Thứ Ba, 3 tháng 11, 2020

Chọn gì tốt nhất cho đời tôi ? Thứ bảy 07/11/2020

 

         

Tôi muốn phục vụ ai bây giờ? Thiên Chúa hay Tiền Của? Lúc đầu hẳn nhiên tôi muốn Tiền Của phục vụ tôi. Nhưng sau đó Tiền Của trở thành một vị chúa bắt tôi làm nô lệ. Mamôn (Tiền Của) trong tiếng Do thái cổ có thể có nghĩa là điều mà ta cậy dựa. Khi Tiền Của trở thành chỗ dựa vững chắc và bảo đảm cho tôi, nó sẽ chiếm lấy chỗ của Thiên Chúa. Nếu chúng ta thực sự yêu mến và gắn bó với Thiên Chúa, thế nào chúng ta cũng phải ghét bỏ và khinh dể Tiền Của (c. 13), nghĩa là dứt khoát đặt nó dưới Thiên Chúa.
Thánh Phanxicô Assisi đã trả lại bộ quần áo đang mặc cho người cha. Thánh Inhaxiô Loyola đã đổi bộ đồ quý phái cho một người ăn xin. Bước đường theo Chúa của các bậc thánh nhân thường bắt đầu bằng hành vi từ bỏ mọi vướng víu vật chất. Người thanh niên giàu có cũng được mời bán tất cả để cho kẻ nghèo. Thắng được cám dỗ của vật chất và tiền bạc, là một thách đố lớn cho mọi cá nhân và tập thể, đạo cũng như đời. Chúng ta vẫn có nguy cơ thờ lạy Mamôn, ngẫu tượng của mọi thời đại.

Làm sao để tiền của trở nên đầy tớ của chúng ta, để ta có thể sử dụng nó như đường vào Nước Trời? Bill Gates, người giàu nhất thế giới vào năm 2009 với tài sản 40 tỷ đô. Ông đã nghỉ điều hành công ty Microsoft từ năm ngoái, để cùng vợ dành nhiều thời gian hơn cho việc xây dựng quỹ từ thiện. Quỹ hàng chục tỷ đô này đã giúp người nghèo, bệnh nhân ở khắp nơi, và Bill Gates biết cách làm cho quỹ này lớn thêm mãi. Dù không phải là một Kitô hữu đi lễ mỗi sáng Chúa Nhật, nhưng ông cho ta hình ảnh của một người không quá bám vào của cải.

Kitô hữu không hẳn phải là người khố rách áo ôm, nhưng chắc chắn phải là người siêu thoát với sức hấp dẫn của tiền bạc. Trung tín trong việc rất nhỏ, và trong việc sử dụng của cải của tha nhân, đó là điều Đức Giêsu nhắn nhủ ta khi sống trong nền kinh tế thị trường. Làm sao để Thiên Chúa, chứ không phải Tiền Của, thực sự làm chủ đời ta?

Thứ bảy 07/11/2020 - Tuần 31 TN
Lời Chúa : Lc 16, 9-15

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em? Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được.”Người Pharisêu vốn vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Ðức Giêsu. Người bảo họ: “Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.”

Khi nói về tiền bạc, thì hầu như ai cũng có ít nhiều kinh nghiệm đau đớn và chua xót về nó. Nó bạc như vôi, nhưng khốn nỗi ai cũng muốn có nó, không có nó thì không thể làm gì được. Cái gì cũng cần phải có tiền. Vì thế người ta phải làm mọi cách để có tiền mà không từ bất kỳ thủ đoạn nào, cho dù bẩn thỉu và đê tiện nhất. Khi nói về tiền bạc, Chúa Giêsu luôn kèm theo cụm từ gian dối đi liền sau.
Nó gian chỗ nào?
Thưa: Vì người ta thường dùng mọi thủ đoạn để có nó, không từ bất kỳ thủ đoạn nào. Nếu người ta sống bằng đồng lương chính đáng của mình, bằng mồ hôi nước mắt của mình thật sự, thì đó là những đồng tiền ngay thật, người ta luôn quý trọng nó.
Nó còn gian dối ở chỗ: nay còn mai mất, hôm nay tiền vào tay tôi, ngày mai nó sẽ chuyển vào tay người khác, đồng tiền cứ lưu chuyển như vậy. Có nghĩa tiền bạc không bao giờ trung thành với tôi, nó có thể bỏ rơi tôi bất cứ lúc nào mà không hề thương xót.
      Khi tôi nhắm mắt xuôi tay, tôi phải buông bỏ tất cả để lòng nhẹ nhõm đi về thế giới bên kia. Như vậy, nếu biết dùng tiền của gian dối để mua lấy bằng hữu đó mới là sự khôn ngoan ở đời, mà người quản lý bất lương trong dụ ngôn đã sử dụng.
      Đó là một cuộc cách mạng thật sự về tiền bạc. Dùng tiền bạc như một phương tiện để chia sẻ và sống tình bằng hữu. Tiền bạc tự nó không xấu. Nó có thể tạo ra niềm vui cho người khác, và đó là niềm vui thật sự cho người nào đã góp phần vào niềm vui ấy khi “ban tặng”!

Tâm tình :
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng tấm bánh để dành của con thuộc về người đói, chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi, tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn. Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng, có bao điều con lãng phí bên cạnh những Ladarô túng quẫn, có bao điều con hưởng lợi dựa trên nỗi đau của người khác, có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu. Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công chẳng ở đâu xa. Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con. Con phải chịu trách nhiệm về cảnh nghèo trong xã hội. Lạy Cha chí nhân, vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng. Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt, vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau. Thế giới còn nhiều người đói nghèo là vì chúng con giữ quá điều cần giữ. Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu, nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.

Bài Suy Niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Không có nhận xét nào: