Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2021

Yêu đến cùng - Chiều Thứ năm TT - 01/4/2021





Chuyện kể rằng từ khi Adam và Eva bỏ đi, Chúa Trời cứ âu sầu hoài dù các thiên thần luôn múa hát và tìm đủ cách làm cho Ngài vui. Các thiên thần nhỏ hỏi tại sao Ngài buồn. Chúa trả lời Ngài không còn cảm thấy hạnh phúc vì con người mà Ngài hết mực yêu thương đã ra đi. Có ai mang họ về cho Ngài được không? Tất cả im phăng phắc. Rồi, có một giọng nhỏ nhẹ xin hứa sẽ làm theo ý Ngài. Đó là Con Thiên Chúa. Người đã hứa vì yêu thương người ta và đã yêu cho đến cùng.
Tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người là thế đó. Như ‘gà mẹ ấp ủ con dưới cánh’. Và nếu như người phụ nữ là người mẹ mà có bỏ con cái thì Ngài cũng không quên con của Ngài. Tiên tri Isaia đã viết: “Này! Cha không hề quên con. Cha đã khắc tên con vào bàn tay Cha.” Ngài đã dựng nên người ta giống hình ảnh Ngài và yêu thương nhân loại cho đến nỗi khi nguyên tổ loài người đánh mất phúc trường sinh, Ngài đã chạnh lòng thương mà cho Con Một xuống thế làm người để gánh hết thương đau, hầu tẩy sạch mọi lỗi lầm của nhân trần. Ngôi Hai Thiên Chúa đã giang tay ôm lấy nhân loại vào lòng tha thứ hết những tội khiên bằng chính cuộc thương khó của Người. Noi gương Chúa Kitô, gia đình nữ tu Maria ở Ấn Độ cũng đã ôm tù nhân, hung thủ sát hại soeur bằng 50 nhát dao vào năm 1995 vì lòng thù hận tôn giáo, để tình yêu thương dập tắt ngọn lửa thù hận trong lòng anh ta. Gần đây nhất, Đức Thánh Cha Phanxicô đã vào nhà trại tù ở Napoli và nói với các tù nhân: “Lòng chạnh thương của Thiên Chúa ở với các con. Nhà tù không ngăn cách các con vì các con là con của Ngài”.

Chiều Thứ năm Tuần Thánh 01/4/2021
Lời Chúa :Ga 13, 1-15

(1) Trước lễ Vượt Qua, Ðức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. (2) Trong bữa ăn tối, ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simon Ítcariốt, ý định nộp Ðức Giêsu. (3) Ðức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, (4) nên bấy giờ Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. (5) Rồi Ðức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. (6) Vậy, Người đến chỗ ông Simon Phêrô, ông liền thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?" (7) Ðức Giêsu trả lời: "Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu". (8) Ông Phêrô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!" Ðức Giêsu đáp: "Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy". (9) Ông Simon Phêrô liền thưa: "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa". (10) Ðức Giêsu bảo ông: "Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!" (11) Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh em đều sạch". (12) Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Ðức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? (13) Anh em gọi Thầy là 'Thầy', là 'Chúa', điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. (14) Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. (15) Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.

Trong cuộc sống, nơi các gia đình, nhất là văn phong của Việt Nam, chúng ta rất coi trọng bữa ăn. Nơi bữa ăn, niềm vui, nỗi buồn, thành công hay thất bại, thường hay được giải quyết. Có những bữa ăn để chia tay; có những bữa ăn để lên đường. Chia tay hoặc lên đường thường hay để lại nhiều kỷ niệm nơi người đi và kẻ ở! Chiều hôm nay, chúng ta kỷ niệm việc Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể. Đây là Bí tích cao trọng nhất trong 7 Bí tích. Cao trọng bởi vì qua Bí tích này, Đức Giêsu hiến dâng thân mình làm của ăn của uống để nuôi sống nhân loại và ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Ngài yêu thương và yêu hết mình. Yêu đến nỗi bằng lòng chịu chết để miễn sao người mình yêu được hạnh phúc.
Thật vậy, Ngài đã trao ban chính Thân Mình làm bảo vật, để mỗi khi các Tông đồ cũng như những người tin, cử hành và tưởng nhớ, thì Ngài hiện diện cách trực tiếp nơi mầu nhiệm cử hành. Khi đó, Đức Giêsu trở nên đồng hình đồng dạng với người đón nhận, để từ đây, trong ta có Chúa và trong Chúa có ta. Ôi, còn gì cao quý và hạnh phúc cho bằng ta được thông phần vào bản tính Thiên Chúa với Đấng là Thiên Chúa nhưng lại chia sẻ thân phận con người với chúng ta!

Lạy Chúa, Chúa đã rửa chân cho các môn đệ để chuẩn bị đưa họ vào đường thương khó. Xin tẩy rửa chúng con sạch mọi tội lỗi nết xấu, để cùng với Chúa hoàn tất đường thập giá Chúa dành cho con. Amen.

Không có nhận xét nào: