Thứ Hai, 17 tháng 12, 2018

Yêu ...bất chấp khiếm khuyết


Kết quả hình ảnh cho pixabay


Giáng sinh năm ấy, cha Lini đang hoàn tất những chuẩn bị cuối cùng để cử hành thánh lễ trong một bầu khí trang trọng, thì bỗng mọi người trong nhà thờ đều xôn xao. Ngẩng đầu lên, cha nhìn thấy một người phong cùi, mặt mũi xần xùi. Hai cánh tay bị cụt. Vết thương ở chân tuôn máu làm thành một vệt dài trên nền gạch bông. Toàn thân bốc ra mùi hôi thối.

Tất cả đều kinh hoàng. Còn cha thì bối rối. Một đàng không thể bắt đầu thánh lễ khi người phong cùi còn đứng đó. Đàng khác, cha cũng không thể đuổi anh ta, bởi lẽ nhà thờ là nhà của Chúa, cha chung của mọi người, không trừ một ai. Càng là bất hạnh thì lại càng đáng được ở lại để đón mừng Chúa giáng sinh.
Người phong cùi dừng lại trước bàn thờ với thái độ van xin. Thế rồi cha nói với anh:
- Bạn hãy ở lại với chúng tôi và chúng ta sẽ làm thành một gia đình duy nhất. Các vết lở loét nơi tâm hồn còn thối tha hơn những vết lở lóet nơi thân xác gấp bội. Tất cả chúng ta đều là anh em với nhau. Và dưới một góc cạnh nào đó, tất cả chúng ta đều là những người phong cùi về đời sống thiêng liêng trước mặt Chúa.
Sự việc này đã đánh động cha để rồi sau lễ giáng sinh năm ấy, cha đã dồn mọi nỗ lực để chăm sóc cho những người đáng thương này.
Từ câu chuyện trên chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng sáng hôm nay và đưa ra câu hỏi:
- Nếu Thiên Chúa là tình yêu thì tại sao lại xảy ra biết bao nhiêu tội ác và bất hạnh trên thế giới?
Và như thánh Phaolô đã diễn tả:
- Đối với nhiều người, thập giá đã trở nên dấu chỉ của sự điên khùng và dại dột. Thế nhưng Thiên Chúa lại dùng chính sự điên khùng và dại dột này để cứu chuộc chúng ta.

Thứ hai 17/12/2018 - Tuần III MV
Lời Chúa : Mt 1,1-17

(1) Ðây là gia phả Chúa Giêsu Kitô, con cháu vua Ða-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham: (2) Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này; (3) Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram; (4) A-ram sinh Am-mi-na-đáp; ông Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xam-môn; (5) Xam-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê; (6) Gie-sê sinh Ða-vít. Vua Ða-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn; (7) Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa; (8) A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia; (9) Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia; (10) Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia; (11) Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon. (12) Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven; (13) Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do; (14) A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút; (15) Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp; (16) Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Chúa Giêsu cũng gọi là Ðấng Ki-tô. (17) Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Ða-vít, là mười bốn đời; từ vua Ða-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Chúa Kitô, cũng là mười bốn đời.

Qua lịch sử đức tin của “dân Thiên Chúa”, chúng ta nhận biết “Thiên Chúa đã nhập thể trong Đức Kitô” bất chấp những khiếm khuyết, những tội lỗi của nhân loại. Đồng thời, cũng chính tại đây một lần nữa chúng ta xác tín cách mạnh mẽ rằng: Thiên Chúa có thể nhìn đến và sử dụng chúng ta, mà không gì có thể cưỡng lại được ý định của Ngài, dù đó là quá khứ đen tối hay sự bất toàn của chúng ta. Bởi vì trong Đức Kitô, Thiên Chúa sẽ biến đổi những gì hèn hạ để trở nên cao trọng, những gì xấu xa được thanh tẩy, những gì vô nghĩa mặc lấy một giá trị, và những gì trần tục sẽ được thần linh hóa.

Lạy Chúa Giê su, xin cho con đọc ra thánh ý Chúa trong lịch sử cuộc đời con, để con biết cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ, để con bắt tay vào việc viết nên trang sử đời mình, hầu mỗi ngày chúng con làm rạng danh Chúa hơn. Amen.

Không có nhận xét nào: