Thứ Tư, 1 tháng 2, 2017

Coi thường người đồng hương


Kết quả hình ảnh cho tin mừng Mc 6,1-6


Một câu chuyện từ thuở nhỏ tôi đã đọc, nhưng nay, mỗi lần nhớ lại, vẫn cảm thấy thấm thía. Câu chuyện như thế này:
Có một ông giáo nọ bị cho về hưu non. Vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, ông phụ vợ buôn bán để có thêm thu nhập. Mỗi sáng, ông thức dậy sớm giúp vợ dọn hàng bán bún riêu ở chợ làng. Công việc tuy không nặng nhưng thu nhập cũng chẳng bao nhiêu, chỉ vừa đủ trang trải qua ngày. Vì thương vợ con, ông muốn tìm việc làm thêm, nhưng sức khỏe yếu nên không xin được việc. Đêm đêm, ông ngồi bên chiếc đèn dầu, “cắn bút và vắt óc” nghĩ ra những câu thuộc loại “lời hay ý đẹp”. Sau đó, ông viết ra giấy, cẩn thận gửi chúng đến một tờ báo. Ông không đề tên tác giả, chỉ ghi vỏn vẹn hai chữ sưu tầm, kèm theo địa chỉ người gửi là ông.
Ban biên tập của tờ báo ấy rất tâm đắc với những câu có ý tưởng hay mà ông “sưu tầm” được, nên họ mau mắn cho đăng tải lên báo. Độc giả bốn phương đón đọc, hoan nghênh và ủng hộ hết mình. Nhờ trương mục “lời hay ý đẹp” này, người đặt mua báo ngày càng nhiều, tờ báo bán chạy như tôm tươi. Tòa soạn trả nhuận bút cho công “sưu tầm” của ông khá hậu và yêu cầu ông gửi bài “sưu tầm” nhiều hơn nữa. Vậy là ông vừa có thêm thu nhập, vừa có cơ hội thư giãn nhờ vốn sống ở đời và kiến thức tích lũy được qua nhiều năm dạy học.
Nhưng một hôm, người ta phát hiện ra rằng ông không phải là người có công “sưu tầm” những “lời hay ý đẹp”, mà ông chính là tác giả của chúng, nên họ vô cùng phẫn nộ - Ông, một giáo viên bị cho về hưu non, một người đang thất nghiệp và nghèo mạc rệp; một người chạy bàn của hàng bún riêu chợ làng, chính xác là một người đang “ăn bám vợ” - Ông làm sao có đủ tư cách làm thầy thiên hạ với những lời hay ý đẹp? Thế là họ mỉa mai, châm chọc và chửi rủa ông. Họ phản ứng lên cả tòa soạn và đồng loạt tẩy chay tờ báo ấy. Từ đó, độc giả khắp nơi không còn được hưởng nếm được những lời hay ý đẹp, được viết ra từ chính tư tưởng thâm thúy của ông!
Bạn thân mến,
Trong cuộc sống, đồng cảm với một người đã là khó, càng khó hơn khi phải chọn lấy một người thầy tư tưởng cho mình, khi mà điều kiện kinh tế và thân thế của người thầy ấy không có gì trỗi vượt. Đây chính là rào cản rất lớn mà ngày xưa Chúa Giêsu đã đụng phải khi Ngài trở về Na-gia-rét trong tư cách là một Ráp-bi. Đây cũng chính là rào cản rất lớn mà dân làng Na-gia-rét đã vấp phải khi đón tiếp người đồng hương của họ là Chúa Giêsu trong tư cách Thầy dạy của họ. Chúng ta hãy nhìn lại rào cản này:
Thứ nhất là rào cản kinh tế: Xét về phương diện kinh tế, Chúa Giêsu không phải là người xuất thân từ một gia đình giàu có. Ngược lại, Ngài xuất thân từ một gia đình vừa đủ ăn hàng ngày với nghề thợ mộc của thánh Giuse; và hiện tại, gia đình ngài vẫn đang thuộc dạng nghèo. Trong khi đó, theo sự thường, người ta vẫn hay dễ tin vào lời nói của những người lắm tiền nhiều của, dù là những lời ba hoa khoát lác, ít có ai tin vào lời nói của một người đang lo chưa xong cho cái miệng ăn của chính mình!
Thứ hai là rào cản thân thế: Xét về phương diện thân thế, Chúa Giêsu không phải là người xuất thân từ tầng lớp trí thức, uyên thâm về Kinh Thánh và Sách Luật. Anh em giòng họ của Ngài không có ai là thầy Ráp-bi để đỡ đầu. Riêng bản thân Ngài, suốt mấy mươi năm, Ngài chỉ là một anh thợ mộc bình dân. Bỏ quê ra đi một thời gian, rồi hôm nay, Ngài bỗng dưng hồi hương, vào giảng dạy trong hội đường như một thầy Ráp-bi. Ai có thể tin vào một vị thầy với “bản sơ yếu lý lịch” quá bình thường như thế?
Với hai rào cản về kinh tế và thân thế vừa nêu, dân làng Na-gia-rét ngày xưa không dễ gì vượt qua, không dễ gì nhận ra Chúa Giêsu chính là Đấng Messia, được Thiên Chúa sai đến để loan báo ơn cứu độ và chính Ngài sẽ cứu độ con người. Chúng ta không trách họ, vì nếu nằm trong hoàn cảnh của họ, có lẽ chúng ta cũng sẽ đối xử lạnh nhạt với Chúa Giêsu giống như họ thôi. Chúng ta chỉ lấy làm tiếc cho họ! Tiếc chọ họ vì lẽ ra họ đã đón nhận được ân sủng cứu độ của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu, nhưng họ đã bỏ lỡ cơ hội quí báu này.
Chuyện ngày xưa xảy ra tại Na-gia-rét là vậy, nhưng đây không phải là câu chuyện “cổ tích”, mà vẫn là câu chuyện rất thời sự, đang xảy ra ngay trong hiện tại: Nó xảy ra mỗi khi chúng ta không chịu đón nhận những lời hay ý đẹp của anh chị em mình, giống như người ta không đón nhận những lời hay ý đẹp của ông thầy giáo trong câu chuyện đã nêu lên ban đầu. Nó xảy ra mỗi khi chúng ta coi thường sự chỉ bảo của những người được Chúa cắt đặt để hướng dẫn chăm sóc mình (con cái không vâng lời ông bà cha mẹ, trẻ em không nghe lời người lớn, em không tôn trọng anh chị, học sinh hỗn láo với thầy cô, con chiên bỏ ngoài tai những lời giảng dạy của các vị chủ chiên nhân danh Chúa mà đến với họ,…).
Tóm lại, câu chuyện ở Na-gia-rét ngày xưa vẫn là câu chuyện của chúng ta hôm nay. Xin Chúa giúp cho chúng ta đủ khiêm tốn để nhận ra Chúa đang hiện diện bên cạnh mình, nơi những người mình gặp gỡ tiếp xúc hàng ngày, trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội. Nhờ đó, chúng ta sẽ đón nhận được nhiều ân sủng của Chúa ban, hầu thăng tiến trong đời sống tự nhiên và nhất là trong đời sống siêu nhiên. Amen.
Tác giả bài viết: Lưu Ly Thảo

Mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau đây để hiểu rõ hơn về sự khinh miệt người đồng hương:
Thứ tư 01/02/2017
Mc 6,1-6
1 Đức Giêsu ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. 2 Đến ngày Sabát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: "Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? 3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?" Và họ vấp ngã vì Người. 4 Đức Giêsu bảo họ: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi." 5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. 6 Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.


Suy niệm:
Mỗi người đều có quê hương xứ sở. Nơi “chôn nhau cắt rốn” ấy là chỗ mà mọi người đều cảm thấy bình an hạnh phúc khi họ được sống gần gũi, gắn bó với những người thân yêu, quen thuộc. Nhắc đến quê hương, nơi sâu thẳm cõi lòng của người xa xứ đã dấy lên một niềm thương cảm sâu lắng nhớ nhung. Nhưng cũng tại quê hương, vì biết rõ “tông tích” của nhau, người ta dễ có những thành kiến hoặc định kiến về nhau và đó như là một dấu ấn khắc sâu trong trí họ. Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Maccô sẽ làm nổi bật mối tương quan của Ngài với bà con thân thuộc tại chính quê quán của Ngài – làng Nagiarét...


Trong xã hội ngày nay hoặc ngay trong cộng đoàn giáo xứ, chúng ta thường “gán” cho người khác những gì mà chúng ta đã “nghĩ” về họ, nhất là những lỗi lầm quá khứ, những hành vi bất chính từ bao đời. Chúng ta “ dán nhãn” cho họ và nghĩ rằng “khó thay đổi hoặc khi chứng kiến sự thay đổi của họ, chúng ta lại cho rằng : đó là do một tác nhân nào đó... để trục lợi. Định kiến này xuất phát từ sự ghen tỵ, óc hẹp hòi dựa vào những yếu tố, nhân loại như : nghề nghiệp, gia cảnh... Những yếu tố này bày ra trước mắt chúng ta mỗi khi chúng ta nói đến hoặc đánh giá người đó vì thậm chí chúng ta còn xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của họ.

Chúa Giêsu đã nói gì về định kiến này ? Ngài nói : “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc và trong gia đình mình mà thôi Vì ông bà ta có câu “quen quá hóa nhàm, hoặc gần chùa gọi bụt bằng anh”. Những người thân thuộc lại trở thành những kẻ thù nghịch, gièm pha, hạ giá, xúc phạm nhau.

Dù Chúa Giêsu đã cảnh báo dân làng về điều đó, nhưng họ vẫn không từ bỏ được thành kiến ấy. Thành kiến lúc này đã trở thành hàng rào chắn, trở thành bức tường ngăn cản và bóp nghẹt niềm tin của họ (c.6).

Dù biết những thành kiến của họ, nhưng Chúa Giêsu vẫn ngạc nhiên vì họ không tin. Sự cứng lòng, chai đá khiến họ thích ở lì trong cái cũ, trong tội lỗi hơn là vươn ra đón lấy ánh sáng cứu độ. Và ơn cứu độ không thể đến với họ, nếu họ không mở lòng đón nhận : “Chúa Giêsu không thể làm được phép lạ nào tại đó, chỉ đặt tay chữa lành một vài bệnh nhân” (c.5). Ở đây, chúng ta có thể xem như cuộc loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu bị thất bại, thất bại ngay tại quê hương của Ngài.




Tâm tình :
Lạy Chúa Giêsu, những định kiến về nhau đã ngăn cản con đến với Chúa và đến với nhau. Xin dạy con biết khiêm tốn mở lòng đón nhận ơn Chúa, để Chúa biến đổi tấm lòng ích kỷ hẹp hòi của con cho con biết đón nhận nhau với tất cả những gì Chúa muốn con làm “là” như con là những người đang thi hành ý Chúa mà thôi. Amen

Không có nhận xét nào: