Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Sẽ được gấp trăm nếu...



Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Mt 10, 37-42


Một nghĩa cử tuyệt đẹp

Một hôm, hòang đế Napoléon của Pháp vào một nhà hàng nọ. Đi theo hòang đế chỉ có một vị sĩ quan tùy viên. Vì không muốn cho ai nhận ra mình là hòang đế, nên Napoléon và viên sĩ quan cận vệ cải trang ăn mặc như thường dân.
Sau khi đã ăn uống xong, bà chủ nhà hàng đến tính tiền. Tổng cộng số tiền phải trả là 14 quan. Viên sĩ quan cận vệ mở chiếc cặp xách tay để lấy tiền. Bỗng mặt ông tái mét đi vì trong cặp không có đồng tiền nào cả.

Thấy thế, Napoléon hiểu ý nói nhỏ với viên sĩ quan : “Đừng lo, để tôi trả cho”. Nói rồi ông móc túi lấy tiền. Nhưng sờ túi trên, túi dưới, túi trước, túi sau, ông không thấy có đồng tiền nào cả. Napoléon nhìn viên sĩ quan nhướng mắt, nhún vai.
Trước tình thế đó, viên sĩ quan nói với bà chủ :
– Thật là rủi ro cho chúng tôi, chúng tôi quên không đem tiền theo. Xin bà vui lòng cho tôi thiếu một tiếng đồng hồ nữa, tôi sẽ trở lại thanh tóan với bà được không ?
Bà chủ nhất định không chịu và dọa rằng nếu hai người không chịu trả tiền ngay, thì bà sẽ gọi cảnh sát.
Một anh bồi bàn theo dõi công việc từ đầu cảm thông với hai người khách nên nói với bà chủ :
– Quên đem tiền trong túi, đó là điều thường xẩy ra. Vì thế, xin bà đừng gọi cảnh sát làm gì ! Theo tôi thì hai ông đây là người rất thật thà, không có ý lường gạt đâu.
Nghe anh bồi bàn nói, bà chủ vẫn không chịu và cứ nằng nặc đòi kêu cảnh sát.

Thấy thế, anh bồi bàn móc túi lấy ra 14 quan trao cho hai người khách và nói : “Đây tôi cho hai ông mượn để thanh tóan với bà chủ”.
Thế là nhờ anh bồi bàn mà Napoléon và viên sĩ quan mới có thể rời khỏi nhà hàng.
Một lát sau, viên sĩ quan tùy viên trở lại nhà hàng. Ông gặp lại bà chủ và nói
– Bà đã tốn kém mất bao nhiêu để tạo lập nhà hàng này ?
Bà chủ trả lời :
– 30.000 quan.
Viên sĩ quan mở chiếc cặp da xách tay lấy ra 30.000 đặt trên bàn và nói :
– Vâng lệnh của chủ tôi là hòang đế Napoléon, tôi xin bà sang lại nhà hàng này cho anh bồi bàn, người đã giúp chúng tôi đang lúc chúng tôi kẹt không có tiền.

Câu chuyện trên đây nói đến sự từ bỏ quên mình là vua của Hoàng đế Napoléon, và hành vi thông cảm cứu người của anh bồi bàn, đã nói lên Lòng quảng đại sẽ được đền đáp gấp trăm... như lời Chúa Giê su đã dạy những người muốn theo Chúa. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây :

Chúa nhật 02/7/2017 - Tuần 13 TN
Ðòi Hỏi Và Vinh Dự Của Môn Ðệ
Phúc Âm: Mt 10, 37-42

"Kẻ nào không mang lấy thập giá, thì không xứng đáng với Thầy; kẻ nào tiếp đón các con, là tiếp đón Thầy".
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các tông đồ rằng: "Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy, và kẻ nào yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.
"Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy; và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu".


Bài Tin Mừng hôm nay nói rất rõ. Chúa Yêsu tuyên bố: ai yêu mến cha mẹ, con cái hơn Người thì không xứng đáng là môn đệ của Người. Và Người còn đòi hỏi hơn nữa khi tuyên bố tiếp theo: "Kẻ không vác lấy khổ giá mình mà theo Ta, ắt không xứng với Ta". Nếu được phép làm một phân tích văn chương nho nhỏ, chúng ta có thể nói các đòi hỏi đã được đưa ra càng ngày càng gắt gao hơn. Ðầu tiên Chúa chỉ đòi người môn đệ phải yêu Người hơn cha mẹ; rồi Người bảo họ phải yêu Người hơn cả con cái là những giọt máu của chính bản thân mình; cuối cùng Người lại buộc họ phải vác lấy khổ giá mà đi theo Người tức là phải yêu Người đến nỗi không sợ chết và dám bỏ mạng sống vì Người.

Nói cách khác, Chúa đòi người môn đệ phải từ bỏ tất cả, ngay cả mạng sống mình để đi theo và yêu mến Người. Người không cho phép môn đệ nào được lấy cớ yêu cha yêu mẹ, yêu con cái hay sự sống của mình mà từ chối với Người một điều gì khiến Người thấy tình yêu của môn đệ đối với Người chưa thật hoàn toàn và Người chưa là tất cả đối với họ. Người đòi hỏi tình yêu tuyệt đối, nên Người không nhận làm môn đệ những kẻ muốn đi theo Người nhưng lại còn xin phép về nhà lo an táng cha hay thu xếp những công việc khác. Người có thể đòi hỏi như thế bởi chính Người đã từ bỏ tất cả vì môn đệ và để cho người ta trở thành môn đệ. Chúng ta đã thấy Người đã nộp mình chịu chết cho những kẻ Người thương yêu như thế nào. Tình yêu lớn lao như vậy và tuyệt đối như thế chỉ thấy người môn đệ xứng đáng khi họ cũng yêu tuyệt đối và lớn lao như vậy.

Tuy nhiên luận lý như trên hãy còn quá đơn giản. Chúng ta chưa hiểu bản chất con người đòi hỏi như vậy là ai. Không phải Người đã yêu và làm cho môn đệ như vậy nên Người đòi môn đệ phải yêu và phải làm như thế. Thực ra khi tuyên bố những đòi hỏi kia, Ðức Yêsu Kitô chưa nộp mình chịu chết cho môn đệ và môn đệ chưa thấy Người vác Thập giá đi trước để bảo mình phải vác khổ giá đi sau. Ðức Yêsu đã đưa ra những đòi hỏi tuyệt đối, không phải nhân danh sự chết của mình cho những người mình yêu thương, nhưng nhân danh bản tính Thiên Chúa ở nơi mình và vì mình là Thiên Chúa. Và Thiên Chúa và chỉ có Thiên Chúa mới có thể đòi hỏi một cách tuyệt đối như vậy. Mọi sự, mọi người và nhất là sự sống đều là của Thiên Chúa ban cho chúng ta. Người có quyền đòi chúng ta phải dâng tất cả lại cho Người, nhất là khi hiến dâng đây, chúng ta không những không mất mát mà còn được lãnh nhận gấp trăm, gấp nghìn.


Lạy Chúa Giê-su nhỏ bé và nghèo hèn, con muốn thực sự trở nên môn đệ của Chúa; có điều, như các tông đồ xưa, khi nghĩ tới trở thành môn đệ là con lại mơ ước ngay một chỗ cao sang trên trời. Xin cho con sáng suốt để nhận ra rằng phần thưởng Chúa hứa dành cho con quả thật là lớn lao không gì sánh bằng, vì là một Ki-tô hữu, chỉ khi nào con được ‘đồng hình đồng dạng’ với Đức Ki-tô, một đức Ki-tô nhỏ bé và khiêm hạ, phải chỉ khi đó, con mới đạt được cùng đích của đời mình mà thôi. A-men.

Không có nhận xét nào: