Thứ Ba, 6 tháng 2, 2018

Nhỏ mọn



Hình ảnh có liên quan

Tâm sự của bác sĩ 2 lần liên tiếp bị chỉ mặt chửi vô đạo đức
"Bởi các cậu đâu có trong hoàn cảnh của họ, đưa người nhà đi cấp cứu rồi nhìn họ mất bao giờ đâu? Còn trẻ mà sống không có cái tâm, cái đức thì chỉ vứt đi thôi cậu ạ!"...


Bệnh nhân nữ, 60 tuổi, chỉ có tiền sử tăng huyết áp đang điều trị thuốc hàng ngày. Nhập viện vì khò khè, khó thở. Lúc nhập viện, bác thở nhanh nông, có co kéo cơ hô hấp phụ, spO2 91%, phổi đầy ran rít, ran ngáy, ECG có ST chênh xuống ở V1, V2, V4, không có hình ảnh dày thất hay block nhánh.

Mình cho thuốc và làm xét nghiệm.
Đang ngồi viết dở hồ sơ, chồng bệnh nhân mở cửa xông vào giới thiệu, nói rằng quen bác sĩ này bác sĩ kia, quen cả giám đốc sở y tế rồi trưởng ban phó ban này kia, rồi mới ôn tồn hỏi:
- Vợ tôi bị bệnh gì thưa bác sĩ? Tình trạng của bà ấy thế nào?
Mình cũng rất ôn tồn:
- Hiện con đang theo dõi một cơn hen phế quản cấp tính trên một bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, không có hen trước đó. Lúc cô nhập viện thì có khó thở, phổi nghe nhiều ran không tốt, trên điện tâm đồ đang có hình ảnh thiếu máu cơ tim. X quang tim phổi con vừa nhận thì chưa ghi nhận gì bất thường. Giờ con đang chờ kết quả xét nghiệm máu đầy đủ để kết luận chẩn đoán. Tình trạng của cô khả năng là sẽ nhập viện theo dõi và điều trị tiếp ạ.
Mình vừa dứt lời, chú đập bàn mạnh một cái, chỉ tay vào mặt mình:
- Tôi nói cho anh biết, đừng bao giờ chưa có đầy đủ xét nghiệm trong tay mà dám nói là bệnh nhân mắc bệnh này bệnh kia! Bằng chứng đâu mà anh nói vợ tôi có hen phế quản? Rồi gì mà phải nhập viện? Anh làm bác sĩ mà vô tâm, vô đức vậy à? Anh có biết anh nói như vậy sẽ khiến người nhà bệnh nhân vô cùng lo lắng không?
Mình vẫn từ tốn:
- Chú không cần chỉ tay vậy đâu ạ! Con có giải thích rõ ràng và nói rất rõ rằng tình trạng của cô đang theo dõi cơn hen phế quản, và có khả năng chứ không nói là phải nhập viện! Con cũng nói cần chờ đủ xét nghiệm mới kết luận chứ không hề khẳng định điều gì! Chú không nên bẻ câu chữ của con một cách sai lệch như vậy!
Chú vẫn giận dữ:
- Có khả năng hay bắt buộc thì anh cũng không được nói với người nhà bệnh nhân như vậy! Chỉ khi nào có đầy đủ kết quả xét nghiệm anh mới được kết luận là có cần nhập viện hay không chứ?
Tại sao lại có kiểu bác sĩ đi gây hoang mang cho người nhà bệnh nhân khi mà chưa dám khẳng định gì? Theo dõi là theo dõi cái gì? Một là có bệnh! Đọc tên bệnh ra! Hai là không! Còn trả lời lấp lửng theo dõi cái gì? Theo dõi đến khi người ta chết à?

Mình bắt đầu thấy không thể tiếp tục đôi co với ông chú này nên mời chú ra ngoài để tiếp tục làm việc. Ông chú vẫn kênh kiệu:
- Tôi sẽ gọi điện trực tiếp cho đường dây nóng của bộ y tế! Bác sĩ vô tâm! Vô đạo đức!
Mình vẫn nhẹ nhàng:
- Trong phòng cấp cứu không được làm ồn chú ơi! Chú ra ngoài gọi điện cho con! Bảng số điện thoại đường dây nóng từ cấp viện cho đến cấp bộ có đầy đủ ngoài đó ạ!

Ông mặt đỏ gắt, tức tốc đi ra. Chị hộ lý vào nói nhỏ với mình ông ý gọi điện thật, mà không biết gọi đi đâu hay cho ai. Mình cười khì.
Lúc sau, có đầy đủ kết quả, mình gọi chú vào giải thích tình trạng của cô đúng là cần nhập viện. Chú lúc này có vẻ đã bớt nóng sau khi gọi điện xả được cục tức với ai đó. Bắt đầu ôn tồn lại với mình:
- Cậu còn trẻ nên thiếu kỹ năng giao tiếp, thiếu kinh nghiệm, thiếu nhiều thứ lắm! Tôi nói thật bác sĩ ở cái đất Sài Gòn này tôi có lạ mặt ai đâu, ông nào chức to, chức nhỏ tôi quen biết hết.
          Nhưng tôi nói vậy không phải để doạ cậu! Chỉ muốn cậu biết mà cẩn trọng hơn trong lời nói. Hai mươi năm trước tôi từng mất đi một đứa con chỉ vì sự tắc trách của bác sĩ, cũng chẩn đoán theo dõi rồi cũng chưa cho làm xét nghiệm đủ đã kết luận vội vàng để cuối cùng con tôi phải ra đi.
            Chú nói đến đây ngưng lại một lúc để cố ngăn không rơi nước mắt dù cái mũi đỏ cả lên rồi.- Nên nói năng trả lời với người khác thì cẩn thận hơn không làm tổn thương một người là vô tâm lắm cậu ạ! Bác sĩ các cậu chỉ cái gì cũng chuyên môn chuyên môn rồi đem ra giải thích với người ta như một cái máy, không hề quan tâm họ nghĩ gì, cảm thấy ra sao.
Bởi các cậu đâu có trong hoàn cảnh của họ, đưa người nhà đi cấp cứu rồi nhìn họ mất bao giờ đâu? Còn trẻ mà sống không có cái tâm, cái đức thì chỉ vứt đi thôi cậu ạ!
Mình nghe xong lễ phép trả lời: "Dạ vâng! Con hiểu rồi, cảm ơn chú!". Sống mũi cũng cay cay khi nghe chú kể.
            Trong đầu mình khi ấy nhớ lại hình ảnh ngày xưa lúc chạy vào khoa cấp cứu để đưa bố về nhà, những gì bác sĩ giải thích với mình khi ấy rõ ràng mình cũng biết là họ đã không làm hết trách nhiệm, bố mình cũng được nằm theo dõi, với một mớ chẩn đoán nhập nhằng không ăn nhập và dùng thuốc thì sai tùm lum, để rồi lúc bố vào cơn đau ngực thì mọi sự đã muộn rồi.
             Nhưng mình cũng không kể ra với chú những chuyện ấy. Mình tự thấy cái gì đã qua rồi cũng không còn đủ sức khơi gợi trong mình những đau đớn của hận thù. Có lẽ chú còn ôm nỗi đau nhiều nên chú mới phản ứng thái quá như vậy. Chỉ là chú không hề biết rằng những gì chú đang nói cũng rất có thể, vô tình, lại gây tổn thương cho người khác.


Thứ ba 06/02/2018 - Tuần 5 TN
Lời Chúa : Mc 7, 1 - 13

   1 Khi ấy, có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến.2 Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. 3 Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân : họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận ; 4 thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn ; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. 5Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su : “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa ?” 6 Người trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng : Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. 7 Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. 8 Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.” 9 Người còn nói : “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa, để nắm giữ truyền thống của các ông. 10 Quả thế, ông Mô-sê đã dạy rằng : ‘Ngươi hãy thờ cha kính mẹ’ và ‘kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử !’ 11 Còn các ông, các ông lại bảo : ‘Người nào nói với cha với mẹ rằng : những gì con có để giúp cha mẹ đều là ‘co-ban’ nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa’ rồi, 12 và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. 13Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa !”

Ngày hôm nay, người Kitô hữu cũng đang bị cám dỗ tôn thờ Thiên Chúa cách hình thức, giả tạo còn lòng trí thì ở xa Ngài; bị cám dỗ bằng lòng với việc giữ đạo cách tối thiểu chỉ để lương tâm yên ổn… Do đó, lời khiển trách của tiên tri Isaia năm xưa: "Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta" (Mc 7,6; x. Is 29,13) vẫn còn giá trị. Đức Giêsu mời gọi ta tôn thờ Thiên Chúa cách chân thực, tận đáy lòng. Sự thờ phượng đích thực đòi buộc ta chọn giáo huấn của Đức Kitô làm kim chỉ nam hướng dẫn cuộc sống mình. Dù nhiều khi, việc chọn lựa này đòi hỏi bản thân phải chịu hy sinh và lội ngược dòng. Nhưng khi nỗ lực yêu mến và sống Lời Chúa, ta đang trở nên người môn đệ chân chính của Ngài. Đồng thời, ta cần đón tiếp Chúa Giêsu vào trong cuộc đời mình. Ngài sẽ thanh tẩy cõi lòng, tâm tư và tình cảm của chúng ta nên thánh thiện, tinh tuyền, xứng đáng thờ phượng Thiên Chúa 


 Lạy Chúa Giêsu yêu mến, xin đến với con . Xin cho con thấy mức độ giả hình trong con, xin cho con biết con đang viện lẽ phàm nhân để thay thế ý Chúa ra sao. Xin cho con khiêm cung nhận lỗi và sẵn sàng cho Chúa giúp con sửa lỗi. Ngõ hầu con thực sự thảnh thơi khi đến với Chúa và trở nên sứ giả bình an khi đến với anh chị em con. Amen.

Không có nhận xét nào: