trên thập giá. Hôm nay chúng ta đừng than khóc về số phận của Đức Kitô trên thập giá. Tốt hơn, chúng ta nên khóc than về số phận của những người bị biến dạng do đau đớn và bị kiệt quệ do những bất công và sự dửng dưng, thờ ơ của chúng ta.
Điều Đức Kitô chờ đợi nơi chúng ta là những người đã đến để cử hành phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh là, con tim chúng ta đừng quên bất cứ một ai trong những những người hôm nay đang bị đem đi giết chết, hành hạ, khắp nơi, bằng cách này hay cách khác. Tất cả những con người khốn khổ, bất hạnh đó, là hiện thân của Đức Kitô. Đối xử với họ thế nào, là đối xử với Chúa như vậy.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết nhìn lên thập giá Chúa là dấu chứng của tình yêu hi sinh, để chúng con cũng biết hiến thân phục vụ tha nhân trong phận mình, hầu được chính Chúa thánh hóa tâm hồn và đời sống, xứng đáng là công dân của Nước Trời, nơi đó có Chúa là Vua Tình Yêu đang chào đón chúng con. Amen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét