Hàng ngàn người Dalit ước ao đổi sang Kitô giáo, vì bị chèn ép trong đạo Hindu
Thứ ba - 11/07/2017 19:19
Hàng ngàn người Dalits (tầng lớp tiện dân) ở quận Surkhet, Nepal, đã quyết định bỏ đạo Hindu để cải sang Kitô giáo dù không có linh mục rửa tội. Họ đã tổ chức một cuộc hội họp bí mật để cầu nguyện, xin Chúa Giêsu cứu họ.Tầng lớp người Dalits bị gạt ra bên lề xã hội bởi chính giai cấp của họ. Và họ đang mệt mỏi vì phải chịu sự phân biệt và những đe dọa nghiêm trọng. Có nhiều người ở quận Surkhet, phía Tây Nepal đã quyết cải sang Kitô giáo.
Trong đạo Hindu, những người Dalit không được xếp thuộc tầng lớp nào cả. Nên họ bị khinh bỉ, chịu rất nhiều thiệt thòi về kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục. Sanu Nepali, 21 tuổi, đã bị những thành phần thuộc tầng lớp cao cấp hơn đánh đập hôm 5/7. Họ cáo buộc anh đã tắm rửa trong khu vực nước uống công cộng, gây ô nhiễm về thể lý và hơn nữa là ô nhiễm về “tâm linh”. Anh đã qua đời trong bệnh viện.
Hai tháng trước, một cậu bé Dalit 9 tuổi tên Bhim Bahadur, cũng bị đánh đập tàn nhẫn chỉ bởi em đã dám bước vào nhà bếp của một gia đình có đẳng cấp cao hơn, ở làng Barahatal, cũng trong cùng một huyện.
Ước tính có 50.000 người Dalits ở quận Surkhet, vốn đang là nạn nhân của sự phân biệt nghiêm trọng. Họ đã quyết định bỏ đạo Hindu để bước vào Kitô giáo. Quyết định trên được đưa ra trong một cuộc họp với nhiều đại diện.
Lal Babu BK, một trong những người tham dự cuộc họp nói: “Hơn 200 người chúng ta quy tụ cùng nhau nơi đây để chuyển sang Kitô giáo, và để tự cứu lấy mình. Vì bắt buộc, tất cả chúng ta đã phải thực hành đạo Hindu qua nhiều thế hệ, Nhưng ngày nay đất nước đã tục hóa và đạo Hindu không cứu được chúng ta.
“Những kẻ hành hạ và làm nhục chúng ta đều là người Hindu như chúng ta thôi. Nhưng chúng ta lại bị đối xử. Thậm chí chúng ta không thể đụng chạm các tầng lớp cao hơn, không thể vào nhà của họ, không thể tiếp cận khu nước uống công cộng và không thể đến cả những nơi công cộng.“Vậy đạo Hindu có nghĩa lý gì? Chúng ta có được an toàn trong đức tin này không? Chúng ta kết luận rằng ‘không’ và quyết định cải đạo sang Kitô giáo.” Ông nói thêm: “Chúng ta gặp nguy hiểm ở mọi nơi và lúc nào cũng bị phân biệt. Vì thế chúng ta xin ân sủng từ Chúa Giêsu, vì chúng ta thấy rằng không có sự phân biệt trong đạo Kitô giáo. Chúng ta tin Chúa Giêsu có thể bảo vệ chúng ta.”
Ông Lal Babu BK kết luận: “Chúng ta quyết định như thế dù chưa thể tiếp xúc được với linh mục Kitô giáo, để được ngài rửa tội. Chúng ta sẽ làm thế và hy vọng một ngày nào đó các linh mục sẽ chào đón chúng ta.” Jayasara, mẹ của cậu bé 9 tuổi bị đánh nói: “Chúng tôi quyết định thế vì không còn cách nào để cứu chúng tôi”.
Binod Pahadi, một người Dalit và từng là nhà nhà hoạt động nói: “Đó không chỉ là vấn đề ở quận Surkhet, mà còn là cả nước. Có luật chống phân biệt đối xử, nhưng trên thực tế thì những người ở giai cấp thấp vẫn bị đàn áp mạnh mẽ.”...
Theo Asianews
Như bột được dậy men hay như hạt cải nhỏ bé lớn lên thành cây cao. Giáo Hội Chúa Ki Tô ngày ngày vẫn âm thầm lớn lên, phát triển mạnh mẽ dù bị nhiều thế lực chống đối, đàn áp, thậm chí tiêu diệt... Nhưng sức mạnh của Giáo Hội không phải do người đời, nhưng phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng hằng sống và ở giữa Giáo Hội mọi ngày cho đến tận thế. Xin Mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau đây :
Thứ hai 31/7/2017 - Tuần 17 TN
Lời Chúa : Mt 13,31-35
31 Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói : "Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. 32 Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất ; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được."
33 Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác : "Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men."
34 Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông ; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, 35 hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ : Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.
Giữa hạt cải, nắm men và một hạt cát chúng ta thấy có một điểm giống nhau: chúng đều bé nhỏ. Nhưng bên cạnh cái giống đó có một điểm khác biệt rất lớn: hạt cải và nắm men thì có sức sống còn hạt cát thì không. Ném hạt cát xuống đất thì nó vẫn trơ trơ, nhưng ném hạt cải xuống đất hay vùi nắm men vào thúng bột thì kết quả sẽ khác hẳn. Như thế, điều khác nhau và cũng là điều kỳ diệu giữa hạt cải, nấm men và hạt cát là sức sống bên trong.
Nếu ngày xưa mà nhóm 12 tông đồ chùn bước trước tình trạng đầy dẫy khó khăn do đế quốc Rôma gây ra thì đã không có Giáo Hội ngày nay.
Khi Chúa nói "Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ gieo trong ruộng mình. Hay như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men" (Mt 13,31-33), thì Chúa muốn cho chúng ta hãy biết nhìn cuộc sống này với niềm tin tưởng lạc quan. Nếu chúng ta nhìn cuộc sống bằng cặp mắt đen với màu xám xịt, chúng ta sẽ chỉ thấy cuộc sống toàn là một màu ảm đạm, nhưng nếu biết nhìn bằng cặp mắt tin tưởng và lạc quan, chúng ta sẽ thấy một thế giới vô cùng kỳ diệu và đáng sống chung quanh chúng ta.
Lạy Chúa Giê su, xin cho con một đức tin vững vàng, để hạt giống luôn nảy mầm trong con
Lạy Chúa, thế giới chúng con đang sống đầy thói hư tật xấu, đầy những đam mê lầm lạc, xin cho chúng con dám sống thánh thiện để xoá bỏ những thói đời điêu ngoa, những lối sống trụy lạc, những ham muốn tầm thường. Xin giúp chúng con biết gieo vãi vào nhân gian những việc lành đạo đức, những lối sống thánh thiện ngõ hầu biến đổi trần gian theo ánh sáng của Tin Mừng của Chúa. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét