Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

Nhìn vào điểm tốt



Kết quả hình ảnh cho nhìn vào điểm tốt của một người




Bị học sinh cười nhạo vì làm toán sai, thầy giáo nói một câu khiến các em rưng rưng nước mắt
Một ngày nọ, người giáo viên đã viết lên bảng những dòng chữ với nội dung như sau:

9×1=7
9×2=18
9×3=27
9×4=36
9×5=45
9×6=54
Sau khi viết xong người giáo viên nhìn xuống học sinh phía dưới, cả lớp bắt đầu phá ra cười. Khi giáo viên hỏi vì sao các em lại cười? Một học sinh đã chỉ rằng phép tính đầu tiên của thầy đã sai.
Vị thầy giáo rất từ tốn đáp lại: “Thầy đã cố tình viết sai dòng đầu tiên là bởi vì muốn chỉ cho các em một điều vô cùng quan trọng. Đây chính là cách thế giới sẽ đối xử với các em…”
Học sinh bắt đầu ngừng cười và lắng nghe chăm chú hơn. Thầy giáo lại nói tiếp:
“Các em có thể thấy thầy viết 5 phép tính kia đều đúng phải không? Nhưng các em chỉ nhìn thấy lỗi sai trong khi tất cả còn lại đều đúng cả ...”
Nói đến đây, người thầy giáo ngừng lại và bắt đầu quan sát những gương mặt thơ ngây phía dưới đang chăm chú hướng con mắt về mình, ông nhẹ nhàng nói tiếp:
“Các em đều cười và chỉ trích người khác vì duy nhất một sai lầm mà họ chẳng may mắc phải và quên mất rằng vẫn còn rất nhiều việc tốt đẹp họ đã làm trong đời...”
“Hãy nhớ thế giới sẽ không bao giờ đánh giá cao những điều tốt mà chúng ta làm được, nhưng nó sẽ đẩy chúng ta xuống chỉ vì một lỗi lầm ta không may phạm phải.”
“Vì vậy, cho dù trong tương lai các em gặp phải sóng gió trong đời, hãy cố gắng vượt qua những lời chỉ trích và sống mạnh mẽ hơn. Khi các em gặp một người, hãy cố gắng nhìn vào điểm tốt của họ, đừng mãi nhìn vào điểm xấu mà đánh giá và đưa ra nhận định. Chỉ khi học được cách tha thứ, bao dung và yêu thương người khác, các em mới thật sự có được hạnh phúc niềm vui trong đời.”

Nhìn ra những điều tốt nơi một người nào đó không phải ai cũng có thể làm được, vì điều xấu nơi người khác dễ "đập" vào mắt ta, làm ta "ngứa mắt". Khi chọn bạn, người ta có mấy khi chọn bạn xấu đâu ? Chí ít cũng chọn bạn đỡ xấu, ít tật xấu hơn... Câu chuyện trên đây đã nói lên điều đó và lời khuyên của Thầy giáo là một bài học cho Bạn và cho tôi. Phải có lòng quảng đại, bao dung, đừng chỉ dừng lại những điểm xấu nơi người nào, vì bản thân ta cũng đầy khuyết điểm, đầy yếu đuối. Chúa Giê su biết rõ Phê rô là kẻ sẽ chối mình sau này, nhưng Chúa đã đích thân chọn gọi ông làm môn đệ thân tín, hơn nữa Ngài còn trao cho Ông trọng trách quan trọng. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau đây :

Thứ tư 22/2/2017
Lập tông tòa Thánh Phê rô
Lời Chúa: Mt 16, 13-19

Khi Ðức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai?" Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ". Ðức Giêsu lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Simon Phêrô thưa: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Ðức Giêsu nói với ông: "Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy".


Suy niệm :
Phêrô được gọi khi ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con. Phaolô được gọi khi ông hung hăng tiến vào Ðamát. Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Ngài. Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp. Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang. Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng. Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã. Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô, trong một phút giây quá tự tin vào sức mình. Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng. Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai. Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới. Phêrô và Phaolô đều yêu Ðức Giêsu cách nồng nhiệt, vì họ cảm nhận sâu xa mình được Ngài yêu. "Này anh Simon, anh có mến Thầy không? Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." (Ga 21,16) Cả Phaolô cũng yêu Ðấng ông chưa hề chung sống, vì Ngài là "Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi." (Gl 2, 20) Phaolô đã không ngần ngại khẳng định: Không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Ðức Kitô (x. Rm 8, 35.39)

Tình yêu Ðức Kitô là linh hồn của đời truyền giáo, vì nói cho cùng truyền giáo chính là giúp người khác nhận ra và yêu mến Ðấng đã yêu tôi và yêu cả nhân loại. Cả hai vị tông đồ đều hăng say rao giảng, bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau. Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40) Còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28). "Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Ðức Giêsu" (Gl 6, 1-7) Cả hai vị đã chết như Thầy. Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18). Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, và đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6). Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám theo và dám yêu dám sống và dám chết cho Ðức Kitô và Tin Mừng. Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá.


Lạy Chúa, chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon, một người đánh cá ít học và đã lập gia đình, để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội. Chúa xây dựng Giáo Hội trên một tảng đá mong manh, để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con theo Chúa, sống cho Chúa, đặt Chúa lên trên mọi sự: gia đình, sự nghiệp, người yêu. Chúng con chẳng thể nào từ chối viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn, đến những nơi bất ngờ, vì Chúa cần chúng con ở đó. Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon, bỏ mái nhà êm ấm để lên đường, hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.

Không có nhận xét nào: