Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2019

Cứu người không chỉ là nghĩa vụ mà là lệnh truyền


Kết quả hình ảnh cho giúp người


Nam tâm sự với cô giáo của mình rằng: "Khi dưới nước cứu người không sợ, khi về nhà rồi mới thất thần. Lỡ có việc gì thì...". Nam chọn lao về phía nguy hiểm để cứu người theo bản năng, hành động đó không phải để nhận... bằng khen. Rồi chính quyền huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã đến nhà Nam tuyên dương và khen thưởng. 
      Việc khen thưởng kịp thời của chính quyền, thậm chí là cả nút like, share tưởng như vô hồn trên mạng xã hội về hành động của Nam đã góp phần nhân lên cái đẹp, lan tỏa đi điều tử tế. 

Đọc bản tin Nam được khen, không ít người đọc cảm thấy hài lòng, mát dạ, càng tâm phục khẩu phục hành động của Nam. 
      Vâng, trước dòng thác lũ cuồn cuộn thông tin câu view, sống ảo bất chấp, hành động của Nam như viên ngọc lấp lánh tình người.

Bốn tháng trước, clip hai chị nhân viên gác chắn đường ray xe lửa dũng cảm băng vào trước đầu toa xe rùng rùng lao tới để cứu bà cụ thoát chết ngay trong 2 giây đã được cộng đồng mạng lan truyền như một cơn bão. 
       Khi nhận khen thưởng, chị Lan, một trong hai nữ nhân viên dũng cảm, chia sẻ rằng: "Chúng tôi cứu người không phải để được khen thưởng mà đó là bản năng, phản xạ của tình người trước hoạn nạn".
       Việc khen thưởng không chỉ là lời cảm ơn của xã hội trước hành động đẹp mà còn giúp hình ảnh đẹp lan tỏa đi xa hơn.
       Sự xả thân có thể trả giá bằng tính mạng, những người may mắn cứu được người sống sót vẹn toàn là kỳ diệu, nhưng cũng có người không làm được điều đó. 

Chàng sinh viên Quảng Nam lao ra giữa dòng nước cứu hai nữ sinh tại Huế rồi vĩnh viễn nằm lại với biển khơi, nhưng hành động đẹp đó luôn được lan tỏa và truyền đi cái đẹp cho đời vĩnh cửu.
       Không chỉ dũng cảm mà cả sáng kiến bất ngờ, táo bạo trong cách cứu người cũng rất đáng khen.        Bác sĩ Lê Văn Lâm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, mới đây đã được Thủ tướng khen kịp thời về hành động dùng bia cứu người ngộ độc rượu thoát chết là điển hình như vậy. 
      Bởi chưa ai biết điều gì sẽ xảy ra với sự nghiệp bác sĩ Lâm nếu bệnh nhân hôm đó được cấp cứu bằng 5 lít bia mà họ không qua khỏi (!?).
      Nhiều người nói xã hội bây giờ quá khắt khe với lời khen hoặc ngược lại khen thưởng thường không đúng chỗ. 

Với những hành động đẹp, chân thành, việc khen thưởng không chỉ giúp người được nhận thấy được giá trị của bản thân mình, sự tự tin, mà còn giúp tình người xích lại gần nhau hơn, ấm áp hơn. 
      Khen thưởng đúng lúc là liều thuốc cổ vũ đưa con người đi đến cái đẹp, cái thiện lành, lấy cái đẹp dẹp tan điều xấu. 
     Mọi người khi thấy người có hành động đẹp được khen, ai cũng thấy mát dạ, từ đó có thể xem lại mình, tự điều chỉnh. Cần phải khen đúng lúc, đúng chỗ là vì thế.

Chúa nhật 14/7/2019 - Tuần 15 TN
Lời Chúa : Lc 10, 25-37

Khi ấy, có người thông luật kia đứng lên hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi và người thân cận như chính mình.” Ðức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”
Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Ðức Giêsu rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” Ðức Giêsu đáp: “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samaria kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiều, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”. Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Ðức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Có lẽ câu hỏi của người luật sĩ hôm nay cũng là nỗi thao thức khao khát của mỗi người kitô hữu chúng ta. Chúng ta khao khát được sự sống đời đời, muốn được lên thiên đàng và chúng ta cũng biết phải làm gì để được điều đó. Nhưng chúng ta cũng như những người biệt phái chỉ còn thiếu có một điều thôi. Chúa Giêsu đã nhắc nhở người luật sĩ cũng như nhắt mỗi người chúng ta “hãy đi và làm như vậy”.
      Vâng, chúng ta biết muốn lên thiêng đàng thì phải yêu mến Chúa hết lòng, nghe lời Chúa dạy và thực thi bác ái yêu thương đối với anh em mình. Nhưng từ cái hiểu biết đến hành động sao mà khó quá.
      Yêu Chúa hết lòng là phải dành thời gian cho Chúa, thờ phượng Chúa bằng cách đi lễ, đọc kinh, nhưng sao chúng ta cảm thấy như không có giờ dành cho những chuyện đó.
      Yêu mến tha nhân, thực thi bác ái là chúng ta làm với hết tấm lòng, nhưng sao khi chúng ta làm thì vẫn còn những toan tính cá nhân, hơn thua, vụ lợi.

Lạy Chúa, giữa bộn bề của cuộc sống, con mải lo cho những bận tâm của mình nên dễ quên mất người anh em bên cạnh con đang cần được quan tâm chia sẻ. Xin cho con biết “nhín” một ít thời gian, một ít của cải, hay là chỉ là những quan tâm nho nhỏ để con học từ Thầy bài học: Hãy dám làm chứ đừng chỉ dám nói. Amen.

Không có nhận xét nào: