Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

Chạn lòng thương - Thứ tư 02/12/2020

 



Thứ tư 02/12/2020 - Tuần 1 MV
Lời Chúa : Mt 15, 29-37

(29) Ðức Giêsu xuống khỏi miền ấy, đến ven Biển Hồ Galilê. Người lên núi và ngồi đó. (30) Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, (31) khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ítraen. (32) Ðức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường". (33) Các môn đệ thưa: "Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?" (34) Ðức Giêsu hỏi: "Anh em có mấy chiếc bánh?" Các ông đáp: "Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ". (35) Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngả lưng xuống đất. (36) Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. (37) Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại bảy thúng đầy.

Khi bàn về đoạn Lời Chúa hôm nay, một học giả Kinh Thánh đã viết: "Mỗi một giai đoạn trong cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu được đánh dấu bằng một bữa ăn khoản đãi dân Ngài". Trước hết là phép lạ bánh hóa ra nhiều cho 5,000 người ăn, được coi như biến cố chấm dứt sứ vụ của Ngài tại Galilêa. Vì từ đây Ngài không còn giảng dạy tại các Hội Ðường cũng như làm những phép lạ, chữa bệnh tật tại đó nữa. Thứ đến là phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi sống 4,000 người, đánh dấu trong một giai đoạn ngắn giảng dạy tại các vùng dân ngoại biên giới Palestina, miền Tirô và Sidon và miền thập tỉnh. Sau cùng là bữa tiệc ly tại Jérusalem, nơi đây đã kết thúc cuộc đời rao giảng của Ngài ở trần gian.
        Với cái nhìn phân tích, chúng ta sẽ thấy rằng mỗi bữa ăn đều nằm trong một bối cảnh khác nhau, thành phần tham dự cũng khác nhau. Tuy nhiên, tất cả cùng phát xuất từ một động lực chính, đó là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
        Hai lần hóa bánh ra nhiều đều do sự lo lắng của Chúa Giêsu: "Nếu để họ ra về e rằng có những người sẽ bị đói lả dọc đường". Và riêng bữa tiệc cuối cùng, đó là bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã phải thực hiện một phép lạ vĩ đại để cho mọi người được đủ sức mạnh mà tiến bước trên con đường lữ hành trần gian. Nếu là một trong 5,000 người của đám dân chúng được Tin Mừng nói đến hôm nay, chắc chắn tâm trạng của chúng ta cũng chẳng khác gì tâm trạng của đám dân chúng lúc bấy giờ, là bụng đói lả sau ba ngày theo ngài nhưng lại không dám lên tiếng cứ giữ thái độ yên lặng.
       Có thể họ im lặng vì chưa đủ lòng tin vào quyền năng của Chúa Giêsu. Thắc mắc của họ phần nào tương tự như thắc mắc của các tông đồ: "Lấy đâu ra bánh trong hoang địa này cho ngần ấy người ăn". Mặc dù các môn đệ đã thấy Ngài chữa lành các bệnh tật như làm cho kẻ điếc được nghe, què được đi, cùi được sạch... Tuy nhiên, có thể họ nghĩ rằng mình không thuộc về những hạng người cần đến Chúa Giêsu, vì thân thể đang khỏe mạnh đâu cần gì đến thầy thuốc. Sự đói mệt chỉ là một nhu cầu thể lý chứ không phải là một căn bệnh làm gì phải bắt Ngài bận tâm. Thế nhưng họ đâu có thể ngờ rằng, tuy không phải là căn bệnh thì chúng có thể làm hại con người hoặc có thể vì chút tự ái cá nhân mà họ đành im lặng mặc cho cơn đói hành hạ. Tại sao không chịu lo xa chuẩn bị chút ít lương thực phòng thân để giờ này lại mở miệng lên tiếng kêu ca. Nhìn chung thái độ im lặng này xuất phát từ hai nguyên nhân: Thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa và quá quy trách vào bản thân.
       Thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa khiến con người không thấy Ngài đầy quyền năng và đầy lòng thương xót. Ngài thấu hiểu hết mọi người và hằng quan tâm đến tất cả mọi nhu cầu của con người, ngay cả những nhu cầu nhỏ nhặt nhất cũng đều được Ngài đáp ứng. Mặt khác, quá thiên về bản thân cũng khiến cho con người xa cách Thiên Chúa. Con người luôn phải cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa.
      Về phần Chúa Giêsu, dù cho đám dân chúng im lặng, Ngài không chấp lẽ thái độ của họ, Ngài luôn quan tâm đến họ, Ngài sợ họ đói lả té xỉu dọc đàng, và Ngài đã cho họ ăn một cách dư giả đến nổi ăn xong còn dư được bảy thúng đầy. Con số này tượng trưng cho cái vô biên không đo lường nổi.

Cuộc lữ hành nào mà chẳng mệt nhoc, không lương thực thì chắc chắn sẽ có kẻ rơi rụng dọc đường. Chúa Giêsu đã thấy trước điều này ngay trong cuộc lữ hành trần gian, vì thế Ngài đã ban Mình Ngài để làm lương thực nuôi dân Ngài. Tuy nhiên, căn bệnh im lặng của đám dân chúng ngày xưa còn là căn bệnh của thế giới hôm nay. Căn bệnh đó xem ra còn trầm trọng hơn, vì bàn tiệc đã bày sẵn nhưng chẳng mấy ai đến hưởng dùng.

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng tấm bánh để dành của con thuộc về người đói, chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi, tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn. Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng, có bao điều con lãng phí bên cạnh những Ladarô túng quẫn, có bao điều con hưởng lợi dựa trên nỗi đau của người khác, có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu. Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công chẳng ở đâu xa. Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con. Con phải chịu trách nhiệm về cảnh nghèo trong xã hội.

Lạy Cha chí nhân, vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng. Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt, vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau. Thế giới còn nhiều người đói nghèo là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu, nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2020

Hồng ân cho người bé mọn - Thứ ba 01/12/2020



Một đệ tử mong muốn tìm hiểu về Đức Phật, anh đến gặp một vị thầy và hỏi: - Thưa thầy, xin thầy chỉ cho con biết Phật là gì? Vị thầy trả lời: - Phật là trí tuệ. Một ngày khác, có người cũng đến hỏi câu hỏi đó, vị thầy trả lời: - Không phải là trí tuệ. Không phải là Đức Phật. Người đệ tử phản đối lại: - Hôm trước thầy nói “Phật là trí tuệ”, nhưng hôm nay thầy lại trả lời khác. Vị thầy chậm rãi giải thích: - Câu nói đó là cách để dỗ cho em bé khỏi khóc. Khi em bé đã nín thì tôi nói: - Không phải là trí tuệ. Không phải là Đức Phật. Đó mới thực là Phật.

Thứ ba 01/12/2020 - Tuần 1 MV
Lời Chúa : Lc 10, 21-24

21 Được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. 22 Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho”. 23 Rồi Đức Giêsu quay lại với các môn đệ và bảo riêng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! 24 Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe”.

Khi 1 vấn đề được trình bày với cuộc sống, người khôn ngoan, thông thái thường lĩnh hội nhanh hơn, tốt hơn người bình dân, bé mọn. Thế nhưng Lời Cầu Nguyện và Tạ Ơn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay phản ánh một điều ngược lại: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ. Vâng, Lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (C. 21)
      Đành rằng Mầu Nhiệm Nước Trời được Mặc Khải chung cho cả nhân loại, nhưng thấu hiểu và đón nhận được hay không còn tuỳ thái độ của mỗi người. Người được Chúa gọi là Khôn Ngoan, Thông Thái, do dư chút Tự Hào, luôn thấy mình là trung tâm của vũ trụ. Họ như đứng ngoài, nhìn vào 1 hang động, kiêu hãnh vì thế giới mình thuộc về to rộng hơn hang động chật hẹp, mà không biết đến cả một 1 vũ trụ bao la trên đầu mình, nên chẳng thể lãnh hội Mặc Khải. Còn người Chúa gọi là đơn sơ bé mọn, biết mình chẳng là gì quá lớn so với Tạo Hoá và tạo vật khác, với thái độ Khiêm Tốn, họ mở trí mở lòng mình, nhờ vậy họ thấu hiểu kho tàng khôn ngoan của nhân loại và đón nhận được mặc khải màu nhiệm cao siêu của Nước Trời.
      Nước Trời luôn là thực tại mênh mông, huyền nhiệm “Vượt” quá những trí tuệ sâu sắc nhất. Nhưng lại “chứa” được trong những tâm hồn đơn sơ khiêm tốn. Đó chính là nghịch lý, là màu nhiệm của lời Cầu Nguyện, Tạ Ơn của Chúa trong Tin Mừng hôm nay.

Lạy Chúa Giê su, xin cho thế giới, nhân loại và bản thân chúng con, bớt sự tự hào, tự mãn vì những thành tựu và hiểu biết giới hạn của chính mình, nhưng thêm khiêm tốn, đơn sơ để thấu đạt những Màu Nhiệm Cứu Độ Chúa Giêsu Măc Khải: cứu cánh của con người. Amen.

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2020

Tiếng gọi hấp dẫn - Thứ hai 30/11/2020

 



Thứ hai 30/11/2020
Lễ Thánh Anrê tông đồ
Lời Chúa : Mt 4, 18-22

18 Khi ấy, Đức Giêsu đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 19 Người bảo các ông: “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. 20 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người.21 Đi được một quãng, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. 22 Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

Mừng Lễ thánh Anrê tông đồ hôm nay, Kitô hữu chúng ta có dịp nhìn lại ơn gọi của mình.
Ta sẽ thực hiện Sứ vụ đó bằng chính đời sống của mình.
        Vậy ta có bắt chước các Tông độ đầu tiên chưa, đó là quảng đại đáp lại tiếng Chúa mời gọi mình.
Ơn gọi thiết yếu là một tương quan: Chúa gọi và chúng ta đáp lại, nhưng thánh An-rê và các anh em khác « lập tức bỏ chài, bò thuyền, bỏ cha mà theo Người”.
        Vì đây là ơn gọi đầu tiên của mọi ơn gọi trong Giáo Hội mà Đức Giê-su sẽ thiết lập, nên cách Ngài gọi các môn đệ đầu tiên chính là nền tảng của mọi ơn gọi; và nền tảng thì luôn luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, trong mỗi ngày sống và nhất là mỗi khi chúng ta lựa chọn. Ơn gọi hiểu như thế, thì không thể chỉ là một biến cố đã qua, nhưng phải được sống và hiện tại hóa hằng ngày, thậm chí phải diễn ra hằng ngày.
      Ngài đi ngang qua đời ta mỗi ngày, và lúc nào ngài cũng thấy chúng ta đang loay hoay làm cái gì đó, bận tâm chuyện gì đó. Ngài gọi chúng ta thật nhưng không, bao dung và quảng đại; và chúng ta được mời gọi đáp lại cách nhưng không, bao dung và quảng đại như lời đáp đầu tiên của chúng ta trong bước đường tìm hiểu và sống ơn gọi dâng hiến, theo gương của thánh An-rê Tông đồ.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn ý thức rằng, bản chất của Ki-tô hữu là truyền giáo, để chúng con hăng say tiếp nối các Tông Đồ làm cho Tin Mừng của Chúa được lan rộng, nhờ đời sống đạo gương mẫu và việc thực thi bác ái khắp những nơi mà chúng con được sai đến. Amen


Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Chuẩn bị cho ngày cuối đời - Chúa nhật 29/11/2020 - Tuấn 1 MV

 




Ngày 28/09/2014 vừa qua, núi lửa Ontake nước Nhật bất ngờ phun trào làm ít nhất 40 người bị thương và nhiều người mất tích. Vào cuối năm 2013 một cơn siêu bão là Hai-yan đã gây ra thiệt hại khủng khiếp cả về người và tài sản, sau khi quét qua miền trung nước Philippines. Cách đây ít hôm, vào tối 22/11/2014 một trận động đất mạnh 6,3 và 6,8 độ richter đã tấn công Nhật Bản và Trung Quốc gây nhiều thương vong. Chỉ sau 12 giờ, trận động đất đã làm ít nhất 4 người thiệt mạng, 54 người bị thương, 25.765 ngôi nhà bị hư hại, hơn 6.200 người phải sơ tán.

- Rồi cuộc chiến tranh triền miên giữa Ít-ra-en và Pa-lét-tin cũng gây bao đau thương cho hai dân tộc: Vào trung tuần tháng 8/2014 vừa qua đã có gần 2.000 người thiệt mạng. Những cuộc pháo kích mưa bom liên tiếp dội xuống giải Ga-da làm hơn 9 567 người thương vong, hơn 400.000 người Pa-lé-tine phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Nhiều tòa nhà và đường xá bị san bằng và đổ nát, có gia đình nọ gồm 8 người đã bị bom giết sạch khi đang ẩn núp trong nhà mình. 

- Dẫu vậy không có mấy người trong chúng ta lại nghĩ mình cũng có thể bị chết bất ngờ để canh thức và sẵn sàng đón điều tệ hại ấy. Lời Chúa hôm nay cảnh báo chúng ta: Hãy canh thức để đón giờ chết đến bất ngờ của riêng mỗi người và chung của toàn thể nhân loại trong ngày tận thế.

Chúa nhật 29/11/2020
Chúa nhật I Mùa vọng
Lời Chúa : Mc 13,33-37

(c 33) Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức và cầu nguyện, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến”. (c 34) Cũng như người kia trẩy đi phương xa để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. (c 35) Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. (c 36) Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. (c 37) Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: Phải canh thức !”


Trong những ngày Mùa Vọng này, xin cho chúng con biết luôn tỉnh thức và kết hiệp với Chúa. cho chúng con luôn chiếu tỏa ánh sáng tin yêu trước mặt người đời, hầu bất cứ khi nào Chúa đến, cũng thấy chúng con đang canh thức, đang chu toàn nhiệm vụ Chúa trao, đang có sẵn dầu ơn thánh trong cây đèn đức tin của mình, đang thực thi thánh ý Thiên Chúa... nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ được Chúa thương đón nhận vào dự tiệc vui muôn đời trong Nước Chúa.
Canh thức là cố gắng làm lợi thêm những nén bạc Chúa trao, cụ thể là sử dụng các tài năng Chúa ban như ca hát, nói hay, khéo tay… để làm vinh danh Thiên Chúa và mưu ích cho phần rỗi các linh hồn. Kẻ chỉ biết đào lỗ chôn giấu nén bạc được chủ trao, thể hiện qua thái độ lười biếng làm việc lành… thì khi giờ chết đến anh ta sẽ bị chủ thu lại tất cả những tài năng và sẽ bị loại khỏi Nước Trời đời đời.
Canh thức là sống đức tin trong giây phút hiện tại: Mỗi tín hữu chúng ta cần sống tình con thảo với Chúa Cha từ lúc sáng sớm khi vừa thức giấc đến tối trước khi nghỉ đêm. Luôn tỉnh thức như người tôi tớ luôn thao thức để tìm làm theo ý Thiên Chúa muốn như lời cầu trong kinh Lạy Cha: “Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, y Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”

Trong những ngày Mùa Vọng này, xin cho chúng con biết luôn tỉnh thức và kết hiệp với Chúa. cho chúng con luôn chiếu tỏa ánh sáng tin yêu trước mặt người đời, hầu bất cứ khi nào Chúa đến, cũng thấy chúng con đang canh thức, đang chu toàn nhiệm vụ Chúa trao, đang có sẵn dầu ơn thánh trong cây đèn đức tin của mình, đang thực thi thánh ý Thiên Chúa... nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ được Chúa thương đón nhận vào dự tiệc vui muôn đời trong Nước Chúa.

Đời người đầy bất ngờ...Thứ bảy 28/11/2020




TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN LUÔN
TRONG MỘT THẾ GIỚI BẤT ỔN.

Người thời đại hôm nay, mà cũng chẳng phải nói đâu xa, ngay tại Việt Nam, môi trường cho sự thật dường như bị vo lại, ném vào đâu đó…để lại một bãi “tha ma” của sự gian dối, ngổn ngang những rác rưởi của gian dối, khiến con người, không chóng thì chầy cũng sẽ ăn phải gian dối, ngấm cái dối gian vào trong máu, và bị biến chất thành kẻ gian dối mà đối tượng không hề hay biết.
     Gian dối trở thành nếp, thành cái quen thuộc đến nỗi người ta bình thường hóa nó, mặc kệ nó và sử dụng nó như thể chẳng liên quan gì đến luân lý, đến cái thiện, cái ác trong tâm hồn, trong cuộc sống của con người.
      Bị rơi vào môi trường đã bị gian dối thấm nhiễm, con người trở nên đáng thương, trở thành nạn nhân của gian dối và của những kẻ dối gian. Cả người bị nạn lẫn kẻ gây ra sự xấu, đều là những nạn nhân ở nhiều góc cạnh.
     Người bị lọc lừa, là nạn nhân đã đành, bởi họ muốn chạy mà cũng khó lòng mà thoát được cái lưới gian trá đã vây bủa. Chạy đi đâu, sống chỗ nào, gian dối chẳng buông tha họ, lúc nào cũng kè kè, ngăm ngăm nuốt chửng họ. Còn những kẻ sống cùng, ăn cùng với “ gian dối”, xét ra, lại là kẻ đáng thương, bi hài hơn hết. Cái đáng thương, tội nghiệp, bi hài, thảm cảnh…của kẻ sống, ăn, ngủ, hoạt động với gian dối chính bởi họ đã không còn tỉnh táo đủ để nhận thức tội, để biết mình đang mê lầm trong tội, trong cái xấu, trong sự dữ.
     Sự tỉnh thức chỉ có thể có được trong những con người luôn biết tìm kiếm hướng về điều thiện và làm điều thiện. Họ hiểu rằng, cuộc sống cần phải được thanh lọc, chọn lựa một hướng đi tốt, một cách sống thiện hảo trong bất kỳ một hoàn cảnh, một môi trường nào. Họ ý thức, tỉnh thức để biết đâu là đích nhắm tới, đâu là cuộc sống thật vĩnh cửu họ cần vươn tới và sẵn sàng chờ đợi ngày cùng đích, ngày vinh quang trong hạnh phúc mà Thiên Chúa sẽ đến.

Thứ bảy 28/11/2020 - Tuần 34 TN
Lời Chúa : Lc 21, 34-36

34 "Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, 35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. 36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người."

Suy niệm :
Hôm nay, ngày cuối cùng của năm Phụng Vụ, Giáo Hội cũng muốn nhắn gửi chúng ta một thông điệp căn bản mà quan trọng khi dùng đoạn Tin Mừng theo thánh Luca để nói về sự tỉnh thức và cầu nguyện.
Tỉnh thức và cầu nguyện là thái độ cần thiết cho ngày Chúa đến, ngày đó là ngày cuối cùng của cuộc đời con người và nhân loại.
Tỉnh thức và cầu nguyện để biết phải làm gì cho xứng hợp với Nước Trời.
Cầu nguyện và tỉnh thức để loại bỏ những thứ không cần thiết như chè chén, say sưa, mê theo khoái lạc...Đời người giống như chiếc lưới bất thần chụp xuống, cho chúng ta thấy cái chết và số phận của mọi người: không ai thoát được nó. Tuy nhiên, sau đó được đem đi đâu mới là điều quan trọng. Vì thế, nó sẽ trở nên vui mừng cho những ai được đem vào nơi hạnh phúc và bình an. Ngược lại, sẽ là điều kinh hoàng và bất hạnh cho những ai bị loại ra ngoài.
       Muốn được đem vào Nước Trời, thì hẳn phải tỉnh thức như chủ nhà canh trộm ban đêm; như đầy tớ mong ông chủ đi ăn cưới về; như năm cô trinh nữ khôn ngoan có đèn và dầu.
Khi cầu nguyện, chúng ta khỏi xa chước cám dỗ và có sức chiến đấu với ma quỷ; và cuối cùng, cầu nguyện để đón nhận được ơn thánh của Chúa.
       Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy trung tín với sứ điệp Lời Chúa. Sống bác ái yêu thương. Không bị vướng bận quá nhiều vào của cải ở đời. Sống vô vị lợi, không đòi hưởng thụ. Không để mình bị ngủ mê trong tội hay chạy theo các chủ trương duy vật, hưởng thụ, mà lãng quên những nhu cầu tâm linh và các giá trị siêu việt của cuộc sống.

Lạy Chúa Giêsu, mỗi ngày chúng con phải đối diện với cái chết. Xin cho chúng con biết chuẩn bị ngày đó đến với chúng con bằng thái độ tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng. Amen.

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2020

Những dấu hiệu báo trước - Thứ sáu 27/11/2020



 Mưa cá ở Honduras, tuyết rơi tại Sahara, băng hình trứng ở Phần Lan, mặt trời giả... là những hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ thu hút sự chú ý của nhiều người.

Mặt trời giả: Đây là tên gọi chỉ hiện tượng trong đó mặt trời xuất hiện cùng 2 quần sáng ở hai bên theo phương nằm ngang. Hiện tượng xuất hiện gần đây nhất vào năm 2010 trên bầu trời ở bãi biển Bournemouth, Anh. Sự kì thú này được giải thích là khi ánh sáng mặt trời khúc xạ qua những tinh thể băng hình bát giác trong đám mây lạnh ở trên cao. Ánh sáng khúc xạ theo góc 22 độ trước khi tới mắt người, tạo nên ảo ảnh. Ảnh: Wikimedia Commons.

Tuyết rơi ở sa mạc Sahara: Tuyết phủ trắng những đụn cát ở khu vực thấp của sa mạc Sahara vào năm 2016 đã tạo nên cảnh tượng hy hữu ở một trong những nơi nóng nhất hành tinh. Theo LiveScience, lần gần nhất Sahara có tuyết rơi là vào năm 1979. Chuyên trang khoa học cũng cho biết Sahara có tuyết rơi nhưng chủ yếu ở các khu vực núi cao. Tuyết rơi trên đụn cát ở vùng thấp là chuyện cực kỳ hy hữu. Ảnh: Geoff Robinson Photograhy.

Băng hình trứng ở Phần Lan: Những quả trứng băng tròn bao phủ các bãi biển ở Hailuoto đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng vào hồi cuối năm ngoái. Theo CNN, hiện tượng này được hình thành do nước biển gần bờ phá vỡ lớp băng mềm. Tuyết tan dính lại với nhau và tích tụ trong nước siêu lạnh, sau đó sóng biển làm cho băng quay xung quanh và tạo thành những quả bóng mịn. Chuyên gia về băng tại Viện khí tượng Phần Lan, Jouni vainio cho biết hiện tượng này không phổ biến, nhưng có thể xảy ra một năm một lần trong những điều kiện thời tiết thích hợp. 

Mưa cá ở Yoro: Hiện tượng này đến nay vẫn chưa tìm được lời giải thích thỏa đáng từ các nhà khoa học dù nhiều người tin rằng nó đã từng xuất hiện từ hơn một thế kỷ trước. Những cơn mưa mang theo hàng nghìn con cá nhỏ thường kéo dài trong 2-3 giờ diễn ra hàng năm vào khoảng tháng 5 đến tháng 7 tại Yoro, Honduras. Từ năm 1998, người dân Yoro tổ chức lễ hội thường niên chào đón hiện tượng này với các hoạt động diễu hành, hóa trang.

Cực quang: Hiện tượng này thường diễn ra ở hai đầu cực từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 4, nơi từ trường yếu. Cực quang có thể xuất hiện với nhiều màu sắc nhưng xanh lá nhạt và hồng là hai màu phổ biến nhất. Nhiều nền văn hóa gắn sự xuất hiện của cực quang với thần thánh, linh hồn người đã khuất. Bộ lạc Menominee tại Wisconsin (Mỹ) tin rằng chúng chỉ chỗ ở của những người khổng lồ, linh hồn thợ săn và các ngư dân vĩ đại.

Sét vĩnh cửu ở Catatumbo: Hiện tượng thiên nhiên này chỉ xảy ra tại nơi sông Catatumbo đổ vào hồ Maracaibo ở bang Zulia, Venezuela. Sét hình thành do tương tác giữa các khối khí lạnh từ dãy Andes với không khí nóng ẩm từ hồ. Sấm sét dần trở thành một phần cuộc sống của người dân địa phương nơi đây. Theo sách kỷ lục Guinness, kỷ lục sét đánh ở đây từng được ghi nhân là 300 lần/năm.

Mây hình ống ở vịnh Carpentaria: Nơi duy nhất xuất hiện tượng hiếm gặp này có thể được dự đoán và quan sát định kỳ là vịnh Carpentaria ở Australia. Mây hình ống có thể dài đến 1.000 km, cao 1-2 km và thường chỉ cách mặt đất 100-200 m. Hiện tượng này thường xảy ra từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11 khi độ ẩm trong không khí cao kết hợp gió biển thổi mạnh.

Thứ sáu 27/11/2020 - Tuần 34 TN
Lời Chúa : Lc 21, 29-33

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ thí dụ này rằng: "Các con hãy xem cây vả và mọi thứ cây cối. Khi chúng đâm chồi nảy lộc, thì các con biết rằng mùa hè đã gần đến. Cũng thế, khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến. Thầy bảo thật các con, thế hệ này sẽ chẳng qua đi cho đến khi mọi sự ấy xảy đến. Trời đất sẽ qua đi; nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu".

Người ta vẫn thường nói: có nguyên nhân mới phát sinh ra hậu quả. Trong thế giới vật chất này, chẳng có gì là ngẫu nhiên, có lửa thì có khói, các vật rắn chạm vào nhau sinh ra tiếng động.
        Lời Chúa hôm nay, Chúa Giêsu cũng nhắc đến nguyên lý đó. Ngài dạy chúng ta phải biết nhìn vào các biến cố xẩy ra trong thời đại để nhận biết rằng Chúa đang đến: "Các con hãy xem cây vả cũng như các cây khác, khi cây đâm chồi, các con biết rằng mùa hè đã gần đến. Cũng vậy, khi thấy những điều đó xẩy ra, các con hãy biết rằng Nước Thiên Chúa đã gần đến".
        Theo Cha Lausade, Thiên Chúa nói với chúng ta bằng hai cách: hoặc bằng Lời Chúa trong Kinh Thánh, hoặc qua các biến cố xẩy đến trong đời sống thường ngày. Ðiều quan trọng là chúng ta phải quan tâm để nhận ra lời nhắn nhủ của Chúa. Tuy nhiên, chúng ta thường dễ nhận ra Kinh Thánh là Lời Chúa, là giáo huấn của Chúa, mà ít nhận ra các dấu chỉ thời đại cũng là Lời Chúa, là thánh ý Chúa, nói khác đi, chúng ta ít nghe được tiếng Chúa nói với chúng ta qua các tạo vật, qua niềm vui, nỗi buồn, qua cả những lầm lỗi của chúng ta.
       Do đó, để có thể nhận ra tiếng Chúa qua các biến cố, chúng ta cần phải có thái độ lắng nghe và yêu mến. Có những người không bao giờ đặt vấn đề: Tại sao tôi sống? Sống để làm gì? Chết rồi đi đâu? Người Kitô hữu chúng ta biết rõ ý nghĩa của cuộc đời, nhưng cũng cần chăm chú lắng nghe để nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống, vì đó là tiếng gọi của tình yêu mà chỉ những ai yêu mến Chúa mới nhận ra được.

Lạy Chúa Giêsu, cuộc sống trần gian này là chuẩn bị cho một cuộc sống vĩnh cửu. Con người chúng con luôn khát mong hạnh phúc. Nhưng đâu là hạnh phúc đích thực của chúng con? Ðâu là ơn cứu độ của chúng con? Chúa đến để giải thoát chúng con, để đem niềm vui của cuộc sống tự do đã bắt đầu. Xin cho chúng con biết đón nhận Ngài, vì ngài là dấu hiệu của một mùa xuân hạnh phúc. Có Chúa, chúng con mới đạt được niềm vui bất tận. Amen.

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2020

Sống hôm nay cho ngày sau - Thứ năm 26/11/2020

 




Năm 70 sau công nguyên, tướng Titus của đế quốc La Mã đem quân bình địa Giêrusalem - đền thờ Giêrusalem biểu trưng của niềm tin tôn giáo, việc tế tự bị đình chỉ. Thành Thánh Giêrusalem bị thất thủ và bị đốt phá bình địa đã “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào” như lời tiên báo của Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, Lời Chúa không chỉ ứng nghiệm với thành thánh bị phá hủy vào năm 70, mà còn tiên báo về ngày tận cùng của thế giới. Khi Ngài đến trong vinh quang để xét xử, có các tai họa làm cho người ta lo âu, sợ hãi: “sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét, người ta sợ hãi đến hồn siêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ Con Người sẽ xuất hiện uy nghi trên đám mây mà đến... Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi đã đến gần”.

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta suy nghĩ về ngày sau hết của mỗi người chúng ta. Trước khi từ giã cõi đời con người cũng thường bị vây hãm: bởi những lo âu run sợ trước cái chết, bởi những tiếc nuối cho những ngày đã qua, bởi những hành hạ của căn bệnh, bởi sức tấn công của lực lượng sự dữ...
Thứ năm 26/11/2020 - Tuần 34 TN
Lời Chúa: Lc 21,20-28

(20) "Khi anh em thấy thành Giêrusalem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành. (21) Bấy giờ, ai ở miền Giuđê, hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành. (22) Thật vậy, đó sẽ là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm. (23) Khốn thay những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó!"Vì sẽ có cơn khốn khổ cùng cực trên đất này, và cơn thịnh nộ giáng xuống dân này. (24) Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân các nước, và Giêrusalem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại. 25) "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. (26) Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. (27) Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. (28) Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc".

Chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng của Năm Phụng Vụ. Đây là thời điểm cần thiết nhắc nhớ chúng ta về ngày tận cùng của vũ trụ, và cũng giới thiệu cho chúng ta về một Trời Mới Đất Mới, nơi Đức Kitô sẽ làm Vua cai trị muôn đời.
      Lời Chúa hôm nay loan báo những gì sẽ xảy ra trước ngày Con Người quang lâm. Một Giêrusalem tráng lệ nguy nga, là vinh dự của dân Israel cũng sẽ bị vây hãm, bị tàn phá “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào”. Bởi lẽ, Giêrusalem trên trời mới đích thực là tồn tại vĩnh cửu và không một thế lực nào có thể vây hãm được.
     Trước Ngày của Con Người, sẽ có những điềm lạ xảy ra . Điềm lạ phải chăng là những dấu chỉ thời đại mà Chúa muốn cảnh tỉnh chúng ta trước Ngày của Người? “Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên” là sứ điệp của Đức Kitô nhắn gởi mỗi chúng ta hôm nay. Vậy chúng ta phải chuẩn bị thế nào ngay từ bây giờ, để có thể “đứng thẳng” và “ngẩng đầu” thật sự khi Ngài ngự đến?
      Chuẩn bị bằng tâm tình tin yêu phó thác với một tâm hồn trong sạch, luôn tha thiết hướng về Quê Hương Thiên Quốc, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha. Chuẩn bị bằng cuộc sống yêu thương chan hòa và sẵn sàng phục vụ mọi người, vì Vua Kitô sẽ ân thưởng hay giáng phạt chúng ta chỉ dựa vào mối tương quan tình yêu này. Ý thức mọi sự vật đều sẽ qua đi theo thời gian, nên chúng ta sống một tinh thần thanh thoát với những gì thuộc trần thế, để chỉ tích lũy kho tàng trên trời, nơi mối mọt không đục khoét và kẻ trộm không thể lấy mất. Sống giữa một thế giới đầy hưởng thụ này, người môn đệ của Chúa phải lội ngược dòng để có thể trung thành với sứ điệp Tin Mừng.

Tâm tình :
Lạy Chúa, xin thương ban Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con, để củng cố chúng con luôn mãi, nhất là trong lúc bị thử thách. Xin thương ban ơn giúp chúng con kiên trì cho đến cùng trong đức tin vào Chúa để chờ đợi ngày quang lâm của Chúa.

Đường thế gian khác xa đường về Trời - Thứ tư 25/11/2020




Lúc trời còn tối, ngày 16 tháng 11 năm 1989, tại nước El Salvador, một nhóm người có vũ trang đã xâm nhập vào Đại Học Trung Mỹ. Chúng đã giết sáu linh mục Dòng Tên và hai mẹ con người nấu ăn. Giết xong chúng đã kéo xác ra ngoài vườn và làm những trò man rợ. Các linh mục này đều là những nhà trí thức, có ảnh hưởng trong xã hội. Họ muốn nói lên tiếng nói của người nghèo, chịu cảnh bất công, muốn chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài khiến hơn 70 ngàn người chết. Họ đã phải trả giá bằng vụ thảm sát bất ngờ, đã chết như những chứng nhân, những vị tử đạo thời mới. Chuyện ấy đã xảy ra cách đây hai mươi năm rồi.

Thứ tư 25/11/2020 - Tuần 34 TN
Lời Chúa : Lc 21, 12-19

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta đây”, và: “Thời kỳ đã đến gần”; anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu.” Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện. Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù, và điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Ðó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”

Suy niệm :
Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu nói về những cuộc bách hại xảy ra trước khi Ngài trở lại trong ngày tận thế. Các môn đệ sẽ phải chịu những gì Thầy mình đã chịu. Họ sẽ bị bắt, bị ngược đãi, bị tù đày, bị đem ra tòa đạo, tòa đời. Họ sẽ bị nộp bởi chính người thân, bị mọi người thù ghét, và thậm chí bị giết hại . Tất cả những gì các môn đệ phải chịu đều là vì danh Thầy...

Chính tình yêu trung tín đối với Thầy và giáo huấn của Thầy đã khiến bao Kitô hữu tự nguyện đón nhận khổ đau và cái chết. Không phải chỉ chối Thầy cách công khai mới mang tội bất trung. Không phải chỉ bước qua thập giá mới là phản bội. Bất cứ khi nào chúng ta bước qua những giá trị ngàn đời của Kitô giáo, như sự thật, sự sống, công bằng, bác ái, nhân phẩm, tự do, lương tâm, khi ấy chúng ta chối bỏ Đức Kitô Giêsu. Bất cứ khi nào chúng ta dám xả thân để sống cho những giá trị đó, chúng ta đã làm chứng cho Ngài rồi. Gioan Tẩy Giả đã chết vì nói sự thật mất lòng với Hêrôđê. Maria Goretti đã chết vì muốn sống trong sạch. Maximilien Kônbê đã xin chết thay cho người khác vì lòng bác ái. Tất cả đều được Giáo Hội tôn kính như những vị tử đạo, dù họ không chết vì tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu.
Đối với Đức Giêsu, giây phút đứng trước tòa là giây phút quan trọng. Người môn đệ có cơ hội công khai làm chứng cho Thầy. Đức Giêsu không để họ một mình đối diện với sức mạnh của quyền uy. Ngài hứa sẽ giúp họ trả lời những cáo buộc của tòa án. Thế nên họ chẳng có gì phải xao xuyến, lo âu. Tòa án trở thành nơi làm chứng tuyệt vời của người môn đệ. Điều quan trọng khi bị bách hại là phải kiên trì. Có nhiều kiểu hành hạ nhằm làm cho người môn đệ bỏ cuộc. Nhưng một sợi tóc anh em cũng không bị mất nghĩa là Chúa sẽ lo từng li từng tí cho môn đệ của mình. Mạng sống của các môn đệ ở đời này có thể bị mất, nhưng nếu họ kiên trì và trung tín, họ sẽ giữ được nó ở đời sau. Chúng ta cầu cho nhau được ơn kiên trì giữa thử thách của thời đại mới.

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời, Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục. Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian, lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó. Thế gian này vàng thau lẫn lộn. Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài. Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình, giữ được vị mặn của muối, và sức tác động của men, để đem đến cho thế gian một linh hồn, một sức sống. Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo, chỉ sợ mình bỏ sống đạo vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế. Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo, những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống. Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con, thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2020

Gương anh dũng - Thứ ba 24/11/2020

 




Mỗi lần nói đến các thánh tử đạo, là chúng ta nghĩ ngay đến cảnh đầu rơi, máu đổ, gông cùm, gươm giáo… Thế nhưng, ở thời đại đang tiến dần tới Thế kỷ 21, những cảnh hành trình tàn bạo, cổ điển ngày xưa và sự bắt đạo của các chính quyền hầu như không thể tái diễn. Vì hiến pháp của bất cứ quốc gia nào cũng tôn trọng tự do tín ngưỡng và các quyền cơ bản của con người. Đàng khác, các án tử hình cũng dần dần được loại bỏ trong các bộ luật hình sự trên thế giới.

Ngày nay, khái niệm về tử đạo được hiểu rộng rãi hơn. Vì tử đạo là người dám chết cho công lý, cho hòa bình, chết cho con người, nhất là những người nghèo khổ hay bị áp bức, nói chung là chết vì chính Đạo, chết vì muốn sống theo con đường Tin Mừng của Chúa Giêsu, sống cho chân lý Phúc Âm. Trường hợp của cha Maximilianô Kolbê, ngài đã tự nguyện chết thay cho một người tù khác có gia đình, trong trại tập trung của Đức Quốc xã. Vào năm 1971, Đức Phaolô VI không coi Cha là vị tử đạo, chỉ coi Cha là một người chịu đau khổ vì đức tin thôi (Confessor). Nhưng khi phong thánh cho cha vào năm 1982, Đức Gioan Phaolô II đã coi cha là một vị tử đạo. Trong bài giảng phong thánh cho Cha Kolbê, Đức Thánh Cha nói: “Cái chết được cha hồn nhiên đón nhận vì yêu người đồng loại, cái chết ấy lại không làm cho cha Kolbê đặc biệt giống Đức Kitô sao, Đức Kitô là mẫu mực của mọi vị tử đạo, là Đấng hiến mạng sống mình cho anh em?”

Trong Tông Thư “Tiến đến thiên niên kỷ thứ ba” (TMA), Đức Thánh Cha kêu gọi các Giáo Hội địa phương lập danh mục các vị tử đạo mới của thế kỷ này. Vì “trong thế kỷ này lại có những người tử đạo, thường là âm thầm, họ như thể là “những chiến sĩ vô danh”vì đại cuộc của Thiên Chúa. Giáo Hội không chỉ có những người đổ máu vì Đức Kitô mà còn có những bậc thày về đức tin, những nhà truyền giáo, những người tuyên xưng đức tin, những Giám mục, Linh mục, các trinh nữ, những người kết hôn, góa bụa và trẻ em” (TMA. 37).
       Như vậy, tử đạo không chỉ là đổ máu. Tử đạo là dám chết đi con người ích kỷ của mình, chết đi cho thói đời tham sân si mù quáng. Chết đi những đam mê nhục dục để hèn. Tử đạo là dám sống vì tin mừng mà chịu thua thiệt, chịu mất mát. Tử đạo là yêu cho đến cùng và sống trọn vẹn những đòi hỏi của luật yêu thương.
      Mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam, xin cho chúng ta là con cháu biết noi gương các ngài để tiếp tục là bài ca ca ngợi Thiên Chúa. Ca ngợi Ngài bằng cả cuộc sống thắm đượm tình Chúa tình người. Ca ngợi Ngài mọi nơi, mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Nguyện xin các thánh Tử đạo Việt Nam dẫn dắt chúng ta luôn bước đi trong tình yêu Chúa. Amen.


Thứ tư 24/11/20
Kính trong thể các Thánh tử đạo VN
Lời Chúa : Lc 9,23-26

Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

Trong cuộc sống, chúng ta thấy có những viên thuốc đắng, người ta phải bọc đường để cho dễ uống. Thế nhưng qua Tin mừng, Chúa Giêsu đã không hành động như vậy. Trái lại, Ngài đã nói rõ cho các môn đệ biết những khó khăn đang chờ đón các ông. Ngài bảo: - Thầy sai các con đi như chiên con ở giữa sói rừng. Người ta đã ghét bỏ Thầy, thì rồi họ cũng sẽ ghét bỏ các con. Đầy tớ không trọng hơn chủ. Họ sẽ xua đuổi các con ra khỏi hội đường, sẽ bắt bớ và hãm hại các con. Đã đến giờ những kẻ giết các con tưởng rằng làm như thế là phụng sự Thiên Chúa…
      Quả thật là rõ ràng và minh bạch, không dấu diếm, không úp mở và chúng ta cũng chẳng cần phải cắt nghĩa hay thêm bớt điều gì nữa. Kể từ nay, các ông sẽ phải mạnh dạn tiến lên với dấu ấn của người môn đệ Đức Kitô. Thế gian sẽ nhìn các ông như những kẻ xa lạ và thù địch, không có cùng một mẫu số chung, không đồng hội đồng thuyền với họ.
      Nếu Đức Kitô đã bị đóng đanh vào thập giá như một tên tội phạm về phương diện chính trị, thì các ông cũng vì Ngài mà bị điệu tới vua chúa và chính quyền, bị hành hạ và ngược đãi, để rồi sau cùng đã chết đi cho ánh sáng Tin mừng được chiếu tỏa. Và sự thật đã xảy ra như thế. Tất cả các ông, ngoại trừ thánh Gioan tông đồ, đều đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho Đức Kitô.
      Theo mẫu gương kiên hùng của các ông, Giáo hội sơ khai cũng đã bị nhuộm thắm bởi dòng máu của hàng ngàn, hàng vạn các tín hữu bị bách hại duới thời các bạo vưong La Mã, đúng như lời Chúa đã báo trước:- Nếu họ đã bắt bớ Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con.

Lạy các thánh tử đạo Việt Nam, các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm. Sự hy sinh của các ngài cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt. Dù mang phận người yếu đuối, nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng, các ngài đã chiến thắng khải hoàn. Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài biết can trường sống đức tin của bậc cha anh trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa, biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu bằng một đời hiến thân phục vụ. Ước gì ngọn lửa đức tin mà các ngài đã thắp lên bằng cuộc sống và cái chết, được bừng tỏa trên Tổ Quốc Việt Nam. Ước gì máu thắm của các ngài thấm vào mảnh đất quê hương để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái. Amen.

Cho đi tất cả - Thứ hai 23/11/2020

 




Vào mùa đông, tại một đất nước Châu Âu, một em bé 13 tuổi nghe nhà trường thông báo đợt lạc quyên tiền bạc và phẩm vật làm quà giáng sinh cho các trẻ em nghèo trong vùng.
      Em đã dành dụm mọi chi tiêu ít ỏi của em trong suốt 3 tháng. Khi đã được 15 đồng, em quyết định đón xe đò từ làng lên phố.Bất ngờ, một trận bão tuyết ập đến dữ dội làm tắt nghẽn mọi hoạt động giao thông. Không bỏ cuộc, em xuống xe, co ro lội bộ băng qua cánh đồng đầy ngập tuyết trắng xóa và gió bấc lạnh buốt.
     Ông hiệu trưởng nghe báo có người muốn gặp đang đợi ở phòng khách.
    Ông thực sự kinh ngạc sửng sốt khi nhận món tiền chia sẻ từ tay em bé, bởi vì trước mặt ông chính là một trong số những em bé nghèo mà ông và nhà trường đã đưa vào danh sách tặng quà giáng sinh năm đó.
Thứ hai 23/11/2020 - Tuần 34 TN
Lời Chúa : Lc 21, 1-4

Khi ấy, Chúa Giêsu nhìn lên, thấy những người giàu có bỏ tiền dâng cúng vào hòm tiền. Người cũng thấy một bà goá nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ, nên bảo rằng: “Thầy bảo thật các con, bà goá nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi người. Vì mọi người kia lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa, còn bà này túng thiếu, bà đã dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình”.

Bà góa là hạng người luôn bị gạt ra bên lề xã hội. Như ta biết: Một phụ nữ Do Thái sau khi lấy chồng, họ sẽ thuộc về gia đình chồng, cắt đứt liên hệ với gia đình bố mẹ ruột. Nếu chẳng may người chồng chết đi, người phụ nữ đó trở thành góa bụa họ sẽ hoàn toàn trắng tay và không biết nương tựa vào đâu.
Như vậy người đàn bà đang bỏ 2 đồng tiền nhỏ đó vừa là bà góa, lai vừa nghèo khó. Hai đồng tiền nhỏ của bà chỉ đáng ¼ xu. Cả người dâng và lễ dâng đều rất nhỏ bé. Cái nhìn và cách đánh giá của Chúa đã làm đảo lộn mọi suy nghĩ của chúng ta.
     Thực vậy, sống trong một xã hội coi trọng đồng tiền, coi trọng hiệu năng, coi trọng thành quả, thì người ta chỉ chú trọng vào những con số, vào hình thức.
     Đối với người đời, số tiền của bà góa này chẳng có gì đáng kể, có hay không có cũng vậy, quan trọng là họ nhìn vào số tiền của những người giàu có kia. Đó mới là số tiền đáng kể.
Thế mà Chúa lại đánh giá ngược lại: Một cách đánh giá khó có ai chấp nhận.
     Nhưng nếu ta chịu khó suy nghĩ một chút, mới thấy sự đánh giá của Chúa thật sâu sắc, vì Chúa đã nhìn tận tấm lòng người dâng cúng.
Chúa muốn tấm lòng con người. Chúa muốn con người dâng cho Ngài trọn vẹn con tim, trọn vẹn tình yêu. Chính trong tình yêu mà bà góa nghèo dù chỉ bỏ vào thùng có hai đồng tiền kẽm, đã được Chúa đánh giá là người dâng cúng nhiều nhất.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con bài học quảng đại và lòng chân thành. Xin đừng để chúng con ích kỷ tính toán khi làm việc cho Chúa, cho anh em. Trái lại, điều Chúa mong muốn nơi chúng con là lòng chân thành. Xin cho chúng con sử dụng những gì Chúa ban cho đẹp ý Chúa, mưu ích cho bản thân và cho anh em chúng con. Amen.

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2020

Giê su, Ngài ở đâu ? Chúa nhật 22/11/2020





Thi hào Tagore trong tập thơ Gitanjali, bài số 50, có kể chuyện một người ăn xin, tình cờ gặp nhà vua đi trên cỗ xe. Anh đầy tràn hy vọng khi cỗ xe dừng lại gần anh, và nhà vua bước xuống. Anh cứ nghĩ nhà vua sẽ cho anh thật nhiều, nhưng ngài lại chìa tay xin anh. Người hành khất biết lấy gì mà cho, anh chỉ dâng ngài một hạt lúa nhỏ xíu. Đến lúc chiều về, khi đổ những thứ trong bị ra, anh thấy một hạt vàng rất nhỏ. Anh khóc vì tiếc mình đã không cho ngài tất cả những gì mình có.

Có khi nào nhà vua giàu có ngửa tay xin một người ăn mày không? Hơn nữa, có khi nào Đức Kitô ẩn mình dưới dạng một người ăn xin không? Trên chuyến xe lửa đi về vùng Darjeeling ở chân núi Hy-mã-lạp-sơn, năm 1946,Chị Têrêsa Calcutta đã nhận được một ơn gọi thứ hai, dù chị đang tu ở dòng Loreto. “Chính trong chuyến xe lửa đó, tôi đã nghe tiếng gọi bỏ tất cảvà theo Ngài vào khu ổ chuột – phục vụ Ngài nơi những người nghèo nhất”. Chị đã viết như thế, và chị còn giải thích thêm: “Thiên Chúa gọi tôi để làm giảm cơn khát của Đức Giêsubằng cách phục vụ Ngài nơi người nghèo nhất trong số các người nghèo.” Chị Têrêsa được ơn gặp Đức Giêsu Kitô đang đói khát, đang ở khu ổ chuột.Chị đã cho Ngài tất cả và chị không bao giờ phải ân hận về chuyện đó.

Chúa nhật 22/11/2020 
Đức Giê su Ki Tô vua vũ trụ
Lời Chúa : Mt 25, 31-46

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Ðức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm.” Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu?” Ðể đáp lại, Ðức Vua sẽ bảo họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” Rồi Ðức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm nom.” Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc là trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?” Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.” Thế là họ sẽ ra đi, bọn này để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính, để hưởng sự sống muôn đời.”

Lời Chúa hôm nay vén mở cho ta thấy một lối hiện diện khác của Đức Giêsu. Ngài không chỉ hiện diện nơi tấm bánh thánh, nơi tâm hồn ta, nơi Giáo hội, mà Ngài còn ở nơi những người đói, khát, khách lạ, trần truồng, đau yếu, ngồi tù. Khuôn mặt của Ngài xem ra chẳng có gì cao quý, uy nghi, sáng láng, nhưng đầy nét đau khổ, nhục nhằn, phiền muộn.Đức Giêsu ở đây không phải là người ban phát đầy quyền năng, mà là người ăn xin yếu đuối ngửa tay cần ta giúp đỡ..
     “Mỗi lần các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (c. 40). Ngài gọi những người khốn cùng trong xã hội là anh em nhỏ nhất của Ngài. Làm cho họ là làm cho chính Ngài, chối từ họ là chối từ chính Ngài. Chúng ta sẽ bị xét xử vào ngày tận thế dựa trên tình yêu. Hôm nay ta có thể gặp Đức Giêsu ở nhà thương, nhà tù, nơi trại tị nạn, nơi gần một tỷ người bị đói trên thế giới, nơi bao người thiếu nước sạch để dùng.Hãy kính trọng trao cho Ngài những gì mình đã chắt chiu.

Lạy Chúa, Chúa đã báo trước số phận của mỗi người chúng con sau khi từ giã cõi đời này là phụ thuộc vào lối sống, cách cư xử của chúng con với Chúa qua anh em. Xin cho mỗi người chúng con ý thức được điều ấy trong Mùa chay này, là một dịp chúng con ăn năn trở về để xin Tình Yêu Thiên Chúa thương xót, tha thứ và biến đổi tâm hồn chúng con. Amen.

Người mẹ tuyệt vời - Thứ bảy 21/11/2020

 




Khổng Tử có một người cháu tên là Khổng Liệt và một người học trò tên là Bật Thứ Thiên, cả hai ra làm quan cùng một thời. Một hôm Khổng Tử hỏi người cháu: Từ khi ra làm quan đến giờ, người đã được điều gì và mất điều gì?
Khổng Liệt trả lời:
Từ khi ra làm quan, tôi chưa được điều gì, mà đã mất ba điều: Không có giờ học vì thế trình độ thấp, lương bổng không đủ để giúp người thân, công việc bề bộn nên không có thời giờ thăm viếng bạn bè.
Nghe thế Khổng Tử rất buồn lòng.
Một ngày nọ, Khổng tử cũng hỏi Bật Thứ Thiên cùng một câu như đã hỏi Khổng Liệt, Bật Thứ Thiên đáp:
Từ khi ra làm quan, tôi chưa mất điều gì, mà đã được ba điều: những điều đã học nay đem ra thực hành, vì thế việc học được rõ ràng thêm. Lương bổng tuy có ít nhưng cũng có thể giúp người thân phần nào, do đó mà thân thiện hơn; công việc tuy nhiều nhưng cũng bớt chút thời gian thăm bạn bè khiến tình bạn càng thân thiết.
Câu trả lời của Bật Thứ Thiên được Khổng Tử khen là chí lý và thực là câu trả lời của người quân tử. (Sưu tầm)

Thứ bảy 21/11/2020
Lễ Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ
Lời Chúa: Mt 12, 46-50

46 Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. 47 Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” 48 Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” 49 Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 50 Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

Đức Giê-su vì sứ mạng loan báo Tin Mừng, đã buộc mình phải rời xa tương quan ruột thịt tự nhiên và hạn hẹp, để gắn bó thiết thân hơn với sứ vụ, và gắn chặt mối tương quan nhân loại bao quát hơn. Có lẽ trong nhận thức của không ít người, khi dấn thân phục vụ cho đồng loại, dường như họ nghĩ là sẽ bị mất mác thua thiệt điều gì đó, nhưng Chúa Giê-su muốn cho mọi người, và nhất là những người môn đệ của Người thấy rằng: họ không mất mà được gấp trăm là “mẹ là anh em” của Chúa. Cũng như kinh nghiệm của Bật Thứ Thiên trong câu chuyện trên, khi tận tình cho công việc chung của triều đình, tương quan của Ông rộng và sâu hơn.

Khi Mẹ Maria liều lĩnh chấp nhận vâng nghe Lời Sứ Thần truyền, và chấp nhận gắn bó với Chúa Giê-su, Mẹ đã từng bước nhận ra Mẹ không chỉ là Mẹ duy nhất của Chúa Giê-su theo huyết nhục, mà Mẹ còn có mối tương quan thân thiết gắn bó đặc biệt với nhóm 12, mà còn quan trọng hơn với gia đình nhân loại. Khi biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa, mỗi người chắc chắn sẽ tăng thêm nhận thức về bản thân là những phần tử trong mối dây liên kết và tương quan trong đức tin, đức cậy và đức mến đối với đồng loại và đối với Thiên Chúa. Không ai trong thế giới này từ cổ chí kim có liên hệ huyết nhục nhân loại với Đức Giêsu; nhưng đã có rất nhiều người và chắc chắn sẽ còn có nhiều người sẽ gắn bó còn hơn ruột thịt và dám sống chết với Người, vì họ biết lắng nghe và thi hành ý muốn của Cha trên trời 

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con làm theo thánh ý Chúa Cha để trở con thành người em của Chúa. Xin giúp con chiêm ngắm mẫu gương vâng phục của Chúa, nỗ lực đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày. Nhờ vậy, con nhận biết thánh ý Chúa Cha và vui vẻ thi hành.

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2020

Nơi cầu nguyện hay nơi bán buôn ? Thứ sáu 20/11/2020

 




Cách đây không lâu, báo chí đưa tin về dự án xây dựng Đền thờ các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sỹ trên khu vực Đồi Cánh Tiên, phường Hàm Rồng, Thanh Hóa. Trên diện tích 15ha, công trình bao gồm Tháp chuông, Đền thờ chính, Nhà bia, Hồ nước bán nguyệt, cổng chính vào Đền, đường giao thông, tường rào bảo vệ, điện chiếu sáng, cấp thoát nước, khuôn viên cây xanh ... với tổng mức kinh phí hơn 160 tỷ đồng.

Đây là công trình văn hóa để tỏ lòng tri ân các anh hùng, liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng.Dự án này xem ra có vẻ đúng đắn, thế nhưng nó đã bị nhiều người phản đối tỏ vẻ bất bình. Công trình ngốn hàng trăm tỉ đồng nhưng trong thực tế cuộc sống còn biết bao người mẹ, người chị bị ngược đãi. Họ phải sống trong hoàn cảnh nghèo đói thiếu thốn, phải lang thang kiếm ăn từng bữa, phải đối mặt với bệnh tật, sự cô đơn không người nương tựa. Thái độ biết ơn có ý nghĩa và thiết thực nhất chính là tấm lòng. Thay vì xây đền đài to lớn nguy nga hoành tráng, hãy dành cho những người mẹ sự quan tâm nâng đỡ.Đừng chỉ xây dựng tượng đài, bia đá...nhưng xây dựng con người với khả năng yêu thương.

Thứ sáu 20/11/2020 - Tuần 33 TN
Lời Chúa : Lc 19, 45 – 48

Khi ấy, Chúa Giêsu vào đền thờ, Người liền xua đuổi các người buôn bán tại đó và phán bảo họ rằng: “Có lời chép rằng: Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp”. Và hàng ngày Người giảng dạy trong đền thờ.Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều nghe Người.

Trong khi người Do Thái chỉ chú trọng đến đền thờ vật chất, còn Chúa muốn nói đến đền thờ trong tâm hồn. Chúa Giêsu không phủ nhận việc xây dựng và gìn giữ đền thờ dành để tôn vinh Thiên Chúa nhưng Người nhấn mạnh phải xây dựng đền thờ tâm hồn trong sạch dành riêng cho Thiên Chúa.Trong đời sống thiêng liêng, thân xác và linh hồn chúng ta cũng là đền thờ, nơi Chúa ngự trị. Ý thức điều đó, chúng ta phải dọn dẹp, giữ gìn sạch tội, hãm dẹp các đam mê xấu, canh phòng ngũ quan, sống tiết độ, luyện nhân đức…Chúng ta đừng biến tâm hồn mình thành nơi chợ búa, bày bán tham sân si, tích chứa thù hận ghen ghét và nhất là tội lỗi. Chỉ khi chúng ta tin và sống mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Chúa chúng ta mới thực sự xây dựng ngôi đền thờ vững chắc.

Lời Chúa hôm nay cũng cảnh tỉnh thái độ sống đạo hình thức của chúng ta. Đôi lúc chúng ta cũng thờ kính Chúa trên môi trên miệng. Chúng ta đến với Chúa với một tâm hồn tham lam ích kỷ, chất chứa trong lòng sự ghen ghét, hận thù. Chúng ta chưa đủ can đảm “dọn dẹp đền thờ tâm hồn mình” bằng các bí tích và ân sủng của Chúa. Chúng ta ưa thích diện trên mình những bộ quần áo hàng hiệu, dùng trang sức xa xỉ đắt tiền nhưng lại để tâm hồn lem nhem, hoen ố bởi danh vọng lạc thú và những đam mê thấp hèn. Chúng ta sẵn sàng bán rẻ lương tâm nhân phẩm để đổi lấy sự nổi tiếng, để được tiếng khen của người đời.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con ý thức trang nghiêm mỗi khi bước vào nhà thờ, ý thức sự hiện diện của Chúa để sốt sắng cử hành phụng vụ thánh. Xin cũng cho chúng con biết quý trọng thân xác và tâm hồn mình là đền thờ của Chúa Ba Ngôi hiển ngự, để chúng con luôn giữ mình trong sạch và biết trang hoàng đền thờ tâm hồn bằng những nhân đức thánh thiện. Amen

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2020

Nhận ra dấu chỉ thời đại - Thứ năm 19/11/2020

 



Thứ năm 19/11/2020 - Tuần 33 TN
Lời Chúa : Lc 19, 41-44

Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem, trông thấy thành thì Người khóc thương thành ấy mà rằng: “Chớ chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi! Nhưng giờ đây, sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì sẽ đến ngày quân thù đắp luỹ bao vây ngươi, xiết chặt ngươi tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi bình địa, ngươi cùng con cái ở trong thành. Chúng sẽ không để lại hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng”.

Chúa Giêsu đã than khóc thành thánh Giêrusalem, bởi với sự cao ngạo, nó từ khước Đấng từ Thiên Chúa mà đến viếng thăm nó. Chúa báo trước tương lai điêu tàn của nó vì chính sự u mê, cao ngạo của nó: “Sẽ tới những ngày quân thù đắp lũy chung quanh bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa người, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm”. 
       Trước lời cảnh tỉnh của Chúa về tương lai đen tối của Giêrusalem, bạn và tôi không khỏi giật mình nghĩ đến thời đại chúng ta ngày nay. Con người trong thời đại ngày nay cũng đang u mê lầm lạc trong những đam mê hưởng thụ vật chất mà dửng dưng với những giá trị thiêng liêng, siêu việt. Không những thế, con người thời đại đang tự vây hãm chính mình trong cái tôi ích kỷ và tự dựng lên cho mình những bức tường của sự ngăn cách với những đố kỵ, hận thù và bạo lực.
       Có lẽ Chúa không chỉ phải than khóc cho thành thánh Giêrusalem ngày xưa, mà Ngài vẫn đang còn phải than khóc cho con người của thời đại chúng ta ngày nay nữa. Bạn và tôi đã và đang làm gì để giúp cho con người thời đại chúng ta nhận biết được cuộc viếng thăm đầy lòng xót thương của Thiên Chúa ngõ hầu có thể tránh được những tai họa ấp đến trong tương lai?

Lạy Chúa, Chúa đã khóc thương Giê-ru-sa-lem trước viễn tượng thành thánh bị hoang tàn đổ nát. Xin cho chúng con cũng biết thương cảm thân phận tội lỗi, yếu hèn của chính mình mà đón nhận ân sủng của Chúa đã trao ban qua các Bí tích, nhờ đó con biết thật lòng ăn năn sám hối và sống theo Tin Mừng của Chúa, để thời gian sống: ngày giờ năm tháng có ý nghĩa hơn trong cuộc viếng thăm của Chúa. Amen

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2020

Cho thêm hay lấy đi ? Thứ tư 18/11/2020




Thứ tư 18/11/2020
Cung hiến Thánh đường Phêrô và Phaolô
Lời Chúa : Lc 19, 11-28

Khi dân chúng đang nghe những điều ấy, thì Đức Giêsu lại kể thêm một dụ ngôn, vì Người đang ở gần Giêrusalem và vì họ tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi. Vậy Người nói: “Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về. Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười nén bạc và nói với họ: “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.” Nhưng đồng bào ông ghét ông, nên họ cử một phái đoàn đến sau ông để nói rằng: “Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng tôi.”“Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về. Bấy giờ ông truyền gọi những đầy tớ ông đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm ăn sinh lợi được bao nhiêu. Người thứ nhất đến trình: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén. Ông bảo người ấy: “Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành. Người thứ hai đến trình: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đã làm lợi được năm nén. Ông cũng bảo người ấy: “Anh cũng vậy, anh hãy cai trị năm thành. Rồi người thứ ba đến trình: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ. Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. Ông nói: “Hỡi đầy tớ tồi tệ! Tôi cứ lời miệng anh mà xử anh. Anh đã biết tôi là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. Thế sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng? Có vậy, khi tôi đến, tôi mới rút ra được cả vốn lẫn lời chứ! Rồi ông bảo những người đứng đó: “Lấy lại nén bạc nó giữ mà đưa cho người đã có mười nén. Họ thưa ông: “Thưa ngài, anh ấy có mười nén rồi!” – "Tôi nói cho các anh hay: phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi. Còn bọn thù địch của tôi kia, những người không muốn tôi làm vua cai trị chúng, thì hãy dẫn chúng lại đây và giết chết trước mặt tôi.”

Cuộc sống của con người luôn phải đối diện với thực trạng: cơm, áo, gạo, tiền... Đây là những thứ cần thiết căn bản trong đời thường. Muốn có cuộc sống ổn định, người ta thường phải kiếm kế để sinh nhai. Có những người không có tiền thì đi làm công. Người có tiền thì đầu tư cách này hay cách khác để kiếm lời...
     Vào thời Đức Giêsu, người ta cũng xử dụng đồng tiền để sinh lời, nhằm đáp ứng nhu cầu căn bản trong đời sống thường nhật. Vì thế, Đức Giêsu đã mượn hành động này để nói đến một cuộc đầu tư khác, đó là cuộc đầu tư đức tin, đầu tư vì Nước Trời...
    Câu chuyện được khởi đi từ việc một người quí tộc nọ trẩy đi phương xa để lãnh nhận vương quyền, ông ta đã gọi các đầy tớ trung tín lại và trao cho họ một số vốn để đầu tư sinh lời. Khi trao như thế, ông chủ rất tin tưởng đầy tớ của mình, và lẽ tất nhiên, người đầy tớ không được nhận rồi sau đó đem cất giấu...
     Hình ảnh này gợi lại cho chúng ta nhớ đến món quà cao quý và vô giá mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Đây là gia tài hay còn gọi là vốn liếng thiêng liêng trong đời sống đức tin của chúng ta. Hồng ân đó, Thiên Chúa hẳn không hề muốn chúng ta giữ lấy cho riêng mình, nhưng được lan tỏa cho mọi người chung quanh qua hình ảnh trao ngọn nến cháy sáng và mời gọi phải chiếu tỏa cho anh chị em chung quanh.
      Như vậy, lãnh nhận ơn Chúa là hồng ân, nhưng hồng ân luôn gắn liền với trách nhiệm. Nói cách khác,“Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Vì thế, Lời Chúa hôn nay mời gọi chúng ta hãy cố gắng sống tốt, đầu tư tích lũy những nghĩa cử yêu thương, tấm lòng bao dung, nhân từ, đại lượng... ,có thế, ánh sáng ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội mới được chiếu tỏa, nếu không, chẳng khác gì đèn sáng nhưng lại đặt dưới gầm giường hay trong thùng.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, Chúa luôn tin tưởng chúng con. Chúa còn trao cho chúng con rất nhiều nén bạc là những tài năng, hoàn cảnh, thời giờ. Chúa muốn chúng con sinh lời cho Chúa. Nhưng Chúa ơi, xin tha thứ cho những thiếu sót của chúng con. Đã bao lần chúng con phung phí tài trí cho những đam mê tội lỗi. Đã bao lần chúng con hoang phí thời gian cho những thú vui mau qua. Đã bao lần chúng con bỏ lỡ cơ hội làm sáng danh Chúa trong địa vị của mình. Xin giúp chúng con biết tự hối bản thân, biết chỉnh đốn lại cách sống, biết dùng cuộc đời cho đúng mục đích là làm sáng danh Chúa.
    Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sinh lời nén bạc Chúa trao để chúng con đáng đươc Chúa thưởng công trong Nước Chúa. Xin giúp chúng con đừng vì lười biếng mà xao nhãng việc Chúa, nhưng luôn biết chu toàn bổn phận làm con Chúa với niềm trung tín sắt son. Amen

Người đi tìm và cứu... Thứ ba 17/11/2020

 



Ngày nay, khi nói về Thomas Edison ai ai cũng biết ông là một nhà phát minh lỗi lạc, một biểu tượng của trí tuệ và thành công. Thế nhưng tuổi thơ của ông lại gắn liền với một chuỗi những thất bại. Các giáo viên trong trường ruồng bỏ và coi Edison là đứa trẻ đần độn “không thể dạy dỗ được”; bản thân ông cũng là đứa trẻ yếu ớt và hay đau ốm, đến mức người ta lo sợ rằng Edison sẽ không thể sống tới tuổi trưởng thành…

Khi tất cả mọi người đều quay lưng với Edison và cho rằng không có triển vọng ở nơi ông, thì vẫn có một người luôn đặt trọn niềm tin vào ông. Đó chính là “người mẹ của Thiên tài” bà Nancy Elliott – người không bao giờ từ bỏ hy vọng vào con trai mình. Chính tình yêu và sự hy sinh vĩ đại ấy đã nâng đỡ và đánh thức tiềm năng trong ông, gieo vào ông những hạt giống của niềm tin để chúng nảy nở, đơm hoa, rồi kết trái tốt đẹp cho đời.

Trước đó, trên dưới 2.000 năm, Đức Giê-su cũng đã trìu mến dõi ánh mắt nhìn lên cây, dịu dàng kêu người quan thuế đang ở trên cành cây cao hãy tuột xuống, ân cần bảo ông hãy đến gần bên Người, và hãy mau đưa Người đến ngụ tại nhà của ông. Đức Giê-su đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của ông. Ông ta chính là Da-kêu – người giàu có bất chính trong ác nghiệp thu thuế.

Thứ ba 17/11/2020 - Tuần 33 TN
Lời Chúa : Lc 19,1-10

Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! “ Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! “ Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

Chúa luôn sàng sàng đón nhận bất kỳ ai trở về với Người. Điều quan trọng là phải tìm gặp Người, đón Người vào nhà, bỏ lại quá khứ và cải hoá đời sống. Câu chuyện Giakêu trong Tin Mừng cho ta thấy rõ điều đó. Như thế, điều kiện đầu tiên để được Chúa đón nhận, trước hết là phải tìm gặp Người, điều kiện thứ hai là phải vượt qua sự mặc cảm của quá khứ, đặc biệt là vượt qua mọi thứ ngăn cản mình đến với Chúa.
      Chúa nhận ra Giakêu và Người đã gọi ông, ông vui mừng, vượt qua mọi mặc cảm, ông đón người vào nhà mở tiệc khoản đãi. Rồi ông đã đứng lên hứa với Chúa sẽ dùng nửa gia tài để phân phát chia sẻ cho người nghèo, và đền trả những gì thiệt hại mà ông đã gây ra cho kẻ khác. Lạ thật, gặp được Chúa, có Chúa đến trong nhà mình, ông Giakêu từ một con người chỉ biết tham lam vơ vét của cải, bây giờ lại biến đổi 180 độ, trở lành con người bác ái yêu thương.
      Như vậy, khi đã gặp được Chúa và đón rước Chúa vào tâm hồn, con người được biến đổi hoàn toàn.

Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn sẵn sàng đón nhận bất kỳ ai trở về với Chúa, xin cho chúng con luôn tìm gặp Ngài và đón Ngài vào tâm hồn, để rồi nhờ ơn Chúa, chúng con bỏ lại quá khứ và cải hoá đời sống hầu xứng đáng trở nên người môn đệ của Chúa. Amen