Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017

Cứu người là ưu tiên số một



Kết quả hình ảnh cho cứu người là trên hết


Ông Phạm Văn Thắng đã có 45 lần hiến máu nhân đạo để cứu người.
Với 45 lần hiến máu nhân đạo (trong đó có 20 lần hiến máu trực tiếp), ông Thắng là hội viên có số lần hiến máu nhân đạo nhiều nhất trong Câu lạc bộ (CLB) hiến máu nhân đạo của xã Phú Đông. Ông Thắng bày tỏ, mỗi năm xã của ông hiến tặng trên 100 đơn vị máu cho các bệnh viện để cứu người. Các thành viên trong CLB hiến máu nhân đạo của xã là nòng cốt của phong trào. "CLB có 30 thành viên, các thành viên trong CLB đều là hội viên ngân hàng máu sống của các bệnh viện lớn tại TP.Hồ Chí Minh. Chỉ cần một cuộc điện thoại từ bệnh viện gọi, tôi và các hội viên nhanh chóng lên đường để hiến tặng lượng máu cần thiết cho đội ngũ y, bác sĩ thực hiện thành công các ca mổ để cứu người"- ông Thắng nói.

Không chỉ tự nguyện hiến máu cứu người, ông Thắng còn vận động 4 người con trong gia đình hiến được 16 đơn vị máu, nhận mỗi tháng hiến 1 đơn vị máu cho một cháu bé ở huyện Nhà Bè (TP.Hồ Chí Minh). Ông Thắng tâm niệm, lượng máu hiến của ông và các hội viên hiến tặng tuy không nhiều, nhưng nó là thứ mà người bệnh rất cần để duy trì sự sống, người thầy thuốc có thêm cơ hội cứu người lúc nguy kịch. Cho nên, ông và các hội viên không ngại hiến tặng thứ mình sẵn có bằng một tấm lòng, nghĩa cử thiện nguyện, không bao giờ đòi hỏi thù lao, sự đền đáp. 
Đoàn Phú
Câu chuyện về tình nguyện hiến máu cứu người của ông Thắng đã đánh động nhiều người, qua đó ta nhận thấy ấm lọng vì giữa một xã hội "vô cảm" này vẫn còn đõ những người hy sinh thân mình để cứu người khác. Bài Tin Mừng sau đây còn nói lên một con người vĩ đại hơn cao cả hơn. Ngài đến cứu con người bất kể người đó là ai, là người thế nào ? Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau đây :

Thứ tư 18/01/2017 - Tuần 2 TN
PHÚC ÂM: Mc 3, 1-6
"Trong ngày Sabbat được cứu sống hay là giết chết?"


Khi ấy, Chúa Giêsu lại vào hội đường và ở đó có một người khô bại một tay. Người ta để ý quan sát xem Chúa có chữa bệnh trong ngày Sabbat không, để tố cáo Người. Chúa bảo người có tay khô bại rằng: "Ngươi hãy đứng ra giữa đây". Rồi Người bảo họ: "Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ? Được cứu sống hay là giết chết?" Nhưng họ thinh lặng. Bấy giờ Người thịnh nộ đưa mắt nhìn họ và buồn phiền vì lòng họ chai đá, Người bảo bệnh nhân rằng: "Hãy giơ tay ra". Người đó giơ tay ra và tay anh ta được lành. Lập tức, những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Người và tìm cách hại Người. Đó là lời Chúa.

Suy niệm :
Hôm nay Chúa Giêsu lại gặp phải vấn đề ngày Sabat đối với một nhóm người thuộc về tòa Công Luận. Họ có nhiệm vụ vào Đền Thờ quan sát mọi người, nhất cử, nhất động của người khác trong hội đường đều không thể qua mắt họ. Việc đến Đền Thờ để thợ phượng là việc phụ. Việc theo dõi, quan sát, bắt bẻ người khác mới là việc chính. Đối tượng mà hôm nay họ nhắm đến chính là Chúa Giêsu, khi có một người bị bại tay cũng vào Đền Thờ: “Họ rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy vào ngày Sa bat không?” (Mc 3, 2).
Luật Do Thái rất chi tiết về ngày Sabat. Chỉ khi nào mạng sống con người bị đe dọa mới được được chăm sóc thuốc men thôi. Vì vậy nếu có một người bị tường sập đè lên, thì người ta chỉ cần dọn dẹp để xem người ấy còn sống hay không. Nếu còn sống thì trợ giúp. Nếu đã chết thì để đó chứ không được kéo ra. Một ngón tay bị đứt thì được băng bó chứ không được xức dầu. Nghĩa là chỉ được phép cứu sống chứ không được phép làm cho giảm đau.
Như vậy về mặt lý thuyết, mạng sống của người bại tay không hề lâm nguy. Nhưng Chúa Giêsu chẳng những cho người ta được sống, mà còn phải sống dồi dào. Ngài không để cho luật lệ làm cho người khác phải khổ sở.
Ngài đặt cho nhóm Pharisêu này hai câu hỏi: “Trong ngày Sa bat được làm điều lành hay điều dữ”? Dĩ nhiên điều lành phải làm và điều dữ thì bất cứ ngày nào cũng không được làm. Bỏ mặc một người tàn tật khi có thể giúp người ấy được là một điều dữ. Cho nên phải giúp người tàn tật, vì đó là điều tốt.
Câu hỏi thứ hai là ngày Sabat giết người hay cứu người là hợp pháp. Câu hỏi của Chúa Giê su sâu xa hơn nhiều. Hành động cứu người của Chúa Giêsu sẽ mở ngõ cho hành động kết án và giết chết Ngài của những người Pharisêu. Vì vậy câu hỏi này đánh trúng vào tim đen của họ, vạch trần sự thật nơi bản thân của họ, khiến họ rất đau. Chúa Giêsu có ý muốn nói ngày Sabat tôi cứu người, còn các anh giết người. Chúng ta không ngạc nhiên khi “họ làm thinh”. Nhưng trong sự thinh lặng của họ là cả một sự uất ức. Chính vì vậy họ đã “lập tức bán tính với phe Hêrôđê để giết Đức Giêsu”.

Qua câu chuyện này tôi nhận thấy có hai lối sống đạo. Một lối sống theo hình thức, lễ nghi giống như những người biệt phái và Pharisêu. Cũng giống như một số người nghĩ rằng giữ đạo là đi lễ ngày Chúa Nhật, không cướp của giết người, không ngoại tình… là đủ rồi; mà không dấn thân vào những việc lành phước đức, không thực thi lòng thương xót, không biết hy sinh hãm mình…
Còn Chúa Giêsu, đạo là phục vụ, là mến Chúa, yêu người, là nhạy cảm trước nỗi đau của người khác và đưa tay ra san sẻ với họ.


Tâm tình:
Lạy Chúa, xin cho con thay đổi cách thức sống đạo của con bằng cách thay đổi tận con tim. Xin cho con đừng quá nệ vào hình thức mà bắt người khác phải chịu đau khổ vì những luật lệ. Nhưng cho con biết hướng đến tình yêu để giúp người khác có thể chạy đến với lòng thương xót của Chúa.

Không có nhận xét nào: