Thứ Tư, 4 tháng 3, 2020

Xin biến đổi con


Kết quả hình ảnh cho Chúa tỏ hiện vinh quang


Có một hoàng tử kia đẹp trai lại văn võ song toàn. Nhất là luôn khiêm tốn hòa nhã, nên rất được vua cha và bá quan trong triều nể phục. Hoàng tử chỉ có một khuyết điểm duy nhất là cái tật gù lưng từ lúc mới sinh. Chính vì mang dị tật ấy mà chàng bị mặc cảm tự ti và không dám xuất hiện trước công chúng. Triều đình có cái lệ này là tạc tượng các nhân vật trong hoàng tộc khi họ được 20 tuổi. Bức tượng ấy sẽ được trưng bày tại viện bảo tàng quốc gia cho thần dân chiêm ngưỡng. Năm đó, hoàng tử vừa tròn 20 tuổi. Dù không muốn cho người ta tạc tượng, nhưng không dám trái lệnh vua cha, chàng chỉ yêu cầu hai điều và được vua cha chấp thuận: Một là bức tượng của chàng phải được tạc trong tư thế đứng thẳng chứ không bị gù lưng. Hai là bao lâu chàng còn sống thì chỉ được đặt bức tượng ấy tại phòng riêng của chàng.

Từ khi có bức tượng trong phòng, mỗi ngày hoàng tử đều đến trước tượng ngắm nhìn hình ảnh của mình. Chàng rất thích dáng vẻ hiên ngang của bức tượng, và cố bắt chước tư thế của bức tượng. Sau một thời gian, mọi người đều ngạc nhiên nhận thấy hoàng tử đã được biến đổi không còn bị gù lưng như trước nữa. Trái lại chàng có dáng vẻ hiên ngang oai vệ giống hệt bức tượng trong phòng của chàng. Sau khi sửa được cái tật gù lưng, hoàng tử đã đồng ý cho trưng bày bức tượng của mình tại viện bảo tàng quốc gia cho thần dân mặc sức chiêm ngưỡng.

Trong Mùa Chay này, chúng ta cần tìm ra mối tội đầu là thói xấu quan trọng đang mắc phải và quyết tâm làm các việc cụ thể thuộc nhân đức đối lập để khắc phục thói hư.

Chúa nhật 08/03/2020 - Tuần 2 MC
Lời Chúa : Mt 17,1-9.

(1) Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. (2) Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. (3) Và kìa các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người. (4) Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay ! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều. Ngài một cái, ông Mô-sê một cái, và ông Ê-li-a một cái”. (5) Ông còn đang nói, thì kìa có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và kìa có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”. (6) Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. (7) Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Trỗi dậy đi, đừng sợ!”. (8) Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi. Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy”.

Sự biến hình của Chúa Giêsu trên núi Tabor xác quyết điều đó. Giáo lý công giáo tuyên xưng: Chúa Giêsu là người thật, có nghĩa Chúa Giêsu cũng mang lấy thân xác bụi tro của đời sống nhân sinh, và thân xác đó đã biến đổi chói ngời của Đấng thần linh. Sự Hiển Dung này đã chỉ cho chúng ta nhận ra “tính thần linh” nơi thân xác của chúng ta, để chúng ta làm một cuộc trở về. Trở về với bản chất đích thật của con người. 

Cuộc trở về nầy không là một cuộc cách mạng đòi quyền làm Chúa. Con người mãi muôn đời vẫn là con người, có nghĩa là mãi là thụ tạo của Thiên Chúa. Con người được mang lấy bản chất thần linh không do yếu tính của mình, nhưng do Tình yêu của Thiên Chúa. Bởi yêu thương, Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh của Thiên Chúa, con người được dự phần vào ánh sáng của trí tuệ Thiên Chúa, để nhờ đó con người khám phá và yêu mến những gì là chân là thiện (x. GS số 15). Bởi vậy lời mời gọi trở về không gì hơn là kêu gọi con người ý thức sự hiện hữu của mình để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Do đó trở về với bản chất thần linh của mình chính là thực hiện một cuộc gặp gỡ với Đấng, nhờ đó mà mình được hiện hữu. Đấng đó chính là Chúa Giêsu, thật vậy nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Chính khi gặp gỡ với Chúa Giêsu, chúng ta thực sự sẽ được Người biến đổi, vì Người như thế nào chúng ta sẽ trở nên giống như vậy.
Sự Hiển Dung của Chúa Giêsu trên núi Tabor là dấu chỉ của niềm hy vọng và cũng là lời mời gọi chúng ta bước vào cuộc hành trình trở về với chính mình, một thụ tạo được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, và được trao ban cho sự sống thần linh. Sự trở về nầy được thực hiện trong từng giây phút của cuộc sống thường nhật bằng một thái độ đáp trả chân thành trước lời mời gọi của Đấng yêu thương, và như thế cuộc trở về chính là “biến đổi từng ngày phàm nhân thành ngày ân sủng” (Karl Rahner), biến những đau khổ thành niềm hoan lạc vinh quang, biến những khước từ thành sự chiến thắng khải hoàn, biến những mất mát vì tình yêu Chúa thành kho tàng bất diệt và như tthế chúng ta đang thực sự biến đổi dung mạo của thân phận bụi tro thành dung mạo chói ngời vinh quang Chúa.

Lạy Chúa Giê su, xin biến đổi con, xin biến đổi cuộc đời con từng bước qua lời cầu nguyện:
Xin biến đổi cái nhìn của con mỗi lần con chiêm ngắm khuôn mặt dịu hiền của Chúa và nghe lời Chúa phán dạy: “Anh em hãy mang lấy ách của Tôi, và hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11,29).
Xin biến đổi môi miệng con mỗi lần con được hạnh phúc đón rước Chúa vào lòng.
Xin biến đổi tai con mỗi lần con nghe Lời Chúa trong Sách Thánh tại nhà thờ hay tư gia.
Xin làm cho khuôn mặt của con rạng ngời hơn mỗi lần con được gặp gỡ Chúa.
Ước gì mọi người thấy nét mặt tươi tắn của Chúa trong nụ cười của con, thấy sự dịu dàng của Chúa trong lời ăn tiếng nói và cách ứng xử của con với tha nhân chung quanh.

Không có nhận xét nào: