Thứ Hai, 3 tháng 7, 2017

Tin sẽ được phúc



Đây là một câu chuyện ngụ ngôn của người Do Thái. Người Do Thái là một dân tộc lạc quan, luôn mang theo hy vọng. Trong con mắt của họ, niềm hy vọng là một lá cờ bay cao trên con đường tiến về phía trước, có thể mang đến sức mạnh và dũng khí to lớn cho con người, dẫn lối cho họ trong muôn vàn khó khăn trên hành trình cuộc đời.

Lạc đà mẹ dẫn theo một bầy lạc đà con bước đi trong biển cát sa mạc không có lấy một bóng người. Chúng đã đi rất nhiều ngày, bởi vậy đều nóng lòng mau chóng được nhìn thấy một mảng màu xanh nào đó ở biên rìa sa mạc. Mặt trời nóng rát cháy trên mặt cát nóng, như thiêu như đốt và bầy lạc đà đều khô miệng khô lưỡi và vô cùng khát nước.

Tuy lạc đà là những “chiếc thuyền” trong sa mạc, nhưng nếu thiếu nước trong thời gian dài, chúng vẫn sẽ phải chết khát. Nước là lòng tin và cội nguồn để bầy lạc đà vượt qua sa mạc. Lúc này, lạc đà mẹ gỡ một thùng nước ở trên lưng xuống, nói với các con rằng: “Chỉ còn lại một thùng nước này, chúng ta phải chờ đến giây phút cuối cùng rồi mới uống, nếu không chúng ta đều sẽ không thể sống sót mà đi ra khỏi đây“.

Bầy lạc đà tiếp tục cuộc hành trình gian khó, thùng nước đó đã trở thành niềm hy vọng duy nhất của chúng, nhìn thấy thùng nước nặng trĩu, trong lòng mỗi con lạc đà đều dấy lên một loại khát vọng tha thiết đối với sự sống.

Bầy lạc đà tiếp tục cuộc hành trình gian khó, thùng nước đó đã trở thành niềm hy vọng duy nhất của chúng, nhìn thấy thùng nước nặng trĩu, trong lòng mỗi con lạc đà đều dấy lên một loại khát vọng tha thiết đối với sự sống.

Nhưng thời tiết thật sự quá nóng rát, có những con lạc đà thật sự không thể chịu đựng thêm được nữa.
“Mẹ ơi, cho con uống một ngụm nước đi“, một con lạc đà con nài nỉ cầu xin.
“Không được, số nước này phải chờ đến thời khắc gian nan nhất mới có thể uống, con hiện giờ vẫn còn có thể kiên trì thêm một lúc nữa“, lạc đà mẹ tức giận nói.

Cứ như vậy, lạc đà mẹ đã kiên quyết cự tuyệt lời nài nỉ của mỗi từng lạc đà con mong muốn được uống nước.

Trong một buổi hoàng hôn khi mà tất cả đã không tài nào gắng gượng tiếp được nữa, bầy lạc đà con phát hiện không thấy mẹ chúng đâu nữa, chỉ còn lại thùng nước đó trơ trọi đứng ở sa mạc phía trước mặt, trên cát viết một hàng chữ: “Mẹ không được nữa rồi, các con hãy mang theo thùng nước này, phải nhớ trước khi ra khỏi sa mạc, ai cũng đều không được uống số nước trong thùng này, đây là mệnh lệnh cuối cùng của mẹ“.Lạc đà mẹ vì sự sinh tồn của mọi người đã để thùng nước duy nhất lại, mỗi lạc đà con đều kiềm chế nỗi bi thương to lớn trong lòng mà tiếp tục cuộc hành trình. Thùng nước nặng trĩu đó được thay phiên truyền lại trên lưng mỗi con lạc đà, nhưng chúng cũng không nỡ mở nắp uống lấy một ngụm, bởi chúng biết đây là hy vọng duy nhất mà mẹ chúng dùng sinh mệnh của mình để đánh đổi lấy.

Cuối cùng, đàn lạc đà con từng bước từng bước thoát khỏi con đường tử vong, ngoan cường vượt qua khỏi sa mạc mênh mông đó. Trong lúc chúng vui quá mà khóc bởi đã có thể sống tiếp, chợt nhớ đến thùng nước mẹ chúng để lại.

Mở nắp thùng ra, thứ được đựng ở bên trong hoá lại là… một thùng cát!

Không phải tiền bạc, tài sản, gia tài cha mẹ để lại có thể giúp con cái có cuộc sống hạnh phúc. Người mẹ lạc đà trong ngụ ngôn của người Do Thái thực sự giỏi giang đã tạo ra được niềm hy vọng khi lên đường. Lạc đà mẹ, bằng chính sinh mệnh mình, giúp con hiểu rằng, chính hy vọng và niềm tin là không bao giờ mất, là đôi cánh nâng những đứa con qua những khó khăn, gian khó, trắc trở trong đời.

Thứ hai 03/7/2017 - Lễ Thánh Tô Ma Tông đồ
Lời Chúa: Ga 20, 24-29

(24) Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Ðiđymô, không ở với các ông khi Ðức Giêsu đến. (25) các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tôma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin". (26) Tám ngày sau, các môn đệ Ðức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Chúc anh em được bình an" (27) Rồi Người bảo Tôma: "Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin". (28) Ông Tôma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" (29) Ðức Giêsu bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!"

Trình thuật Tin Mừng hôm nay có thể được xem như là biểu tượng cho hành trình thiêng liêng của chúng ta. Cuộc đời chúng ta nếu không có Chúa sẽ “trở lại đường xưa lối cũ” của mê lầm tội lỗi. Không có Chúa mọi nỗ lực cố gắng về đường thiêng liêng trở thành luống công vô ích; nếu vắng bóng Chúa thì tất cả chỉ là “dã tràng xe cát biển đông”.
          Lời khẩn cầu của Tôma là lời khẩn cầu Chúa thương xót, cũng là lời khẩn cầu của từng người chúng ta. Thiên Chúa là tình yêu, là Đấng giàu lòng thương xót, và đã yêu thương chúng ta đến cùng (Ga 13,1). Chính vết thương nơi Thánh Tâm Chúa trên Thánh Giá là ấn tín của tình yêu vô biên và vô điều kiện, là nơi tuôn trào Máu và Nước trường sinh, là Nguồn Mạch Lòng Thương Xót.
          Chúng ta được mời gọi tin tưởng vào Chúa, lắng nghe tiếng Chúa và thực hiện lời của Người. Bởi vì có Chúa thì mọi công lao vất vả của chúng ta sẽ được ban thưởng như mẻ cá ắp đầy lạ lùng. “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37, 5).

Tâm tình :
Lạy Chúa Giê su, trong những ngày này, xin cho chúng con thêm xác tín vào quyền năng của Chúa, để năng thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, con tin ! Nhưng xin Chúa hãy trợ giúp lòng tin yếu kém của con!” (x. Mc 9,24). Con nhận thấy đức tin của con hiện vẫn còn yếu đuối và có nguy cơ chết dần do thiếu hành động, như lời thánh Gia-cô-bê: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Xin cho chúng con biết tuyên xưng đức tin bằng lời nói, và nhất là bằng các việc bác ái cụ thể như: thăm viếng, an ủi những người đau khổ; nhường cơm xẻ áo cho những người đói rách bất hạnh... như Chúa dạy và được Hội thánh tóm lại trong kinh “Thương người”. Vì đây là phương thế truyền giáo hữu hiệu nhất trong thế giới hôm nay.

Không có nhận xét nào: