Đừng để sau này rồi mới trải nghiệm
"Tôi vừa mới đọc được ở đâu đó bảo rằng cuộc đời là một cuốn sách, và ai không du lịch sẽ chỉ đọc được 1 trang. Vậy thì có lẽ cuộc đời của chị mới chỉ có 1 trang rồi… Tốt nghiệp với tấm bằng giỏi và vừa mới kiếm được 1 công việc ổn định, tôi sẽ chẳng có gì tiếc nuối quãng đời sinh viên ngoại trừ những chuyến du lịch hay cuộc vui chưa bao giờ thành hiện thực. Hồi sinh viên, có thời gian và bạn bè thì không đi vì sợ và ngại, để qua 4 năm nhìn lại, trải nghiệm thời sinh viên của mình ngoài ăn học, làm thêm thì chắc là một trang giấy trắng tinh tươm…
Tính tôi thì hay ngại, ngại nắng ngại nóng, ngại khói bụi ngại mệt mỏi, ngại tốn kém, nói chung là cũng ngại đủ thứ. Học xong ở trường là về nhà, hiếm khi đi chơi tối, mà tôi cũng ít khi đi chơi lắm. Mấy khu hot hot giới trẻ hay đi thì tôi chẳng bao giờ biết cả, hàng quán café hay chỗ ăn uống nào đó chị mù tịt. Tôi ở Hà Nội hơn 22 năm rồi mà còn chẳng thuộc đường bằng mấy đứa bạn trọ ở đây. Rượu bia chẳng dám thử, bar pub cũng chưa bao giờ dám mó chân vào, dù tôi biết là chúng chẳng hề xấu. Tôi ở với bố mẹ, nhà có 1 cô con gái nên bị quản lý rất kỹ, muốn đi đâu cũng phải xin phép từ trước mấy ngày, mà lần nào xin là cũng bị bố mẹ "ca" 1 bài rằng ngoài kia nguy hiểm lắm con ơi, bị bắt cóc bán sang TQ, tai nạn giao thông, đường lở, tàu chìm… lâu dần nghe nhiều chị cũng đâm ra nản và … sợ luôn, không dám đi đâu xa cả. Hồi đó tôi tự nhủ bao giờ ra trường, nhiều tiền hơn và không bị quản lý nữa thì mình đi cũng không muộn.
Bây giờ đi làm đã rủng rỉnh hơn, bố mẹ không quản lý kỹ như hồi xưa nữa thì tôi lại chẳng có thời gian. Bình thường 6,7h tối mới xong việc, mà hôm nhiều việc thì 8,9h mới về nhà là chuyện bình thường. Được 2 ngày nghỉ cuối tuần, tôi chỉ muốn nghỉ ở nhà chứ chẳng muốn đi đâu nữa cả. Thế nên bây giờ muốn đi đâu xa xa 4,5 ngày tôi cũng chịu. Với cả cũng không còn ai để đi cùng: bạn bè ĐH mỗi đứa một nơi, bọn thân cũng bận công việc riêng, bạn đồng nghiệp thì chỉ ở mức xã giao vừa phải. Nghĩ đến cảnh mấy năm nữa lấy chồng rồi vướng bận gia đình, con cái, sự nghiệp, tôi lại tiếc nuối quãng thời gian sinh viên, có cơ hội được thảnh thơi chơi bời, dù ít tiền dù khổ 1 tí nhưng được đi cùng bạn bè thì chắc cũng vui lắm. Nếu như hồi ấy dám gạt hết nỗi lo sợ, ngại ngần thì có phải mình đã có bao nhiêu trải nghiệm và kỷ niệm đáng nhớ rồi không!!!"
Qua câu chuyện trên đây, ta đã thấy có rất nhiều bạn trẻ nuối tiếc hối hận vì đã chủ quan không nghĩ đến tương lai nên bỏ phí thời gian. Đó cũng là người mà Chúa gọi là vô dụng vì không biết sinh lợi những nén bạc. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây :
Chúa nhật 18/2/2018 - Tuần I Mùa chay
Phúc Âm: Mt 25, 14-30
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: "Có một người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông. Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tuỳ theo khả năng của mỗi người, đoạn ông ra đi.
"Người lãnh năm nén bạc, ra đi và dùng tiền ấy buôn bán làm lợi được năm nén khác. Người lãnh hai nén cũng đi làm lợi được hai nén khác. Còn người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn giấu tiền của chủ mình.
"Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ ấy trở về và đòi họ tính sổ. Vậy người lãnh năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng: "Thưa ông, ông trao cho tôi năm nén bạc, đây tôi làm lợi được năm nén khác". Ông chủ bảo người ấy rằng: "Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi". Người đã lãnh hai nén bạc cũng đến và nói: "Thưa ông, ông đã trao cho tôi hai nén bạc; đây tôi đã làm lợi được hai nén khác". Ông chủ bảo người ấy rằng: "Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi".
"Còn người lãnh một nén bạc đến và nói: "Thưa ông, tôi biết ông là người keo kiệt, gặt nơi không gieo và thu nơi ông không phát: nên tôi khiếp sợ (mà) đi chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Ðây của ông, xin trả lại cho ông". Ông chủ trả lời người ấy rằng: "Hỡi đầy tớ hư thân và biếng nhác, người đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát: vậy lẽ ra người phải giao bạc của ta cho người đổi tiền, và khi ta trở về, ta sẽ thu cả vốn lẫn lời. Bởi thế, các ngươi hãy lấy nén bạc lại mà trao cho người có mười nén. Vì người có sẽ cho thêm và sẽ được dư dật, còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng, các ngươi hãy ném nó ra ngoài vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng".
Suy niệm :
Người quản lý trung thành không chỉ biết cất giữ tài sản của chủ, mà còn biết sinh lợi nó theo ý chủ mình. Trung thành lúc này có nghĩa là khôn ngoan, tháo vát. Chúa đòi hỏi những phẩm tính ấy khi ban cho con người những ơn huệ khác nhau trong đời sống cá nhân và xã hội. Ơn huệ ấy Chúa lại không ban một lần thay tất cả, nhưng từ ơn huệ này, ta trung thành sinh lợi sẽ đưa ta đến những ơn huệ khác liên hệ. Vấn đề không phải là chuyện được giao nhiều hay ít “yến bạc,” mà là tấm lòng yêu mến và trung thành của mỗi người đối với Thiên Chúa, và với tấm lòng ấy, mỗi người sẽ sinh lợi cho Ngài như thế nào. Phần thưởng chủ dành cho tôi tớ trung tín ấy là được Chúa tín nhiệm và giao phó nhiều tài sản lớn hơn trong Nước Chúa.
Chúng ta sẽ không so đo, phân bì mình ít hơn người, người nhiều hơn mình. Vấn đề là ở chỗ mi sinh lợi thế nào với số “yến bạc” được giao, để cho thấy tấm lòng trung tín bạn với Chúa, cũng như để về sau Ngài sẽ giao cho bạn nhiều hơn. Ở đây không có chỗ cho sự ghen tỵ, vì ghen tỵ sẽ không cho phép bạn phát huy năng lực, nhưng bóp nghẹt năng lực ấy của bạn, và làm cản bước tiến của tha nhân.
Tâm tình :
Lạy Chúa Giê su, xin cho con biết đón nhận những nén bạc mà Chúa tặng ban, để con không còn buồn rầu than van, trách móc, nhưng biết sinh lợi tùy theo số bạc mà mình đã lãnh nhận. Amen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét