Tinh thần cầu nguyện và phục vụ của bà Carolyn Woo
§ Hồng Thủy
Nhiều buổi sáng, Carolyn Woo, một phụ nữ 62 tuổi, đi vào ngôi nhà nguyện tương đối vắng lặng tại trụ sở chính của cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa kỳ ở Baltimore và khi thành phố nhộn nhịp đó bắt đầu một ngày sống, bà tìm một chỗ đặc biệt thinh lặng trong ngôi nhà nguyện an bình ấy, nơi bà có thể chìm đắm trong kinh nguyện. Ở đó bà đọc các bài đọc sách Thánh hàng ngày. Bà ngồi đó với Mẹ Maria. Ở đó bà cầu nguyện và rồi bắt đầu một ngày mới. Cầu nguyện là điều bà Woo cần cho công việc bà đang làm.
Bà Carolyn Woo - AP
Từ 4 năm nay, Carolyn Woo là giám đốc điều hành của cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa kỳ, một trong những tổ chức bác ái lớn nhất nước. Khi bắt đầu ngày làm việc, nghĩa là bà phải tham dự nhiều cuộc họp, tiếp nhiều khách thăm viếng, phải đi lại nhiều nơi, và rồi những thách đố, niềm vui, nỗi buồn, những điều mà bà không bao giờ nghĩ là sẽ gặp thấy ở cơ quan nhân đạo quốc tế của cộng đồng Công giáo Hoa kỳ. Cuối năm 2016 này, bà sẽ kết thúc nhiệm kỳ, lúc ấy bà có thể dành thời gian cho các lớp học, các bài học piano, khiêu vũ, cắm hoa và học tiếng Tây ban nha để có thể cùng hát trong Thánh lễ. Người ta nói với bà, khi nghỉ hưu rồi bà sẽ cảm thấy buồn chán, nhưng bà đang nôn nóng chờ ngày đó. Bà nghĩ đến thời gian hưu trí không phải là kết thúc, là rút lui nhưng là đốt nóng lại, là bắt đầu lại những gì đã kết thúc. Bà xem nó là một trong những phần tốt đẹp nhất của cuộc sống sắp sửa bắt đầu của bà. Bà nói: “Cuộc đời của tôi luôn có một chuỗi những chức danh chuyên nghiệp như giáo sư, giám đốc, khoa trưởng, vv., bây giờ tôi đang từ bỏ những chức danh đó để dành thời gian và sức lực cho những vai trò quan trọng nhất của tôi, đó là vai trò người mẹ, người vợ, người chị, người dì, người bạn và nữ tỳ của Chúa.” Tuy vậy, bà Woo vẫn sẽ phục vụ trong một số công việc như tiếp tục viết báo cho hãng thông tấn Hoa kỳ.
Hiện tại bà Woo đang bận rộn xem lại 5 năm đã qua của bà, nhìn lại các thử thách, thành công nhưng cũng là cơ hội điều hành cơ quan cứu trợ và phát triển của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ ở hải ngoại. Bà đã chứng kiến hoạt động của các đồng nghiệp ở hơn 100 quốc gia, những đất nước nơi mà cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa kỳ phục vụ cho những người nghèo nhất và những cộng đoàn bị thiệt thòi nhất trên trái đất này. Như một giám đốc điều hành, bà Woo nhắm làm cho cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa kỳ trở thành một tổ chức hoạt động hiệu quả hơn, một tổ chức phát triển khả năng lãnh đạo từ nội bộ, một tổ chức xem xét các lợi ích dài hạn cũng như ngắn hạn cho những ai họ phục vụ và một tổ chức nhắm thông truyền căn tính Công giáo cho thế giới. Bà chia sẻ: “Điều quan trọng nhất đối với tôi chính là trình bày về Giáo hội cách thật tốt và chúng tôi hiểu vinh dự có thể phục vụ những người mà Thiên Chúa gửi đến với chúng tôi, những người chúng tôi phục vụ. Điều này cũng có nghĩa là phải có đủ nguồn lực để giảm bớt nghèo đói, ứng phó với thiên tai ngày càng gia tăng, như bão lụt ở Haiti hay tình trạng di dân khắp nơi trên thế giới. Bà nhận định: “Tầm vĩ mô của các vấn đề vượt quá nguồn lực trên thế giới, nhưng nó không vượt quá sự khéo léo sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề của chúng ta nếu chúng ta cùng nhau hành động.”
Bà Woo nhận thức rằng “sứ vụ của Cơ quan Cứu trợ Công giáo đến từ Tin Mừng, trong đó Chúa Giêsu đã sai chúng ta ra đi phục vụ, đặc biệt là nâng dậy những ai không có sức mạnh quyền lực, những ai không có của cải, những ai bị gạt ra ngoài lề xã hội.” Bà muốn tiếp tục sứ vụ này nhưng theo một con đường khác, đó là con đường bà luôn chú tâm đến với hồi ức về những hình ảnh thoáng qua của những người bà đã gặp trong thời gian làm việc tại cơ quan này; hình ảnh của các gia đình như gia đình bà – bán mọi thứ họ có để giúp một người con trốn thoát đến một nơi có tương lai an toàn hay tốt đẹp hơn; hình ảnh của một thanh niên nhắc bà nhớ đến một trong hai đứa con của bà đang sống với những mảnh đạn ghim trong thân thể. Bà hy vọng các đồng nghiệp của bà sẽ không sợ hãi để chu toàn trách nhiệm, bởi vì chúng ta làm tất cả những điều này để phục vụ nhân loại và Thiên Chúa. Và nếu chúng ta tín thác vào Thiên Chúa, Người sẽ đưa chúng ta đi. (CNS 27/10/2016)
Hồng Thủy
Câu chuyện trên đây nói lên lòng thương người của Bà Woo, Bà đã cầu nguyện hằng ngày trước khi đi phục vụ người nghèo, người vô gia cư. Bà đã theo gương Chúa, bày tỏ lòng xót thương đó qua việc từ thiện như Chúa đã thương các bệnh nhân và chữa lành họ. Ngài đã chạnh lòng thương và cứu chữa họ khỏi bệnh hoạn và thoát khỏi vực thẳm của cái chết. Mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau đây :
Thứ ba 31/01/2017
Lễ Thánh Gioan Bosco
Mc 5,21-43
25 Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, 26 bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. 27 Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người. 28 Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.” 29 Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. 30 Ngay lúc đó, Đức Giê-su thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?” 31 Các môn đệ thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: “Ai đã sờ vào tôi?”” 32 Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó.33 Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. 34 Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”
35 Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” 36 Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” 37 Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an. 38 Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. 39 Người bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” 40 Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm. 41 Người cầm lấy tay nó và nói: “Ta-li-tha kum”, nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” 42 Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ. 43 Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.
Suy niệm :
Hai người hưởng phép lạ hôm nay đều được đụng chạm đến Chúa.
Người đàn bà bị bệnh băng huyết lén lút sờ vào gấu áo Người. Vừa đụng chạm vào áo Người, lập tức bà thấy có biến chuyển: bệnh tật bao năm hành hạ bà, làm cho bà tốn biết bao công sức tiền của chạy chữa tưởng như vô vọng, nay bỗng tiêu tan trong phút chốc.
Em bé không đụng chạm đến Chúa vì em đã chết. Nhưng chính Chúa đụng chạm đến em. Chúa cầm tay dắt em chỗi dậy. Cuộc tiếp xúc với Chúa đã gây nên những biến đổi mãnh liệt nơi thân xác. Căn bệnh bị xua trừ. Thân xác khỏe mạnh lại. Người phụ nữ được sinh hoạt bình thường với xã hội. Thần chết bị trục xuất. Sự sống trở lại. Em bé được giải thoát khỏi thế giới tử thần, trở về với thế giới sự sống.
Nhưng những biến đổi trong tâm hồn còn mãnh liệt hơn. Khi Đức Giêsu gọi người phụ nữ đến để khen ngợi và khích lệ chị, tâm hồn chị hẳn phải rộn ràng hạnh phúc. Với thái độ khoan dung nhân hậu, Đức Giêsu đã biến đổi sâu xa tâm hồn chị. Từ mặc cảm là người ô uế, bị xã hội khai trừ, chị thấy mình được đối xử một cách trân trọng. Từ thân phận một người lén lút như kẻ ăn trộm phép lạ, chị trở thành người được Đức Giêsu công khai khen ngợi. Từ một người xa lạ, chị trở thành người thân thiết của Đức Giêsu. Chắc chắn, chị sẽ chẳng bao giờ quên được những lời nói và thái độ của Đức Giêsu. Những lời nói, những thái độ ấy đã đem lại cho chị niềm tin, niềm bình an và lòng tự tín. Còn em bé, khi trở lại sự sống, người đầu tiên mà em nhìn thấy là Đức Giêsu. Hơi ấm đầu tiên em cảm nhận được từ bàn tay Người đã làm em thấy yên tâm. Ánh mắt hiền từ của Người cho em niềm tin yêu phó thác. Và thái độ của Người thật như một người cha hiền. Việc đầu tiên Người bảo mọi người là cho em bé ăn. Thật là một sự quan tâm ân cần. Ơn lớn nhất Người ban là trả lại sự sống cho em bé. Em đã được cứu thoát khỏi bàn tay tử thần. Nhưng chính ánh mắt, cử chỉ và lời nói đầy tình yêu thương đã ghi khắc trong tâm hồn em bé một hình ảnh rất đẹp và rất sâu đậm về Người. Trọn đời em sẽ ghi nhớ mãi hình ảnh Người. Trọn đời em sẽ biết ơn Người. Trọn đời em sẽ sống xứng đáng với tình yêu thương mà em đã cảm nhận được.
Người phụ nữ và em bé đã được Đức Giêsu thương yêu vì họ đã có những phẩm chất đáng quí.
Phẩm chất thứ nhất mà họ có, đó là đức tin mạnh mẽ. Ông trưởng hội đường tin tưởng mãnh liệt nên đã đến tìm Đức Giêsu. Hội đường Do Thái vốn không ủng hộ Đức Giêsu, trái lại còn chống đối và tìm cách giết Người. Thế mà ông trưởng hội đường này vẫn đến cầu cứu Người, chứng tỏ lòng tin của ông mãnh liệt biết bao. Chính Đức Giêsu đã bảo ông: “Chỉ cần tin thôi!”. Còn người phụ nữ tuy sợ hãi không dám nói với Người, nhưng với lòng tin tưởng mãnh liệt đã sờ vào gấu áo Người. Đức Giêsu đã khen ngợi đức tin của họ: “Lòng tin của con đã chữa con”. Đức tin mãnh liệt như thế đã xứng đáng được Chúa thưởng công.
Phẩm chất thứ hai mà họ có, đó là đức khiêm nhường thẳm sâu. Sự khiêm nhường được biểu lộ không những qua sự nhận biết thân phận thiếu thốn, bất lực của bản thân, mà còn diễn tả qua thái độ bên ngoài. “Vừa thấy Đức Giêsu, ông sụp lạy dưới chân Người”. Sau khi bị phát giác, người phụ nữ cũng đến phủ phục dưới chân Người và tỏ bày tất cả mọi sự. Chính thái độ khiêm nhường ấy đã được Chúa thương.
Tâm tình :
Lạy Chúa Giê su, hằng ngày có nhiều lần con đã đụng chạm đến Chúa hoặc Chúa đụng chạm đến con. Con đụng chạm đến Chúa trong khi đọc Sách Thánh. Con đụng chạm đến Chúa khi ta rước Mình Thánh Chúa. Con đụng chạm tới Chúa khi ta lãnh nhận các bí tích. Con đụng chạm đến Chúa khi ta tiếp xúc với tha nhân, đặc biệt những anh em bệnh tật, nghèo túng, bị bỏ rơi... Nhưng những đụng chạm ấy dường như chẳng để lại dấu ấn nào trong con.Vì khi rước Mình Thánh Chúa. con đã đụng đến Chúa cách hời hợt, máy móc, theo thói quen, thiếu lòng tin, thiếu tình yêu, nên đời sống con chưa biến đổi. Hôm nay, gương ông trưởng hội đường và người phụ nữ bị bệnh băng huyết, đến với Chúa bằng một đức tin mãnh liệt và bằng sự khiêm nhường thẳm sâu cho con một bài học. Với đức tin và sự khiêm nhường, con sẽ cảm nghiệm được Chúa. Chỉ cần một lần nếm cảm được tình yêu Chúa, được thấy ánh mắt nhân từ của Chúa, được lắng nghe những lời êm dịu, khích lệ của Chúa, con sẽ chẳng còn muốn làm gì khác hơn là đền đáp tình yêu thương của Chúa.
Lạy Chúa, xin hãy ban cho con một đức tin mạnh mẽ và một lòng khiêm nhường thẳm sâu. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét