Sinh trưởng trong một gia đình Do Thái giàu có ở Pháp vào năm 1814, Alphonse Ratisbonne trở nên thành viên trong công ty tài chính lớn của người chú. Lúc đầu, Ratisbonne là một người Do Thái bình thường, nhưng khi người anh gia nhập Công giáo và trở thành linh mục, cơn giận dữ tiềm ẩn nổi dậy trong Ratisbonne.
Ratisbonne viết: “Khi anh tôi trở thành người Công giáo và trở thành linh mục, tôi khủng bố anh ấy bằng những cơn giận dữ liên tục. Chúng tôi hoàn toàn tách biệt; tôi ghét anh ấy lắm, nhưng anh ấy vẫn tha thứ cho tôi”.Hơn nữa, sự ghét bỏ này lây sang cả những người Công giáo khác, Ratisbonne giải thích rằng “điều đó khiến tôi tin rằng người Công giáo cuồng tín, và tôi ghét họ”.Điều này ảnh hưởng niềm tin của Ratisbonne, và Ratisbonne không tin Thiên Chúa. Ratisbonne bận rộn theo đuổi những điều thuộc thế gian để quan ngại về niềm tin Do Thái giáo và ghét cay ghét đắng Công giáo khiến anh ta xa lánh mọi hình thức tôn giáo.
Cuối cùng, Ratisbonne cảm thấy cõi lòng trống vắng, trước tiên anh tìm cách chữa lành qua hôn nhân. Anh đính hôn với một người cháu (con của anh chị em), nhưng vì cô ấy còn nhỏ tuổi nên phải trì hoãn đám cưới. Trong lúc chờ đợi, Ratisbonne quyết định đi du lịch cho khuây khỏa, chứ chẳng có mục đích gì. Anh tới Naples và ở đó khoảng một tháng. Sau đó anh tới Malta, nhưng vì đi sai tàu nên anh tới Rôma. Tại đây, anh tình cờ gặp người bạn cũ.
Một hôm, khi đến thăm người bạn đó, Ratisbonne gặp một người mới gia nhập Công giáo tên là Theodore de Bussieres, người này biết người anh là linh mục của Ratisbonne. Thay vì ghét người này, Ratisbonne lại vui vẻ trò chuyện với người này vì sự hiểu biết của người này. Sau đó, Ratisbonne lại đến thăm Bussieres. Họ bàn luận sôi nổi về đạo Công giáo, và Bussieres đã đặt cược với Ratisbonne.
Bussieres trao cho Ratisbonne một mẫu ảnh Đức Mẹ Ban Ơn (Miraculous Medal) và bảo đeo vào, nói rằng rất có hiệu quả. Bussieres bảo Ratisbonne sáng tối hãy đọc kinh “Hãy Nhớ” (Memorare), đó là lời nguyện của Thánh Bernard de Clairvaux cầu xin với Đức Mẹ.
Mới đầu Ratisbonne nhất định không chịu đeo ảnh Đức Mẹ, nhưng rồi anh đã bằng lòng đeo vào cổ và hằng ngày đọc kinh “Hãy Nhớ”. Anh nghĩ rằng cũng chẳng hại gì, và có ý chứng minh sự lố bịch của Công giáo.
Ratisbonne vẫn giữ đúng theo thỏa thuận, đó là sớm tối đọc kinh “Hãy Nhớ”. Một hôm, anh đến thành phố cùng với Bussieres, họ dừng chân tại Nhà thờ Saint Andrea delle Fratte. Ratisbonne vào nhà thờ thấy có vẻ đầy ánh sáng kỳ lạ. Anh nhìn lên bàn thờ, nơi có ánh sáng phát ra, và anh nhìn thấy Đức Mẹ, hình dáng y như trong ảnh Đức Mẹ Ban Ơn.
Anh đã bật khóc khi ra ngoài nhà thờ, tay nắm chặt anh Đức Mẹ Ban Ơn. Vài ngày sau, anh gia nhập đạo Công giáo. Sau khi trở về Paris, cô gái đính hôn của anh rất ngạc nhiên và quyết từ hôn. Sau đó, Ratisbonne xin vào Dòng Tên và trở thành linh mục.
Câu chuyện trở lại của Lm Alphonse Ratisbonne về sau đã ảnh hưởng Thánh Maximilian Kolbe, thúc giục ngài thành lập “Đạo Binh Đức Mẹ” (Militia Immaculatæ) và tin vào ảnh Đức Mẹ Ban Ơn. Ngài xác tín rằng Đức Mẹ giữ vai trò quan trọng trong việc dẫn đưa nhân loại đến với Đức Kitô.
Thứ sáu 07/8/2020 - Tuần 18 TN
Lời Chúa: Mt 16, 24-28
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình? "Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm. Thật, Thầy bảo các con: trong những kẻ đang đứng đây, có người sẽ không nếm sự chết trước khi xem thấy Con Người đến trong Nước Người".
Từ bỏ, vác thập giá, mất mạng sống và theo Chúa... là những điều kiện cần thiết cho những ai muốn được làm môn đệ của Chúa Giêsu.“Từ bỏ mình” là thái độ chấp nhận thiệt thòi bản thân, từ bỏ những dễ dãi trong đời sống hiện tại, trong thế giới đầy dẫy những cám dỗ, hoặc những vinh hoa phú quý ở đời này để chiếm hữu cho bằng được Chúa Giêsu, là được trở nên người môn đệ đích thực của Ngài.
“Từ bỏ mình” là chấp nhận “mất tất cả” để “được tất cả”, như Chúa đã mời gọi các môn đệ : “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ được sự sống.” “Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?”.
Việc từ bỏ khó nhất đối với chúng ta là từ bỏ ý riêng để vâng theo thánh ý Chúa, sống theo Tin Mừng. Chỉ khi biết từ bỏ ý riêng, chúng ta mới chấp nhận đi theo con đường của Chúa, sống theo Tin Mừng Chúa dạy, sống theo các giới răn của Ngài.
Việc từ bỏ khó khăn đối với chúng ta là từ bỏ những đam mê bất chính, những thú vui xác thịt, những vinh quang trần thế. Sống trong thế giới tục hóa này, ít nhiều chúng ta đã bị chi phối, bị ảnh hưởng, bị lôi kéo. Nếu không biết phân định, không biết phân biệt, không biết chọn lựa đâu là tốt hay xấu, thiện hay ác, lành hoặc dữ… để xa tránh hay phải làm, thì chúng ta sẽ dễ dàng bị lôi kéo theo vòng xoáy của thế gian. Nên nhớ Lời Chúa nhắc nhở : “được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì?”
Lạy Chúa Giê su, xin giúp mỗi người chúng con vượt qua được những khó khăn thử thách trong cuộc sống, để chúng con biết vác thập giá và luôn biết vâng theo Thánh Ý của Ngài để con mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét