Người Hồi giáo thường nói đến ý nghĩa và giá trị của lòng sám hối qua câu chuyện tưởng tượng như sau:
Một hôm Allah, Đấng Khôn Ngoan, truyền cho một sứ thần xuống trần gian để tìm cho được điều tốt đẹp nhứt và mang về thiên quốc.
Vị sứ thần đáp ngay xuống một trận chiến nơi máu của những vị anh hùng đang chảy lai láng như biển hồng đỏ thắm. Vị sứ thần thu nhặt một ít bông hồng thắm ấy và mang về trình cho Đấng Allah. Nhưng Đấng Allah xem ra không hài lòng mấy. Ngài nói: “Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều quý giá, nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhứt dưới trần gian”. Vị sứ thần đành phải giáng trần một lần nữa. Lần này, ngài gặp ngay một đám tang của một người giàu có, nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi theo đàng sau quan tài, vừa đi vừa khóc lóc, vừa xông hương để biểu lộ lòng biết ơn của họ đối với vị đại ân nhân. Vị sứ thần bèn thu nhặt hương thơm ngào ngạt vào bình bạch ngọc mang về trời. Lần này, Đấng Allah mỉm cười đón lấy mùi thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng. Ngài nói: “Dĩ nhiên, lòng biết ơn là một trong những điều tốt đẹp và hiếm có dưới trần gian. Nhưng ta nghĩ rằng còn có một cái gì khác tốt đẹp hơn”.
Lại một lần nữa, vị sứ thần đành phải vâng lệnh Allah để trở lại trần gian. Phải mất một thời gian lâu, sau khi đã đi rảo khắp bốn phương, vị sứ thần mới tìm hiểu được điều mong mỏi. Một buổi chiều nọ, ngồi nghỉ mệt bên vệ đường, ngài bỗng thấy một người đàn ông ngồi bên cạnh khóc sướt mướt. Vị sứ thần được người đàn ông giải thích như sau: “Tôi đã chiều theo cơn cám dỗ để phạm tội… Giờ đây, nước mắt là cơm bữa từng ngày của tôi”. Vị sứ thần bèn đưa tay hứng lấy những giọt nước mắt như ngọc rơi còn nóng hổi ấy vào chiếc lọ pha lê và vội vã bay về trời. Đấng Allah nhìn thật lâu vào những giọt nước mắt và mỉm cười nói với vị sứ thần:
“Thế là ngươi đã hoàn thành tốt sứ mệnh. Quả thật dưới trần gian, không có gì đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối, bởi vì nó có sức canh tân cuộc sống. Tuy nhiên, người đã thấy đó, trước khi vui mừng, Ta đã nhìn thật kỹ xuyên qua những giọt nước mắt. Một dòng sám hối giả dối không có ích lợi gì cả. Một sự sám hối thành thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân của Tình yêu”.
Thứ ba 14/7/2020 - Tuần 15 TN
Lời Chúa : Mt 11, 20 – 24
20 Bấy giờ Người bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối: 21 "Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. 22 Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. 23 Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. 24 Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi."
Đức Giê-su đã đến trần gian loan báo Tin mừng tình thương và Ngài mời gọi con người “Hãy sám hối và tin vào Tin mừng.” Bản thân Ngài chính là tin mừng cứu độ, là nguồn ơn giải thoát. Để củng cố cho lời rao giảng, Ngài đã thực hiện nhiều phép lạ chữa lành, xoa dịu nỗi khổ đau của chúng sinh. Thế nhưng con người với bản tính ích kỷ, lòng dạ kiêu căng đen tối không đón nhận Tin mừng Ngài đem đến đã khiến Ngài phải nặng lời quở trách: “ "Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din ! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối….” Kho-ra-din, Bết-xai-đa, Ca-phác-na-um là những thành phố ven biển hồ Ga-li-lê khá phồn thịnh và có trình độ văn hóa; Là những nơi đã in nhiều dấu chân rao giảng của Đức Giê-su, đã chứng kiến phần lớn những phép lạ người làm. Nhưng có lẽ sự kiêu căng và tự mãn bởi giàu sang và tri thức đã khép lòng họ, khiến họ không thể mở lòng đón nhận Tin mừng của Ngài để sám hối và canh tân.
Sám hối – một từ quá quen thuộc, người ta có thể rất hay nói về nó, có thể dùng nhiều từ hoa mỹ để diễn tả, hoặc đọc kinh để sám hối, hay xưng tội để sám hối…,nhưng lại không hiểu hết ý nghĩa của nó. Vì đã sám hối là phải canh tân, là cuộc sống phải biến đổi. Muốn sám hối người ta phải có lòng khiêm tốn biết mình, nhận ra ân huệ và tình thương Chúa dành cho mình trong cuộc sống, nhận ra tội là sự xúc phạm đến Thiên Chúa và tình thương yêu của Người, nhận ra những sai trái lầm lỗi của mình, thật lòng thống hối và quyết tâm sửa chữa. Giáo lý nhà phật coi sám hối như là một cách tu luyện để được tái sinh: “Chỉ có sám hối nghiệp chướng của mình thề không tái tạo, mới được vãng sanh…đoạn ác tu thiện mới chính là sám hối.” (văn phát nguyện sám hối). Đức Giê-su mời gọi sám hối - Ngài đã thiết lập bí tích hòa giải, hay còn gọi là bí tích sám hối như một phương thế để người Ki-tô hữu có điểm dừng, có hồi tâm xét mình để biết mình, để hoán cải sửa chữa những lầm lỗi. Thế nhưng có được bao người Ki-tô hữu lãnh nhận bí tích hòa giải trong tinh thần sám hối thực sự, hay coi đó chỉ như hành vi đi “đổ rác”, hoặc để giữ luật, hoặc chỉ vì gượng ép…. Vì thế mà tội xưng xong thì “mèo lại vẫn hoàn mèo” - Không có gì đổi mới, không có gì canh tân.
Tâm tình :
Lạy Chúa Giê su, sám hối tự mình con không thể làm được nếu không có ơn Chúa trợ giúp. Xin giúp con nhận ra lỗi lầm của con và kiên trì quyết tâm sửa đổi. Amen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét