Lạn tương Như được phong làm tướng quốc. Liêm Pha cậy mình có nhiều công hơn mà lại bị đứng dưới, nên tức giận hăm he hễ gặp mặt Tương Như là giết đi. Tương Như vì thế cứ lánh mặt mãi... Một hôm Tương Như ra ngoài, gặp toán lính tiền đạo của Liêm Pha, vội sai tên đánh xe đi tránh vào trong ngõ, đợi Liêm Pha đi qua rồi mới đi ra. Bọn xá nhân thấy thế càng giận bèn họp nhau hỏi Tương Như :
- Chúng tôi bỏ nhà cửa, xa thân thích đến đây hầu ngài, tức coi ngài là bậc thượng phu nên mến mà theo.Nay ngài cùng Liêm tướng quân cùng hàng mà hạng thứ lại ở trên. Liêm Pha dọa, ngài đã không báo lại, đã tránh ở triều, nay lại tránh ở ngoài đường. Sao ngài lại sợ quá thế vậy ? Chúng tôi lấy làm xấu hổ, vậy xin đi không ở nữa.
Tương Như nói :
- Các ngươi xem Liêm tướng quân có hơn được vua Tần không ?
Bọn xá nhân đáp :
- Không.
Tương Như nói :
- Lấy cái oai của vua Tần, thiên hạ ai dám chống, mà Tương Như này dám mắng giữa triều đình, lại làm nhục cả quần thần nữa. Tương Như dẫu hèn, há lại sợ một Liêm tướng quân ư ? Nhưng ta nghĩ Tần sở dĩ không dám đánh Triệu là vì e có ta và Liêm tướng quân. Nay hai con hổ tranh nhau, thế không cùng sống. Tần nghe tin, tất thừa cơ đánh Triệu. Ta sở dĩ chịu nhục tránh Liêm tướng quân là coi việc nước là trọng và thù riêng là khinh vậy thôi.
Bọn xá nhân mọp lạy mà rằng :
- Tiểu nhân chúng tôi trí hẹp làm gì hiểu nổi đại chí của tướng công. .
Liêm Pha khi nghe thuật lại việc làm của Tương Như cả thẹn than rằng :”Ta thật còn kém Lạn tương Như xa lắm”. Bèn đến tạ tội với Tương Như, quì mọp mà rằng :”Tôi tính thô bạo, đội ơn tướng quân bao dung, nghĩ lấy làm hổ thẹn quá”. Tương Như đỡ dậy, nắm tay cùng khóc và kết làm bạn sống chết với nhau.
(Nguyễn duy Cần, Cái DŨNG của thánh nhân, 1958, tr 162-163)
Bài học về sự hiền lành nhịn nhục của Đức Giêsu đã được Tương Như thi hành đến triệt để, mặc dầu chưa được nghe đến bài học ấy. Chính Đức Phật Thích Ca cũng dạy tương tự :”Lấy oán báo oán, oán ấy chập chùng. Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan”. Nho gia cũng dạy :”Dĩ đức báo oán”. Tertulliano nói :”Kẻ bị sỉ nhục, dùng sỉ nhục để báo thù, có khác gì người sỉ nhục họ không ? Chẳng qua là những kẻ cùng làm quấy như nhau, chỉ khác kẻ trước người sau mà thôi vậy”.Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau :
Thứ Ba 27/9/2016 - Tuần 26 TN
Phúc Âm: Lk 9:51-56.
Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Ngài nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. Ngài sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Ngài, vì Ngài đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem. Thấy thế, hai môn đệ Ngài là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: "Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?" Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác.
Suy niệm :Tính nóng nảy và ngạo mạn khiến hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an suýt chút nữa mất khôn. Nóng nảy muốn trả đũa, thiêu đốt đám dân làng Sa-ma-ri-a không đón tiếp Chúa Giê-su, coi thường các môn đệ; ngạo mạn vì nghĩ rằng lẽ ra với một người danh tiếng như Thầy mình, người dân ở đây phải ra nghênh tiếp vì ngưỡng mộ. Chúa Giê-su quở trách hai ông, vì chuyến vi hành của Ngài lên Giê-ru-sa-lem lần này là để chịu đau khổ vì yêu thương con người, lẽ nào trên đường đi Ngài không bày tỏ lòng thương xót ấy. Trong kinh Cải Tội Bảy Mối, sự hờn giận đứng ở giữa. Hờn giận dễ dẫn đến thái độ thiếu khiêm tốn, mất bình tĩnh, nóng nảy đòi trả đũa những ai coi thường mình. Nói theo Thánh Phao-lô, lòng bác ái phải bao hàm sự nhẫn nhục, hiền lành (1Cr 13,4).
Tâm tình :
Lạy Chúa Giê-su, Chúa là mẫu gương thương xót cho con. Xin ban cho con lòng hiền lành, kiên nhẫn, dẹp bỏ sự tức giận. Xin giúp con vượt qua tính nóng giận, mong trả đũa, để xây dựng bầu khí yêu thương huynh đệ trong cộng đoàn con. Amen.
Tâm tình :
Lạy Chúa Giê-su, Chúa là mẫu gương thương xót cho con. Xin ban cho con lòng hiền lành, kiên nhẫn, dẹp bỏ sự tức giận. Xin giúp con vượt qua tính nóng giận, mong trả đũa, để xây dựng bầu khí yêu thương huynh đệ trong cộng đoàn con. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét