Thứ Năm, 17 tháng 1, 2019

Lòng thương xót Chúa chữa lành



Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng mc 1 40-45




Chuyện liên quan đến người chị dâu của tôi. Chị bị ung thư tử cung, phải trải qua nhiều giai đoạn xạ trị, bao đợt tóc rụng rồi lại mọc ra là bao đợt nỗi đau cứ chồng chất trong cuộc đời chị. Thế nhưng, kỹ thuật và công nghệ y học hiện đại của Mỹ đã không tránh khỏi những giới hạn của mình, đành bó tay trước căn bệnh trầm kha của chị. Tôi nhớ có lần chị gọi điện thoại về hỏi thăm từng người trong gia đình, tôi đã hỏi chị: Làm sao chị vượt qua được những nỗi đau hiện tại ? Chị trả lời: Mỗi lần cơn đau hoành hành, chị cảm nhận được một sự nâng đỡ nào đó từ thế giới bên kia và chị nghĩ ngay đến một ai đó sẽ bớt đau khổ từ sự chấp nhận cơn đau của mình. Từ đó, tôi hiểu rằng người ta sẽ bớt đau khổ khi nghĩ đến nỗi bất hạnh của người khác hơn là chỉ quay quắt trong chính mình. Chính khi cảm thức về nỗi đau của một ai đó, con người được vơi đi nỗi đau. Và tôi cũng rút ra được một chân lý khác: Thánh giá không quá sức tôi. Bây giờ, tôi hiểu phần nào lời Chúa phán với thánh Phaolô khi ông xin cất khỏi cái “dằm” đang nằm trong thân xác ông: “ Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9) Thật vậy, chính sự yếu đuối bất lực của con người khi đối diện với mầu nhiệm của cuộc sống đã giúp mở ra một thế giới của quyền năng và sức mạnh chữa lành của lòng thương xót Chúa.

Như chúng ta đã khẳng định đau khổ gắn liền với thân phận con người, thế nên, không ai tránh khỏi niềm đau nỗi khổ trong cuộc đời, nhưng cuộc sống sẽ lụi tàn và thất vọng hay thăng hoa và hy vọng đều tùy thuộc vào thái độ của ta khi đối diện với những mầu nhiệm cuộc đời. Không phải vì tri thức con người không giải thích được mà nó được coi là mầu nhiệm nhưng theo Đức Bênêdictô XVI: mầu nhiệm phải được mở ra trong ánh sáng của đức tin. Cũng vậy, mầu nhiệm đau khổ phải được sống trong đức tin, nghĩa là cảm nghiệm được sự nâng đỡ và xót thương của Chúa trong chính đau khổ của cuộc đời. Đau khổ giúp làm sống dậy trong chúng ta cảm thức về tôn giáo, về sự hiện diện của một Đấng giải thoát mọi đau khổ và chữa lành mọi vết thương. Đồng thời, đau khổ cũng giúp ta nhìn xuống nỗi bất hạnh của người khác bằng lăng kính cảm thông và xót thương. Và như thế, đau khổ không chỉ tạo nên vết thương là cửa ngõ để Thiên Chúa đi vào tâm hồn con người mà còn là nơi gặp gỡ của những tâm hồn đau khổ luôn cần đến lòng thương xót của Ngài.

Thứ năm 17/01/2019 - Tuần 1 TN
Lời Chúa : Mc 1,40-45

40 Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch."41 Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi! "42 Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay,44 và bảo anh: "Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết."45 Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.


Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chữa cho người phong hủi được sạch.

1. Người phong hủi này chịu nhiều đau đớn về thể xác. Anh còn đau khổ hơn nữa về tinh thần : sống trong cô đơn, bị mọi người xua đuổi, xa tránh, bị loại ra khỏi lề xã hội. Vì theo quan niệm lúc bấy giờ : người mắc chứng phong hủi là một hình phạt của Thiên Chúa.

2. Sống mà coi như chết, nhưng người phong hủi này không tuyệt vọng. Rất may cho anh, vì anh gặp được Chúa Giêsu. Và anh đã tin chỉ có Chúa mới có thể cứu anh, chữa lành cho anh. Niềm tin thúc đẩy anh đến gặp Chúa Giêsu và van xin Người thương xót anh. Anh quỳ gối xuống trước mặt Chúa, khiêm tốn cầu xin Ngài : "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Lời van xin thống thiết của anh biểu lộ lòng tin tưởng và tín thác hoàn toàn vào Chúa. Nhờ thái độ tin tưởng tuyệt đối ấy, lời cầu xin của người phong hủi được Chúa nhận lời, và Ngài đã chữa anh được khỏi bệnh phong hủi.

3. Chúa chữa cho người phong hủi được sạch, vì Chúa muốn : "Tôi muốn, anh sạch đi!” Chúa không ghê tởm hay ngần ngại khi giơ tay đụng chạm đến thân thể đầy những vết thương lở loét, hôi tanh của anh, vì Ngài cảm thông nỗi khổ đã phải gánh chịu nơi thể xác cũng như tâm hồn của anh. Chúa động lòng trắc ẩn trước nỗi đau đớn và khiếm khuyết của con người, vì Ngài là Thiên Chúa muốn chia sẻ và cảm thông đến những đau khổ của con người. Vì sứ mạng của Chúa là yêu thương và phục vụ, nên Ngài rất sẵn lòng ban ơn, cứu giúp những ai chạy đến với Ngài.



Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chữa lành mọi căn bệnh và ban ơn cho những kẻ bất hạnh, thì xin Chúa cũng chữa lành tội lỗi của chúng con, và dạy chúng con sống nhân ái với những ai đang chịu đau khổ, bị ruồng bỏ. Amen.

Không có nhận xét nào: