Niềm vui đời dâng hiến
...Như cánh chim tung tăng bay lượn trên bầu trời tự do, người tu sĩ cũng nhẹ nhàng và thanh thoát như thế. Họ không phải là những người đi du lịch, tìm chỗ nghỉ dưỡng cho bản thân, nhưng là những con người luôn sẵn sàng ra đi để vun trồng Tin Mừng cứu rỗi. Đố ai có thể đếm được bao miền đất mà họ đã đi qua! Ngay cả khi giam mình trong dòng kín, tâm hồn người tu sĩ vẫn có thể vượt qua cánh cổng đan viện, vươn đến những mảnh đất nghèo tận trời xa. Một cảm giác không ai và không có gì có thể cầm giữ chân mình thật tuyệt dịu. Họ đến những nơi không ai muốn đến, họ gặp những người chẳng ai dám gặp, để nói những điều mà họ xác tín là chân lý cứu độ nhân gian. Đi đến đâu, họ nhóm lên ngọn lửa yêu thương, để mọi người được sống an vui trong an bình và thịnh vượng. Khi mọi thứ đã ổn định, họ âm thầm cất bước ra đi khi mặt trời còn đang say giấc, để tiếp tục tung bay đến miền đất mới, với cùng một nhiệt huyết và hăng say, mà chẳng cần ai ghi ơn hay tạc tượng kính nhớ. Họ cứ đi và đi mãi, như Giêsu, thần tượng của đời họ, cho đến khi đôi bàn chân bị ghim chặt vào cây thánh giá mới thôi. Mệt mỏi đấy, vất vả đấy… nhưng với họ, đó lại là niềm vui!
Thật lạ kỳ: sự thinh lặng, sự từ bỏ và sự ứng trực ra đi là thảm họa với nhiều người, nhưng lại trở thành niềm vui của người sống đời dâng hiến. Đối với các tu sĩ, thinh lặng không phải là tự kỷ nhưng là để gặp gỡ và chuyện trò; từ bỏ không phải là mất mát, nhưng là để có và sở hữu nhiều hơn; ứng trực ra đi không phải bấp bênh nhưng là để dựng xây và nối kết. Bằng chính lối sống của mình, người tu sĩ làm thức tỉnh thế giới khỏi giấc ngủ mê lầm của công danh, tiền tài và ngẫu tượng. Họ trở thành dấu chứng chắc chắn cho sự hiện hữu của Thiên Đàng, nơi mà người ta chỉ chăm chú hướng về Chúa và không còn một sự hăm hở nào về những phù hoa. Thế đấy, niềm vui của đời dâng hiến là được trở nên chiếc thang nối liền trời và đất, hệt như cây thập giá năm xưa đứng hiên ngang cho thân mình Đấng Cứu Tinh tựa vào mà chiến đấu với sự ác. Đời dâng hiến đích thực là một cây thập giá vì nó đòi phải hy sinh rất nhiều. Nhưng Chúa cần cây thập giá ấy để treo mình lên cao mà ban phát ơn cứu độ cho muôn dân nước. Ước gì mỗi người tu sĩ thực sự trở thành cây thập giá của Chúa, luôn nằm đằng sau Chúa, dính liền với Chúa, trở thành một khí cụ trong tay Chúa, và không bao giờ là một cản trở cho công cuộc cứu thế của Chúa. Niềm vui của đời dâng hiến chỉ đơn giản là thế thôi!
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Giữa muôn vàn khó khăn của cuộc sống bôn ba trôi nổi hôm nay, vẫn có những con người tự nguyện dâng hiến đời mình cho lý tưởng, cho một đối tượng cao cả để phục vụ hy sinh quyên mình, như bài viết của tác giả Hoàng Nam trên đây. Những người này đã đi theo một tình yêu dâng hiến, như Giê su được cha mẹ đem lên đền thờ Giê ru sa lem tiến dâng theo luật Mô sê khi xưa...Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau đây :
22 Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa," 24 và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.
25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông.
26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. 27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người,
28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
29 "Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ 31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài."
33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người.
34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng;
35 và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà."
Tâm tình : Lạy Chúa Giê su, theo luật Mô sê "mọi con trai đầu lòng phải gọi là của Thánh, dành cho Chúa" Vì sinh ra làm người như chúng con nên Chúa cũng được dành riêng dâng trong
đền thờ làm lễ vật tiến dâng cho Thiên Chúa ...còn con nhiều khi dành cái tốt, cái đẹp cái ngon cho riêng mình, muốn ôm lấy tất cả, dành lấy mọi sự để vun quén cho mình giàu thêm về tinh thần cũng như vật chất mà không biết hoặc biết mà cố tình ôm giữ bo bo những thứ phù vân chóng qua... Lạy Chúa, có những thứ con đã dâng cho Chúa rồi nhưng sau đó lại thu về, lấy lại ...chẳng khác gì con nít, mặc dù những thứ con dâng cũng đều do Chúa ban cho ! Xin cho con biết mình là ai, tồn tại bao lâu, đã sống ra sao ? thời gian còn lại phải thay đổi lối sống như thế nào để sau khi nhắm mắt xuôi tay lòng con được an nghỉ trong vui mừng vì dành được phần thưởng không bao giờ tàn lụi là được sống bên Chúa sau một đời hiến dâng tất cả cho Ngài Amen
đền thờ làm lễ vật tiến dâng cho Thiên Chúa ...còn con nhiều khi dành cái tốt, cái đẹp cái ngon cho riêng mình, muốn ôm lấy tất cả, dành lấy mọi sự để vun quén cho mình giàu thêm về tinh thần cũng như vật chất mà không biết hoặc biết mà cố tình ôm giữ bo bo những thứ phù vân chóng qua... Lạy Chúa, có những thứ con đã dâng cho Chúa rồi nhưng sau đó lại thu về, lấy lại ...chẳng khác gì con nít, mặc dù những thứ con dâng cũng đều do Chúa ban cho ! Xin cho con biết mình là ai, tồn tại bao lâu, đã sống ra sao ? thời gian còn lại phải thay đổi lối sống như thế nào để sau khi nhắm mắt xuôi tay lòng con được an nghỉ trong vui mừng vì dành được phần thưởng không bao giờ tàn lụi là được sống bên Chúa sau một đời hiến dâng tất cả cho Ngài Amen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét