Câu chuyện “Quo vadis” được kể như sau: Phêrô đến Rôma giữa lúc hoàng đế Nêrông đang bắt bớ đạo. Nhiều người đã chịu tử đạo. Tình thế nguy kịch, các tín hữu khuyên Phêrô chạy trốn ra khỏi thành, để còn người duy trì và giữ vững đạo thánh.
Khi ra khỏi cổng, Phêrô gặp Chúa vác thập giá đi vào thành Rôma. Ông lên tiếng hỏi: “Quo vadis”, nghĩa là Ngài đi đâu đó? Chúa trả lời: “Thầy đi vào Rôma để cho người ta đóng đinh một lần nữa”. Ông chợt hiểu và quay lại Rôma. Ông an ủi và giúp đỡ các tín hữu sắp chịu cực hình giữ vững niềm tin.
Sau khi chứng kiến các tín hữu bị làm mồi cho thú dữ ăn thịt, bị hoả thiêu trên một rừng thập giá, thì chính ông cũng bị đóng đinh ngược, đầu quay xuống đất, theo lời ông xin, vì ông nghĩ mình không xứng đáng được đóng đinh như Thầy.
Thứ sáu 09/4/2021
Tuần bát nhật PS
Lời Chúa : Ga 21, 1-14
1 Bấy giờ Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở biển hồ Tibêria, Người tỏ ra như thế này.2 Ông Simon Phêrô, ông Tôma gọi là Điđymô, ông Nathanaen người Cana miền Galilê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. 3 Ông Simon Phêrô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây”, các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả. 4 Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu. 5 Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không”. 6 Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”. Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.7 Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Simon Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. 8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần 100 thước. 9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên và có cả bánh nữa.10 Đức Giêsu bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”.11 Ông Simon Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ.Lưới đầy những cá lớn, đếm được 153 con.Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách.12 Đức Giêsu nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13 Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.14 Đó là lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.
Thánh sử Gioan quả là người quan sát rất tinh tế khi lưu ý đến hai từ “đêm tối” và “trời sáng”. Các môn đệ ra khơi thả lưới trong đêm tối và các ông chẳng làm nên trò trống gì. Phải chăng ở đây “đêm tối” của không gian, thời gian còn hiểu ngầm là “đêm tối” của đức tin, đêm tối của nỗi chán chường thất vọng. Khi ra đi trong nghi ngờ, chán nản thì các ông không thể nhận ra sự hiện diện của Đấng Phục Sinh. Chỉ khi “trời sáng” các ông mới nhận ra những cử chỉ thân thương gần gũi của Thầy Giêsu.
Trong cuộc sống, khi xa nhau người ta thường nhớ về nhau với những kỷ niệm của một thời dấu yêu. Kỷ niệm ấy có thể là những lời nói, chiếc áo, chiếc khăn hay một đồ vật mang tính cá nhân. Với các tông đồ, kỷ niệm còn ghi đậm dấu ấn đó là cử chỉ “bẻ bánh”, cử chỉ của tình thầy trò, tình huynh đệ và của sự sẻ chia. Cử chỉ ấy có sức lay động và biến đổi khiến các tông đồ nhận ra đó là thầy Giêsu.
Nhận ra Đấng Phục Sinh phải là điều dễ đối với các tông và đối với mỗi chúng ta. Bởi tâm trí chúng ta còn đầy những nghi ngờ cố chấp, chúng ta không có những kỷ niệm thân thương với Chúa, còn loay hoay trong “đêm tối” của những hẹp hòi, ích kỷ, nhát đảm và sợ hãi. Chúng ta không chịu “thả lưới bên phải mạn thuyền”, không lắng nghe sự gợi ý của Chúa nên vượt qua được nỗi sợ hãi, nỗi thất vọng cô đơn. Khi chúng ta có sự gắn bó thiết thân với một người bạn, chúng ta dễ dàng nhận ra “tín hiệu” của người ấy. Các tông đồ đã từng ăn uống với Chúa Giêsu, không nhiều thì ít các ông cũng còn nhớ hành động cử chỉ của Thầy. Nhưng có lẽ kỷ niệm ấy chưa đủ sâu đậm, tình yêu chưa đủ độ chín nên phải có cơ hội, có biến cố các ông mới nhận ra Thầy mình.
Hàng ngày, Chúa Giêsu Phục sinh vẫn xuất hiện trong cuộc đời chúng ta qua những cử chỉ yêu thương. Ước gì chúng ta luôn ghi nhớ những kỷ niệm thiết thân với Chúa, luôn khát khao tìm kiếm Ngài như Đấng giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ hãi và chán chường để niềm vui Phục Sinh luôn chiếu sáng cuộc đời chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, bao lần trong cơn gian nan thử thách, con mong ước có Chúa hiện diện bên con để nâng đỡ chở che. Những lúc thất bại hoặc cô đơn giữa đám đông cuộc đời, con mong gặp được Chúa để Chúa hướng dẫn ủi an. Con mong chờ Chúa nhưng không gặp được Chúa. Thật ra Chúa vẫn đến và hiện diện bên con mà con chẳng nhận ra Chúa, nên con vẫn còn sợ hãi, có khi thất vọng chán chường. Chúa như vắng mặt trong cuộc đời con.
Xin cho con luôn biết lắng nghe và can trường phó thác sống theo Lời Chúa, trong lúc gặp may mắn cũng như lúc gian nan trong đêm tối của cuộc đời. Chúa vẫn lên tiếng mời gọi con, hướng dẫn dạy bảo con. Xin đừng để những nỗi đau, những day dứt, những hoang mang, những thất bại làm át đi tiếng nói yêu thương của Chúa. Xin đừng để con vì chạy theo những đam mê hoặc những lôi cuốn của cuộc đời, mà lòng trí trở nên tối tăm không còn nhận ra sự hiện diện của Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét