Đức cha Jean Cassaigne sinh ngày 30.01.1895 tại Toi Urgons-Grenade nước Pháp; thụ phong Linh mục ngày 19.12.1925 thuộc Hội thừa sai Paris; ngày 06.04.1926 Ngài xung phong lên đường sang Đông Dương truyền giáo, sau một tháng lênh đênh trên biển cả Ngài mới cặp bến cảng Sài Gòn , sau đó về Cái Mơn với cha Delignon để học tiếng Việt. Chỉ 5 tháng sau khi đến Việt Nam Ngài được bổ nhiệm làm cha xứ Di Linh, một vùng đất còn hoang sơ của Cao nguyên Trung phần, nơi mà dân cư toàn là người dân tộc thiểu số, cuộc sống thiếu thốn khó khăn mọi bề. Giáo xứ của cha Cassaigne đầu tiên chỉ có 5 giáo dân gồm 3 người Việt , một “anh nuôi” và chú giúp việc. Đến với miền đất mới cha Cassaigne tiếp cận ngay với người dân tộc bản địa; nhưng để có thể trò chuyện thân mật với họ Ngài tức tốc học tiếng, lúc ấy tiếng dân tộc ở miền này chỉ mới là ngôn ngữ để nói chứ chưa có chữ viết. Ngài phải thường xuyên tiếp xúc, lần mò từ từ, và sáng tạo ra cách phiên âm, chẳng lâu sau đó Ngài đã hiểu , nói thông thạo tiếng bản địa, Ngài còn dịch được một số kinh, bài hát ra tiếng dân tộc; độc đáo hơn, ngày 28.12.1929 lần đầu tiên một cuốn tự điển tiếng K’Ho do Ngài biên soạn được xuất bản trước sự thán phục của nhiều người.
Buổi đầu về nhận xứ Ngài bận bịu với biết bao công việc, một mặt lo truyền đạo, dạy đạo, mặt khác là nâng cao đời sống, dân trí cho bà con, ban ngày Ngài qui tụ trẻ em để dạy chữ, chiều đến phải lo cho các lớp giáo lý tân tòng, sau giờ cơm tối lại dạy học cho người lớn. Đâu chỉ có thế, lúc ấy Ngài còn có biệt danh”Oâng lớn làm thuốc”, bất cứ ai đau ốm đều tìm đến Ngài để được chữa trị hoặc được phát thuốc, mọi người qúi mến Ngài, xem Ngài như vị cha chung. Sự tận tâm tận lực của Ngài đối với những người nghèo, người phong cùi cùng với sự tác động của Thánh thần chiều ngày 7.12.1927 một người phong cùi trong cơn nguy tử đã xin Cha Cassaigne rửa tội. Ngài sung sướng thốt lên:” Đây là niềm vui vĩ đại đầu tiên từ sau ngày mình được chịu chức và dâng lễ mở tay”.Kể từ đó số giáo dân bắt đầu tăng lên, một năm sau giáo xứ Di Linh đã có 48 tín hữu, và cứ tăng dần theo thời gian, bao lao nhọc , vất vả của “người gieo giống” nay đã tới mùa gặt hái…
CHA CỦA NHỮNG NGƯỜI BỊ XUA ĐUỔI
Dù bận bịu trăm công nghìn việc nhưng Cha Cassaigne vẫn dành nhiều thời gian để tìm đến với những người phong cuì bị gia đình, dòng họ ruồng rẫy, xua đuổi vào chốn rừng sâu mặc cho bệnh tật, đói lạnh, có khi họ còn làm mồi cho thú rừng. Sau những lần băng rừng lội suối đem lương thực, thuốc men đến cho họ, Ngài càng cảm thương trước những số phận hẩm hỉu ấy. Một lần cuối mùa thu năm 1928, , khi đang một mình băng qua đường rừng vắng đến thăm một buôn làng ở xa, thì một đoàn 10 người phong cùi rách rưới, dơ bẩn nằm la liệt trên đường kêu gào thảm thiết, họ sụp lạy dưới chân Ngài và xin Ngài cứu giúp họ. Ngài không cầm được nước mắt, hình ảnh những người xấu số cứ ám ảnh tâm trí, nhiều đêm trằn trọc không ngủ được vì Ngài luôn nghĩ đến những thân phận bị ruồng bỏ, bị loại trừ. Tình yêu thương đã thôi thúc Ngài lập làng cùi, những chòi nhà sàn đơn sơ được dựng lên ở khu đất trống dưới chân đồi gần mé ruộng cách nhà xứ KaLa gần 1km. Có nhà rồi ,Ngài lại băng rừng , kiếm tìm và đưa họ về chung sống, để chăm sóc và chữa trị bệnh tật trước sự “ghê tởm” của không ít người. Thật may mắn ngày 11.04.1929 làng cùi chính thức được công nhận và được trợ cấp của chính quyền, lúc ấy đã qui tụ được 21 người, họ yên tâm vui sống bên cạnh người cha hiền, không còn sợ sự nghi kỵ, xa lánh của người thân, họ hàng… Một thánh lễ đầu tiên được cử hành trong một nhà nguyện nhỏ ngay tại làng cùi ngày 15.03.1936 thật đầm ấm và dạt dào yêu thương. để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong những người phong cùi.
Thứ sáu 10/7/2020 - Tuần 14 TN
Lời Chúa : Mt 10, 16-23
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu. Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì Danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Israel, thì Con Người đã đến.”
Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu đã tiên báo về các bách hại đó. Những gì Ngài phải chịu thì các môn đệ cũng sẽ phải chịu, vì tôi tớ không hơn chủ, môn đệ không hơn thầy. Hãy để ý đến những động từ nói lên nỗi thống khổ của các Kitô hữu: bị nộp, bị đánh đập, bị điệu ra nơi hội đường và trước mặt vua quan, bị tra hỏi, bị thù ghét và cuối cùng là bị giết, có khi bởi người nhà (c. 21). Những điều này Đức Giêsu đều đã trải qua. Mọi sự họ chịu đều “vì Đức Giêsu”, “vì Danh Đức Giêsu” (cc. 18. 22). Nơi tòa án, có sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa Ba Ngôi.“ Chính Thần Khí của Chúa Cha sẽ nói trong anh em” (c. 20), để giúp anh em can đảm tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, Con Cha. Bởi đó người Kitô hữu ra tòa mà lòng rất bình an, chẳng lo gì (c. 19). Họ được Thiên Chúa dạy điều phải nói và Thần Khí nói qua miệng họ. Với sự nâng đỡ đặc biệt ấy, họ có thể bền chí đến cùng và sẽ được cứu độ.
Các Kitô hữu sẽ còn bị bách hại đến tận thế. Họ không phải là những người thích tỏ ra mình anh hùng, đòi tử đạo. Nhưng họ là những người khiêm tốn, khôn ngoan, biết trốn đi thành khác khi bị bắt bớ ở thành này (c. 23). Chịu bách hại là điều nằm trong ơn gọi của người Kitô hữu, là cái giá phải trả để sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Ngay cả ở những quốc gia tây phương tự hào là có tự do tôn giáo, vẫn có những kiểu bách hại ngấm ngầm và tinh vi, khác với kiểu đòi bước qua thánh giá thời vua Minh Mạng, Tự Đức.
Sống là Kitô hữu như Đức Kitô muốn đòi ta phải lội ngược dòng. Lội ngược dòng bao giờ cũng khó và làm người khác bực bội, sợ hãi. Làm sao để các bạn trẻ Công Giáo dám sống theo những giá trị của Giêsu? Làm sao để các gia đình Công Giáo không bị thói đời lôi cuốn?
Lạy Chúa Giê su, giữa một thế giới mê đắm bạc tiền, xin được sống nhẹ nhàng thanh thoát. Giữa một thế giới lọc lừa dối trá, xin được sống chân thật đơn sơ. Giữa một thế giới trụy lạc đam mê, xin được sống hồn nhiên thanh khiết. Giữa một thế giới hận thù, tuyệt vọng, dửng dưng, xin được chia sẻ yêu thương, an bình và hy vọng.
Lạy Chúa Giêsu mến thương, xin dạy chúng con biết cách làm chứng cho Chúa giữa cuộc đời. Xin giúp chúng con tìm ra những cách mới để người ta tin và yêu Chúa. Ước gì hơn hai tỉ người Kitô hữu vẫn giữ được vị mặn của muối và sức biến đổi của men, để chúng con làm cho thế giới này mặn mà tình người, và làm cho trần gian trở thành tấm bánh thơm ngon. Xin cho Thiên Chúa Cha được tôn vinh qua những việc tốt đẹp chúng con làm cho những người bé nhỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét