Cha Gabriel Lejeune Lê Hòa Lạc sinh ngày 26-7-1926 tại miền Đông nước Pháp. Từ niên thiếu, Ngài thông minh lanh lợi hơn người, học hành sáng dạ, 13 tuổi đã gia nhập Hội thừa sai Paris. Ngài có gương mặt tuấn tú rạng ngời, thần thái mang vẻ kiêu hãnh bản năng của một người gốc Pháp, trí tuệ uyên bác. Trước khi thụ phong linh mục, được hỏi về ước nguyện muốn đi đâu truyền giáo, Ngài nói: “Đâu cũng được, ngoại trừ Việt Nam, vì VN có chiến tranh”
Nhưng Thánh ý Chúa lại tỏ bày: sau khi chịu chức ngày 28-5-1950, tân linh mục trẻ ngay lập tức nhận bài sai sang Việt Nam truyền giáo, điểm đến đầu tiên chính là Hưng Hóa, Sơn Tây, miền bắc Việt. Ngài nhanh chóng hội nhập phong tục tập quán VN, học thông viết thạo tiếng Việt, gần gũi giáo dân, hoạt động mục vụ và coi xứ trong 6 năm.
Năm 1956, Ngài bị nhà cầm quyền bắt giam 6 tháng rồi trục xuất khỏi Sơn Tây. Trở về Pháp, bề trên lại hỏi Ngài muốn đi đâu, câu trả lời lần này của Ngài là: “Đâu cũng được, nhưng phải là Việt Nam”. Thế là Ngài được đưa về miền Nam VN tiếp tục sứ vụ của mình.
Từ năm 1957 – 1968 Ngài làm cha phó tại giáo xứ thánh Franxico Xavie (nhà thờ cha Tam) Sài Gòn.
Từ 1968 Ngài làm cha xứ tại đây, Ngài cũng là linh mục người Pháp cuối cùng coi xứ này.
Đến năm 1976, vị thừa sai mẫn cán chính thức bị xua đuổi khỏi VN sau 26 năm cống hiến tài đức và nhiệt huyết tuổi xuân trên đất Việt.
Trong thời gian làm việc mục vụ với người Hoa ở Sài Gòn, Ngài đã nhanh chóng học biết tiếng Quảng Đông. Do vậy, khi phải rời VN, Ngài được đề nghị qua Hong Kong phục vụ. Đến HK Ngài tiếp tục trau dồi ngôn ngữ bản địa. Từ 1977-1995, Ngài coi xứ Aberdeen, Kam Tin, Chai Wan. Từ 1995, Ngài làm cha xứ Nhà thờ Chúa Cứu thế Tuen Mun trong 18 năm. Năm 2013, cha được phép nghỉ hưu tại nhà an lão Aberdeen. Dù không muốn, nhưng Ngài cho rằng vào viện dưỡng lão là một sự tuân phục, vâng lời.
Ở tuổi 87, Ngài vẫn vô cùng minh mẫn, tuy đôi chân không còn đủ sức mang nổi tấm thân. Ngài thường phải dùng gậy đỡ hoặc xe lăn hỗ trợ khi đi lại một mình. Mỗi tháng một lần, Ngài tới dâng lễ tiếng Việt cho CĐCGVN tại HK. Ngài vẫn sử dụng cùng lúc nhiều ngôn ngữ rất mạch lạc rõ ràng, thông thạo máy tính và gõ chữ Hoa rất giỏi. Ngài đã dùng tam ngữ Việt – Pháp – Hoa để xuất bản 2 tập HỒI KÝ về những năm tháng ở VN.
Ngài thích thuốc lá 555, bia 33, bánh chưng Tết và cà phê Việt. Ở viện dưỡng lão, người ta “ưu ái” dành riêng một bộ bàn ghế ngoài hành lang cho Ngài hút thuốc. Mỗi lần đến thăm, chúng tôi thường quây quần quanh cha, nhìn khói thuốc bay và nghe Ngài kể chuyện “ngày xưa…”
Những câu chuyện của Ngài thường đưa ta trở về ký ức xa xôi thời phong kiến ở miền Bắc. Ngài rất tự hào với vốn tiếng Việt chuẩn và những kỷ niệm về từng giai đoạn sống trên dải đất hình chữ S. Dấu ấn sâu đậm nhất cuộc đời Ngài là dâng thánh lễ đầu tiên tại Sơn Tây vào ngày lễ các Thánh 1-11-1950.
Với gần 20 năm sinh sống và chứng kiến cuộc chiến tranh tại miền Nam, Ngài yêu thương dân Việt vô bờ bến, Ngài luôn mang theo trong trái tim một “Lời nguyện cho quê hương”, xin Đức Mẹ đoái thương nước VN. Một trong những câu chuyện đáng nhớ của Ngài chính là việc đã ban bí tích hòa giải cuối cùng cho cố tổng thống Ngô Đình Diệm trong ngày định mệnh 2-11-1963, khi ông Diệm vào xưng tội ở nhà thờ Cha Tam, sau đó rời đi rồi bị mưu sát.
Tháng 10 năm 2017, Ngài ngã bệnh phải vào viện điều trị, sức khỏe suy sụp. Khi cảm thấy không còn được cống hiến ở trần gian, Ngài thường bày tỏ niềm ước mong “về nhà Cha”. Chúng tôi đùa: “Trên trời chưa có chỗ cho cha đâu. Chúa quên cha rồi”.
Vài tháng nay, Ngài phục hồi một cách diệu kỳ, có thể dâng lễ trong viện dưỡng lão, thường xuyên gặp gỡ các linh mục MEP, hàng ngày tiếp chuyện người đến thăm. Ngày lễ các Thánh 1-11-2018, Ngài vẫn xuống phố nhẩm trà, ăn trưa với giáo dân. Chừng 1h đêm rạng sáng ngày 2-11, Ngài lặng lẽ chìm sâu trong giấc ngủ. Ngài ra đi vào lúc chẳng ai ngờ, hưởng thọ 92 tuổi với 68 năm làm tôi trung của Chúa. Hồi mới vào viện dưỡng lão năm 2013, Ngài từng khoe: “Tôi chuyển nhà cùng ngày với Đức Giáo Hoàng đấy.” Giờ đây, đứng bên linh cữu cúi chào cha lần cuối, nhìn khuôn mặt ngủ yên bình thản của Ngài, bất giác tôi mường tưởng như Ngài cũng đang khoe: “qua ngày lễ các Thánh, tôi đi cùng ngày với cố tổng thống Ngô Đình Diệm đấy”, nghe bâng khuâng như là một sự chọn lựa có chủ ý vậy.
Hôm nay, thân xác Ngài đã trở về đất Mẹ, linh hồn Ngài đã diện kiến Chúa Cha, trần gian từ nay sẽ vắng Ngài, chỉ còn gương trung kiên và con tim Ngài là vĩnh viễn để lại cho Việt Nam.
Nguyện xin Chúa đón Ngài vào hưởng vinh phúc nước trời như lòng Ngài mong ước. Amen.
Thứ bẩy 26/01 2019 - Tuàn 2 TN
Lời Chúa : Lc 10,1-9
(1) Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. (2) Người bảo các ông:
"Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. (3) Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. (4) Ðừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. (5) Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: "Bình an cho nhà này!" (6) Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ đến đậu trên người ấy; bằng không, thì bình an đó sẽ quay về với anh em. (7) Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Ðừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. (8) Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. (9) Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: "Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông".
Người dấn thân vào công tác truyền giáo là người biết hy sinh những thoải mái, tiện nghị, khung cảnh ấm cúng của gia đình, cộng đoàn mà lên đường. Thật đáng lo ngại khi chờ đón chúng ta phía trước là những khó khăn, chống đối, hiểm nguy…như lời Chúa Giêsu cảnh báo “Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói”. Vì thế chúng ta phải biết nương nhờ Chúa từng giây từng phút, và hành trang của chúng ta cho cuộc hành trình đó chính là lòng tin-cậy-mến. Chúng ta phải đặt niềm tin vào Chúa tới độ dù không trang bị cho mình những nhu cầu để sống vẫn xác tín rằng sẽ không thiếu. Thật ra, chúng ta không cần bận tâm về những nhu cầu vật chất vì chính Chúa sẽ cung cấp cho chúng ta mọi thứ cần dùng. Chúng ta đừng lo hết “phần” của Chúa vì điều quan trọng là “chúng ta chỉ có thể chịu được mọi sự, làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho chúng ta mà thôi” (x.Pl 4,13). Thế nên chúng ta đừng bám víu vào “quyền lực thế gian”, cũng đừng để lòng bối rối vấn vương vào vòng thế tục vì người môn đệ cần lên đường cách nhẹ nhàng, thanh thoát, ra đi như người được thúc dục bởi một động lực cao cả. Vì thế cần phải chú tâm vào bổn phận của mình, không phí thời giờ vào những nghi lễ nhạt nhẽo vô vị, cũng không dừng chân vì những việc xã giao cầu kỳ, tạo những mối dây liên hệ riêng làm cho việc rao giảng bị trì trệ, và đừng nên đi từ nhà này qua nhà khác cố ý tìm nơi dễ chịu hơn, tiện nghi hơn, được đón tiếp long trọng hơn…
Dù là làm thợ thì đáng được trà công nhưng người môn đệ trung tín của Đấng chịu đóng đinh không thể là một kẻ say mê thế tục, tìm sự dễ dãi mà cần ý thức mình là người được Chúa sai đi, sai đi để làm “thơ gặt” chứ không phải để “nghỉ mát”, đi để “phục vụ” chứ không phải để “được phục vụ”. Ngài muốn môn đệ của Ngài noi gương Ngài đi ra tìm và cứu kẻ hư mất, chứ không phải xây dựng trung tâm nào đó và chờ mong người chưa được cứu đến với mình. Ngài muốn môn đệ của Ngài cầu nguyện để có nhiều người ra đi đến với người ngoại chứ không phải cầu nguyện để người ngoại kéo đến nhà thờ.
Lạy Chúa Giê su, xin đốt lên trong chúng con ngọn lửa của “khát vọng truyền giáo”, khát vọng giới thiệu Chúa cho mọi người với một con tim tươi trẻ, con tim tư do không bị lợi lộc trần thế làm cho mù quáng, con tim quả cảm dám đương đầu với những thách đố của thời đại, dám xả thân lo việc truyền giáo. Xin đồng hành với chúng con và chúc lành cho những “khát vọng” của chúng con. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét