Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

Trái tim biết thương xót


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Mc 15,29-37

Hơn 15 năm, nhiều người đã không còn xa lạ với hình ảnh của một người phụ nữ có dáng người nhỏ bé, gương mặt hiền từ cứ ngày ngày, đúng 9 giờ sáng và 15 giờ chiều lại mang hàng ngàn suất cơm từ thiện đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để phát cho người nhà bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn. Cũng từ lâu, bà được xem như là người mẹ đặc biệt của những bệnh nhi tại đây.
Hi sinh hạnh phúc bản thân
       Người phụ nữ chúng tôi muốn nhắc đến ở đây là bà Võ Tuyết Anh (57 tuổi), hiện đang quản lý hai bếp ăn từ thiện và hai phòng chẩn trị y học cổ truyền ở hai cở sở Hóc Môn và Củ Chi thuộc Chi hội từ thiện Nhơn Hòa (TP.HCM).
       Chúng tôi đến gặp bà vào một buổi chiều đầu tháng 8 tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Người phụ nữ với dáng người gầy và gương mặt phúc hậu này đã ra đến tận cổng bệnh viện và niềm nở đón chúng tôi vào.
        Mời chúng tôi vào phòng “đại diện” cho bếp ăn từ thiện Nhơn Hòa ở một góc sân của Bệnh viện Nhi đồng 2, bà Anh cho biết, nơi đây là nơi để bà làm việc và cũng là nơi nghỉ trưa hằng ngày. Làm nốt cho xong phần việc đang dang dở bà vừa tiếp chuyện với chúng tôi. Bà cho biết, đang tranh thủ lúc mọi người nghỉ trưa để ghi chép danh sách mạnh thường quân đóng góp cho bếp ăn trong tuần này. Trầm ngâm một lúc, bà Võ Tuyết Anh cho biết: “Trong giấy tờ tôi tên Võ Tuyết Anh, nhưng đã 15 năm nay, mọi người đều gọi tôi là dì Tư Hằng. Đó là cái tên tôi được mọi người gọi từ khi làm từ thiện”.Sinh ra ở Cần Thơ – một tỉnh Miền Tây sông nước, trong một gia đình có 10 anh chị em, năm 18 tuổi, bà Tuyết Anh vào học tại trường Cao đẳng Sư Phạm An Giang. Sau khi học xong, bà được phân công về một trường cấp hai ở Châu Đốc để giảng dạy với bộ môn Văn.
      Chính những năm tháng sống trong môi trường sư phạm đã tác động mạnh mẽ đến bà. Bà Võ Tuyết Anh tâm sự: “Những năm đứng lớp càng khiến tôi cảm thấy thấm thía hơn và yêu thương lũ học trò nhiều hơn. Tôi bắt đầu làm từ thiện từ việc vận động tiền mua quần áo sách vở cho học trò.
     Rồi do cơ duyên, đến năm 40 tuổi, tôi đặt chân đến mảnh đất Sài Gòn làm từ thiện và gắn bó với bếp ăn ở Bệnh viện Nhi đồng 2 từ đó đến nay đã được hơn 15 năm. Từ đó tôi cứ quyết định ở như vậy, không lập gia đình. Bởi vì tôi xem những anh chị em ở bếp ăn và những đứa trẻ là gia đình của mình”.Những lúc rảnh rỗi, bà Anh thường ngồi tâm sự, trò chuyện với những bệnh nhi trong bệnh viện. Những người con đặc biệt ấy rất mến bà, cứ quấn quýt mãi.Trong suốt buổi trò chuyện, mỗi khi vô tình nhắc đến chuyện gia đình, mắt bà Ánh ươn ướt, như có một nỗi niềm sâu thẳm mà chưa kịp tỏ bày.
        Lên thành phố sống và làm từ thiện, không họ hàng, không người thân bên cạnh, mỗi lúc trái gió, trở trời, bà cũng chỉ biết nhờ các anh chị trong chi hội Nhơn Hòa hay bà con hàng xóm chăm sóc. Nhiều lúc, bà Tuyết Anh còn làm việc quên cả thời gian lo cho bản thân. “Tôi cũng đã quen với cuộc sống độc thân rồi, lấy tiếng cười của những đứa trẻ trong này làm niềm vui. Mỗi ngày, tôi chỉ biết mình phải cố gắng làm sao nấu được những bữa ăn ngon và chất lượng cho mấy đứa nhỏ ăn mà có sức để chống lại bệnh tật. Thấy tụi nó đã gầy gò, xanh xao, mà còn phải chóng chọi với những cơn đau quằn quại từng giờ, từng phút mà tôi xót lắm”, Bà Tuyết Anh nhìn xa xăm chia sẻ.

Thứ tư 04/12/2019 - Tuần 1 MV
Lời Chúa : Mt 15,29-37

Đức Giêsu xuống khỏi miền ấy, đến ven Biển Hồ Ga-li-lê. Người lên núi và ngồi ở đó. Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ít-ra-en. Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường.” Các môn đệ thưa: “Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no? ” Đức Giêsu hỏi: “Anh em có mấy chiếc bánh? ” Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ.” Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được bảy thúng đầy.

Thánh sử Matthêu phác hoạ cho chúng ta một khung cảnh thật sinh động và giàu nhân văn. Ở đó, có những đám rất đông dân chúng đến cùng Chúa Giêsu, mang theo bao khổ đau đè nặng trên thân xác và lắm ưu tư phiền muộn chất chứa trong tâm hồn. Với ánh mắt yêu thương cùng trái tim nhạy cảm, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương và chữa lành họ. Ngài còn tinh tế nhận ra những nhu cầu rất nhỏ của họ. Trái với Chúa Giêsu, thái độ các môn đệ dường như chẳng muốn can dự vào : “Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no ?” (Mt 15,33). Lời giải thích xem ra thật hợp lý : điều kiện khó khăn, công việc lớn lao, khả năng thì có hạn. Thế nhưng, Chúa lại muốn các ông hãy cho đi với những giới hạn đó, với chính những gì ít ỏi các ông đang sở hữu : “Anh em có mấy chiếc bánh ?” (Mt 15,34a). Bởi với Chúa, yêu là trao ban tất cả, đến tận cùng, không phải từ sự dư thừa, nhưng từ chính những thiếu thốn, giới hạn của mình. Khi sống cho nhau với trái tim đong đầy tình yêu, người ta sẽ dễ dàng đồng cảm trước những nỗi đau và nhu cầu của nhau.

Trước những mảnh đời bất hạnh, nhiều lúc chúng ta thưa lên : “Lạy Chúa! Nào con có gì để sẻ chia ?”. Nhưng thật ra, trong tình yêu, người ta luôn có cách để chia sẻ : Một ánh mắt cảm thông, một đôi tai lắng nghe, một lời nói ủi an, một bàn tay đỡ nâng, một quả tim biết chạnh lòng thương, quá đủ để thực hiện những điều Chúa muốn. Hai đồng tiền kẽm của bà goá nghèo có là gì nhưng đủ để thành của lễ đáng kể trước mắt Chúa (x. Mc 12,43). Một chén nước lã có là bao nhưng cho đi như món quà dâng Chúa sẽ đem lại phần thưởng vĩnh cửu (x. Mc 9,41). Khi tình yêu thôi thúc, người ta sẽ biết mình phải làm gì. Yêu thương thật sự, trao ban chân tình, khởi đi từ những điều thật nhỏ bé rồi phép lạ lớn lao sẽ xảy ra do quyền năng vô biên của Chúa.

Lạy Chúa Giê su, trong tâm tình của mùa Vọng, xin cho con biết tỉnh thức trước bao nỗi thống khổ của nhân loại, tỉnh thức trước những nhu cầu thiết thực của anh em hầu cuộc sống con là bằng chứng sống động về tình yêu Chúa, một tình yêu trao ban đến tận cùng, như chính lời nguyện của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng : “Lạy Chúa, Chúa ban cho con những gì, con xin trao lại cho anh chị em con tất cả”. Amen.

Không có nhận xét nào: